Hồi nhỏ, mình sợ ông Ba Bị. Trong trí nhớ non nớt, chẳng hiểu ông hình thù thế nào nhưng trẻ con cứ thì thầm về ông trong các câu chuyện kể hàng đêm. Giữa đường khuya và trăng thanh, cả lũ nói về ông với một nỗi lo lắng mơ hồ. Rằng ông có thể hiện ra bất cứ lúc nào, một tay cầm bị, một tay “vơ” những đứa trẻ hư bỏ vào túi. Rằng cái túi của ông thì khiếp lắm. Nó to như cái bao tải thóc của hợp tác xã. Vậy nên, hễ đứa nào mà ọ ẹ cất tiếng khóc đêm, ông sẽ xuất hiện liền. Để tăng thêm nỗi sợ hãi cho bọn trẻ, thi thoảng những người lớn trong làng còn đọc: Ba bị chín quai mười hai con mắt đi bắt trẻ em. Mình khiếp nhất cái chi tiết “mười hai con mắt”. Như thể trong màn đêm tối đen ông vẫn nhìn rõ khắp bốn phương tám hướng. Trẻ con đứa nào còn nhăn nhó, đứa nào hờn lẫy, đứa nào không chịu ngủ là ông xông tới. Nỗi ám ảnh về ông Ba Bị theo mình suốt cả một dọc dài ấu thơ hồn nhiên mà thân thương đến lạ.
Hồi nhỏ, mình sợ những cây đa, cây gạo vì câu hát: Thần cây đa, ma cây gạo. Với bọn trẻ làng mình, trong mỗi cây đa, cây gạo đều ẩn chứa những vị Thần, những con ma huyền bí. Vậy nên, ban ngày thì chạy chơi mệt nhoài quanh cây nhưng tối về, khi đường làng thập thững màn đêm là mình sợ phải đi qua những cây đa, cây gạo. Cây đứng sừng sững đầu làng, sát chợ. Những hôm phải dậy sớm đi chợ, hay đi kéo vó đơm lờ, mình cứ cắm cúi rảo bước thật nhanh qua những tán cây tối om đang thì thào gió lá. Mình tưởng như có vị thần cây đang ngái ngủ. Chợt nhìn thấy đứa trẻ, ông sẽ cất tiếng gọi: “Này, cậu bé, đi đâu mà sớm thế”. Giọng của vị thần sẽ ồm ồm. Ừ đúng rồi, vị thần nào giọng chẳng ồm ồm. Như kiểu vị thần trong truyện A la đanh ấy. Khi đó mình sẽ trả lời thế nào nhỉ: “À, à, cháu đi chợ sớm thôi ạ! Cháu hiền lành, ngoan lắm ạ...”. Rồi chắc hẳn mình sợ quá, sẽ toát hết mồ hôi và chẳng còn biết nói gì thêm nữa. Nghĩ đến đó mình co giò chạy một mạch. Gió và lá vi vút đuổi đằng sau. Chỉ sợ một chặp thôi, khi trời bừng sáng, lại cùng cả bọn tíu tít quanh gốc cây chơi trò đuổi bắt. Mỗi đận xuân về, hoa gạo thả bừng những đốm lửa đỏ trên nền trời quê mát dịu. Cả đám nhặt hoa, gom lại để “nấu” những nồi cơm xinh xinh, bé xíu. Hoa gạo đốt lòng trẻ trâu đồng bãi. Hoa gạo nhóm lên tình thân gắn bó của những đứa trẻ chân đất đầu trần. Chơi thì chơi vậy nhưng cả bọn luôn dặn nhau đừng ngắt lá, bẻ cành, sợ thần trong cây, sợ những con ma đang ngồi thao láo nhìn bọn trẻ chơi đùa trong cây ấy sẽ tức giận mà quở phạt. Nỗi sợ sao lung linh, trong trẻo thế!
Hồi nhỏ, mình sợ phải hái trầu vào ban đêm. Không chỉ vì đọc bài thơ: Đánh thức trầu của nhà thơ Trần Đăng Khoa mà vì mẹ mình luôn dặn: “Con mà không gọi trầu dậy để hái là ngày mai cả giàn trầu của mẹ sẽ lụi mất đấy”. Giàn trầu bên bờ dậu quanh năm xanh tốt của nhà mình đã gắn bó với mẹ như một người thân trong gia đình vậy. Nó là niềm nương tựa của mẹ mình mỗi khi ốm đau buồn tủi. Mình thường thấy mẹ lui cui chăm giàn trầu. Cái dáng tảo tần của mẹ hòa lẫn vào màu xanh của lá trầu trông liêng biêng như một nửa vầng trăng khuyết. Vậy nên không thể nào để giàn trầu lụi được. Kẻo không mẹ sẽ buồn lắm. Bởi thế, mỗi lần được mẹ sai hái trầu vào buổi đêm sương ướt lạnh, bao giờ mình cũng lẩm nhẩm: “Nào, tao hái lá đây, trầu ơi, trầu ơi, dậy đi nhé...”. Đánh thức chán chê rồi nhưng khi tay chạm vào từng đọt lá, mình vẫn thấy hồi hộp, run run. Vài ba lá trầu thơm mùi hăng hăng trong lòng bàn tay nhỏ bé. Vài ba giọt sương mang hơi lạnh đọng trên đầu ngón tay. Vài ba vì sao khuya lung linh trên nền trời đêm xanh thẫm... Tất cả đọng lại trong trí nhớ của mình, lung linh, kì bí.
