-Bạch thầy, có một nhà báo xưng tên là Nhật Tín muốn xin được gặp thầy ạ! Con có nói thầy đang bận.
Tiểu May khoanh tay, đầu hơi cúi, trình việc. Sư ông Thích Tâm Thành dừng tay lần tràng hạt hỏi:
- Con có biết ở báo nào không?
- Bạch thầy, bác nhà báo có nói là về thăm chùa theo lời giới thiệu của một người quen.
- Người quen?
Sư ông Thích Tâm Thành hơi nhíu mày, Đôi mắt vị tu hành khẽ ngước lên rồi chớp chớp ra chiều nghĩ ngợi. Muốn lánh đời mà đâu có được. Bác nhà báo nọ với cái vị người quen kia khiến cho ông liên tưởng, phỏng đoán và ngại ngùng. Cuộc đời đến đa đoan. Muốn giấu mà không sao giấu nổi. Màu nâu sồng khuất trong mái Phật đâu có che được mắt nhân gian. Phải chăng người quen ấy là ông Mẫn, cái ông bạn già của những ngày binh lửa, sống đến tận giờ vẫn không muốn ai được phép quên về cái thời sinh tử, vinh quang của mình. "Sống gửi thác về. Sống mà gửi được điều gì cho cuộc đời này, thì lúc nhắm mắt mới có thể xuôi tay mà an nghỉ được!...". Lão Mẫn quân báo thường nói với đồng đội lúc gặp nhau như thế. Sư ông Thích Tâm Thành cũng không ngoài điều mong muốn ấy của bạn cho dù ông đã xuống tóc đi tu gần hai năm nay. Đời ông đã ba lần xuống tóc. Hai lần trước khi ông mới ngoài hai mươi tuổi và lần sau khi đã cập kề thất thập. Hôm nghe tin ông đi tu lại, ông Mẫn đã tức tốc đạp xe ròng rã trên năm mươi cây số xuống tận chùa Ân Đức gặp bạn và nói thẳng:
- Anh làm sao?
- Mô Phật.
- Không có chuyện chắp tay ở đây. Rãng, anh nói đi!
Sao lại đi làm thầy chùa lần nữa thế này?
Ông Mẫn quân báo đã gọi đúng tên cúng cơm của sư ông Thích Tâm Thành. Hơn thế ông còn dùng từ anh thân thiết như thuở hai ông còn trai trẻ. Lời ông Mẫn hỏi bạn chỉ được cái khuôn mặt khoai lúa của lão Rãng thầy chùa nhìn lại bằng đôi mắt bất động như mặt nước sâu không gió. Vẻ vô hồn này của lão giấu ai chứ làm sao giấu được Mẫn quân báo. Biết vậy mà ông vẫn hỏi. Hỏi như một thói quen lục vấn xưa nay của kẻ trực tính, lắm lời từng làm quân báo này.
- Chả lẽ cứ tay cầm dùi gõ mõ là hết chuyện, là được phép im lặng hả?
Lời ông Mẫn dồn dập như biển ngày có gió to. Cuối cùng sư ông Thích Tâm Thành phải nói, câu nói của ông Rãng:
- Cậu biết rồi mà còn hỏi.
- …
Bây giờ hắn lại tiếp tục gây chuyện với ông đây. Người quen của sư ông lại hay chơi bời với cánh nhà báo thì có ai khác ngoài Mẫn quân báo kia chứ.
- Tiểu May này, con ra mời nhà báo vào uống nước, lát thầy ra.
Vừa gặp Tiểu May, Nhật Tín hỏi ngay:
- Ni cô ơi, liệu...
- Dạ, thầy tôi sẽ xuống ngay đấy ạ!
- Cám ơn Ni cô.
- Mô Phật! Không có gì...!
Tiểu May lại đứng im chờ. Ni cô chỉ nhìn khách khi nói sau đó lại khép đôi mí mắt xuống. Nhật Tín để ý thấy Tiểu May có nước da rất mịn và cặp mi đen dài. Sau lớp nâu sồng dân dã là dáng vẻ từng trải. Đôi mắt cô, chỉ thoáng chốc được nhìn mà sao Nhật Tín có cảm giác như đã thấy đâu đó ở trong rất nhiều tầng sống nơi cõi đời nhiều buồn vui, pha tạp này. Đôi mắt nhà tu hành trẻ tuổi cũng như một ẩn số. Lần này anh về chùa Ân Đức - cái con người chìm nổi trên năm mươi năm kia, qua lời giới thiệu của ông Mẫn - "Cậu cứ về, bảo lão ấy kể cho nghe, có nhiều ly kỳ và ân nghĩa lắm" - nay lại gặp thêm Tiểu May. Lúc đầu, trông thấy anh, Ni cô chỉ khẽ chào rồi muốn tránh.
