Tiểu phẫu giải phóng thần kinh giữa qua ống cổ tay chữa tê bì hai bàn tay
Các bạn ạ, đây là ca tiểu phẫu thực hiện tại phòng khám, bác sĩ đang giải phóng chèn ép dây thần kinh giữa đi qua vùng cổ tay của bệnh nhân. Chị năm nay gần 50 tuổi, bệnh diễn biến nhiều năm, tê bì hai tay tăng dần, chẳng làm ăn gì được. Ở quê xa nên nghe ai mách bảo ở đâu là lên đường đi đắp thuốc, tiêm chọc, xoa bóp ngay… tốn bao tiền nhưng không đỡ. Qua người giới thiệu, bệnh nhân đến gặp bác sĩ. Hai bàn tay chị để muộn quá, các cơ vùng gian ngón teo đi nhiều, mọi hoạt động tinh tế từ đôi bàn tay giảm sút nghiêm trọng. Thăm khám rồi bác sĩ cho đo điện chẩn thần kinh cơ1, kết quả về cho thấy dây thần kinh giữa hai tay của chị khi đi qua vùng cổ tay đang bị chèn ép rất nặng, đó chính là nguyên nhân làm các ngón tay tê bì và teo nhỏ.
1 Một thăm dò giúp đánh giá sự dẫn truyền của các dây thần kinh.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tê bì tay chân, trong đó có những nguyên nhân nguy hiểm và chúng ta không thể chủ quan. Một số nguyên nhân thường gặp có thể kể đến như tê bì do thoát vị đĩa đệm cột sống cổ-ngực-thắt lưng, tê bì do khối u chèn ép trong thần kinh ở não hoặc cột sống, tê bì sau đột quỵ, tê bì sau chấn thương sọ não hay cột sống, tê bì do thiếu canxi hoặc vitamin nhóm B, tê bì do biến chứng của tiểu đường, tê bì do ngồi lâu một tư thế, do mang thai, tê bì hai bàn tay do hội chứng ống cổ tay, tê bì một chi thể do những khối u trên đường đi của rễ thần kinh…
Một số chẩn đoán định khu giúp chúng ta nghĩ đến nguyên nhân:
▸ Tê bì từ cổ vai gáy dọc xuống một hoặc hai tay, khả năng cao đang bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, chúng ta nên khám bác sĩ chuyên khoa cột sống và chụp phim X-quang, cộng hưởng từ để chẩn đoán.
▸ Tê bì mỗi hai bàn tay, khả năng cao bị hội chứng ống cổ tay (dây thần kinh giữa đi qua ống cổ tay bị dây chằng ngang phì đại bóp nghẹt), chúng ta nên điện chẩn thần kinh cơ hai tay để chẩn đoán xác định.
▸ Tê bì đơn độc một đoạn chi thể (cẳng bàn tay một bên, từ khoeo đến cẳng bàn chân một bên…), có thể bị u rễ dọc trên đường đi của dây thần kinh (thường lành tính) hoặc bất thường về xương – phần mềm gây chèn ép đoạn dây thần kinh đó, nên khám bác sĩ chuyên khoa thần kinh, xương khớp.
▸ Tê bì nửa người, khả năng cao có bệnh lý ở sọ não (nửa bán cầu bên đối diện), nên khám bác sĩ chuyên khoa thần kinh, chụp cộng hưởng từ sọ não để loại trừ bệnh lý.
▸ Tê bì mỗi hai chân (tay bình thường), khả năng cao bị chèn ép thần kinh ở cột sống ngực – thắt lưng (thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống, trượt đốt sống, u cột sống…) hoặc bệnh lý mạch ngoại vi chi dưới (suy van tĩnh mạch) hoặc bệnh lý viêm nhiễm các rễ thần kinh, nên ưu tiên khám bác sĩ chuyên khoa thần kinh-cột sống và bác sĩ chuyên khoa tim mạch.
▸ Tê bì tứ chi, khả năng cao bị biến chứng của bệnh tiểu đường, thiếu vitamin nhóm B, thiếu canxi, viêm đa rễ thần kinh, ít vận động… nên khám bác sĩ chuyên khoa thần kinh, cột sống, bác sĩ nội khoa để tìm kiếm nguyên nhân chính xác.
▸ Phụ nữ mang thai, người ngồi lâu một tư thế, sau khi dùng một số thuốc chữa bệnh, gầy yếu, suy dinh dưỡng hay vừa ốm dậy, nhiễm độc kim loại nặng… cũng có thể tê bì tứ chi, nên đi khám sớm để các bác sĩ nội khoa, thần kinh định hướng, chẩn đoán nguyên nhân và đưa ra lời khuyên cũng như phác đồ chữa trị phù hợp.
▸ Uống nhiều rượu, sau dùng thuốc Tây, đột quỵ, sau chấn thương vùng cổ, vai, khuỷu… cũng có thể gây tê tay chân, mọi người cần lưu tâm nhé!
▸ Những thăm dò chính giúp tìm kiếm nguyên nhân gây tê bì tay chân có thể kể đến đó là chụp cộng hưởng từ các vị trí, đo điện chẩn thần kinh cơ, xét nghiệm chức năng tuyến giáp, xét nghiệm lượng canxi trong máu và nước tiểu…