Tay lái xe ôm dừng xe bảo:
- Đến nơi rồi. Mời hai anh xuống xe!
Kha giật mình. Có một mình mình… sao hắn lại bảo hai anh xuống xe. Chả nhẽ...
Trong khi Kha cẩn thận xem lại cái túi du lịch đeo trước ngực thì người lái xe ôm bảo:
- Cho em xin cái mũ bảo hiểm. Cẩn trọng hai anh nhé. Vào lấy vé giường nằm mà đi cho an tâm anh Ba à.
Kha lại tròn mắt lượt nữa. Lại cái điệp khúc “hai anh”. Sao hắn biết mình là con thứ trong nhà. Nhưng mình người lạ giữa đất Sài Gòn nắng lửa thế này thì cũng chẳng nên hỏi lại cái việc ấy. Một tay Kha vẫn ôm cái túi du lịch trước bụng, tay kia moi túi quần, anh lấy ra ba trăm ngàn đưa cho anh xe ôm:
- Theo thỏa thuận lúc đi, tôi trả ông ba trăm.
Người xe ôm lúi húi cài cái mũ bảo hiểm Kha vừa đưa vào móc xe ngẩng lên tay đón số tiền từ tay Kha. Thoáng một chút lưỡng lự, anh ta rút tờ một trăm cho vào túi áo ngực, rồi dùng hai tay đưa hai trăm còn lại:
- Dà… Em gởi lại anh. Em xin anh Ba đủ tiền mua xăng thôi à.
Kha lại tròn mắt lúng túng. Thỏa thuận lúc lên xe là ba trăm. Thực ra đi ba tiếng đồng hồ gần trăm rưởi cây số mà giá chỉ có ba trăm nghìn cũng là quá bèo rồi. Vậy mà chở đến nơi lại chỉ lấy có một trăm. Sao vậy kìa?
- Anh cứ lấy đi, tiền xăng, còn tiền công nữa chứ. Bây giờ về đến nhà cũng tám giờ tối chứ ít à. Sáu bảy tiếng đồng hồ chạy vất vả không công à.
Người xe ôm cười:
- Dà… Giúp được các anh một chút kể chi… anh Ba.
Kha chưa kịp chào lại thì người lái xe đã lên xe rồ máy lẫn vào đường phố Sài Gòn đang nườm nượp người xe. Y như là anh ta đang trốn.
Một mình Kha lúng túng giữa đường thì đã thấy tay xe ôm quay lại cùng với một anh chàng cũng ria mép quần bò rách đồng dạng với tay xe ôm:
- Đây thằng này nó sẽ dẫn anh đi mua vé. Anh cứ theo nó - Rồi anh ta hất hàm nói với anh chàng vừa đến - Chu đáo cho anh Ba đây nghe mầy! Trường hợp đặc biệt đó. Không được huê hồng huê hiếc gì nghe.
Tay mới đến gật đầu:
- Dà. Anh Sáu yên tâm.
Tay xe ôm nháy nháy mắt với Kha:
- Vậy chúc các anh về thượng lộ bình an, em về luôn kẻo tối. - Rồi anh ta quay xe đi mất dạng.
Tay mới đến bảo: - Đi theo tui - Rồi lẳng lặng đi vào nhà ga. Kha vội bước theo. Tự nhiên tay cò vé - Kha đoán chắc là cò vé - dừng lại:
- Anh mang hài cốt liệt sĩ à?
Kha lúng túng. Làm sao hắn biết được nhỉ. Nhưng hình như tay xe ôm cũng biết mặc dù Kha không hề nói ra. Như đoán được sự băn khoăn của Kha, tay cò vé cười cười:
- Anh chả cần phải nói tui cũng biết. Trông bộ dạng anh nâng niu cái túi trước bụng là biết liền à. Nhưng anh cẩn thận đừng để mọi người biết rồi người ta gây khó dễ. Quy định không được mang hài cốt lên tàu đó anh à. Nhưng tui thấy người ta vẫn mang. Thôi anh ngồi đây đợi, tui đi lấy vé.
Kha ngồi xuống cái ghế nhựa trong phòng đợi. Cái túi du lịch vẫn nằm trên lòng mặc dù ngay cạnh Kha vẫn còn ghế trống.
