-Anh Rãng về đấy hả!
Từ nhà trên, bố gọi vọng xuống. Rãng đang hí húi dưới bếp vừa ăn khoai luộc vừa trò chuyện với mẹ. Anh từ huyện về. Xã vừa có chuyện rắc rối. Chỉ huy giao anh điều tra vụ ăn trộm lạ lùng này. Gia đình bị mất trộm lại là gia đình người bạn gái thân của anh. Cô ấy tên là Thơi. Ông cụ sinh ra Thơi tên là Thời. Lâu chưa về quê nên Rãng đi thật sớm để được thăm nhà. Sau lúc mở cổng, biết bếp đang có nồi khoai luộc chín, đang đói Rãng xà vào xin mẹ một củ ăn trước.
- Vâng ạ! Con đang dỡ khoai để mang lên mời thầy ăn sáng đây ạ!
Rãng nói với lên trên nhà rồi nhanh tay xếp khoai ra đĩa. Những củ khoai tím, dài thon uốn cong mình trên đĩa. Khoai quê, vỏ sẫm mượt, nhìn đã thấy ngon. Rãng tay bê đĩa khoai, tay xách ấm nước chè, chân đi như chạy.
- Anh đi công tác hay về thăm nhà?
- Con kết hợp cả hai! Vừa có việc vừa thăm thầy mẹ.
- Việc gì, có xa đây không?
- Ngay đây thôi ạ!
- Thôn mình?
- Vâng!
Ông cụ hơi ngớ người nhìn con rồi lẩm nhẩm:
- Dạo này thôn mình có chuyện gì đâu nhỉ mà cần đến công an. À mà... nghe đâu, nhà ông Thời ở cuối thôn có con trâu bị lạc. Bị lạc mà cũng phải nhờ đến các anh.
- Thầy ơi, tin ấy bây giờ đã khác rồi. Chiều qua cô Thơi con gái ông Thời lên huyện làm chính thức báo là mất chứ không phải lạc. Chỉ huy họp bàn và giao cho con điều tra việc này.
Ông cụ vẫn băn khoăn, nói tiếp:
- Mất trâu mà cũng phải cần đến công an tìm à. Tôi nghĩ phải những việc to lớn khác mới cần phiền đến các anh chứ. Con trâu, con gà tự đi tìm lấy chẳng được sao?
Rãng gãi gáy tìm cách giải thích:
- Công an của cách mạng, của nhân dân mà thầy ơi. Chỉ huy chúng con bảo việc gì của dân mình cũng phải lo. Từ cái nhỏ đến cái lớn điều gì có liên quan đến bọn tội phạm mình đều phải làm. Đây lại là chuyện con trâu. Con trâu là đầu cơ nghiệp đấy chứ nhỏ gì đâu.
Bà mẹ từ bếp lên nói ngay với chồng:
- Ông Thời là bố cái con bé Thơi bạn học với thằng Rãng nhà mình ấy ông không biết à?
Ông bố cười:
- Sao tôi lại không biết. Không phải trâu nhà ông Thời mất mà là trâu của nhà khác thì việc phải làm là cứ làm đâu nệ gì chuyện thân quen.
Bà mẹ giục:
- Thôi con đi sơm sớm lên cho được việc.
Rãng đeo cái túi trong đựng một cuốn sổ tay, một cái bút đến nhà ông Thời. Anh vui vẻ sau hôm gặp Thơi ở huyện lên báo việc mất trộm giờ sắp được gặp lại.
Nghe có tiếng gõ cửa, người mất trâu gắt gỏng nói vọng ra:
- Ai mà gọi cửa sớm thế?
- Cháu đây!
- Cháu là ai mới được chứ?
- Thằng Rãng bác ạ!
Thơi từ trong buồng đi nhanh ra:
- Anh Rãng cùng thôn, giờ làm công an trên huyện ấy mà bố.
- Rãng à? Nhưng nhà mình có liên quan gì đến công an mà nó gọi vào giờ này.
Thơi cười khúc khích nói:
- Bố ơi... Con trâu nhà mình mất đến mấy hôm nay mà lại không liên quan đến công an thì còn liên quan tới ai nữa?
Ông Thời chép miệng:
- Con trâu ấy mà. Nhưng làm sao họ lại biết?
Thơi cười, giấu chuyện đi báo của mình với bố và tiếp tục cách giải thích:
- Đâu phải chuyện nhỏ hả bố. Thôi, con ra mở cổng cho anh ấy đây. Rồi anh ấy sẽ giải thích cho bố rõ.
Thoắt cái, Thơi chạy qua sân. Tiếng then cổng mở vội.
- Ôi anh Rãng. Tưởng ở mãi huyện quên mất lối nhà em rồi.
Rãng hơi đỏ mặt nhìn Thơi:
- Đâu dám thế. Hôm ở huyện tôi chả nói với Thơi...
- Lần này gõ cửa nhà Thơi chắc là có việc công phải không?
Rãng lại gãi gáy. Lúc nãy ông Thời hỏi, anh đã có động tác ấy. Bây giờ Thơi hỏi động tác ấy lại được lặp lại:
- Thơi hiểu thế nào cũng được.
- Sao anh lại hỏi Thơi. Lâu lắm rồi mới qua nhà, Thơi muốn hỏi anh đây này!
Rãng ấp úng:
- Bác có nhà không?
- Bố em có! Nhưng anh phải trả lời Thơi đã.
Rãng nói vội câu gì đó không rõ lời rồi vội đi vào nhà:
- Cháu chào hai bác ạ.
Ông Thơi nhìn ngắm Rãng lúc lâu rồi gật đầu:
- Đi làm công an có khác. Trông ra dáng hẳn. Công an cũng như bộ đội đấy cháu nhỉ! Cũng có súng, cũng mặc quân phục phải không?
- Dạ đúng thế. Nhưng hiện giờ chưa đủ ạ!
Rãng nhìn bộ quần áo mình đang mặc do bố mẹ may cho mà lúng túng. Bà Thời đã rót nước ra chén đặt về phía Rãng, mắt nhìn như có ý: "Đừng xấu hổ nữa cháu. Có việc gì thì cứ nói đi. Bác giai hiền lắm đấy...". Từ cái nhìn thân thiện của bà Thời, nụ cười nửa miệng của Thơi cùng ánh mắt nhấp nháy tinh nghịch của cô đã khiến người chiến sĩ Công an trẻ đang có cảm tình với con gái gia đình người mất trộm thêm can đảm vào việc:
- Thưa hai bác, cháu được cơ quan giao cho về đây điều tra vụ mất trộm trâu của gia đình mình.
