Các bạn ạ, bác sĩ đã từng chia sẻ thông tin hiến máu cứu người. Tuy nhiên qua bài viết đó bác sĩ mới nhận ra rằng hiện nay rất nhiều người trong chúng ta thậm chí còn không biết nổi nhóm máu của mình, chưa nói đến việc biết nhóm máu của những người thân cũng như những vấn đề sức khỏe liên quan đến nhóm máu. Đây thực sự là điều không tốt về mặt y tế và sức khỏe. Thông tin về nhóm máu không chỉ giúp chúng ta rất nhiều trong định hình sức khỏe, nguy cơ bệnh tật mà còn hỗ trợ người thầy thuốc trong những tình huống cấp cứu.
Để giúp mọi người hiểu rõ hơn về vấn đề này, bác sĩ tổng hợp và xin chia sẻ “10 điều bạn cần biết về nhóm máu”, điều này thực sự cần thiết đó các bạn ạ.
1. Cách đây hơn một thế kỷ (năm 1901), bác sĩ người Áo, Karl Landsteiner, đã phát hiện ra sự tồn tại của kháng thể và kháng nguyên trong máu, đặt nền móng hình thành sự xác định nhóm máu ABO của con người. Chính phát hiện này đã mang về cho ông giải thưởng Nobel năm 1930 trong lĩnh vực Sinh lý học và Y học. Một thập kỷ sau khi nhận giải thưởng Nobel, Landsteiner và đồng nghiệp A. S. Weiner khi nghiên cứu trên loài khỉ Rhesus macaque đã phát hiện ra một loại protein thứ cấp cũng có ý nghĩa rất lớn đến nhóm máu và truyền máu, các nhà khoa học đã đặt tên cho phân loại nhóm máu này là nhóm máu Rhesus. Vậy tất cả chúng ta sẽ thuộc một trong hai loại nhóm máu Rhesus (Rhesus dương hoặc Rhesus âm). Thực tế nhóm máu người có 36 hệ thống phân loại khác nhau, tuy nhiên phân loại nhóm máu theo ABO và Rhesus được xem là hai phân loại quan trọng và có nhiều ý nghĩa nhất trong thực hành Y học, chúng ta thường chỉ quan tâm và nhắc đến hai phân loại nhóm máu này. Dựa vào hai hệ thống phân loại ABO và Rh, tất cả loài người chúng ta thuộc một trong tám nhóm máu khác nhau bao gồm: ARh (+), ARh (-), BRh (+), BRh (-), ORh (+), ORh (-), ABRh (+), ABRh (-). Vì hầu hết chúng ta có nhóm máu Rh (+), mọi người thường chỉ biết và để ý đến việc mình thuộc nhóm máu nào trong bốn nhóm máu A, B, O hay AB mà thôi. Trong thực tế, những ai có nhóm máu Rh (-) thường rất ít nên họ sẽ chủ động ghi nhớ, thậm chí còn sinh hoạt trong những group người có nhóm máu Rh (-) để tiện hỗ trợ nhau lúc cần.
2. Để xác định nhóm máu, nhân viên y tế sẽ lấy mẫu máu rồi đem đi “pha-trộn” theo một nguyên lý nhất định, từ đó sẽ xác định được chúng ta có nhóm máu nào trong tám nhóm máu ở trên. Thời gian xác định này rất nhanh (dưới một tiếng) và các bạn có thể liên hệ các phòng khám, trung tâm y tế đến lấy máu tại nhà.
3. Nhìn chung, trong các nhóm máu ở trên thì nhóm máu ARh (+) và ORh (+) thường hay gặp nhất trong khi nhóm máu ABRh (-) là hiếm gặp nhất. Ở Mỹ, nhóm máu loại ORh+ và ARh+ là hai nhóm máu phổ biến với lần lượt chiếm 37 và 36% dân số trong khi hai loại BRh- và ABRh- vô cùng hiếm gặp với tỷ lệ lần lượt chiếm 2% và dưới 1% dân số.
4. Qua kết quả nhóm máu, chúng ta cũng ít nhiều nhận định được tổ tiên gốc gác của mỗi người. Ví dụ, nhóm máu Rh (+) rất phổ biến trên toàn cầu nhưng có xu hướng xuất hiện nhiều nhất ở châu Á và châu Úc, trong khi những người Tây Âu và những người có nguồn gốc từ xứ Basque có tần số cao nhất có nhóm máu Rh (-). Hay người có nhóm máu A chiếm ưu thế nhất ở Bắc Mỹ và châu Âu trong khi nhóm máu O thường xuất hiện nhiều ở Trung và Nam Mỹ hoặc nhóm máu B thường gặp ở người Trung Á, Bắc Ấn Độ và Nga.
