“Hãy sống như một chú chim, khi đậu phải cành mềm vẫn vui vẻ hót vang, vì nó biết mình còn đôi cánh.”
- VICTOR HUGO
Thế giới này sẽ ra sao nếu những người đang đau khổ được tự do làm bất cứ điều gì họ muốn? Trong khi chúng ta muốn có đặc quyền hành xử như xe rác, liệu chúng ta có sẵn lòng cho những người xung quanh quyền làm vậy? Chúng ta có muốn gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và những người xa lạ cứ thế trút rác của họ lên chúng ta chỉ vì họ cảm thấy hành động của họ là hợp lý không?
Vì ai cũng nghĩ mình có lý do chính đáng để nổi giận và đổ rác lên người khác, nên đó cũng chính là những gì chúng ta nhận lại từ người khác.
Tầm nhìn hạn hẹp
Nếu bạn sống mà chỉ nhìn vào nỗi đau của mình, hẳn là bạn cảm thấy mình không cần phải nghĩ đến người khác. Bạn tự nhủ:“Vậy nếu mình thiếu kiên nhẫn, hay nổi nóng, phán xét người khác hoặc hành xử tiêu cực quá mức thì sao nhỉ? Thế thì thật tệ. Nhưng chịu thôi, tất cả là do mình đang phải đối diện chiếc xe rác quá lớn mà cuộc sống gửi đến”. Nhưng khi bạn nhìn thế giới qua lăng kính đó, bạn không nhận ra việc hành xử như xe rác làm tổn thương bạn và những người xung quanh thế nào.
Khi nỗi đau của bạn quá lớn, thật dễ để bạn bào chữa cho hành vi xấu của mình (việc này hoàn toàn có thể hiểu được). Nhưng bạn có muốn sống trong một thế giới mà ai nấy đều vin vào nỗi khổ của bản thân để biện minh cho cách cư xử tồi tệ của họ không?
Mặc dù bạn muốn mọi người bỏ qua, hay ít nhất là thấu hiểu, những lúc bạn trút bực lên họ, nhưng bạn không thể bắt họ phản ứng theo cách này hoặc cách khác. Việc họ phản ứng thế nào trước cơn giận và sự vô tâm của bạn không phải do bạn quyết định. Bất luận bạn yêu thương người thân của mình đến đâu, phản ứng của họ là do chính họ quyết định. Bạn không thể điều khiển ai cả. Họ có thể rộng lượng bỏ qua cho cách ứng xử xấu của bạn, hoặc cũng có thể không. Nhưng có một điều chắc chắn, đó là ai cũng có một ngưỡng giới hạn về lượng rác mà họ có thể hứng từ người khác. Đến một lúc nào đó, những người xung quanh sẽ không chịu nổi bạn nữa, dù cho bạn đau khổ hay mất mát thế nào. Và tất nhiên, đó là lúc không còn ai thông cảm cho cách cư xử thiếu cân nhắc của bạn.
Hãy mở rộng tầm nhìn của bạn
Vì vậy, bí quyết ở đây là hãy nhìn rộng ra. Đừng chỉ biết lo cho bản thân mà hãy nhìn vào các mối quan hệ của bạn. Bạn có thể yêu thương và trân trọng những người xung quanh mình như thế nào? Chắc hẳn bạn sẽ rất đau khổ nếu mất đi một người thân yêu, một người bạn, hoặc biết tin người thân của mình bị bệnh. Vậy tại sao bạn lại làm khổ họ khi bạn vẫn còn có họ bên cạnh? Món quà quý giá nhất mà bạn có thể tặng cho những người thân yêu đang ốm đau, hoặc đã qua đời của mình là sống xứng đáng với tinh thần của họ. Bạn có thể làm được điều này bằng cách tuân thủ các cam kết trong Bài học Diệu kỳ từ Chiếc Xe Rác.
Bạn tử tế, kiên nhẫn và biết thông cảm cho người khác hơn khi bạn nhẹ nhàng bỏ qua những sai lầm nhỏ của người khác. Hãy kiềm chế việc phán xét người khác, cũng như bạn muốn người khác không phán xét mình. Nếu mất mát của bạn khiến bạn thông cảm với những người cũng khổ đau như bạn, tức là bạn đang đi đúng hướng rồi đấy.
Sống thật với cảm xúc của mình
Một số người cho rằng kỳ vọng mọi người tuân thủ cam kết nói không với xe rác trong giai đoạn đen tối nhất của họ là việc thiếu thực tế và đi ngược lại cảm xúc thật của con người. Theo quan điểm của những người này, nếu bạn muốn phát điên, đang buồn rũ rượi hay đang rơi vào trầm cảm thì cứ thể hiện ra cho mọi người biết. Tại sao bạn phải che giấu cảm xúc của mình? Còn theo tôi, đây chính là lúc khái niệm “sống thật với cảm xúc” cần được mở rộng.
