“Khi bạn bị dồn đến đường cùng và mọi thứ dường như đều chống lại bạn, khi bạn nghĩ mình không thể chịu đựng thêm một phút nào nữa, đừng vội bỏ cuộc, vì đó chính là lúc tình thế sắp xoay chuyển.“
- HARRIET BEECHER STOWE
Ởtuổi ba mươi bảy, Kim Greenbaum sống hạnh phúc bên Steve, người chồng tuyệt vời của cô cùng hai đứa con xinh xắn tên là Lauren và Jordan. Kim là giám đốc đào tạo bán hàng cấp quốc gia của một công ty phần mềm giáo dục, và cô có thể làm việc tại nhà, đồng nghĩa với việc cô được ở cạnh các con gần như cả ngày.
Cuộc sống đảo lộn
Ngày bốn tháng Một năm 2005, Kim đi khám sức khỏe định kỳ và làm tất cả các xét nghiệm, bao gồm cả chụp nhũ ảnh. Sau đó, cô ra ngoài sảnh chờ nhận kết quả.
Khi được đưa trở lại vào phòng khám, Kim nhìn thấy cái mà cô gọi là nét mặt thể hiện tin xấu. “Ánh nhìn ấy khiến bạn sởn tóc gáy”, cô chia sẻ. Các bác sĩ muốn siêu âm cho cô vì họ phát hiện ngực bên phải của cô có gì đó không ổn. Cô sợ hãi gọi điện báo tin cho chồng biết. Kết quả siêu âm cho thấy cô có những nốt vôi hóa nhỏ nằm rải rác hơn 90% bầu vú bên phải, và cô được lên lịch làm sinh thiết bằng kim ngay trong tuần tiếp theo.
Quá trình sinh thiết bằng kim đó cực kỳ đau đớn nhưng lại không giúp các bác sĩ đưa ra kết luận về căn bệnh của cô. Vì vậy, Kim phải trải qua một ca phẫu thuật sinh thiết. Trong ca phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện các tế bào tiền ung thư. Trường hợp này không quá hiếm gặp ở phụ nữ, nhưng vẫn khiến bác sĩ của Kim e ngại, và giải pháp ông dành cho cô là phẫu thuật loại bỏ khối u trong vú.
Trở về nhà sau buổi khám bệnh ấy, Kim nhìn các con mà cảm thấy đau nhói trong lòng. Hai đứa con của cô còn nhỏ quá, Lauren vừa lên ba, và năm tuần nữa là Jordan tròn một tuổi. Cô nghĩ, “Mình sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để được sống cùng các con”. Thế là Kim đến gặp một chuyên gia về ung thư ở Miami.
“Việc cô định làm thật ngớ ngẩn. Khả năng cô mắc ung thư vú gần như bằng không”, vị bác sĩ ở Miami nhận xét. Nhưng Kim sẵn lòng chấp nhận cắt bỏ vú nếu việc đó có thể loại bỏ khả năng các tế bào tiền ung thư trở thành tế bào ung thư. Vị chuyên gia gạt bỏ mối lo ngại của Kim, nhưng cô vẫn chưa hoàn toàn yên tâm.
Vì vậy, Kim tìm đến một bác sĩ uy tín khác để xin ý kiến. Lần này, cô và bác sĩ đồng ý rằng trong quá trình phẫu thuật, nếu có mô vú nào khiến ông quan ngại thì ông được toàn quyền làm bất cứ điều gì cần thiết, bao gồm thực hiện cắt bỏ vú. Cô thành khẩn nói với bác sĩ, “Xin bác sĩ cố gắng hết sức để giúp tôi”.
Ngày hai mươi bảy tháng Tư năm 2005, trước khi vào phòng mổ, cô cho bác sĩ xem mấy bức ảnh chụp các con của cô và bộc bạch: “Đây là lý do tôi xin bác sĩ cố gắng hết sức để giúp tôi”.
Khi tỉnh dậy sau phẫu thuật, Kim đã bị sốc. Mặc dù đã thỏa thuận trước với bác sĩ về ca mổ này, nhưng cô vẫn bị sốc khi mất đi một bên vú. Nhưng chỉ cần nghĩ đến các con là cô lại cảm thấy biết ơn. Cô đã làm bất cứ điều gì cần thiết để được ở cạnh các con mình.
