Chỉ trong một thời gian ngắn, bác sĩ chứng kiến hai bệnh nhân nhập viện cấp cứu vì biến chứng tắc động mạch mắt sau thủ thuật tiêm chất làm đầy (Filler) vào vùng mặt để làm đẹp. Đây là một trong những biến chứng nghiêm trọng, để lại hậu quả vô cùng nặng nề (mù mắt) và các thầy thuốc cũng xử trí rất khó nếu nó đã xảy ra. Mọi người có biết không? Để có thể cứu được đôi mắt cho bệnh nhân khi có biến chứng tắc động mạch mắt này, một ê-kip vô cùng hùng hậu và rất chuyên sâu ở các lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, can thiệp mạch máu, phẫu thuật thẩm mỹ, phẫu thuật thần kinh, gây mê hồi sức… cùng tham gia, tuy vậy cơ may để cứu giữ được đôi mắt cũng rất nhỏ nhoi.
Bác sĩ có gặp và trao đổi với một trong những chuyên gia thẩm mỹ hàng đầu hiện nay, anh là giám đốc trung tâm thẩm mỹ kiêm trưởng khoa phẫu thuật hàm mặt của một bệnh viện rất lớn và uy tín tại Hà Nội. Anh cho biết hiện nay rất nhiều những trung tâm Spa, thẩm mỹ chưa được đào tạo bài bản, chuyên sâu mọc lên và quảng cáo rầm rộ. Thêm nữa chính sự thiếu hiểu biết về kiến thức, mong muốn làm đẹp với chi phí rẻ của người dân đã góp phần làm tăng cao những biến chứng trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ. Nhẹ thì thất bại trong quá trình làm đẹp, nặng hơn là nhiễm trùng, nặng hơn nữa là tắc mạch máu nuôi gây mù mắt, hoại tử mũi, hoại tử môi và nghiêm trọng nhất chính là sốc phản vệ, tử vong.
Vậy làm sao để chúng ta có thể dự phòng được những rủi ro này?
1. Chỉ thực hiện việc can thiệp, tiêm chọc, phẫu thuật… nâng mũi, xẻ cằm, hút mỡ bụng… tại những trung tâm thẩm mỹ lớn, uy tín. Ở đó có những chuyên khoa như gây mê hồi sức, trang thiết bị, phẫu thuật viên được đào tạo bài bản và chuyên sâu về thẩm mỹ. Bác sĩ lấy ví dụ như khi chúng ta tiêm Filler thì việc nắm vững giải phẫu, đường đi của mạch máu thần kinh để tránh tiêm vào là điều bắt buộc.
2. Vì đây không phải là một cấp cứu trong Y học nên mọi người chớ nên vội vàng, cần tìm hiểu kỹ về những chuyên gia trong lĩnh vực đó trước khi “gửi gắm” nhan sắc, thậm chí là cả sinh mệnh mình cho người đó. Đó cần phải là những người được đào tạo bài bản, chuyên sâu và có uy tín về phẫu thuật thẩm mỹ.
3. Tuyệt đối không tin và đồng ý thực hiện những can thiệp về thẩm mỹ tại những trung tâm chưa được đào tạo chuyên sâu cũng như thiếu trang thiết bị sơ cứu, cấp cứu, gây mê-hồi sức.
4. Mọi người cần nắm rõ cũng như được nghe các bác sĩ giải thích về các sản phẩm/chất làm đầy, những nguy cơ và biến chứng có thể xảy ra. Việc kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng của chất tiêm, điều kiện vô khuẩn nơi thực hiện can thiệp cũng vô cùng quan trọng. Khi nào thực sự hiểu rõ ràng và thấy tin tưởng, chúng ta mới thực hiện.
5. Hiện nay, rất nhiều các Spa không đạt tiêu chuẩn, rất nhiều những sản phẩm chăm sóc sắc đẹp được quảng cáo, rao bán trên mạng, chúng ta cần cẩn thận để tránh tiền mất tật mang.
6. Thông báo cho nhân viên y tế nơi mình thực hiện dịch vụ những tiền sử bệnh tật, dị ứng của mình (Dị ứng thực phẩm, thuốc men? Bệnh lý về đông máu, truyền nhiễm? Nhóm máu hiếm? Bệnh lý toàn thân như cao huyết áp, suy gan thận, hen phế quản, cơ địa tạo sẹo…) để các bác sĩ nắm được tình hình trước khi gây mê, gây tê, thực hiện thủ thuật.
7. Tuyệt đối không thực hiện khi cơ thể đang có dấu hiệu nhiễm trùng toàn thân hay tại nơi mình can thiệp hoặc đang mang thai, cho con bú.
8. Cần báo nhân viên y tế biết hoặc đến trung tâm y tế ngay khi có dấu hiệu bất thường sau can thiệp như tức ngực, khó thở, mạch nhanh, vã mồ hôi, nhức mắt, nhìn mờ, đau đầu, tê bì mũi, môi, phù nề mẩn đỏ…
9. Không có chuyện “ngon-bổ-rẻ” trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, thẩm mỹ lại càng không. Hầu hết những phản ứng phụ, thải chất ghép, nhiễm trùng, tai biến, biến chứng nghiêm trọng xảy đến ở những Spa, trung tâm thẩm mỹ kém chất lượng, giá rẻ nhất trên thị trường.
10. Lời cuối, bác sĩ luôn ủng hộ mọi người không ngừng hoàn thiện vẻ đẹp thể chất lẫn tâm hồn, tuy nhiên khi kiến thức và sự hiểu biết của chúng ta càng thấp thì rủi ro và những nguy cơ trong cuộc sống sẽ càng cao, trong đó có cả lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.