Các bạn ạ, bác sĩ có một người anh năm nay gần 50 tuổi, công tác trong lực lượng vũ trang ở thành phố Vinh (Nghệ An). Anh thường xuyên chơi thể thao nên thể trạng tương đối tốt. Rồi một ngày mùa hè, sau khi chơi bóng chuyền, anh vào quán bia giải khát cùng mọi người. Đột ngột cơn đau như xé ngực trái xuất hiện ngay khi vừa uống ngụm bia lạnh đầu tiên, cơn đau làm anh phải gồng mình ôm ngực. Sau đó tình hình dần được cải thiện, anh về nhà sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên cũng kể từ đó, cứ hằng đêm nằm ngủ cơ thể anh lại tiết mồ hôi ồ ạt, mồ hôi ra nhiều đến mức ướt đẫm cả áo và ướt chiếu nơi anh nằm. Không an tâm, anh ra Hà Nội thăm khám ở nhiều bệnh viện (ít nhất ba bệnh viện khác nhau) tuy nhiên kết luận tim mạch anh bình thường. Anh trở về quê công tác nhưng tình trạng ra mồ hôi như tắm hằng đêm vẫn không dứt. Linh cảm cơ thể mình có gì đó không bình thường, anh ra lại Hà Nội và nhờ một chuyên gia siêu âm đánh giá thật kỹ lại hệ tim mạch. Lần này tổn thương đã được phát hiện, anh bị đứt dây chằng của một lá van tim và cần phẫu thuật sớm. Sau mổ, cuộc sống trở lại bình thường, hiện tượng tăng tiết mồ hôi về đêm cũng chấm dứt.
Câu chuyện trên thôi thúc bác sĩ tìm hiểu và tổng hợp tóm lược những bất thường liên quan đến tuyến mồ hôi của chúng ta, trân trọng gửi đến bạn đọc.
1. Ra mồ hôi đầm đìa có thể gợi ý
▸ Chứng tăng tiết mồ hôi, thường do di truyền.
▸ Tình trạng mãn kinh ở nữ giới hoặc nam giới (do giảm lượng hóc môn sinh dục).
▸ Cơn hạ đường huyết, hay gặp ở người bị tiểu đường, nếu không phát hiện và bổ sung đường sớm có thể nguy hiểm đến tính mạng.
▸ Cường tuyến giáp, cần đi khám chuyên khoa nội tiết.
▸ Bệnh lý tuyến thượng thận (U tuyến thượng thận).
Ngoài tiết mồ hôi có thể còn gây cơn cao huyết áp, tăng chuyển hóa cơ thể, rối loạn điện giải và nguy cơ ung thư về sau, cần đi siêu âm đánh giá.
▸ Rối loạn thần kinh giao cảm, ung thư hoặc có ổ nhiễm trùng sâu, bất thường trong các buồng tim, sau khi dùng một số thuốc Tây chữa bệnh tim mạch hoặc trầm cảm…
▸ Nếu cơn đổ mồ hôi đột ngột kèm đau ngực trái, hồi hộp tim đập nhanh… Hãy cẩn thận, có thể cơn nhồi máu cơ tim đang kéo đến.
▸ Ngoài ra, khi ra mồ hôi nhiều sẽ khiến chúng ta mất một lượng lớn muối, canxi... và ảnh hưởng đến tim, người già có bệnh lý tim mạch cần tránh gắng sức cũng như mất nước qua mồ hôi quá nhiều.
2. Tăng tiết mồ hôi về đêm
▸ Chứng ngưng thở khi ngủ.
▸ Các khối U lympho.
▸ Sau khi dùng thuốc Tây (thuốc hạ áp, thuốc chữa trầm cảm, thuốc chữa rối loạn cương dương, thuốc chữa ung thư…)
▸ Dấu hiệu bệnh lý nhiễm trùng: Lao phổi, sốt rét, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, bất thường buồng tim...
▸ Bệnh lý về tạo máu (chứng tăng hồng cầu vô căn), thường gặp ở nam giới trên 60 tuổi. Nếu không phát hiện và chữa trị, gần 50% số bệnh nhân sẽ tử vong trong vòng hai năm đầu.
3. Giảm tiết hoặc không ra mồ hôi
• Giảm hoặc không tiết mồ hôi vô cùng nguy hiểm vì có thể gây ra chứng tăng thân nhiệt, sốc nhiệt, đặc biệt ở người già. Các bạn đã biết, hai giọt mồ hôi kích cỡ bằng 2 hạt đậu có thể làm giảm nhiệt độ của 1,14 lít máu xuống hơn 1 độ C.
• Tiết ít mồ hôi xảy ra khi tuyến mồ hôi không hoạt động bình thường, có thể do bẩm sinh hoặc một tình trạng ảnh hưởng đến da và hệ thống thần kinh. Một số nguyên nhân chính:
▸ Rối loạn thần kinh như Parkinson, hội chứng Guillain-Barre.
▸ Loạn sản bẩm sinh ở trẻ em, bệnh lý di truyền ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất.
▸ Bệnh lý ngoài da (vẩy nến), bỏng...
▸ Tổn thương thần kinh ngoại vi do tiểu đường, do bệnh tự miễn hoặc lạm dụng rượu.
▸ Mất nước.
▸ Dùng một số thuốc tim mạch, rối loạn tinh thần…
4. Mồ hôi nồng nặc hoặc mùi bất thường
▸ Vệ sinh kém.
▸ Ăn nhiều gia vị (cà ri, tỏi, hành…)
▸ Sau khi dùng một số kháng sinh hoặc thuốc khác.
▸ Tiểu đường.
▸ Bệnh lý gan, thận nếu mồ hôi có mùi amoniac.
▸ Bệnh lý gan hoặc dùng quá nhiều thuốc bổ Vitamin nhóm B nếu mồ hôi có mùi tanh.
Lời kết: Các bạn ạ, trên đây là những dấu hiệu gợi ý, không phải cứ có những biểu hiện mồ hôi như vậy thì chắc chắn chúng ta bị bệnh. Tuy nhiên, mọi người cần đi khám sớm nhất có thể khi xuất hiện một trong những bất thường về mồ hôi như trên và nên ưu tiên khám chuyên khoa da liễu, nội khoa, nội tiết chuyển hóa và thần kinh trước, các bạn nhé!