Mới hơn bốn giờ chiều mà Hà Nội sâm sẩm tối. Có lẽ do trời âm u, lại chưa đến giờ bật đèn đường nên có cảm giác thành phố chuẩn bị vào đêm. Gió bấc thổi hun hút. Trong quán cóc nơi bến xe, tôi nép mình vào bức tường chắn để tránh ngọn gió rét nhưng mảnh bạt che phía trước cửa liên tục bị gió thổi tốc lên đập phành phạch vào cây cột chống mỏng mảnh. Mỗi lần như vậy gió thốc vào luồn qua vài lần áo mỏng làm tôi rét run, hai hàm răng va nhau lập cập. Tự trách mình vô tâm. Đáng lẽ dịp cuối năm sắp vào tiết đại hàn, đi đâu phải mang theo áo ấm. Nhưng buổi trưa lúc ở nhà trời nắng hanh nên chỉ khoác thêm cái áo gió. Ai ngờ lên đến đây mới thấy sự bất cẩn đã làm hại mình.
Sự bất cẩn ấy cũng bởi vì giữa buổi sáng nghe đứa cháu gọi về: “Bố cháu bị tai nạn”. Chỉ nói có vậy rồi cúp máy luôn. Hỏi lại rằng tai nạn thế nào, có nặng lắm không thì không thấy trả lời. Chắc là bị nặng nên vội. Thế là tôi cuống lên. Chẳng gì mình với ông ấy cũng là anh em họ. Nhận được tin con ông ấy báo về mà không lên thì chẳng đành lòng. Nhưng công việc cuối năm còn đang dang dở nên cố sắp xếp. Vậy mà mãi trưa mới đón được xe đi Hà Nội. Mấy giờ đồng hồ gà gật trên xe, đến Hà Nội thì trời sẩm tối. Vốn dân quê nên chả biết đường, hỏi mấy tay xe ôm thì toàn ông ấm ớ cũng không biết. May sao có một gã bảo tôi biết nhưng ngần ngại bảo sắp đến giờ cao điểm mà đi tận đấy thì gay. Thôi ông lên xe nhanh. Rồi ấn vào tay cái mũ bảo hiểm mỏng manh như thể làm bằng bìa. Vội đến không kịp mặc cả, vừa leo lên xe thì hắn đã phóng vút đi như ma đuổi làm tôi suýt lộn cổ ra khỏi yên xe vì tay đang mải cài quai mũ.
Xe chạy được nửa tiếng thì tắc đường. Nhìn phía trước đặc những người là người. Mặt ai cũng loang lổ ánh sáng đèn đường và đèn hậu của xe cùng chiều. Tiếng ào ào của hàng ngàn chiếc xe máy ô tô dội vào tai trong khi mùi khét mùi khói thải từ các ống xả dưới mặt đường thổi lên làm đầu óc nôn nao. Sốt ruột nhích từng vòng bánh xe, cứ được vài mét lại giật khựng lại, người chúi về phía trước... y như thể bị bất ngờ xô vào tường chắn. “Còn xa không?”. Gã lái xe cấm cảu: “Xa! Cứ tốc độ này thì vài tiếng nữa”. Hoang mang sợ trời tối thế này thì không biết có tìm ra nhà ông anh vì cả chục năm rồi mình chưa ghé qua. Chỉ nhớ mang máng là ở làng hoa gần Hồ Tây...
Ngồi sau xe ngửi mùi khen khét bụi đường quyện mùi mồ hôi của gã lái xe, đoán chắc tay này vốn dân quê lên Thủ đô tác nghiệp. Vất vả mưu sinh nơi đô hội hành trang chỉ là cái xe máy ghẻ và hắn cũng đang sốt ruột cố bòn nhặt từng đồng để vợ con ở nhà có cái tết. Nghĩ cũng thương.
Rồi lại nghĩ ông anh dở hơi này đã hơn sáu mươi rồi, con cái thành đạt cả rồi, kinh tế cũng khá vì vừa bán mấy chục mét vuông đất thổ cư thu tiền tỷ, vậy thì tội gì phải lập cập để đến nỗi tai nạn.
Đầu óc mông lung vơ vẩn tự hỏi. Quên hết ù ào xe cộ tắc đường, quên cả phong phanh áo mỏng giữa trời đông lạnh. Chỉ mong chóng đến nơi.
***
Lão tên là May. Trần Công May.
