“Con ở đây; xin cha hãy sai con đi.”
- ISAIAH 6:8
Giáo sư danh dự Philip Zimbardo của Đại học Stanford, người nổi tiếng với nghiên cứu tâm lý học cổ điển được tiến hành ở Đại học Stanford vào năm 1971 mang tên The Stanford Prison Experiment (tạm dịch: Thí nghiệm nhà tù Stanford) và là tác giả của quyển The Lucifer Effect: Understanding How Good People Turn Evil (tạm dịch: Hiệu ứng Lucifer: lý giải vì sao người tốt trở thành kẻ xấu), đã cảnh báo chúng ta phải thận trọng đối với tác động chậm rãi của cái xấu:
Hãy cố gắng đừng phạm những tội tưởng chừng nhỏ nhặt như gian lận, nói dối, nói xấu sau lưng người khác, tung tin đồn sai sự thật, đùa cợt về sắc tộc, giới tính của người khác, chọc ghẹo và bắt nạt người khác. Những sai phạm này có thể trở thành bước đệm dẫn đến sự suy đồi nghiêm trọng hơn về đạo đức. Chúng tiếp thêm sức mạnh cho những suy nghĩ và hành động xấu xa của ta với những người xung quanh.
Cảnh báo của Zimbardo rất phù hợp với cam kết nói không với xe rác. Khu vực không có xe rác là nơi bạn không chịu thua trước những sức ép tiêu cực xung quanh hay bị cuốn theo những người có mục đích khiến bạn cư xử một cách đáng trách, thiếu suy xét và vô tâm. Bạn phải mạnh mẽ để không nhượng bộ những kẻ thích gây đau đớn, cả về thể chất lẫn tinh thần, cho bạn và bất kỳ ai khác. Bạn cũng cần dũng cảm để không khuất phục trước sức mạnh của những kẻ bạo ngược và chuyên bắt nạt người khác.
Nhưng đồng thời, cam kết nói không với xe rác đòi hỏi bạn tử tế và khoan dung trước những lỗi lầm nhỏ của người khác, những lỗi mà bạn cũng muốn được tha thứ nếu lỡ mắc phải. Bạn có thể giảm bớt sự căng thẳng của một tình huống bằng cách không chú ý đến nó, và tập trung vào những điều quan trọng hơn. Hãy nhớ rằng bạn không cần phải hứng rác của người khác.
Cam kết này cũng buộc bạn không được trút rác lên người khác. Mọi người đều xứng đáng được tự do sống một cuộc đời tươi đẹp, nhưng “tự do” không có nghĩa là bạn có quyền hung hăng hay bắt nạt người khác. Thay vào đó, hãy học cách đắc nhân tâm bằng chính đạo đức của mình. Hãy nói rõ cho mọi người biết những gì bạn coi trọng và luôn ủng hộ những giá trị đó.
Tấm gương một nhà lãnh đạo vĩ đại
Những lãnh tụ vĩ đại đều biết họ không thể để người khác chi phối mình. Họ chịu trách nhiệm cho cảm xúc và hành động của bản thân. Nếu không thể kiểm soát bản thân, có lẽ họ sẽ không thể thực hiện sứ mệnh mang lại công bằng, tự do và sự cảm thông cho thế giới.
Nelson Mandela có thể vượt qua hai mươi bảy năm tù đày vì ông không để những kẻ giam giữ ông, từ các nhà lãnh đạo chính trị quốc gia đến những tên cai ngục, đổ rác lên ông và làm ông nhụt chí. Mandela không thể điều khiển hành vi của những kẻ đàn áp mình, nhưng ông có thể quyết định phản ứng của mình trước sự tàn nhẫn và bất công của họ.
Mandela hoàn toàn có quyền cay cú và căm ghét những kẻ đã tước đi quyền tự do của ông, nhưng không, ông đã lấy niềm tin để thay thế lòng thù hận. Ông vững tin rằng một ngày nào đó, ông sẽ giúp mang lại tự do và công bằng cho toàn Nam Phi. Ông không tránh né mâu thuẫn dấy lên từ việc ông được trả tự do mà đã chuyển hướng nó thành công. Hành động của Mandela là lời nhắc nhở rằng chúng ta không được khuất phục lòng thù hận. Ông viết trong tự truyện của mình như sau:
Tôi biết sâu trong thâm tâm mỗi người là tình yêu thương và lòng nhân hậu. Không ai sinh ra là đã ghét người khác vì màu da, xuất thân hay tôn giáo của họ. Để biết ghét, con người cần phải học, và nếu có thể học cách căm ghét, ắt hẳn con người cũng có thể học cách yêu thương, vì tình yêu thương đến với trái tim con người một cách tự nhiên hơn là lòng thù ghét. Ngay cả những lúc khắc nghiệt nhất trong tù, khi tôi và các tù nhân khác bị đẩy đến giới hạn của mình, tôi vẫn thấy đâu đó tính nhân văn trong những tên cai ngục, có thể chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi thôi, nhưng như thế cũng đủ để tôi vững tâm tiếp bước hành trình của mình. Lòng tốt của con người cũng giống như một ngọn lửa, đôi khi nó bị ẩn khuất đâu đó, nhưng ngọn lửa ấy sẽ không bao giờ bị dập tắt.
Nelson Mandela đã nghe theo lời răn từ Kinh Thánh: “Hãy thương lấy kẻ thù của con, đối xử tốt với kẻ ghét bỏ con, chúc điều tốt lành cho kẻ nguyền rủa con và cầu nguyện cho kẻ lợi dụng con”. Chính nhận thức về việc làm điều đúng đắn đã hướng dẫn ông hành động. Mandela là một tấm gương sáng cho lối sống nói không với xe rác.
Bạn cũng có một sứ mệnh, và bạn chỉ có một cuộc đời để thực hiện sứ mệnh đó.
Vì vậy, đừng lãng phí thời gian của mình.
Hướng dẫn hành động
Những vấn đề nào của thế giới khiến bạn quan tâm nhưng có vẻ nằm ngoài tầm ảnh hưởng của bạn?
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn tin rằng ai cũng có thể thay đổi? Cuộc sống của bạn sẽ ra sao nếu bạn ngừng ám ảnh về quá khứ và thôi nghi ngờ bản thân, cũng như dập tắt những viễn cảnh tồi tệ về tương lai trong tâm trí bạn? Sẽ thế nào nếu bạn noi gương Nelson Mandela và quyết tâm đạt được mục tiêu quan trọng trong cuộc đời bạn?
Hãy viết ra những gì bạn có thể đạt được trong cuộc sống nếu bạn ngưng chú tâm vào những “chiếc xe rác” và tập trung vào điều thật sự khả thi. Bên cạnh đó, bạn hãy nghĩ ra một số cách bạn sẽ làm để biến thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn.