Bạn đọc thân mến!
Một đồng nghiệp của tôi là phẫu thuật viên chuyên về thực quản từng tâm sự rằng cứ mười bệnh nhân ung thư thực quản đến gặp anh ấy thì có tám đến chín trường hợp đã quá muộn và không thể phẫu thuật cắt bỏ khối u ngay được mà phải gửi đi xạ trị, hóa chất cho nhỏ bớt rồi mới tính chuyện phẫu thuật thì hai. Hay người em của tôi hiện công tác tại một bệnh viện ung bướu hàng đầu miền Bắc chia sẻ rằng chỉ tính riêng ở khoa em ấy hiện đang chữa trị trên dưới 1.200 bệnh nhân cả nội trú lẫn ngoại trú. 1.200 bệnh nhân, các bạn ạ, một con số khủng khiếp. Rồi đã rất nhiều lần tôi nhận được câu trả lời: “Thấy trong người bình thường, tại sao tôi phải đi khám” khi tư vấn mọi người nên chủ động đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Chúng ta cũng không xa lạ gì tâm lý nhiều người quần quật làm ăn tích cóp cả đời với suy nghĩ rằng mình sẽ có một khoản tiền đề phòng lúc ốm đau nhưng lại gặp ít người lựa chọn giải pháp hằng năm sẽ trích một phần tài chính đi kiểm tra “bảo dưỡng” cơ thể một cách chủ động. Trong rất nhiều các trường hợp, khi phải nhập viện điều trị nghĩa là chúng ta đã ở khúc cuối con đường sức khỏe rồi, các bạn ạ. Người thầy thuốc có thể làm được gì hơn khi khối u đã di căn toàn thể, khi gan đã xơ, khi thận đã suy hay khi hệ xương khớp toàn thân rệu rã…
Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng trên, trong đó có những nguyên nhân ở tầm vĩ mô mà mỗi cá nhân rất khó tránh được hoặc chỉ có thể hạn chế ít nhiều như đất nước còn khó khăn, ô nhiễm nguồn nước ngầm, ô nhiễm nguồn đất nuôi trồng, ô nhiễm không khí, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm… Tuy vậy có những nguyên nhân trực tiếp và căn cơ chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn được thông qua cuộc sống mỗi ngày. Paul Tournier, bác sĩ người Thụy Điển nổi tiếng ở thế kỷ 20 đã từng nói: “Không giống như mọi người nghĩ, hầu hết bệnh tật không đột ngột ập đến tấn công chúng ta mà nó là hệ quả của một lối sống sai lầm trong nhiều năm. Ở đó, chúng ta đã ăn uống thiếu kiểm soát, sống phóng túng, lao lực quá mức và những xung đột phiền muộn nội tâm kéo dài”.
Về phía cá nhân mình, tôi luôn có niềm tin rằng, sức khỏe và thậm chí là cuộc sống của mỗi chúng ta, về cơ bản do chính chúng ta định đoạt. Vậy nên nếu ai đó đang có tâm lý phó mặc hoàn toàn sức khỏe mạng sống của mình cho thầy thuốc hay suy nghĩ rằng có tiền sẽ giải quyết được mọi việc thì cần xem lại. Xin mỗi người hãy chủ động chăm sóc và giữ gìn sức khỏe của chính mình thông qua lối sống, vận động thể dục thể thao, đọc sách, nuôi dưỡng đời sống tinh thần và tạo thói quen đi kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm vì đó là con đường bền vững và thông minh nhất để chúng ta khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần. Đất nước càng phát triển, dân trí càng cao thì ý thức chủ động chăm sóc và dự phòng bệnh tật của mỗi người càng được phát huy rõ rệt, vậy nên hệ thống y tế cũng sẽ bớt phần vất vả và tuổi thọ trung bình ngày càng được nâng cao. Một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân, nhưng nếu mỗi người ý thức được vấn đề để cùng chung tay thực hiện thì trong một tương lai không xa, sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của người dân sẽ được cải thiện một cách rõ ràng. Với tất cả kiến thức, kinh nghiệm và tâm huyết cháy bỏng của mình, tôi xin được
biên tập gửi đến quý bạn đọc những bài viết sức khỏe thường thức và nhẹ nhàng như hơi thở của cuộc sống. Đây không phải là kim chỉ nam, không phải là những phác đồ điều trị… mà chỉ là những lời khuyên, những chia sẻ từ kiến thức kinh nghiệm bản thân để mọi người tham khảo. Và qua đây tôi cũng khuyên tất cả các bạn, khi có bất cứ vấn đề sức khỏe nào phát sinh đều cần tìm đến gặp các bác sĩ trực tiếp để được thăm khám và điều trị một cách bài bản nhất. Kiến thức là biển trời mênh mông còn nhận thức của mỗi con người luôn chỉ là hạt cát nhỏ bé, dù đã cố gắng rất nhiều nhưng cuốn sách sẽ không tránh khỏi những khiếm khuyết, sai sót. Vậy nên tôi rất mong quý đồng nghiệp cùng tất cả các bạn rộng lòng bỏ qua những điều chưa được trong cuốn sách, quý đồng nghiệp cùng các bạn nhé!
Trân trọng thật nhiều!
Hà Nội, ngày 30 tháng 4 năm 2021