Không biết có phải số mệnh con người được ảnh hưởng bởi cái tên hay không mà đời lão gặp toàn may mắn. Đi bộ đội dăm năm, đã từng trải chiến trường ác liệt. Vẫn trở về lành lặn như thể bom chê đạn tránh, chẳng sốt rét nhiễm độc như bao đồng đội khác. Y như lão được miễn dịch do cái tên bố mẹ đặt cho.
Đến việc lấy vợ là việc hệ trọng của cả đời mà lão vẫn gặp may. Ngày ấy Thủ đô vẫn tàu điện leng keng, người nào sang thì có được cái xe đạp. Anh chàng bộ đội phục viên Trần Công May vừa ra quân được nhận vào làm công nhân nhà máy cơ khí. Phấn đấu vài năm, lão được mua phân phối một cái xe đạp. Của quý. Sang quá đi ấy chứ. Nhưng khổ nỗi lão chưa biết đi xe. Chưa biết thì phải tập. Mất dăm chủ nhật, tốn một khoản khơ khớ đến mấy đồng bạc, thuê một tay đồng nghiệp to khoẻ như lực điền làm nhiệm vụ chạy theo giữ xe cho khỏi đổ trong khi lão vặn người chân đạp tay run. Rồi tay lái đã hơi vưng vững, lão dong xe ra phố. Đi ngon phết. Nhưng đường thẳng thưa người thì ngon, vào ngã tư người qua lại như mắc cửi thì hoảng. Lão tông thẳng vào một cô gái. Mà sao ngày ấy người ta yếu ớt đến vậy, cô gái bị xe đạp xô bị gãy tay. Chuyện tày đình bất biết phải trái cứ xe đạp xô ngã là vi phạm luật giao thông.
Cô gái phải vào bệnh viện. Người gây tai nạn phải đền bù chăm sóc để tránh tội đồ hình sự. Và rồi tình yêu nảy nở giữa kẻ gây tai nạn và người bị hại. Vậy là lão có vợ gốc làng hoa Hà Nội. Lại nữa, cô gái là con một. Lão trở thành người Hà Nội.
Làng xóm trầm trồ. Mỗi lần về quê lão được mọi người quý hoá. Cái sự quý hoá còn nằm trong cái nghĩa tri ân. Vì họ hàng làng xóm mỗi khi phải đi bệnh viện Trung ương đều tá túc nhà lão. Rồi sau này con cháu trong họ đi học đại học đều gửi gắm vào nhà với lý do đơn giản: “Bác là người trong họ lại ở Thủ đô mong bác quan tâm đến cháu”. Chả tiện từ chối bởi người Hà Nội gốc vốn thanh lịch nên vợ lão là người chịu trận. Cô gái gẫy tay năm xưa hết lòng cung phụng đám họ hàng cơ nhỡ, tìm nhà trọ cho các cháu sinh viên vừa dưới quê lên, thăm hỏi quan tâm từng đứa như là nghĩa vụ phải thực thi, chẳng mảy may kêu ca lấy nửa lời. Lão hãnh diện vì là công dân thủ đô và hãnh diện vì chẳng gì mình cũng được bà con hàng xóm nể vì.
Riêng đối với tôi là anh giáo làng dẫu nhà có túng một tý nhưng vẫn cố xoay xoả rồi cũng ổn, ơn giời vẫn mạnh khoẻ, chưa bao giờ phải nhờ đến lão việc gì. Điều ấy làm lão nể. Vợ con lão cũng nể. Hơn nữa có việc gì quan trọng của nhà lão như việc học hành của con cái hoặc việc về hưu sớm của lão đều hỏi ý kiến tôi. Biết mình chỉ là dân quê, cứ thật thà mà góp ý nên công việc của lão đều suôn sẻ. Vợ chồng con cái nhà lão nể là từ những việc như vậy.
Cách đây hai tháng khi vừa ở trường về nhà đã thấy lão May ngồi chễm chệ trên bộ bàn ghế giữa nhà.
- Sao bác về mà không gọi cho em?
Lão cười:
- Chú lúc nào chẳng ở nhà. Gọi điện làm gì rồi phiền chú thím phải lo lắng tiếp đón.
Nghe lão nói vậy đột nhiên thương lão. Thương bà chị dâu tốt tính. Mỗi lần có họ hàng lên nhờ vả thì lo lắng vất vả chạy ngược xuôi. Vậy mà nếu sơ sẩy một tý thì còn bị oán trách. Cho nên khi về quê cố gắng khỏi phiền luỵ đến ai để thành ra mắc nợ. Thì ra người Hà Nội cũng chẳng sung sướng gì. Y nghĩ vậy. Càng nghĩ càng quý vợ chồng lão.
