“Những việc làm tốt đẹp tiếp thêm sức mạnh cho chúng ta và truyền cảm hứng cho người khác sống tốt.”
- PLATO
Sống và nói không với xe rác là một thách thức thật sự. Bạn liên tục phải đối mặt với các rắc rối và tình huống không ngờ đến. Những lời khuyên nghe có vẻ dễ dàng, hợp lý trong quyển sách này trở nên khó khăn, phức tạp và khó áp dụng khi bạn đóng sách lại và thật sự đối mặt với những chiếc xe rác trong đời thực. Cam kết thứ sáu trong Bài học Diệu kỳ từ Chiếc Xe Rác sẽ giúp bạn sống một cuộc đời hoàn toàn không có gánh nặng của xe rác.
Hai lời nhắc nhở
Trước tiên, bạn cần phải chấp nhận thực tế là sẽ luôn có những chiếc xe rác xuất hiện trong cuộc sống của bạn và cản đường bạn. Bạn sẽ luôn gặp gỡ và tương tác với những người hay để sự tức giận và nỗi thất vọng chi phối cách họ giao tiếp cũng như làm việc. Một số chiếc xe rác đến rồi đi, nhưng cũng có những chiếc ở lại trong đời bạn. Cuộc sống vốn là vậy. Không có nơi nào trên thế giới này chỉ toàn người hoàn hảo và luôn luôn hành xử tích cực. Vì vậy, mấu chốt là bạn phải biết cách lờ đi những chiếc xe rác và dành tâm sức cho những điều quan trọng trong cuộc sống.
Việc thứ hai cũng quan trọng không kém, đó chính là trên thực tế, tất cả chúng ta, kể cả bản thân bạn, đều có lúc biến thành xe rác. Dù bạn có chuẩn bị tinh thần kỹ đến đâu để ứng phó với những người khó chịu và giải quyết những tình huống xảy ra mâu thuẫn, bạn vẫn có thể phản ứng tiêu cực khi đụng độ với xe rác. Những lúc như thế, bạn sẽ có cảm giác như mình đã quên sạch mọi điều bạn đã học được từ quyển sách này, nhưng thật ra bạn không hề quên. Bạn chỉ bị mất tập trung một chút thôi, không sao cả.
Quan trọng là bạn nhận ra sai lầm của mình, đó là bạn đã để mình trở thành xe rác. Bạn hứng rác của người khác và đến lượt mình, bạn mang rác đi xả khắp nơi. Tuy vậy, bạn vẫn có cơ hội sửa sai, miễn là bạn chủ động ngừng xả rác và thôi biện hộ cho bản thân. Hãy tìm đến người bạn đã làm tổn thương và xin lỗi họ, sau đó xin họ cho bạn cơ hội để làm lại từ đầu và nói với họ điều bạn định nói trước khi trở thành xe rác.
Hãy luôn ghi nhớ câu thần chú: “Tôi sẽ không giải tỏa những cảm xúc tiêu cực bằng cách làm tổn thương người khác. Tôi sẽ không đổ rác lên người khác và khiến họ thấy nặng nề với đống rác của tôi. Tôi không phải là xe rác”.
Hướng đến mục tiêu
Gottfried Keller, nhà văn người Thụy Sĩ sống ở thế kỷ 19, từng viết: “Chúng ta không thể giữ được sự tốt đẹp của mình nếu chúng ta ngừng phấn đấu để trở nên tốt đẹp hơn”. Keller không nói chúng ta không được phép phạm bất kỳ sai lầm nào trong đời mà ông chỉ nói: “Chúng ta cần phải luôn luôn phấn đấu để trở nên tốt đẹp hơn”. Điều này nghĩa là dù bản thân ta chưa hoàn hảo, ta vẫn có thể sống hạnh phúc và đối xử tử tế với người khác. Các nghiên cứu tâm lý học cũng khẳng định quan điểm này là đúng.
Hai nhà tâm lý học Ed Diener và Robert Biswas-Diener, các tác giả của quyển Happiness: Unlocking the Mysteries of Psychological Wealth (tạm dịch: Hạnh phúc: giải mã bí ẩn về sức khỏe tâm lý), cho biết hạnh phúc và thành công của chúng ta phụ thuộc chủ yếu vào việc chúng ta tập trung vào đâu, diễn giải các sự kiện xảy đến với mình ra sao và thường hồi tưởng lại những ký ức nào. Nói ngắn gọn, người hạnh phúc là người “tìm kiếm những điều tích cực, có xu hướng xem những sự kiện trung tính là tích cực, thường nhớ về những kỷ niệm vui vẻ và trưởng thành hơn sau mỗi nghịch cảnh”.
Đó cũng chính là mục tiêu mà các cam kết trong quyển sách này hướng đến. Tôi viết quyển sách này để giúp bạn ứng phó đúng cách với những chiếc xe rác, không để cho xe rác quyết định vấn đề bạn tập trung vào, cách bạn diễn giải các sự kiện cũng như những ký ức mà bạn hồi tưởng.
Trong phần trước, bạn đã thực hiện hai bài trắc nghiệm để xác định mức độ hứng rác và xả rác của mình. Mục tiêu mà bạn cần hướng đến khi làm hai bài trắc nghiệm này không phải là đạt được kết quả tốt. Tôi soạn ra hai bài trắc nghiệm đó nhằm giúp cho bạn thấy những điểm bạn cần thay đổi để bớt hứng rác và xả rác, nhờ đó bạn có thể sống hạnh phúc hơn.
Hướng dẫn hành động
Một lần nữa, hãy nhớ rằng mục tiêu của bạn không phải là trở nên hoàn hảo, mà là cải thiện thái độ sống của mình mỗi ngày. Bạn có thể làm gì để có thể lờ đi nhiều “xe rác” hơn và ngừng “đổ rác” vào người khác? Hãy viết ra các ý tưởng của bạn.