Thường lệ, buổi sớm hôm ấy đơn vị tôi lại vào rừng chặt gỗ tạp, lấy tre nứa về dựng lán trại và những ngôi nhà xưởng chứa các cỗ máy phủ bạt nằm trên bãi cỏ ngoài cửa rừng.
Không hiểu mấy hôm nay công việc làm tôi mệt mỏi, hay vì gì đã xui tôi tách khỏi đơn vị đi vào một con đường mòn nhỏ sang vạt rừng mỡ dưới chân đồi. Tôi xách dao len lỏi qua các thân cây, cho tới lúc tiếng ồn ã của đơn vị và tiếng soàn soạt của dao phạt bụi rậm mất hẳn bên kia đồi, tôi mới nhằm cây mỡ thật thẳng, thân vừa một cây cột, rồi nhìn lướt lại con đường nhỏ, thấy không có ai, bèn vung dao chặt.
Bỗng sau một thân cây mỡ, ngay trước mặt, tiếng ai sửng sốt:
- Sao lại chặt cây ấy?
Con dao trong tay tôi vung ra chết đứng ngang tầm vai. Tôi càng sửng sốt khi nhận ra, đấy là tiếng nói của một cô gái vừa hiện ra sau một cây mỡ lớn. Chiếc áo bộ đội, túi chéo, trên người cô bám đầy gai may rừng.
Thấy tôi đứng lặng, nét mặt ngượng nghịu vì “bị bắt quả tang” làm một việc phạm quy định bảo vệ rừng, cô gái cười khúc khích:
- Cây ấy còn non lắm, đừng chặt. Anh vào sâu kia một chút tuy hơi xa, nhưng nhiều gỗ tạp lắm. Em cũng chặt cây này trong ấy đấy.
Cô chỉ xuống một cái khe, dốc gần như dựng đứng, rồi lại chỉ vào cây gỗ nằm gọn dưới chân.
Tôi thu dao cắp vào nách, một tay đưa lên thọc vào mớ tóc cứng quèo, cười không được tự nhiên:
- Mệt quá... toan chặt cây này cho nhanh.
- Mệt thì nghỉ anh ạ. Cây mỡ ấy còn non lắm. Còn lớn được nhiều.
Tôi lúng túng, không rõ lúc ấy đã nói gì, nhưng chắc chắn không phải trả lời cô gái mà hình như tôi tự xỉ vả cái tính tùy tiện của tôi thì phải. Hồi trong chiến trường, đôi lần tôi mắc phải tính tùy tiện này nhưng chưa lần nào bị bắt quả tang. Tuy chỉ là một cây gỗ, nhưng qua việc làm ấy cô có thể đánh giá không hay về tôi. Điều ấy thật chẳng thú vị gì cho một người lính có tuổi quân khá nhiều, nhất lại là sự đánh giá của một cô gái khá xinh, có khuôn mặt tròn trắng hồng, đôi mắt màu nâu, hàng mi cong dài rất thẫm. Khi vác cây gỗ qua trước mặt tôi cô cười độ lượng.
Tôi nhìn theo dáng người cân đối, khỏe mạnh của cô thấp thoáng sau những thân mỡ, rồi khuất hẳn, chỉ còn lại một màu trắng mịn màng của những cây mỡ non thẳng đứng như những cánh tay trần nhô lên trên thảm cỏ non tơ phủ khắp các ngọn đồi.