Hạnh phúc ngắn ngủi
Một năm sau, Kim đang tận hưởng mùa hè hạnh phúc nhất trong đời cô. Đã hơn một năm trôi qua kể từ ca mổ kia. Giờ đây cô trân trọng gia đình mình hơn bao giờ hết và cảm thấy cô đã hoàn toàn làm chủ được cuộc sống của mình. Năm ngoái, cô đã can đảm đưa ra một quyết định hết sức khó khăn để bảo đảm sức khỏe của mình, và bây giờ cô cảm thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết.
Bi kịch trở lại
Ngày mười ba tháng Chín năm 2006, Kim đến gặp bác sĩ để chụp nhũ ảnh định kỳ. Tâm trạng cô lúc đó vô cùng thoải mái, như cô chia sẻ với tôi: “Chẳng có gì phải lo, vì năm ngoái tôi đã làm mọi việc cần thiết rồi”. Thế nhưng cô vẫn thấy có một vấn đề.
Kim cảm thấy nách mình có gì đó không ổn, nhưng cô đoan chắc đó không phải là ung thư. Làm sao là ung thư được khi cô đã cắt bỏ ngực? Dù tự tin mọi chuyện đều ổn thỏa, nhưng trong buổi khám bệnh, cô vẫn đề cập đến điều mình đang băn khoăn. Bác sĩ cũng nghĩ vấn đề của cô không có gì đáng lo, nhưng để chắc chắn, họ vẫn cho cô làm siêu âm.
Một lần nữa, Kim phải nằm trên giường siêu âm. Người kỹ thuật viên siêu âm bắt đầu thực hiện công việc của mình. Anh nhìn lên màn hình, chần chừ một chút, rồi nhìn Kim. Và nét mặt “thông báo tin xấu” ấy đã trở lại. Cô có một khối u. Hai ngày sau, ngay trước ca phẫu thuật, Kim lại đưa cho y tá, bác sĩ gây mê, bác sĩ phẫu thuật của ca mổ xem hình của gia đình mình.
Nhiều giờ sau, Kim tỉnh dậy trong phòng hồi sức. Dù còn hơi choáng vì thuốc gây mê, nhưng cô vẫn hài hước hỏi bác sĩ: “Tôi có phải tìm vợ mới cho chồng tôi không vậy bác sĩ?”. Không ai cười nổi. “Tôi lại bắt gặp ánh nhìn ấy. Nó đã trở nên quá quen thuộc”, Kim kể với tôi. Sau đó bác sĩ nói, “Chúng ta cần làm thêm xét nghiệm, nhưng có vẻ đó là ung thư”.
Một tuần sau, khi vết mổ vẫn còn đau, Kim nhận được cuộc gọi của bác sĩ khi đang ngồi chơi với con trai. Cô bị ung thư vú xâm lấn. Mặc dù trước đó cô đã cắt bỏ vú, nhưng tế bào ung thư đã kịp lan sang tế bào vú ở gần nách. Kim phải trải qua một ca phẫu thuật nữa và tiến hành xạ trị trong vòng bảy tuần. Khi biết tin, Kim đã rất hoảng loạn. Cô bộc bạch: “Tôi nhìn cậu con trai đang vô tư chơi đùa và nghĩ ‘Ai sẽ chăm sóc thằng bé đây?’. Nghe có vẻ hơi cực đoan, nhưng đó là suy nghĩ đầu tiên của tôi. ‘Ai sẽ yêu thương các con của tôi?’. Thật đau khổ khi không thể sống cho đến ngày nhìn thấy các con trưởng thành”.
Kim phải trải qua thêm một ca phẫu thuật nữa để loại bỏ các u hạch bạch huyết. May mắn là kết quả của ca phẫu thuật rất tốt. Kể từ đó, cuộc sống của cô là những chuỗi ngày của xét nghiệm và phác đồ điều trị, nhưng cô nói: “Mọi chuyện vẫn chưa đến mức quá tồi tệ. Thật dễ để than thân trách phận:
‘Sao lại là tôi?’. Nhưng đối với tôi, thay vì than trách, tôi tự nhủ: ‘Mình thật may mắn vì đã phát hiện bệnh ung thư sớm’”.
