Ngày nay, môn quản lý học rất thịnh hành. Đây là một môn học cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về quản lý, như quản lý tài sản, quản lý nhân sự, quản lý hành chính, quản lý bệnh viện, quản lý trường học, quản lý thư viện, quản lý nhà máy, quản lý tài chính, v.v. trong đó quản lý nhân sự được xem là lĩnh vực khó nhất.
Để đạt được hiểu quả tốt nhất, quản lý nhân sự cần tiến hành theo ba bước sau đây:
Bước 1: Dùng “tình cảm” để quản lý nhân sự. Cha mẹ muốn quản lý con cái thì trước hết phải có tình yêu thương đối với con cái; giáo viên muốn quản lý học trò cũng phải có lòng yêu thương, bảo vệ học sinh; người lãnh đạo muốn quản lý tốt cấp dưới của mình thì cũng cần có tình yêu thương đối với họ, có như thế thì cấp dưới mới một lòng một dạ chịu sự quản lý.
Nhưng, trong quá trình quản lý, nếu quá trọng tình cảm, thì cũng sẽ khiến đối tượng chịu sự quản lý không sợ, không chịu khuất phục, do vậy ngoài “tình” còn phải có cả “lý”. Đạo đức xã hội ngày nay, người lớn trẻ nhỏ phải có thứ tự người trên kẻ dưới rõ ràng, người trên phải có lòng từ bi, kẻ dưới phải có tình thương; thậm chí, vấn đề phân công công việc cũng cần phải rõ ràng, hợp tình hợp lý, đúng người đúng việc, có như vậy mới có thể khiến cho người bị quản lý tâm phục khẩu phục.
Bước 2: Dùng “pháp” (pháp luật, quy định) để quản lý nhân sự. Sau khi dùng “tình cảm” để quản lý nhân sự, nếu không hiệu quả, chúng ta cần phải dùng “pháp”. Quốc gia có pháp luật, quân đội có quân pháp, kinh doanh có pháp chế kinh doanh, giáo dục có quy tắc của giáo dục, v.v. chỉ có pháp luật, quy định mới có thể giúp công tác quản lý nhân sự diễn ra công bằng, bình đẳng.
Bước 3: Quản lý tốt chính mình. Trong các loại quản lý, khó nhất chính là “quản lý chính mình”; trong việc “quản lý chính mình”, thì quản lý tâm trạng, cảm xúc, dục vọng của bản thân lại là khó nhất. Bởi, tâm lý của con người biến hóa khó lường, nên rất khó quản lý. Có người nói rằng: Một vị tướng soái có thể quản lý trăm vạn đại quân, một nhà chính trị trên chính trường có thể nhất hô nghìn ứng, oai phong lẫm liệt trên chính trường, nhưng trong gia đình lại không thể lãnh đạo được người vợ của mình, cho dù có biện pháp quản lý được người khác, nhưng vẫn rất khó quản lý được chân tâm của bản thân mình. Cho nên, Nho gia nói: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Tuy nhiên, nếu không thể quản lý tốt tự tâm, khiến cho tâm bất chính hiện khởi, thì làm sao có thể quản lý những thứ khác được?
Trong Phật giáo, có rất nhiều phương pháp quản lý nhân sự, như: tứ nhiếp pháp, lục độ vạn hạnh, bát chính đạo, tam học giới định tuệ. Ngày nay, chúng ta có thể học cách quản lý của Matsushita Kōnosuke: Với tư cách một người từng làm quân nhân, bản thân luôn phải làm gương để lãnh đạo quân nhân nhân viên cùng cố gắng, khi quản lý công ty gồm một trăm nhân viên, thậm chí có lúc đạt đến con số một ngàn người, Matsushita Kōnosuke và nhân viên phân tầng phụ trách, sau khi nhân viên làm việc xong, ông chắp tay để cảm ơn và chúc phúc họ, đây chính là đạt đến cảnh giới thiền định của quản lý học.