- Anh Cân ơi. Cố lên nhé. Hai ngày nữa sẽ về đến nhà. Hai ngày nữa anh sẽ được gặp mẹ. Anh có biết không: Bố mong có ngày đón anh về đến tận khi nhắm mắt vẫn còn khắc khoải. Mẹ mỏi mòn hơn bốn chục năm nay ngóng đợi tin anh từ lúc anh vào chiến trường. Bây giờ mẹ yếu lắm lại lệt bệt ốm mấy năm nay. Trước khi em đi vào đón anh mẹ còn cố gượng dậy bảo mày cố đón anh mày về cho tao yên lòng, mà đi nhanh nhanh lên nhé kẻo tao không kịp đợi…
Kha nhớ lại hình ảnh mẹ già tay run rẩy tháo cúc bấm ở cái gối đầu đã cũ rồi lấy ra từ ruột gối một gói bọc bằng vải nâu. Mẹ mở gói: Trong là một cái túi vải, trong túi vải là một cái túi ni lông: những tờ tiền mười ngàn, hai mươi ngàn được xếp gọn ghẽ… Mẹ thều thào: “Con cầm lấy để tàu xe đưa anh con về. Mẹ chỉ có bằng này”. Kha biết đấy là số tiền mẹ anh dành dụm mấy năm khi mọi người đến thăm hỏi đã biếu mẹ. Kha bảo: Mẹ cất đi để muốn ăn gì thì mua”. Mẹ bảo: “Tao biết vợ mày phải bán con lợn rồi vay chạy mới được mấy triệu để đón anh mày về… Lại còn phải làm mâm cơm báo cáo tổ tiên rồi mời bà con họ hàng nữa… Con cứ cầm lấy. Mẹ có ăn được nhiều nhặn gì mà cần. Cầm đi thì mẹ mới yên tâm”.
Kha và vợ đếm số tiền được hơn năm trăm ngàn. Vợ Kha bảo: “Thôi anh cứ cầm cho mẹ yên tâm. Coi như vợ chồng mình vay mẹ… sau khi đưa được anh Cân về thì trả lại cho mẹ”.
- Bây giờ công việc đã xong. Chỉ còn việc lên tàu là về nhà anh ạ. Chắc anh cũng biết tại sao bây giờ em mới đón được anh trong khi bố mẹ ngày ngày trông đợi. Ấy là bởi sau khi nhận giấy báo tử anh hy sinh mặt trận phía Nam thì gia đình không nhận được tin tức gì thêm. Có người bảo hay là tìm bằng cách nhờ các nhà ngoại cảm… nhưng mẹ bảo không thể tin được. Mẹ nói rằng anh là con mẹ thì anh sẽ nói với mẹ chứ sao lại nói với nhà ngoại cảm. Mà mấy người ở xóm đấy có ai mang được tý xương cốt nào về… toàn chỉ có đất. Rồi tự kháo nhau là gần năm chục năm rồi, thành đất hết rồi. Bạc bẽo đến vậy ư, máu cha huyết mẹ sinh dưỡng rồi công lao nuôi nấng… chưa đầy dăm chục năm mà đã thành đất hết ư. Mãi đến tháng trước…
Tay cò đã quay lại với tấm vé trên tay. Anh ta hồ hởi: “Đây vé của anh đây. Giường nằm có điều hòa toa số năm anh nhé. Số giường ghi trên vé ấy. Tiền mua vé một triệu hai”.
Kha nhìn tấm vé và đọc số tiền ghi trên đó. Đúng là một triệu hai trăm ngàn. Kha nói:
- Vâng. Một triệu hai với lại… với lại công anh mua vé cho nữa… Là bao nhiêu ạ?
Tay cò vé xua tay cười cười:
- Không! Không công sá gì gì hết trơn. Giúp các anh là phước của bọn tui mà. Anh cứ ngồi đợi ở đây. Một giờ nữa mới vào cửa. Chừng đó tui sẽ đến để đưa các anh lên tàu, chỉ chỗ cho anh chứ lớ ngớ là phức tạp anh à. Thôi anh cứ ngồi đây nghỉ ngơi nhé. Tui còn phải chạy kiếm mấy chục lon gạo cho tụi nhỏ…
Ôi chao, người trong này nghĩa khí thật. Họ đoán biết anh đưa liệt sĩ về quê nên giúp đỡ tận tình. Tự nhiên thấy cái dáng tất tưởi, cái giọng nói của anh xe ôm và tay cò vé bây giờ đã trở thành thân thương dù không nhớ mặt vì Kha chưa kịp nhìn kỹ khuôn mặt hai người. Ở đời có những con người những sự việc chỉ gặp một lần mà không thể quên.
