1. Mình nhớ có một câu chuyện vui: Hai chàng trai cùng nhau dạo chơi trên đồng cỏ. Bất chợt họ nhìn thấy một con bò. Oái oăm ở chỗ, con bò có vẻ hết sức hung hãn và giận dữ. Hai chàng vội lao như tên bắn về phía hàng rào gần nhất. Con bò hùng hục lao theo như một cuộc truy đuổi trong phim hành động. Hai chàng sợ hãi và luống cuống nhận ra khó có thể trèo qua hàng rào để tẩu thoát. Quá hoảng hồn, một chàng hét lên: “John, cậu có biết cầu nguyện không? Chúng ta sẽ chết mất!”.
Người tên John cũng hét lên: “Nhưng tớ không biết cầu nguyện”.
“Cậu nhất định phải cầu nguyện đi”.
Người đồng hành với John vừa chạy vừa phì phò: “Con bò sắp bắt kịp chúng ta rồi, đó là cách duy nhất chúng ta hy vọng sống đấy”.
“Thôi được rồi, tớ sẽ cố!”.
John vắt óc nghĩ xem mình cần cầu nguyện như thế nào. Và rồi, anh ta nhớ ra lời cầu nguyện duy nhất mà bố mẹ anh thường dùng trước mỗi bữa ăn tối: “Ôi thưa Thượng đế, xin hãy để cho chúng con thực sự biết ơn vì những gì mà chúng con sắp nhận được!”.
Mình cứ tủm tỉm mãi về câu chuyện vui này. Hình dung ra cảnh tượng hai anh chàng chạy đua với con bò và lời cầu nguyện...
Nhưng mỗi lần cười xong, lại lặng người suy nghĩ. Không phải chuyện về con bò mà về LÒNG BIẾT ƠN. Chẳng phải, trong lúc bối rối nhất, anh chàng John vẫn nhớ về Lòng biết ơn đó thôi.
Và mình tin rằng, trong cuộc đời này, nếu mỗi người luôn biết bày tỏ lòng biết ơn, người đó sẽ tìm được sự bình an tự tại trong tâm hồn. Xã hội vì thế cũng sẽ nhân văn thêm bội phần.
2. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, mình BIẾT ƠN lắm lắm những năm tháng cơ hàn khốn khó. Nhờ chúng mình biết trân trọng miếng ăn theo nghĩa thực của từ này. Hồi nhỏ, mỗi lần đánh rơi dù chỉ một hạt cơm, một cọng rau cũng cẩn trọng nhặt lên, “thổi phù phù” và cho vào bát ăn tiếp. Mỗi hạt cơm là một hạt ngọc. Thấu cảnh nhà nghèo nên ngồi học trong lớp dẫu cái bụng luôn réo gào cũng chẳng một lời kêu than. Bởi vậy sau này, khi miếng ăn không còn quá quan trọng, mình vẫn thường tạo dựng trong gia đình những bữa ăn đầm ấm, vui vẻ, sum vầy. Với mình, khi đó, ăn không phải chỉ “cho hết đói” mà điều cốt yếu là “ngôi nhà chỉ thực sự là mái ấm khi nó chứa lửa và thức ăn của tâm hồn”. Mình luôn tâm niệm, nếu tâm hồn bị bỏ đói thì con người ta sẽ trở nên trống rỗng hoang hoải và dễ cạn tình.
3. Mình BIẾT ƠN những ngày giá rét. Mùa đông tuổi nhỏ cái rét buốt tê tái tận tâm can. Có chiếc áo khoác vá chằng vá đụp, anh mặc đi học buổi sáng, em mặc buổi chiều. Có hôm anh về muộn, em phong phanh quáng quàng đến lớp với đôi môi tím tái và manh áo mỏng rách tả rách tơi. Qua những hẻm núi, gió thông thốc thổi như muốn hất tung thằng bé còi cọc, nhỏ nhoi, đen đúa. Giữa đường, thấy bóng anh sấp ngửa chạy như bay về nhà nhường áo cho em, nước mắt ứa ra mặn chát. Vậy là đứng nấp vào một góc, đợi anh chạy ngang qua mới lẻn ra lao vù đến lớp. Cứ thế mùa đông nối mùa đông tuổi thơ nghèo khổ trôi qua trong gió hoang tàn âm u tủi cực. Rồi suốt thời sinh viên vẫn áo một manh quần một mảnh giữa giảng đường hay trong căn nhà lá xập xệ gió lộng tứ bề. Nhớ lần đi thực tập, giữa sân trường chiều đông hun hút gió, thấy mình đứng co ro lập cập, thầy giáo hỏi: “Sao em không mặc thêm áo vào”. Lòng nghẹn đắng mà không dám thưa thầy em có mỗi chiếc áo bông hôm qua em lỡ giặt chưa khô. Câu chuyện ấy theo thầy đến cả mấy chục năm sau... Nhưng chính sự chịu đựng những mùa đông khắc nghiệt đến không thể khắc nghiệt nào hơn ấy đã thôi thúc mình phải gắng học miệt mài...
