Lưỡng cực là hai đầu của trái đất, phía nam gọi là Nam Cực, phía bắc gọi là Bắc Cực. Con người chúng ta đôi khi cũng xuất hiện trạng thái đối cực trong tính cách. Thiện và ác, giàu và nghèo, lớn và nhỏ, đúng và sai là hai thái cực đối lập. Người có tính cách lưỡng cực rất khó hoà đồng với mọi người, bởi ở họ không có ranh giới rõ ràng giữa hai đối cực này, không chấp vào có, thì chấp vào không, không nói tốt, thì là nói xấu, họ không có giới hạn trung gian, cho nên họ không hiểu được ý nghĩa của cuộc sống trung đạo.
Mỗi ngày, tâm của chúng ta không ngừng thay đổi giữa hai thái cực, có lúc như đang lên thiên đường, đôi lúc hụt hẫng như sa xuống địa ngục, đi tới đi lui giữa hai thái cực của trời đất, thật sự vất vả vô cùng.
Trong cuộc sống, chắc hẳn mỗi chúng ta ai cũng có lúc gặp phải khó khăn. Khi cảm xúc tiêu cực đang xâm chiếm tâm hồn, việc quan trọng nhất là bạn phải giữ được tinh thần phấn chấn, thì mọi việc sẽ tiến bộ theo chiều hướng tích cực. Trên thực tế, năng động quá, tích cực quá, đôi khi cũng không tốt; nhưng có nhiều người không tiết chế được cảm xúc, sa vào tình trạng tiêu cực thái quá, khiến cho ý chí suy sụp, thậm chí tự tìm đến cái chết.
Tuy nhiên, không có con đường nào là con đường cùng, bất kể việc gì cũng đều có cách giải quyết, trời không tuyệt đường của con người, chỉ cần bạn có nghị lực, biết cách thay đổi phương hướng, lập trường, cải thiện cảm xúc, suy nghĩ, thì tất cả mọi việc đều được giải quyết và có kết quả tốt.
Cuộc đời luôn xuất hiện những đối cực, tư tưởng của chúng ta cũng như vậy. Trong một cơ thể tồn tại song song hai cảm xúc đối cực thật sự rất khổ, có lúc lạnh lùng như băng giá, vô tình, vô lực; đôi lúc vỡ oà trong niềm vui rạo rực. Khi đó đến bản thân mình cũng không biết vì sao mình lại như vậy, cho nên Phật giáo luôn luôn khuyến khích con người sống theo con đường trung đạo.
Trong Đạo Phật, có một nhạc sĩ là Nhị Thập Ức Nhĩ, sau khi xuất gia liền thỉnh giáo Phật về phương pháp tu hành:
Đức Phật hỏi: “Trước đây con làm nghề gì?”
Nhạc sĩ đáp: “Con làm nghệ sĩ chơi đàn”.
Đức Phật lại hỏi: “Khi chơi đàn, nếu như dây đàn quá căng, kết quả sẽ thế nào?”
Nhạc sĩ trả lời: “Sẽ đứt!”
Đức Phật hỏi tiếp: “Khi dây đàn quá chùng, sẽ thế nào?”
Nhạc sĩ đáp: “Không phát ra âm thanh”.
Đức Phật nói: “Tu hành cũng như vậy! Nếu quá gò ép bản thân, sẽ tạo nên áp lực; còn nếu để bản thân mình quá thoải mái thì sẽ sinh ra lười biếng, do vậy nếu ở mức độ vừa phải thì âm thanh phát ra sẽ tuyệt mỹ”.
Ngày nay, nhiều người có suy nghĩ, tư tưởng cực đoan, cho rằng bản thân mình phải xinh đẹp tuyệt trần, phải được ăn những món “cực phẩm”, phải mặc đồ hợp thời trang, phải kết bạn với những người cực kỳ sang trọng, nếu thấp hơn tiêu chuẩn của họ, thì ngay lập tức họ sẽ không chấp nhận.
Những người có tính cách cực đoan sẽ tự mình đánh mất mục tiêu và phương hướng trong cuộc sống. Đức Phật tu sáu năm khổ hạnh trên núi Tuyết, lấy vừng chống đói, chim thước làm tổ trên đầu, sống cuộc sống kham khổ, khác biệt với cuộc sống thế gian. Sau đó, vì nhận thấy tu khổ hạnh cực khổ, chỉ tăng thêm phiền não, thân tâm mệt mỏi rã rời, cho nên Ngài đã từ bỏ lối tu khổ hạnh, vượt qua sông Ni Liên, nhận sự cúng dường sữa của cô gái chăn dê, sức khỏe được hồi phục, sau đó Ngài ngồi dưới cây Bồ Đề và suy nghĩ “tâm này không chấp vào có, cũng chẳng chấp vào không”, từ bỏ sự cực đoan hai bên. Cuối cùng, đến năm 31 tuổi, vào ngày mùng tám tháng chạp âm lịch, trong đêm sao sáng, Ngài đã chứng ngộ.
Quý vị có tính cách lưỡng cực hay không? Nếu có thì nên thay đổi thành trung đạo nhé!