Mùa đông năm ấy tôi vào Sài Gòn chơi thăm ông anh nhân thể làm chuyến du lịch và tránh rét. Lần đầu tiên đến đất Sài Gòn lạ nước lạ cái nên muốn đi nhiều nơi. Chỗ nào cũng thấy hay thấy thích. Đận đà mãi, đến khi định hồi hương thì đã hai mươi tháng Chạp. Do không đăng ký trước, lại vào giáp tết khách về Bắc đông, nên đành ngậm ngùi mua vé ghế cứng mà ngồi trên tàu chợ. Biết rằng mất hai ngày đẫy mới về đến nhà nhưng cũng cầm lòng vậy tự an ủi dù sao đi tàu cũng an toàn hơn ô tô dẫu lúc vào đã biết cái sự rệu rã của đường sắt xứ ta… kình kịch cành cạch lùi lũi mà trườn như thể rắn bò.
Từ Sài Gòn lên thì toa ghế cứng trống hơ trống hoác dễ cũng chỉ quá nửa số người, ai ngờ đến vài ga sau đã chật kín. Nhưng số mình vẫn còn may vì bên cạnh vẫn còn ba chỗ trống. Ngả người duỗi chân dang rộng tay mà nằm ngủ thấy thoải mái vô cùng và tự bảo rằng ngồi ghế cứng cũng có cái sướng riêng của nó.
Đã vào ga Nha Trang. Kệ. Đang thiu thiu tận hưởng cảm giác khoan khoái thì thấy một người đàn ông nhỏ thó, mặt mũi nhăn nheo nhưng có vẻ còn khỏe vai đeo ba lô, hai tay xách hai cái túi du lịch, vặn người để tránh va vào thành ghế xăm xăm bước tới. Vừa đi lão vừa ngoái lại phía sau nói bằng giọng Bắc khàn khàn: “Nhanh nhanh lên một tý. Gớm cứ như là sắp chết đến nơi. Con đỡ mẹ mày… chứ tàu mà chạy thì phải khiêng bà ấy đấy. Đã bảo ở nhà mà cứ đòi đi bằng được”.
Lão dừng ngay trước mặt tôi, ném cái nhìn dò xét và ngạc nhiên như thể người từ hành tinh khác đến:
- Ghế ông đây à?
Dớ dẩn. Một câu hỏi vô lý hết sức. Kể cũng bực, nhưng phương châm của tôi là không gây gổ với người lạ… nên đành nuốt nỗi bực vào bụng để gật đầu một cái.
Lão không để ý đến cái gật đầu của tôi mà vươn người qua tôi để nhìn số ghế. Bị cả người lão phủ lên, mặt tôi úp vào ngực lão lại bị mùi mồ hôi chua chua xông vào mũi nên như một phản xạ hai tay đẩy lão ra. Bàn tay gặp phải cái ngực khô khốc đầy những xương xẩu. Lão lùi lại như không có việc gì xảy ra phán luôn một câu: “Đúng rồi. Vậy đây là ghế của nhà mình”. Lão bảo hai người phụ nữ, một mặt mũi nhợt nhạt chắc là do say xe và người kia khá trẻ nhưng trên mặt cũng hằn lên sự mệt mỏi:
- Nhà ta ngồi ở đây!
Lão nghiêng người thả những túi, ba lô xuống sàn tàu rồi rướn người quẳng những thứ ấy lên gác như thể phu khuân vác thực thụ. Phải nói lão trông người nho nhỏ vậy mà khỏe phết… Nhưng tôi ngồi dưới vẫn phải né mỗi khi lão vươn người cùng vật thể bay trên tay trong khi chân thì loạng choạng vì tàu đang tăng tốc. Nhỡ ra lão tuột tay hoặc yếu sức… thì cái đầu mình khó mà nguyên vẹn.
Tự nhiên thấy bực. Vài phút từ lúc lão già này đến đã gây ra toàn thứ khó chịu. Không biết mình phải chịu đựng lão quỷ già này đến tận ga nào.
Xong việc lão ngồi cạnh tôi sau khi chỉ tay vào hai cái ghế trống dãy bên bảo người đàn bà mặt mũi nhợt nhạt với giọng nói nhẹ nhàng: “Mình ngồi đây”, và dịu dàng bảo cô gái vẫn còn đang lúng túng đứng bên: “Con ngồi bên mẹ”. À thì ra là vợ và con gái của lão. Nghe giọng nói với cô con gái thì biết lão quý con gái lắm, mặc dù trông đứa con gái chả có nét gì giống cha và cũng chẳng mảy nào giống người vợ.
