*
Nhà báo ạ...
Ngày dân làng mình theo bà con hàng tổng mang gậy gộc, giáo mác, đòn gánh, đòn càn đi cướp huyện tôi vừa đúng 16 tuổi. Vừa sáng sớm mọi người đã nhộn nhạo chuyện kín, chuyện hở. Cũng buổi sáng này lần đầu tiên tôi được nghe đến hai từ Việt Minh. Bố tôi nói:
- Việt Minh kêu gọi bà con làng mình tham gia cùng bà con các làng khác đi cướp huyện. Con đi cùng bố mẹ.
Vừa nói, ông vừa trao vào tay tôi cái liềm đã đánh trấu. Ông bảo đây là vũ khí của thằng Rãng. Trên tay ông cũng đang cầm thanh mã tấu đã được mài bóng. Mẹ tôi, chị tôi, cầm đòn gánh. Hai anh tôi hai cây giáo nhọn hoắt. Nhiều nhà cũng tất bật như nhà tôi. Thế rồi phèng, trống, thanh la, não bạt rầm rĩ khắp làng. Người từ các ngõ nhỏ tụ tập trước sân đình nghe một ông mặc áo nâu, thắt lưng da chít bụng có đeo hai quả lựu đạn na phổ biến công việc. Người mặc áo nâu lấy từ túi vải đeo chéo lưng ra một lá cờ lớn. Chẳng biết từ đâu hiện lên một người khác nữa, cũng mặc áo nâu nhưng trẻ hơn tay lăm lăm một cây sào dài. Lá cờ được mở ra rồi luồn vào cán. Cũng chính người có cây sào làm cán ấy hùng dũng cầm cờ đi đầu hàng người. Từ đình ra cổng làng, lại từ cổng làng lên đường cái quan, dòng người cứ rồng rắn, nhấp nhô, không hàng lối, cuồn cuộn như nước chảy, theo màu đỏ lá cờ có ngôi sao vàng ở giữa ào lên cướp huyện. Tôi hoà theo dân làng, cùng mấy người bạn nữa, chân như muốn chạy, bàn tay phải thỉnh thoảng nắm lại, giơ lên cao hô vang các khẩu hiệu: "Ủng hộ, Việt Minh!"
"Đả đảo bù nhìn!"
"Việt Nam độc lập"
Dọc hai bên đường cái quan, phía sau cánh đồng lúa là các thôn xóm khác. Từ những rặng tre xa mờ, dòng người nhô ra rồi chảy lan về phía đường cái quan. Đường lên huyện xa tới năm, sáu cây số chỉ chốc lát đã nêm chặt những người là người.
Quan huyện mất mặt từ rạng sáng. Nghe nói hắn giả là người đánh dậm, đầu đội nón mê, tay xách giỏ cá cùng cô vợ bé khoác áo tơi, vai đeo bị, đi tắt đường đồng bỏ trốn. Huyện đường rỗng không. Bàn làm việc của quan chỉ còn trơ cái dấu. Mấy anh lính lệ gom hết cả mũ nón, súng ống vào một chỗ rồi bảo nhau xếp thành một hàng ngang giơ hai tay hàng sẵn. Lúc này chả thấy bọn giặc lùn đâu. Trước đó mấy tay mũi lõ đóng quân ở cái đồn cạnh huyện cũng đã biến đâu mất khi quân Nhật nổ súng. Cây cờ quẻ ly hay cắm trên mái huyện đường bị bẻ gãy quăng xuống đất. Lá cờ đỏ sao vàng đã tung bay. Hình như cờ của làng tôi thì phải vì tôi thấy trước đó cái anh trẻ tuổi mặc áo nâu ban sáng ở đình làng mình đang loay hoay tìm chỗ cắm trên mái nhà. Sân huyện cơ man người là người. Rồi cờ quạt, vũ khí nữa. Cờ đỏ vài chục lá, còn súng ống, gậy gộc, vũ khí thô sơ thì có tới hàng trăm, hàng ngàn. Tiếng ầm ào như chợ giữa buổi. Ai cũng muốn nói một câu gì đó. Rồi có một ai đó, từ phía sảnh đường huyện vỗ vỗ hai tay vào nhau và nói to:
- Đồng bào yên lặng!
- Đồng bào yên lặng!
Hình như mọi người chưa nghe ra. Làn sóng ồn ã vẫn xô đẩy, chen chúc. Một chàng trai lực lưỡng từ dưới bước lên, anh lại gần chiếc trống đại, tay cầm dùi vung cao.
Tùng... Tùng... Tùng.Tùng tùng, tùng...
Hồi trống dõng dạc và rền vang. Mọi người chợt lắng lại, nhìn lên. Lúc này người vỗ tay và thưa gửi ban nãy mới dõng dạc cất tiếng:
- Thưa đồng bào trong toàn huyện.
Tên quan huyện đã cùng vợ bé ăn mặc giả làm vợ chồng dân đánh dậm bỏ trốn. Nghe đâu chúng đã về quê tận dưới mãi mạn biển. Các sai nha khác cùng bọn cai, lệ cũng quăng sổ sách, súng ống rồi... Nay cả huyện đã về ta. Cái ấn tín của quan huyện hay dùng ta sẽ thu lại, tôi xin giơ cao cho mọi người nhìn. Đồng bào có thấy rõ không?
- Rõ! Rõ rồi...
- Cao! Cao nữa.
- Đây...