Đợi cho tôi bỏ cái cặp sách vào bàn viết ra ngồi đối diện, lão May hỏi ngay:
- Lâu nay chú có qua lại thư từ với ông Quyền không?
Quyền là bạn chiến đấu cùng tiểu đội với tôi hồi chiến tranh biên giới. Giờ hắn đang là phó chủ tịch quận. Cũng đã lâu tôi không liên lạc gì. Vì mặc cảm mình là anh giáo làng còn bạn là lãnh đạo ở Thủ đô. Nhưng may tôi vẫn lưu số điện thoại của hắn.
- Có việc gì vậy anh?
Ông anh họ đắn đo một tý rồi bảo:
- Chú điện lên chỗ ông ấy giúp tôi một việc được không?
Chết tôi rồi. Lão có việc cần nhờ vả. Chắc là phạm pháp hoặc làm ăn đổ bể cần trợ giúp để thoát tội chăng. Tôi ngần ngừ nín thinh. Mình không thể tiếp tay cho việc sai trái. Tính tôi vẫn thế.
Lão đoán được ý nghĩ của tôi hay sao mà cười cười:
- Yên tâm đi. Không có gì quan trọng đâu.
Rồi như người mắc lỗi đang âm mưu một việc gì đó, lão bỏ vị trí đối diện nhảy sang ngồi bên và ghé sát tai tôi để thì thào:
- Chú nói với ông Quyền can thiệp để phường và tổ dân phố đồng ý cho tôi dựng hai cái cột đèn chiếu sáng cho sân cầu lông. Cái sân cầu lông ngay trước nhà tôi đấy. Trăm sự nhờ chú đấy.
Tiếng nói khào khào cùng tiếng thở của lão May làm tôi thấy rờn rợn bên tai.
Mấy năm trước trong một lần lên chơi tôi đã biết nhà lão nằm cuối một cái ngõ cụt của khu đô thị mới chuyển từ làng lên phố. Ngõ này phía ngoài thì thót lại chỉ đủ cho hai xe máy tránh nhau, nhưng đoạn cuối trước nhà lão đột nhiên phình ra một khoảng có diện tích đến dăm sáu chục mét vuông. Như thể hình dạng cái hồ lô. Rồi căn cứ hình dạng ấy, Hồ lô thành tên gọi của cái ngõ. Khu phố đã biến khoảnh đất phình ra ấy thành sân chơi sinh hoạt chung để ngăn chặn ý đồ các hộ hai bên lăm le lấn chiếm. Khi phong trào thể thao cầu lông phát triển thì người ta đổ bê tông làm thành sân thi đấu. Cũng kẻ sơn, lưới bóng rất chuyên nghiệp. Lão May là thành viên của câu lạc bộ cầu lông của khu phố, dẫu lão tuổi cao và trình độ vụt cầu lông như thể trẻ con đập ruồi. Vì tay vợt của lão xếp hạng siêu bét nên thường được cử làm trọng tài đếm bóng cho bọn trẻ thi đấu nội bộ. Mỗi lần giao hữu với các tổ dân phố khác thì lão nghiễm nhiên được gọi là huấn luyện viên. May khoái với vai trò “làm cầu thủ chẳng nên, làm huấn luyện viên lại giỏi” của mình. Mỗi lần về làng khi mọi người hỏi dạo này làm gì thì lão vênh mặt khoe rằng anh là huấn luyện viên đội tuyển cầu lông khu phố. Tôi chỉ biết cười.
Nhưng chả nhẽ cái việc mắc vài cái cột đèn chiếu sáng làm lão lao tâm khổ tứ đến mức từ Hà Nội đi hơn ba giờ xe khách về để nhờ vả. Mà việc đơn giản như vậy thì sao phải cần đến lãnh đạo quận can thiệp.
Tôi đem cái đang nghĩ hỏi thì lão nháy mắt, chúm mồm suỵt một cái ra điều quan trọng: “Bí mật. Tai vách mạch dừng. Nếu việc mà thành thì công của chú là lớn nhất”.
Nhất hay nhì đối với tôi chẳng quan trọng. Nhưng nể ông anh về tận nhà khẩn khoản và nghĩ mắc cái bóng đèn chiếu sáng sân cầu lông chả hại gì đến ai mà thậm chí còn làm lợi cho mọi người. Chẳng qua dưới cơ sở máy móc nên sinh ra sự diệu vợi.
