Tính đến năm 248 là hơn 400 năm đất nước ta nằm dưới ách đô hộ của bọn phong kiến phương Bắc (Hán, Thục và Ngô). Tôi vẫn suy nghĩ về Bà Triệu và cuộc khởi nghĩa năm 248 do Bà lãnh đạo (nhằm chống ách thống trị của nhà Ngô) khiến “toàn thể châu Giao chấn động (Ngô Chí, 9.16). Tôi vẫn suy nghĩ về đặc điểm nhân văn xứ Thanh mà Bà Triệu là một biểu tượng sáng chói mãi mãi. Nói đến xứ Thanh - xưa kia là đất Cửu Chân - là nói đến một không gian - xã hội nhất định, nói về một địa - chính trị, địa - văn hoá trong lòng chung của Tổ Quốc Việt Nam. Mảng không gian - xã hội này có đặc điểm gì, tiềm tàng năng lực gì? Cách ngày nay hơn năm thế kỷ, nhà văn lớn đồng thời là vị đại quan Lý Tử Tấn khi cẩn án cho tập sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi mục Cửu Chân có viết: “Đất nước ấy nơi cuối sông đầu núi, thấp trũng, khi loạn thì thích hợp. Đối với Thái Tổ (Lê Lợi) - (thì nhận định này) càng đáng tin. Quả thật như vậy, từng chặng đường lịch sử gập ghềnh, khởi đầu từ khởi nghĩa Bà Triệu cho đến cuộc kháng chiến chống Pháp - chống Mỹ trong thể kỷ XX này. Thanh Hoá luôn luôn là địa bàn chiến lược cung cấp sức người sức của cho các công cuộc chống giặc giữ nước của dân tộc ta.
Tôi đã đi hầu hết các huyện đồng bằng, ven biển và miền núi Thanh Hoá với mục đích là tìm lại dấu vết - nơi bừng bừng tráng khí anh hùng của cuộc khởi nghĩa do Bà Triệu lãnh đạo. tôi đến vùng Quân Yên (Yên Định), lên Sơn Trung (Triệu Sơn), ra miền núi Tùng (Hậu Lộc) tìm hiểu tận nơi. Đâu đâu tôi cũng được nghe nhiều chuyện kể về cuộc chiến đấu kiên cường, bất khuất của Bà Triệu và nghĩa quân dưới quyền chỉ huy của Bà hoặc chịu ảnh hưởng bởi ỷ chí, khí phách của bà.
Tư tưởng đoàn kết chiến đấu bảo vệ Tổ quốc thể hiện trong bài đồng dao lưu truyền ở vùng núi Quản Yên:
“Có bà Triệu tướng
Vâng lệnh trời ra
Trị voi một ngà
Dựng cờ mở nước
Lệnh truyền sau trước
Theo gót Bà vương. ”
Về Bà Triệu, sách Việt Nam chí ghi lại một hình ảnh cổ kính, oai phong lẫm liệt mà vẫn phảng phất vóc dáng dân dã “Mặc áo giáp vàng, đi guốc ngà, cài trâm vàng, cỡi voi ra trận Trong dân gian lại lưu truyền một huyền thoại kỳ vĩ về bà “Người to cao, đầy tráng khi, vú dài ba thước, mỗi khi ra trận là đi hàng đầu”. Nhiều cụ già vùng Yên Định, Hậu Lộc còn truyền tụng câu nói tương truyền là của Bà Triệu “Tôi chỉ muốn cỡi cơn gió mạnh đạp bằng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi giặc Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta”.
Đó là những thông điệp về một người phụ nữ khổng lồ: khổng lồ về tư tưởng tự tôn dân tộc, khổng lồ về ý chí chống xâm lược cứu nước cứu dân và khổng lồ về nhân cách con người.
Sách sử ghi lại cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu không nhiều và tản mạn; nhưng những giai thoại, truyền thuyết, di tích nhắc nhở một cách thành kính, xúc động về cuộc khởi nghĩa ấy còn lưu truyền trong dân gian không ít. Nhu cầu có một tác phẩm thành văn về sự kiện Bà Triệu là nguyện vọng chính đáng.
Tác giả Hàn Thế Dũng bằng tâm trí, sức lực và thời gian đã sáng tác bộ tiểu thuyết Bà Triệu là đáp ứng được nguyện vọng bảo tồn một mốc son lịch sử đất nước. Tác phẩm là một bức tranh hoành tráng, đậm đà ỷ nghĩa sử thi về cuộc khởi nghĩa năm 248. Đã là tiểu thuyết, tác giả có quyền hư cấu: đặt thêm nhân vật, phụ thêm tình huống, làm sáng rõ thêm tính chính nghĩa, biểu dương hào khí quốc gia dân tộc, đồng thời phanh phui bộ mặt gian hiểm tàn ác của kẻ thù và bè lũ tay sai.
Tôi nghĩ rằng, công cụ nhận thức của văn học là hình tượng, có hình tượng văn học bác học, lại có hình tượng văn học dân gian. Bà Triệu là hình tượng của văn hộc dân gian với những nét thô phác mà mạnh mẽ, giản dị mà mạch lạc, chân thực mà thông minh, với những sự kỳ vĩ, thiêng liêng nhưng lại rất cụ thể và sinh động. Ngòi bút của tác giả một con người hiện đại của nửa cuối thế kỷ XX, bằng hình tượng văn học khôi phục lại những con người, những sự kiện những không khí của một thời đại hừng hực đau thương và căm uất cách đây hơn một nhìn bảy trăm năm quả là vô cùng khó khăn, phức tạp, tôi thành thực thông cảm với tác giả. Điều đáng nên ghi nhận là bộ tiểu thuyết lịch sử Bà Triệu đã miêu tả được hình ảnh người con gái anh hùng, kiên trinh bất khuất, một dân tộc giàu bản lĩnh và tiềm tàng ý thức quốc gia cao cả, quyết giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ.
Nhân đây tôi cũng xin phép thưa cùng độc giả đôi điều. Bà Triệu là bông hoa ngào ngạt hương sắc nở trên đất Thanh đã góp phần tô điểm cho vườn hoa dân tộc nhiều màu sắc thêm vẻ lung linh rực rỡ. Hoa trái, kết tinh của Đất và Cây. Đất nào sinh ra Cây ấy, Hoa ấy. Khởi nghĩa Bà Triệu ở xứ Thanh xưa mà Hàn Thế Dũng miêu tả trong Bà Triệu là kết tinh lâu đài của nền văn minh Lạc Việt mà các nhà sử học đã để nhiều tâm sức nghiên cứu, là niềm tự hào của xứ Thanh và Tổ Quốc Việt Nam.
Khởi nghĩa Bà Triệu tuy thất bại, nhưng hình ảnh người con gái kiên trinh và các anh hùng hào kiệt thuở ấy tiêu biểu cho chủ nghĩa yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc muôn thuở không mờ. Đó là bức tranh hoành tráng tồn tại vĩnh viễn như câu ca dao dân gian còn truyền tụng.
Tùng Sơn nắng quyện mây trời
Dấu chân Bà Triệu sáng ngời sử xanh.
Là nhà sử học nghiên cứu lịch sử nước nhà, tự hào với khởi nghĩa Bà Triệu, tôi xin cám ơn tác giả Hàn Thế Dũng đã dốc tài năng và ý chí hoàn thành bộ tiểu thuyết dày dặn Bà Triệu, tôi xin trân trọng giới thiệu bộ tiểu thuyết Bà Triệu của anh với quí vị độc giả.
Hà Nội, năm 2004
Giáo sư Phan Đại Doãn