Nếm trải những cảm xúc tiêu cực
Điều khiến Kim muộn phiền nhất là cô không biết mình còn có thể ở bên các con nữa hay không. Tuy nhiên, cô luôn tỏ ra lạc quan khi ở cạnh con. Bọn trẻ còn quá nhỏ, làm sao hiểu được những gì cô đang trải qua, và cô cũng không muốn làm con lo lắng. Nhưng nói vậy không có nghĩa Kim không hề cảm thấy khổ sở. Có những lúc cô khóc hết nước mắt trong phòng tắm. Cô chia sẻ, “Khoảng thời gian ấy thật đáng sợ. Tôi đang sống vui vẻ, khỏe mạnh, thì đột nhiên biết tin mình bị bệnh, và tương lai bỗng nhiên trở nên vô định. Vậy nên tôi cho phép mình khóc cho nhẹ lòng. Sau đó tôi sẽ bước ra ngoài, cảm nhận làn gió mát lạnh và tự nhủ: ‘Được rồi, mình ổn mà. Mình có thể đánh bại căn bệnh này’”.
Còn đó những tiếng cười
Vợ chồng Kim cũng cố gắng giữ tinh thần lạc quan trong giai đoạn khó khăn này. Thay vì tập trung vào nỗi lo, họ đã chọn tiếng cười. Họ cảm thấy sự hài hước giúp họ nhìn nhận mọi chuyện nhẹ nhàng hơn.
Một tối nọ, tôi nói với chồng: “Em thèm ăn pizza quá. Mình gọi pizza đi anh”.
Steve trả lời: “Em à, tủ lạnh còn nhiều thức ăn lắm. Sao phải gọi pizza?”.
“Steve, em bị ung thư đấy, và em đang thèm pizza.”
Steve nhìn tôi và nói: “Kim, em muốn dùng đến ‘tấm lệnh bài ung thư’ chứ gì? Được rồi, anh sẽ đi mua pizza cho em nếu em muốn. Anh đi ngay đây!”.
Tôi kêu lên: “Ôi không, không thể tin là em vừa làm vậy. Em đã phung phí ‘tấm lệnh bài’ chỉ vì một chiếc bánh pizza. Đáng ra em phải nhờ anh sửa lại căn bếp hoặc mua dây chuyền kim cương cho em mới phải. Đằng này em chỉ đòi hỏi mỗi món pizza”.
Thế là vợ chồng tôi đều bật cười.
Khả năng chuyển từ cảm xúc tiêu cực sang tích cực của vợ chồng Kim minh họa cho lập luận của nhà tâm lý học George Bonanno trong quyển sách của ông mang tựa The Other Side of Sadness (tạm dịch: Bên kia nỗi buồn). Ông gọi đó là “sự chuyển đổi” từ nỗi buồn sang một trạng thái tâm lý tích cực hơn.
Hầu hết chúng ta đều ngạc nhiên khi biết mình có thể thực hiện sự chuyển đổi đó. Không ai nghĩ mình có thể tìm thấy niềm vui và tiếng cười trong nỗi đau, nhưng khi thử làm như vậy, chúng ta cảm thấy trong lòng nhẹ nhõm hơn, dù chỉ là tạm thời. Trạng thái lạc quan này không chỉ đẩy chúng ta ra khỏi nỗi buồn, mà còn tái kết nối chúng ta với những người xung quanh. Tiếng cười luôn có tác động lan truyền đến người khác. Tiếng cười làm người khác vui vẻ hơn và mang họ lại gần chúng ta theo một cách mới mẻ, đền ơn họ vì đã cùng chúng ta trải qua những khoảnh khắc đau đớn.
