Các bạn ạ, bác sĩ từng đọc bài viết về một gia đình chín người ở Ninh Giang, Hải Dương thì có đến bảy người bị ung thư đại trực tràng, hiện người còn người đã mất. Điều khủng khiếp tưởng như không thể có thật nhưng lại đang diễn ra, ở chính những đồng bào thân yêu của mình. Mọi người có biết không? Ung thư đường tiêu hóa đang là nhóm ung thư hàng đầu với người Châu Á, do liên quan đến thói quen ăn uống và yếu tố dịch tễ, di truyền. Vậy làm thế nào để chúng ta có thể dự phòng, hạn chế nguy cơ, hoặc ít nhất cũng là phát hiện sớm căn bệnh này? Bài viết này bác sĩ xin chia sẻ điều đó.
1. Ung thư đường tiêu hóa bao gồm ung thư vùng miệng, vòm họng, thực quản, dạ dày, ruột non, đại trực tràng và hậu môn. Nhóm ung thư này chiếm tỷ lệ rất cao trong tổng số các loại ung thư nói chung (trên dưới 30%) và đây là ung thư rất “đặc trưng” của người Á Đông, cả nam giới và nữ giới đều có nguy cơ mắc như nhau. Ở riêng Việt Nam, có quá nhiều các trường hợp để triệu chứng rất muộn như đi ngoài phân đen, tắc ruột, đau bụng, chán ăn, gầy sút cân… mới đi khám bệnh. Thực sự lúc đó, khối u đã phát triển được một thời gian dài và bệnh cũng đã muộn. Còn ít người dân có thói quen chủ động đi nội soi toàn bộ đường tiêu hóa định kỳ hằng năm để phát hiện sớm, khi tổn thương chỉ mới ở dạng “tiền ung thư”. Bác sĩ nhiều lần tư vấn bệnh nhân nên chủ động đi nội soi kiểm tra sức khỏe và nhận được câu trả lời: “Đang thấy trong người khỏe mạnh, ăn ngủ bình thường thì đi soi để làm gì”. Sa mạc lời rồi ạ.
2. Những yếu tố nguy cơ hàng đầu của nhóm bệnh này bao gồm: Uống rượu mạnh thường xuyên gây bỏng niêm mạc đường tiêu hóa, thói quen ăn nhiều thịt đỏ và ít ăn rau, ăn thực phẩm muối mặn lâu ngày như cà, dưa muối, ăn thực phẩm cháy xém, muội than như thịt nướng, thói quen ăn đồ ăn quá nóng hay quá lạnh, người có bệnh lý viêm loét đại tràng chảy máu mạn tính, người có đa polyp đại tràng, người có tiền sử gia đình bị ung thư đường tiêu hóa, người bị viêm loét dạ dày mạn tính đặc biệt viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày, người béo phì, người bị trào ngược dạ dày thực quản…
3. Điều đáng buồn, đây là căn bệnh âm thầm, hầu như không có triệu chứng mặc dù khối u đã xuất hiện và phát triển suốt một thời gian dài trong cơ thể. Khi chúng ta thấy mệt mỏi, chán ăn, gầy sút cân, đi ngoài phân đen… nghĩa là bệnh đã muộn.
4. Điều thuận lợi đó là chẩn đoán hết sức nhanh gọn: Nội soi toàn bộ đường tiêu hóa, thấy tổn thương nghi ngờ, chúng ta sẽ sinh thiết và đi làm xét nghiệm tìm tế bào ung thư, vậy là bệnh đã được chẩn đoán xác định.
5. Về điều trị, phẫu thuật loại bỏ khối u vẫn là giải pháp điều trị chính, có thể hỗ trợ thêm hóa chất và xạ trị. Tuy nhiên, bác sĩ luôn nhấn mạnh một điều hết sức quan trọng: với tất cả các loại ung thư, phát hiện sớm khi bệnh chỉ mới bắt đầu là yếu tố quyết định cho tiên lượng bệnh. Và đó chính là thói quen đi nội soi toàn bộ đường tiêu hóa định kỳ theo chỉ định từ bác sĩ tiêu hóa, các bạn nhé!