Thông thường mọi người cho rằng, cái chết là “điểm cuối của đời người”. Nhưng, trên thực tế, chết không phải là hết. Sau khi kết thúc sinh mạng, con người lại tiếp tục đầu thai, tiếp tục luân hồi, giống như hạt giống của thực vật, gặp nhân duyên lại đâm chồi nảy lộc. Cho nên, đời người không có điểm cuối cùng, mà chỉ là sự kết thúc của một giai đoạn sống mà thôi. Người ta thường gọi đó là “sự sống và cái chết trong từng giai đoạn”.
Trước khi bước vào giai đoạn cuối của cuộc đời sinh tử này, có người sẽ lo liệu chu toàn tất cả mọi việc. Ví dụ như: lập di chúc, nói lên mong muốn đối với người thân, họ hàng thân thuộc, giải thích những việc cần giải thích, tất cả mọi việc đều rõ ràng thì mới ra đi thanh thản.
Tuy nhiên, cuối cuộc đời con người cũng có rất nhiều việc “hậu sự” mà bản thân không có cách nào sắp xếp trước được. Thông thường, người giàu có sẽ dễ dàng thu xếp mọi việc hơn; ngược lại, đối với người nghèo, có trường hợp khi mất đi rồi cũng không yên lòng. Sau khi người thân mất đi, có rất nhiều việc hậu sự cần phải giải quyết như: mua quan tài, mua đất an táng, sắp xếp tổ chức tang lễ, chuẩn bị cỗ bàn tiếp đón bạn bè người thân, tụng kinh siêu độ, v.v. chi phí lo liệu tất cả mọi việc thường rất tốn kém, đây chính là một trong những gánh nặng đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Vì thế, có người “sống không được, chết cũng không xong”.
Cuối đời mỗi người, việc phiền phức nhất là sau khi nằm xuống, thân nhân và bạn bè tập trung đến rồi năm người mười ý, người này nói phong tục phải thế này, người khác lại nói tập quán phải thế kia, thậm chí, còn bàn đến việc khâm liệm người chết dùng quần áo gì? Đầu quay về hướng nào, chân quay về hướng nào? Nên cúng bái ra sao? Xem phong thủy, giờ giấc như thế nào? Ai cũng mồm năm miệng mười, con cái ở bên cạnh cũng không biết làm sao. Bởi vậy, có người phải than rằng: “Người chết là cha mẹ ông bà nhà chúng tôi, tại sao các vị đến đây tranh cãi vậy?” Bên cạnh đó, có rất nhiều người làm nghề mai táng nhân cơ hội này mà làm ra vẻ là chuyên gia, nói năng lung tung và thiếu căn cứ về việc tang lễ? Nhưng trong lúc tang gia bối rối, hiếu chủ đành thuận theo sự sắp xếp của họ. Cho nên, trước khi ra đi, nên sắp xếp mọi việc như thế nào cho chu toàn, nói rõ nguyện vọng của bản thân, tránh những tranh chấp, mâu thuẫn nảy sinh sau khi mất.
Ngày nay, có một số người khuyến khích xóa bỏ việc địa táng, vì quỹ đất có thể sử dụng ngày càng ít, đồng thời chủ trương nên hỏa táng, thiên táng, hải táng, thậm chí đề xướng thụ táng (chôn dưới cây).
Xã hội xưa rất coi trọng hiếu đạo cho nên có câu nói “sống tết, chết giỗ”. Thực ra, khi nhìn thấy những ngôi mộ lạnh lẽo, bị bỏ hoang nơi núi đồi heo hút, bị gió mưa năm tháng dập vùi, nhiều người không khỏi chạnh lòng trước sự thê lương của kiếp nhân sinh nơi trần thế.
Trong Phật giáo, các bậc cao tăng nhìn nhận việc ra đi lúc cuối đời một cách rất thoải mái tự tại, như: Pháp sư Tông Uyên thời Tống ngồi trên giường mà ra đi, thiền sư Đức Phổ cúng tế trước rồi mới mất; pháp sư Đạo Duyệt ngồi mà hóa; thiền sư Tính Không ca vịnh mà đi; cả nhà ông Bàng Uẩn, trong đó con gái Linh Chiếu chắp tay ra đi, Bàng Uẩn kê đầu lên gối mà đi, con trai chống cuốc giữa đồng mà mất, Bàng Bà không biết kết cục như thế nào, v.v. Được như vậy, thật là tự tại trong sinh tử, không còn bị ràng buộc bởi bất kì tục lụy thế gian.
Đời người khi dần về điểm đích, chỉ cần có thể ra đi một cách thoải mái an nhiên, không còn gì lưu luyến; đến không mang theo gì hết, chết cũng không mang theo gì đi. Đời người được tự tại như vậy thì còn gì bằng?