Ung thư phổi là một trong những ung thư “hung hăng và nguy hiểm” nhất trong số những tổn thương ung thư. Chỉ tính riêng năm 2012, toàn thế giới có đến 1,8 triệu người mắc ung thư phổi, trong đó có 1,6 triệu người tử vong, đây là ung thư “giết người” nhiều nhất ở nam giới và nhiều thứ hai ở nữ giới (sau ung thư vú). Điều đáng lo ngại nữa đó là việc hầu hết bệnh nhân ung thư phổi không có triệu chứng giai đoạn sớm để báo trước nên khi ho ra máu, đau tức ngực, khó thở… thì đã muộn lắm rồi.
Giải pháp căn cơ nhất để dự phòng ung thư phổi chúng ta có thể làm bao gồm:
1. Bỏ thuốc lá. Đây là ưu tiên số một. Hầu hết nam giới ung thư phổi đều có tiền sử hút thuốc lá nhiều năm. Ông nội bác sĩ nghiện thuốc lá vấn (ngày xưa) và cũng đã ra đi vì ung thư phổi khi bác sĩ đang là sinh viên Đại học Y Hà Nội năm thứ ba, các bạn ạ. Mọi thành viên trong gia đình sẽ đối diện nguy cơ bị ung thư phổi nếu hút thuốc lá thụ động từ một ai đó thường xuyên.
2. Sử dụng dụng cụ bảo hộ lao động. Những người có tính chất nghề nguy hiểm như hầm mỏ, than đá, xăng dầu, phẩm nhuộm, phun sơn, công nghiệp nhựa, kỹ nghệ kim loại nặng… cần có khẩu trang chuyên dụng cũng như các bảo hộ khác như kính, găng tay, áo quần, giầy ủng.
3. Loại bỏ hoàn toàn tấm lợp A-mi-ăng (Fibro xi măng). Tổ chức Y tế thế giới đã báo cáo về mối liên hệ rất rõ ràng giữa A-mi-ăng với ung thư, đặc biệt là ung thư phổi, ung thư buồng trứng, ung thư biểu mô… Điều đáng buồn là hiện nay, chúng ta là một trong những nước hiếm hoi còn nhập A-mi-ăng về để sử dụng và còn rất nhiều gia đình đang dùng tấm lợp này. Cố gắng thay thế sớm nhất có thể để loại bỏ nguy cơ bị ung thư, các bạn nhé!
4. Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh và giữ tinh thần thoải mái, tránh stress kéo dài. Tầm 30% nguyên nhân các loại ung thư bắt nguồn từ thói quen ăn uống không kiểm soát của chúng ta. Trong cuốn sách này, bác sĩ đã viết bài về ăn uống dinh dưỡng, mọi người tìm đọc nhé!
5. Vận động thể dục thể thao thường xuyên. Đây là yếu tố cốt lõi, khi cơ thể chúng ta khỏe mạnh, chuyển hóa trao đổi thường xuyên, thông khí phổi tốt, khả năng miễn dịch sẽ được nâng lên, lúc đó các tế bào lạ cũng ít có cơ hội phát triển thành khối u.
6. Kiểm tra sức khỏe định kỳ. Đặc biệt với những đối tượng có nguy cơ cao như người hút thuốc, người làm việc trong môi trường độc hại, người có tiền sử gia đình bị ung thư phổi… Chụp X-quang phổi, khi nghi ngờ hoặc người có nguy cơ cao thì cần chụp cắt lớp vi tính phổi để phát hiện thật sớm những tổn thương nghi ngờ.
Chụp cắt lớp vi tính phổi giúp phát hiện sớm những tổn thương nghi ngờ