Nhưng… Hay là mình bị lừa. Cái ý nghĩ ấy bất chợt làm Kha đứng phắt dậy. Anh vừa đứng lên thì bỗng hốt hoảng bởi phựt… dây đeo cái túi bị đứt, cái túi du lịch chao đi. Kha vội ôm chặt lấy cái túi. May quá, cái túi chưa bị rơi… Sao vậy anh? Sao vậy anh?
Cái túi du lịch vừa mua hôm qua, trước lúc lên xe ôm Kha còn cẩn thận xem xét kỹ từng đường chỉ. Vậy mà bây giờ lại đứt quai. Mà có nặng nề gì… Chỉ một ít xương sót lại với vài cân chè chống ẩm. Cùng lắm được dăm sáu cân mà sao quai túi vẫn đứt.
Kha nhớ lúc tìm thấy anh Cân. Đào mấy lớp đất cứng… có lẽ do thời gian nên đất cứng như bị nện… Một hình hài trong lớp ni lông khô mục… đất và mùn… Một mảnh sọ, một ít xương ống… mấy mẩu vụn xương… Kha và anh Tâm cùng hai người dân xóm gạt từng lớp đất, nhặt bòn từng mẩu xương nhỏ. Bất ngờ Kha còn tìm thấy một mảnh vàng nhỏ. Mảnh vàng ở cái răng của anh Cân. Không phải nghi ngờ gì nữa, ngoài cái lọ Penicillin có mảnh giấy nhỏ đã úa xám xỉn trên đó vẫn nhìn rõ dòng chữ bằng bút bi: Mai Văn Cân - Đơn vị… quê quán… Nam Định thì mảnh vàng nhỏ bịt răng từ ngày xửa ngày xưa là một bằng chứng xác thực nhất để khẳng định đây là anh trai của Kha. Ngày xưa anh Cân bịt vàng cái răng ấy được non tháng thì lên đường đi bộ đội…
Gom hết tất cả những mảnh xương mà thời gian ưu ái cho còn lại vào tấm vải rồi bọc ni lông cũng chỉ lọt thỏm trong lòng túi du lịch.
Hay anh còn băn khoăn điều gì? Có thể lắm, bởi vì em cũng đã thức trắng nhiều đêm từ lúc nghe tin anh Tâm báo về đã tìm được chỗ anh nằm. Hàng chục năm qua cứ mỗi kỳ rảnh rỗi vào chủ nhật hoặc các ngày tết lễ anh Tâm lại về nơi xảy ra trận chiến xưa để tìm anh. Nhưng mọi thứ đổi khác nhiều quá… mà anh Tâm chôn cất các anh lúc ban đêm nên tìm lại đâu có dễ dàng. Chỉ đến khi anh Tâm về hưu, bỏ cả tháng trời về ăn nằm ở khu vực rồi hồi tưởng dần dần mới xác định được khu vực chiến đấu ngày xưa. Nhưng cả khu vực rộng lớn như vậy biết tìm chỗ nào. Hỏi ai cũng không biết. Dân ngày đó giờ về thành phố hoặc đi làm ăn nơi khác cả. Chiến địa xưa giờ bạt ngàn cao su. Theo anh Tâm bảo khi đã hết hy vọng thì nhìn thấy một người đàn ông cụt chân. Anh hỏi ra thì cái người đàn ông ấy chính là cậu bé cụt chân do đạn pháo Mỹ, người đã cầm đèn pin soi cho anh lúc anh chôn cất ba anh. Anh Tâm hỏi thì cậu ấy nhận ra người quen ngày ấy và dẫn đường đến chỗ các anh nằm. Ba ngôi mộ đặt song song. Anh Cân nằm giữa. Mừng quá anh Tâm điện ra ngoài xã báo tin cho gia đình.
Hay là… Anh Cân về quê mà hai anh nằm bên chưa được về nên anh Cân băn khoăn? Có lẽ thế thật. Mừng quá, vội vã quá mà Kha chưa có cái lễ để anh Cân chia tay với hai đồng đội còn đang nằm lại.
