Có rất nhiều điều cần phải học trong cuộc sống, trong đó “phanh” là một bài học rất quan trọng. Đời người có rất nhiều mầm mống tai họa, đều bởi nguyên nhân mất phanh (không dừng lại đúng lúc) mà gây ra hậu quả nghiêm trọng, ví dụ như khi chúng ta nói chuyện với người khác, khi đôi bên không hợp, thì cũng nên dừng lại. Trong một buổi diễn thuyết, khi giảng đến “vấn đề cuối cùng”, lại nói “còn một chút nữa”, rồi “xin bổ sung một chút nữa”, v.v. cứ như vậy sẽ khiến người nghe cảm thấy nhàm chán.
Trong một cơ quan hay một xí nghiệp, khi cấp dưới không đồng tình với quyết định của cấp trên, họ âm thầm xì xào bàn tán sau lưng, khi ấy người quản lý phải biết dừng lại suy xét. Bởi vì, làm bất cứ việc gì cũng không thể khăng khăng theo ý mình. Người làm chính trị, mỗi khi thi hành bất kỳ chính sách gì, nếu như chính sách đó không nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân, thậm chí khiến người dân oán thán, thì lúc đó cần phải nhận ra rằng chính sách đó không phù hợp và nên dừng lại.
Bất luận bạn là người đã biết hay mới học điều khiển các phương tiện giao thông, thì đều phải biết cách làm cho phương tiện đó dừng lại. Đặc biệt, khi lái máy bay, lúc máy bay sắp hạ cánh trên đường băng, bạn phải biết cách điều khiển máy bay trượt từ từ, điều chỉnh tốc độ, không để vượt ra ngoài đường băng, cũng không thể phanh gấp, nếu như hành khách cảm thấy kỹ năng phanh của bạn không tốt, thì chứng tỏ bạn không phải là một phi công giỏi.
Trong cuộc sống gia đình, quan hệ giữa vợ và chồng không phải lúc nào cũng hòa thuận, đôi khi có xảy ra mâu thuẫn, cãi vã. Nếu mâu thuẫn đó không làm tổn thương tình cảm vợ chồng thì không vấn đề gì. Nhưng, nếu mâu thuẫn đó kéo dài, cả hai người vẫn tỏ ra lạnh nhạt, chán ghét, thậm chí nghi ngờ lẫn nhau, thì sẽ ảnh hưởng đến tình cảm vợ chồng và hạnh phúc gia đình, do vậy cần biết dừng lại đúng lúc thì mới có kết quả tốt đẹp; ngược lại, nếu tiếp tục không chịu nhường nhịn nhau, thậm chí đẩy mâu thuẫn đến mức đỉnh điểm, cả hai đều không biết “phanh” lại kịp thời, thì sẽ khiến cho quan hệ hôn nhân bị rạn nứt, thậm chí dẫn đến kết thúc bằng việc ly hôn.
Tương tự, trong quan hệ bạn bè, chúng ta cũng cần phải biết cách “phanh” đúng lúc. Khi đôi bên có ý kiến bất đồng, nhiều quan điểm không hợp, thậm chí oán trách lẫn nhau, thì cần thiết phải “phanh” lại ngay. Có trường hợp, trong một nhóm bạn, có người nghiện ma túy, cờ bạc, rượu chè, nếu bạn cũng là thành viên của nhóm đó thì cần sớm “phanh” lại đúng lúc để không sa vào con đường xấu và tránh được những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Đối với những người dành nhiều công sức và tiền của vào hoạt động đầu tư kinh doanh nhưng trong thời gian dài không có lãi, thậm chí còn bị thua lỗ, thì cần phải “phanh” lại đúng lúc, tức là xem xét điều chỉnh hoạt động kinh doanh đó hoặc có thể dừng lại nếu thấy không phù hợp; ngược lại, nếu không “phanh” kịp thời thì sẽ gặp nguy hiểm, thậm chí phải đối diện với nguy cơ bị phá sản. Chẳng hạn, đối với những người đầu tư mua bán cổ phiếu, chơi xổ số, cần phải thận trọng từng bước, có tiến có lùi, khi cần dừng thì dừng, có như vậy mới đảm bảo an toàn tài sản; đối với những người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông, nếu không làm chủ được tốc độ, tức là không biết cách “phanh” đúng lúc, từ đó dẫn đến tai nạn giao thông, gây thiệt hại về người và tài sản, để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng.
Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, số phiếu ủng hộ Bush và Al Gore ở bang Florida cách nhau chỉ có vài trăm, thời điểm đó đã có thể quyết định ai là người giành chiến thắng. Nhưng, Al Gore đã sớm thừa nhận thất bại, không giống như một số người vì việc kiểm phiếu mà có lúc phải đem nhau ra tòa. Trước danh vọng và tài lộc, nếu không biết dừng lại đúng lúc, thì càng chứng tỏ bản thân không có phong độ.
Người theo tôn giáo, khi sinh tâm hối hận, nản lòng, mất lòng tin vào con đường mình đã chọn thì cần dừng suy nghĩ đó lại ngay. Người hiện đại làm việc quá nhiều, không biết dừng lại đúng lúc, bản thân sẽ bị lao lực, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Người biết sống có chừng mực, dừng lại đúng lúc, biết “phanh” kịp thời là người có trí tuệ.