Giải pháp nào bền vững nhất?
Các bạn ạ, có những điều tưởng chừng như không thể xảy ra, nhưng rồi nó vẫn cứ xuất hiện. Và những câu chuyện trong Y học cũng vậy. Cách đây hơn một tháng, bác sĩ có thăm khám cho một bệnh nhân là người quen từ Cửa Lò, Nghệ An ra. Anh đau lưng lan xuống chân, lúc vào khám đi lại khó khăn, chân cũng yếu hơn, còn hai tay nổi rất nhiều những “u cục”, đó chính là tinh thể u-rát do bệnh gút (goute) tạo nên. Anh bị bệnh goute mấy năm, điều trị không bài bản lại hay ăn uống tiệc tùng nên các “u cục” này mới xuất hiện nhiều đến vậy. Qua thăm khám chụp chiếu, bác sĩ phát hiện nguyên nhân gây đau và yếu chân là do ở cột sống lưng của anh có một khối u rất to đang chèn ép nặng vào rễ thần kinh. Trên hình ảnh chưa thể chẩn đoán xác định được bản chất khối u, tính chất ác tính hay lành, người nhà vô cùng lo lắng. Anh có chỉ định phẫu thuật để lấy bỏ khối u, giải phóng chèn ép thần kinh và làm xét nghiệm tế bào xem đó là u gì. Các bạn biết không? Lúc mổ ra bác sĩ cùng e-kip giật mình vì khối u đó chính là những tinh thể gout lắng đọng lại, chúng phá hủy tất cả các thành phần của cột sống, chèn ép mạnh vào tổ chức thần kinh.
Đọc sách vở chỉ mới biết những u cục do goute này xuất hiện ở tay chân là nhiều và chưa nghĩ nó lại xuất hiện cả ở cột sống và gây liệt cho bệnh nhân như vậy. Tối hôm đó về bác sĩ có tìm tài liệu y văn đọc mới biết thêm là trên thế giới cũng chỉ mới ghi nhận riêng lẻ một số ít những trường hợp như thế này. Thực sự vừa thấy thú vị vừa bất ngờ, lại cả thêm chút “nể” cho người dân mình nữa. Ăn uống sinh hoạt không kiểm soát và thiếu khoa học, dẫn đến điều gì cũng có thể xảy đến với cơ thể, phải không các bạn?
Để có một hệ cơ xương khớp khỏe mạnh bền vững, chúng ta cần làm gì? Bài viết này bác sĩ xin chia sẻ những nội dung đó, mọi người tham khảo nhé!
1. Tránh lạm dụng “Thuốc Tiên”: Để giải quyết triệu chứng đau nhức xương khớp, nhiều bệnh nhân đã vô tình hoặc cố ý lạm dụng thuốc giảm đau corticoid, hay còn gọi là “Thuốc Tiên”. Với những trường hợp như vậy, cơn đau tạm thời có thể giảm một chút nhưng hậu quả đi kèm thì phức tạp vô cùng. Bệnh nhân thường sẽ bị viêm loét dạ dày, tích nước phù mặt, xuất huyết dưới da, mọc lông tơ khắp mặt, da sạm, rối loạn việc phân bố mỡ (mặt tròn như mặt trăng, mông lép, còn chân thì teo như que tăm), lâu dài còn gây suy teo tuyến thượng thận, suy giảm hệ miễn dịch của cơ thể, loãng xương, cao huyết áp... Những thuốc giảm đau này thường bệnh nhân tự ý ra mua tại các hiệu thuốc mà chưa được các bác sĩ chuyên khoa kê đơn hướng dẫn hoặc thông qua các phòng khám không chuyên sâu, thầy lang.
