Năm 1946 từ đội viên đội tự vệ xã Rãng được điều lên tham gia lực lượng công an huyện. Như vậy là anh được thoát ly. Hôm tiễn chân ở đội tự vệ xã, người chỉ huy nắm chặt tay anh nói:
- Đừng làm hổ danh chiến công phá trộm trừ gian của tự vệ xã ta nhé. Là đội viên xuất sắc của đội, giờ cho đồng chí lên với cấp trên chúng tôi tiếc lắm. Nhưng không sao. Hậu sinh khả uý. Lên huyện, có chiến công nào mới tạt về kể cho anh em rút kinh nghiệm rồi có đi đâu, lại đi. Quê có trộm nếu chưa bắt được tớ lại cho người lên nhờ cậu.
Đấy, lý do Rãng tham gia công an là như thế. Ai cũng nói anh có năng khiếu làm công an sau vụ bày mưu bắt bọn trộm thóc nọ. Đi công an là phải gửi lại cái lưỡi lê Nhật cũ cho gia đình giữ hộ. Trước nó là vật vô tri, vứt xó bốt Nhật, từ ngày về tay mình lại được tham gia tuần canh, bắt trộm. Vật có tình người chẳng vô tình.
Rãng thấy luyến tiếc vô cùng. Anh bảo với bố thế này:
- Thầy giữ giúp con. Nó là chiến lợi phẩm đầu tiên trong đời chiến sĩ của con đấy.
Bố anh cười ha hả và nói:
- Giữ là thế nào. Mày để tao dùng. Trước là giữ nhà sau là giữ làng xóm. Lúc nào con cần, chỉ nói nửa câu tao sẽ trả ngay tắp lự.
Nói rồi ông cụ cài lưỡi lê vào ngang nẹp sau cánh cửa chỗ ra vào nhà. Vị trí này rất tiện lợi khi cần dùng đến. Ở trong nhà đi ra chỉ cần với tay một cái trước khi mở then cửa là xong. Nói theo cách nói nghề nghiệp là ông cụ biết cảnh giác ra trò. Cũng vì vẻ rắn rỏi này của người thân sinh ra mình nên lúc đi xa Rãng có phần đỡ bịn rịn hơn.
Ở đơn vị công an huyện mới đầu Rãng được tập đi một hai, quay phải, quay trái, đằng sau đằng trước rồi học cách sử dựng súng trường. Sau đó chủ yếu là được luyện tập cách hoá trang vào chỗ đông người, cách thăm dò nghe ngóng tin tức, cách sử dụng dao găm và một số loại súng ngắn chiến lợi phẩm thu được của Tàu, của Nhật, của Pháp như: Xanh-ê-chiên, Pạc-hoọc, Côn-bát... Nhiều người không sành tiếng Tây thì cứ nôm na gọi chúng bằng một tên chung là súng lục. Lúc này chưa có quân phục, ai có gì mặc nấy. Có anh diện bộ ka ki cộc màu vàng nhạt, có anh diện áo xanh, quần nâu. Riêng Rãng được bố may cho bộ quần áo tây gụ, có cầu vai, mặc vào trông cứng cỏi hẳn lên. Người chỉ huy công an huyện vốn là một công nhân sửa chữa ô tô ở Hà Nội về quê tham gia khởi nghĩa rồi được tín nhiệm cử vào chính quyền lâm thời huyện phụ trách công an. Anh là người khoẻ mạnh, nhanh nhẹn lại ưa đọc truyện trinh thám. Trong một lần họp cơ quan anh nói:
- Nghề công an cứ như cái nghề trinh thám ở trong sách vậy. Các thám tử xưa chuộng nghĩa, hướng thiện nhưng thường anh hùng một khoảnh. Ta cũng chuộng nghĩa, hướng thiện nhưng hoạt động có đồng đội, có nhân dân. Chưa có trường lớp nào dạy chúng ta cả nhưng cứ đi làm rồi khắc biết.
Một lần Rãng được phân đi theo dõi đám cờ bạc, nghiện ngập ở phố huyện. Học cách làm của các thám tử, anh mặc bộ quần áo nâu bạc, đội chiếc nón chảo đã sờn quai, vai đeo cái bị cói, rời cơ quan từ rất sớm. Hôm ấy là chợ huyện. Được biết ngày phiên chợ bọn cờ bạc, nghiện ngập hay tụ tập tại một quán ăn uống bình dân ở ngay mặt phố. Có điều, khách ăn bình thường chỉ ngồi sụp soạt ở mấy cái ghế nhà ngoài. Còn khách say máu thì nhấm nha nhấm nháy với chủ hiệu rồi mắt trước mắt sau lẻn vào nhà trong...
