Khi làm bất cứ công việc hay nghề nghiệp nào, chúng ta cần có niềm yêu thích, niềm đam mê đối với công việc đó, thì mới có thể duy trì công việc lâu dài được. Đọc sách cũng phải có hứng thú, công việc cũng phải có hứng thú, hội họa cũng phải có hứng thú, ca hát cũng phải có hứng thú, v.v. Chỉ cần có hứng thú, chúng ta sẽ cảm nhận được ý nghĩa vô hạn của cuộc sống.
“Hứng thú” có tốt, có xấu. Hứng thú lành mạnh mới hình thành nên thói quen tốt. Chẳng hạn, nếu quan tâm đến ngôn ngữ, thì sẽ chăm chỉ siêng năng học tập ngôn ngữ của các nước; nếu hứng thú với từ ngữ, thì sẽ yêu thích sáng tác văn chương; nếu ưa thích những thói hư tật xấu như cờ bạc, rượu chè, ăn chơi trác táng, chơi bời lêu lổng, v.v. sẽ hình thành nên thói quen xấu, bị người đời chê bai chỉ trích.
Hứng thú không phải là yếu tố bẩm sinh - sinh ra đã có. Mỗi người đều có sở thích riêng. Chúng ta cần phải nuôi dưỡng những sở thích lành mạnh, loại bỏ những sở thích không lành mạnh. Chẳng hạn, thích đọc sách là một sở thích lành mạnh, giúp con người gia tăng tri thức và vốn hiểu biết, do vậy cần được vun đắp, nuôi dưỡng.
Nếu có hứng thú lành mạnh, cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên an vui, cảm giác như đang sống trên thiên đường. Ngược lại, nếu không có hứng thú với công việc, với đời sống, thậm chí cảm thấy nhàm chán vô vị khi sống với người khác, thì cuộc sống sẽ không còn chút ý nghĩa nào.
Chúng ta hãy dùng tâm hoan hỷ để đón nhận cuộc đời. Đất đai sông núi cho chúng ta đi khắp nơi, cây cỏ hoa lá khoe màu cho chúng ta chiêm ngưỡng, trăng sao trên trời cho chúng ta thỏa sức ngắm nhìn, xã hội cho chúng ta những gì chúng ta cần, người thân bạn bè cho chúng ta sự quan tâm chăm sóc, v.v. Nếu như chúng ta muốn cảm ơn và báo đáp tất cả những điều đó, thì cách tốt nhất chính là trau dồi những đức tính tốt, tìm kiếm những “hứng thú” lành mạnh cho chính mình.
Trong từ “thú vị”, “thú” chính là hứng thú, “vị” chính là nếm trải. Hứng thú cần có sự nếm trải mới tạo nên thú vị. Sở thích của một người đôi khi cũng cần trải qua sự nhận xét của người khác cũng như lắng nghe dư luận xã hội và công chúng. Sở thích là riêng tư của mỗi người, tuy nhiên không thể gây trở ngại cho người khác, không nên xâm phạm quyền tự do của bất kì ai. Người có sở thích riêng không thể nghĩ rằng“miễn tôi vui là được!” Có những sở thích của quý vị không được mọi người tán đồng, khi đó quý vị nên nhìn nhận lại sở thích của mình dựa trên một lăng kính thật khách quan, để dung hoà giữa bản thân và đại chúng.
Kết giao bạn bè và những người đồng chí hướng có thể bồi dưỡng cho bản thân những sở thích lành mạnh, làm tốt công việc được mọi người khích lệ cũng sẽ tăng hứng thú cho bản thân. Thậm chí, khi ăn cơm, cần phải ăn lúc có hứng thì mới cảm thấy ngon miệng; khi đi đường, cần phải đi một cách thoải mái thì việc di chuyển mới thuận lợi. Trong cuộc sống, hứng thú là báu vật của mỗi người, hứng thú tốt đẹp nếu được mọi người chú ý bồi dưỡng và khai thác hợp lý thì sẽ trở thành kho báu vô tận.
Khi chăm chú lắng nghe người khác diễn giảng, chúng ta sẽ cảm thấy bài giảng thật thú vị; khi lắng nghe người khác kể chuyện thì chúng ta sẽ cảm thấy câu chuyện rất vui vẻ; từ đó chúng ta nhìn nhân gian vạn sự cũng thấy thú vị vô cùng. Nếu như trong cuộc sống ngập tràn hứng thú, thì mỗi ngày đều sống trong niềm hỷ lạc, nở nụ cười trao nhau, cho dù là khi đi ngủ cũng rất ngọt ngào. Ngược lại, nếu như làm việc gì cũng không có hứng thú, cả ngày mặt mày cau có, tâm trạng ưu sầu, thì cuộc sống sẽ thiếu đi màu sắc thi vị, điều đó quả thật rất đáng tiếc!