- Thưa nhà chùa, tôi là nhà báo Nhật Tín, tôi muốn gặp sư ông Thích Tâm Thành. Tôi có mang theo bức thư của người quen gửi cho ông ấy.
- Thưa bác, thầy cháu đang bận việc chùa.
- Tôi từ xa đến. Mãi trên thành phố, thưa Ni cô!
- Dạ, cháu hiểu, xin bác chờ...
Trước khi vào bạch thầy, Tiểu May còn nhìn trộm Nhật Tín một cái, nét nhìn như muốn gần, lại như muốn xa. Nghi lắm, linh cảm nghề nghiệp đã khiến Nhật Tín sinh tò mò.
Sư ông từ cửa sau chùa bước ra. Tiểu May lấy tay khẽ đẩy chén nước vối tới trước mặt Nhật Tín:
- Nhà chùa xin mời bác xơi tạm chén nước vối. Thầy cháu đã ra.
- Cám ơn. Vối ủ thơm quá.
Nhật Tín chưa kịp nguôi bồi hồi trước đôi bàn tay có mười ngón trắng thon của Tiểu May rụt rè khi mời nước đã phải quay nhìn theo bóng Ni cô đang đi vội ra sân chùa khi sư ông vừa bước vào hiên nhà tổ.
- Chào nhà báo...
- Bạch thầy, con có mang theo một bức thư.
- Của ông Mẫn quân báo phải không?
- Thầy cũng đoán được ạ!
Những hạt tròn, màu nâu, to như quả nhãn, xâu thành tràng lần hồi theo ngón tay niệm Phật của sư ông:
- Tôi nghĩ thế. Dạo xưa, ông ấy về đây bảo tôi viết lại lai lịch, tôi bảo: "Có gì mà kể" thì là ông ấy đùng đùng nói: "Ông ngoan cố. Hôm nào tôi sẽ mời tay nhà báo hay viết về thế hệ chúng mình, ông sẽ phải khai hết cho mà xem?".
Nhà sư cười. Khuôn mặt ông gầy, càng gầy hơn khi trên đầu, tóc chỉ còn là màu xanh bạc mịn miết vào làn da vừa được cạo sạch, sắc diện nhà sư có vẻ khắc khổ nhưng lời nói lại mang vẻ hóm hỉnh, thế tục.
- Bạch thầy, thư đây ạ!
Nhật Tín nâng bằng hai tay phong thư có dòng chữ viết ngả nghiêng, siêu vẹo: Người gửi, Đỗ Hoàng Mẫn - Người nhận, sư ông Thích Tâm Thành (tức Rãng) lên trước mặt nhà sư. Phong thư được bóc ra. Nhà sư lướt qua những dòng viết rồi đưa cho Nhật Tín:
- Nhà báo xem, tôi có nói sai đâu.
Nhật Tín nhẩm từng chữ, khó nhọc:
"Ông Rãng ơi, tôi đây, thằng cùng nằm trong nhà lao đế quốc đây. Bây giờ già rồi, sắp tám mươi còn gì, xuống lỗ ngay lúc này đã lãi lắm, nên đừng giấu nữa. Có chuyện gì kể toạc nó ra. Cậu nhà báo Nhật Tín này có lòng với anh em mình lắm đấy. Cứ coi nó như em cho thân tình. Hôm nay ông mà không kể là bọn tớ xin phép nhà sư vén bức màn bí mật dấy...".
- Nhà báo thấy chưa. Ông ấy dọa tôi đây. Dân quân báo mà.
Nhà sư lại cười, vô tình ông đưa tay lên vuốt râu ở chiếc cằm đã được cạo nhẵn. Nhật Tín nhận ra nét lúng túng ở người tu hành:
- Cháu thấy, bác Mẫn qúy thầy lắm ạ.
- Thì vưỡn. Ngày xưa, mỗi lần lên Hà Nội là hai người lại kéo nhau đi uống bia hơi.
- Còn bây giờ ạ?
- Từ ngày vào chùa xuống tóc lại thì thôi. Chay tịnh mà. Nhà báo thông cảm. Đã vào chốn thiền môn mọi cái bây giờ là quá vãng, sắc sắc không không.
- Bạch thầy. Chả là, cháu có đăng ký với báo một loạt bài về chân dung các lão đồng chí cách mạng ở tù.
- Tôi thế thôi. Chuyện cũng chẳng có gì. Như anh em khác cả. Nhà báo đã về đây, xin mời ở lại thăm chùa một đôi ngày.
Nhật Tín hơi sững người. Một chút tự ái nghề nghiệp nổi lên rồi chốc lát lại chìm xuống khi nhớ tới lời dặn của ông Mẫn quân báo:
- Lão này gan lắm. Khui được chuyện lão là tha hồ viết. Phải kiên trì. Rồi thế nào cóc cũng mở miệng. Có cái lạ là tại sao cuối đời lão ấy lại gọt tóc lần nữa. Anh em đồng đội đều hỏi nhau mà chẳng thằng nào biết. Cậu cố mà tìm hiểu. Tư liệu nhiều, có khi viết sách được cũng nên. Phải cái lão ta boong-ke lắm.