Rãng giả làm người đi làm thuê ghé quán ăn quà:
- Bà chủ cho tôi bát bánh đúc cua. Mấy cái đậu nữa nhá.
- Bác đợi cho một tí ạ!
Trong lúc chờ bà hàng làm quà, Rãng lân la hỏi người đang ngồi bên cạnh:
- Bác xem quanh vùng có ai thuê làm thợ công nhật không ạ. Tôi việc gì cũng gánh được. Đào ao, đẵn cây, làm vườn.
Vừa nói, Rãng vừa đảo mắt nhìn qua nhìn lại gian hàng. Có một ông cầm ô đen, mặc bộ đồ lụa cũ màu cháo lòng, ghé vào. Ông ta chọc chọc đầu ô xuống nền đất hỏi bà chủ:
- Ông có nhà không bà, tôi hỏi mấy câu chuyện.
- Dạ, mời cụ vào ạ. Nhà cháu đang cùng với mấy bác nữa đang đàm đạo thế sự ở trong ạ!
"Thế sự...". Rãng cười thầm trong bụng. Chưa hết. Một tay lưng gù, môi thâm, tóc rậm, da tái như rạ chưa được phơi nắng, bước vào, giọng lào phào:
- Hay lên cơn khó thở quá bà lão ạ. Gớm bánh đúc cua ngon tệ nhưng nào có nuốt được. Ông lão có nhà không để vào lấy vài xu thuốc hen đây.
Vẻ ốm yếu của người hỏi, câu trả lời của chủ nhà "Vâng ạ! Bác cứ vào, thuốc hen nhà đang sẵn" đã khiến Rãng thấy nghi nghi rồi dự đoán và chắc mẩm đây là cái ổ con tò vò. Anh nghĩ ngay phương án bắt. Nhà hàng không rộng nhưng sâu. Liếc mắt nhìn, phía sau không cổng nhưng có tường sang hai nhà bên. Lối vào chỉ có một, đó là chỗ bán quà. Như vậy có thể bố trí người đón lõng hai bên và một mũi công khai đánh thẳng. Lúc đó, anh đã tự tin nói với đồng đội là cứ sẵn sàng chờ, chỉ cần một hai tiếng trinh sát là ta sẽ có kết quả báo cáo cấp trên. Bây giờ thì rõ mười mươi, ngay trước mắt, bọn nó đang tụ tập...
Rãng và vội miếng bánh đúc cua cho hết bát. Cẩn thận hơn anh còn lấy đôi đũa quẹt qua môi rửa miệng. Bà hàng nói một câu chèo kéo lấy lệ:
- Lần sau chú đi chợ lại ghé hàng chị nhé!
- Bánh đúc cua của bà ngon quá.
- Có được nhất huyện không chú?
Rãng cười quay ra đường. Chưa kịp kéo chiếc nón sụp xuống che mặt anh đã nghe thấy tiếng ai réo gọi từ phía bên kia đường:
- Rãng ơi, Rãng!
Rãng giả vờ không nghe cứ đi tiếp. Người gọi chạy theo:
- Dừng lại tao bảo đã...
Bắt buộc Rãng phải dừng chân. Người kia hỏi luôn:
- Sao dạo này ít về làng thế. Nghe nói mày đi làm công an cơ mà...
- Ơ...Ơ…
- Đúng không? Sao lại ăn mặc thế này!
Rãng lấy lại bình tĩnh:
- Chả ăn mặc thế này còn ăn mặc thế nào nữa. Ai nói với cậu là tớ đi công an? Đi công an bao giờ, toàn chuyện bịa...
- Thật à?
- Lại không. Nhìn quần áo đây thì biết chứ. Đi làm thợ đấu, đi làm thuê thì có.
- Thế mà tớ cứ tưởng...
Người bạn cùng quê thất vọng ném vào mặt Rãng một cái nhìn dè bỉu rồi anh ta bỏ đi. Rãng hoàn hồn quay lại nhìn hàng bánh đúc riêu cua ước lượng khoảng cách không xa là mấy mà thấy chờn chợn. Linh cảm như có ai vừa nghe được câu chuyện giữa mình và người bạn cùng quê, anh không về cơ quan vội mà dừng lại, tạt vào chỗ gốc cây bên cạnh, đánh mắt lại sau theo dõi.
Thoáng cái không thấy bà riêu cua đâu. Lát sau từ trong cửa, hàng nhộn nhạo nhiều người đi ra. Trong đó Rãng thấy có cả lão mặc áo lụa cũ cầm ô đen và tay giả mua thuốc hen nữa. Người trinh sát thất thểu ra về, ấp úng nói với chỉ huy:
- Báo... Báo cáo anh... Trèo sắp đến quả thì bị lộ ạ!
- Cậu nói chi tiết xem nào, Rãng?
- Dạ...