Kha điện cho anh Tâm. Anh Tâm nói: “Ừ nhỉ. Tớ cũng vô tâm quá. Ngay bây giờ tớ sẽ mua lễ ngay. Nói với Cân cứ yên tâm nhé. Hai cậu kia tớ đã báo về quê. Đợi ít hôm nếu không có hồi âm thì sẽ đưa về nghĩa trang liệt sĩ địa phương ở đây”.
Nghe vậy Kha thở phào nhẹ nhõm. Nhưng vẫn băn khoăn cái vé… Nhỡ vé giả thì sao. Nhưng nghĩ lại thì lắc đầu, chả nhẽ người ta lừa mình.
Đến giờ lên tàu. Kha đeo cái túi tìm vào đúng số toa số giường ghi trên vé. Tay trưởng toa còn rất trẻ quần áo xanh mũ kê pi xanh nhìn anh với cái túi du lịch đeo bên hông - bây giờ Kha chuyển đeo cái túi sang bên hông kẹp nách tay trái ôm cái túi, còn tay phải xách cái túi nhỏ đựng vài bộ quần áo. Anh chàng nhìn cái túi, nhìn khuôn mặt Kha một thoáng, cái nhìn soi mói đầy nghi ngờ… hắn định nói gì đó nhưng lại lẳng lặng đi. Kha chột dạ bởi cái nhìn ấy. Và anh chợt xấu hổ khi nhìn thấy bóng mình nơi cánh cửa kính: Một khuôn mặt lạ hoắc lởm chởm râu ria nhàu nhĩ và bụi bặm, mệt mỏi và lo lắng. Mình đấy ư. Chỉ mới hơn tuần mà anh đã không nhận ra khuôn mặt của chính mình. Vậy người ta nghi ngờ cũng phải.
Vừa ngồi vào giường thì thấy tay cò vé thò cổ vào: “Anh lên tàu rồi à!”. Tui cứ ngại anh xớ rớ không biết lối tìm. Tốt rồi. Vậy về quê bình an nhé. Rồi hắn ta biến luôn mà không đợi Kha có phản ứng gì.
Buồng toa có bốn giường nhưng chỉ có hai người. Người cùng buồng với Kha là một ông cỡ hơn sáu mươi tuổi với khuôn mặt đầy đặn, bộ ria mép xén tỉa công phu và cái kính gọng vàng chóe ngự trên sống mũi. Ông này lại mặc áo thun trắng bỏ trong quần bò nên trông phong độ như thanh niên. Khi vào phòng ông gật đầu chào Kha rồi nhìn bao quát khắp buồng. Ông nhìn cái túi… cũng chỉ một thoáng rồi thả mình xuống giường đối diện, tay bấm nhoay nháy điện thoại. Hình như ông ta không để ý sự có mặt của người đồng hành bên cạnh. Kha cũng sắp đặt chỗ nằm nghỉ. Cái túi du lịch để ở bên cạnh phía trong.
Bảy giờ tối tàu chuyển bánh.
Đến giờ thì Kha hoàn toàn yên tâm. Anh sẽ ngủ một giấc thật đẫy. Chỉ hơn ba chục giờ nữa tàu sẽ dừng tại ga Nam Định. Chặng đường từ nhà ga về đến nhà sẽ gọi tắc-xi để hai anh em cùng về. Kha muốn khi anh Cân về nhà với tư thế đàng hoàng của người chiến sĩ đã chiến thắng chứ không thể đi xe ôm… Nếu thuận lợi thì chưa đầy bốn chục giờ sau anh em mình sẽ có mặt ở nhà anh Cân ạ. Lúc ấy chắc mẹ sẽ mừng lắm. Họ hàng sẽ mừng lắm. Khi em đi đón anh có nhiều người muốn đi cùng nhưng em lại sợ chưa chắc chắn, vả lại tiền nong eo hẹp nên bảo mọi người chỉ mình em đi thôi vì trong ấy đã có anh Tâm và các đồng đội của anh rồi. Mọi người ở nhà bây giờ chắc đang đợi từng giờ để đón anh đấy anh ạ.