- Hay là bác kể cho em nghe?
- Tớ kể sao được. Nhà báo xung kích mà lại sớm nản chí thế kia à!
Ông Mẫn ha hả cười to, đập mạnh tay vào vai Tín. Tính ông bỗ bã vậy. Tuổi thì cao mà ăn nói trẻ trung như trai ba, bốn mươi. Nghe theo lời ông Mẫn, cho dù trong lúc này, tâm chí có cộn lên về thái độ từ chối của người đối thoại, Nhật Tín vẫn tự nhủ phải nán đợi. Nghề làm báo cho anh kinh nghiệm, việc gì càng khó khai thác càng dễ hay.
Nhật Tín lang thang trên sân chùa. Đôi cây đại già, thưa thớt lá nhưng hoa và nụ thì nhiều. Dưới gốc cây những bông hoa quá lứa rơi rải rác đâu đó. Tiểu May đang lom khom người cúi nhặt từng bông hoa rụng cho vào cái rổ nhỏ:
- Nhà chùa nhặt hoa này chắc để làm thuốc.
Vừa cúi nhặt hoa Tiểu May vừa nhỏ nhẻ, rành rẽ trả lời câu hỏi của khách:
- Dạ, đúng ạ! Hoa đại này chữa huyết áp tốt lắm ạ!
- Cứ thế này đem sắc uống được không?
- Dạ, phải rửa sạch, phơi khô, rang thơm thì lúc sắc lên uống sẽ tốt hơn...
- Cám ơn Ni cô!
- Không có gì!
Cảm giác Tiểu May chẳng mặn mà trò chuyện. Ni cô như cái máy mỗi lần thưa gửi với khách. Luật chùa ở đây vậy hay Tiểu May có điều gì đó ẩn khuất muốn giấu. Người ta quét bỏ hoa rụng, lá rụng trên sân chùa còn vị nữ tu trẻ tuổi này lại nhặt những thứ tưởng vứt đi lên làm thuốc. Liệu vị nhà chùa xinh đẹp này có nhặt được hết nỗi day dứt thỉnh thoảng lại nổi sóng trên đôi mắt đen thăm thẳm của mình. Nhật Tín lan man nghĩ ngợi để vô tình bước chân chạm tới đường làng lúc nào không biết.
Chùa Ân Đức nằm ở đầu làng Ân Đức. Tên làng là tên chùa. Chiếc cổng gỗ đơn sơ nối chùa với làng qua con đường lát gạch nghiêng. Lối nhỏ chỉ rộng đủ hai bên tránh nhau lúc đi ngược chiều. Ao chuôm hai bên đường cái nọ nối cái kia, to nhỏ khác nhau. Liền kề đấy là những ngôi nhà cao ráo chỗ lợp ngói, lợp tranh, chỗ lợp rạ. Hình như nền những ngôi nhà kia được đắp từ những đấu đất được cơi lên từ ao. Giữa làng có một cây đa cao, thân mấy người ôm, rễ buông như liễu. Dưới bóng lá um tùm là một quán nước. Gọi là quán cho đúng thói quen chứ thực tình bà cụ bán hàng đã nhờ bóng mát cây đa to mà bày ra đấy một cái mâm chõng, trên đặt nào là bánh tẻ, bánh mật, chuối tây, chuối lá, kẹo vừng, bỏng ngô. Quây xung quanh đồ quà, có đến chục cái bát sứ trắng úp nối nhau, chờ khách ghé vào uống nước.
- Có đắt hàng không cụ?
Nhật Tín tươi cười hỏi chuyện. Bà lão bán hàng đon đả mời khách:
- Ông ngồi. Bày mấy thứ quà quê cho vui tuổi già ấy mà ông?
- Cụ cho con xin bát nước.
Chiếc bát sứ được lật lên. Nước chè nóng trong nồi, ủ ấm bằng bao tải đặt gọn trong cái sọt to được bà cụ dùng chiếc gáo làm bằng ống bơ sữa múc lên rồi nhè nhẹ đổ vào bát. Màu nước chè vàng áy, khói thơm hôi hổi bay lên từ lòng bát. Nhật Tín khẽ nâng trên tay vị nước quen thuộc mà anh rất mê uống vào mỗi buổi sáng, hỏi:
- Chè quê mình trồng hay ở nơi khác đưa đến thế ạ!
- Đất quê tôi không trồng được chè. Ở đây trũng cây không chịu mọc. Chè ông uống là của bà con trong vùng đồi mang về bán đấy.