Người nói chuyện giơ chiếc ấn tín lên cao nữa. Mọi thứ giấy tờ của chế độ cũ được gom lại thành đống. Ai đó đã châm lửa đốt. Người nói chuyện bước xuống sân chìa chiếc ấn tín theo hàng người đứng đầu cho bà con xem kỹ hơn rồi quay lại thẳng tay ném nó vào đống lửa đang bùng bùng cháy.
- Thưa đồng bào trong toàn huyện - Người ấy nói như hét lên - Khởi nghĩa đã thắng lợi rồi. Chính quyền đã về tay Việt Minh. Từ nay huyện nhà không còn bọn Nhật, Tây, không còn lũ quan lại nữa. Đề nghị đồng bào vỗ tay hoan hô...
Thế là gậy gộc đập vào nhau, tiếng binh khí va chạm, những bàn tay vỗ. Rồi giọng người hét to có, cười ha hả có, cả phấn khích nữa, hát như thét:
"Việt Nam bao năm ròng gông xích lầm than
Dưới ách quân tham tàn đế quốc sài lang
Diệt phát xít, giết bầy chó đê hèn của chúng
Tiến lên, nền dân chủ cộng hoà...".
Riêng tôi, lần đi cướp huyện này đã kiếm được một lưỡi lê Nhật cũ. Trong lúc mọi người đang to nhỏ bàn tán về chuyện khởi nghĩa tôi đã lẻn sang đồn binh tìm vỏ đạn. Vỏ đạn có nhiều nhưng sau tôi bỏ hết, chỉ mang theo về một lưỡi lê Nhật đã bắt đầu hoen gỉ. Thấy tôi cầm vũ khí, bố tôi bảo:
- Rãng, mày lấy cái này ở đâu, ai cho?
- Con lấy được trong đồn binh Nhật.
- Đem nộp cho Ủy ban khởi nghĩa ngay.
- Bố cho con dùng. Con là tự vệ xã kia mà.
- Ai cho mày vào tự vệ?
- Khối người đấy thôi. Ai cũng bảo mình là tự vệ mà chả biết ai kết nạp.
Thời ấy là vậy, đi tham gia khởi nghĩa, tay có cầm vũ khí chống giặc là bỗng nhiên mình thành tự vệ. Như tôi đấy, bố đang bắt đem nộp lại chiếc lưỡi lê Nhật cho Ủy ban khởi nghĩa thì lại chính cái anh mặc áo nâu nói chuyện lúc nãy đã vỗ vỗ vào vai tôi rồi nói với bố tôi rằng:
- Chú Rãng xứng đáng đấy ông ạ. Hôm nay chú ấy chưa vào thì mai vào. Buổi sớm chưa tuyên thệ thì buổi trưa tuyên thệ. Cái quý nhất là lòng yêu nước của mọi người. Ông cho phép chú ấy, Ủy ban cũng cho phép.
Nói rồi, người áo nâu cầm chiếc lưỡi lê từ tay tôi, trao cho bố tôi bảo:
- Ủy ban khởi nghĩa xin giao nhiệm vụ này cho ông và nhờ ông...
Bố tôi cầm lấy chiếc lưỡi lê đặt ngang mặt trao cho tôi. Ông nói một câu mà đến giờ, sắp xuống lỗ rồi tôi vẫn không sao có thể quên được. Ông bảo:
- Vũ khí này là để tự vệ. Lúc không còn cách nào khác để thu phục được lòng người con mới được phép dùng. Phải nhớ lời bố dặn.
Người mặc áo nâu nói tiếp, sau bố tôi:
- Nhưng không được cho chúng dùng vũ khí trước để hại mình. Chú nhớ chưa, chiến sĩ Rãng.
- Báo cáo anh, báo cáo bố, con nhớ rồi, em nhớ rồi.
Cuộc đời tham gia đánh giặc của tôi bắt đầu là thế đấy! Sau này khai lý lịch viết là tham gia cách mạng cho oai chứ thực ra lúc ấy mình có hiểu được cách mạng là cái gì đâu. Ai đông thì mình theo, ai ác thì mình chống. Đơn giản có vậy thôi nhà báo ạ!".
Sư Rãng ngừng lời. Một khúc tâm sự được ông bộc bạch không ngơi nghỉ, liền từ câu đầu nhà báo ạ đến câu kết cũng nhà báo ạ. Phải sau gần một giờ người kể mới dừng lại nhấp một hớp nước gừng nóng.
Nhật Tín bị hút vào câu chuyện của vị sư già. Ông là người từng tham gia kháng chiến với nhiều công việc khác nhau. Sư Rãng là pho sách sống, của những ngày đánh giặc. Hơn thế, ông còn thuộc loại "ba chìm, bảy nổi, chín mươi chín cái lênh đênh" như người cùng thời nhận xét, đánh giá. "Được cái, lão rất hay, tốt nói rằng tốt, xấu nói rằng xấu; mặt mũi thế nào tâm địa thế ấy chứ không lòng dạ Lý Thông như một số kẻ khác". Hơn một lần ông Mẫn nói với Nhật Tín về ông Rãng như thế. Còn chuyện đi tu lại của sư Rãng thì ông chưa một lần nhắc tới.
Vẫn còn bao nỗi bí mật sau màu áo nâu sồng này...
- Bạch thầy như vậy là cách mạng tháng Tám thầy tham gia khởi nghĩa cướp huyện đường. Còn sau đó trong tư cách là chiến sĩ tự vệ với một vũ khí duy nhất nhặt được là chiếc lưỡi lê Nhật thầy tiếp tục công việc gì nữa ạ?
