Câu chuyện sản phụ mang thai năm tháng phát hiện mình ung thư vú giai đoạn muộn quyết định lựa chọn trì hoãn những cơ hội điều trị vì đứa con làm bác sĩ vừa xúc động vừa buồn da diết. Nhìn hình ảnh người mẹ tiều tụy chờ mổ đẻ lấy đứa con ra, bác sĩ đã không cầm được mắt. Cháu được đặt tên là Bình Anh, các bạn ạ. Dù nơi đâu, bất cứ lúc nào, tình mẫu tử vẫn luôn rất thiêng liêng và bất tử. Đứng trước những lựa chọn khó khăn, người mẹ luôn sẵn sàng hy sinh vì đứa con của mình, thậm chí có nhiều trường hợp biết chắc rằng sẽ không thể nhìn thấy mặt con dù chỉ một lần, bởi lúc con được sinh ra cũng là lúc mẹ trút hơi thở cuối cùng, biệt ly trong đau thương.
Mọi người có biết không? Ung thư vú là kẻ “giết người” đứng số một ở nữ giới trong nhóm bệnh lý ung thư. Và một thực tế ngang trái hiện nay đó là việc dự phòng, phát hiện sớm ung thư vú vô cùng đơn giản, tuy nhiên sự hiểu biết cũng như cả sự quan tâm của chị em đến “kẻ giết người thầm lặng” này lại chưa được tương xứng. Mấy ai trong số các chị tạo thói quen đi khám, siêu âm vú sáu tháng một lần, mấy ai trong các chị biết rằng ung thư vú có mang yếu tố di truyền tương đối rõ ràng và hiện nay các nước phát triển đã sàng lọc sớm ung thư vú bằng công nghệ gen. Thêm nữa, chúng ta đã biết phải lưu ý những gì trong cuộc sống hằng ngày để dự phòng không cho ung thư vú… gọi tên mình hay chưa? Bài viết ngắn gọn dưới đây bác sĩ mong muốn gửi đến các mẹ, các chị những thông tin cơ bản trên. Mọi người tham khảo nhé!
1. Vấn đề uống rượu: Càng uống nhiều rượu, nguy cơ mắc ung thư vú càng cao. Khuyến cáo chung: Tốt nhất là phụ nữ không nên uống rượu, dù chỉ là lượng nhỏ một ly mỗi ngày.
2. Hút thuốc lá: Đã có rất nhiều bằng chứng cho thấy có mối liên hệ giữa hút thuốc và tăng nguy cơ ung thư vú, đặc biệt là ở phụ nữ tiền mãn kinh.
3. Tăng cân béo phì: Thừa cân béo phì làm tăng nguy cơ ung thư vú. Điều này đặc biệt đúng nếu béo phì xảy ra sau tuổi thanh niên, đặc biệt là sau khi mãn kinh.
4. Ăn uống thiếu khoa học: Một chế độ ăn uống lành mạnh có thể làm giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư, cũng như bệnh tiểu đường, bệnh tim và đột quỵ. Ví dụ, phụ nữ ăn chế độ ăn Địa Trung Hải có bổ sung dầu ô liu và các loại hạt hỗn hợp có thể giảm nguy cơ ung thư vú. Chế độ ăn Địa Trung Hải tập trung chủ yếu vào các thực phẩm có nguồn gốc thực vật, như trái cây và rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, các loại hạt và ăn cá thay vì thịt đỏ.
5. Lười vận động thể chất và stress kéo dài: Hoạt động thể chất có thể giúp chúng ta duy trì cân nặng khỏe mạnh và giảm stress, giúp ngăn ngừa ung thư vú.
Hầu hết những người trưởng thành khỏe mạnh nên vận động ít nhất 150 phút mỗi tuần cường độ nhẹ đến vừa như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, tập yoga, bơi, múa... cộng với tập luyện sức mạnh ít nhất hai lần một tuần. Cân bằng trong cuộc sống cũng vô cùng quan trọng. Bác sĩ nhận thấy nhiều người hiện nay đang bị cuốn đi theo cuộc sống vội vã, chẳng có cho mình và gia đình một phút thảnh thơi hoặc chỉ để nhìn lại chính mình, dù chỉ một chút thôi. Điều gì là quan trọng nhất trong cuộc sống này của các bạn?
