Con người, khi muốn đùn đẩy trách nhiệm cho người khác mà không nhận lỗi về mình thường nói câu “Tôi tưởng”. Khi làm sai, không chịu nhận sai, lại nói “Tôi tưởng”. Ví dụ một món đồ rẻ tiền nhưng mua vào với giá rất cao, anh ta bèn nói: “Tôi tưởng” nó là đồ cổ.
“Tôi tưởng” là một từ giả thiết, thường rất khác với sự thật. Nhìn thấy một người đi qua, liền la lớn lên “có trộm”. Người khác hỏi: “Trộm ở đâu?” Anh ta bèn nói “Tôi tưởng” người đi đường ấy là kẻ trộm.
“Tôi tưởng” là một từ để trốn tránh trách nhiệm. Cầm dao giết người xong rồi nói: “Tôi tưởng” dao không sắc bén; đưa thuốc độc hại người chết rồi, bèn nói: “Tôi tưởng” đó là thuốc an thần. “Tôi tưởng” là một câu nói dùng để đùn đẩy trách nhiệm và mang đến hậu quả nghiêm trọng. Một câu “Tôi tưởng” đã làm lỡ biết bao nhiêu việc trên đời này. “Tôi tưởng” bão không đến, “tôi tưởng” trời mưa không ngập lụt, “tôi tưởng” đánh anh ta một đấm không sao cả, “tôi tưởng” anh ta biết bơi sẽ không bị chết đuối; có người cán bộ công chức không có ý thức tự chịu trách nhiệm, làm sai rồi, thì nói: “Tôi tưởng”. Kỳ thực, câu chuyện không đơn giản như vậy.
“Tôi tưởng” là một loại cố chấp, đồng thời cũng là một cách đùn đẩy trách nhiệm. Bị nhiễm lạnh mà không biết giữ ấm thân thể để ho mãi không hết, khi ai hỏi thì trả lời: “Tôi tưởng không có gì nghiêm trọng”. Một câu nói “Tôi tưởng” có thể khiến người khác oán hận, nhưng một câu “tôi tưởng” cũng có thể khiến mọi người hoan hỷ cùng vui. Ban đêm quên không đóng cửa, bị kẻ trộm vào nhà lấy đồ, ai cũng tưởng người kia đóng cửa rồi. Buổi sáng vội vã đi làm, nhưng không có bữa sáng để ăn, ai cũng tưởng người kia đã nấu cơm rồi. Cũng vì không chịu nhận sai, đôi bên ai cũng “tôi tưởng”, “tôi tưởng”, cho nên giữa cha mẹ, con cái, anh em, bạn bè, mới xảy ra mẫu thuẫn, cãi vã.
Có nhiều việc thành công cũng do “tôi tưởng”. “Tôi tưởng” các vị đều đã đi nghỉ, cho nên tôi làm cơm xong rồi, “tôi tưởng” các vị bận rộn tăng ca, cho nên tôi đã dọn dẹp nhà cửa rất sạch sẽ; “tôi tưởng” các vị không ở nhà, cho nên giúp các vị kiểm tra an toàn xung quanh; “tôi tưởng” bố mẹ anh đến cho nên mang chút đồ ăn sang mời gia đình ăn lấy thảo; “tôi tưởng” trời sắp mưa lớn nên sửa sang lại nhà.
“Tôi tưởng” đôi khi khiến người ta có được niềm vui bất ngờ, nhưng có lúc cũng khiến người ta thất vọng vô cùng. Tức là bất cứ việc gì đừng nên “tôi tưởng”, nên căn cứ vào sự thật, dùng phương pháp khoa học để phán đoán vấn đề. Năm 1937, Nhật Bản xâm lược Trung Quốc, tưởng rằng trong ba tháng là có thể đánh bại Trung Quốc, nhưng sự thật không như mong đợi.
“Tôi tưởng” là một từ suy đoán vô căn cứ. Trong gia đình, ở văn phòng, thường xuyên có rất nhiều tranh chấp xảy ra đều do “tôi tưởng”. Như vậy, “tôi tưởng” nên dùng trong những trường hợp thích đáng, nếu không sẽ kéo theo những ảnh hưởng tiêu cực. Vì thế, khi nói chuyện, chúng ta cần cân nhắc câu chữ, hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi nói câu “tôi tưởng”!