Tôi gọi cho ông bạn. Tay Quyền nghe trình bày xong thì hì hì cười bảo tưởng việc gì quan trọng, cứ làm đi. Mình sẽ bảo cánh phường tạo điều kiện.
Ông anh họ sướng quá thuê xe ôm hồi gia ngay lập tức. Mặc cho vợ chồng tôi khẩn khoản mời anh ở lại ăn cơm.
Lạ thật. Việc đơn giản vậy thì lão gọi điện về cho mình cũng được. Việc gì phải đường xa dặm thẳm mất mấy tiếng đồng hồ rồi lại hối hả đi ngay. Chợt nhớ tới vẻ mặt cảnh giác với cái suỵt cửa miệng của lão: “Bí mật. Tai vách mạch dừng” thì tôi ngờ ngợ thấy hình như ông anh họ quý hoá đang ấp ủ mưu mô gì đấy.
Cỡ một tuần sau, lão điện về giọng hỉ hả: “May quá chú ạ. Xong rồi chú ạ. Tốn hơn hai chục triệu chú ạ. Dưng mà phường mấy lị tổ dân phố cùng anh em trong hội cầu lông phấn khởi vô biên. Thật cũng đáng đồng tiền bát gạo. Mà sáng lắm chú ạ. Rơi cái kim băng xuống sân cũng tìm thấy nhá. Chả kém sân vận động Mỹ Đình. Khi họp tổ dân phố ai cũng trầm trồ ca ngợi. Thế mới sướng chú ạ”.
Nghe vậy tôi cũng thấy vui lây.
Ngẫm ra đoán chắc lão có mấy tỷ tiền bán đất thì bỏ ra mấy chục triệu để góp phần làm đẹp phố xá nơi đang sinh sống, gắn kết tình nghĩa cộng đồng cũng là phải. Tự nhiên thấy quý cái sự nông nổi của ông anh và càng kính trọng lão hơn.
Vậy mà bây giờ lão lại bị tai nạn. Buồn thế.
***
Nhờ cái đặc điểm ngõ phố hình dạng hồ lô nên chả khó khăn lắm tôi cũng tìm ra được nhà lão May vào lúc gần bảy giờ tối.
Hơi ngạc nhiên vì thấy gia đình vẫn sinh hoạt bình thường như chẳng có chuyện gì xảy ra. Bà vợ người Hà Nội gốc vẫn niềm nở chào hỏi như tính tình vốn có nhưng nháy nhó với thằng con trai rằng chúng mày làm khổ chú vất vả đường xa. Tay con trai nhe răng cười bảo rằng phải nói vậy thì mới mời được chú lên nhà mình. Hỏi bố đâu thì hắn bảo bố cháu đang nằm trên tầng hai. “Không phải nằm viện à?” - Tôi hỏi. “Vâng! Nhẹ mà chú. Xây xước ở đầu, gẫy vài cái răng. Chân tay lành lặn. Chúng cháu đưa bố cháu chụp cắt lớp rồi. Đầu óc không việc gì. May thế. Chắc hết đau rồi” .
Nghĩ cũng bực. Cuối năm mãn chạp tết nhất đến nơi mà bị lừa. Giá còn sớm thì có lẽ tôi cũng bỏ về luôn. Nhưng giờ đã tối, chẳng còn chuyến xe khách nào xuôi quê nhà nên đành nín lặng ở lại. Nín lặng nhưng mà thấy tức.
Bà chị dâu rót nước mời trong khi vợ chồng đứa cháu trai lúi húi cơm nước. Tranh thủ tôi hỏi chị: “Làm sao mà anh bị tai nạn đến gẫy răng?”. Bà chị ngó ra ngoài như xem chừng sợ có người nghe thấy rồi nhỏ nhẹ:
- Chả giấu gì chú, anh chú dạo này đoạ ra hay sao ấy. Cách đây mấy tháng tự dưng tuyên bố bỏ tiền ra làm hai cái cột đèn thắp sáng cho sân cầu lông. Ông tổ trưởng tổ dân phố báo cáo lên phường, phường người ta bảo phải báo cáo với người quản lý điện của khu đã. Vậy là bảo rằng chúng nó gây khó khăn... Chạy đi nhờ vả tứ tung. Ôi chà. Nếu mình có tâm thì việc gì phải vậy chú nhỉ. Cứ đợi thì đã sao. Rồi cũng xong. Lắp được hai cái cột đèn thì hỉ hả lắm...