6. Không cho con bú hoặc cai sữa quá sớm: Cho con bú đóng một vai trò quan trọng giúp phòng ngừa ung thư vú. Các mẹ cho con bú càng lâu, tác dụng bảo vệ và dự phòng ung thư vú càng lớn.
7. Sử dụng hormone nội tiết: Liệu pháp hormone kết hợp sử dụng trên 3 − 5 năm làm tăng nguy cơ ung thư vú. Nếu các bạn đang dùng liệu pháp hormone, xin hãy tư vấn kỹ từ bác sĩ của mình và cân nhắc sử dụng các liệu pháp thay thế khác. Nếu các bạn quyết định lựa chọn vì lợi ích của liệu pháp hormone ngắn hạn lớn hơn các rủi ro, hãy sử dụng liều thấp nhất có hiệu quả.
8. Tiếp xúc với bức xạ và ô nhiễm môi trường. Những thăm dò hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính, chụp X-quang, chụp PET-CT hoặc những thăm dò sử dụng liều cao phóng xạ luôn làm tăng nguy cơ ung thư vú, đặc biệt ở trẻ em gái. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy có mối liên hệ giữa ung thư vú với phơi nhiễm tích lũy bức xạ trong suốt cuộc đời. Chúng ta chỉ thực hiện những thăm dò này khi thực sự cần thiết hoặc theo chỉ định của bác sĩ, các bạn nhé!
9. Tự khám và đi khám sức khỏe, kiểm tra vú định kỳ: Đây là yếu tố vô cùng quan trọng. Bất cứ khối u nào cũng luôn cần thời gian hình thành và phát triển. Hơn nữa trong ung thư, việc phát hiện sớm giúp tiên lượng khả quan hơn rất nhiều. Nếu các bạn nhận thấy bất kỳ thay đổi nào ở ngực, chẳng hạn như một khối u mới hoặc thay đổi trên da, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ. Mọi người tạo thói quen tự khám vú cho mình mỗi ngày lúc tắm, cách khám thế nào trên Internet hướng dẫn rất chi tiết. Mọi người cũng nên đi khám vú sáu tháng đến một năm một lần bắt đầu ở tuổi 25. Chụp X-quang tuyến vú một lần mỗi năm bắt đầu ở tuổi 30 hoặc có thể sớm hơn nếu có nguy cơ cao hoặc có yếu tố gia đình và cân nhắc chụp cộng hưởng từ vú, sinh thiết nếu có chỉ định từ bác sĩ.
10. Chủ động sàng lọc bằng công nghệ gen khi thấy mình có nguy cơ:
Khoảng 5 − 10 % người bệnh bị ung thư vú là do đột biến gen. Đột biến ở hai gen chính BRCA1 và BRCA2 là nguyên nhân thường gặp của ung thư vú và ung thư buồng trứng. Những đột biến này làm tăng nguy cơ bị ung thư vú, ung thư buồng trứng cũng như các bệnh ung thư khác. Người ta ước tính nguy cơ suốt đời (đến 70 tuổi) của ung thư vú là từ 55% đến 70% đối với BRCA1 và 45% đến 70% đối với BRCA2. Điều này có nghĩa là trong một nhóm gồm 100 phụ nữ có đột biến gen BRCA1, từ 55 đến 70 phụ nữ sẽ bị ung thư vú trong cuộc đời của họ. Nguy cơ mắc ung thư buồng trứng là khoảng 40% đến 45% đối với BRCA1 và 15% đến 20% đối với BRCA2. Vậy nên nếu các bạn thấy mình có nguy cơ (như bác sĩ liệt kê ở trên hoặc trong gia đình họ hàng huyết thống có người bị ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư tuyến tụy) hoặc thậm chí nếu các bạn có điều kiện, bác sĩ khuyên nên đến những trung tâm di truyền để được tư vấn chi tiết, các bạn nhé! Khu vực Hà Nội, mọi người có thể tham khảo trung tâm gen-di truyền trường Đại học Y khoa Hà Nội, trung tâm gen-di truyền Đại học Quốc gia, bệnh viện Quốc tế Vinmec...