Lão móc túi ngực lấy ra bao Bát-tô rút một điếu đưa lên miệng và nghiêng người moi ra cái bật lửa. Tôi vội can: “Ấy, đừng hút thuốc trong toa. Ra cửa cuối toa mà hút”. Ông bạn đường nghệt mặt một tý rồi đứng dậy loạng choạng đi về cuối toa.
Như phản ứng dây chuyền, thấy lão hút thuốc thì tôi thèm. Tôi cũng đi về cuối toa để thỏa mãn cơn nghiện thuốc lá vốn đã bị kìm hãm từ lúc lên tàu ở Sài Gòn.
Lão đứng dựa vào tường buồng vệ sinh nhắm mắt nhả khói vẻ mãn nguyện. Tôi đến gần châm lửa hút thuốc. Thấy tôi, lão không nói gì… phút sau thì bâng quơ:
- Cái anh Bát-tô bây giờ nặng và khét chả giống cái thời đánh nhau.
- Chắc ông trước cũng đi bộ đội đánh nhau trong này?
Tôi hỏi. Lão lơ đãng gật đầu một cái để thay câu trả lời rồi hỏi lại:
- Ông cũng bộ đội trước Bảy lăm à? Đánh nhau ở đâu?
- Ở Quảng Đà!
Lão tròn mắt nhìn tôi:
- Thế ở đơn vị nào, có phải Sư Hai không?
Tôi gật đầu. Vậy là lão vồ lấy tay:
- Sư Hai à, công trường mấy?
Tôi bảo Ba mốt.
- Thế à! Tớ ở Ba tám. Nhưng sau đấy tôi đi đánh Trường Sa… rồi thành hải quân.
Cánh lính già từng chiến đấu ở chiến trường hình như có linh tính để nhận ra nhau. Đến giờ tôi cũng không hiểu cái linh tính ấy ở đâu ra, nhưng có lẽ khuôn mặt khắc khổ và những thói quen tạo ra dấu hiệu đặc trưng mà cánh lính trơn cả đời không bỏ được.
Thì ra chúng tôi là đồng đội. Sự e ngại biến mất. Nhìn khuôn mặt người đối diện thấy có những nét thân thân với vầng trán rộng, hai mắt ánh lên tia tinh nghịch, đuôi mắt nheo nheo và khóe miệng cong lên tươi tắn dưới bộ râu quai nón đen trắng lẫn lộn mọc vô tổ chức chắc lâu ngày không cạo. Bộ râu đã phản bội khuôn mặt vì thực ra lão cũng chỉ tầm tuổi tôi…chưa già lắm.
Lính cũ bao giờ gặp nhau cũng thích nói chuyện chiến đấu ngày xưa. Hình như là một thứ bệnh. Tôi biết có ông ở xóm cứ gặp tôi là kể chuyện… những câu chuyện được kể vòng đi vòng lại không bao giờ kết thúc. Hình như tôi cũng vậy mỗi lần gặp ông, tôi cũng kể chuyện chiến đấu, cũng đưa đà phụ họa với ông. Nhưng do còn đang công tác bận nên nhiều khi tôi phải tìm cách tránh mặt. Ông biết điều ấy nên bảo: “Tao thích nói chuyện với mày vì cùng là lính đánh nhau. Những thằng không đánh nhau thì biết đếch gì, đã vậy nhiều khi chúng tin vào những chuyện bốc phét đâu đâu. Tin đến mức khi mình nói chuyện thật thì chúng bảo mình bốc phét”.
- Mả bố “chúng nó” cũng vì cái sự rình rập khiêu khích mà con tôi bị thương. - Lão đột nhiên cất tiếng chửi, mắt long lên hai bàn tay nắm chặt như chuẩn bị đấm nhau sau khi vứt cái tóp thuốc ra ngoài qua ô cửa chớp.
Đang tự nhiên câu chuyện lại sang cái hướng bạo lực. Tôi không hiểu sao tự dưng lão chửi như vậy. Tốt nhất là chấm dứt cuộc chuyện trò để vào trong toa. Tạng người như lão thì chắc sẽ nói ra ngay thôi. Nghe giọng thì biết lão người quê Ninh Bình hoặc Nam Định. Nếu vậy thì vẫn còn cơ hội được nghe lão chia sẻ.