Thuốc bệnh nhân hay dùng nhất hiện nay vẫn là Medrol, Dexamethason (người dân hay gọi là Đề-xa), Prednisolon… Ở những miền quê, nhiều những “thầy lang” kê đơn bốc thuốc lá, thuốc Nam, gia truyền... nhưng thực chất họ lại cho thêm cả corticoid này vào trong những gói thuốc, kết quả bệnh nhân đỡ đau ngay và còn thấy ăn ngon miệng hơn. Tuy nhiên chỉ một thời gian ngắn, bệnh nhân phải quay lại để lấy đơn mới do khi dùng thuốc này, cơ thể sẽ rất dễ bị phụ thuộc, bị nghiện và không dứt ra được nên sẽ phải dùng thường xuyên, liều sau cao hơn liều trước và tần suất dùng lại cũng ngày càng tăng lên. Hơn nữa, bệnh nhân khi đã dùng thuốc này thì đổi thuốc khác sẽ cảm thấy không có hiệu quả. Đó chính là chìa khóa để các thầy lang giữ bệnh nhân, còn bệnh nhân thì sẽ mãi không biết được điều này. Các bạn đã biết? Corticoid là nhóm thuốc giảm đau chống viêm và ức chế miễn dịch rất mạnh nhưng cũng có rất nhiều tác dụng phụ nguy hiểm. Vậy nên khi dùng đúng chỉ định bởi những bác sĩ chuyên khoa sẽ rất tốt cho bệnh nhân. Ngược lại, khi bị lạm dụng, nó trở nên nguy hiểm, giống như con dao hai lưỡi vậy. Ở những miền quê, thậm chí cả thành thị, nhiều người dân đang bị lún sâu vào mặt trái của nhóm thuốc này, các bạn ạ.
2. Việc tiêm thuốc vào khớp phải hết sức cân nhắc. Những nguy cơ của việc tiêm thuốc vào khớp đó chính là nhiễm khuẩn ổ khớp (mũi tiêm đưa vi khuẩn từ ngoài vào khớp), chảy máu nội khớp, thoái hóa khớp nhanh hơn, loãng xương, tiêm không vào khớp mà vào tổ chức lân cận, tiêm vào mạch máu, thần kinh (dù hiếm gặp). Một số thuốc khi tiêm trực tiếp vào khớp, bệnh nhân sẽ thấy dễ chịu ngay nhưng sau vài tháng quay lại, khớp bị tổn thương nặng hơn, bệnh nhân cũng đau hơn. Bác sĩ đã từng khám cho bà cụ hơn 70 tuổi từ Hà Tĩnh ra, toàn bộ khớp gối chứa gần 300ml dịch mủ nhiễm khuẩn do đã tiêm rất nhiều lần vào gối. Với những biến chứng này, điều trị tiên lượng vô cùng khó khăn. Chúng ta cần hạn chế đến mức tối đa việc lạm dụng tiêm thuốc vào khớp, và nếu có chỉ định thì trước khi tiêm cần biết rõ mình bị bệnh gì, tiêm thuốc gì, tác dụng và tác dụng phụ của thuốc. Ngoài ra, chúng ta chỉ nên tiêm ở những trung tâm uy tín, thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa sâu, trong môi trường hạn chế nhiễm khuẩn tối đa (phòng tiêm chuyên biệt, sát khuẩn và có toan bọc phủ vị trí tiêm, êkip thực hiện cần đeo mũ, đeo khẩu trang và đi găng vô khuẩn…). Chúng ta cũng cần phân biệt tiêm vào các khớp (vai, gối, háng…) với tiêm vào điểm bám gân. Tiêm vào điểm bám gân thường được áp dụng và mang lại hiệu quả rất cao, ít nguy cơ (vì vị trí tiêm ngay dưới da, xung quanh ít có những cấu trúc quan trọng). Tiêm vào điểm bám gân thường được chỉ định khi chúng ta bị viêm những điểm bám như viêm điểm bám lồi cầu ngoài xương cánh tay (hội chứng Tennis Elbow), viêm mỏm trâm quay, viêm mỏm trâm trụ, viêm điểm bám gân Achille… Khi được chẩn đoán bị những tổn thương này, các bạn có thể cân nhắc giải pháp tiêm tại chỗ, vừa tránh tác dụng phụ toàn thân của thuốc, vừa đạt được nồng độ tối đa ngay vị trí gân viêm.