Để tự “kỷ luật” mình, hôm ấy tôi đi rất sâu vào khu rừng nguyên thủy. Vừa đi vừa cố nhớ xem cô gái ấy ở bộ phận nào trong đơn vị. Thông tin? Quân y hay quân nhu? Chắc chắn cùng tiểu đoàn rồi nhưng đại đội mấy? Và, tôi không làm sao nhớ được đã gặp cô ở đâu. Mà thực ra, mới một ít ngày tất bật về đây làm nhà xưởng, dựng lán ở, làm gì có thời gian trò chuyện. Nhất là chúng tôi, tác phong những người lính ở chiến trường cũng quen rồi, làm là chạy một mạch không rẽ ngang về tắt; vả lại, khi làm thì gương mặt của người lính ai cũng như ai, nụ cười dù trai hay gái đều có chung cái thoải mái, độ lượng. Có nhận ra nhau, phải chăng là một tiếng hát hay, hoặc không hay nhưng rất tự nhiên, lúc nhí nhảnh ngộ nghĩnh, lúc đằm thắm từ ngôi nhà bạt nằm lúp xúp như những cây nấm hòa trong màu thẫm của rừng đêm. Nhưng lúc ấy lại là lúc chúng tôi đã cởi giày, trùm chăn nằm chờ giấc ngủ ập đến.
Tôi ì ạch vác cây gỗ lớn về và nghĩ, thế nào cũng gặp lại cô trong một ngày rất gần! Chắc chắn lúc ấy không phải như cái buổi gặp đáng chê trách như ngày hôm nay.
Nhưng mấy hôm sau, cũng trong khu rừng ấy tôi không gặp lại cô nữa. Mặc dầu vẫn gặp rất nhiều ánh mắt của các cô ở đại đội khác, nhưng không có ánh mắt nào như đôi mắt đã làm tôi ngượng ngập đến khổ sở bên thân cây mỡ. Rồi suy nghĩ về cô cũng qua, bởi công việc hàng ngày cuốn tôi đi, bởi những ngôi nhà xưởng đang ngày một hình thành; bởi một sự khao khát từ năm, sáu năm nay khi ngồi trong chiến hào nghe tiếng bom đạn, chúng tôi vẫn nhớ về tiếng náo nức của những cỗ máy reo vui; bởi trước khi mặc áo lính, chúng tôi là những người thợ lái xe, thợ nguội, thợ hàn... nên chúng tôi mong nhanh được gặp lại tiếng máy, tiếng búa và ánh lửa xanh mát với guồng quay sôi nổi trong những ngày lao động.
*
Khi khu nhà xưởng giữa rừng ngày một hoàn chỉnh. Những mái nứa nằm dưới tán lá kéo dài bên sườn đồi đã bắt đầu rung lên theo tiếng máy. Các đại đội trong tiểu đoàn tôi bắt đầu tuyển thợ để thành lập các đội sản xuất.
Tôi vốn là con một người thợ nguội nhiều năm ở Hà Nội. Trước khi nhập ngũ, tôi biết khá nhiều nghề: nguội, tiện, gò cho đến cả lái xe chạy trên đường đông người cũng được 40 kilômét trên giờ. Nhưng tôi thích nghề hàn. Hai mươi hai tuổi tôi đã là thợ hàn bậc ba. Nhiều lần nhà máy đã gọi tôi đi làm “chuyên gia’’ cho những mối hàn hiểm hóc. Tay thợ như thế trong đơn vị tôi không phải là nhiều. Chỉ có tôi và Hưng, một anh trung sĩ ở đại đội tôi, trước kia cũng là một người thợ cự phách của Nhà máy Cơ khí Hà Nội. Hưng luôn luôn có hàng chục học sinh ra nghề với mối hàn mà những người kiểm nghiệm đều hài lòng. Hưng có dáng người cao, vai rộng, cánh tay dài, bàn tay to chắc chắn, rất con nhà sắt thép. Thời gian vừa rồi dựng nhà xưởng tôi có nhiều cảm tình với anh, không phải vì sự hăng hái, sôi nổi, mà vì những ý kiến thông minh của anh được nói ra sau khi đôi mắt hơi dài nheo lại như suy nghĩ. Có lần, Hưng xử lý cái bệ máy cắt đột liên hiệp MU-13 bị vỡ một mảng vì mảnh bom văng tới, tôi đã nghĩ: “Thằng này khá đấy”.
Nhưng tới ngày tuyển thợ thì ý nghĩ đẹp đẽ về Hưng của tôi bị mất hẳn. Tôi và Hưng được chỉ định làm tổ trưởng của hai tổ hàn trong đội cơ điện, và được tự ý chọn thợ tiện biên chế vào tổ.