Vào trong toa tàu, khi thấy hai người nhà đang ngoẹo đầu dựa vào nhau mà ngủ, lão lẳng lặng ngồi xuống bên cạnh tôi. Quả nhiên được khoảng hơn phút đã thấy lão ghé sang thì thào:
- Đây là bà xã và con dâu tôi đấy ông ạ.
À ra thế. Thảo nào không giống nhau. Nhưng sao cô này có vẻ ngượng ngượng trước vợ chồng lão. Như đoán được thắc mắc của tôi lão giải thích thêm: “Con dâu chưa cưới!”.
- Chúng tôi vào thăm con giai út ông ạ. “Ông ấy” cũng bộ đội hải quân. Nhà tôi thành ra cha truyền con nối là hải quân. Chả biết bận bịu công việc hay ham mê chỗ nào mà vài năm nay chả thấy “ông ấy” nghỉ phép về nhà...
Tôi bật cười vì lão gọi con là ông bằng giọng điệu vừa tôn trọng xen lẫn tự hào.
- Năm nay “ông ấy” ba mươi rồi đấy ông ạ. Vài năm trước khi về nghỉ phép ở nhà vợ chồng tôi bảo với “ông ấy” rằng cứng tuổi rồi đấy. Lấy vợ đi chứ không thì thành ông lão, thành thằng hâm. Hâm thật ấy chứ lỵ. Cái thằng đàn ông mà muộn vợ dễ bị hâm lắm, tôi chả lạ. “Ông ấy” giả nhời tôi rằng: Lấy vợ làm gì, rồi suốt ngày biền biệt, để vợ một mình khổ sở lắm. Như mẹ ngày xưa ý… Tôi mới bảo rằng ngày ấy chiến tranh nó khác, với lại tao cũng bù đắp cho mẹ ông đâu ra đấy. Bù cái gì? “Ông í” hỏi tôi như thế. Đúng là hâm thật, chả biết cái gì sất. Bù cái… đẻ ra ông đấy. “Ông ấy” cười rồi bảo nhưng mà con có tiếp xúc với con gái đâu mà yêu. Tôi mới nói rằng việc gì phải yêu, cứ vừa mắt là lấy. Eo ơi vậy ra gà à. Tôi cáu: Tao vả vào mặt bây giờ. Sao lại là gà, các cụ ngày xưa là gà à. Ai dám yêu đương hò hẹn gì. Cứ thử đầu mày cuối mắt xem… có mà gọt đầu bôi vôi. Bố mẹ hai bên thỏa thuận với nhau xong, hẹn ngày đến đón về, làm mấy mâm cơm… xong nhốt hai người vào trong buồng một đêm là yêu nhau đến lúc chết.
Tôi bật cười về cách nghĩ hay hay và sự hoạt ngôn của lão. Lão này kể chuyện duyên ra phết. Thấy tôi gật gù hưởng ứng, lão càng hăng:
- Tôi lại nói với “ông ấy” rằng trông tấm gương của tôi với mẹ ông đấy… những năm sáu sáu, sáu bảy ở bộ đội về phép thấy mẹ ông xinh xinh… Đấy là tôi nói ngày xưa chứ bây giờ có ma nó thèm! Thế là tôi đến nhà. Mẹ ông ra rót chén nước đẩy đến trước mặt lí nhí mời anh xơi nước rồi ngoảy đít đi thẳng, thì biết gì đâu mà tiếp. Rồi ông ngoại ông ra mắt gườm gườm miệng lục vấn như hỏi cung rằng tên gì, ở đâu, con nhà ai… Gớm hỏi đến cô dì tỷ muội thúc bá đệ huynh… Nguyên giả nhời ông cụ cũng mất đứt vài tiếng đồng hồ. Ba hôm sau tôi lại sang thì mẹ ông đi vắng, chả biết đi vắng hay nấp trong buồng? Ông ngoại ông bảo rằng anh thích con tôi à, muốn xây dựng gia đình với nó à. Tôi vâng. Nhưng phải nói chuyện người nhớn với nhau chứ không kiểu tán tỉnh trẻ con. Tôi mới về nói với ông bà nội ông. Ông bà nội sang ngay tắp lự. Lúc ấy ông ngoại mới bảo rằng để tôi hỏi cháu đã. Nếu có gì thì bên này sẽ báo sang. Sáng hôm sau ông ngoại bắn tin với ông bà nội rằng cháu nó đồng ý. Thì chả đồng ý… vốn tôi đẹp giai lồng lộng lại là bộ đội, đẹp giai hơn ông bây giờ í chứ. Không tin cứ hỏi mẹ ông mà xem. Vậy là ba hôm sau thì cưới. Ối giời lúc họ hàng về hết có mỗi hai đứa với nhau trong buồng… ngượng ơi là ngượng, mẹ ông cứ ngồi ở góc giường mân mê cái góc chiếu. Vậy là tôi đánh liều từ từ tiến đến bất ngờ đẩy cho một phát ngã ngửa ra giường…
- Điêu! Chỉ điêu… Cái lão này không biết xấu hổ! Cứ nói chuyện dớ dẩn mà không sợ bác ấy cười cho à? Con nó đang cười kia kìa.
