Khi hai quân giao tranh, lúc bị quân địch bao vây thì quân đối phương phải tìm mọi cách để thoát khỏi nguy khốn. Khi kinh tế lâm vào khủng hoảng, một xu tiền cũng có thể “ép chết” anh hùng hảo hán, nên cần phải tìm cách thoát khỏi nguy khốn. Cuộc đời của mỗi con người không phải lúc nào cũng diễn ra một cách suôn sẻ, khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn khốn khó, cần phải tự mình nỗ lực vươn lên nhằm tìm ra cách để thoát khỏi hoàn cảnh đó.
Để thoát hiểm, con thằn lằn tự làm mình đứt đuôi rồi tẩu thoát; rùa rụt đầu vào trong mai, ốc sên tự rụt đầu vào trong vỏ thậm chí còn giả bộ chết để thoát khỏi nguy khốn; con nhím muốn thoát hiểm sẽ cuộn mình lại đưa gai nhọn ra ngoài mặc cho người đùa bỡn.
Khi bị mèo bắt, chuột làm cách nào để thoát khỏi nguy khốn? Có câu chuyện cười: Khi chuột bị mèo bắt được, để thoát hiểm nó đành học tiếng chó sủa. Lịch sử cũng chỉ ra “ba mươi sáu kế” trong đó có những kế thoát hiểm rất nổi tiếng, giúp đưa đến nhiều thắng lợi. Chẳng hạn: “Ve sầu thoát xác” là kế sách dùng trong những lúc cấp bách ngàn cân treo sợi tóc, tìm cơ hội ngụy trang giả dạng, che mắt kẻ địch, sau đó âm thầm tẩu thoát.
Vào triều Hán, Lưu Bang từng dùng kế “ve sầu thoát xác” để thoát khỏi buổi tiệc Hồng Môn; Tề Cảnh Công thời Xuân Thu cũng dùng cách “thay hình đổi dạng”, giả làm một người khác để thoát khỏi nguy hiểm. Ngày nay, có một số người sử dụng cách sửa đổi khuôn mặt để cải thiện vận mệnh của bản thân; thậm chí có người còn dùng những cách không đúng đắn, như tự sát, cướp giật, trộm cắp, v.v. để mong thoát khỏi khốn khó.
Có người rơi vào hoàn cảnh nguy khốn không phải vì bị người khác làm cho khốn đốn, mà do chính họ tự cột chặt bản thân mình, lúc này “muốn tháo dây phải tìm người buộc dây”, nếu như bản thân không tự biết buông bỏ, thì không thể thoát khỏi nguy hiểm. Kinh Phật nói rằng, có con chim công do quá yêu quý bộ lông của bản thân, có một lần không cẩn thận làm chiếc cánh mắc vào vật khác, nhưng nó không nỡ rứt ra vì sợ làm hỏng bộ lông của mình, vì thế mà không thể thoát hiểm. Có một người đi đường bị cọp rượt đuổi liền núp vào trong một cái giếng cạn, lúc đó trên đầu vừa khéo rơi xuống “năm giọt mật”, người ấy bèn ung dung nếm mật mà quên đi nguy hiểm của bản thân. Thực tế cho thấy, nhiều người vì theo đuổi hưởng thụ năm dục sáu trần, nên khiến cho cả cuộc đời bị gông cùm và không thể thoát khỏi nguy khốn.
Một ngày nọ, khi đến thôn trang thuyết pháp, Đức Phật đã kể cho người nông dân câu chuyện như sau: Xưa kia có một con chim anh vũ tên là Hoan Hỷ Thủ, nhìn thấy rừng bị cháy, nó quên mình ngậm nước để cứu hỏa, nhưng nước ít lửa lớn, đương nhiên không thể dập tắt lửa được. Trời Đế Thích bèn hỏi con chim đó rằng: “Người một lần chỉ ngậm được vài giọt nước ít ỏi đến thế, làm sao có thể dập được trận lửa lớn này?” Anh vũ đáp: “Trận lửa này tôi nhất định phải dập tắt, bởi tâm nguyện của tôi còn mạnh mẽ hơn cả ngọn lửa, nếu như đời này dập không được, tôi thề nguyện đời sau nhất định sẽ dập tắt nó”. Trời Đế Thích nghe vậy cảm động, liền giúp chim anh vũ dập trận lửa lớn. Con chim anh vũ ấy chính là tiền thân của Đức Phật. Câu chuyện này dạy chúng ta rằng: Con người dù có gặp hoàn cảnh khó khăn như thế nào, chỉ cần nghe theo tâm nguyện của mình, nỗ lực cố gắng vượt qua, không ngừng phấn đấu vươn lên thì hoàn toàn có thể thoát khỏi nguy khốn.
Hán Cao Tổ Lưu Bang và Hạng Vũ tranh bá thiên hạ, có một lần khi Lưu Bang đang bị Hạng Vũ vây ở Huỳnh Dương, Hoài Âm Hầu Hàn Tín đã phái người đến thỉnh cầu ông phong cho mình làm giả Tề Vương. Lưu Bang không nén được cơn giận mắng rằng: “Lúc này ta đang bị Hạng Vũ vây bắt, luôn mong mỏi ngươi đến giải nguy, ngươi không đến cứu còn đòi phong vương”. Khi ấy Trương Lương ở bên cạnh nhắc khéo Lưu Bang, ông bèn hiểu ý, biết rằng lúc này chỉ có thể phong cho Hàn Tín chức tước để khích lệ, lập tức thay đổi khẩu khí rằng: “Đại trượng phu làm vua giả để làm gì, phải làm vua thật sự”. Sau đó, Lưu Bang đồng ý phong Hàn Tín làm Tề Vương. Về sau, nhờ có sự tương trợ của Hàn Tín, Lưu Bang đã đánh bại Hạng Vũ và lập nên cơ đồ nhà Hán.
Nhờ có sự nhẫn nại, Lưu Bang đã xóa bỏ được những nguy cơ thách thức, từ đó giúp bản thân thoát khỏi nguy khốn. Qua đó cho thấy, nhẫn nại có thể thoát nguy, dũng cảm có thể thoát hiểm, có trí tuệ sẽ loại trừ được si mê, có từ bi sẽ tránh được tai ương, biết cách buông bỏ thì sẽ đạt được giải thoát, thậm chí có uy tín, nhân cách, kết giao đều có thể giúp thoát nguy. Khi một người hội tụ đủ những điều kiện này, thì sẽ không bao giờ bị nguy khốn vây hãm.