Những mối quan hệ tích cực
Dù có lúc tuyệt vọng về tình trạng bệnh của mình, nhưng Kim không bao giờ để cảm xúc tiêu cực cản trở mối quan hệ tích cực với những người chăm sóc cô. Cô muốn mọi người động viên, giúp đỡ cô, và cô nghĩ: “Tại sao mình phải phung phí năng lượng cho các mối quan hệ thù hằn không cần thiết, trong khi mình đang dồn hết tâm sức vào việc hồi phục sức khỏe và chăm sóc gia đình?”. Chính thái độ tích cực đó đã giúp cô nhận được sự chăm sóc tốt nhất. Bạn phải là người chủ động bảo vệ sức khỏe của mình; bạn giúp ích cho bản thân nhiều nhất khi bạn không nhận gánh nặng từ rác rưởi của người khác và cũng không đổ rác của mình lên họ. Tôi còn nhớ Kim từng nói:
Bệnh nhân ung thư nào cũng có nỗi sợ. Bạn có thể phải chờ vài tuần để biết kết quả chẩn đoán từ bác sĩ, và nỗi sợ những điều chưa biết còn kinh khủng hơn việc đương đầu với bi kịch mà bạn đã biết rõ. Cam kết nói không với “xe rác” là một hướng dẫn hữu ích giúp chúng ta vượt qua giai đoạn khó khăn. Thứ nhất, đó là lời nhắc nhở rằng cuộc sống vẫn luôn xảy ra những điều tồi tệ mà chúng ta không thể kiểm soát. Biết được điều này rất quan trọng vì các bệnh nhân ung thư thường có cảm giác chính họ đã làm mình bị bệnh (Phải chăng do tôi ăn uống không lành mạnh, hay là tôi tập thể dục chưa đủ?), và tâm trạng ủ rũ đó chẳng giúp gì được cả.
Thứ hai, các cam kết hướng chúng ta tập trung vào những điều quan trọng. Bệnh ung thư đúng là “đống rác” to tướng bất thình lình đổ ập lên đầu bạn và mang đến cho bạn biết bao gánh nặng. Nhưng nếu luôn chủ động tìm kiếm những điều tuyệt vời trong cuộc sống và bỏ qua những điều tiêu cực, chúng ta cho bản thân cơ hội sống hạnh phúc, ngay cả khi chúng ta đang phải chống chọi với một thứ đáng sợ như bệnh ung thư.
Một cuộc sống không có xe rác cho phép bạn suy nghĩ sáng suốt. Khi phải đối mặt với thử thách lớn nhất đời mình, bạn không thể lãng phí sức lực vào những chuyện vụn vặt. Bạn phải tập trung vào những gì quan trọng. Trong trường hợp của Kim, trong khi cô sống lạc quan và biết ơn những điều tốt đẹp trong cuộc sống, cô vẫn luôn thận trọng chăm sóc sức khỏe của mình. Thật ra, nếu Kim không phát hiện và thông báo với bác sĩ về khối u nhỏ bằng hạt đậu bên dưới cánh tay thì có thể cô đã không phát hiện mình bị ung thư.
Sức mạnh của tinh thần lạc quan
Kim hoàn tất quá trình xạ trị vào ngày mười một tháng Một năm 2007. Hai tuần sau đó, vào ngày hai mươi lăm tháng Một năm 2007, cô tham gia cuộc đi bộ gây quỹ Race for the Cure của tổ chức Susan G. Komen, một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động vì phúc lợi của bệnh nhân ung thư vú.
Lúc đó tôi đã nghĩ: “Đây mới là việc mình nên tập trung vào”. Tôi vẫn cảm thấy biết ơn cuộc sống, vậy nên đã đến lúc tôi ngừng việc chỉ chăm chăm nghĩ về bản thân và bắt đầu nghĩ đến những phụ nữ khác. Có những người bệnh nặng hơn tôi rất nhiều, thậm chí một số người còn khó lòng qua khỏi. Vì vậy tôi phải làm gì đó cho những phụ nữ đang cần được giúp đỡ. Thế là tôi bắt tay vào hành động bằng cách khởi động một chiến dịch viết thư. Tôi chia sẻ trải nghiệm của mình và gây quỹ ủng hộ việc nghiên cứu bệnh ung thư. Tôi bắt đầu tham dự những buổi tiệc xã giao. Tôi còn nhớ mình đã nhìn quanh và nghĩ, “Đây toàn là những phụ nữ lớn tuổi phúc hậu. Nhưng mình cần kết nối với bạn bè và những người đồng trang lứa với mình, những bà mẹ trẻ khác, trước khi họ bị chẩn đoán mắc ung thư vú”.