Thảo nào trong vị chát thơm của nước uống Nhật Tín có cảm giác se thắt lại nơi đầu lưỡi chất đầm đậm của sỏi đá vùng đồi. Cảm nhận này chỉ có anh, đứa con của miền bán sơn địa mới có thể đọc ra, thẩm thấu tới tận cùng mà nhiều lúc vẫn rất khó mô tả và không gọi nổi tên bởi cái kỳ dị đặc thù của nó.
- Chắc ông về làng công tác?
- Dạ không. Con có việc ở chùa.
Bà cụ bán nước cười tóa lên:
- Chùa của cái ông sư gia công tốt bụng ấy à?
- Sao cụ lại gọi thế ạ?
- Có sao giãng gì đâu. Ông cứ hỏi cái ông cụ Rãng khoác áo nâu sồng ấy thì rõ. Hơn năm nay rồi. Lại có thêm cả cái cô tiểu tiểu thư đến ở chùa nữa. Cái cô May ấy, khác gì.
Nhật Tín choáng váng hết cả người. Anh như kẻ đang đi dưới thấp bất ngờ có ai đó từ trên cao đổ chậu nước lạnh lên đầu. Lời bà cụ bán nước chè cứ như không, chuyện nhà chùa mà tuệch toạc như nơi dân dã. Nói về sư về tiểu mà như nói về bạn bè, con cháu của mình. Như vậy là bà cụ yêu hay ghét hai vị đang khoác màu nâu sống nơi chùa Ân Đức này?
- Cụ ơi, sao cụ lại gọi sư ông với cô tiểu trong chùa là thế ạ!
- Thì nhỡn tiền đấy thôi. Kinh kệ lõm bõm, câu nhớ câu không. Ông lão ngoài bảy mươi rồi mới xin vào chùa xuống tóc. Cô tiểu hôm đến còn mặc áo hở ngực, đầu tóc uốn lượn. Thầy ấy, trò ấy không gọi là gia công thì gọi là cái gì nữa hở nhà bác. Được cái cả làng ai cũng quý.
Sư ông Thích Tâm Thành thì đúng là như vậy. Theo ông Mẫn nói thì cách đây mười năm trụ trì chùa Ân Đức là sư cụ Đàm Hải. Dân làng Ân Đức kể, sư cụ Đàm Hải có người em kết nghĩa từ hồi kháng chiến chống Pháp. Tuy là chị nuôi em nuôi nhưng họ quý nhau như ruột thịt. Thường là người em hay đến chùa thăm chị. Lúc nải chuối, khi yến gạo, cân đỗ. Sư cụ Đàm Hải thường gọi người em nuôi là cậu Rãng. Mỗi lần cậu Rãng đến thăm, lúc ra về bao giờ cũng xách nặng lộc Phật. Nào oản đường, oản gạo, hoa quả, đồ ăn chay... một túi đầy. Ông ấy ngại quá bảo:
- Chị cho em nhiều thế?
- Đâu phải cho cậu. Tôi là tôi cho các cháu ở nhà kia kìa. Cậu mang về chia cho chúng nó ăn. Lộc bất tận hưởng. Hơn nữa đây lại là lộc Phật.
- Bác thương các cháu quá.
- Ai tôi cũng thương chả cứ gì con cái cậu!
Sư cụ Đàm Hải là người như thế. Từ ngày cụ về trụ trì chùa Ân Đức dân làng ai cũng một lời ca ngợi vị nữ tu này đức độ, thương người.. Nhà chùa được lòng dân nên ngày rằm, ngày mùng một nào cũng đông các vãi đến lễ bái. Nhiều thế hệ người Ân Đức, có người đã khuất, có người đang còn, khi quy y cầu Phật đều tâm thành một điều con, hai điều con với sư cụ Đàm Hải. Nhà chùa vừa tốt đạo lại đẹp đời. Chuyện tình cảm giữa cụ Đàm Hải với người em nuôi cũng là chuyện được dân làng lấy ra làm gương cho nhiều hoàn cảnh. Chính vì thế khi sư cụ Đàm Hải lâm bệnh, thể theo nguyện vọng của vị nữ tu, làng đã để cho người em nuôi được đến chùa xuống tóc, quy y theo bước chị. Từ đấy cậu Rãng thành sư ông Thích Tâm Thành. Thâm niên giữ chùa chưa được nhiều nên đường kinh kệ của sư ông có phần nào lỗ mỗ cũng là điều dễ hiểu. Dân làng biết vậy nhưng vẫn vui lòng.
- Cụ ơi, thế còn cô tiểu May?
- Ơ hay, tôi nói rồi đấy thôi. Chuyện cũng chỉ có thế. Nhà bác muốn biết, cứ hỏi thày trò nhà ông Rãng, ông ấy kể cho mà nghe. Việc cũng tốt thôi nhưng nếu có sư như sư cụ Đàm Hải thì hay hơn.
Bà lão lại rót thêm nước chè vào bát cho Nhật Tín. Anh giơ tay cảm ơn và lấy tiền trả:
- Cụ bán hàng ạ! Cháu xin phép.