Tôi giật mình ngẩng lên, thì ra mải nghe mà tôi không để ý lúc này bà vợ ông bạn đã thức nhìn sang trách yêu ông chồng. Dựa vào vai mẹ chồng, cô con dâu miệng cười rinh rích tròn mắt chăm chú nghe bố chồng kể chuyện.
Lão sờ lên mặt xoa xoa đám râu ria ra vẻ ngượng, nhưng vẫn cố vớt vát.
- Thật đấy! Điêu đâu mà điêu. Mà là chuyện tốt chứ xấu xa gì mà phải xấu hổ.
Tôi cũng vui lây vì câu chuyện của lão. Và có lẽ cũng chẳng cần lão phải kể thêm thì tôi vẫn hình dung một tình yêu trong trẻo và đơn giản nhưng cũng đầy vất vả vì ông chồng sau đó lại tiếp tục đời lính hải quân khi ngoài biển xa đã xảy ra bao nhiêu biến cố dữ dội, còn người vợ thì vất vả trong cái thời cả nước còn bao cấp khó khăn. Nhìn ông bà và cô con dâu tôi cũng thấy vui lây cái niềm vui gia đình giản dị.
Con tàu tiếp tục gõ bánh kình kịch, kình kịch trên nền đường sắt, ngoài khuôn cửa thấy ánh đèn lấp loáng. Về đêm tiếng bánh xe như chát chúa hơn. Tôi nhắm mắt cố tìm một giấc ngủ. Câu chuyện mà ông bạn lính kể một cách thật thà, mọi khó khăn vượt qua tưởng chừng như rất đơn giản nhưng để lại dấu ấn chắc chắn trong cuộc đời mỗi con người. Bây giờ tôi đã biết nguyên nhân căn bệnh nhớ chiến tranh của những người lính cũ. Thế hệ chúng tôi sống đơn giản thật thà như thế và hạnh phúc cũng giản đơn như thế. Phải chăng đó là nguyên nhân của sự bền vững nhưng cũng là gốc gác của cái bảo thủ hôm nay.
Không biết đây là nơi nào. Tự dưng cơn thèm thuốc lại trỗi dậy nhưng nhìn thấy ông bạn ngồi ngoài đã lim dim mắt ngủ thì không nỡ làm kinh động đến giấc ngủ say của người khác.
Có lẽ tôi cũng ngủ được một chút vì tiếng bánh xe nhỏ dần rồi có lúc tắt hẳn. Giấc ngủ làm cho các giác quan đã được giải phóng khỏi những âm thanh chẳng lấy gì làm dễ chịu.
Tôi choàng tỉnh khi ông bạn đồng hành khẽ lay lay vào vai. Lão thì thào: “Mình ra ngoài hút thuốc đi”.
Tôi đi theo ngay mà không băn khoăn gì cả. Ra ngoài cửa toa lão cởi dép đặt làm hai chỗ ngồi rồi kéo tôi ngồi bệt dựa thành toa tàu. Hai thằng lính già giờ đã thành thân thiết kề vai nhau hút thuốc. Ông bạn đồng hành hình như còn chuyện muốn kể bởi tự dưng lão hỏi: “Ông có muốn nghe chuyện ông con giai tôi lấy vợ như thế nào không?”.
Giời ạ. Thế giới này gần trăm phần trăm đàn ông đều lấy vợ, có gì mà phải kể. Nghĩ vậy nhưng không nói ra. Cứ để lão kể cho vui, đằng nào cũng đã thức dậy rồi thì khó ngủ trở lại. Tôi gật đầu.