- Thì chị còn lạ gì tính anh May. Làm gì thì phải làm cho bằng được...
Chị cười:
- Tôi cũng biết thế. Nhưng thắc mắc tại sao phải làm cái cột đèn vội vã vậy. Lão ấy im ỉm không thèm nói. Tôi giả vờ làm mặt giận. Vậy là lão hoảng mới phải nói thật: Làm hai cái cột đèn để lấy lòng các vị trong câu lạc bộ cầu lông...
- Sao lại phải lấy lòng? Sợ các ông ấy không cho làm “Huấn luyện viên” à?
- Gớm... lão huênh hoang vậy chứ huấn luyện được ai. Để tôi nói chú nghe. Lấy lòng mấy ông chơi cầu lông để các ông ấy giới thiệu để được bầu làm tổ trưởng dân phố.
Giời ạ. Mặc dù ở nông thôn nhưng tôi biết cái chức tổ trưởng dân phố cũng chỉ như anh trưởng thôn. Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Suốt ngày đi vận động... chứ bổng lộc gì. Mà bà chị nói ông ấy đoạ ra cũng đúng. Cả đời chỉ làm anh công nhân lao động giản đơn nên khi về hưu thì sinh ra thích có tý chức quyền chăng. Con người ta lạ thế.
Bà chị mủm mỉm cười:
- Không phải có ý muốn làm tổ trưởng để mưu cầu bổng lộc gì đâu. Thích oai mà. Chú còn lạ gì anh chú. Tháng trước họp bầu tổ trưởng dân phố rồi chú ạ. Mấy ông cầu lông chả ai giới thiệu. Bà con cũng không giới thiệu. Vậy là anh chú hậm hực. Suốt ngày lẩm bẩm trách cứ bọn cầu lông không biết điều. Rồi ngó nghiêng cái cột đèn bảo rằng đã vậy tao tắt hết đèn để cho bọn nó nhịn chơi. Chú thấy có trẻ con không cơ chứ. Tôi gàn bảo rằng mình đã nói ủng hộ cho câu lạc bộ rồi. Làm vậy mà được à. Nhưng anh chú chả chịu nghe. Sáng qua nhân lúc cả khu đi làm vắng lão ấy leo lên cột định tháo bóng đèn...
- Vậy rồi ngã?
- Vâng... ngã. Già rồi mà. Yếu rồi mà. Leo lên được cỡ hơn mét thì rơi uỵch xuống. Mồm vập vào cái bệ cột đèn gẫy hai cái răng cửa. Máu me chan chứa. Tội thế. Lúc ấy tôi đang trong nhà nhìn thấy, vội ra dìu ông ấy về rồi gọi hai vợ chồng thằng cả đưa bố đi bệnh viện. May mà đầu óc chân tay không việc gì. Mọi người xúm vào hỏi thăm. Mẹ con tôi phải nói dối là ông ấy bị vấp ngã, chứ biết là leo lên cột tháo bóng đèn bị ngã thì người ta cười cho thối mũi. Khổ thế đấy. Bây giờ vẫn còn đang tức lắm. Mẹ con tôi khuyên bảo chả được. Cháu nó bảo chỉ có chú nói thì bố mới nghe. Thế là nó điện về cho chú. Đấy chuyện là như vậy. Chú giúp mẹ con tôi khuyên nhủ ông ấy đừng cay cú nữa mà mất tình nghĩa với bà con xóm ngõ hàng phố. Chú giúp tôi với nhé.
Thì ra sự việc là như vậy. Thấy buồn cho ông anh tên là May của mình. Mọi sự đều là may mắn với lão. Nhất là được vợ con đã biết cách giải quyết để mọi việc êm xuôi để lão còn mở mày mở mặt với mọi người. Thế thì lão còn hậm hực nỗi gì. Và tôi tự trách mình cũng đã có lỗi vì vô tình tiếp tay cho mưu mô của lão, dù mưu mô sắp đặt ấy chẳng thành sự thật.
Chợt thấy lạnh lạnh. Cũng phải thôi sắp đến tiết đại hàn.
***
Những ngày giáp tết công việc túi bụi nên tôi chẳng có thời gian để nghĩ về ông anh quý hoá của mình. Thôi mọi việc cứ để nó qua đi. Với lại tôi chắc rằng lão sẽ tự mình rút ra bài học cho cuộc sống của mình. Dẫu hôm lão bị tai nạn tôi đã khuyên giải nhưng lão chỉ ậm ừ, nghe chừng vẫn còn hậm hực.