Nhật Tín khéo gợi chuyện. Mặt người tu hành vốn như bông hoa từ bi không gió, nín lặng từ màu da đến màu mắt, bất ngờ cặp môi héo khẽ động đậy. Một hớp nước gừng nữa chiêu vào miệng. Vị nóng của gừng quê làm sắc diện của thầy Rãng hừng lên như biển chiều đông có nắng muộn. Nhật Tín nhìn sư Rãng, chăm chú vào mắt thầy và chờ đợi.
Nhà báo ạ... - lại vẫn câu mở đầu quen thuộc khi vào chuyện nhưng lần này giọng nhà sư có vẻ trầm trầm, thăm thẳm. Phải vì khuya khoắt khiến Nhật Tín có cảm giác ấy hay những đoạn sống tiếp theo mới là phần đáng kể của ông Rãng nên không khí chuyện như bị trũng xuống.
"Tuổi cầm vũ khí đánh giặc của tôi có thể kể từ ngày ấy. Ta cứ bảo, nhiều người vẫn bảo là từ ngày cầm súng, với tôi thực ra là cầm lê. Cái lê Nhật cùn gỉ đầu tiên chứ chẳng phải lưỡi gươm sáng quắc nào. Nôm na vậy mà nên chuyện đấy...
Tôi kể cho nhà báo nghe câu chuyện này. Câu chuyện thành tích đầu tiên của tôi với cái lưỡi lê cùn ấy. Cũng là cậu chuyện có tính định mệnh đầu tiên gắn liền tôi với đời người chiến sĩ công an thuở chín năm!
Chuyện là như thế này. Làng tôi vốn hiền lành. Dân đồng mùa nên ai cũng như khoai, như lúa. Cả năm cả tháng mới có vài vụ cãi vã nhau. Còn giận dữ thành thương tích thì họa hoằn lắm mới có một đôi ba vụ. Làng nuôi chó nhiều, nhà cửa tênh huếch tênh hoác, qua lại thăm nhau luôn mà chả mấy khi thấy chú khuyển sủa. Cái mũi thính của chúng đã quen hết mùi vị người trong xóm rồi. Nhiều người tính tình cứ như con gái. Làng hiền đến nỗi thiên hạ gọi là làng Đất. Tuy vậy, sau cách mạng, trung đội tự vệ được thành lập, cường hào ác bá chả ai dám hung hăng nên vị chỉ huy đã họp chúng tôi lại nói:
- Nhiệm vụ chính của tự vệ là phải canh gác làng xóm. Ngày xưa là việc của tuần phiên, nay cách mạng về là việc của những tự vệ cứu quốc chúng ta. Nói vậy cho các đồng chí thấu suốt nhiệm vụ chứ thực ra ở cái làng mình người mặc váy nhiều hơn mặc quần, con trai thấy con gái còn đỏ mặt thì trộm cướp, gian manh ở đâu ra. Cho nên cái chuyện canh gác làng xóm là quan trọng mà cũng chẳng quan trọng... Các đồng chí có rõ ý tôi không?
- Rõ!
- Rõ rồi thì tôi phân công nhiệm vụ thế này. Ta có hơn ba mươi người, không thức cả hơn ba mươi mà chia đều ra làm ba phần. Đêm hôm ta chia làm ba phần như thế. Chỉ đêm thôi nhé. Đêm xuống nhà ngói cũng như nhà tranh ta phân nhau canh giữ cũng là phải lẽ. Nhưng cứ chia ba lấy một. Còn lại cho ngủ... Ngủ để lấy sức phục vụ cách mạng, các đồng chí rõ không?
- Rõ!
- Nhắc lại!
- Rõ ạ...
Thế là Trung đội vũ trang đầu tiên của quê tôi, gồm những chàng trai đang tuổi vật trâu, vật bò được phép ăn ngủ. Cái trò đã làm thì quên chết nhưng động tới nghỉ ngơi đôi tí là dễ sinh lười, sinh hư.
Một đêm kho thóc của làng bị mở. Những bao thóc chuẩn bị cho đóng thuế đã bị lấy đi vơi một góc. Vụ trộm thật táo tợn. Cửa kho mở toang. Thấy in rõ cả vết bùn dấu chân kẻ gian vào kho khiêng thóc. Như vậy bọn trộm phải có khoá mới có thể vác trộm từng bao tải lúa ra phía rìa làng được. Nhưng lạ là dấu chân ở kho nhìn kĩ chỉ có dấu vết của hai người. Còn phía dìa làng, theo dấu chân chi chít ở chỗ bờ đất ướt có dễ phải có đến năm sáu người. Như vậy, bọn trộm vào kho chỉ có hai, chúng thay nhau vác lúa ra rồi chuyển cho kẻ khác khiêng đi. Cũng theo dấu chân, bọn trộm đã khiêng thóc về hướng cái làng mà ngày xưa có tiếng là hay trộm cướp. Tôi nói với anh chỉ huy:
- Theo em, có khi là dân ngoài ấy đói quá vào làm càn.
- Sao chú lại đoán vậy?