Con tàu lao vun vút trong đêm. Thỉnh thoảng có ánh đèn hắt vào trong toa qua cửa kính. Hình như đấy là một ga xép hoặc một thành phố thị trấn. Kha không biết đấy là nơi nào vì anh suốt đời chân chỉ gắn với mảnh ruộng và cây lúa, có được đi đâu bao giờ. Vả lại bây giờ anh cũng không còn tâm trí để ngắm cảnh mà chỉ muốn con tàu chạy thật nhanh, thật nhanh về nơi quê nhà mọi người đang ngóng đợi. Chắc đêm nay, đêm mai mọi người sẽ không ngủ khắc khoải đợi anh Cân về.
Chốt cửa kêu lạch xạch, cửa mở… tiếng kình kịch kình kịch xối vào nghe chát chúa. Trưởng toa bước vào:
- Đề nghị quý khách cho kiểm tra vé.
Ông khách giường bên đưa cái vé cho trưởng toa nhưng mắt vẫn dõi theo màn hình của máy điện thoại. Kha cũng lấy vé ra đưa cho người kiểm tra. Nhưng trưởng toa không cầm vé của anh. Sau khi trả lại vé cho ông giường bên, vị trưởng toa hất hàm về phía Kha:
- Ông mang hành lý ra ngoài làm việc với chúng tôi.
Kha lúng túng. Chết rồi! Vé giả? Nhưng anh ta đã xem vé của mình đâu mà bảo là vé giả. Vậy lý do gì nhỉ?
Trưởng toa lại nhắc lại mệnh lệnh một lần nữa, lần này có vẻ gay gắt:
- Ông mang hành lý ra ngoài để làm việc!
Đành phải chấp hành thôi. Kha đeo cái túi du lịch vào vai, tay trái kẹp hờ lấy túi để đề phòng đứt quai, tay phải cầm cái vé và cái bọc đựng bộ quần áo lập cập bước ra khỏi buồng. Trưởng toa kéo cánh cửa đánh rầm. Tiếng cánh cửa khô và lạnh làm Kha giật mình. Người anh ngây ngấy như sốt rét, toàn thân chung chiêng theo nhịp lắc lư của con tàu.
Kha chuyển cái bọc quần áo sang tay trái, tay phải đưa cái vé: “Dạ thưa anh, vé của tôi đây ạ”.
Trưởng toa cầm cái vé nhưng không nhìn mà bỏ ngay vào túi áo ngực. Anh ta hất hàm về cái túi đang đeo trên vai Kha:
- Ông mang cái gì trong túi?
Kha hốt hoảng:
- Dạ thưa anh… không có gì ạ! Chỉ là chỉ là vài cân chè - Kha nói thế vì biết nếu bây giờ mở cái túi thì cũng chỉ thấy chè khô… anh đã phủ kín cái bọc cốt anh trai mình bằng chè khô.
- Chè khô mà sao anh phải nâng niu cẩn thận vậy? Tôi hỏi ông có phải ông mang hài cốt người chết không?
Kha vẫn cố cãi:
- Dạ không phải ạ - Nhưng trong thâm tâm anh thấy có gì đó tủi tủi. Cổ họng anh nấc nghẹn, nước mắt chợt ứa ra.
Người trưởng toa gằn giọng:
- Nếu tôi mở ra mà là hài cốt thật thì ông sẽ nghĩ thế nào? Anh có biết quy định không được mang hài cốt lên tàu không?
Kha đành phải nói thật:
- Dạ thưa… là hài cốt liệt sĩ… là hài cốt của anh trai tôi ạ. Xin anh thông cảm cho anh em tôi ạ.
- Liệt sĩ? Vậy giấy tờ đâu?
Kha lại moi túi áo ngực lấy ra một mớ giấy giới thiệu, giấy xác nhận của nơi đi nơi đến đưa cho người trưởng toa. Mắt Kha nhòe nước, cái bóng trước mặt bây giờ lớn khủng khiếp. Tự dưng anh cảm thấy mình thật bé nhỏ, cái túi bên anh cũng bé nhỏ và trĩu nặng.
- Không được! Tý nữa tàu dừng ở ga tới ông sẽ phải xuống tàu.
Xuống tàu! Nếu xuống tàu thì làm sao có thể về nhà được? Tàu mới chạy được ba tiếng. Còn khoảng ngàn tám trăm cây số… làm sao có thể về, tiền đâu để về? Bao giờ mới có thể về đến nhà. Mẹ đang đợi… Anh Cân ơi! Kha lặng người đầu óc mụ mị, anh đứng như người mất hồn chẳng biết làm sao.