Rãng lúng túng thuật lại đầu đuôi câu chuyện. Người chỉ huy đập đập tay vào vai nói:
- Lộ là phải... Lộ là phải... Nghề chính của cậu là trinh sát đúng không mà cậu lại để người ta trinh sát mình. Thua là ở chỗ ấy đấy. Nói cho cùng, nghề trinh sát công an là hoà vào mọi người, biết mọi người mà mọi người không biết mình. Bọn tội phạm nó tinh quái lắm. Chỉ cần khác ý một cái nó biết mình là công an ngay. May mà cậu còn tỉnh táo xử lý kịp thời. Được thế này cũng coi như là có năng khiếu trong nghề.
- Nhưng em vẫn khuyết điểm.
- Tránh sao được. Vạn sự khởi đầu nan mà.
Rãng vẫn vương vướng nỗi băn khoăn về việc chỉ huy giao không hoàn thành. Nhận ra tâm trạng này của chiến sĩ, người chỉ huy động viên:
- Thua keo này bày keo khác. Không được nản. Lãnh đạo cho chú làm tiếp vụ án này, ưng không?
- Báo cáo rõ!
Rãng định chạy đi báo ngay cho tổ biết Nhưng đã bị gọi lại. Người chỉ huy vừa cười, vừa nói:
- Sốt ruột không phải là phẩm chất của trinh sát. Trầm tĩnh, chắc và khẩn trương là việc của điều tra. Các thám tử trong sách vẫn làm thế. Chỉ có cái là họ hay hành xử một mình. Còn chú, chú phải khác. Chú, có tôi và anh em nữa kia mà. Lần này, cũng mục tiêu ấy, nhưng đánh theo cách khác. Ban chỉ huy cho phép chú suy nghĩ và lên phương án. Mấy ngày nữa, nguôi nguôi chuyện gặp đồng hương kia đi, ta sẽ vào trận cũng chưa muộn.
Được lời như cởi tấm lòng. Tâm trạng day dứt nặng nề của kẻ thất trận không còn. Trở về đơn vị Rãng đi đi, lại lại gần trắng đêm ở sân sau nhà ở để nghĩ cách đánh. Thái độ lo lắng, bồn chồn của anh đã khiến nhiều đồng đội cằn nhằn.
Một đồng chí nói:
- Cậu định mai vào trận à?
- Không.
- Thế sao cứ phải đi đi, lại lại như ma hành thế kia?
- Nhưng tớ không ngủ được. Khó quá! Chưa biết tính thế nào.
Một đồng chí khác bảo:
- Cứ sồn sồn như đợi gái thế kia thì sao làm trinh sát được.
- Thế công an không phải yêu, phải lấy vợ à?
- Đấy là chuyện khác.
- Khác là thế nào...?
Lúc này, anh chỉ huy mới ở phòng trực về cười cười:
- Khác chứ. Sao lại ghép chuyện đánh án với vợ con. Vợ con là chuyện gia đình, đánh án là chuyện xã hội. Với lại các em còn trẻ, đã đứa nào vướng bận thê nhi đâu mà lôi chuyện ấy vào đây cho nó thêm rắc rối.
Mọi người nói đã phải, chỉ huy nói càng phải, nhưng sao đôi mắt mình vẫn thao láo ra thế này. Đã mấy lần định ngả lưng nhắm mắt mà Rãng cứ thấy cái miệng toe toét cười của con mụ bán bánh đúc cua. Mụ ta như trêu chọc, chê bai mình. Lại cả cái gương mặt anh chàng cùng quê nữa chứ. Bỗng dưng đâu lại lộ ra ở cái chỗ đáng lẽ không nên có. Ức không chịu được. Rãng hậm hực nghĩ ra nghĩ vào như thế rồi thừ ra tự xỉ vả mình.
Người chỉ huy cũng đi đi lại lại cùng chiến sĩ:
- Cậu làm mình mất ngủ lây đây này, Rãng ạ!
- Ấy chết...
- Không sao! Chiến sĩ cứ thức mãi làm sao chỉ huy có thể nhắm mắt được. Hay thế này...
Người chỉ huy vỗ vai Rãng, rồi nói:
- Để tớ lấy cho chú cái này. Có nó, cả đêm nay chú không ngủ cũng được.
Người chỉ huy quay đi, chốc lát anh quay lại. Rãng đã được chỉ huy của mình trao cho cuốn sách, cũ lắm, sờn hết cả mép trang, mất cả tên truyện nhưng nhiều dòng vẫn còn rõ chữ:
- Cậu cầm lấy mà đọc. Vặn nhỏ đèn thôi kẻo ảnh hưởng đến anh em khác.
- Sách gì đây hả anh?