Ông Thời hoa tay:
- Đã ba hôm nay rồi. Từ lúc ấy đến giờ không thấy nó đâu. Chắc là mất!
Rãng phải mím môi không dám bật cười. Thơi khúc khích thành tiếng. Bà Thời thì nói luôn:
- Đã mất thì làm sao còn thấy nữa. Ông rõ hay. Bây giờ ngọn nguồn thế nào thì cứ kể cho cháu nó nghe.
Ông Thời chỉ tay vào Thơi:
- Con này... Con này nó biết rõ hơn tôi. Mày kể cho anh Rãng nghe giúp bố.
Rãng bắt tay vào vụ mất trâu qua lời Thơi kể:
- Sáng ấy em dậy sớm cùng mẹ. Mẹ bảo, mày ra chuồng xem xem con trâu nó ăn hết rơm chưa, em thưa vâng và đi ngay.
- Nhà mình mất trâu rồi bố mẹ ơi.
Em đã kêu toáng lên thế khi thấy cái gióng gỗ ngang cửa chuồng bị vứt ra ngoài. Đoạn vườn lối trâu đi qua bị xé rách.
Rãng hỏi chen ngang:
- Chỗ rào bị xé rách bằng dụng cụ gì? Dao phát, liềm hay là tay?
Thơi ngẫm nghĩ một lát nói ngay:
- Chỗ ấy rào hơi bị mỏng. Hình như bọn gian dùng liềm giật rồi dùng tay.
Chỗ rào ấy bố em giờ đã lấp lại rồi.
- Thơi cho tôi ra xem có được không?
Thơi gật đầu. Rãng cúi đầu chào ông bà Thời:
- Hai bác cứ nghỉ. Có gì cháu hỏi Thơi cũng được.
Vườn nhà ông Thời rộng. Chuồng trâu đặt ở một góc gần chuồng lợn chuồng gà, cạnh ao nhưng xa nhà. Rãng quan sát kỹ. Thấy chỗ nuôi gia súc như thế là hợp vệ sinh nhưng lại rất gần hàng rào. Hàng rào đây không trồng duối, trồng ô rô, càng không phải xương rồng mà là cúc tần. Cây có lá thơm nhưng thân yếu. Đúng như lời Thơi kể, kẻ trộm đã dùng liềm giật ngang gốc cây rồi vạch thành một lối rộng vừa bước trâu đi. Những dấu chân người còn lưu lại trên mặt vườn, Rãng đoán ra kẻ trộm có hai tên. Anh nhìn dấu vết còn lại, những vạt cỏ chân trâu xéo lên rồi lần theo bước chân trâu ra ngõ tới đoạn đường gạch thì mất.
Rãng hỏi Thơi:
- Thơi có biết mất trâu khoảng lúc mấy giờ không?
Thơi lắc đầu:
- Em ngủ như chết. Bố mẹ cũng ngủ chẳng biết gì. Hôm ấy mưa nên mát giời. Có lẽ khoảng hai, ba giờ sáng gì đó. Giờ ấy là giờ dễ mất trộm.
Thơi lại cười, nụ cười vẻ bí hiểm rồi nói tiếp:
- Mà anh hỏi kĩ vậy để làm gì. Có ngủ quên thì kẻ trộm mới mò vào được. Ba bốn hôm rồi không tìm lại được thì coi như nó mất. Từ lúc đi đến giờ em có thấy đâu?
Rãng lắc đầu, bối rối. Thơi nói chuyện nọ bóng gió chuyện kia. Rãng vẫn thẳng băng:
- Thế thì sinh ra bọn tôi làm Công an làm gì. Thơi phải giúp tôi nhớ lại những chi tiết có liên quan tới việc mất trâu. Chẳng hạn như, con trâu, trâu gì này. Xin lỗi Thơi, đực hay cái cũng phải kể. Trâu để giống hay trâu thiến cũng phải nói. Rồi thì nó to hay nó nhỏ, có gì đặc biệt về nhận dạng không. Ví dụ như tai sứt, mũi sứt chẳng hạn. Cả thói quen của nó nữa.
Thơi hoa hoa tay trước mặt:
- Thế thì em chịu thôi. Việc tỉ mỉ ấy anh phải về hỏi lại bố em mới rõ. Con gái như em biết gì?
Cũng phải thế vậy mặc dù Rãng muốn được ở gần Thơi nhiều để trò chuyện. Hai người chỉ thân nhau như bạn học cùng thôn. Thỉnh thoảng qua lại có gặp nhau, chào nhau. Ánh mắt đưa qua đưa lại chưa nhiều. Chẳng biết Thơi có nghĩ gì đến mình không, riêng Rãng thì phải thật lòng nói rằng có. Trong tất cả những cô gái cùng thôn anh quen biết thì Thơi là người Rãng hay chợt nhớ về cô nhất.
Có lúc anh đã mơ thấy Thơi theo nghĩa tự nhiên trai gái, thức dậy bồi hồi tới mức muốn lao đi mà tìm kiếm, gặp gỡ. Nhưng rồi tuổi trai mới lớn cùng những ngượng ngùng giới tính đã ngăn anh lại. Nhất là từ buổi lên huyện làm Công an, thoát ly quê hương đi lo việc chung, cũng như nhiều chàng trai khác Rãng gác chuyện gái trai, tư tình sang một bên. Có nhớ tới Thơi đấy nhưng chỉ thoáng qua, chốc lát. Hình bóng một cô gái lắm lúc như một sự đắn đo giữa tình cảm và ý chí. Rãng đã vượt qua nhanh chóng chuyện này. Ngày đầu lên huyện, cứ nhìn thấy bóng con gái là Rãng lại nghĩ đến Thơi. Lâu dần, bóng con gái lại qua cơ quan cũng bình thường như bóng con giai. Công việc và lý tưởng có lúc đã nhạt nhoà giới tính của Rãng. Nay về lại quê không ngờ chuyện con trâu mất trộm này lại tạo cớ tự nhiên cho anh gặp Thơi. Và khi gặp rồi, tình cảm lại như lửa rơm được nhóm. Thơi vẫn hồn nhiên như thế. Rãng mãi sau mới lấy lại được trạng thái bình thường. Cái cứng nhắc của anh Công an đi phá án chẳng ngăn được sự nhộn nhạo, thắc thỏm của trái tim trai gái gặp nhau.