- Ông lại nhà. Thỉnh thoảng mời ông ra xơi nước.
- Dạ...
Bà cụ bán nước chắc biết nhiều chuyện về nhà chùa. Giọng bà cụ nói cứ như người trong cuộc bước ra. Nhưng muốn hỏi kỹ một tí bà cụ lại chối. Con người kể cũng lạ. Lòng nghĩ rất thẳng về nhau nhưng khi phải nói ra thì lại vòng vo như lối lên dốc, xuống dốc nơi vùng đồi cao thấp, khó lường. Với Nhật Tín, sau lúc từ chùa đi ra cùng những câu chuyện bà cụ bán nước đưa lại đã khiến anh lướng vướng nghĩ ngợi về hai con người trong đó có một, anh ý định tiếp xúc từ trước, và một sau này mới gặp nhưng đã thành điểm tò mò của anh trong chuyến đi. Lại còn sư cụ Đàm Hải nữa. Theo bà cụ bán nước cho biết, sư cụ là người nhân đức. Ông Mẫn cũng từng nói cho Nhật Tín hay, ông Rãng có bà chị nuôi là sư. Họ kết nghĩa với nhau từ hồi chín năm kháng chiến. Hai lời kể đều khớp nhau ở một việc. Nhưng còn cái nghĩa "gia công" kia thì anh lần đầu được nghe, ở đây. Ông Mẫn chưa một lần nói cho Nhật Tín nghe về cái ý theo lối "nhận xét, đánh giá" này. Ông nhìn bạn với cái nhìn đồng đội, thông thoáng. Dân làng Ân Đức lại nhìn ông Rãng bằng cái nhìn có phần xét nét hơn với kẻ tu hành. Người ở hoàn cảnh nào có hoàn cảnh ấy nhìn lại. Từ "gia công" của bà cụ bán nước nói về thầy trò ông Rãng cũng là cách như vừa chê lại không chê. "Kể cũng tốt thôi" -Bà cụ bảo vậy. Lời nói thẳng tưng, vị tha. Ngẫm lại thấy vui vui. Nếu không có chuyến về Ân Đức theo thư của ông Mẫn làm sao Nhật Tín có được những chi tiết lạ này.
Nhật Tín chậm rãi từng bước một trên con đường về lại chùa Ân Đức. Gió từ những ao làng lùa lên vị mát của cây cỏ. Bờ ao với những lùm cây dại, những búi tre làm cho màu nước thêm xanh, xum xuê và thăm thẳm. Nét thanh bình nào phải đâu xa mà ở ngay, màu nước, tiếng gió lùa qua cây lá và tiếng chim hót chuyền cành. Làng quê, khoảng tĩnh lặng bình yên của mỗi ai khi có dịp ghé về. Nhật Tín thấm ra nhiều điều mà ở nơi phố thị ồn ã, bụi bặm không có. Ân Đức này đã cho anh một cảm xúc thanh thản, trong suốt...
Đang mơ màng trong khoảng sống bình yên bỗng Nhật Tín giật mình. Trước mặt anh đầy tiếng ồn. Sau lưng anh nhiều bước chân rầm rập. Âm thanh ấy từ hai phía dội đến cứ mỗi lúc mỗi gay gắt hơn, dày đặc hơn.
- Dẹp dẹp cho đi nhờ tí nào...
- Nhờ tí...
- Xin lỗi nhé!
Nhật Tín bị ai đó gạt ra bên đường ngay sát bờ ao. Anh phải choãi chân, sợ ngã. Người vẫn vượt lên trước. Bước nọ nối bước kia. Già nhiều, trẻ cũng không ít. Cả phụ nữ và bà lão nữa.
- Ai đánh nhau thế?
- Chưa đánh nhưng sắp...
- Ai mới được chữ?
- Nghe nói vợ chồng lão thầy chùa chém nhau.
- Đếch phải... Đâu như người yêu của cô Tiểu May đến dọa đốt chùa.
- Eo ôi, kinh thế kia à?
- Nhanh nhanh lên...
Như vậy là chùa Ân Đức đang có chuyện. Thực hư, chi tiết thế nào chưa rõ nhưng việc sinh sự là thật. Chẳng thế mà người chạy lên, vượt qua Nhật Tín thì nhiều, còn người đi ngược lại không thấy một mống.
Tiếng đập phá, la hét từ chùa Ân Đức vọng lại. Nhật Tín trông thấy cả dân quân xã tay xách súng trường đang nối nhau chạy về hướng ấy. Anh thầm bảo mình chẳng thể chần chừ, chậm rãi được nữa. Đôi chân Nhật Tín như vô tình được lắp động cơ. Anh cũng hoà vào dòng người chạy về phía chùa.