- Bây giờ ông tính sao?
Kha chợt bừng tỉnh. Thôi cũng đành.
- Dạ thưa… anh thông cảm cho tôi được nộp phạt ạ. Để cho chúng tôi được đi tiếp ạ.
- Hai triệu. Đưa đây!
Vậy là có cơ hội… nhưng hiện giờ mình không có đủ hai triệu. Kha thẽ thọt trình bày điều ấy.
- Vậy giờ ông có bao nhiêu? Nhanh! Lôi thôi quá!
Kha vội vàng móc túi… đếm. Rồi anh ngẩng lên: “Dạ còn chín trăm”.
- Không được! Tý nữa ông xuống nhé. Đứng ở đấy.
Chợt Kha nhớ cái gói tiền lẻ mẹ đưa cho lúc đi. Khi lấy được hài cốt anh trai, Kha đã bỏ vào ngăn nhỏ bên ngoài của túi du lịch. Anh muốn anh trai mình được gần với hơi ấm của mẹ già đang đọng trong cái gói tiền lẻ ấy. Kha vội móc ra:
- Dạ đây năm trăm hai nữa… Toàn tiền lẻ mẹ tôi đưa để đón anh trai. Vậy là già một triệu tư.
- Thôi cũng được. Đưa đây! Rồi vào trong buồng. Đừng để ai biết nghe chưa. Biết là chết đấy.
Trưởng toa cầm hai mớ tiền nhét túi quần rồi thong thả bỏ đi. Kha mở cửa ôm cái túi vào giường. Khép cửa tắt đèn xong, anh ngồi bó gối, đặt cái túi bên cạnh. Nhìn sang ông khách vẫn đang nằm ngửa, tay vẫn rờ trên cái mặt sáng xanh của điện thoại.
Anh Cân ơi. Đêm ấy em mới có mười tuổi lẵng nhẵng bám theo anh lên huyện tập trung giao quân. Rồi anh đi cho đến tận bây giờ. Ngày xưa ấy em được đọc thư anh viết về cho bố mẹ kể về chặng hành quân gian khổ bí mật luồn rừng chịu bao vất vả… Bây giờ anh về cũng vất vả khổ sở đêm hôm, cũng phải bí mật trốn tránh. Sao khổ thế anh ơi? Cũng tại em chỉ biết ruộng vườn chăm sóc bố mẹ già yếu làm nghĩa vụ với họ hàng nên kinh tế khó khăn, chẳng được như nhà khác có điều kiện thuê hẳn cả chuyến ô tô đón đưa đàng hoàng. Anh ơi! Tha lỗi cho em.
Kha ngồi rấm rứt khóc thầm. Hình như tiếng suỵt soạt làm người giường bên để ý. Ông ta nhìn sang bên Kha đang bó gối trong đêm. Cái nhìn thoáng qua, rồi người đồng hành thở dài và lại chăm chú vào màn hình điện thoại đang sáng xanh trước mặt.
***
- Hành khách đã đăng ký ra lấy cơm nhé…
Tiếng gọi ngoài hành lang lẫn với tiếng kình kịch của bánh sắt nện trên đường ray làm Kha tỉnh giấc. Người anh rã rời như lả đói. Mà có lẽ lả đói thật. Đã trưa rồi. Từ tối qua đến giờ anh chưa có gì bỏ bụng, ruột gan cồn cào. Đành phải nhịn thôi bởi bây giờ anh chỉ còn hơn chục bạc lẻ… không đủ mua suất cơm. Thôi cố chịu về Nam Định gọi điện cho người nhà lên đón. Lúc ấy ăn cũng kịp.
Ông giường bên nhìn Kha một thoáng. Cái nhìn như ngạc nhiên dò hỏi. Rồi ông bỏ cái điện thoại xuống đầu giường và lẳng lặng kéo cửa ra ngoài. Chừng mười lăm phút sau ông về tay xách hai cái túi và hai cái cốc nhựa. Ông đặt những thứ ấy lên cái bàn giữa hai giường rồi nhẹ nhàng nói:
- Cơm canh của hai anh em ông đây. Mời các ông ăn cơm.
