Trong lịch sử phát triển của văn học Trung Hoa, có Đường thi, Tống từ, Nguyên khúc, tiểu thuyết Minh Thanh, các loại thi từ ca phú, cho đến tản văn, tiểu thuyết, hí khúc, thậm chí là sách luận văn chương, đều có sự phát triển mang tính giai đoạn và hàm chứa những ý tứ riêng. Còn như nói về “câu đối”, đây là thể loại chiếm một vị trí quan trọng trong nền văn học Trung Hoa, và đây cũng là một lĩnh vực học vấn lớn.
“Câu đối” còn gọi là “Đối liễn”. Câu đối có quan hệ mật thiết với đời sống dân gian. Chẳng hạn, khi năm hết tết đến, nhà nhà đều thay mới hai tấm giấy màu hồng điều trên đó có in hình hai vị thần giữ cửa, hai bên cửa sẽ dán một cặp câu đối để biểu thị cát tường may mắn. Phổ biến nhất là cặp câu đối: “Trong nhà tích thiện thường sinh phúc; Trong nhà làm ác họa đến ngay”, “Trời thêm năm tháng, người thêm thọ; Xuân khắp đất trời, phúc đầy nhà”.
Ngoài những câu đối chúc mừng quen thuộc trong các lễ hội, cũng có nhiều câu đối thiên biến vạn hóa, có khi mượn nó để biểu đạt hoàn cảnh cá nhân, có khi dùng để châm biếm người khác, có câu đối lại thâm sâu bởi hàm ý chứa đựng trong đó quá nhiều.
Chuyện kể rằng, có một thư sinh nghèo, nhà chỉ có bốn vách tường, nhìn thấy năm mới sắp đến, anh ta không thể không viết một câu đối như thường lệ, bèn viết như sau: câu đối trên: “Hai ba bốn năm”, câu đối dưới: “Sáu bảy tám chín”, câu hoành phi treo ở giữa là: “Nam Bắc”.
Mọi người đều cảm thấy câu đối xuân này thật kỳ lạ, sau đó có người nhìn ra được thâm ý sâu xa trong đó: câu đối trên “thiếu một (ý nói thiếu quần áo)”1, câu đối dưới “thiếu mười (ý nói thiếu đồ ăn)”2, bức hoành phi chỉ có Nam Bắc, thiếu Đông Tây, ý nói nhà không có đồ đạc gì3. Thư sinh hoàn cảnh nghèo khó, thông minh được mọi người biết đến, hàng xóm lần lượt tặng cho không ít áo quần, thức ăn và đồ đạc, giúp cho người thư sinh nghèo có một cái tết đầm ấm.
1 Trong tiếng Hán, 一(yi) là một đồng âm với 衣(yi) là quần áo.
2 Trong tiếng Hán, 十(shi) là mười đồng âm với 食(shi) là đồ ăn.
3 Trong tiếng Hán, 東西(dongxi) vừa có nghĩa chỉ phương vị đông tây, nhưng còn để nói đồ đạc.
Thị lang triều Thanh, Kỷ Hiểu Lam một lần đi thăm dân chúng gặp một người dân mến mộ xin ông viết cho một đôi câu đối. Sau khi hỏi rõ hoàn cảnh những người trong nhà, Kỷ Hiểu Lam liền viết vế đầu: “Gia đình số một số hai”, vế sau lại viết: “Cửa nhà kinh thiên động địa”, hoành phi viết là: “Tiền trảm hậu tấu”.
Một ngày nọ, hoàng đế Càn Long đi ngang qua, nhìn thấy đôi câu đối đó liền nổi giận cảm thấy câu đối mang đậm khẩu khí cung đình, liền hỏi tại sao dân gian dám so bì với hoàng thất? Lúc tra hỏi thì Kỷ Hiểu Lam vội vàng giải thích: Con trai cả của gia đình bán cân, mỗi ngày đều phải tính toán cân lạng, thì không phải đếm số một số hai sao? Con trai thứ hai nhà họ bán pháo, pháo một khi nổ chẳng phải là “kinh thiên động địa” hay sao?” Người con trai thứ ba làm nghề giết gà, vì vậy mỗi khi giết chẳng phải là “tiền trảm hậu tấu” đó sao? Hoàng đế Càn Long là một người hiểu chuyện, nghe Kỷ Hiểu Lam giải thích xong thấy hợp tình hợp lý thì cũng bật cười.
Trịnh Bản Kiều tự xưng mình là người “hiếm khi nhầm lẫn”. Một ngày nọ, ông đến thăm một ngôi chùa, thầy tri khách không biết lai lịch của ông nên chỉ nói với ông “ngồi” và “trà”, sau đó hỏi Trịnh Bản Kiều từ đâu đến? Trịnh Bản Kiều bèn đáp: “Từ huyện lỵ Dương Châu”. Thầy tri khách kinh ngạc cảm thấy người này thân phận không bình thường, lập tức chào hỏi “mời ngồi”, “pha trà”. Sau khi nói xong lại hỏi: “Tôn tính đại danh của ngài là gì?” Đáp rằng: “Trịnh Bản Kiều”. Thầy tri khách lập tức đổi giọng: “Mời ngài ngồi”, “pha trà ngon”.
Sau khi nói chuyện xong, thầy tri khách ngỏ lời xin Trịnh Bản Kiều viết một câu đối lưu niệm, Trịnh Bản Kiều bèn viết: “Ngồi, mời ngồi, mời ngài ngồi; trà, pha trà, pha trà ngon” nhằm châm biếm việc đối đãi bợ đỡ của thầy tri khách. Kỳ thực, thầy tri khách cũng là một người thông đạt thế tình, bởi nếu như đối với người thông thường cũng cần “mời ngài ngồi”, “pha trà ngon”, vậy lỡ như người có tiếng tăm đến hoặc hoàng đế giá lâm, thì làm thế nào để tiếp đãi khác được? Cho nên “trong sai biệt có bình đẳng, trong bình đẳng có sai biệt”, như vậy mới thật sự bình đẳng.
Hương Quang Đình, Long Đình, Bất Nhị Môn ở Phật Quang Sơn cũng có rất nhiều câu đối, trong đó được nhớ đến nhất là câu đối trên cổng ra vào khi bạn chuẩn bị xuống núi rời đi, câu đối viết rằng: “Vấn nhất thanh nhữ kim hà xứ khứ? Vọng tam tư hà nhật quân tái lai?” (Xin hỏi nhỏ rằng người định đi đâu đó? Dõi theo thầm nghĩ bao giờ bạn trở lại?); bức hoành phi nghĩa là “Quay đầu là bờ”, có thể thấy ngụ ý thâm sâu vô cùng. Cho nên mỗi chữ trong câu đối cũng khiến chúng ta phải suy nghĩ sâu sắc.