- Anh cứ hỏi chuyện kỹ bố em. Trưa nay anh phải ở lại ăn cơm với gia đình đấy. Anh mà trốn về lần sau có gọi cổng em không ra mở cho đâu.
Lời của Thơi tình cảm quá. Câu nói ý tứ này của cô gái quê phải chăng là sự cho phép để anh có thể đi xa hơn trong những ao ước của mình.
Rãng đã tìm ra một vết chân trâu lạ cùng hai vết chân người đi trên đoạn sông vắng phía đầu làng. Chắc là bọn trộm trâu dắt đồ ăn trộm qua sông ở đoạn này để khó phát hiện. Phía bên kia sông là vùng của những người khách đã vào thăm nhà ông Thời tuần trước. Hai vị khách ấy không xưng tên, chẳng nói quê quán nhưng nghe giọng nói của họ, ông Thời đoán mang máng hình như họ quê ở vùng này. Đối tượng trộm chỉ là phỏng đoán nhưng là phỏng đoán có cơ sở. Rãng mang chuyện này về báo cáo chỉ huy và xin cho phá án theo kế hoạch của anh. Chỉ huy đồng ý cho Rãng làm tiếp. Lần này vụ án được triển khai bí mật hơn. Có điều, con trâu mất của nhà ông Thời không có đặc điểm gì khác lạ so với những chú trâu khác. Giả thử có người cùng đi để nhận dạng với anh thì tốt nhất. Nhìn khắp lượt gia đình ông Thời không có ai đi với anh tốt hơn là Thơi. Thơi là người chăm con trâu này từ lúc mới mua về cho đến lúc mất trộm.
Rãng bàn với Thơi:
- Cấp trên đã đồng ý cho tôi làm tiếp vụ án theo một kế hoạch bí mật.
Thơi thắc mắc:
- Đi tìm con trâu mất mà cũng không được công khai hở anh?
- Phải thế chứ. Lúc nào cũng nói là tôi đi bắt trộm đây, kẻ gian nó nghe thấy, trốn mất hoặc giết trâu đi là hỏng.
- Vậy thì anh làm cách nào?
- Giả sử thế này, tôi qua vùng bên kia, tìm thấy trâu, bọn gian cãi lại, lấy gì làm bằng chứng để bắt chúng. Mình nói là của nhà ông Thời mất trộm nó lại bảo nó mua từ trên chợ tỉnh về thì sao.
Thơi bậm môi:
- Khó nhỉ.
Rãng nói luôn ý kiến của mình:
- Giá được Thơi đi cùng thì tốt. Giả sử tìm thấy trâu, Thơi nhận đúng ra trâu của nhà mình, chúng tôi đọc lệnh bắt thế là trộm hết cãi.
- Em làm sao được việc ấy. Mà ai cho em đi thay chuyện con trai?
Thơi chối khéo. Rãng vẫn muốn giữ ý định của mình. Anh quyết tâm kéo Thơi đi bằng được. Sau này nghĩ lại anh thấy việc rủ Thơi đi đánh án đợt ấy là hoàn toàn trong sáng vì việc công chứ không bợn chút riêng tư nào cho dù Rãng có cảm tình với cô.
- Chả lẽ để bác đi. Bác đi thế bọn trộm nó nhận ra bác ngay. Nếu chúng đúng là hai tên khách vào thăm nhà lần trước.
Thơi khe khẽ gật đầu:
- Anh nói cũng phải. Con trâu này em chăn dắt từ lúc bé nên chỉ trông thấy là nhận ra ngay. Nó lại tình cảm nữa, cứ thấy em lần nào là cái đầu cứ đưa qua, đưa lại, đôi tai với cái đuôi thì vẫy liên tục. Em thường bắt nó quỳ xuống khi nó có lỗi.
- Hay quá.
Rãng đập tay nọ vào tay kia hồ hởi nói tiếp:
- Có Thơi đi, coi như bọn tôi thắng rồi.
Lúc ấy hai người đang ngồi bên cối gạo xay dở. Thơi dừng tay sàng lúa, mắt hướng lên nhà trên:
- Chỉ sợ bố em không cho đi!
- Sao thế?
- Sao với giăng. Chuyện ấy anh biết rồi còn hỏi.
Rãng hiểu được lí do của Thơi. Anh lên thưa chuyện với ông Thời:
- Chúng cháu sẽ bí mật sang bên kia sông tìm con trâu mất cho gia đình. Có điều, trâu là vật nên chẳng nói được. Chỉ có người nhà mình đi cùng, giúp chúng cháu nhận diện khi điều tra thì vụ án mới kết quả.
Ông Thời hồ hởi:
- Đi ngay à?
- Dạ thưa. Phải ngày một, ngày hai nữa. Chúng cháu còn tiếp tục xác minh.
- Thế thì để tôi đi cùng các anh.
Rãng thưa khéo:
- Được bác đi cùng thế thì hay biết mấy. Chúng cháu chỉ e bọn ăn trộm nó trông thấy bác nó trốn mất thì hỏng việc.
Ông Thời trợn mắt:
- Làm sao nó biết được tôi. Cả đời tôi chưa sang đấy được một lần sao nó biết?
Rãng khẽ xoa tay:
- Bác chả kể có hai kẻ ở vùng ấy vào nhà mình hỏi thăm về đồng áng, trâu bò là gì ạ!
- Ờ…Ờ…
Ông Thời ngẩn người một lúc lâu rồi hỏi Rãng:
- Vậy thì làm thế nào. Tôi mà sang, nó nhận ra mình, trốn tiệt là hỏng hết việc. Khó thật.
- Hay là, thưa bác...
- Anh bảo sao?
Ông Thời hỏi dồn còn Rãng ngập ngừng:
- Bác cho cô Thơi đi cùng chúng cháu được không ạ!
Người cha xua tay khi anh chiến sĩ công an đề cập đến con gái mình. Ông nói to:
- Con Thơi? Nó thì làm được gì? Cho đàn bà theo các anh để hỏng việc đi à!
Thơi từ dưới nhà ngang đi lên:
- Con đi được bố ạ. Chỉ giúp các anh ấy thôi mà. Chính con là người lên huyện báo các anh ấy chuyện nhà mình mất trâu đấy chứ.
- Ừ, mày...
- Nhìn đôi lông mày hơi nhướn lên của ông Thời, Thơi vội quay đi chỗ khác cười giấu. Ông Thời biết ý của con, hỏi lại:
- Mày cười cái gì. Bố nói thế không đúng hay sao mà còn cười.