- Cứ theo dấu vết là biết. Vào tận kho lấy thóc chỉ hai thằng. Anh xem vết chân chúng đây. Một cái to bè như tai voi, một cái khum khum hình thuyền. Loại này cũng thuộc diện giết trâu mổ bò cả. Đơn giản, có khoẻ thế mới vác được bao tải thóc chạy nhanh ra rìa làng giao cho bọn yếu hơn. Còn cứ dấu chân chi chít đi chéo qua đồng làng mình về hướng ấy thì chả là dân đào mạch, khoét tường có tiếng từ xưa đến nay là gì.
- Đến thế là cùng. Nhưng đôi tai của các cậu đâu mà để nó vào mở cửa kho lại không nghe thấy tiếng khóa.
Mấy cha tự vệ, vì có đôi chén cay uống với lạc rang đã nhíp mắt ngủ quên giờ mặt xanh như tàu lá khoai. Họ không dám nhìn chỉ huy. Cậu nào cậu ấy cúi gằm như bị bố mẹ mắng. Trước đó họ hung hăng là vậy giờ nín thít như thịt nấu đông. Tôi không dính vào vụ này. Nhưng của đau con xót. Danh dự của bạn là danh dự của mình. Chả ra gì, một lũ cũng đã từng gậy gộc, dao kiếm đi cướp huyện. Cũng đã từng chỉ mặt gọi tên từng thằng cai đội, khố xanh, khố đỏ ra bắt khoanh tay trước sân huyện cúi đầu nhận tội.
Nhìn người chỉ huy mặt bừng bừng như vừa từ lò gạch ra, tôi lên giọng người lớn, đúng là lên giọng thật, nói:
- Báo cáo đồng chí chỉ huy, việc đã rồi, anh có bắt bọn em nằm sấp rồi cho mỗi thằng chục cái vai bừa cũng đến vậy. Theo em nghĩ bọn ăn trộm này cũng chẳng phải dân cao tay gì. Chẳng qua là mấy gã hảo hớn xóm đói ăn vụng, túng làm càn... Việc này xin anh cho bọn em được đáo công chuộc tội.
Nhìn gương mặt câng câng của tôi, anh chỉ huy bảo:
- Được. Tao giao cho cậu. Không xong cả lũ sẽ chết đòn.
Chúng tôi họp bàn. Cả nhóm chỉ chọn ba người và cho tôi làm tổ trưởng. Bắt trộm bằng cách rình là phương án chúng tôi chọn. Chỉ tiêu lúc ấy của bọn tôi là phải bắt được mới thôi. Tổ ba người quyết định làm ngay tối ấy. Một cậu bàn ngang:
- Tối rình chỉ có phí. Hôm nay mười hai trăng sắp tròn, vằng vặc như ban ngày, có cho ăn kẹo trộm cũng chẳng dám mò tới.
Cậu bàn ngang vẻ có lý. Tối ấy cả nhóm vẫn đi tuần nhưng tổ rình bắt thì tự ý cho phép lỏng tay dao, tay gậy. Không ngờ sáng sớm hôm sau vẫn có dấu chân vào kho. Thóc mất thêm mấy bao, anh em tôi nhìn nhau nín thinh không dám hé răng vì cửa chỉ bị cạy chứ khoá không bị phá. Anh chỉ huy không biết, cũng không hỏi. Anh còn động viên:
- Cố rình bắt cho được để bà con mừng. Thóc mất tuy không nhiều nhưng ức lắm.
Tôi biết anh ức vì cái gì rồi. Đây là thói trộm vặt lại hớ hênh ra vẻ trêu ngươi nữa. Cửa mới đầu mở toang, dấu chân thì lem nhem những bùn là bùn. Nó như vừa ăn trộm vừa chửi người mất trộm. Có tin tưởng, các anh lãnh đạo xã mới giao cho tổ tôi. Ba đứa vừa to con lại có đôi tí võ vẽ nữa. May mà tối qua không mất nhiều. Tuy vậy chúng tôi vẫn nhìn nhau tự xấu hổ với mình. Đứa nào cũng hậm hực, ấm ức.
Tối chúng tôi vờ đi ngủ sớm. Đứa nào cũng chọn bộ quần áo bạc nhất để mặc. Chiều muộn chúng tôi đã ngầm buộc cái dây thừng nối từ gốc cây ngọc lan qua cửa kho vào chỗ lều gác. Đèn đóm như thường lệ, tắt ngóm. Có cậu trước khi tắt đèn còn tỏ vẻ mở cửa ra về. Rồi thì chỉ một kiểu ho. Một kiểu rít thuốc lào sau đó im ắng như đã ngủ say. Xung quanh nhà kho chỉ còn tiếng dế rúc, tiếng chuột chạy và tiếng ngáy đều đều của người trực gác.
Tổ tôi có ba người. Hai người là tôi và một cậu nữa giả vờ ra về rồi sau đó theo lối tạt quay lại. Một cậu ở lại trong trạm gác được phép ngủ và ngáy. Hai đứa tôi, thằng cầm gậy, thằng cầm lưỡi lê nằm phủ phục trên nền đất rải rạ hé mắt nhìn ra ngoài từ khe hở của vách nhà.
Phải khuya lắm, có dễ một hai giờ sáng gì đó, từ đầu hồi nhà kho mới thấy hai bóng người đi men theo vách nhà đến cửa! Bọn này cũng quái như mình. Hai đứa đều màu quần áo trắng phếch cứ nhập nhoà như ma xó lúc ẩn lúc hiện. Chúng tôi bấm nhau ra hiệu. Chốc lát cửa kho bị cạy. Tài tình làm sao tiếng cạy cửa chỉ khẽ kẹt một tiếng như ta mở vậy. Rồi hai thằng, một đứng ngoài, một chui tọt vào trong. Lát sau thằng vào trong bê ra một bao tải thóc đặt vào vai thằng đứng ngoài rồi lại vào bê tiếp.