Từ lúc lên tàu đến giờ, bây giờ người đồng hành mới cất tiếng nói với Kha. Mà lời mời cơm. Kha ngỡ ngàng:
- Anh mua cơm cho em ạ?
- Vâng tôi mời cơm các ông đấy. Chắc ông hết tiền nên không mua cơm phải không? Thôi mời hai ông ăn cơm đi. Tự nhiên nhá - Không đợi Kha cảm ơn, ông ta lẳng lặng bỏ ra ngoài khép cửa lại.
Vậy ra ông ấy cũng biết Kha mang hài cốt liệt sĩ nhưng không phàn nàn gì. Ông ta lại còn cẩn thận mua hai suất cơm, một cho Kha và một cho người cùng về theo đúng phong tục đưa người đã khuất như đưa người còn sống. Kha rưng rưng cảm ơn ông bạn đồng hành mặc dù ông không còn ở đấy. Rồi anh mở gói khấn mời anh trai xơi cơm. Suất cơm làm Kha tỉnh táo hẳn. Nhưng có lẽ sự tỉnh táo ấy có được là do anh cảm thấy ấm lòng khi gặp người bạn đồng hành tốt bụng.
***
Kha tự dưng choàng tỉnh… Hình như đã quá nửa đêm. Tiếng phát thanh viên nhắc nhở đoàn tàu đã ra tới ga Thanh Hóa. Hành khách các toa lục tục xuống tàu. Còn hai tiếng nữa sẽ về tới ga Nam Định. Kha không thể ngủ được nữa nhưng anh vẫn nằm yên trên giường. Dậy bây giờ cũng chẳng được việc gì. Về tới Nam Định anh sẽ ở đó đợi sáng rồi điện cho người nhà lên đón.
Có lẽ ông bạn đồng hành giường bên không ngủ suốt chặng đường vì lúc nào Kha thức giấc vẫn thấy ông năm ngửa lặng im tay rờ rờ cái máy điện thoại. Chợt thấy ông đứng dậy khẽ mở cửa đi ra ngoài khi con tàu bắt đầu ra khỏi ga Thanh Hóa để tiếp tục hành trình. Chắc ông ta đi vệ sinh. Tự nhiên mắt Kha lại ríu lại. Vẫn còn đủ thời gian để ngủ tiếp một giấc. Anh thả lỏng người để giấc ngủ ùa đến.
Trong mơ màng Kha nghe thấy tiếng người nói ngay bên cạnh:
- Bác gọi tôi có việc gì vậy ạ?
Giọng nói rất lễ độ, nhưng nghe quen quen. Ai vậy nhỉ? Kha mở mắt nhìn sang: Người vừa nói là trưởng toa, anh ta đang ngồi đối diện với ông khách giường bên.
Ông giường bên nói nhỏ nhưng đủ nghe, giọng rành rọt:
- Anh trả lại tiền ngay cho ông nằm cạnh đây!
Anh này ngạc nhiên:
- Tiền nào ạ?
Ông giường bên vẫn nhẹ nhàng:
- Tiền anh lấy của ông ta lúc đêm qua.
- Nhưng đấy là tiền phạt - Trưởng toa trả lời giọng kiên quyết.
- Phạt thì phải có biên lai thu. Theo tôi hiểu thì không có quy định nộp phạt ở đây. Anh phạt vì cái gì?
- Phạt vì ông ta mang hài cốt làm ô nhiễm môi trường!
Lúc này thì Kha tỉnh hẳn. Anh thấy ông khách đứng phắt dậy, đầu suýt chạm vào thành giường tầng trên:
- Tôi vả vào mồm anh bây giờ! Anh không được xúc phạm liệt sĩ. Nếu có ô nhiễm là ô nhiễm từ anh, từ việc làm bẩn thỉu của anh. Anh nỡ lòng ăn chặn của người lương thiện. Cầm đồng tiền của người lao động vất vả, cầm đồng tiền chắt chiu của mẹ liệt sĩ anh không thấy xấu hổ à?
Trưởng toa vẫn vớt vát:
- Nhưng quy định là…
- Anh thích lôi quy định với tôi hả? - Ông giường bên dằn giọng - Vì không biết quy định, vì hoàn cảnh mà người ta sai. Còn anh lợi dụng hoàn cảnh khi người ta sai để bắt chẹt, để làm bậy. Tôi chỉ nói với anh vậy thôi. Cần thiết tôi sẽ nói chỗ khác. Năm phút nữa anh phải đem tiền đến trả! Tôi đã ghi âm, ghi hình hết cuộc mặc cả bắt chẹt của anh đêm hôm qua. Anh có cần xem lại không?
