Những người làm quan từ xưa đến nay, nếu có thể giải trừ oan tình của dân, đem lại công bằng cho họ thì mọi người ca ngợi là “Minh kính cao huyền” (gương tỏ trên cao, chiếu sáng muôn vật). Bao Chửng triều Tống, được người dân tôn xưng là “Bao Thanh Thiên” chính là một ví dụ.
Gương cũng có ý nghĩa là: mẫu mực, chiếu soi, cảnh giác, nhắc nhở, tự nhìn lại mình, v.v. Khi người khác học tập bạn, thì gọi là “lấy bạn làm gương”; khi người khác nhận được lời dạy của bạn, thì gọi là “khuyên răn nhắc nhở”, có nghĩa là chỉ dạy, thị phạm (làm động tác mẫu cho người khác làm theo).
Gương (kính) có rất nhiều loại, như gương trang điểm, gương chiếu hậu xe máy, gương cầu lồi, kính hiển vi, kính viễn vọng, kính cận, kính lão, kính nội soi, v.v. Mỗi một loại gương (kính) đều có công dụng riêng, chẳng hạn kính hiển vi dùng để quan sát vật có kích thước rất nhỏ, gương cầu lồi giúp người điều khiển các phương tiện dễ quan sát khi tham gia giao thông, kính viễn vọng giúp quan sát các vật thể nằm ở khoảng cách xa so với mắt của con người, kính cận giúp những người bị cận nhìn rõ các vật ở xa, kính lão giúp người già nhìn rõ mọi vật, v.v. thậm chí còn có kính chiếu yêu dùng để nhận biết tâm địa của một người.
Có một số nghệ sĩ nổi tiếng, trong những lần biểu diễn đứng đối diện với máy chụp hình, nếu như đặc biệt xuất chúng, mọi người liền nói anh ta thật ăn ảnh. Chúng ta đối với một người, một việc, cảm thấy thất vọng hoặc bất ngờ thì nói: “Té vỡ mắt kính”. Có lúc tự oán tự hờn bản thân, oán trách chính mình không thể làm hài lòng cả đôi bên, thì nói: “Trư Bát Giới soi gương, trong gương và ngoài gương đều không phải người”.
Khi mặt hồ tĩnh lặng, không gợn sóng, chúng ta hình dung “mặt hồ như gương”. Hình ảnh của các sự vật bên ngoài được phản chiếu trong gương chỉ là những hình ảnh ảo, không có thật. Cho nên, mọi người có câu “hoa trong gương, trăng dưới nước”, để ẩn dụ cho những ảo ảnh của cuộc sống thế gian!
Thật ra, mọi việc trên đời, giống như tiểu thuyết Hoa trong gương đã viết: “Cho dù bạn giành giật bao nhiêu, tính toán bao nhiêu, đến rốt cuộc chẳng qua chỉ là mộng ảo bọt bóng”. Thật giống như hoa trong gương vậy, chỉ là một làn khói mây trôi qua đôi mắt, thực sự không đáng để chấp trước, toan tính.
Tấm gương chân thật duy nhất chính là tâm của chúng ta:
Bồ đề chẳng phải cây;
Gương sáng cũng không đài.
Xưa nay không một vật;
Bụi trần bám vào ai?
Cho dù trong tay chúng ta có một tấm gương vô cùng sáng tỏ, nhưng nếu như mặt gương bám đầy bụi bẩn, thì cũng không thể nhìn rõ gương mặt mình, do đó cần phải thường xuyên lau chùi làm sạch gương. Tương tự, chúng ta cũng cần siêng năng làm sạch tấm gương trong tâm để giúp tâm được sáng tỏ, từ đó mới có thể phân biệt rõ thiện ác, đúng sai, quan trọng hay thứ yếu, tốt đẹp hay xấu xa.
Ngày xưa, khi Đức Phật còn tại thế, người vợ của trưởng lão Tu Đạt là bà Ngọc Da, tính tình cống cao ngã mạn, kiêu căng. Một ngày, Đức Phật lấy một tấm gương đưa cho bà, nói với bà rằng: “Những tấm gương bình thường chỉ chiếu soi được dung mạo bên ngoài, nhưng gương của ta có thể chiếu rọi nội tâm bên trong”. Bà Ngọc Da nhận lấy gương, trước đây vô cùng tự đắc về nhan sắc của bản thân, nhưng sau khi soi gương mới nhận ra được những sự xấu xa, bỉ ổi trong nội tâm của mình.
Đường Thái Tông từng nói: “Lấy đồng làm gương giúp ta chỉnh tề y áo, lấy người làm gương để tỏ rõ được vinh nhục thành bại, lấy lịch sử làm gương có thể biết thịnh suy xưa nay”. Vì vậy, chúng ta cần phải thường xuyên dùng gương để soi rọi tâm hồn của bản thân, nếu làm được điều này thì cho dù không thành Phật, nhưng bản thân chúng ta vẫn có thể có được một tấm gương trí tuệ viên mãn là Đại viên kính trí!