“Lời nói sẽ chẳng có nghĩa lý gì nếu nó không đi kèm với hành động.”
- THÁNH FRANCIS THÀNH ASSISI
Khi đã biết rõ thực tế xe rác xuất hiện trong cuộc sống của bạn và đôi khi chính bạn cũng có thể trở thành xe rác, bạn cần tập hợp tất cả những điều bạn đã học được từ quyển sách này thành một chiến lược hành động cụ thể. Nói cách khác, bạn cần tuyên bố sống trong “vùng không có xe rác”.
Trái với suy nghĩ của nhiều người, sống theo các cam kết trong Bài học Diệu kỳ từ Chiếc Xe Rác không phải là một cách sống bị động, dù một số người cho rằng việc lờ đi những chiếc xe rác là một kiểu trốn tránh, chứ không phải là chủ động đối mặt.
Thật ra các cam kết này đòi hỏi bạn phải gắn kết với thế giới, chứ không phải trốn chạy thực tế. Suy cho cùng, bạn có bổn phận quan tâm, chăm sóc người thân, bạn bè của mình, và bạn không thể làm được điều đó khi thái độ sống của bạn là né tránh những điều gây khó chịu. Việc sống trong “vùng không có xe rác” giúp bạn thoải mái ứng phó với những tình huống xảy ra mâu thuẫn. Nói cách khác, sống trong “vùng không có xe rác” nghĩa là bạn được giải phóng khỏi nỗi sợ những điều tiêu cực và tồi tệ. Ở đó, bạn chỉ cần mỉm cười và cho qua những việc không quan trọng với mình.
Nguồn sức mạnh của bạn
Sự thật là bạn trở nên mạnh mẽ hơn khi tiếp thu những điều tốt đẹp và cho qua những điều tồi tệ nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Việc sống trong “vùng không có xe rác” giúp bạn thấy tự tin và hạnh phúc trong một thế giới đầy thử thách. Nhờ đó, bạn có thể chủ động tranh luận với mọi người và bày tỏ quan điểm khác biệt của mình một cách thoải mái mà không xem sự bất đồng quan điểm là chuyện cá nhân. Bạn còn có thể kiên trì theo đuổi những gì mình quan tâm, đấu tranh cho hòa bình và công lý mà không tự biến mình thành một chiếc xe rác.
Tất nhiên, khi nói đến “vùng không có xe rác”, tôi không có ý chỉ đó là một không gian thật sự, một nơi chốn cụ thể nào. “Vùng không có xe rác” là một không gian trong tâm trí, một trạng thái của tâm trí, một cách để bạn cam kết tập trung vào những điều quan trọng đối với bạn và trút bỏ gánh nặng của những điều tiêu cực không đáng có. Hãy nhớ rằng bạn không cần phải mãi dằn vặt về những việc trong quá khứ khiến bạn thấy khó chịu, đau khổ hay tự giới hạn chính mình bằng những suy nghĩ u ám về tương lai. Điều bạn cần làm là học cách tha thứ cho những người, những việc khiến bạn tổn thương và buông bỏ những oán giận, cũng như không ngại xin người khác giúp đỡ khi cần và cho người khác cơ hội sửa sai nếu họ lỡ phạm sai lầm.
Khi sống trong “vùng không có xe rác”, bạn công nhận và khen ngợi những phẩm chất quý giá nhất của người khác, đồng thời tìm kiếm cơ hội giao tiếp hiệu quả với mọi người. Việc tuân thủ cam kết nói không với xe rác từ suy nghĩ cho đến hành động giúp cho bạn không hứng rác và đổ rác vào người khác. Khi bạn sống trong Vòng tròn Biết ơn và lựa chọn dùng năng lượng của mình để nuôi dưỡng lòng biết ơn thay vì rác rưởi, bạn đã góp phần làm cho thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn.
Kim chỉ nam cho cuộc sống
Những cam kết của bạn rất quan trọng vì nó quyết định cách bạn phản ứng với con người và sự việc xung quanh bạn. Vì vậy, bí quyết là bạn phải đưa ra những cam kết đúng đắn.
Một số người thề trả đũa bất cứ ai đụng chạm đến họ, dù cho sự việc khiến họ thấy bị xúc phạm chỉ là một chuyện rất nhỏ nhặt. Những người khác thì quyết tâm phải bảo vệ bản thân khỏi bất kỳ điều gì mà họ cho là mối đe dọa, dù đó chỉ là một mối đe dọa không đáng kể. Cũng có người nhất quyết dạy cho người khác một bài học khi người đó phạm sai lầm, buông lời phán xét cay nghiệt người khác khi họ làm điều sai trái hoặc áp đặt luật lệ lên mọi người. Nếu sống như vậy, bạn rất dễ bị những tác nhân bên ngoài kích thích. Bạn sẽ thường xuyên phán xét, dạy đời người khác hoặc áp đặt cho họ nguyên tắc sống của mình.
