Các bạn ạ, là một phẫu thuật viên cột sống với hơn 10 năm trong nghề thì đây là một trong những câu hỏi được nhiều bệnh nhân hỏi nhất. Trong bài viết này, bác sĩ xin phép giải đáp phần nào để mọi người hiểu bản chất vấn đề.
Điều đầu tiên khi nghe câu hỏi đó, bác sĩ thường hỏi lại bệnh nhân là anh chị lấy thông tin ở đâu ra và kết quả, hơn 90% các trường hợp trả lời rằng: “Bạn bè, hàng xóm bảo vậy”. Mọi người có biết không? Để trở thành một bác sĩ, quá trình đào tạo cơ bản ít nhất sáu năm trời mài đũng quần trên nghế nhà trường cũng như lăn lộn các bệnh viện, rồi thêm ba đến bốn năm học sâu về chuyên ngành mình sẽ làm việc sau này rồi mới bắt đầu bước chân vào nghề. Bác sĩ nói vậy để mọi người hình dung ra được lượng kiến thức các bác sĩ cần có để hành nghề “Chữa bệnh cứu người” nó lớn đến mức nào, chưa kể trong ngành Y, việc đào tạo cập nhật là liên tục suốt cả đời người. Vậy lời khuyên từ những người được gọi là “Ngoại đạo” thì độ tin cậy là bao nhiêu? Bác sĩ đã nhiều lần nói với bệnh nhân rằng 1.000 lời khuyên từ những người không phải ngành Y không bằng một lời khuyên của bác sĩ chuyên ngành. Bác sĩ cũng nói thêm với bệnh nhân, người nói thông tin đó với anh chị thực sự là những người thiếu trách nhiệm, họ vô tư đưa ra những lời góp ý mà bản thân mình không biết đúng sai rồi trở về nhà ăn ngủ bình thường, để lại nỗi lo lắng thêm chồng chất và nỗi đau bệnh tật anh chị gánh lấy. Không phải là bệnh nhân, chúng ta sẽ không thấu cảm hết nỗi lo lắng cũng như những nỗi đau họ đang phải chịu đựng, thêm một lời nói vô tình thôi, nỗi đau, nỗi lo này lại càng chất dầy thêm. Xin mỗi người hãy có trách nhiệm hơn với lời nói của mình hoặc im lặng khi chưa chắc chắn, đó cũng là tạo phúc phần cho chính mình rồi.
Trở lại với việc phẫu thuật 50:50 (50% ca mổ thành công, 50% liệt), bác sĩ xin khẳng định đây là thông tin thiếu cơ sở khoa học và không chính xác. Mọi người cứ nghĩ đơn giản, bất cứ trung tâm y tế hay bệnh viện nào phẫu thuật hai người mà một người có vấn đề thì chắc chắn đơn vị đó sẽ không được phép hoạt động nữa. Phẫu thuật chữa trị cho con người chứ không phải sửa chiếc xe máy hay cái ô tô mà sai lầm có thể thay thế hay mua mới được, phải không các bạn? Thậm chí, trung tâm phẫu thuật nào có trung bình tỷ lệ tai biến, biến chứng 5 đến 10% đã phải tạm dừng hoạt động để đánh giá lại chuyên môn bác sĩ, đội ngũ gây mê hồi sức và cả hệ thống trang thiết bị rồi, chưa nói đến 50%. Hiện nay Y học phát triển đến một tầm cao mới để phục vụ con người và trong lĩnh vực phẫu thuật cột sống cũng vậy. Hệ thống máy rô-bốt, hệ thống khoan mài kim cương, hệ thống kính hiển vi điện tử, hệ thống máy nội soi, hệ thống theo dõi thần kinh trong mổ, hệ thống định vị chính xác Navigation… cùng với đội ngũ bác sĩ đào tạo bài bản chuyên sâu, ekip gây mê hồi sức tốt là những cơ sở khoa học mang lại tỷ lệ thành công rất lớn cho những ca phẫu thuật cột sống.
Có điều này bác sĩ cũng xin chia sẻ thêm đó chính là tình trạng của bệnh nhân khi đến viện, nhiều người để bệnh muộn quá rồi mới đi phẫu thuật. Trước khi vào viện đã ngồi xe lăn rồi thì rất khó để các phẫu thuật viên có thể mang lại kết quả mỹ mãn hay một số bệnh nhân bị tai nạn gây liệt hoàn toàn tứ chi hoặc liệt hai chân rồi thì kết quả sau phẫu thuật cũng rất ít khả quan về khả năng trở lại hoạt động bình thường. Hơn nữa, việc các bạn chọn phẫu thuật ở đâu, trung tâm y tế lớn chuyên sâu hay ở những nơi chưa được đào tạo bài bản và không chuyên sâu cũng là một vấn đề. Rồi việc khi bạn vào một bệnh viện lớn để phẫu thuật, ở đó có hàng trăm bác sĩ nhưng không phải ai cũng phẫu thuật giỏi hoặc ai cũng chuyên về ngành phẫu thuật cột sống. Tất cả những điều đó cũng đã và đang góp phần gây nên sự lo lắng, hoang mang cho người bệnh. Vậy nên việc chúng ta cẩn thận tìm hiểu để lựa chọn thời điểm phẫu thuật, lựa chọn phẫu thuật viên, lựa chọn bệnh viên… là rất quan trọng để góp phần nâng cao tỷ lệ thành công cho ca mổ, các bạn ạ.