Thơi nói vẻ nũng nịu:
- Bố chẳng bảo thuộc tính con trâu này nhất nhà là con Thơi là gì. Chính bố cũng chứng kiến nó vẫy đuôi, vẫy tai mừng khi con mang cỏ đến.
Ông Thời chẹp miệng:
- Chuyện trẻ con. Con trâu nào thấy người cho ăn rơm ăn cỏ chẳng mừng.
Lối ông Thời nói làm Rãng có vẻ lo lo. Thơi đã nhấn lại đặc tính của con trâu khiến anh yên tâm.
- Thì chính hôm con trâu húc gãy gióng chuồng con đã bắt nó quỳ xuống nhận lỗi, bố cũng trông thấy là gì?
Ông Thời gãi gãi râu cằm nhìn con gái gật gù rồi quay sang Rãng:
- Kể cũng được. Nhưng xưa nay làng này con gái có làm chuyện ấy bao giờ?
- Thưa bác, từ sau khởi nghĩa thành công, phụ nữ tham gia công tác xã hội cũng nhiều lắm ạ. Việc nào gần gũi, quen thuộc với mình là các chị ấy đều tham gia. Trong quân đội, trong Công an không nhiều bằng các ngành khác nhưng vẫn có người.
Rãng có ý giải thích để ông Thời hiểu vai trò của phụ nữ sau cách mạng. Lời nói của anh tỏ vẻ vô tư. Ông Thời lại đang đắn đo xem cái sự hào hứng này của con gái có gì khác ngoài việc tìm lại con trâu mất. Lúc này ông rất muốn tìm lại con trâu mất vì nó là cả cơ nghiệp nhưng lại không muốn Thơi tham gia chuyện này. Rãng hiểu, thấy khó, định thôi ý định nhưng Thơi đã hăng hái hơn. Cô nói với bố:
- Con chỉ đi giúp các anh ấy thôi. Việc Công an nó khó lắm ai mà làm thay nổi. Bố mẹ đừng nghĩ là chỉ có riêng anh Rãng làm việc này. Chỉ huy người ta phân cho cả một tổ hẳn hoi đấy.
Ông Thời hơi chẩu môi vẻ khó tin:
- Một tổ? Gì mà phải nhiêu khê thế. Có cái con trâu ranh.
Rãng đỡ lời Thơi:
- Đúng thế, bác ạ. Bọn trộm này đâu phải chỉ có một đứa. Vật mất trộm đâu phải con dao, cái cuốc, con gà, con lợn...
Ông Thời hừ hừ mấy tiếng trong họng. Tay bắt chéo sau lưng, đi đi lại lại chốc lát rồi ông nói câu quyết định:
Thì tuỳ các anh. Các anh tìm giúp được cho gia đình con trâu đã mất là cái quý. Nhược bằng không thấy, gia đình cũng đành chịu, coi như đấy là cái hạn. Còn việc để con Thơi đi theo... tôi thấy là không được.
Thơi nhìn bố chằm chằm vẻ khó hiểu:
- Bố ơi, sao thế ạ?
Ông Thời không trả lời con gái mà quay cái nhìn thăm dò từ Thơi chuyển sang phía Rãng. Cả hai thấy lúng túng. Rồi một chút ngượng, chút tự ái khắp người, Rãng nhìn Thơi rồi nhìn ông Thời:
- Cháu xin phép bác.
- Anh lại nhà...
Giọng ông Thời chẳng ra nóng cũng chẳng ra lạnh. Thơi có vẻ không vui với cách cư xử của người đẻ ra mình, nên lẳng lặng theo tiễn Rãng ra đến đầu ngõ để anh đỡ buồn:
- Anh thông cảm cho tính bố em. Cụ quý anh lắm nhưng lại rất nghiêm với con gái.
Rãng nói, giọng chia sẻ:
- Thơi yên tâm. Bọn tôi tìm cách làm khác vậy. Tin là sẽ có ngày dắt được con trâu mất trộm về trao tận tay gia đình.
Rãng cùng một trinh sát nữa, anh đóng vai phó nhỏ, người kia đóng vai phó cả, thầy trò cưa đục vượt sông sang bên kia đóng đồ mộc thuê. Họ làm những việc sửa chữa vặt trong nhà. Ai mời đóng đồ mướp, đồ tinh xảo thầy trò anh thợ mộc rong đều tìm cách từ chối khéo với lý do tay nghề chưa cao, chỉ đủ trình độ đóng cái ghế ngồi ăn cơm, cái mâm gỗ dọn bát. Cho tới hôm họ ghé vào một gia đình thuộc loại không khá giả cho lắm nhận chữa lại cái chạn bát cho họ. Buổi trưa sau cơm thợ nhàn ra vườn hóng mát họ thấy có cái chuồng trâu, tuy gỗ cũ nhưng có vẻ mới làm. Con trâu cũng vậy như mới nhập chuồng. Nền đất chỗ con trâu giẫm qua giẫm lại còn mới. Thầy trò người thợ mộc thì thào chuyện gì không rõ nhưng buổi đóng đồ của họ chiều ấy có vẻ chểnh mảng hơn. Cái chạn bát gỗ lại có nhiều chỗ hỏng khác. Phải thêm gỗ, thêm buổi mới có thể có được chiếc chạn bát chắc và đẹp được. Gia chủ đồng ý trả thêm công, lại còn khen thợ kỹ tính hơn cả chủ.
Sớm sau, đám thợ mộc đến sớm hơn mọi bận. Ông thợ chính nhờ gia chủ đưa đi xem mấy tấm gỗ sấu ở cuối sân. Gỗ này người ta vừa mang từ sông về, là gỗ rừng già thượng nguồn hẳn hoi. Người mua gỗ muốn được xem, được chọn, được ngã giá với nguyện vọng sắm được cỗ hậu sự tốt cho song thân. Gia chủ nhiệt tình trước một ông thợ vừa chu đáo, vừa có hiếu. Cùng lúc ấy, tại nhà ông chủ đóng chạn bát có một người phụ nữ hỏi thăm đến. Chị ta nói là người nhà của anh thợ phụ trẻ này. Lý do cũng đơn giản: Gia đình đang có người ốm thập tử phải đi báo gấp.
Đôi anh chị to nhỏ với nhau:
- Sáng tôi đi, ông còn húp được lưng cháo kia mà?
- Ông cũng chỉ mới khó thở sau lúc anh đi khoảng một tiếng hơn tiếng gì ấy. Mẹ phải lấy gừng rượu đánh gió cho ông ngay.
- Chân tay ông còn run như hôm qua không?