- Cứ đọc, khắc biết. Hay lắm đấy…
Rãng ngồi đọc. Tên truyện không có, anh chỉ biết phần nội dung. Chuyện kể về một chàng trai, tuổi ngoài hai mươi. Chàng sống ở một vùng quê rất nhiều rừng, nhiều núi, có suối, có thác chứ không bằng phẳng đồng ruộng, êm ả sông hồ như quê Rãng. Chàng trai có tên là Thạch Sơn.
Một hôm bố của Thạch Sơn bảo con:
- Là đàn ông, con thích được làm gì nhất?
Thạch Sơn lúng túng chưa biết nói gì thì ông bố nói tiếp:
- Nếu con không thích làm gì thì bố sẽ hỏi vợ cho con. Cuối làng có một đứa gái, con người bạn thân của ta cũng đến tuổi lấy chồng. Mà con ngoài hai mươi rồi, yên bề gia thất cũng là phải.
Thạch Sơn rắn rỏi nói:
- Điều ấy, thưa cha, con chưa muốn!
- Vậy con muốn gì?
- Thưa cha, sức khoẻ ạ!
- Còn gì nữa?
- Đầu óc ạ!
Người bố cười to. Cảm giác ngôi nhà như bị rung lên và chỗ đứng dưới chân Thạch Sơn có ai đang lay chuyển.
- Giỏi, giỏi. Đó chính là sức mạnh của đấng nam nhi đấy con ạ.
- Đa tạ cha!
- Nhưng chưa đủ.
- Thưa cha...
- Con nghe cho rõ đây. Điều ấy là chưa đủ nếu chỉ nói bằng lời.
Dứt câu, người cha quăng chiếc gối gỗ vào trước mặt Thạch Sơn. Thạch Sơn vội đưa tay đỡ được. Anh đặt chiếc gối vào đầu giường cha, rồi khoanh tay thưa:
- Xin cha yên lòng...
Nói rồi, chàng trai bái biệt cha ra đi. Chàng tập leo lên núi để biết thế nào là núi cao, lội qua sông để biết thế nào là sông sâu. Đêm đông ở với người nghèo để ngấm tới tận cùng cái rét. Theo thợ săn vào rừng săn hổ để biết thế nào là thú dữ. Ngồi một mình trong bóng đêm để thấy mắt cú mèo sáng đến nhường nào và bước chân của bầy cáo ăn trộm gà gian ngoan ra sao. Sức mạnh của chàng có được sau một lần tránh được vuốt hổ vồ. Tấm khăn da cáo chàng khoác chéo người là chiến công của những đêm kiên trì chờ đợi. Bàn chân chàng chai sạn sau những buổi vượt sông. Chàng đã trở về trình cha với một thân hình đầy đặn cả về thể chất lẫn tinh thần.
Người cha hỏi con:
- Con đã đủ chưa?
- Thưa cha, còn thiếu.
- Thiếu những gì?
- Thưa cha, chỉ đến khi con người ta chết đi mới gọi là đủ.
- Vì sao vậy?
- Lúc ấy, là hoàn thành xong một phận người. Có muốn lại phải chờ kiếp khác làm tiếp.
Lúc ấy người cha vuốt râu, gật gù:
- Thế là ta có thể lấy vợ cho con được rồi.
- Thưa cha, con còn trẻ mà.
- Con đã là một thằng đàn ông chính hiệu.
- Cha ơi, đàn ông sinh ra đâu chỉ để riêng cho đàn bà.
Người cha đứng dậy, tung vạt áo, cười vang:
- Được lắm! Được lắm...
- Trình cha, con xin đi tiếp.
- Đi đi... Đi đi con! Ta không ngăn được con nữa. Từ nay con không phải là của riêng ta. Người đàn ông khoẻ mạnh, dũng cảm trước hết phải là của thiên hạ. Cuộc đời này đâu phải là ao hồ để con buông neo. Nó là biển để con vượt sóng, là bão để con vượt gió...
Chàng trai lại đi làm những việc nghĩa cho thiên hạ. Người cha ở nhà, sớm sớm ra ngồi dưới gốc đa cổ thụ đầu làng, mặt hướng về phía đông, đầu chít khăn lưỡi rìu đỏ. Ông chắp tay từ lúc còn mờ đất cho đến khi mặt trời nhô lên từ phía rặng tre mới từ từ cho tay vào túi áo lấy ra một con chim chích nâu. Từ đôi bàn tay mở ra của ông con chích nâu vỗ cánh bay lên. Hai tay ông vẫn để nguyên như thế như có ý chờ nó, nếu không may rớt xuống. Tận tới khi con chim chỉ còn là một cái chấm tít mù trên mãi cao xanh, ông mới từ từ đứng dậy khoan thai ra về. Thói quen ấy cứ theo mãi cho đến lúc ông khuất núi. Chàng trai trở về khóc chịu tang cha và đọc trước mộ chí ông những câu thơ: Là nam nhi, con không tủi lòng cha
Là nam nhi, con không đau lòng mẹ
Cao như núi, dài như sông, rộng sâu như bể
Ý chí phải đặt nơi hùng khí
Mới mong hiệp nghĩa hiến cho đời.
