Ngày nay, người lớn thường khen thanh thiếu niên là: Đa tài đa nghệ, thông minh khéo léo, thậm chí thao tác với máy vi tính, sử dụng internet đều biết. Nhưng người xưa khen ngợi thanh thiếu niên chỉ có sáu chữ, chính là “có học thức hiểu lễ nghĩa”.
Có học thức là nói người đó có học vấn, hiểu sự lý; hiểu lễ nghĩa là biết cách làm người. Vừa biết cách làm người vừa thấu tình đạt lý thì đương nhiên sẽ trở thành một nhân tài ưu tú. Nho gia đề ra khái niệm “tam đạt đức” là: Trí, Nhân, Dũng; đây chính là châm ngôn của phong trào Hướng đạo sinh toàn cầu sau này. Kỳ thực, không chỉ hướng đạo sinh mới nên có đủ ba đức tính ấy, mà ngày nay thanh thiếu niên, thậm chí các doanh nhân, đều cần phải có.
Ba đức tính cần có được ấy chính là Trí, Nhân, Dũng, gọi là người trí thì không bị mê hoặc, người nhân thì không ưu sầu, người dũng thì không sợ sệt. Ví như những người có lối sống chủ động, tích cực thì sẽ không bị mê hoặc bởi tà tri, tà thuyết, tà thức không chút âu lo trước những được mất, thành bại, có không của cuộc đời; an nhiên với những gian nan vất vả trong xã hội, thiên tai nhân họa trong tự nhiên. Đó quả thật có thể được xem là một cuộc sống hoàn mỹ.
Trước đây có một vài phụ huynh từng nói với các vị tiền bối, học giả rằng: “Tôi đem con tôi đến gửi cho ông, xin ông hãy chỉ dạy nó”. Tiền bối, học giả luôn nói: “Không dám không dám, con cái của ông chỉ cần có học thức hiểu lễ nghĩa, ông không cần lo tương lai không có thành tựu”.
Thanh thiếu niên có học thức hiểu lễ nghĩa, nhất định sẽ sống có nguyên tắc, học tập một cách bài bản, làm người biết tiến thoái, không tham, không sân, không si. Dùng giới định tuệ, diệt trừ tham sân si, với hành trang tu dưỡng như vậy bước vào xã hội, không lo không nổi bật hơn người.
Ngày nay, cha mẹ không cần hy vọng con cái làm quan to, kiếm nhiều tiền, chức cao, quyền quý. Có lẽ, chỉ cần chúng có học thức, hiểu lễ nghĩa, thì dù đi theo con đường nào cũng có thể gặt hái được thành công, mọi con đường đều dẫn đến thành Rome, dù làm ngành nghề gì cũng sẽ đạt được thành tựu cao nhất.
Sinh viên trẻ hiện nay, cũng không cần mộng tưởng cao xa, không nên hy vọng một bước lên trời, “nghề nào cũng có trạng nguyên”, nhưng trạng nguyên ở mỗi một ngành nghề đều cần có học thức hiểu lễ nghĩa. Thanh niên có học thức hiểu lễ nghĩa, trước tiên cần học tôn kính người khác, tuân theo đạo lý, tinh tấn cần lao, yêu mến đồng nghiệp. Tòa nhà cao vạn trượng cần phải có nền móng thật vững chắc; một cuộc đời cao thượng phải bắt đầu từ những đạo lý cơ bản của việc làm người. Có học thức hiểu lễ nghĩa chính là điều kiện tiên quyết cần và đủ của thanh niên để có thể “hóa rồng” trong tương lai.
Có người hỏi một số vị thành công trong sự nghiệp rằng: “Làm thế nào ông có thể thành công”? Đáp rằng: “Chỉ cần siêng năng đúng phương pháp!” “Siêng năng đúng phương pháp từ đâu mà có?” “Có học thức hiểu lễ nghĩa mà có”. Có người lại hỏi: “Tại sao mỗi ngày ông đều bận rộn đến vậy?” Đáp rằng: “Một người có học thức hiểu lễ nghĩa, tại sao không làm cho bản thân bận rộn?” Khi gặp khó khăn, phải đối diện với nhiều vấn đề trong cuộc sống, có người luôn hỏi: “Tôi nên làm gì?”; chỉ cần bạn có học thức hiểu lễ nghĩa, hiểu rõ nhân duyên quả báo, đương nhiên bạn sẽ biết nên giải quyết thế nào.
Mọi người ai nấy đều theo đuổi sự vĩ đại, cao thượng, thắng lợi và thành công. Vĩ đại, cao thượng, thắng lợi, thành công không phải ở trên trời rơi xuống, thậm chí cũng không phải cha mẹ cho chúng ta, mà là do chúng ta “có học thức hiểu lễ nghĩa” mới có được.