Chúng tôi lại bấm nhau. Cậu bạn tôi khẽ đau, kêu nhỏ một tiếng rồi im bặt. Tôi cũng vô ý, bấm đâu chả bấm bấm vào chỗ đùi non cậu ấy. Khi biết thì đã muộn. Nhưng may mà bọn trộm không nghe được tiếng kêu...
Hai thằng trộm, đứa trước đứa sau khệ nệ vác hai bao tải thóc đi ra. Lần này chúng không men theo nhà kho nữa mà thẳng cửa ra ngõ. Đợi tầm dây đúng nhịp bước của tên trộm, tôi kéo ngang và căng. Dây vướng chân, thằng đi đầu ngã chúi, thằng sau chững lại vứt vội bao tải thóc bỏ chạy. Tôi đứng phắt dậy chạy lên chỗ thằng ngã. Hắn đang lồm cồm bò. Đầu cái lưỡi lê Nhật đã được mài nhọn của tôi chạm nhẹ vào mạng sườn kẻ gian:
- Đứng im. Chống cự tao đấm chết.
Anh bạn tôi cũng vừa lao tới tay lăm lăm cây gậy tre. Thằng trộm chỉ biết quỳ xuống, vái lia lịa:
- Con xin các ông tha tội chết. Con xin các ông tha tội chết. Chỉ vì túng thiếu chưa có công ăn việc làm nên sinh càn quấy...
Ngọn đuốc được thắp lên. Dân làng nhiều người thức, mang theo đèn, theo gậy gộc ra xem tự vệ bắt trộm. Ai cũng hò reo "đánh cho chết quân trộm cướp đi" nhưng chẳng thấy ai động chân, động tay. Cũng phải, dân vốn hiền, thằng trộm lại đang quỳ mọp xuống sẵn sàng chịu đòn nên không nỡ...
Anh chỉ huy từ ngoài rẽ đám đông vào gần tên trộm, lấy chân đá vào mông nó ra lệnh:
- Ngẩng mặt lên!
- Dạ dạ... con lạy ông!
- Tên gì?
- Dạ... Đẽo ạ... Đẽo cống thối.
- Sao?
- Dạ... Con đúng là Đẽo cống thối. Quê con ngoài Bãi, nhưng theo bọn cùng lứa dắt nhau lên thành phố ăn trộm, ăn cắp. Ngày lang thang, tối về cống ngủ nên chúng nó gọi thế ạ.
- Tận thành phố mà dám rủ nhau về tận đây ăn trộm.
- Thưa ông, chúng con phiêu bạt cho tới ngày khởi nghĩa nổ ra. Ai cũng hô hào làm việc tốt. Bọn con bị gom lại thế là sợ quá đứa nào có quê đứa ấy về...
Bãi thì dân làng tôi ai cũng biết. Bãi ấy là bãi sông, cũng là tên một làng vốn xưa nay khét tiếng về trộm cướp. Sau khởi nghĩa thành công, nghe ngoài ấy làm mạnh nên dân trong đồng chúng tôi cũng thấy yên yên. Nay xảy ra chuyện mất lúa, lại vẫn dân Bãi vào làm càn nên ai cũng, thấy lo. Mọi người bàn nhau về những điều lợi hại khi bắt được trộm. Ai cũng đòi dẫn ngay chúng lên huyện cho mấy ông phụ trách công an ông ấy trị. Chế độ mới rồi, phải cho quân trộm cướp đi tù mới trắng mắt ra.
- Dẫn lên huyện, cho nó vào xà lim ấy.
- Đưa luôn lên Hoả Lò cho nó biết thân.
- Bắn bỏ đi cho nó nhẹ tay.
- Thừa đạn à. Cứ cho nó một nhát.
Người giận thường nói dữ. Cái ác không nhiều ở lời nói. Nó ở việc làm. Chỉ hai bao tải lúa, lại bắt được quả tang, nhận tội không chống cự thì làm sao đến nỗi phải xử như vậy. Dân làng bực quá nói thế thôi, chắc khi phải làm sẽ làm kiểu khác...
Sư Rãng ngừng lời nhưng có vẻ như chưa ngừng chuyện. Tôi nâng trên tay một li nước gừng nóng khác:
- Con mời thầy!
- Cám ơn chú nhà báo.
- Chuyện ngày xưa nghe chân chất quá thầy nhỉ?
Sư Rãng khẽ động môi sau khi nhấp một hớp trà nóng.
- Cũng lắm lúc nôm na lắm. Để tôi kể tiếp cho mà nghe...
Thầy Rãng đã có vẻ mệt hơi hắng giọng ho.
- Thầy đi nghỉ kẻo mệt!
Nhật Tín thật lòng. Thầy Rãng lắc đầu:
- Nhà báo nghĩ chỉ có mình mới thức đêm giỏi à? Nhà chùa tôi thức đêm cũng giỏi chẳng kém gì đâu.
Câu chuyện lại được nối tiếp...