Ngày bé, mình sợ mỗi lần bố cắt tiết gà. Trẻ con nông thôn thời nghèo khó, mỗi lần được ăn thịt gà là đại tiệc. Chỉ khi nào gà toi, gà rù mới được thịt. Mình nhớ mỗi lần phải “chia tay” với một chú gà là cả nhà buồn lắm. Bố tần ngần xách gà ra sân và rồi, trong cái nhìn đầy âu lo của mình, bố lẩm nhẩm đọc, bố thì thầm vỗ về con gà: Tao hóa kiếp này cho mày sang kiếp khác gà nhé. Mình cứ suy nghĩ mãi về câu nói đó. Đơn giản vậy thôi nhưng nó gợi trong tâm hồn ấu thơ trong trẻo của mình bao điều về nhân sinh, về tạo hóa. À hóa ra, có một cái gì đó gọi là “kiếp sau”, nó tồn tại đâu đó với những biến hóa kì ảo. Mình cứ mông lung trong chập chờn niềm tin hư thực. Sau này lớn lên, đọc sách và tìm hiểu, mình vỡ ra nhiều điều. Và mình thầm cảm ơn bố, một người nông dân hiền lành, chất phác! Dù chẳng được học qua trường lớp nào nhưng bố luôn dạy mình niềm tin về nhân sinh thánh thiện, trong lành. Cho mình biết sợ...
Ngày bé, mình sợ...
Những nỗi sợ đó chẳng làm cho người ta yếu đuối mà ngược lại giúp con người sống nhân văn hơn, từ tâm hơn. Bởi nó cho ta biết ranh giới giữa cái tốt và cái xấu, cái hiền hòa và bạc ác, cho ta hiểu về “vạn vật hữu linh”, về tình yêu giữa người với người, giữa người với thiên nhiên, cây cỏ, với đồng bãi và vạn vật quanh mình.
Vậy nên, ngày hôm qua, khi nhìn cảnh những thân cây cổ thụ bị đốn nằm ngổn ngang giữa lòng thủ đô, trong ngực mình trào lên những nỗi niềm xót xa không thể tả.
Có ai biết linh hồn cây đang nghẹn thắt chảy thành từng dòng nhựa tuôn như máu ứa.
Có ai biết nỗi niềm cây yêu thương, thủy chung với thành phố, tưởng chừng như sẽ gắn bó sắt son với mảnh đất này mà một sớm mai bị lìa cành ngác ngơ, ngơ ngác...
Mình đã yêu thương gắn bó với những tán cây đó biết bao nhiêu. Cây thanh lọc tâm hồn. Cây làm dịu đi mỏi mệt đường xa cho bao bước chân lữ thứ. Mình đã mơ một hôm nào đó, giữa cơn mưa run rẩy của đất trời, được đứng dưới những cây bằng lăng xòe tán, lá rụng chờ mưa thấm đất cho cây dịu cơn đau và mình đỡ cơn buồn. Vậy mà giờ chúng nằm ngổn ngang như những dấu hỏi in trên nền trời nhức nhối.
Rồi một sớm mai này, bé em được mẹ đèo đi học có còn được nghe tiếng gió hát trên tàn cây bát ngát. Có còn được dõi mắt tìm một chú chim sẻ non lạc trong những tán cây sum suê, xào xạc gió. Hay chỉ còn lại những tiếng quát nạt, tiếng còi xe, tiếng làu bàu, tiếng cằn nhằn nhức nhối...
Đám trẻ bây giờ liệu có còn biết “sợ” trước thần cây đa, ma cây gạo? Cây cối đổ ngổn ngang, những lễ hội chém lợn, đập đầu trâu... có còn khiến chúng “sợ” về một thế giới huyền bí, luân hồi?
Ở Nhật Bản, sau khi động đất, người ta tìm những cây còn sót lại để ghi vào mỗi thân cây rằng: Cây này đã dũng cảm vượt qua trận động đất. Ghi để mọi người đi qua, nhìn vào cây như nhìn một chiến binh vĩ đại đã can trường chống chọi với thiên nhiên.
Ở nhiều quốc gia thuộc Châu Mỹ, người ta từng muốn loại bỏ hoa bồ công anh. Bởi đó là loài cỏ dại mọc nhanh, tràn lan khắp từ cao nguyên đến đồng bằng. Mỗi mùa hoa đến, tơ của chúng bay lờ lững, mỏng manh tràn ngập không gian. Chúng khiến những em bé, những người già dễ mắc bệnh hô hấp. Vậy nên nhiều người tuyên chiến với hoa và muốn phá bỏ hoàn toàn những cánh đồng hoa bồ công anh. Thế nhưng, cuối cùng họ vẫn tìm giải pháp là sống chung. Họ đóng cửa nhà. Họ dùng khẩu trang. Và đến giờ hoa bồng công anh vẫn nở ngút ngàn. Hoa vẫn thỏa sức đùa với gió trên những cánh đồng hoa li ti ngập trắng chân trời. Người và hoa nương tựa vào nhau. Hài hòa, bất tử...
Trong cuộc sống, thật không có hành động nào dễ dàng hơn phá bỏ và hủy diệt!
Nhưng chỉ khi còn biết đến những “nỗi sợ”, người ta mới có thể dừng tay trước những tàn phai, trước những cuộc chia tay âm thầm làm khuyết rỗng cả chân trời!
Thế mới biết, trên đời này, sợ nhất là khi không còn biết sợ!