Rồi chàng trai lại đi. Bên kia sông đang có bọn giặc kéo bầy, mưu lập toán đi cướp bóc dân làng. Một cô gái xách nón chạy theo:
- Chàng cho em đi cùng.
- Nơi hòn tên mũi đạn đâu phải là việc của nàng.
- Thầy mẹ em đã nhận trầu cau bên nhà chàng rồi!
- Nàng giữ giùm ta. Cau đừng để héo, trầu phải tốt tươi. Sau ba năm đoạn tang cha, bên kia sông hết giặc ta sẽ về đón nàng đi cùng.
Nói rồi, trời nổi gió. Sấm chớp như những lưỡi gươm dài sáng quắc đan lát xung quanh chỗ chàng trai đứng. Rưng rưng khói từ đất bốc lên. Đôi tay chàng trai hoá thành đôi cánh lớn vỗ những tiếng mạnh rồi vút bay lên. Dân làng vái lạy theo và gọi con chim ấy là chim thần. Nó cũng màu nâu như con chích nâu dân dã nhưng to lớn đến không thể tưởng tượng. Người ta ngước lên nhìn theo nó tới mãi hôm sau mà vẫn thấy hình hài lay động giữa nền mây xanh ngắt...
Chuyện đã lâu lắm rồi. Trí lực huyền thoại, lời lời tốt lành với cái cốt nhân nghĩa chẳng thể quên được. Làm trai phải được như thế, phải theo thế mà sống. Ngoài hai mươi tuổi đời hơi mẹ còn ấm trên tóc, hơi cha còn nồng trên áo, cái gì cũng muốn khôn lớn ngay làm sao cho được. Đâu phải việc nào cũng dễ, cái gì chạm vào cũng làm được. Sự gì cũng phải tính toán nhất là những việc chung thì chuyện thiệt hơn, được mất là quan trọng.
Sau một đêm thức trắng cùng nửa ngày suy nghĩ, Rãng đã nháy tổ trinh sát của mình ra góc sân ngay dưới gốc cây mít bàn chuyện. Tổ trưởng lên dây cót anh em trước:
- Việc chưa thành do lỗi tại tôi. Nay là phải tính kỹ. Đợt xuất quân này mà hỏng nữa thì chỉ có trả vũ khí cho chỉ huy, xin ông ấy đôi cặp tre, về đi hót phân trâu phân bò cho bố mẹ.
- Lỗi của ai cũng là lỗi của cả tổ. Ai gặp chuyện ấy cũng khó mà tránh khỏi. Đồng chí Rãng không được than vãn nữa. Chỉ huy mà chùn, tổ viên tiến sao được.
Một người nói. Anh em nhìn Rãng với đôi mắt cảm thông. Chuyện thật khôn lường. Mọi người xì xào câu hơn, câu kém. Cuối cùng thống nhất là phải trinh sát lại. Chỉ huy từng nói, có hiểu đối tượng, nắm được đối tượng mới bắt được đối tượng.
- Lần này, trinh sát phải chọn kĩ. Cả tổ ta đều người trong huyện cả dễ bị lộ như tôi lắm. Thử xem cơ quan mình có chiến sĩ người nơi khác không? - Rãng hỏi mọi người.
Một tổ viên sốt sắng nói:
- Có, có! Có một chiến sĩ, đâu như thanh niên cứu quốc từ tỉnh mới được điều về.
Mọi người vỗ đùi reo lên "Hay quá". Rãng lúc ấy có mừng nhưng không hết lo. Anh lẩm bẩm:
- Người thế là được. Vừa về, lại quê huyện khác. Đối tượng chưa biết. Người làng chắc chẳng ai qua đây đi chợ. Cái quan trọng là khả năng.
Một đội viên xì một tiếng to:
- Đã vào được công an rồi lại cứ lo khả năng. Tổ trưởng nhỡ việc nên sợ đấy thôi. Cứ bạo lên, đề đạt nguyện vọng với chỉ huy xin người, tôi tin là được.
Chỉ huy đồng ý tăng cường cho tổ Rãng thêm một chiến sĩ nữa. Người này đóng vai học trò ở tỉnh xuống tìm việc làm gia sư. Trinh sát mặc quần áo dài màu trắng đầu đội mũ trắng, tay xách một chiếc cặp da đen đã sờn cũ. Anh đóng vai ăn quà và hỏi việc. Nhiệm vụ của người trinh sát là ngồi lì, ăn lâu để quan sát các đối tượng. Rãng qui định lúc nào thấy có thể vào cuộc được thì trinh sát ta để chiếc mũ lên đầu gối, cho tay phải lên vuốt tóc là anh em ngoài sẽ xông vào.