Trong vòng một năm, có ba phụ nữ trẻ báo cho tôi biết tin họ bị ung thư vú và tìm đến tôi để xin lời khuyên. Không thể để như vậy được, tôi nghĩ chúng ta phải làm gì đó để giúp đỡ những phụ nữ này. Vì vậy, tôi hợp tác với Joy Goldman và trong vòng sáu tháng, chúng tôi tổ chức một sự kiện nhằm nâng cao nhận thức về ung thư vú cho bốn trăm phụ nữ. Chúng tôi đặt tên cho sự kiện là “The Power of Pink” (tạm dịch: “Sức mạnh của sự lạc quan”). Đến hôm nay, tôi vẫn vô cùng cảm động khi có người đến nói với tôi, “Cô biết không, nhờ cô mà tôi đã quyết định đi khám và sớm phát hiện mình bị ung thư. Cảm ơn cô rất nhiều”.
Sự ủng hộ từ gia đình và bạn bè
Câu chuyện của Kim còn cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc dùng năng lượng tích cực để kêu gọi sự ủng hộ từ gia đình và bạn bè. Bạn muốn kéo mọi người về phía mình, chứ không phải đẩy họ ra xa. Ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn, mọi người vẫn sẽ tiếp tục vun đắp mối quan hệ với bạn nếu bạn làm họ cảm thấy vui khi góp phần giúp bạn khỏe mạnh và hạnh phúc hơn. Mặt khác, nếu bạn cứ liên tục làm tâm trạng của họ đi xuống, thì đồng nghiệp sẽ bắt đầu giữ khoảng cách với bạn, bạn bè sẽ dần xa lánh bạn và người thân trong gia đình cũng mệt mỏi với tâm trạng, thái độ và hành vi tiêu cực của bạn. Kim đưa ra lời khuyên như sau:
Bạn có nhiều người bạn tuyệt vời, nhưng sau một thời gian, họ không muốn suốt ngày phải “hứng rác” của bạn nữa. Họ muốn biết những điều tốt đẹp đang diễn ra trong cuộc sống của bạn.
Khi họ quan tâm đến bạn, họ cũng muốn bạn làm điều tương tự cho họ. Ai cũng có vấn đề, chứ không riêng gì các bệnh nhân ung thư. Thật dễ để nhìn thế giới qua một lăng kính xám xịt, kiểu như, “Trời đất ơi, tôi bị ung thư đây này”, nhưng trên thực tế, mỗi người đều đang phải đối mặt với những vấn đề quan trọng của mình. Vậy cuối cùng ai sẽ đánh giá xem nỗi đau của người nào tệ hại hơn. Đây đâu phải là một cuộc thi.
Cuộc đời của Kim là lời nhắc nhở rằng việc cam kết nói không với xe rác hết sức quan trọng.
Với tình trạng sức khỏe của mình, một lần nữa tôi lại cần được theo dõi khối u. “Đống rác ung thư” ấy có thể sẽ mãi là một phần cuộc sống của tôi. Cam kết nói không với “xe rác” là thông điệp về việc không cho phép nỗi sợ bao trùm cuộc sống của tôi, ngay cả khi tôi băn khoăn không biết ngày mai sẽ ra sao. Đồng hành cùng tôi là những con người tuyệt vời, và tôi cũng đang được hưởng một nền y tế rất tốt. Bằng cách bỏ qua nỗi sợ và trân trọng những điều mình đang có: chồng, các con, gia đình và bè bạn. Tôi vẫn đang sống và có quyền quyết định cuộc đời mình. Tôi biết mình là một người hạnh phúc.
Hướng dẫn hành động
Hãy nghĩ về hành trình đấu tranh với bệnh ung thư của Kim và tác động của nó đối với cuộc sống của cô. Kim biết ơn những điều tốt đẹp và hạnh phúc của mình, nhưng không vì thế mà cô lơ là việc giữ gìn sức khỏe. Mặc dù nỗi lo vẫn thường trực, nhưng niềm hạnh phúc của cô đã chiếm ưu thế.
Cuộc sống của bạn thì sao? Bạn có nỗi lo nào mà bạn không thể hoàn toàn buông bỏ không? Tuần này, hãy chú ý đến cách những mối bận tâm của bạn ảnh hưởng đến tâm trạng và hành vi của bạn. Nó khiến bạn “hứng rác” và “đổ rác” như thế nào?
Hãy cố gắng nhìn nhận nỗi lo của bạn mà không để nó biến bạn thành “xe rác”. Bạn hoàn toàn có thể sống hạnh phúc mà không cần phủ nhận những mối lo cần thiết trong cuộc sống.