- Không! Thầy vừa xoa tay cho ông vừa giục em đi gọi anh về. Thầy bảo cố gắng thu xếp công việc buổi trưa nay.
- Anh đợi bác phó cả về đã. Em uống nước đi...
Lát sau người phụ nữa ấy lẳng lặng đi ra vườn. Chị như có ý tìm chỗ vệ sinh. Gia đình chẳng ai để ý. Dăm phút sau người phụ nữ quay lại mặt có vẻ tươi tỉnh. Chị đến cạnh anh thợ phụ nói một câu rất nhỏ:
- Đúng rồi anh Rãng ạ!
Gần trưa, người thợ cả với gia chủ mới về. Cả hai đều vui vẻ tìm được món gỗ tốt. Bên mua có vẻ ưng mặt hàng nhưng giá cả chưa xong vì chủ gỗ đi vắng. Họ vừa bước vào nhà đã gặp ánh mắt nghiêm nghị của anh thợ nhỏ:
- Chúng tôi là công an huyện có lệnh bắt ông vì tội ăn trộm trâu.
Người thợ cả trở lại vị trí chiến sĩ. Anh đứng hơi lùi lại phía sau gia chủ, rút khẩu súng lục trong người ra khỏi bao. Mũi súng lăm lăm phía sau lưng đối tượng.
- Oan tôi quá các ông ơi. Trâu này là trâu của tôi chứ có phải đồ trộm cắp gì đâu.
- Ông nói không đúng sự thật.
- Nếu tôi nói láo thì trời tru đất diệt tôi đi.
Rãng từ tốn khuyên răn:
- Ông không nên chối. Càng chối tội càng nặng. Chúng tôi có điều tra kỹ mới ra lệnh bắt ông.
- Nhưng... thật tình... thưa các ông, tôi oan, oan quá ạ. Cả đời vợ chồng tôi cơ chỉ làm ăn chứ có biết gì đến chuyện trộm cắp đâu.
Rãng lắc đầu nhìn kẻ ngoan cố rồi ra lệnh:
- Đồng chí dẫn ông ta ra vườn. Cả chị nữa, mời chị theo chúng tôi.
Người phụ nữ lạ vừa tới chuồng trâu đã nghe tiếng thở phì phì của nó. Con trâu cứ giẫm đi giẫm lại trên nền chuồng, đôi tai vẩy vẩy, thái độ bồn chồn cuống quýt kiểu nhận ra người thân. Rãng nhìn kẻ ngoan cố nói rành rọt từng câu:
- Ông thấy chưa?...
Anh quay về phía người phụ nữ khẽ cười rồi nói tiếp:
- Đây mới là người chủ của con trâu. Con vật không biết nói thật nhưng nó cũng có tình cảm với người chăn nuôi nó. Cứ nhìn qua cử chỉ của con vật vừa này là biết.
Kẻ ngoan cố vẫn dập đầu xuống đất kêu oan:
- Thưa ông, quả tình tôi không bắt trộm trâu. Còn chuyện ấy ai làm sao mà tin được. Con vật này, thấy người, ai mà nó không quý, không cuống quýt lên.
Người chiến sĩ đi cùng với Rãng quát tướng lên:
- Im đi. Đã gian lại còn dối.
Người phụ nữ lạ tiến đến gần chuồng trâu hơn. Chị lấy tay xoa xoa đầu trâu rồi quay lại nói với kẻ đang to mồm chối tội:
- Ông nhìn đây nhé!
Mọi người chăm chú. Bàn tay của người phụ nữ đập nhẹ lên đôi sừng đen của trâu. Giọng chị ngọt ngào nói với trâu như nói với người:
- Trâu như thế là hư lắm nhé. Bỏ gia đình chị đi mà không nói với ai một lời. Mày có biết dắt mày đi là bọn kẻ trộm không. Cái lối mày đi hôm ấy đâu phải cái lối chị vẫn dắt mày đi hàng ngày. Thế là hư, trâu hiểu không? Bao nhiêu lần chị dạy trâu rồi mà mày chẳng chịu nghe. Cái đồ trâu ngốc này. Đã biết lỗi chưa. Nếu biết lỗi rồi thì quỳ đôi chân trước xuống chị sẽ về xin với ông tha cho.
Con trâu hình như hiểu lời người nói. Nó lắc lắc đầu, cọ cái khuôn mặt dài ngoẵng của mình vào cổ tay người phụ nữ. Nó giậm chân mấy cái rồi lặng lẽ quỳ trước mặt chị...
Kẻ ngoan cố nín bặt. Mặt gã tái xanh. Lát sau gã nói lẩm bẩm:
- Thưa các ông. Tôi biết tội rồi ạ. Xin các ông và bà tha cho. Cái con trâu này nó hại tôi, chứ thật tình tôi không trộm nó. Tôi có biết nó mặt ngang, mũi dọc thế nào đâu.
- Đến vậy mà ông vẫn ngoan cố.
- Dạ không, không ạ! Tôi xin khai, khai hết ạ...
Kẻ ngoan cố khai, anh ta không phải là kẻ trộm trâu mà mua rẻ lại của kẻ ăn trộm với điều kiện không được nói với ai nửa lời về kẻ bán. Vì ham một món hàng rẻ, anh ta hứa với kẻ bán là sẽ lấy lá chuối khô nút miệng không nói nửa lời, nếu sai sẽ chịu đòn.
- Tôi đã trót dại, tôi xin chịu. Còn khai ra kẻ bán tôi không dám. Khai ra chúng giết tôi mất. Con trâu đấy. Xin chị dắt về giúp tôi...
Rãng khẽ nhíu mày, gắt lên:
- Không thể thế được.
- Thưa ông, tôi chỉ là nạn nhân. Tôi xin chịu thiệt về phần mình.
- Đây đâu phải là nạn nhân. Ông tham của rẻ, đồng loã với kẻ gian bây giờ lại cố tình giấu tung tích kẻ gian, tội tưởng nhẹ mà không nhẹ đâu. Bây giờ thế này, cho phép ông dắt trả lại gia đình chị Thơi con trâu, tiếp theo mời ông về huyện...
Người phụ nữ là Thơi ấy có cách giải quyết khác:
- Gia đình em xin cám ơn các anh đã giúp tìm lại được con trâu đã mất. Con trâu các anh cứ trao lại cho em ngay tại đây để em tự dắt về. Cứ qua bên kia sông, thả không nó cũng nhớ đường về. Lạc đường theo chó lạc ngõ theo trâu mà các anh.