Trước cửa Tam Quan, người ta quây vòng trong vòng ngoài quanh một gã đàn ông chạc tuổi bốn mươi. Người này da ngăm đen, tóc rễ tre cứng quèo, khuôn mặt lam lũ, khắc khổ trông hao hao khuôn mặt của sư ông Thích Tâm Thành. Anh ta ngồi phệt trên nền đất, tay lăm lăm con dao, mắt hướng về phía cửa chùa.
Trước cửa Tam quan, ngay bậc tam cấp đầu tiên, chỗ xế cửa bên, sư Rãng đầu trần, áo xanh cũ chứ không phải áo tu hành nhưng lại ngồi theo kiểu lễ Phật. Ông Rãng chắp tay trước ngực. Bên phải ông là một can nhựa trắng đựng đầy xăng, bên trái là một bó hương và bao diêm. Cạnh đấy nữa Tiểu May đang quỳ gối, kêu khóc:
- Thầy ơi, con xin thầy.
- Con vào chùa đi. Đây là việc của riêng gia đình thầy chứ đâu phải việc của con mà con than khóc.
- Nhưng con vẫn xin thầy. Thầy ơi. Thầy bây giờ là người của chùa Ân Đức. Xin thầy...
Tiếng gã đàn ông la to:
- Con thầy tu mặc váy kia. Mày xê ra cho ông ấy trả lời tao. Việc của tao với ông ấy chứ không phải việc của nhà mày.
Gã đàn ông cầm dao xông lên. Cũng lúc ấy, ông Rãng mở nắp can xăng định đổ vào người thì Tiểu May đã kịp lao vào, cùng lúc đó là những người khác xúm lại can ngăn.
- Các ông các bà cứ bỏ ra, xem nó có dám chém bố nó không nào...
Tiếng ông Rãng rên rỉ. Nhật Tín nghe rõ cả tiếng gầm gừ đau đớn của gã đàn ông kia nữa.
- Ông không về là tôi chém hết, chém hết. Trời ơi là trời. Bố ơi là bố...
Con dao của gã vừa định vung lên nhưng đã bị ai đó giật xuống. Nhật Tín nhìn mọi người đang chụm lại gỡ rối mà mừng...
Gã đàn ông hung dữ bị du kích xã tước dao, khoá tay dẫn lên trụ sở Ủy ban. Sư Rãng được mấy cụ già định dìu vào phía trong sân chùa nhưng ông nhất định không vào. Tới cổng chùa ông vội ngồi thụp xuống, ôm mặt. Chốc lát ông đứng dậy hai tay nắm vào nhau nói:
- Thưa các cụ, các ông bà làng Ân Đức. Ơn làng, ơn xóm tôi được theo bà chị tôi đến ăn mày lộc chùa. Nay vì chuyện nhà sinh rối, lòng trẻ bất an, con cái không nghe lời bố mẹ, hư hỗn trước cửa thiền. Rãng tôi xin tạ tội trước các cụ, các ông, các bà...
Sư Rãng chắp tay vái khắp lượt các cụ cao tuổi trong làng. Thấy vậy mọi người cũng quỳ xuống vái lại. Một cụ tóc bạc trắng, cao tuổi hơn sư Rãng nói:
- Thầy đã chọn chùa làng tôi để ăn mày lộc Phật. Dân làng ai cũng mừng vì tâm đức của sư cụ Đàm Hải đã truyền lại cho thầy. Nay vì chuyện con cái mà sinh nông nỗi này. Thầy có lỗi gì đâu mà phải tạ tội.
- Trình các cụ, các ông, các bà... việc đến nước này Rãng tôi đã nghĩ đến cái chết cho yên bề. Can xăng kia tôi cũng chuẩn bị từ lâu. Định bụng khi nào con nó đến gây rối thì tự châm cho mình một mồi, chỉ mong nhẹ cái thân xác. Đời người mà đến ba lần xuống tóc... May mà cửa Phật còn rộng mở cho tôi có được chốn nương nhờ.
Người già trong làng cố mời sư Rãng vào nhà tổ nhưng ông một mực xin được ngồi lại trước cổng chùa.
Ông không dám vào vì xấu hổ. Cõi tục đã làm ông đau đớn, bối rối.
- Tiểu May này...
Thầy dạy gì con ạ!
- Con đưa ta vào Ủy ban!
Dân làng tản ra về. Tiểu May dìu sư Rãng đi. Các cụ già nhìn theo ái ngại, cảm thông.
Ông Phó Chủ tịch phụ trách Công an xã đỡ sư Rãng ngồi xuống ghế trước mặt rồi rót nước mời ông:
- Con mời thầy xơi nước.
- Cám ơn Ủy ban. Tôi muốn thưa với ông xin phép được bảo lãnh cho cháu. Để xảy ra việc này, ngay trước cửa chùa một phần lỗi lớn do tôi. Xin ông tha cho cháu được về. Nó tuy cao tuổi nhưng còn non dại lắm. Gia đình tôi xin phép được đóng cửa để bảo ban nhau.