- Nói thật với ông ra thăm con giai mà thương lắm ông ạ. Người thì đen nhẻm như cục than, da thì khô khốc. Lần trước ông ý về có vậy đâu.Vợ tôi thì ôm lấy con mà khóc rưng rức rằng sao gầy thế con, sao đen đúa vậy con. Nhìn con tôi cũng xót xa, nhưng phải trấn an mụ ấy ngay. Thế là tôi nạt: Cái bà này dớ dẩn. Đàn ông là phải như thế mới ra dáng đàn ông. Mấy cái thằng béo phệ bụng, đi đứng lặc lè, nước da bấy bớt thì chỉ là cái đồ ăn hại chứ báu gì. Thế là mụ ấy im tịt. Đợi khi có hai bố con với nhau tôi mới hỏi rằng các ông thiếu ăn à? Ông ấy cười bảo ăn thì đâu có thiếu, ăn chả hết ấy chứ. Có điều thiếu rau xanh. Nằm viện mấy hôm là đã khá đấy bố ạ. Mà dạo này “chúng nó” quấy phá dữ lắm. Mình phải vừa sẵn sàng vừa phải kiềm chế. Lắm bận tức không chịu được nhưng vẫn phải cắn răng. Họ chỉ cần cái cớ nên mình phải giữ cái đầu tỉnh táo kẻo mắc phải kế hiểm.
Lại nói về cái chuyện lấy vợ của thằng con tôi. “Ông ấy” bảo rằng mênh mông tít mù khơi vậy có gặp người con gái nào đâu mà yêu mà lấy. Nếu về phép được mươi mười lăm ngày thì làm quen cũng chửa xong, nói gì đến chuyện yêu. Thế rồi giá có thư đi thư về thì phải năm sau mới tính chuyện cưới xin. Mà người tử tế nghe chừng cũng hơi hiếm. Tỷ dụ thế này người ta nói yêu mình nhưng mình có ở nhà đâu… người ta phải quan hệ chỗ này chỗ khác bạn bè… rồi sinh ra cái sự quá đà. Mà quá đà thì sinh ra lừa dối. Anh ở xa về đâu có biết, thế là bập vào. Rồi cưới. Xong rồi mình lại biền biệt. Cái quá đà nó quay giở lại vì tình cũ không rủ cũng đến… nhẽ đời nó thế. Lại tiếp tục dối lừa. Người lính ở xa thiệt thòi vô kể.
Nghe “ông ấy” nói vậy tôi cũng hoảng. Sao “ông ấy” lại nghĩ cái sự yêu đương nó u ám đến thế. Kể cũng phải. Có khi do cuộc sống căng thẳng nên sinh ra mọi suy nghĩ cũng thận trọng. Nhưng chả nhẽ cả đời ở vậy à. Tôi mới bảo rằng: Khó khăn vậy thì để tôi hỏi vợ cho ông. “Ông ấy” cười bảo rằng bố cứ làm như ngày xưa cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Tôi quả quyết: ông yên tâm tôi chẳng bắt ép ông, tôi đi hỏi, tôi tìm hiểu… hễ ông ưng thì cưới, nếu không thì thôi. “Ông ấy” bảo nhưng mà con mắt thẩm mỹ của mỗi người mỗi khác. Tiên sư nhà ông! Về cái khoản thẩm mỹ thì ông không phải lo, tôi còn tinh bằng mấy ông ấy chứ. Tôi hỏi thật nhá: Mẹ ông có đẹp không, có xinh không? Có. Mẹ con bao giờ cũng đẹp. Vậy thì ông yên tâm. Tôi còn cưa đổ cả mẹ ông cơ mà. Tôi bảo vậy. “Ông ấy” nhăn răng cười: Bố chỉ được cái tinh tướng. Con đố bố đấy! Được. Nhớ nhá! Có cả mẹ ông làm chứng đấy nhá…
- Vậy ông đã nhắm trước cho con giai một đám rồi nên mới nói cứng?
