Hoàng đế Càn Long tự xưng là “thập toàn lão nhân” (người đàn ông hoàn mỹ). Trong cuộc sống, mọi người luôn hy vọng mọi việc đều “thập toàn thập mỹ” (mười phân vẹn mười).
“Cầu toàn” là đức tính tốt cần có trong cuộc đời con người. Trong gia đình, cần phải chăm sóc chu đáo cho người thân, từ người già đến trẻ nhỏ; trong trường học, cần phải kính trọng thầy cô và yêu quý bạn bè; ngoài xã hội, cần phải yêu thương toàn thể đại chúng và quan tâm đến tình hình kinh tế chính trị của nước nhà nói riêng và toàn thế giới nói chung. Bởi vì, chúng ta đang sống trong cùng một gia đình, cùng một tập thể, cùng một đất nước, cho nên cần phải tôn trọng lẫn nhau, yêu kính lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Mặc dù chúng ta không phải là những con người vẹn toàn, nhưng cũng gắng sức góp phần ít nhiều vào việc tạo phúc cho toàn xã hội, mang lại hòa bình cho thế giới.
Ngày nay, có một số người rất nhiệt huyết bước vào con đường chính trị, họ mong muốn xây dựng nền chính trị dân chủ. Tất cả các hoạt động do họ khởi xướng đều được gọi là các cuộc “vận động toàn dân”, nhưng trong các hoạt động đó, họ lại mong muốn bản thân có thể toàn quyền xử lý mọi việc. Nếu hiểu quyền lực theo cách này thì họ rất dễ bị hiểu lầm thành chủ quan, độc đoán.
Để trở thành một nhà cầm quyền giỏi, nhất định phải biết lắng nghe tiếng lòng của toàn dân. Một bộ sách “toàn tập” nào đó, dung nạp toàn bộ các học thuyết, trí tuệ từ cổ chí kim, của nhiều trường phái khác nhau; một câu “toàn thể đại chúng” trong đó có sức hàm chứa vô cùng lớn lao!
Trong cuộc sống, muốn “cầu toàn” tất cả mọi việc thật sự không dễ dàng. Nhiều khi chúng ta đã toàn tâm toàn ý, dốc hết sức lực cho công việc, nhưng kết quả nhận lại vẫn chỉ là con số 0. Tuy nhiên chỉ cần chúng ta có ý chí, có hoài bão, có năng lực, thì làm bất cứ việc gì cũng đều có thể thành công.
Trước đây, “văn võ song toàn” là tiêu chuẩn của một thanh niên lí tưởng. Ngày nay, khi thi đấu, các vận động viên đều hy vọng đạt được huy chương vàng “mười môn phối hợp”. Tín đồ Phật giáo hoằng dương Phật pháp hy vọng có đủ cả từ bi và trí tuệ, không những thông đạt tri thức Tam tạng: Kinh, Luật, Luận, mà còn phải có tâm từ bi hộ trì cho tất cả chúng sinh. Nếu không làm được như vậy, thì không thể trở thành một tín đồ Phật giáo “toàn tài”.
Mọi việc trên thế gian, nếu tất cả đều có thể toàn vẹn là tốt nhất; bằng không, cũng cần biết được giá trị của sự khiếm khuyết. Nếu không thể đạt 100 điểm thì ít ra cũng đã được trên 80 điểm, tuy không “hoàn toàn” nhưng cũng có thể “đại toàn”. Cho nên, trong cuộc sống, chúng ta cần thường xuyên “kiểm điểm toàn diện”, “cải tiến toàn diện”; gia đình, xã hội, nghề nghiệp, tiền bạc, tình thân, tình yêu, bạn bè cũng cần được chăm sóc “toàn bộ”, như thế mới có thể trở thành “người toàn diện”.
“Toàn vẹn” là một cảnh giới tốt đẹp của đời người. Toàn tâm toàn ý vì người thân, bạn bè; toàn tâm toàn ý với công việc, làm bất cứ việc gì cũng phải toàn tâm toàn ý từ đầu đến cuối. Chúng ta không nhất định phải làm “thập toàn lão nhân” như hoàng đế Càn Long, nhưng ít nhất phải giữ cho thân tâm và đạo đức được “thập toàn thập mỹ”, người biết “cầu toàn” cách “người hoàn mỹ” không xa!