Anh chỉ huy sau khi nghe tên trộm khai báo đã bắt nó đứng dậy khoanh tay, quay xung quanh, gập mặt xin lỗi dân làng. Tên trộm răm rắp nghe theo. Người hắn xoay như cái cối xay. Đến lúc quay lại vừa tầm anh chỉ huy cũng là lúc anh giơ thẳng tay tát vào mặt thằng trộm một cái. Đúng là cái tát trời giáng:
- Mày muốn chết hay sao mà cách mạng về rồi còn kéo nhau đi ăn trộm. Mày có biết thóc này để làm gì không? Thóc này là để mang ra tàu chuyển vào Nam cho bà con mình đánh giặc đấy. Tội này là tội gì mày biết không?
Tiếng người chỉ huy rít lên. Anh ấy đánh thằng trộm mà như đánh con. Giọng nói mắng nhiếc cứ như người thân. Chẳng hề hô trói, hô cùm. Thằng trộm thì cứ như chuột gặp vía mèo. Nó co quắp, quỳ lạy:
- Con thưa ông, ông tha tội chết. Con hiểu rồi ạ!
- Hiểu thì nghe đây.
Người chỉ huy chỉ vào tôi nói to:
- Đồng chí Rãng.
- Có tôi...
- Tổ tự vệ trói nó lại rồi dẫn vào trạm gác bắt khai tiếp. Mai bắt nó giải ra trả các đồng chí ngoài Bãi để ngoài ấy xử lí tiếp những đứa đồng phạm. Số thóc nào trộm còn để lại thì thu về nộp kho. Số thóc nào vì đói quá chúng ăn rồi thì tha. Công việc này xã giao cho đồng chí Rãng phụ trách. Còn lại mời các cụ, các ông, các bà về ngủ yên. Bắt được bọn trộm lúa là đã xong một việc lớn của xã rồi.
Đấy, lúc ấy bọn tôi hỏi cung tội phạm như thế. Cả khi mọi người giải tán rồi, chỉ còn tổ tự vệ chúng tôi và tên trộm cũng hỏi han "nhấm nhẳng" như vậy.
- Bọn mày có mấy đứa?
- Hai ạ.
- Mày với thằng nào?
- Thằng Rận cơm thiu ạ.
- Sao lại cơm thiu?
- Là chuyên ăn cơm thừa, canh cặn ở các quán cơm đầu phố ạ.
- Đúng thế chứ?
- Nó cùng trộm với em. May mà không vướng dây, đã chạy mất rồi ạ.
- Bây giờ có tìm được không?
- Tìm tốt! Nó có trốn lên trời. Bây giờ đâu cũng cách mạng cả. Bọn em hết đường rồi...
- Thế thóc ăn trộm còn được bao nhiêu?
- Dạ, cũng còn gần đủ cả. Chúng em ăn xẻn, sợ mai sau đói, không trộm cắp được vợ con sẽ khổ…
Đấy đại loại là thế. Chúng tôi hỏi, thằng trộm trả lời. Nhìn cái hình xăm trên tay hắn, nào đầu hổ, đầu rồng có vẻ ghê gớm mà xem ra lúc ấy chả hơn con thỏ là mấy. Phải chăng đó là sức mạnh vô hình nào đấy đang giúp chúng tôi trị an. Sau này nghĩ lại, thấy bọn đầu trâu mặt ngựa sợ mình thực ra là chúng sợ cái lớn hơn đó là những người khởi nghĩa. Có lẽ là lần đầu tiên từ cha sinh mẹ đẻ đến giờ bọn tội phạm mới thấy chuyện này. Xưa kia chỉ cảnh binh, khố xanh, khố đỏ. Nay cuồn cuộn như nước lũ từng dòng người đi cướp huyện, cướp phủ. Ở thành phố phải đến biển người. Ai cũng bừng bừng như lò lửa. Bọn quan quân xưa chuyên đấm đá chúng nay còn sợ huống hồ là bọn chúng.
- Bọn em nghĩ, đói ăn vụng, túng làm càn. Giờ không dám đâm thuê chém mướn nữa, chỉ vặt vãnh đấu gạo, đấu thóc, có bắt được thế nào các anh cũng tha.
Đúng thế thật. Quả là lý sự hay của kẻ cùng đường. Sáng hôm ấy chúng tôi dẫn tên trộm về làng Bãi. Tên bỏ chạy hôm trước đã khệ nệ bê bao tải thóc còn nguyên ra trả lại...
Gà gáy lần nữa. Có lẽ ngày sắp rạng. Nhìn nước da đã có phần hơi bạc của sư Rãng, Nhật Tín thưa:
- Bạch thầy, gà gáy lần nữa rồi ạ!
- Đã sáng rồi cơ à?
- Con nghĩ thế...
Ông Rãng thở dài, đang định loay hoay đôi chân tìm guốc thì thấy Tiểu May hớt hải từ ngoài chạy vào:
- Bạch thầy... Bạch thầy...
- Có gì con nói mau đi...
Mặt Tiểu May tái dại, giọng run rẩy:
- Bạch thầy... Người của xã ra bảo, anh con trai của thầy đã bẻ cửa sổ ở trụ sở bỏ trốn rồi ạ!
- Trời!
Ông Rãng chúi xuống, ngã vào tay Nhật Tín. Có cảm giác ông không còn đứng vững nữa.
- Ni cô lấy giúp tôi lọ dầu.
Nhật Tín bế ông Rãng lên tay, đi về phía giường nghỉ. Anh nhè nhẹ đặt nhà sư nằm xuống. Tiểu May đã mở sẵn nắp dầu để bác nhà báo xoa giúp vào hai bên thái dương thầy.