Không biết trong những ngày dựng xưởng vừa qua, Hưng đã lập sẵn một danh sách ngấm ngầm toàn tay thợ tương đối khá từ khi nào, nên vừa có gợi ý ở trên cậu ta đã chộp những tay thợ có thể làm được việc ngay, không phải mất công kèm cặp. Mặt khác, đối với những người còn nghi ngờ về tay nghề thì cậu ta cho thử ngay bằng đường hàn cơ bản hoặc phức tạp. Tất nhiên, bằng cách này, rất nhiều anh và nhiều cô có tay nghề chuệch choạc bị đẩy sang tổ tôi một cách hợp lý. Người nào không bảo đảm mối hàn, Hưng cương quyết không nhận, chuyển sang tổ bốc vác, cạo gỉ, hay làm đường...
Một buổi sáng, tôi di chuyển thép góc cho vào máy cắt đột thì thấy một cô gái cầm mặt hàn chạy theo Hưng, giọng nài nỉ:
- Đề nghị anh nhận em vào tổ anh. Em tin là em làm được. Trước khi vào bộ đội em đã thích nghề hàn rồi.
Như mọi lần, Hưng sải bước rất dài đi chỗ khác, mắt nheo nheo, lạnh lùng, ngoái lại:
- Cô không làm thợ hàn được đâu. Nước da cô thế kia chịu sao nổi ánh lửa hàn. Với lại...
Hưng quay lại rất nhanh, cúi xuống nhặt trên nền nhà xưởng hai thanh thép bản hàn gối lên nhau bị cháy nham nhở, lật qua lật lại, giải thích, không sợ cô gái phật ý:
- Với lại mối hàn như thế này thì rồi cô có đốt hàng yến que hàn cũng chưa chắc khá lên được.
Cô gái van vỉ:
- Các anh chỉ cần kèm cặp em độ ít ngày là có thể làm được.
Vừa nghe tiếng kèm cặp, Hưng vội bỏ rơi hai miếng thép bản có mối hàn cháy nham nhở đánh choang trên nền:
- Cô chờ lớp nào đi học vậy, chứ tổ tôi mỏ hàn còn chưa có người làm, nói gì có người bỏ ra kèm cặp.
Lần này Hưng đi thẳng.
Cô toan chạy theo, nghĩ sao đứng lại, tay gõ mặt hàn vào bàn nguội, răng bậm môi muốn khóc. Lúc giọt nước mắt sắp trào xuống má thì tôi bỗng nhận ra đôi lông mi cong dài, và đôi mắt màu nâu của cô tôi đã gặp trong rừng mỡ.
Hình như đã nhận ra tôi và biết tôi rõ chuyện, má cô đỏ bừng lên, mặt quay đi nơi khác, mi mắt chớp chớp như muốn giấu những giọt nước mắt sắp trào ra.
Tôi mỉm cười:
- Chị thích nghề hàn lắm à?
Cô không nói gì, gật gật đầu đưa nắm tay lên dụi mắt.
- Thế này nhớ - Tôi nói dứt khoát - Chị vào tổ tôi vậy.
Câu ấy vừa dứt, thì thấy cô ngước lên nhìn tôi rất nhanh vẻ ngạc nhiên như không tin điều tôi nói là sự thật. Còn Hưng, đã đi được một đoạn khá xa, quay lại nhìn tôi, muốn nói: “Cậu không hy vọng gì ở cô ta đâu”. Tôi bỏ qua cái nhìn ấy để động viên cô, tôi nắm tay cô rất tự nhiên kéo về phía tổ tôi.
- Lại tôi ghi tên để lát nữa báo cho quân lực. Chị đã thích thì thế nào cũng thành thợ giỏi thôi.