3. Mọi người khi gặp vấn đề xương khớp, cột sống, bước đi đầu tiên chính là tìm đến bác sĩ chuyên khoa sâu về nhóm bệnh lý này để thăm khám và tư vấn. Qua thăm khám xét nghiệm chụp chiếu, các bác sĩ sẽ dựa vào đó để đưa ra những tư vấn và phác đồ điều trị phù hợp nhất. Ví dụ: nếu bệnh nhân có chỉ định dùng thuốc, các bác sĩ sẽ dựa vào mức độ đau, mức độ thoái hóa, mức độ loãng xương… để kê đơn theo nguyên tắc từ nhẹ đến nặng tăng dần, kết hợp theo dõi và tập luyện, phục hồi chức năng. Nếu bệnh không cải thiện, chúng ta cần khám lại, các bác sĩ sẽ điều chỉnh đơn thuốc và đưa ra phác đồ mới. Có như vậy, bệnh nhân nắm được tiến triển bệnh của mình, người thầy thuốc qua đó cũng thêm cơ hội tích lũy những kinh nghiệm điều trị. Vấn đề hiện nay đó chính là nhiều người thường đi khám thầy lang hoặc phòng khám không chuyên khoa hoặc ai đó mách bảo rồi tự mua thuốc về uống, đắp ngoài da, hoặc tiêm trực tiếp vào các khớp, đau đâu tiêm đó. Hậu quả là khi đến gặp bác sĩ, bệnh nhân “tàn tạ” quá mức cho phép: lông tơ mọc khắp mặt do tác dụng phụ của thuốc, râu ria ở nữ giới, da sạm đen, xuất huyết dưới da, phù mặt hoặc toàn thân, xét nghiệm men gan tăng cao, suy thận các mức độ, xương loãng nặng, chạm đâu chảy máu ở đó… Thực sự bệnh nhân ở giai đoạn này, điều trị rất khó khăn và kém hiệu quả, dù thầy thuốc có tài giỏi đến đâu.
4. Với những chấn thương gân khớp (khớp gối, cổ chân, cổ tay...) nếu không rách da chảy máu, không gãy xương thì ngay sau thời điểm xảy ra tai nạn, càng sớm càng tốt thực hiện quy trình RICE: Rest, Ice, Compression và Elevation để giúp cơ thể chữa lành thương tổn nhanh nhất có thể, mọi người nhé!
▸ Rest – Nghỉ ngơi: Nghỉ ngơi và bảo vệ khu vực bị thương hoặc đau. Ngừng, thay đổi hoặc tạm dừng bất kỳ hoạt động nào có thể gây đau nhức hơn.
▸ Ice – Chườm lạnh: Lạnh sẽ giảm sưng đau, chườm đá hoặc túi lạnh ngay lập tức để ngăn ngừa hoặc giảm thiểu sưng tấy. Thời gian chườm từ 10 đến 20 phút, mỗi ngày 3 đến 4 lần. Sau 48 đến 72 giờ, nếu hết sưng, hãy chườm nóng vùng bị đau. Không chườm đá hoặc chườm nóng trực tiếp lên da mà cần thông qua túi chườm để tránh bỏng tổ chức. Có thể để một chiếc khăn phủ thương tổn trước khi đặt túi chườm lên da.
▸ Compression – Băng ép: Băng ép hoặc quấn vùng tổn thương hoặc đau bằng băng đàn hồi sẽ giúp giảm sưng tấy. Lưu ý tránh quấn quá chặt vì có thể gây sưng nhiều hơn do giảm lưu thông tuần hoàn. Dấu hiệu cho thấy băng quá chặt bao gồm tê, ngứa ran, tăng cảm giác đau, mát hoặc sưng tấy ở vùng bên dưới băng.
▸ Elevation – Treo cao chi thể: Treo cao vùng bị thương hoặc đau trong khi chườm đá và bất cứ lúc nào bạn đang ngồi hoặc nằm. Cố gắng giữ vùng đó bằng hoặc cao hơn tim để tuần hoàn về trung tâm thuận lợi, giúp giảm thiểu sưng tấy.
▸ Ngoài ra, nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAID) cũng có thể giúp giảm đau và sưng. Chúng bao gồm: Ibuprofen (Advil hoặc Motrin), Naproxen (Aleve hoặc Naprosyn). Anh chị nên đọc và làm theo tất cả các hướng dẫn ghi trên nhãn. Khi hết đau nhức, mọi người hãy bắt đầu từ từ các bài tập kéo giãn và tăng cường sức mạnh, sau đó tăng dần các bài tập này lên. Trong trường hợp có rách da, chảy máu thì cần ưu tiên băng ép cầm máu trước khi đến cơ sở y tế gần nhất và không quên tiêm phòng uốn ván. Hơn 90% các trường hợp vết thương chảy máu, băng ép thành công chứ không cần phải garo, anh chị nhé! Băng ép là dùng bông gạc ép lên ngay vết thương rồi dùng băng buộc ép bên ngoài để cầm máu. Trong trường hợp gãy xương thì ưu tiên hàng đầu là dùng nẹp bất động chi gãy để giảm đau, tránh nguy cơ bị sốc do đau trước khi vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện. Tuyệt đối không để chi thể “lủng lẳng” trong quá trình vận chuyển trên đường, anh chị nhé!