Trưởng toa nói giọng run run:
- Cháu xin bác! Cháu sẽ trả lại tiền ngay ạ. Xin bác đừng làm to chuyện ạ!
Người đối diện nghiêm khắc:
- Thôi được. Làm ngay đi!
Đợi trưởng toa ra ngoài, ông đóng cửa buồng và nằm xuống giường bên lại tiếp tục với cái điện thoại như không có gì xảy ra.
Lúc sau cửa buồng lại lạch xạch mở, anh trưởng toa đến lay vai Kha:
- Bác gì ơi. Cháu gửi lại bác. Cho cháu xin lỗi.
Kha ngồi dậy đỡ số tiền còn nguyên vẹn cả chín trăm ngàn tiền chẵn và hơn năm trăm ngàn tiền lẻ. Anh rưng rưng: “Cảm ơn bác, cảm ơn trưởng toa”. Ông giường bên không nói gì. Trưởng toa lắp bắp: “Dạ không có gì… không có gì”, rồi anh ta vội đóng cửa lại và đi như chạy trốn.
…
Tàu chầm chậm vào ga Nam Định. Kha chuẩn bị xuống. Anh khoác cái túi du lịch đằng trước, một tay đỡ túi đến bên ông bạn đồng hành. Ông này cũng đã đứng dậy bỏ điện thoại vào túi. Kha lúng búng:
- Em xin cảm ơn anh! May nhờ có anh…
Người đối diện vỗ vào vai Kha:
- Chú về an toàn nhé. Nhưng cũng rút kinh nghiệm làm cho đúng quy định. Đáng lẽ địa phương phải có hỗ trợ kinh phí để đưa liệt sĩ về…
- Dạ thưa anh cũng có hỗ trợ nhưng phải đưa được liệt sĩ về người ta mới hỗ trợ. Mà chúng em vay chạy cũng khó khăn nên mới có chuyện vất vả.
Ông bạn đồng hành khẽ khàng:
- Thôi vậy là ổn rồi. Cho tôi gửi lời thăm mẹ. Chúc mẹ mạnh khỏe nhé.
Rồi ông đặt tay vào cái túi du lịch vỗ nhè nhẹ:
- Chào đồng đội nhé! Mừng đồng đội đã được về quê.
Kha thấy mắt ông rưng rưng. Kha cũng rưng rưng:
- Em chào anh. Chúng em về!
Rồi anh vội vã xuống tàu.
***
Năm giờ sáng Kha về đến nhà. Mẹ anh và mọi người vẫn thức cả đêm đón đợi. Lệt bệt mấy năm trời trên giường mà bây giờ tự nhiên mẹ vùng dậy rồi lảo đảo bước xuống đất chạy về phía Kha. Mọi người vội xúm lại đỡ… Mẹ nhào ra ôm lấy cái túi: “Con đã về đấy à. Ông ơi con nó đã về. Con tôi đã về, thằng Cân nhà tôi đã về bà con ơi…”. Mắt mẹ nhòa nước. Rồi mẹ cười móm mém. Nét cười như xóa đi những nếp nhăn đã mấy chục năm hằn sâu trên khuôn mặt.
Sau lễ truy điệu trang nghiêm tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà, Kha rưng rưng đọc lời cảm tưởng. Anh bày tỏ niềm vui của gia đình và cảm ơn tất cả mọi người đã giúp đỡ đưa anh trai là Liệt sĩ Mai Văn Cân về quê hương. Kha không thể kể tên tất cả mọi người vì đến giờ anh cũng không biết tên những người đã đồng hành suốt chặng đường hơn hai ngàn cây số. Tình đồng đội, nghĩa đồng bào không thể kể hết, nhưng những con người mà anh đã gặp sẽ mãi là những tấm gương để anh cảm phục và nhớ ơn suốt đời.
Khi Kha vừa đọc xong thì bát hương trên phần mộ Liệt sĩ Mai Văn Cân cháy bùng lên. Ngọn lửa như reo vui như đồng tình.
Mọi người trầm trồ: Hương đã hóa. Điềm lành!