5. Nhóm máu O được gọi là nhóm máu chuyên cho vì có thể truyền cho hầu hết các nhóm máu khác. Trong tình huống cấp cứu cần truyền máu mà chưa thể xác định được nhóm máu của bệnh nhân (bệnh nhân không nhớ, bệnh nhân sốc, hôn mê...) thì người thầy thuốc sẽ ưu tiên lựa chọn nhóm máu O để truyền đầu tiên. Tuy nhiên, nó vẫn luôn ẩn chứa những nguy cơ nhất định, vậy nên sớm nhất có thể, người thầy thuốc sẽ xác định chính xác nhóm máu của bệnh nhân để truyền đúng nhóm máu đó. Hiện nay, trong hướng dẫn mới về truyền máu, nhóm máu nào cần được truyền cho chính nhóm máu đó.
6. Mỗi thành viên trong gia đình chúng ta cần biết nhóm máu của chính mình cũng như của những thành viên khác trong gia đình (Thông báo chung trong group gia đình), vì sao lại cần như vậy?
• Vì chính điều đó sẽ ngăn ngừa nguy cơ chúng ta nhận được nhóm máu không tương thích trong những trường hợp tai nạn, cấp cứu, mổ xẻ. Đặc biệt là chẳng may một ai đó trong gia đình bị hôn mê cần truyền máu ngay thì việc người nhà biết nhóm máu của người đó sẽ giúp nhân viên y tế rất nhiều trong việc đẩy nhanh quá trình chuẩn bị và truyền máu cấp cứu. Các bạn có biết, nếu chúng ta truyền nhầm nhóm máu (nhóm máu không tương thích nhau) sẽ gây ra những biến cố sức khỏe nguy hiểm, thậm chí tử vong do máu sẽ đông lại (ngưng kết) cũng như kích hoạt quá trình phản ứng phản vệ.
• Việc biết nhóm máu Rh âm hay dương giúp người mẹ và con an toàn trong quá trình mang thai và sinh đẻ. Người nào có Rh (-) cần thông báo ngay cho bác sĩ sản phụ khoa trong quá trình mang bầu vì nguy cơ không tương thích nhóm máu giữa mẹ và con sẽ vô cùng nguy hiểm.
• Lý do nữa để chúng ta cần biết nhóm máu của mình là để giúp đỡ người khác lúc nguy cấp, cần thiết. Ở hầu hết các quốc gia hiện nay, hệ thống xã hội thường tìm kiếm những người tình nguyện tham gia mạng lưới hiến máu dự phòng, nhân viên huy động máu sẽ gọi điện tìm kiếm sự hỗ trợ từ bạn khi cần máu để cứu những người bị tai nạn, người đang điều trị ung thư hoặc cần máu để phẫu thuật. Khi cuộc gọi từ nhân viên y tế đến, đó chính là lúc chúng ta có cơ hội ra tay cứu người.
7. Dù nhóm máu có tính chất di truyền, tuy nhiên do có những sự phối hợp vật chất di truyền khác nhau dẫn đến nhóm máu của chúng ta có thể không giống nhóm máu của cha mẹ đẻ và những đứa con của chúng ta cũng có thể có nhóm máu không giống chúng ta, các bạn nhé!
8. Có mối liên quan ý nghĩa thống kê giữa những nhóm máu khác nhau với một số bệnh lý. Cụ thể:
• Bệnh tim mạch: Người nhóm máu O có nguy cơ mắc bệnh tim thấp hơn. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan giữa nhóm máu và nguy cơ phát triển bệnh mạch vành tim (Coronary Heart Disease-CHD), trong đó có nghiên cứu của tiến sĩ Meian He từ Trường Y tế Công cộng Harvard được công bố trên tạp chí Arteriosclerosis, Thrombosis and Vascular Biology. Kết quả nghiên cứu xác định nhóm máu là yếu tố nguy cơ quan trọng đối với sự phát triển của CHD, cụ thể những người nhóm máu A, B hoặc AB có nguy cơ mắc CHD cao hơn 5%, 11% và 23% so với những người có nhóm máu O.
• Nguy cơ huyết khối tĩnh mạch (VTE): Theo báo cáo được công bố trên tạp chí Truyền máu chỉ ra rằng những người có nhóm máu A, B và AB có thể có nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch sâu và thuyên tắc mạch phổi cao gấp 2,2 lần so với những người thuộc nhóm O.
• Nguy cơ mắc ung thư: Cũng theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Truyền máu, ung thư dạ dày và ung thư tụy có nguy cơ xuất hiện cao hơn 20% ở những người nhóm máu A, B hoặc AB so với những người có nhóm máu O. Phụ nữ có nhóm máu O ít có khả năng xuất hiện ung thư buồng trứng hơn tất cả các nhóm máu khác nhưng lại có nguy cơ xuất hiện ung thư thận.