Rãng cùng đồng đội dẫn kẻ trữ của gian về Công an huyện giải quyết tiếp. Thơi một mình dắt trâu trở về. Lúc này cô mới hết lo về sự táo gan của mình. Nhận được tin của anh Rãng báo là Thơi đi ngay. Ông Thời không biết chuyện này. Nếu ông biết sẽ không được đi. Còn nếu không đi theo như lời nhờ của anh Rãng việc sẽ có thể không thành. Thế là Thơi liều...
Thơi đã dắt trâu về đến đầu làng. Mọi người ùa ra xem con vật bị bắt trộm được tìm về.
- Cô Thơi tìm được trâu rồi đây này.
- Con gái nhà ông Thời tài quá.
- Không phải cháu đâu. Các anh Công an trên huyện tìm giúp cho đấy ạ!
- Thật thế ư. Tôi cứ tưởng các ông ấy phải làm những việc to lớn hơn chứ.
- Việc gì mà các anh ấy chả phải làm ạ!
Thơi dắt trâu về đến cổng nhà mình. Cô nói như reo:
- Bố mẹ ơi, tìm thấy trâu rồi. Tìm thấy trâu rồi.
Bà Thời hồ hởi chạy ra cầm lấy thừng trâu giọng cuống quýt, mừng rỡ:
- May quá là may. Nhà mình có phúc lớn đấy ông ạ!
Ông Thời bây giờ mới rời bàn nước. Từ lúc nãy khi Thơi dắt trâu vào nhà ông đã để ý. Lúc này, khi Thơi đưa dây dắt trâu cho mẹ, ông mới e hèm lên tiếng:
- Giỏi! Giỏi... Bà dắt con trâu vào chuồng cho tôi. Còn con Thơi đâu, lên tao bảo đây.
Thơi len lén lên nhà. Một chiếc vai bừa, thừng dùng đánh trâu đang dựa cột ngay cạnh chỗ cô đứng. Ông Thời chỉ vào chiếc phản gỗ kê ở gian bên thét con gái:
- Nằm sấp lên phản kia.
Thơi như bé lại, lấy tay xoa đít:
- Bố! Con…
- Nằm sấp lên phản kia...
- Con xin.
- Lên!
- Dạ... Dạ...
Tiếng roi vun vút. Thơi giật thót, đau điếng mỗi lần bố đánh. Giọng ông Thời rít lên:
- Ai cho phép mày...
- Nói?
Thơi chỉ biết nằm im chịu đòn. Lúc này không nói điều gì là tốt nhất. Bố đang cơn giận. Thôi, đành nhờ hai làn nước mắt xoa dịu những làn roi đau vậy.
Rãng đã rất khó khăn về việc tìm ra hai tên trộm trâu. Kẻ mua rẻ con trâu trộm ấy vẫn sợ bị trả thù nên cứ đay đi đay lại câu "dù có chết tôi cũng không dám khai ra chúng". Cuối cùng thì bà vợ ông ta đã lẳng lặng lên Công an huyện, xin gặp riêng người chỉ huy tố cáo hai tên bán trộm trâu cho chồng mình. Đấy là hai tên lái trâu, vì thất nghiệp lại lười biếng nên giở trò gian. Kẻ chủ mưu có tên là Lé. Người khai xin cơ quan Công an giảm tội cho chồng mình. Bà ấy còn bảo: "Bọn trộm có đòi trả thù thì cứ bảo nó đến mà trả thù tôi đây này. Tôi là tôi không có sợ cái lũ gian tham ấy!".
Hai tên trộm trâu bị bắt. Qua khai thác còn tìm ra hai vụ trộm dê, trộm bò nữa. Hai tên vốn sành sỏi trong nghề mua bán súc vật. Sau ngày chính quyền mới thành lập, lợi dụng lòng dân đang vui mừng sinh mất cảnh giác chúng đã tụm lại với nhau thành một nhóm trộm cắp. Chẳng gì lãi hơn nghề này. Nhưng cũng chẳng gì xấu xa hơn nghề này khi việc vỡ lở đó là lời than thở của chúng sau khi nhận tội. Thằng leo lẻo lỗ mồm nhất là thằng Lé.
Tổ phá án được tuyên dương. Rãng báo cáo với chỉ huy và đồng đội mình rằng sở dĩ có được thành tích này công của cô Thơi một nửa. Đang lúc ấy thì bà Thời xách một cái bị to vào. Nhìn thấy bà, Rãng đứng dậy báo cáo ngay:
- Báo cáo với ban chỉ huy. Đây là bà Thời gia đình của con trâu bị mất.
Rãng chưa nói dứt câu bà Thời đã hỉ hả nói ngay:
- Cám ơn các anh Công an huyện quá. Không có các anh nhà tôi sẽ mất trắng cơ nghiệp vì cái bọn đầu trâu, mặt ngựa ấy.
Vừa nói, bà Thời vừa lấy từ trong bị ra một nải chuối tây quả to mập như bắp tay trẻ con bụ sữa vỏ mới vàng ươm, hai quả bưởi nặng chình chịch vàng sẫm, một chục quả na dai vừa độ mở mắt, một túi vải nhỏ gạo nếp:
- Gọi là cây nhà lá vườn. Ông cháu cho tôi lên đây trước tiên là xin có lời cảm ơn các anh sau là có chút quà nhà biếu các anh liên hoan.
Rãng tái mặt vì chuyện này. Anh vừa nhìn chỉ huy vừa xua xua tay trước mặt bà Thời:
- Bác ơi, bác đừng làm thế mà cháu bị phê bình bây giờ.
- Ô hay... Tôi biếu tất cả cơ mà...
- Nhưng...
Lúc này đồng chí chỉ huy đứng vội lên ra hiệu cho Rãng:
- Thôi, đồng chí Rãng không phải nhưng nữa. Thay mặt anh em tôi xin nhận quà của bà Thời. Anh em đang thèm chuối, thèm bưởi đây. Xin cám ơn ông bà. Cũng xin được có lời thưa lại thế này. Sở dĩ vụ án được giải quyết nhanh chóng như vậy là có một phần công lớn của cô Thơi. Cả tổ cũng vừa bình bầu thành tích cho cô ấy đấy. Giờ anh em chúng tôi nhờ bà chuyển cho cô Thơi chục quả na này. Đây là phần thưởng của đơn vị gửi cô Thơi, người cộng tác đắc lực của vụ phá án.
- Ấy ấy... ai lại...! Kìa chú, trả tôi chiếc bị đây, đừng có làm thế. Công em nó có đáng gì. Cây nhà lá vườn cả ấy mà.