Quan niệm cho rằng chúng ta nên chiều theo cảm xúc đầu tiên của mình thật hạn hẹp. Sống thật không có nghĩa là chúng ta phải phản ứng lại mọi cảm xúc của mình. Theo bạn thì thế nào mới là sống thật, nổi giận với mọi người vì bạn vừa trải qua một mất mát lớn, hay thể hiện lòng trắc ẩn với những người khổ đau hoặc đang gặp thử thách? Con người đâu chỉ có duy nhất một cảm xúc. Chúng ta có rất nhiều cảm xúc khác nhau. Đôi khi cảm xúc thứ hai và thứ ba mà chúng ta cảm nhận được sau một sự việc thể hiện con người tốt đẹp của chúng ta hơn là cảm xúc đầu tiên.
Daniel Siegel, đồng chủ tịch Viện Nghiên cứu Nhận thức của Đại học California tại Los Angeles và cũng là tác giả của quyển The Mindful Brain (tạm dịch: Bộ não tỉnh thức) từng phát biểu: “Việc sống theo bản năng dễ khiến chúng ta hành động thiếu suy nghĩ trước một tình huống mà không cân nhắc kỹ các lựa chọn phản ứng khác. Từ đó, hành động của chúng ta khơi mào phản ứng thiếu suy nghĩ của người khác. Hàng loạt phản ứng thiếu suy nghĩ như thế tạo ra một thế giới đầy những tương tác bồng bột và tàn ác”.
Việc tuân thủ cam kết nói không với xe rác giúp bạn lựa chọn cách bạn phản ứng với cảm xúc của mình cũng như đối xử với người khác một cách tốt đẹp.
Điểm mấu chốt là bạn cần xác định rõ đâu là điều quan trọng đối với mình. Khi bạn nhận thức rõ vai trò của mình và biết ơn vì mình được đảm nhiệm những vai trò ấy, bạn sẽ biết mình nên kỳ vọng điều gì ở bản thân.
Trong cuộc sống, có những lúc nỗi đau mất người thân hoặc nỗi lo vì một người thân đang bị bệnh đè nặng bạn. Hãy tôn trọng cảm xúc đau buồn đó, vì cảm xúc ấy hoàn toàn bình thường và tự nhiên. Đừng phủ nhận cảm xúc của mình. Cảm xúc là một phần của bạn, nhưng nó không định nghĩa con người bạn.
Dù bạn cảm thấy nỗi đau của mình quá sức chịu đựng, nghiên cứu của nhà tâm lý học George Bonanno là một lời nhắc nhở rằng nỗi đau sẽ nguôi dần qua thời gian. Hạnh phúc đến từ những khía cạnh khác của cuộc sống sẽ làm bạn quên dần nỗi đau của mình, và gánh nặng trên vai bạn cũng sẽ vơi dần.
Tuy nhiên, nếu bạn đau khổ trong một thời gian dài thì bạn nên tìm đến sự giúp đỡ của người khác. Hãy tìm sự hỗ trợ mà bạn cần, chẳng hạn như đến gặp bác sĩ tâm lý. Hãy làm bất cứ việc gì để bạn không chỉ vật vờ sống qua ngày. Ngay cả trong thời điểm tăm tối nhất, hãy tin rằng vẫn luôn có những bàn tay sẵn sàng chìa ra để kéo bạn đứng dậy, chỉ cần lên tiếng và mở lòng đón nhận sự giúp đỡ của người khác. Hãy cứ làm bất cứ điều gì bạn nghĩ mình nên và cần làm. Bạn xứng đáng với cuộc sống tươi đẹp, và điều đó hoàn toàn nằm trong tầm tay của bạn.
Hướng dẫn hành động
Hãy chú ý cách bạn phản ứng với những người và sự việc làm phiền bạn. Bạn có nhìn nhận sự việc dưới một góc nhìn hạn hẹp, hành xử như “xe rác” và biện minh cho hành động của mình không? Hay bạn biết mở rộng tầm nhìn của mình và suy nghĩ cho những người có liên quan trước khi bạn phản ứng?
Trong tuần này, hãy cam kết không hành động theo cảm xúc tiêu cực đầu tiên của mình khi có chuyện làm bạn bực mình. Bên cạnh đó, hãy tự hứa với lòng rằng bạn sẽ nhìn nhận sự việc với tầm nhìn rộng mở và suy nghĩ cho người khác trước khi bạn phản ứng. Viết ra cảm nhận của bạn khi bạn hành động chín chắn hơn và vẫn dựa trên cảm xúc tích cực rất thật của mình.