Trong quyển Stress, Appraisal and Coping, hai nhà nghiên cứu tâm lý Richard Lazarus và Susan Folkman đã nhấn mạnh vai trò then chốt của những cam kết trong cuộc sống:
Cam kết của một người đại diện cho những điều quan trọng đối với họ và là nền tảng cho những lựa chọn của họ, đồng thời là động lực mạnh mẽ thúc đẩy hành động của họ. Những cam kết này ảnh hưởng đến cách họ đánh giá sự việc, vì nó hướng họ vào các tình huống có lợi cho họ và đẩy họ tránh xa các tình huống gây tổn hại hoặc đe dọa đến họ.
Cam kết sống cuộc đời tốt đẹp nhất
Nếu cam kết của bạn là tận hưởng thời gian ở bên gia đình, bạn sẽ không để một tay lái ẩu, một nhân viên phục vụ thô lỗ hay một nhân viên bán hàng phiền toái làm bạn trở nên cáu kỉnh. Tại sao bạn lại phải khó chịu về thái độ thiếu văn minh của người khác trong khi việc bạn nên làm là tận hưởng thời gian vui vẻ cùng những người thân yêu của mình? Nếu bạn liên tục để những việc vụn vặt ảnh hưởng tiêu cực đến mình như thế, bạn sẽ không còn thời gian và sức lực để yêu thương và chăm sóc những người thật sự quan trọng với bạn.
Khi bạn để những chuyện không vui nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống tác động xấu đến bạn, bạn phải đưa ra các phản ứng tự vệ và tiêu hao năng lượng của mình vào việc đó.
Đây là một sự lãng phí năng lượng khi bạn cần phải mạnh mẽ. Tác động tích lũy của những tương tác tiêu cực này có thể rất tai hại. Giáo sư ngành sinh học và thần kinh học của Đại học Stanford Robert Sapolsky đã nhận định rằng: “Nếu mỗi ngày, bạn đều ‘lên cơn đau tim’ trước những chuyện mà mọi người đều cho là nhỏ nhặt, bạn sẽ vô cùng mệt mỏi và không có gì ngạc nhiên khi nguy cơ mắc bệnh tim mạch của bạn tăng cao”.
Một khi thật lòng mong muốn trở thành người cha, người mẹ, người bạn đời, người bạn và người đồng nghiệp tốt hơn, bạn sẽ có nhiều động lực hơn để từ bỏ các cam kết cũ của mình dù bạn có ý thức được các cam kết đó hay không. Như thế nghĩa là bạn quyết tâm thôi phản ứng lại những chuyện vụn vặt như thể đó là những mối đe dọa lớn.
Dám nói dám làm
Một trong những câu trích từ Kinh Thánh mà tôi tâm đắc nhất là: “Thà là không hứa, còn hơn hứa mà không làm”. Câu nói này đã trở thành kim chỉ nam cho cuộc sống của tôi, định hình con người tôi trong vai trò tác giả sách, diễn giả và lãnh đạo. Tôi có trách nhiệm thực hành những bài học tôi truyền đạt cho người khác và tôi không nên hứa những điều mình không làm được. Dù ở nhà, trong công ty hay ngoài xã hội, tôi phải làm gương bằng cách thực hiện những điều tôi đã nói. Hành động luôn có giá trị hơn lời nói.
Chính vì vậy, tôi cần làm nhiều hơn là chỉ viết quyển sách này, và bạn cũng phải làm nhiều hơn, chứ không chỉ đọc nó. Chúng ta phải cùng nhau thực hành những gì mình nói.
Mọi người xung quanh chúng ta, dù là người thân, bạn bè, đồng nghiệp hay những người chỉ quen biết sơ, có thể gật gù tán đồng điều ta nói, nhưng chỉ khi hành động đúng như những gì mình nói, ta mới thuyết phục được họ. Chúng ta phải cùng nhau cam kết sống trong “vùng không có xe rác”.
Hướng dẫn hành động
Bạn thường gặp những “chiếc xe rác” vào lúc nào và ở đâu? Ở nhà, nơi làm việc hay trên đường?
Hãy dừng lại một chút và tưởng tượng một trong những cuộc đụng độ của bạn với “xe rác”. Bây giờ, hãy hình dung bạn gặp phải tình huống đó trong khu vực không có “xe rác”. Bạn sẽ xử lý tình huống ấy khác đi và tích cực hơn như thế nào?
Bạn hãy viết ra hai cách giải quyết khác dành cho tình huống ấy.