“Dù bậc vua chúa hay phận nông dân, người hạnh phúc nhất là người tìm được bình yên trong chính gia đình mình.”
- JOHANN WOLFGANG VON GOETHE
Tôi lớn lên trong một gia đình không có xe rác. Bà và mẹ tôi thường xuyên nhắc nhở con cháu phải biết kiềm chế bản thân. Chúng tôi có thể trình bày ý kiến về bất cứ điều gì nhưng không được phép tỏ ra hỗn hào hay bất kính. Chúng tôi có thể chia sẻ vấn đề của mình nhưng không được trút giận lên nhau. Việc thể hiện sự cáu bẳn lại càng không phải là một lựa chọn. Bà đã dạy tôi bài học đó từ khi tôi chín tuổi.
Sự thông thái của bà tôi
Một ngày mùa đông ở Milwaukee, tôi cùng ông bà, cha mẹ và em trai rời khỏi trung tâm thương mại Northridge sau khi xem xong một bộ phim hấp dẫn. Chẳng hiểu vì chuyện gì mà lúc đó tôi lại giận cha mình. Cũng như những đứa trẻ ở độ tuổi lên chín khác, tôi thể hiện sự chống đối bằng cách không thèm nói chuyện với ông nữa.
Hôm đó tuyết rơi nhiều và nhiệt độ xuống tới mức âm độ. Cha bảo chúng tôi đứng chờ trong trung tâm thương mại để ông ra nổ máy xe, bật hệ thống sưởi trên xe rồi quay vào đón chúng tôi.
Tranh thủ khoảng thời gian đó, bà tôi đến bên tôi và nói: “Bà không biết cháu giận cha chuyện gì. Nhưng cha rất yêu cháu và cháu cũng yêu cha. Đừng đi ngủ với tâm trạng hờn giận như vậy. Nhớ ôm hôn cha cháu trước khi đi ngủ nhé”.
Rồi bà kéo tôi vào lòng và thủ thỉ: “Hãy nói với cha cháu rằng cháu yêu cha, vì cháu không bao giờ biết khi nào Chúa sẽ mang cha cháu đi xa đâu”.
Tôi thắt lòng khi nghe bà nói câu ấy. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến ngày mình không còn cha bên cạnh. Đến tận bây giờ, những lời bà nói vẫn văng vẳng bên tai tôi: “Cháu không bao giờ biết khi nào Chúa sẽ mang cha cháu đi xa đâu”.
Kể từ hôm đó, tôi ý thức được tầm quan trọng của việc tuân theo các quy tắc trong gia đình mình. Chúng tôi không đi ngủ hoặc bỏ đi trong tâm trạng giận dữ, mà cùng ngồi lại với nhau để giải quyết mọi vấn đề. Chúng tôi không nhất thiết phải thảo luận về nguyên nhân gây bất hòa ngay lúc sự việc vừa xảy ra, nhưng phải đảm bảo mọi khúc mắc đều được giải quyết trước khi mọi người ra khỏi nhà hoặc đi ngủ.
Đối với tôi, cùng nhau nói không với xe rác là một cách rất hiệu quả để tình cảm gia đình ngày càng bền chặt và tránh làm tổn thương nhau. Các thành viên trong gia đình cam kết hỗ trợ nhau vượt qua thử thách và nỗi thất vọng. Không ai làm mình làm mẩy khi bực bội hay la hét để thu hút sự chú ý của người khác, mà mọi người chỉ nhẹ nhàng nói rằng mình đang cần được giúp đỡ. Trong một gia đình không có xe rác, mọi người luôn lắng nghe, cùng nhau giải quyết bất đồng và làm mọi cách để giúp đỡ nhau đạt được mục tiêu.
Lan tỏa niềm vui
Nếu cả gia đình tập trung vào việc khơi gợi những điều tốt đẹp nhất ở mỗi người, chúc mừng thành công của nhau và luôn yêu thương nhau, thì mọi người không còn lý do gì để hành xử như xe rác. Khi dành thời gian chia sẻ và thảo luận với nhau, các thành viên không còn thời gian xem thường hay thiếu tôn trọng nhau nữa. Một khi bạn nhận ra giá trị tốt đẹp của từng thành viên trong gia đình, hiểu được ý nghĩa của các mối quan hệ và biết trân trọng thời gian ở cạnh những người thân yêu, cuộc sống của bạn sẽ ý nghĩa và hạnh phúc hơn rất nhiều.
Tôi thường được hỏi làm thế nào để xây dựng một gia đình không có xe rác. Trước hết, bạn cần thuyết phục người thân của mình rằng cuộc sống của họ sẽ tốt đẹp hơn khi họ ngừng hành xử như xe rác, nhưng như vậy thôi chưa đủ.
Họ phải tự trải nghiệm sự chuyển hóa của bản thân. Họ sẽ không thay đổi chỉ vì bạn nói họ phải thay đổi. Nói cách khác, họ cần tự nhận thức được vấn đề của mình. Bạn có thể giới thiệu cho họ quyển sách này để họ khám phá triết lý “nói không với xe rác”. Một khi họ nhận ra những chiếc xe rác đã xen vào hạnh phúc và làm tổn hại đến các mối quan hệ của họ thế nào, họ sẽ sẵn sàng tránh xa những thứ tiêu cực, vì không ai muốn chịu đựng những gánh nặng không đáng có.
Khi các thành viên trong gia đình bạn tự trải nghiệm những hiểu biết sâu sắc này, đặc biệt là sau khi họ suy nghĩ và trả lời các câu hỏi trong phần Hướng dẫn hành động, mục tiêu xây dựng một gia đình không có xe rác của bạn sẽ trở thành hiện thực.
Các bạn cũng có thể nhắc nhở nhau tránh xa xe rác trong giao tiếp hằng ngày. Ví dụ, bạn có thể nói những câu đại loại như: “Hãy nhớ đến các bài học từ chiếc xe rác”, “Kể cho anh nghe về một ngày làm việc của em đi, nhưng đừng trở thành xe rác nhé”, hoặc “Này, đừng hành xử như xe rác, đây là gia đình không có xe rác cơ mà”.
Một cách khác là thốt lên hai từ “xe rác” bằng một giọng vui vẻ chứ không nghiêm trọng, để khiến mọi người dừng lại và xem xét lại hành vi của mình. Câu tự vấn “Mình đang hành xử giống xe rác như thế nào?” sẽ chặn đứng vòng xoáy tiêu cực sắp bùng nổ, đồng thời kéo bạn trở về một cuộc nói chuyện lành mạnh. Cuộc trò chuyện sau đó lại quay quanh những chuyện quan trọng đối với mỗi người, và không ai phải lo lắng về gánh nặng rác rưởi nữa.
Hướng dẫn hành động
Bạn nghĩ các mối quan hệ của mình sẽ được cải thiện như thế nào nếu gia đình bạn cùng nhau nói không với “xe rác”?
Tuần này, bạn hãy thực hiện hai cam kết.
1. Tuyên bố một quy tắc mới trong gia đình: Không ai được đi ngủ hoặc rời khỏi nhà khi đang hành xử như “xe rác”.
2. Luôn tìm kiếm những điều tốt đẹp từ các thành viên trong gia đình. Khi một người làm việc tốt, các thành viên khác nên kịp thời công nhận và khen ngợi người đó.
Đến cuối tuần, hãy viết ra cảm nhận của bạn khi sống trong một gia đình nói không với “xe rác”.