Từ không tin, cô mỉm cười bước theo tôi một cách ngượng ngập. Đi được vài bước, nhớ ra, tôi quay lại cúi xuống nhặt hai miếng thép bản có mối hàn nham nhở của cô mà Hưng vừa đánh rơi để vào bàn tay cô:
- Giữ lấy làm kỷ niệm. Chắc đây là mối hàn đâu tiên phải không?
Và muốn nói thêm: “Kể cũng liều thật đấy”.
Cô gật đầu mỉm cười nhìn tôi.
Từ buổi đó, tôi biết tên cô là Anh, Vân Anh, cái tên ấy ngân vang như một nét nhạc tươi mát, trong sáng, gieo vào lòng tôi một tình cảm tha thiết có thêm chút bâng khuâng. Không ngờ, buổi gặp trong rừng mỡ lại dẫn Vân Anh đến với tôi hôm nay, để cô thành người thợ trong tổ tôi. Tôi đã gặp nhiều cô gái, kể cả trong chiến trường giữa những ngày ác liệt. Có cô tôi yêu, dù chỉ một lần gặp trên cùng đoạn đường nhưng rồi chẳng bao giờ gặp lại. Có cô yêu tôi luôn tìm cách đến với tôi, nhưng tôi lại cứ tìm cách lẩn tránh. Vân Anh, tôi chưa hiểu gì về cô nhưng sao tôi rất mến, mến lắm. Hình như tôi có ý nghĩ yêu cô nữa thì phải.
Trong quá trình kèm cặp tay nghề cho cô, cô kể chuyện về mình cũng tự nhiên như buổi cô gặp tôi lần đầu tiên.
- Em ở phố Huế. Cái phố ấy lúc nào cũng đông người và nhiều tiếng động anh nhỉ? Em nhớ lắm, ngày nhỏ, vào buổi tối, tuy rất nhiều tiếng động, nhưng em chỉ lọc ra tiếng máy khâu rè rè đều đều của bà già may mũ bên cạnh để ru mình ngủ. Buổi sáng, tiếng chuông xe điện choeng choeng! Tiếng bánh trượt trên đường sắt đánh thức em dậy. Bọn bạn em, buồn cười lắm, mỗi đứa thích mỗi thứ. Đứa thích xem phim, ước lớn lên làm chị soát vé. Đứa thích xem truyện của ông già bán bánh gối ngoài cổng trường, nhưng lại sợ cái bướu trồi lên to như quả bưởi ở lưng ông. Còn em, em lại thích ánh lửa hàn của ông thợ làm vành xe đạp trước cửa nhà. Mỗi lần đi học về em ngồi xem ông dùng mỏ hàn đốt bằng hơi ô-xy cắt những mảnh thép dày đến 20 ly. Rồi ông gắn những thanh thép với nhau bằng mấy giọt thép mới tài chứ. Với lại nhìn cũng vui mắt kia. Ánh lửa lúc trắng, lúc xanh, lúc vàng suộm; thanh thép đen sạm, hồng, đỏ rực chuyển thành nước mới thích chứ. Cho tới giờ, nhìn qua kính hàn, thấy dòng thép đỏ chảy reo lên, em vẫn có cảm giác như ngày còn trẻ con.
Vân Anh cười. Tôi nghĩ: “Thảo nào, không được nhận vào tổ hàn, mắt đã đỏ hoe lên rồi”. Vì mến và cũng vì lòng say mê của Vân Anh với nghề hàn, nên trong khi kèm cặp tay nghề cho cô, tôi có thiên vị hơn đối với những người khác đôi chút. Biết thế là không nên, nhưng không sao tránh được. Còn Vân Anh, có hiểu suy nghĩ của tôi không. Đôi mắt màu nắng có hàng mi cong dài thẫm lại chỉ chăm chú vào những đường hàn khi tôi giảng giải. Cô chỉ cười vui khi tôi bảo: “Chị lấy hồ quang khá đấy”, hoặc: “Mối hàn của chị chuẩn lắm!”.