- Ni cô lấy dầu rồi xoa vào lòng tay, lòng chân thầy giúp tôi.
Mùi dầu gió lan khắp gian nhà tổ. Ông Rãng tỉnh dần, thở đều. Tiểu May đã bớt lo nhưng vẫn lúng túng chưa biết làm gì tiếp. Tự nhiên Nhật Tín thành người trong nhà chùa. Anh có vẻ thạo việc hơn cô tiểu này nhiều.
- Ni cô nấu cho tôi nồi cháo loãng. Lát mời thầy dậy ăn cho tỉnh người. À, nhà chùa mình có đường không?
Tiểu May khẽ mím môi. Hình như cô muốn cười nhưng không dám:
- Dạ, có ạ!
Tiểu đi rồi thì còn mỗi ông Rãng và Nhật Tín. Nhìn gương mặt đã tỉnh táo lại nhưng đầy những nét khắc khổ của vị sư già, anh cảm thấy ái ngại vô cùng. Đúng là gia đình ông đang có chuyện gì đó nên mới xảy ra quá đát như cái chuyện chiều hôm qua. Thật tai hại. Chuyện nhà lại lan ra chuyện chùa. Cụ thể như thế nào Nhật Tín chưa rõ nhưng thấy cảnh hai cha con ngồi đối mặt nhau, một bên như Chí Phèo cầm dao dọa chém lung tung, một bên chỉ muốn đổ xăng vào người đốt đi cho sạch nợ rồi lại tự mình ra Ủy ban xin tha cho đứa con bất hiếu cũng thấm dần ra sự ngổn ngang của một kiếp người.
- Thầy đã thấy dễ thở chưa?
- Tàm tạm rồi. Cám ơn nhà báo.
Ông Rãng cựa mình, động chân, động tay ý như muốn ngồi dậy nhưng Nhật Tín có ý ngăn lại:
- Thầy cứ nghỉ ngơi đã. Mọi việc chùa đã có con với Tiểu May. Đêm qua thầy cũng thức nhiều rồi.
- Tôi muốn vào Ủy ban xem cơ sự thế nào?
- Tiểu May chẳng bạch thầy rồi đấy thôi. Việc này theo con nghĩ xã sẽ lo, pháp luật sẽ lo.
- Nhưng...
Giọng ông Rãng như nghẹn lại. Ông vừa giận vừa thương. Nhật Tín nhận thấy nước mắt ông ứa ra. Thật khó mô tả sắc diện ông khi mà cả hai thứ, thương xót và uất ức cùng hiện lên.
- Thầy không nên lo nghĩ nhiều. Anh ấy đã lớn rồi. Mà theo con biết, lỗi bắt đầu từ anh ấy chứ đâu phải từ thầy. Thầy cũng đã vào Ủy ban xin bảo lãnh cho con. Anh ấy bẻ chấn song cửa sổ bỏ trốn như vậy là không phải tí nào với pháp luật, với thầy.
- Nhưng...
- Kìa thầy...
- Nhà báo cứ cho tôi ngồi dậy. Tôi đỡ nhiều rồi mà, chú đừng lo.
Ông Rãng chống mạnh tay xuống giường như có ý không muốn nằm nữa. Nhật Tín đỡ ông dựa lưng vào vách tường. Đầu ông tuy dựa tường nhưng cứ lắc qua lắc lại như có gió chao. Sự bất an của cõi lòng đã phải thốt ra bằng lời nói:
- Chuyện nhà chưa xong xé ra chuyện chùa bây giờ lại làm phiền lòng đến chuyện xã. Xem ra căn số của tôi còn nặng lắm nhà báo ạ. Đừng ai nghĩ cứ đi tu là hết đâu. Phúc đức để lại thì bền lâu của nả để lại không khéo ăn chia có ngày sinh ra ly tán, thù hận.
- Lời ông Rãng nói Nhật Tín cũng đã ngẫm ra từ lâu. Con người từ lúc cất tiếng chào đời cho đến khi xuôi tay nhắm mắt là chất chồng biết bao nỗi niềm. Vui có, buồn có. Sướng khổ luôn luôn gắn liền với mỗi thân phận. Có kẻ muốn chết khi đang sống. Lại có người sống mà như chết. Con búp bê xinh đẹp vô tư có lúc còn bị sự yêu ghét dày vò. Bông hoa thơm cũng vậy. Mấy ai biết được ngày cánh hoa tàn. Đời người thì muôn nỗi chông chênh hơn thế. Nhật Tín đã từng viết, chẳng ở đâu yêu được hết lòng mình, bởi đây đó còn ngổn ngang cái dở, cái ác. Nhật Tín mới chỉ bằng hai phần ba tuổi ông Rãng phải nhiều khi thốt lên như vậy thì cái sự đau đớn vừa xảy ra kia liệu có nghĩa lý gì so với những gì ông đã trải qua. Ông Mẫn đã khuyên Nhật Tín cố mà tìm hiểu, cố mà moi chuyện. Nhìn người hiểu ta. Rồi lại từ người soi ra người. Làm báo, viết văn mà không tìm được các số phận, phát hiện ra những con người thì từng câu chữ viết ra khác gì cái xác không hồn. Lời của ông Rãng như nói từ máu và nước mắt.
- Tiểu May mang cháo nóng lên. Cô ý tứ đặt bát vào trước mặt Nhật Tín, giọng có vẻ tự nhiên hơn:
- Nhờ nhà báo mời thầy ăn giúp cháu.