5. Với người già, tổn thương xương khớp hay gặp nhất chính là thoái hóa các khớp và loãng xương, nặng hơn nữa là mất vững khớp, biến dạng, viêm dính khớp. Còn với cột sống đó là nhóm bệnh lý thoái hóa cột sống, hẹp ống sống, trượt đốt sống, các khối u di căn… Ngoài ra, những tổn thương thường gặp nữa là chấn thương xương khớp và nhóm bệnh lý viêm (viêm khớp dạng thấp, viêm khớp nhiễm khuẩn, thấp khớp cấp, viêm cột sống dính khớp, lupus ban đỏ…). Sau khi có chẩn đoán xác định bệnh, trong quá trình điều trị ngoài sử dụng nhóm thuốc giảm đau chống viêm, để xương khớp bệnh nhân khỏe mạnh và bền vững lâu dài, người thầy thuốc luôn cần phải hỗ trợ những nhóm thuốc giúp bệnh nhân “lấy lại” phần nào những phần xương khớp đã hỏng, đã mất. Ví dụ, với bệnh nhân loãng xương, chúng ta cần hỗ trợ thuốc chống hủy xương, bổ sung canxi qua thuốc và tư vấn ăn uống, tư vấn tập luyện. Với bệnh nhân thoái hóa, cần bổ sung các nhóm thuốc dưỡng khớp, bôi trơn như glucosamine, Chondroitin sulphat, Collagen, Axit Hyaluronic, dầu đậu nành… Có như vậy, sự hồi phục cơ thể mới bền vững lâu dài. Các bạn cũng cần lưu ý, quá trình điều trị này không thể “một phát ăn ngay” mà đòi hỏi có thời gian, kiên trì. Nhiều bệnh nhân thiếu kiên nhẫn nên đã ưu tiên lựa chọn “Thuốc Tiên” như bác sĩ nêu ở mục phần đầu bài viết này, hậu quả thế nào chắc mọi người đã biết.
6. Loãng xương, căn bệnh thầm lặng nhưng... chết người. Loãng xương hầu như sẽ không chừa một ai khi chúng ta bước vào trung niên, tuổi già, đây là diễn biến tự nhiên của tạo hóa. Và vấn đề loãng xương thường trầm trọng hơn ở giới nữ. Loãng xương làm bệnh nhân đau nhức xương khớp toàn thân nhưng không có điểm đau rõ ràng và thường dễ gãy cổ tay, gãy cổ xương đùi, gãy xẹp đốt sống… dù chỉ trải qua một tai nạn rất nhẹ nhàng như ngồi xe máy qua ổ gà trên đường, bế cháu, ngã ngồi đập mông nền cứng... Các bạn ạ, gãy xương ở người cao tuổi có thể coi là “một bước ngoặt của cuộc đời”, đánh dấu sự suy sụp rất nhanh về sức khỏe và thường làm người già tử vong sớm vì những biến chứng kèm theo nếu chúng ta không điều trị và phục hồi chức năng quyết liệt. Chính vì những lý do trên, sau 55 tuổi, mọi người nên tạo thói quen đi đo mật độ xương mỗi năm một lần để phát hiện và điều trị tích cực ngay từ những dấu hiệu loãng xương đầu tiên, các bạn nhé!
7. Sau 30 tuổi, quá trình thoái hóa đã bắt đầu, dù chúng ta có muốn hay không. Và cơ xương khớp cũng không phải là ngoại lệ. Để dự phòng nhóm bệnh lý này, mong các bạn lưu ý một số nội dung sau:
▸ Bỏ thuốc lá: Nhiều người nghĩ rằng thuốc lá chỉ gây bệnh lý liên quan đến phổi. Thực ra không phải vậy. Thuốc lá phá hủy khủng khiếp hệ xương khớp. Ngoài ra thuốc lá còn làm tăng rất cao nguy cơ các bệnh lý liên quan đến tim mạch, mắt, yếu sinh lý, dị dạng thai nhi…
▸ Giảm cân nặng: Cơ thể tăng cân, béo phì có nguy cơ cao bị bệnh lý xương khớp, đặc biệt là khớp gối, khớp cổ chân, khớp háng và cột sống thắt lưng, tỷ lệ trẻ nhỏ hiện nay quá cân béo phì đang tăng nhanh, các bậc phụ huynh lưu ý nhé.
