Có lần, thầy giáo của bác sĩ ở quê gọi điện ra hỏi rằng mẹ của thầy vừa bị ngã gãy xương vùng khớp háng, bà năm nay hơn 90 tuổi, vậy có nên đưa ra Hà Nội để phẫu thuật hay không? Sau khi xem hình ảnh phim thầy gửi, bác sĩ có hỏi thầy: “Trước khi ngã bà có minh mẫn và đi lại được hay không? Bà có bệnh lý gì nghiêm trọng không? Như hen phế quản nặng, ung thư?”. Biết trước khi ngã, bà vẫn còn đi lại túc tắc được, bác sĩ khuyên thầy nên cho bà ra phẫu thuật. Trộm vía, mười ngày sau mổ, bà đã về quê và đang tập phục hồi chức năng để sớm đi lại.
Các bạn ạ, với người già, gãy xương được xem là một trong những bước ngoặt thường sẽ đánh gục các cụ nếu chúng ta không lựa chọn được giải pháp điều trị phù hợp sớm. Hơn nữa, nguyên nhân gãy xương của người già cơ bản thường do ngã nên xương loãng. Nhân trường hợp mẹ của thầy giáo, bác sĩ xin phép gửi những lưu ý chính mọi người nên áp dụng thực hiện với ông bà, cha mẹ mình, những người cao tuổi, để giúp các cụ giảm nguy cơ gãy xương. Chỉ như vậy, các cụ mới có thêm những năm tháng sống khỏe mạnh đúng nghĩa bên con cháu.
1. Loãng xương là nguyên nhân số một gây nên tình trạng gãy xương ở người già. Chỉ cần một tình huống ngã nhẹ (trượt chân nhà tắm, ngồi xe đi qua chỗ xóc ổ gà, bê thùng nước…) các cụ đã có thể gãy xương rồi. Gãy cột sống, gãy cổ xương đùi, gãy xương cánh tay, xương cổ tay… chính là những vị trí các cụ hay bị nhất. Với phụ nữ trên 50 tuổi, nam giới trên 60 tuổi cần đi đo mật độ xương hằng năm để xem có bị loãng xương hay không, nếu có thì cần triển khai điều trị ngay. Ở các nước phát triển, chương trình dự phòng loãng xương cho người già vô cùng được coi trọng, tuy nhiên ở mình hiện nay thường các cụ bị gãy xương rồi mới biết do xương loãng, đúng như câu nói “Mất bò mới lo làm chuồng”.
2. Những người có nguy cơ cao bị loãng xương sớm bao gồm phụ nữ đã phẫu thuật cắt buồng trứng, phụ nữ chữa trị sử dụng các liệu pháp hormone, những người ít vận động hoặc có thời gian nằm bất động lâu (gãy xương, phẫu thuật…), béo phì hoặc quá gầy yếu, sinh đẻ nhiều, người bị bệnh mạn tính lâu ngày, người sau phẫu thuật đường tiêu hóa ảnh hưởng đến việc ăn uống hấp thu, hút thuốc hoặc uống bia rượu nhiều… Nếu ai thấy thấp thoáng bóng dáng mình trong đó thì cần thay đổi sớm nhé! Sự chủ quan khi còn trẻ, chúng ta sẽ nhận lại những vấn đề sức khỏe nặng nề về sau.
3. Hiện nay hầu hết các bệnh viện và phòng khám lớn đều trang bị máy đo mật độ xương theo tiêu chuẩn quốc tế. Và quá trình kiểm tra độ xương loãng cũng chỉ mất vài phút đồng hồ, giá chỉ mấy trăm ngàn nên mọi người cần chủ động thu xếp đưa cha mẹ, ông bà đi đo sớm để còn có kế hoạch chữa trị ngay nhé! Đừng để người thân mình gãy xương khi biết rằng chúng ta hoàn hoàn có thể dự phòng được. Mọi người cũng lưu ý, hiện nay ở nhiều địa phương vẫn còn sử dụng máy soi để đo loãng xương qua khuỷu tay hoặc gót chân, kết quả đó không đáng tin cậy ạ. Bệnh nhân cần nằm trên máy đo mật độ xương theo phương pháp DXA kết quả mới chính xác.
4. Việc chữa trị và dự phòng loãng xương, ngoài phác đồ chi tiết từ bác sĩ chuyên khoa xương khớp thì chính lối sống cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Ở đó chúng ta cần lưu ý thực hiện mấy việc sau:
▸ Thể dục thể thao mỗi ngày. Lười vận động, loãng xương sẽ đến sớm.
▸ Ra ngoài, tiếp xúc với ánh sáng, ánh nắng tự nhiên ít nhất 30 phút mỗi ngày. Ngồi phòng điều hòa ít thôi, các bạn nhé!
▸ Bỏ thuốc lá, giảm rượu nếu muốn có bộ xương khớp khỏe mạnh.
▸ Giảm cân nặng nếu đang béo phì. Cân nặng quá lớn sẽ sớm phá hủy bề mặt các khớp và bộ xương của chúng ta.
▸ Tẩy giun định kỳ sáu tháng một lần cho tất cả mọi người.
▸ Chữa trị, kiểm soát tốt các bệnh mạn tính (tiểu đường, cao huyết áp...)
▸ Luôn đảm bảo bổ sung đủ canxi và vitamin D mỗi ngày.
▸ Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, giàu thực phẩm có chứa canxi như sữa, cá, đậu và các loại rau lá xanh.
▸ Ngăn ngừa nguy cơ té ngã ở người già với những nội dung như: Mang giày gót thấp và có đế không trượt, kiểm tra nhà cửa để loại bỏ các dây rợ loằng ngoằng, thảm và nền nhà cần thiết kế tránh trơn trượt, đèn phòng tắm và phòng ngủ đủ sáng, lắp đặt các thanh vịn ở bên trong và bên ngoài cửa phòng tắm cũng như phòng ngủ để các cụ đi lại, đứng ngồi dễ dàng.
5. Và điều cuối cùng, khi có người thân cao tuổi bị gãy xương, chúng ta cần hội chẩn tư vấn chữa trị từ các bác sĩ chuyên khoa sâu. Vì với người già, câu chuyện phẫu thuật không đơn thuần chỉ là bắt cái vít, đóng cái đinh… mà nó là tổng thể kết hợp giữa đánh giá trước mổ, xử lý bệnh lý kèm theo, hội chẩn gây mê hồi sức, dự trù máu, chiến lược phẫu thuật, trù liệu hậu phẫu, phục hồi chức năng… Khi có cái nhìn tổng thể như vậy, chúng ta mới có hy vọng ca mổ thành công cho người già.
Thay khớp háng nhân tạo, giải pháp ưu việt ở người già gãy cổ xương đùi