Lão cười, tay dụi cái mẩu thuốc xuống sàn tàu:
- Làm gì có. Nếu nhắm được rồi thì dẫn nó đi cho gặp mặt chứ việc gì phải ngồi đấu khẩu. “Ông ấy” cũng biết vậy nên mới thách. Nhưng quả tình tôi cũng thấy lo. Mà ông có tin là con người ta có duyên số không. “Ông ấy” trả phép tuần trước thì sang tuần sau có thầy hiệu trưởng trường cấp hai đến nhà bảo nhà hai bác rộng rãi, gia đình nền nếp lại chỉ có hai người, chả là đứa con gái nhớn đi dạy học đã lấy chồng trên thành phố nhà cửa ổn định rồi, nên nhà trường nói với bác cho một giáo viên trẻ vừa ra trường đến ở trọ. Vợ chồng tôi đồng ý. Nhìn thấy cô ấy đến vợ tôi đã quý ngay. Được vài hôm bà mới bảo với tôi: Xem ra con bé ăn ở gọn gàng thùy mị nết na mọi nhẽ. Giá thằng cu nhà mình lấy được nó thì tốt biết mấy! Tôi quả tình cũng thấy vậy nhưng nghĩ cứ phải tìm hiểu kỹ càng nhỡ nó có người yêu rồi thì sao. Úi giời... nghe con bé ở đây, bọn giai xóm tuyền con nhà giàu lấp ló suốt ngày kiếm cớ vào nhà tôi uống nước, chó là cứ sủa khàn cả tiếng. Tôi thấy thế cũng sốt ruột mới bảo với con bé rằng: Đấy cháu xem ưng đám nào thì nhận lời hay là đã có người yêu rồi thì bảo cho mọi người biết để khỏi đến rách việc. Con bé bảo không cháu chưa yêu ai đâu ạ. Thế là tốt rồi, vợ chồng tôi lên kế hoạch rất chi tỉ mỉ ông ạ. Vợ tôi cứ bữa ăn hay lúc rỗi rãi lại ngồi kể chuyện con giai. Con bé nghe chăm chú lắm. Vài hôm sau tôi phóng to tấm ảnh thằng con giai treo ở ngay cửa phòng con bé. Rồi tôi để ý quan sát thấy nó đi về ngỡ ngàng đứng ngắm ảnh rồi quay ra hỏi anh nhà ta đây à bác. Vậy là được cái cảm tình ban đầu đã. Yên tâm. Thế rồi tôi nói với con bé cho tôi gọi nhờ điện thoại. Rồi lưu số của con tôi vào máy… mà cái mạng In-tơ-nét bây giờ cũng hay. Con bé dạy học nên có nối mạng, ông cu nhà tôi gọi có hình về. Mà gọi có hình thì bao giờ chúng chả gặp nhau trước… rồi thấy gọi cho nhau suốt ngày. Hì hì tài thế. Rồi một hôm con bé bảo anh nhà bác vui tính nhỉ. Tôi mới vênh mặt bảo rằng: Đã đành, nó giống tính bác mà. Vợ tôi nguýt một phát suýt cháy lông mày. Khi thấy anh chị bén nhau rồi thì tôi với bà xã thẽ thọt hay là con làm con dâu nhà bác. Con bé ngượng ngùng bảo rằng con với anh ấy nói chuyện với nhau trên điện thoại chứ chưa gặp bao giờ. Nhỡ anh ấy chê con xấu. Tôi mới bảo con xinh như bác gái hồi còn trẻ ấy, mà anh cu nhà bác bảo rằng phải lấy được người như mẹ hồi trẻ… yên tâm chưa. Mà chúng mày nhìn nhau suốt cả ngày trên điện thoại rồi chứ còn gì. Nó tủm tỉm cười rồi bảo tuỳ anh ấy… Ối giời. Vợ chồng tôi mừng ơi là mừng. Tôi lên gặp bố mẹ của con bé, gọi là danh nghĩa lên chơi cho biết nhà biết cửa. Chẳng gì con ông bà ấy cũng đang ở nhà mình, họ đã xuống chơi nhà mình thì mình cũng phải lên chơi cho phải phép. Nhà ông bà ấy cũng chả giàu có gì. Thì giàu có đã chả để con phải đi dạy xa đến mấy chục cây số. Ông bà ấy băn khoăn bảo muốn chuyển cho con bé về gần nhà nhưng mà tốn kém quá. Dễ phải mất mấy trăm mà nhà nông dân thì kiếm đâu ra. Nghĩ cũng khổ. Tôi mới bảo rằng cháu nó đang dạy ở đâu thì cho nó ở đấy luôn, chuyển đổi làm gì cho tốn kém. Ông ấy bảo nhưng ở xa vậy rồi ai người ta lấy. Tôi chộp ngay thời cơ, vậy thì ông gả cho con giai tôi. Ông ấy vỗ đùi vậy thì tốt quá. Xong cái phần gia đình. Ông thấy tôi tài chưa?