Hai tám tháng Chạp xóm làng rộn rã chuẩn bị đón tết. Nhà tôi cũng vậy. Giấc trưa thì lão May xuất hiện trên vai vác cành đào to như thể cái nơm đính đầy nụ hoa đã được cuốn dây gọn ghẽ.
- Tôi về sớm thắp hương kính tiên tổ ông bà. Mọi năm thì về mồng hai nhưng năm nay bận lắm nên về trước chú ạ. Có cành đào Nhật Tân biếu chú chơi tết đây.
Tôi ngỡ ngàng:
- Em cảm ơn. Bác cầu kỳ quá. Vất vả mang quà quý từ Hà Nội về cho. Mà năm nay bận việc gì vậy bác?
Lão mím môi ra điều quan trọng:
- Đầu xuân, phường tôi tổ chức thi đấu cầu lông giữa các tổ dân phố. Mình là huấn luyện viên nên không thể vắng mặt. Ngay chiều nay tôi phải đi ngay. Công tác chuẩn bị với tập luyện cũng quan trọng lắm. Bà con người ta tin tưởng nên phải cố gắng chú ạ. Nói thật với chú, phường tôi, tổ dân phố nhà tôi người ta tử tế lắm. Ngày hôm ấy, sau khi chú về được một lúc thì các ông bà tổ trưởng dân phố với các đoàn thể câu lạc bộ đến thăm ùn ùn. Quý hoá thế. Mà mình có ăn ở hiền lành tử tế thì mới được người ta quý hoá chú nhỉ.
Tôi mủm mỉm cười. Lão May cũng toác miệng cười phô hàm trên bị trống hai cái răng cửa như thể trẻ con đang kỳ thay răng sữa. Nhìn khuôn mặt thì nhăn nheo nhưng cái miệng lại trẻ con... Không thể nhịn được nữa tôi cười phá lên. Nhận ra tôi đang cười cái gì, lão ngậm mồm rồi hít một hơi dài ngượng ngùng:
- Ra Giêng ngày rộng tháng dài lại còn phải đi làm hai cái răng cửa chú ạ. Để vậy trông buồn cười lắm nhỉ. Mà nghĩ mình cũng vớ vẩn thật chú ạ. Tự dưng tự lành gây ra chuyện để gánh chịu hậu quả. Cũng may bà con người ta không chấp...
- Vậy họ cũng biết việc này à? Em tưởng bác gái với các cháu bảo là anh vấp ngã.
Ông anh nghiêm trang:
- Gì mà người ta không biết. Chỉ có điều mình đã giấu thì người ta hiểu rằng mình đã nhận thấy cái sai, nên bỏ qua đi cho. Mấy chục năm tôi ở đấy nên biết cung cách đối xử của người Hà Nội bao dung, thanh lịch, trọng nghĩa tình lắm chú ạ. À mà cành đào này bà nhà tôi đến tận vườn chọn mua biếu chú đấy. Thấy bà ấy bảo thế ngũ phúc, dăm đều, nụ mập lại nhiều lộc. Đấy chú xem đầu cành đã nhú chấm xanh rồi đấy. Giao thừa sẽ khai hoa chú ạ.
Nhìn ông anh xăng xái đi lấy bình đổ nước tra cành. Nghe tôi ngượng ngùng phân trần nhà chả có cái bình nào đẹp thì ông vừa làm vừa giảng giải:
- Nhiều người ở quê cứ chọn bình đẹp để cắm cành đào tưởng vậy là sang. Sai bét chú ạ. Vậy là thiếu hài hoà. Bình mộc mạc thì nó tôn cành đào càng đẹp.
Tôi giật mình. Sao ông anh gàn của mình lại triết lý về sự hài hoà một cách ngon lành đến thế. Có thể từ bài học vừa rồi mà ông đã rút ra chăng. Nhưng quả thật, nhìn cành đào khi được tháo hết những vòng dây cuốn tôi thấy đẹp. Thân chắc cành khoẻ nụ nhiều lộc lắm. Những chiếc nụ đào chúm chím khoe sắc hồng tươi tắn làm sáng lên cả mấy gian nhà.
Ngoài sân đã thấy hửng lên chút nắng ấm. Xuân đang về.
Và tôi chợt nghĩ mình đang được đón tết cùng mọi người trong ngõ Hồ Lô ở Hà Nội.