Trước lời khẩn thiết của sư Rãng, ông Phó Chủ tịch xã đăm đăm nét mặt lắng nghe, ngẫm nghĩ, rồi nói:
- Bạch thầy. Thầy đã có lời như vậy, anh em xã cũng chẳng muốn giữ làm gì. Ngặt nỗi anh nhà đang cơn nóng nảy nên phải lưu lại đây qua đêm, sáng mai bình tĩnh xã sẽ xử lý theo hướng giảm nhẹ. Thầy cứ yên tâm không có gì mà phải lo cả. Chú Tiểu May đưa giúp thầy về hộ chúng tôi.
Tiểu May định đỡ thầy lên nhưng sư Rãng vẫn nán ngồi:
- Thưa ông, tôi còn có chuyện này nữa muốn nói. Cũng nhờ ông thưa giúp lại với Ban lãnh đạo xã nguyện vọng của tôi. Chả là, như các ông đã biết, được phép của xã, của dân làng tôi về đây theo người chị nuôi ăn mày lộc Phật. Nay sự nhà đã vậy có núp mãi dưới bóng chùa cũng chả yên. Chỉ xin ông, trước mắt cho Tiểu May được thay tôi hương khói cửa chùa trong lúc chờ xin sư khác về trụ trì...
Ông Phó Chủ tịch xã nghe nhưng im lặng. Ông không dám gật vì đây là chuyện hệ trọng. Việc này phải có ý kiến của các cụ bề trên, của Mặt trận Tổ quốc xã và các đồng chí lãnh đạo. Chùa Ân Đức là một phần đời sống tâm linh quan trọng của cả vùng.
- Thầy cứ về nghỉ. Có gì, mai kia xã sẽ ra thưa chuyện với nhà chùa. Còn việc người con trai gây rối của thầy, thể theo nguyện vọng và sự bảo lãnh của gia đình anh em sẽ thả.
- Đa tạ ông quá.
- Không dám ạ!
Người phụ trách Công an xã đỡ vội đôi tay đang định vái của sư Rãng rồi dìu ông ra cửa. Tiểu May bước theo sau, vừa đi vừa nghe bà phụ trách hội vãi dặn nhỏ:
- Chú nhớ chăm sóc thầy cho cẩn thận. Đừng để thầy nghĩ quẩn, làm quẩn. Thầy đang có sự rối ghê lắm đấy. Trăm sự hôm nay là chị em chúng tôi nhờ chú.
- Các vãi đừng lo. Từ lâu tiểu tôi đã coi thầy như cha đẻ rồi. Có điều, tôi muốn nhờ các vãi mang giúp cho cái con người đang bị giam trong kia một nắm cơm. Dẫu sao...
Vãi đã hết lòng lo, tiểu cũng chu đáo làm vậy, sư Rãng nghe không thủng hết câu trao đổi của họ nhưng đã cho ông sư bình tâm trở lại.
Sư Rãng vừa về đến cổng chùa đã gặp Nhật Tín đứng sẵn chờ. Tiểu May mời cả hai người đi về phía sân nhà tổ. Sư Rãng biết, từ chối vào lại chùa lúc này là không phải với mọi người. Ông lặng lẽ như cái bóng, từ chối bữa cơm chay đã bày sẵn, vội vã rửa mặt nước mưa, vẩy nước trà quanh mình cho tan uế khí rồi mặc áo lễ, đeo tràng hạt bước nhanh lên thượng điện.
Mùi hương lan khắp mái chùa thấp. Trong ánh nến trông như những búp lửa mọc từ sáp khẽ lay động trước vàng son những pho tượng Phật. Sư Rãng ngồi xếp bằng tròn trên chiếc chiếu hoa cũ. Tay trái ông cầm dùi chuông, tay phải cầm dùi mõ. Trước mặt ông là quyển kinh mở rộng. Trang kinh không phải bằng giấy bản, chữ ta mà là giấy trắng, chữ quốc ngữ, in to dễ đọc.
Những tiếng chuông vang lên. Sau đó là đều đều tiếng mõ. Mặt sư Rãng nghiêm lại, lạnh lùng trầm xuống, hiền hậu khi lời kinh từ miệng ông cất lên:
"Nam mô quan thế âm Bồ tát, từ bi cứu khổ, cứu nạn... Nam mô quan thế âm Bồ tát, từ bi cứu khổ, cứu nạn...".
Đây là lối khấn của một bậc tu hành hay lời kêu cứu cất lên từ trái tim một người cha đau khổ. Tiểu May quỳ sau lưng thầy, nhìn ánh nến, ánh đèn mắt cô chóp chớp.
Đôi môi hồng của cô tiểu trẻ khe khẽ động đậy khấn theo lời khấn của thầy. Nhật Tín quỳ bên hơi chếch xuống dưới một tí nên nhìn thấy rất rõ có những giọt nước mắt đang lăn dần trên má Tiểu May. Giá lời cầu nguyện kia của tiểu cất to hơn một tí nữa rất có thể anh có thể nghe thấy cả tiếng nghẹn ngào.