• Nguy cơ sa sút trí tuệ: Những người có nhóm máu AB phải đối mặt với nguy cơ xuất hiện các vấn đề về tư duy và trí nhớ, chứng mất trí cao hơn rất nhiều những người có nhóm máu khác. Nguy cơ của tổn thương suy giảm nhận thức này ở những người nhóm máu AB cao hơn 82% so với những người loại A, B và O theo kết quả của một nghiên cứu tháng 9 năm 2014 công bố trên tạp chí Thần kinh học.
9. Nhóm máu và nhu cầu hiến máu, ghép tạng.
▸ Một số bệnh lý về máu hoặc ung thư máu có nhu cầu truyền máu rất lớn, thậm chí là cả cuộc đời, chưa kể những vụ tai nạn, những ca mổ lớn… luôn cần truyền máu dẫn đến nhu cầu máu cho các bệnh viện là vô cùng lớn và gần như liên tục trên toàn Thế giới. Ví dụ như ở Mỹ cứ hai giây lại có một bệnh nhân cần truyền máu. Hiện nay, máu chưa thể sản xuất nhân tạo được nên hiến máu chính là con đường duy nhất để các trung tâm y tế duy trì đủ cơ số máu cho những bệnh nhân của mình.
▸ Trong tất cả các trường hợp hiến tạng (cho-nhận) thì việc xác nhận sự tương đồng nhóm máu là một trong những xét nghiệm đầu tiên và bắt buộc.
▸ Những thông tin cơ bản các bạn cần biết về việc hiến máu:
• Mọi công dân từ 18 tuổi đến 60 tuổi đều có thể đi hiến máu trừ những ai đang bị các bệnh lý truyền nhiễm như viêm gan B, C, HIV, giang mai hoặc những người có thể trạng quá bé, quá yếu, sau sinh, vừa ốm dậy, sau phẫu thuật… cũng không nên đi hiến máu.
• Đi hiến máu, chúng ta có thể hiến khối hồng cầu hoặc khối tiểu cầu. Với hồng cầu thì cứ mỗi sau 12 tuần là chúng ta đã có thể hiến máu lần tiếp theo, còn với tiểu cầu thì chỉ cần 2-3 tuần. Mỗi lần hiến thường sẽ có các số lượng 250 hoặc 350 ml với hồng cầu hoặc 250 hoặc 500ml với tiểu cầu.
• Một ngày trước và sau khi đi hiến máu, mọi người cần ăn uống tốt và nghỉ ngơi, tránh gắng sức quá nhiều cũng như tránh thức quá khuya.
• Với những trường hợp có giấy xác nhận hiến máu sẽ được nhận miễn phí số lượng máu như vậy (trong những trường hợp cần truyền máu).
• Ở Việt Nam, thông thường các bệnh viện có nguy cơ thiếu máu vào hai thời điểm trong năm đó là ba tháng hè (sinh viên nghỉ học) và những tháng cuối năm.
• Hiện nay trên Facebook có các group với những nhóm máu khác nhau, đặc biệt là những nhóm máu hiếm, các bạn có thể tìm kiếm và tham gia sinh hoạt trong những cộng đồng như vậy để hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong những lúc cần kíp, các bạn nhé!
• Nếu mong muốn hiến máu, các bạn có thể đến các trung tâm nhận máu đăng ký, tổng thời gian hiến máu chỉ diễn ra trong vòng một tiếng đồng hồ.
10. Dinh dưỡng và tập luyện theo nhóm máu của mình: Đã có rất nhiều những nghiên cứu và cả những cuốn sách nói về việc lựa chọn thực phẩm và cách thức tập luyện theo từng nhóm máu khác nhau để mang lại sức khỏe tốt hơn. Trong đó, hai tác giả là tiến sĩ Joseph Christiano và tiến sĩ Peter D'Adamo đã xuất bản những cuốn sách được rất nhiều người đón nhận. Tiến sĩ Peter D’Amado chia sẻ rằng người có nhóm máu O được thừa hưởng từ tổ tiên là những người săn bắn hái lượm, ông gợi ý rằng họ nên tiêu thụ một chế độ ăn giàu protein, ít carbohydrate trong khi người có nhóm máu A có xu hướng di truyền mắc bệnh tim, tiểu đường và ung thư vậy nên ưu tiên thực phẩm tươi và có nguồn gốc thực vật hữu cơ cũng như hạn chế thịt cá để giảm nguy cơ mắc những bệnh trên.