Kế hoạch như vậy nhưng khi vào cuộc lại có những thay đổi. Chiến sĩ ta vừa vào đến quán, gã đầy tớ từ trong nhà ra hồ hởi chào khách:
- Cậu vào xơi quà ạ!
Vừa nói gã vừa đỡ chiếc mũ từ đầu trinh sát ta xuống. Hắn vuốt ve chiếc mũ rồi để nơi nóc bàn cao. Một bát bún được bê đến. Trinh sát ta gọi thêm mấy bìa đậu rán nữa cùng một chai rượu. Bát bún được ăn trước vì bụng trinh sát đang đói, sau đó mới đến khoản nhâm nhi rượu với đậu rán.
- Có mắm tôm chấm, cậu có ăn để tôi mang. Nhà hàng chỉ sợ mấy cậu tú ngại món này - Bà chủ hàng nói.
- Cũng hay. Chưa quen lắm nhưng cứ cho ăn thử để biết mùi đời.
Trinh sát ta một bàn, một ghế. Anh ngồi sát tường mặt quay ra phía trước. Chưa nhấp cạn nửa chén rượu khách chơi đã lác đác đến, mặt nào mặt nấy nhớn nhác nhưng mang một vẻ thèm khát khó tả.
- Nhỏ?
- Cậu gọi con ạ...?
- Bảo bà chủ cắt thêm cho ít đậu nữa, gói lại, tôi mang về trưa nhắm rượu với bạn.
Ăn vội miếng đậu rán nữa trinh sát ta từ từ đứng lên ra lấy chiếc mũ trắng đội lên đầu. Anh ngồi lại chỗ cũ. Chỉ chốc lát chiếc mũ trắng được lấy ra. Bàn tay phải của người đội mũ cứ đưa lên đưa xuống mái tóc để vuốt đến mấy lần. Đôi mắt anh nhìn ra góc đường xa xa phía bên kia nheo nheo ngóng đợi.
Gã đầy tớ mang gói đậu bọc lá đến cho khách. Cùng lúc, nhanh như chớp mấy ông thợ gặt buổi sớm còn nheo nhéo chuyện trò bên kia đường chờ người gọi đi làm đã ập vào nhà hàng theo hướng chính diện. Một tiếng hô đanh gọn vang lên:
- Tất cả ngồi im, công an đây!
Bọn chơi bạc và hút thuốc phiện bị bắt gọn. Lần đầu tiên Rãng được xưng hai từ Công an khi đánh án. Lúc ấy áo vải, quần nâu, chân tay lẳng khẳng vì thiếu ăn, đầu tóc thì rậm rà rậm rịt vì muộn cắt, súng ống chả có là bao, chỉ mỗi khẩu Pạc-hoọc, vài lưỡi dao găm giấu trong người. Vậy mà bọn tội phạm mặt đứa nào đứa ấy như bánh đa nhúng nước. Đám bị bắt hôm ấy, có cả loại giàu có thường vênh vác về mặt tiền nong nhưng khi bị bắt sự hung hăng trôi tiệt đâu mất. Giọng đứa nào cũng run. Mắt đứa nào cũng lấm la lấm lét:
- Chúng con xin các ông tha tội:
- Không được xưng con ở đây. Chúng tôi là chiến sĩ Công an cách mạng nên không được gọi là ông.
Một chiến sĩ ta vặn lại cách xưng hô của bọn tội phạm. Một tên có vẻ cứng bóng vía hơn hỏi lại:
- Vậy... chúng... chúng... xưng bằng gì ạ?
Một chiến sĩ khác đốp ngay:
- Thưa nhà chức trách và xưng là bọn tội phạm chúng tôi! Còn bây giờ, bọn tội phạm tự trói cho nhau để các nhà chức trách giải về huyên hỏi tội.
Lúc ấy ngây thơ như thế. Tất nhiên là anh em sau đó có xem lại dây trói của bọn tội phạm. Tiếp đó là Rãng cầm Pạc-hoọc đi trước, theo sau là bọn cờ bạc, hút xách. Áp giải hai bên là các chiến sĩ trong đội trinh sát. Bà con phố huyện hôm ấy đổ xô ra xem rất đông. Ai cũng trợn mắt ngạc nhiên và thì thào khen Công an cách mạng giỏi. Tụ điểm cờ bạc, hút xách này đã có từ trước cách mạng. Nhiều gia đình nheo nhóc, đổ vỡ vì nó. Nay chế độ mới chưa được bao lâu đã ra tay quét dọn một cách ngon lành. Nhiều tay bị tập trung cải tạo. Cũng nhiều tay thuộc diện nhẹ sau khi nói lời cam kết đã được Rãng tự tay cởi trói tha.