3. Mình BIẾT ƠN cái đận tưởng nhầm đạm là đường, thèm quá bốc tọt một nắm nuốt lấy nuốt để, rồi sau đó là mồm miệng sưng vù lở loét. Ấu thơ thèm ngọt đến mức mỗi lần ai nhắc đến từ “rét ngọt” lại lẩn mẩn nghĩ xem ai đã cho thêm đường vào rét để gọi tên cảm giác ngọt ngào thấm thía của cái rét vùng chiêm trũng quê mình. Thời “cuồng đường” đã qua. Nhưng chính những cơn thèm, cơn mê đường ngọt ấy đã giúp mình hiểu, đời sống cần biết bao nhiêu sự ngọt ngào. Dẫu đời sống vật chất đủ đầy đến mấy mà sống với nhau nhạt nhẽo khô khan, băng lạnh thì cũng hoang hoải lắm. Rất cần cho thêm “đường” vào cuộc sống của nhau để biết tìm hơi ấm như bàn tay nắm lấy bàn tay trong những ngày rét ngọt.
4. Mình BIẾT ƠN những trò chơi tuổi nhỏ, những ngày được sống cùng thiên nhiên nơi đồng bãi. Mình nhớ khu vườn nhà thường có chim về đậu. Chúng nương xuống cành cây khi màn đêm buông xuống, ríu ran trong những vòm lá thẫm xanh rì. Thuở ấy, nghe chim hót chỉ thấy vui tai, thấy bớt đìu hiu. Lớn lên, nghĩ lại những tiếng chim, thấy mình thực sự đang “sống”, thấy yêu khúc nhạc của tự nhiên mà mình đã từng được tận hưởng, thấy một tuổi thơ êm đềm và rực rỡ... Bởi lẽ đó, môi trường tự nhiên trong lành chính là cách làm cho tâm hồn thêm phong phú và biết sống tử tế. Mình không biết ơn sao được.
5. Mình BIẾT ƠN những kiến thức, kĩ năng tích lũy được bằng những trải nghiệm va đập quăng quật. Những kiến thức đủ để mình biết giới hạn, biết lánh xa những ồn ào, bon chen hào nhoáng mong manh của kiếp người. Và đủ bình tĩnh thẩm thấu những giá trị nhân văn. Đủ chỗ cho những mơ mộng. Đủ trong lặng để bao dung, nhân ái, khoan hòa...
6. Mình BIẾT ƠN “Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”, “những mối tình câm/ Mối tình nói và mối tình bỏ dở”... Mới thêm trân quý biết bao nhiêu nghĩa tình hiện tại. Cái “cô dâu 8 tuổi” nhà mình luôn khiến mình nhớ đến câu nói của nhà thơ Khalil Gibran: “Vẻ đẹp của người phụ nữ không phải ở khuôn mặt. Vẻ đẹp đích thực là nguồn sáng tự trong tim”. Thật thế!
7. Và đặc biệt nhất mình BIẾT ƠN con trai. Có con trai, mình như được sinh ra thêm lần nữa. Có con, mọi phù phiếm danh lợi, mọi đua chen giành giật, mọi sân hận đều không có chỗ. Mình dành thời gian để nghĩ về con, để chăm bẵm, nâng giấc con, để hồi hộp nhìn con lớn lên trong vóc dáng, hình hài thân thương đến từng mi li mét... Đang viết những dòng này thì nhận được tin nhắn của con trai. Và lòng biết ơn con trai thấm đẫm vị mặn mòi của nước mắt hạnh phúc: “Bố ơi! Hôm nay, sinh nhật Bố có vui không bố? Con ở xa quá không dự sinh nhật Bố được nhưng con lúc nào cũng nghĩ về Bố của Con. Bố ơi! Con rất nhớ những lần sinh nhật Bố, con được đàn cho Bố nghe. Giờ thì xa quá. Nhưng con vẫn luôn có một bản nhạc hay nhất của tâm hồn mình để dành tặng Bố. Bản nhạc có tên: Con yêu thương, mãi mãi yêu thương và kính trọng Bố! Con chúc Bố ngủ ngon và chào đón tuổi mới trong niềm hạnh phúc... Bố mãi mãi ở BÊN, ở TRONG và ở GIỮA Mẹ và Con, Bố của Con à!”.
8. Mình BIẾT ƠN... Nhiều nhiều lắm làm sao nói hết...
Càng cao tuổi mình càng nhận ra rằng: Không phải có hạnh phúc mới khiến chúng ta biết ơn mà chính thái độ biết ơn mới khiến chúng ta hạnh phúc. Mình thì luôn muốn HẠNH PHÚC thật nhiều. Nên mình cũng sẽ BIẾT ƠN thật nhiều. Và bây giờ, mình BIẾT ƠN tuổi mới, BIẾT ƠN những bông hoa tâm hồn, những lời chúc ngọt ngào ấm áp của những người thương yêu, của bạn bè, học trò... từ muôn nẻo. Nên mùa đông không rét, nên cho dù phải nói “Già ơi, chào mi!” vẫn thấy lòng tràn ngập những yêu thương...
(Viết trong ngày sinh nhật 30 tháng 11 năm 2015)