Tôi gật đầu:
- Đúng là ông tài thật. Nhưng mà gặp nhau chỉ qua mạng thì làm sao thành tình yêu…
Lão đồng đội nói luôn:
- Đấy vấn đề là ở chỗ ấy. Thế là tôi mới bảo với “ông ý” rằng: Ông xin nghỉ phép về nhà ngay. Về để gặp người ta. Nếu ưng thì cưới luôn. Nói vậy chứ gì mà chả ưng. Đấy ông trông con bé đấy, không ưng thì hoá thằng không có mắt ông nhỉ. Đây là cơ hội ngàn năm có một. Như cái thời đánh nhau vậy… vội một tý thì thiệt hại nặng nề, chậm một tý thì mất trắng. “Ông ý” cũng nhất trí. Rồi “ông ý” điện về bảo con sẽ về nhà ngày này đến ngày này. Ối giời ơi mừng ơi là mừng. Tôi chuẩn bị hết mọi thứ cho đám cưới ông ạ…
- Thế rồi cưới?
Ông bạn đồng hành xịu mặt, lại châm tiếp điếu thuốc. Xem ra lão này còn nghiện hơn cả mình. Rít một hơi thuốc dài, đầu điếu thuốc đỏ rực chiếu lên ánh mắt cũng vằn đỏ:
- Nào đã cưới được. Đợi mãi, đợi mãi qua cái ngày đã ấn định mà không thấy “ông ý” về. Tôi điên cả ruột, biết chắc có chuyện xảy ra rồi. Bà nhà tôi mếu máo, con bé cũng như người mất hồn. Phải đến tháng sau ông ý mới điện về bảo rằng đang nằm viện. Hỏi sao nằm viện thì “ông ý” nói rằng trước ngày định về thì có chuyện. Cả đơn vị phải lên đường… Rồi bị thương. Chỉ nói vậy thôi chứ không nói rõ. Mà ai còn lạ gì cái lũ khốn kiếp nham hiểm ấy, nó có từ thủ đoạn nào để khiêu khích. Tôi mà là các “ông ý” thì tôi chơi liền. Càng nhẫn nhịn để êm đẹp mọi bề thì chúng nó càng mất dạy lấn tới. Nghĩ xót con ông ạ. Mình ngày xưa là lính đã khổ… Ừ ngày xưa chiến tranh nên mình khổ thì đành một nhẽ. Còn bây giờ… người lính vẫn khổ. Rồi nghĩ con mình giờ bị thương tật... mà con bé nó xinh xắn thế kia, liệu nó có chịu lấy con mình không? Thế là tôi gọi con bé: Con ngồi đây hai bác nói chuyện. Nó ra ngồi mép giường ngượng ngùng cúi mặt. Tôi nghĩ vậy là hỏng rồi. Không còn tự nhiên như mọi ngày vậy là hỏng rồi, nó bỏ con mình rồi. Nhưng đã trót gọi nó ra thì cũng một nhời cho ra nhẽ. Vậy là tôi bảo: Bác đã có nhời với bố mẹ con trên ấy, lại thấy chúng mày qua lại có vẻ quý hoá nhau. Chẳng may con giai bác nó bị thương lúc làm nhiệm vụ, chả biết nặng nhẹ thế nào. Bác hỏi thật, giờ con nghĩ thế nào?...
Tôi cũng thấy ái ngại mặc dù đã biết cái kết câu chuyện của nhà ông đồng đội già.
- Nó bảo với vợ chồng tôi rằng: Thưa hai bác. Dù chưa gặp mặt nhưng con đã thấy quý thấy thương anh nhà ta. Con chỉ mong anh về để chúng con… Bây giờ anh ấy bị thương thì con càng yêu quý anh hơn. Dù có thế nào con vẫn một lòng với anh ấy. Còn nếu sau này anh ấy về mà không thích con thì hai bác cho con được làm con gái trong nhà. Ôi chao… nghe nó nói mà thương quá ông ạ. Y như các bà nhà chúng mình ngày xưa ông nhỉ. Bọn mình đi đánh nhau thì các bà ấy cũng hứa như vậy. Và mừng không để đâu cho hết. Vậy là tôi quyết cả nhà vào thăm “ông ý”, cho chúng nó có điều kiện gần nhau. Điều trị xong là về nhà tổ chức cưới. Hỏi ý kiến con bé nó cũng đồng ý. Thế là lên đường. May mà “ông ý”, thằng con nhà tôi ấy… chỉ bị nhẹ. Gớm là mừng. Càng mừng hơn nữa khi trông thấy nhau cô cậu chỉ còn thiếu nước… vồ lấy nhau. Rồi ngày ngày quấn quýt chả rời nhau lấy một bước. Bà nhà tôi nháy nhó bảo tôi rằng… khéo chúng mình sắp có cháu nội. Vui thế chứ lỵ.