Bây giờ thì đã gần sáu chục năm rồi. Chiến sĩ Công an Rãng ngày ấy sau nhiều đận vật đổi sao rời đã là sư thầy Rãng đang chậm rãi từng bước một quay lại Ủy ban xã. Từng bước chân không còn vững chãi của ông nữa đã có Tiểu May đi cạnh đỡ đần. Cùng với sư và tiểu của chùa Ân Đức còn có nhà báo Nhật Tín.
Chưa vào đến cửa trụ sở Uỷ ban ông Rãng đã cất tiếng trước:
- Chào các ông Ủy ban.
Ông Phó Chủ tịch Ủy ban xã phụ trách công an xã như có ý chờ sự trở lại của sư thầy. Ông đỡ nhà chùa ngồi vào ghế rồi thưa chuyện ngay:
- Cũng là sơ suất của anh em gác xin thầy thông cảm cho. Chả là quá nửa đêm, anh ấy ôm bụng đòi đi ngoài. Việc chẳng đừng anh em đành phải để anh ấy đi. Đâu ngờ...
Ông Rãng nhìn Tiểu May với cái nhìn không vừa lòng. Vì theo như Tiểu May nói thì con ông đã phá cửa sổ bỏ trốn:
- Lần này, nghe cái gì, phải cho rõ rồi hãy bạch thầy.
Tiểu May cúi mặt nhận lỗi nhưng thanh minh:
- Đúng là sáng nay, một bà vãi trong xóm, nói là vừa qua trụ sở về nghe người ta đồn ầm lên về chuyện này và nói chắc là anh ấy bẻ cửa sổ bỏ trốn. Con xin lỗi thầy, cháu xin lỗi Ủy ban.
Ông Phó Chủ tịch nói đỡ:
- Ni cô không có lỗi. Một đồn mười, mười đồn trăm là lẽ thường. Nhưng cũng phải thưa thật với thầy là anh này gan và bướng lắm. Chuyện gia đình mình ra sao Ủy ban chưa rõ hết nhưng cũng thấy rất ái ngại cho thầy.
Ông Rãng chân thành:
- Ủy ban tốt quá. Không bắt tội mà lại còn thông cảm với tôi. Đúng là con dại cái mang. Chuyện gia đình mà để hệ luỵ đến làng xã tôi lấy làm băn khoăn vô cùng. Cũng là xin các vị lãnh đạo, xin bà con đánh chữ đại xá cho.
Ông Phó Chủ tịch Ủy ban tiễn sư thầy ra về. Đến cổng trụ sở ông có ý đi lại phía sau nói chuyện với Nhật Tín:
- Tôi cũng được biết nhà báo về chùa từ hôm qua.
- Vâng. Báo cáo anh, cũng bấn lên việc nọ việc kia nên chưa vào thăm xã được.
- Có sao đâu. Việc chùa là việc chùa. Việc xã là việc xã. Đâu như trước đây có hai cô nhà báo về hỏi chuyện nhưng sư ông đều từ chối. Sư ông kín tiếng lắm. Từ ngày về kế chân sư cụ Đàm Hải, thầy Rãng rất công sức với việc chùa. Tuy tri thức về đạo Phật không giỏi như cụ Đàm Hải, bà con ở đây vẫn gọi vui thầy Rãng là sư gia công, nhưng việc gì ông cũng chu đáo, cũng tình nghĩa trước sau. Nghe các cụ già kể lại thì sư ông Rãng là người nổi tiếng lắm đấy. Chúng tôi chả biết nhiều. Vùng Ân Đức này chỉ là nơi ông Rãng xuất gia theo Phật. Chứ quê ông ở cách đây những sáu bảy chục cây số kia. Nhà báo mà tìm hiểu kỹ được đời riêng của ông chắc có nhiều cái viết lắm.
Nhật Tín bất giác thở dài:
- Ngoài bảy mươi tuổi của một đời người rồi mà vẫn chẳng trọn đời. Cửa Phật đón ông nhưng cửa đời lại chẳng buông tha ông. Con người ta đến bao giờ mới biết phải tư lự.
Ông Phó Chủ tịch xã cười thành tiếng trong họng nhưng không hé môi. Lát sau ông chậm rãi nói:
- Chẳng bao giờ có chuyện ấy đâu nhà báo ạ. Tôi cũng gần ngũ thập rồi. Đã sắp bước vào cái tuổi tri thiên mệnh. Cháu nội, cháu ngoại đủ đàn nếp tẻ. Vợ đảm, cha mẹ phúc hậu mà vẫn chẳng bao giờ hết lo. Có ngày cứ day dứt, ra ra, vào vào. Tối lại không ngủ được nữa.