Bà Thời chào mọi người ra về. Rãng xin phép chỉ huy đi tiễn. Ra tới cổng cơ quan, bà Thời bảo:
- Anh ra chỗ gốc bàng kia tôi nói nhỏ điều này.
- Cháu đang bận họp gấp ạ.
- Tôi chỉ nói mấy câu thôi.
- Có gì quan trọng không ạ?
- Cứ ra rồi sẽ biết. Nói ở đây nhỡ ai người ta nghe được người ta cười cho.
Dưới gốc bàng xế cổng cơ quan bà Thời thì thào vào tai Rãng:
- Con Thơi nó bị đòn đấy.
Rãng ngạc nhiên:
- Nhưng vì sao thế ạ. Chính tay cháu trao con trâu cho Thơi dắt về.
- Thì vưỡn. Trâu không sứt sẹo tí nào. Con bé thi bị đánh đến quằn người lại. Ba cái roi bừa chứ ít đâu. Mà tội gì cháu có biết không. Tội không nghe lời đấy. Cái ông lão đến trái tính, khó nết. Sai lè lè ra, không khen con lại còn xẻ con ra mà đánh...
Giọng bà Thời xót xa khi kể lại chuyện. Rãng cũng xót xa không kém. Nhờ Thơi mà tổ anh phá được án, cũng vì anh mà Thơi bị ăn đòn của bố. Giờ lại đang họp, vả lại nói với bà Thời câu gì lúc này cũng khó. Tiễn bà mấy bước nữa anh chỉ biết than thở:
- Bác cho cháu gửi lời xin lỗi Thơi. Vì anh em chúng cháu mà Thơi bị đòn oan.
- Lỗi lỗi cái gì. Ông lão dở hơi nhà tôi có lỗi thì có. Thôi, anh vào họp đi kẻo các anh ấy chờ.
Về lại phòng họp lòng Rãng trĩu xuống như có đá đè. Ông Thời đánh Thơi vì lẽ khác, anh hiểu. Chính vì lẽ đó mà bên cạnh niềm vui của việc công hoàn thành anh lại có nỗi buồn riêng khó ai có thể chia sẻ.
Đêm ấy Rãng khó ngủ. Anh nhắm nghiền mắt bao nhiêu lần mà đầu cứ chong chong. Rãng nghĩ cách để gặp được Thơi. Chẳng có gì khó mà sao lại rất khó. Mọi cái là do Rãng, tự Rãng. Anh có thể vào thẳng nhà gặp ông Thời nói chuyện để ông hiểu cho cái lỗi vô phép của Thơi. Anh cũng có thể gặp Thơi ngay một chỗ nào đấy mà cô hay qua lại để nói lời nào đấy, chuyện gì cũng được miễn là nhận được ở cô một nụ cười. Vân vi đến mãi gần sáng chiến sĩ Rãng, một anh chàng nhát gái đã tìm được cứu cánh của mình.
Một mảnh giấy học trò được kẻ lề, cắt mép hẳn hoi, mắm môi Rãng nắn nót từng chữ:
Kính gửi đồng chí Thơi!
Xin báo cho Thơi một tin mừng, Thơi đã được chỉ huy của chúng tôi tuyên dương thành tích đấy. Hôm qua bà mẹ Thơi có lên đơn vị thăm anh em... À mà Thơi ơi, cái chuyện ấy ấy mà, Thơi đừng buồn nhé. Chẳng qua là tôi vô ý nên khiến Thơi phải liên lụy. Tôi chỉ mong Thơi bỏ qua và thông cám cho nhé!
Người đồng hương kí tênRãng
Trời trưa sáng Rãng đã mượn xe đạp về làng. Làng anh cách huyện bảy cây số. Con đường cái quan rải đá cứ lóc xóc theo bước chân đạp miết của Rãng. Đến cổng làng, Rãng không vào thẳng vì lối ấy qua nhà mình, anh chéo qua cánh đồng đến ngõ nhà Thơi. Cách nhà Thơi khoảng gần trăm mét chỗ có cái giếng đá cô thường sáng sáng ra gánh nước. Rãng tạt xe vào sau búi tre già dựa xe và ngóng đợi. Anh tin thế nào cũng gặp Thơi.
Từ xa, Thơi gánh đôi thùng không rảo bước. Ngõ hẹp, bóng Thơi cứ rõ dần rồi lướt qua búi tre. Đợi cho Thơi đi một quãng Rãng mới ngồi lên xe, tay cầm sẵn lá thư gấp tư chắm chúi đạp theo. Tới gần phía sau Thơi, anh cất lời se sẽ:
- Thơi ơi.
Thơi giật mình dừng chân, quay lại:
- Anh Rãng đi đâu về mà sớm thế này?
- Tôi từ trên huyện về. Gấp lắm. Thơi nhận cho cái giấy này để tôi còn đi. Thơi ơi, tôi cũng đau lắm.
- Giấy gì?
- Thơi đọc sẽ biết.
Người đưa đưa vội, người cầm cầm vội. Tờ giấy tình cảm gấp tư chưa kịp mở ra xem bởi Thơi đang ngầm nhìn theo bóng xe của Rãng thì bỗng lạnh toát người vì tiếng ông Thời bên cạnh:
- Đứa nào thế Thơi. Giấy gì kia?
Thơi chợt nhớ ra ông Thời sớm nay ra đồng lấy nước cho ruộng. Bây giờ thì chẳng có gì giấu được nữa, cô ấp úng:
- Con... Con...
- Thằng Rãng vừa ở đây đạp xe đi phải không?
- Dạ... Vâng ạ!
- Đưa tao cái giấy.
- Bố...?
- Có đưa không thì bảo!
Thơi bắt buộc phải đưa lá thư Rãng viết cho ông Thời mà chưa hề được đọc một dòng nào. Cầm tờ giấy gấp tư, ông Thời hằm hằm nhìn con gái rồi băm bổ bước về nhà. Thơi vẫn ra giếng gánh nước. Ngõ đất phẳng là vậy mà chân cô bập bõm như bước trên đường ổ trâu, ổ voi.
Thơi gánh gánh nước vào sân đã thấy giữa nền gạch lát ngổn ngang những mảnh cốc chén vỡ. Bà Thời đứng một góc sân nhìn không dám dọn. Ông Thời ngồi trên hè, chống gối, mặt đỏ tía như uống rượu:
- Con Thơi, tao hỏi đây.
- Bố cho con đổ nước vào chum đã ạ.