- Sao không ở thêm ít ngày nữa cho chắc?
Ông bạn già cười cười, nét mặt giãn ra:
- Tôi cũng định vậy nhưng mà con bé đang cho học sinh chuẩn bị thi học kỳ, nó đi được vậy cũng là cấp trên và nhà trường thông cảm lắm. Họ bảo vì chiến sĩ bảo vệ Tổ quốc mà linh động giải quyết… chứ đã đăng ký kết hôn đâu. Đấy… cả nước người ta cùng hướng về Trường Sa. Ấm lòng ông ạ. Thế thì mình cũng phải nghiêm chỉnh chấp hành chứ. Ngay anh em mình ngày xưa cũng vậy ông nhỉ, vui duyên mới không quên nhiệm vụ, cưới vợ xong dăm ngày lại vào chiến trường ngay.
Với lại “ông ý” nhà tôi đã khỏi rồi. Đang làm thủ tục để về phép cưới vợ. Vậy là cánh tôi về trước để còn chuẩn bị. Mấy hôm nữa “ông ấy” về là tổ chức ngay lập tức. Cưới xong là ăn tết. Ông nghĩ tôi tính vậy có phải không!
Tôi cười cười gật đầu. Lão cũng cười rồi bỏ bao thuốc với cái bật lửa vào túi áo:
- Thôi chúng mình vào trong làm một giấc. À mà ông cho tôi cái số điện thoại. Hôm nào tôi tổ chức cho chúng nó mời ông đến chơi.
Trong toa hai người phụ nữ vẫn dựa vào nhau ngủ ngon lành. Chúng tôi cũng ngồi xuống ghế chờ giấc ngủ đến. Đột nhiên ông bạn nhổm dậy:
- Ông ngồi ra ghế ngoài, để tôi cho xem cái này...
Tôi làm theo và chờ đợi. Ông bạn đứng thẳng người lôi xuống cái ba lô bộ đội đã cũ, mở ba lô lấy ra một chùm quả xanh. Quả gì mà giống một vật quen quen nhưng lúc này nhớ không ra. Ông bạn nói nhỏ:
- Nghe tin chúng tôi vào, anh em đồng đội ông ý đến đông nườm nượp. Ông chỉ huy đơn vị đưa tôi một chùm quả này gọi là quà Trường Sa. Bàng vuông đấy ông ạ. Ông xem… giống y gói mứt sen trong lễ ăn hỏi đặt trầu. Quý thế. Tôi sẽ về biếu ông thông gia và nhà trường nơi cháu nó đang công tác. Vừa là sản vật đảo xa vừa là sính lễ đặc biệt cho chúng nên duyên chồng vợ. Ông nghĩ có phải không?
Tôi mân mê trái bàng vuông. Và nghĩ ông bạn đường quả là sâu sắc mặc dù cách nói chuyện tếu táo đến vui. Ờ nhỉ. Chỉ có ai gắn bó với nơi xa ấy, gửi gắm hồn vía hạnh phúc tương lai của mình ở nơi ấy mới có được cái ý nghĩ đơn giản nhưng hết sức lớn lao như vậy.
Ngoài kia tiếng kình kịch tắt hẳn, tàu đang dừng ở một ga xép. Gió lạnh len vào toa tàu theo cửa mở. Tết đang đến thật gần. Ánh đèn từ sân ga chiếu vào toa làm quả bàng vuông trong tay tôi sáng hồng lên… nhìn hệt như gói mứt sen trong mâm sính lễ.
Ông bạn ghé sát tai tôi thì thào:
- Lạy giời! Sang năm mới mà vợ chồng “ông ấy” cho tòi ra một thằng hải quân tý hon thì nhà tôi ba đời lính Trường Sa. Ông thấy có oai không!