▸ Thể thao đều, phù hợp với lứa tuổi. Thiếu niên, thanh niên trước 30 tuổi có thể đá bóng, chơi tennis, cầu lông… rất mạnh mẽ. Nhưng sau tuổi 30, mọi vận động tập luyện cần cân nhắc. Chạy bộ nhẹ nhàng, đạp xe, tập yoga, bơi, xà đơn xà kép, gym, gập duỗi cơ bụng, suối nguồn tươi trẻ… là những môn bác sĩ khuyên các bạn nên ưu tiên áp dụng sau tuổi 30. Trong trường hợp có bệnh lý cụ thể, mọi người cần tìm kiếm sự tư vấn trực tiếp từ bác sĩ chuyên khoa nhé! Bác sĩ có gặp một số bệnh nhân là những người có độ tuổi tương đối (trên 40 tuổi), ít vận động thể thao đều, rồi đùng một cái ra đá bóng, đánh bóng, tennis, cầu lông… quyết liệt theo kiểu giao lưu cơ quan, đơn vị để rồi gặp những chấn thương kiểu “Trời ơi đất hỡi” như đứt gân A-sin (Achille), đứt dây chằng chéo gối, vỡ sụn chêm gối, rách gân cơ vai… Mọi người cần biết, theo thời gian, nếu chúng ta không tập luyện thể thao thường xuyên thì hệ thống cơ xương khớp yếu và rất dễ bị chấn thương. Vậy nên nếu có tham gia thể thao một vài trận, xin hãy biết lượng sức mình cũng như khởi động thật kỹ. Một bệnh cảnh bác sĩ cũng rất hay gặp đó là gãy xương cánh tay do... vật tay. Nhiều thanh niên, trung niên lúc cao hứng thách nhau vật tay và kết quả thường là “rắc”: một cánh tay rơi lìa. Chụp X-quang xương cánh tay gãy xoắn vặn phức tạp. Các bạn hết sức lưu ý nhé!
▸ Hạn chế bia rượu, ăn uống nhiều hoa quả, bổ sung dưỡng khớp và vi chất, tẩy giun sán hằng năm, uống nhiều nước… đó là những điều đơn giản nhưng các bạn đã làm chưa? Xin đừng lấy thành tích “Tiệc rượu đêm qua bốn người hết ba lít” để đi khoe với mọi người, vì đó là những gì buồn nhất chúng ta có để làm với cuộc sống này.
▸ Tránh ngồi lâu một tư thế. Đi xa ngồi lâu nên có gối cổ đai lưng hỗ trợ, nằm ngủ nệm cứng, gối thấp dưới sáu cm, hạn chế đi giày cao gót, tránh bê vác vật nặng đột ngột…
8. Và cuối cùng, khi mọi thứ đã muốn “Bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ” thì chúng ta cũng không nên níu kéo để làm gì. Tổn thương khớp gối, khớp háng, cột sống… diễn biến nặng, đau nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống thì các bạn nên phẫu thuật. Nội soi làm sạch khớp, thay khớp, thay đĩa đệm nhân tạo, bơm xi măng sinh học tạo hình lại thân đốt sống, tái dạo dây chằng… giờ không còn xa lạ với những trung tâm phẫu thuật lớn và kết quả mang lại hết sức khả quan. Phẫu thuật cột sống nói riêng và tất cả các loại phẫu thuật nói chung, không bao giờ có khái niệm 50:50 như trong cộng đồng bàn tán. Chỉ đơn giản, nếu một trung tâm phẫu thuật có tỷ lệ biến chứng lên tầm cỡ 10% thì đã phải đóng cửa để tìm hiểu các nguyên nhân, do phẫu thuật viên, do gây mê, do trang thiết bị, hay vì nguyên nhân gì khác, đó là điều chắc chắn. Phẫu thuật viên có chuyên môn vững, máy móc hiện đại, gây mê hồi sức tốt, phục hồi chức năng đầy đủ… chính là cơ sở của những ca mổ thành công, trả lại chất lượng sống cho mỗi người.