Tiếng nước chảy vào lòng chum như giội vào lòng Thơi. Cô như muốn cuốn theo cái nguồn nước chảy ấy mà không được. Thơi chậm rãi đi vào len lén đến bên cạnh mẹ. Ông Thời tay cầm tờ giấy đã mở, phẩy tay cho Thơi lại gần:
- Mày đọc đi. Nó viết thế này có nghĩa là thế nào?
- Bố ơi. Con xin thề với bố. Con chưa được đọc đến một chữ.
- Có đúng không, đúng không?
- Thật ạ! Anh ấy vừa đưa thì bố từ đồng về.
Ông Thời nhìn vợ, cái nhìn trách móc:
- Bà nghe cho rõ đây này... À mà Thơi ơi, cái chuyện ấy ấy mà, Thơi đừng buồn nhé, bà có hiểu như thế nghĩa là cái gì không?
Bà Thời ngước mắt nhìn con gái như nhìn một vật lạ. Thơi hiểu ngụ ý của lời thư Rãng viết không biết mẹ có hiểu mà sao cái nhìn của bà đầy vẻ nghi ngờ đến vậy.
- Sao lại thế này hả con? Tao cứ nghĩ chúng mày tử tế.
Thơi phát hoảng lên nói vội:
- Mẹ nói cái gì kia? Chúng con đã có gì hư hỏng đâu. Hai đứa mới chỉ quen nhau như bạn.
- Nhưng sao nó lại viết thế?
Thơi nhăn hết cả mặt mày. Cái anh Rãng đến là lắm điều. Cứ nói thẳng ra sao lại phải bóng gió thế này. Bây giờ sự đã vậy, giấy đang trong tay bố, chữ thì rành rành ra thế kia ăn làm sao, nói làm sao bây giờ. Thơi biết tính bố mẹ. Hai cụ chỉ lo cho con gái. Mình không hư mình chẳng sợ. Tốt nhất lúc này là nói thẳng. Khi bố mẹ biết chuyện càng quanh co càng ốm đòn.
- Con nói thật, cái chuyện ấy mà anh ấy viết trong thư ấy là cái chuyện con bị bố đánh đòn chứ còn cái chuyện gì khác nữa.
Ông Thời có cảm giác nghi ngờ:
- Chuyện tao đánh mày! Ai nói mà nó biết.
- Ai?
- Tôi... Tôi...
Bà Thời lên giọng mát mẻ bằng mấy chữ tôi liền liền rồi giảng giải tiếp:
- Tôi, tôi hết. Tôi lên huyện cám ơn các anh công an này. Tôi mang ít hoa quả vườn nhà lên để cảm ơn người ta này. Người ta có ý từ chối nhưng tôi là tôi bắt nhận. Cả cái chuyện con Thơi bị đánh đòn cũng chính tôi nói cho cái nhà anh Rãng anh ấy biết chứ còn ai vào đây nữa. Ông cứ ru rú ở góc nhà ông làm sao biết được cái vụ bắt trộm trâu vừa rồi con ông cũng có thành tích, cũng được khen ngợi không?
- Bà làm gì mà rối rít lên vậy. Nói ít thôi. Nghe thế là đủ rồi.
- Ông Thời không cho vợ nói tiếp nữa và hỏi tiếp:
- Có thật như vậy không?
- Lại không thật. Tôi là vợ ông, là mẹ con Thơi, tôi còn nói dối nữa tôi ở với ai, sống với ai. Ông cũng vừa vừa cho con cái nó nhờ với chứ.
- Nhưng tôi làm cái chuyện ấy là vì nó chứ vì ai?
- Thì có ai nói ông không vì con. Chuyện mất trâu ấy là chuyện chính của ông mà mẹ con tôi phải gánh vác không biết cho thì thôi chứ còn ai oán cái nỗi gì.
- Bà Thời dồn chồng, từng bước, từng bước một đến tận chân tường của lẽ phải chăng. Ông Thời không kịp phản ứng, không kịp giãi bày. Đôi mắt ông lúc này trông như trẻ dại, ngơ ngác. Con người ta là vậy. Khi cậy quyền thì hùng hổ, khoa trương lúc đuối lý lại nhũn nhặn như con chi chi, yếu mềm như trẻ dại:
- Tôi, tôi biết rồi. Nhưng cũng tại nó kia.
- Tại nó cái gì?
- Bà hỏi con bà, khắc biết.
- Ông Thời châm lửa rít một hơi điếu cày. Khói thuốc phì ra lẫn sương sớm thơm đặc. Ông chiêu một ngụm nước chè xanh nóng, da mặt tê tê, khoan khoái trong cảm giác say thuốc. Lời dẫn giải của bà đã làm ông như đang có bao cát đè nặng trên lưng cứ nhẹ dần, nhẹ dần bởi lỗ thủng ở đáy đang đẩy bớt cát ra ngoài. Còn khuôn mặt Thơi từ lúc sợ hãi, căng thẳng giờ đã thư giãn, mát mẻ lên. Thật vui khi Thơi nghe từ miệng ông Thời nói ra câu này:
- Giá mày xin phép bố một câu.
Bà Thời đỡ lời con:
- Nó xin phép ông để lộ bí mật hết chuyện ấy à?
- Bà chỉ được cái...
Thơi bóp cục tay, vừa tủm tỉm vừa phụng phịu:
- Con xin lỗi bố về chuyện này. Con cũng đã định xin phép bố nhưng con lại sợ...
Lời ân hận của con gái khiến sự cấn cá trong ông Thời đã được quên đi giờ lại chồi lên nhưng với một tình cảm khác:
- Bố có ghét bỏ gì con đâu. Mà cũng là tại con nữa. Gì thì cũng không nên như thế. Con vội đi, không kịp xin phép bố cũng được. Nhưng cái chuyện giả làm vợ cái nhà anh Rãng là sai, là trái với lệ làng.
Thơi bật cười. Lúc nhận lời giúp anh Rãng, anh còn bảo phải giả giới thiệu Thơi là vợ để cho nhà chủ họ không nghi ngờ.
Chuyện kín thế mà cũng đến tai bố.
Thời vẫn tủm tỉm. Mắt cô nhí nhảnh như trẻ con khi nói với ông Thời:
- Đấy là mẹo của mấy anh công an mà bố. Còn cái chuyện kia á, không bao giờ bố nhá!
Ông Thời lắc đầu nhìn con. Bà Thời thì chỉ biết nhìn con hỏi thầm: "Rồi xem con gái mẹ có giữ được mãi không?!".