- Ni cô này, hình như nhà chùa còn quên một thứ?
- Tiểu May khẽ nháy mắt. Nhật Tín nhìn thấy sự nhí nhảnh từ đôi mắt ấy phát ra:
- Có rồi đấy ạ. Thưa, cháu đã cho vào bát cháo hai thìa đường. Thầy cháu không ăn ngọt lắm ạ!
- Nhật Tín chưa kịp bung bát cháo ông Rãng đã vội nói:
- Nhà báo để tôi. Tôi quen ăn đắng rồi.
- Nhìn ông bưng bát cháo ăn ngon lành từng thìa một Tiểu May mới vội vã thu dọn ấm chén mang ra bể nước mưa rửa. Nhật Tín đi theo. Anh muốn để ông Rãng ăn uống tự nhiên, tiện thể hỏi Tiểu May đôi ba câu chuyện có liên quan đến chuyến đi này của mình:
- Xin Ni cô một gáo nước rửa mặt nào...
- Tiểu May múc nước ra chiếc thau đầy, trong đã để sẵn một chiếc khăn bông mới:
- Mời nhà báo ạ...
- Nhật Tín ngâm đôi bàn tay đã hơi mỏi vì cầm bút của mình vào nước lạnh. Anh ấp chiếc khăn sẫm mát lên mặt:
- Nước mưa nhà chùa trong và mát quá.
- Mọi nhà xung quanh chùa hay ra xin nước về nấu nước chè xanh lắm bác Nhà báo ạ...
Tiểu May vào chuyện tự nhiên hơn. Cảm giác xa lạ trước một nhà tu nữ không còn nhiều trong lòng Nhật Tín...
- Tiếc thật. Vì ở quá xa chùa chứ gần hôm nào tôi cũng xách thùng sang xin Ni cô một ít nước mưa về đun pha trà.
Tiểu May mỉm một nụ cười nhỏ. Môi cô hơi nhếch lên hé lộ màu răng mịn trắng:
- Bác cứ nói thế. Thành phố thiếu gì nước máy ạ!
- Nước máy làm sao ngon bằng nước mưa. Ở thành phố có cụ còn mang ni lông lên hứng nước mưa trên mái nhà để dành đun pha nước trà đấy.
- Thế kia ạ!
Giọng Tiểu May vang lên âm sắc tự nhiên, thiếu nữ. Nhật Tín biết cô tiểu này chắc chả khó lời, ít tiếng như hôm qua nữa nên hỏi tiếp:
- Hình như nhà thầy Rãng đang có chuyện?
- Cháu cũng không biết.
- Ni cô giấu tôi?
- Cháu nói thật đấy.
- Tôi cũng nói thật. Tôi về thăm chùa do lời giới thiệu của một người rất thân của thầy Rãng.
- Ông Mẫn phải không ạ?
- Ni cô cũng biết?
- Ông Mẫn có về thăm chùa mấy lần nên cháu biết. Ông vui tính và biết nhiều chuyện lắm.
- Nhưng tôi muốn được nghe chuyện từ Ni cô...
Tiểu May lắc đầu:
- Cháu còn bé lại mới về ở chùa ăn mày lộc Phật, lộc thầy nên biết ít lắm ạ.
Nhật Tín vẫn dai dẳng:
- Tôi giật mình vì chuyện hôm qua, chuyện sáng nay. Thầy có vẻ đau khổ và buồn bực lắm.
- Đúng thế ạ! Cháu cũng không ngờ hôm qua sự việc lại diễn ra căng thẳng đến thế. Cả cái can xăng nữa cháu cũng không biết thầy trữ từ bao giờ. Vỡ chuyện ra cháu đã thấy thầy ngồi bên can xăng rồi.
- Còn chuyện gia đình của Thầy, Ni cô thật sự không biết?
Tiểu May cúi mặt, đôi bàn chân khẽ di di trên đất, mười ngón tay đan vào nhau:
- Từ ngày về ăn lộc chùa, lộc thầy, cháu không dám hỏi và cũng chẳng bao giờ thầy nói. Cửa chùa là cửa tịnh tâm ai hay việc nấy.
- Tôi không hiểu?
- Thầy dạy vào chùa là quên mình, là toàn tâm cho việc hành đạo, sự đời để ngoài mái tam quan.
Tiểu May nói như người mộng du. Nhật Tín cảm thấy lời nói của cô cùng những việc xảy ra ở chùa Ân Đức từ hôm qua đến giờ như có gì đó không hợp lẽ thường cho lắm.
Từ trong nhà tổ tiếng ông Rãng gọi Tiểu May. Tiểu May bê vội khay ấm chén vào. Nhật Tín đi theo cùng.
- Con đưa thầy vào lại Ủy ban.
Lời ông Rãng rành rẽ, chậm chạp. Tiểu May băn khoăn, nói tránh:
- Bạch thầy, thầy vẫn chưa khoẻ lắm.
- Mệt thầy cũng phải đi. Phải vào thưa chuyện với các ông ấy cho có đầu có cuối. Việc của mình sao lại cứ bắt người khác phải gánh. Nhanh lên con.
Ông Rãng đứng dậy, tay chống cây gậy trúc. Tiểu May đi cạnh đỡ thầy. Nhật Tín bước theo, chậm chạp. Anh biết lúc này mình không thể vội vã...