Nhật Tín ngạc nhiên:
- Tại sao lại thế ạ?
Ông Phó Chủ tịch xã cười vô tư:
- Cũng chả hiểu tại sao nữa. Cuộc đời nó vậy đấy. Có mình lại còn có người. Việc nọ việc kia cứ như nan cài tránh sao được giáp nối. Biết tại sao mà chẳng hiểu tại sao...
Nhật Tín thấy nể phục cách tư duy của ông Phó Chủ tịch xã. Lúc chia tay anh nói:
- Sư thầy Rãng lúc này chẳng thể vô tâm. Thú thật với anh tôi thương ông ấy quá, chả biết làm cách gì.
- Có đấy. Thỉnh thoảng nhà báo cứ về. Rồi chuyện đau lòng kia sẽ qua. Còn chuyện ông Rãng muốn xin rời khỏi chùa là chưa được đâu. Các vãi không đồng ý, xã cũng không đồng ý. Cả làng mới có một nơi lễ bái, ông đi thì lấy ai là người hương khói.
Lời ông Phó Chủ tịch xã trầm xuống vẻ tiếc nuối. Qua những tâm sự của ông Nhật Tín nhận ra rằng người dân vùng Ân Đức này rất có cảm tình với sư ông Thích Tâm Thành. Chính vì nghĩa thân thuộc ấy mà có người mới gọi ông là sư gia công, sư Rãng và ông Rãng.
Lúc về tới chùa Nhật Tín đã tìm cách hỏi khéo ông Rãng:
- Con nghĩ chuyện nhà cũng là chuyện chùa. Với thầy cả hai chuyện đều quan trọng như nhau. Lãnh đạo xã cũng có tâm sự với con, thầy đi bây giờ thì lấy ai hương khói cho chùa. Tiểu May, theo con nghĩ chỉ có thể giúp việc cho thầy.
Ông Rãng mặt trĩu nặng:
- Phải hoàn tục thôi nhà báo ạ. Chuyện nhà đã như vậy mà cứ bám lấy cửa chùa để sống là có tội với Phật.
- Bạch thầy, cửa Phật là cửa từ bi.
- Vẫn biết là như vậy, nhưng khó lắm. Cái căn số cuộc đời tôi e vẫn còn nặng. Đã mấy lần muốn giũ sạch mà không giũ nổi. Vẫn là chuyện mình, chuyện nhà cả thôi. Bày ra rồi thì phải dọn, đổ cho ai được.
Nói đến đây ông Rãng lại im phắc. Tiểu May cũng từng nói với Nhật Tín là lúc nào, cứ hễ động đến chuyện nhà là thầy lại dừng rồi chuyển sang chuyện khác. Gia đình vẫn luôn luôn là một khối nặng đặt trên vai thầy, bắt thầy gánh chịu. Có cảm giác đó là sự mang vác quá sức. Vậy mà thầy cứ lủi thủi một mình nhẫn nhịn như một người hành xác tự nguyện. Nhật Tín và cả Tiểu May nữa chỉ thấy đang hiện diện trước mắt mình một lữ hành cao tuổi leo núi. Dưới chân ông không gì khác ngoài cái chênh vênh, gập ghềnh của đá tảng, vực sâu; của sương mù giăng mắc...
Con người và đức độ ông như một pho tượng để trần với nhiều đường nét nhân ái của nó. Còn nội tâm, ngoài tiếng thở dài và nụ cười hiếm muộn ra là đôi cánh cửa lim chắc chắn trước đôi mắt tò mò của nhân thế. "Lão ấy gan lắm. Cóc tía có so cũng chẳng bằng". Nhật Tín nhớ tới lời ông Mẫn nói, giờ ngẫm lại thấy hiệu nghiệm. Tuy vậy, tính nghề nghiệp và lòng chân thành không cho phép anh được gác bút, giơ tay. Hoàn cảnh như chất men kích thích cảm xúc.
- Con nghĩ thầy về giải quyết việc nhà một ít ngày rồi sẽ quay trở lại chùa.
- Một lời khuyên có ý nghĩa, cám ơn nhà báo.
- Bạch thầy, con chỉ xin đề nghị!
- Tôi hiểu ý chú nói, chú Nhật Tín ạ. Trước mắt là tôi phải xin phép xã, xin phép các vãi về quê ít ngày. Trông nom chùa đã có Tiểu May cảnh sư gia công nó thế đấy chú ạ!
Nghe ông Rãng nói vui trong âm sắc buồn buồn Nhật Tín nghĩ con người này không khó gợi chuyện. Hơn thế, ông còn làm chủ được hoàn cảnh của mình.