Chùa Ân Đức cổ kính, xây đã mấy trăm năm nay. Chùa giống như chiếc nón lá già úp trên những cột gỗ chắc nịch. Vào chùa ta có cảm giác như lạc vào hang động bởi mái thấp và lớp lớp những pho tượng to nhỏ nhưng đầu cao gần chạm mái nhà. Cái cổ kính của ngôi chùa làng cao tuổi với hai người tu hành, một già, một trẻ, chỉ chưa đầy một ngày tiếp xúc, chứng kiến thôi mà đã khiến cho Nhật Tín một ký giả dày dạn về những đề tài xã hội phải giật mình, kinh ngạc về nẻo chìm sâu cùng những bất ngờ của mỗi con người. Ngồi bên sư thầy và Tiểu May, thỉnh thoảng nội tâm anh lại lảnh lên bởi tiếng chuông ngân dài theo tiếng mõ... Uông... uông! Tiếng chuông như ghềnh thác bất ngờ gặp. Còn tiếng mõ đều đều như sông lặng chảy xuôi...
- Mô Phật. Cám ơn nhà báo ở lại chia sẻ nỗi niềm với thầy trò tôi.
Cuộc lễ tan, sau tiếng chuông ngân lần cuối là lời ông Mẫn nói với Nhật Tín chậm đều rành rẽ. Lúc này ông khác hẳn. Từ khuôn mặt cho đến ánh nhìn như được chuốt lại bằng hương hoa và nến thắp. Nó chân mộc, hiền lành như thể chưa hề xảy ra chuyện gì, chưa hề có những biến động ghê gớm nào có thể xui người ta tới cái chết.
- Bạch thầy... câu chuyện chiều nay làm con sợ quá.
- Chuyện đời mà. Biết làm sao mà tránh. Mình đã cố lánh đời để vào nương bóng Phật mà vẫn chẳng được nhàn tâm. Nhưng thôi, chuyện ấy nhà báo biết làm gì cho nó thêm nhọc lòng.
Nhật Tín nghĩ "đấy mới là điều con muốn biết", định nói tiếp với ông Mẫn ngay nhưng lại thôi.
- Tiểu May này, con đưa nhà báo xuống phòng khách nghỉ. Giờ cũng khuya rồi...
- Thầy cũng xuống đi nghỉ luôn thôi ạ!
Phòng nghỉ của sư Rãng cạnh phòng nghỉ của khách. Như mọi khi giờ này là giờ sư chuẩn bị ngả lưng. Đêm nay ông thức. Ông biết có nằm cũng chẳng ngủ nổi qua đêm. Tiểu May lo lắng nói:
- Thầy đừng thức qua đêm nữa. Hôm nay thầy vất vả nhiều rồi, con xin thầy đi nghỉ.
- Con mặc ta. Con đi lo việc con đi.
Tiểu May chần chừ. Đôi mắt tiểu nhìn sư thầy nhiều lo lắng, thương cảm. Nhật Tín cũng vậy. Ở tuổi sư thầy Rãng nhiều ông đã thanh thản như nước hồ cảnh. Còn đây, nhìn đôi mắt ông có lúc rực lên như muốn nổi giông. Biết sư thầy không ngủ được, Nhật Tín chợt nảy ý định thức cùng với ông. Anh nhìn Tiểu May dịu dàng rồi bảo khẽ:
- Ni cô cứ đi nghỉ trước đi. Tôi sẽ thức cùng thầy.
- Sao thế được ạ?
- Ni cô chưa biết đấy thôi. Nghề làm báo bọn tôi thức thâu đêm là chuyện thường...
- Để bác phải thức thầy tôi không bằng lòng đâu.
Tiểu May nhìn Nhật Tín rồi nhìn sư Rãng. Ba ánh mắt nhìn nhau như muốn cộng lại để cùng chia sẻ một điều gì. Nhật Tín mạnh dạn cất lời trước:
- Thầy cho phép con chứ ạ?
Sư Rãng khẽ gật đầu rồi đưa mắt nhìn Tiểu May:
- Con đi nghỉ đi. Để thầy với bác trò chuyện.
- Dạ... con xin phép thầy. Cháu xin phép bác...
Chữ bác cùng với chữ cháu sao có vẻ gượng gượng trong lời chào của Tiểu May. Nhật Tín đọc ra điều này khi nhận thấy nét bối rối trong đôi mắt rất buồn của cô. Nét buồn ấy là bất chợt hay có từ lâu rồi mà sao nó dấy động tâm can anh đến vậy. Anh nhận ra mình tham lam khi mà sư thầy Rãng nhân vật chính những trang viết sắp tới của anh mới vào cuộc khởi hành.