Có nhiều cậu, nhiều cô trong tổ thấy chúng tôi chụm đầu vào nhau xem một mối hàn là họ lại nháy mắt cho nhau, cười tinh nghịch. Nhất là Lễ, anh hạ sĩ béo lùn, rậm râu, nhân viên phòng kỹ thuật xuống kiểm tra, thấy tôi và Vân Anh, cậu ta lại bụm miệng, mắt háy háy, nói như thật:
- Mình đã để riêng một tháng lương mua quà mừng hai bạn rồi đấy.
Vân Anh nghe vậy mặt đỏ dừ, sợ hãi nhìn anh em trong tổ rồi lại nhìn tôi như muôn nói điều gì.
Tôi cười xòa, giơ nắm đấm dứ dọa, chứ không thấy khó chịu. Bởi tôi biết Lễ từ ngày ở cùng phố, bỗ bã thế thôi nhưng tốt bụng. Mà thực ra dối mình làm gì? Tôi đã nhiều lần muốn nói điều gì với Vân Anh, nhưng nói vào lúc nào thì tôi chưa biết.
Một buổi trưa, khi những đám mây trắng bồng bềnh bay ngang trời, tiếng chim òa từ thung lũng vang trong không gian, nắng như rót mật lên mặt lá xanh thẫm, khi hàn xong mối cuối cùng của bộ vì kèo, vừa bỏ mặt hàn, tôi đi đến bên Vân Anh đang chăm chú nhìn qua kính. Ánh lửa hàn lóa trắng, tôi đưa tay lên che mắt, thuốc hàn nổ lách tách như tiếng rạn nứt của vỏ cây khi mùa đông qua. Cô vẫn chăm chú hàn không biết có tôi đứng phía sau. Bỗng tôi nhận thấy tay cô không đi găng đang nắm chặt tay hàn, tàn lửa bắn tung tóe. Có đốm lửa đậu trên tay cô khá lâu. Cạnh đấy, một chiếc găng nằm trên bãi cỏ, tôi nhặt lấy mà bật gọi:
- Vân Anh!
Ánh lửa hàn vụt tắt. Vân Anh quay lại nhìn tôi với nụ cười tươi tắn. Và, khi nhận thấy chiếc găng bảo hiểm trong tay tôi, cô hơi cúi xuống như biết ơn, như ngượng ngập. Tôi toan nói một câu gì thật sâu kín, chân thành nhưng sao tôi lại nói:
- Chị làm như thế không đúng nội quy an toàn đâu nhé!
Vân Anh bật cười, ngước nhìn tôi. Cô trả lời:
- Đi găng vướng lắm, đưa que hàn không linh hoạt.
- Phải đeo găng vào chứ, không rộp tay đấy.
Tôi đưa mắt rất nhanh nhìn khắp bãi đặt vì kèo vắng vẻ và mạnh dạn nắm lấy bàn tay cô còn nóng hơi lửa:
- Để tôi đi găng cho.
Vân Anh hơi giật mình, và cũng rất nhanh, như tôi, nhìn khắp bãi cỏ trống trải ngổn ngang vì kèo. Rồi để nguyên cho tôi xỏ găng hộ.
- Mà sao - Tiếng cô rụt rè, thoáng như hơi thở - Sao anh cứ gọi em là chị? Gọi thế xa thế nào ấy.
- Thế gọi là cô nhớ?
- Không, tiếng ấy như ghét bỏ nhau.
- Là em có được không?
- Tùy anh đấy.
Cả hai chúng tôi cười, nhìn nhau.
- Anh chỉ muốn được làm mãi với em thế này thôi. Mà Vân Anh này...
- Gì cơ anh?
- Anh định đến lúc nào đòi nợ em.
- Em nợ gì anh đâu?
- Có chứ. Em đã thành người thợ hàn giỏi rồi.
Vân Anh cười thành tiếng rất vui.
- À, đúng rồi. Hôm nào em mua mấy cuốn sách giả công anh.
- Anh không lấy sách.
- Thế thì em giả công anh bằng một vé xem phim?
- Không.
- Em không hiểu.
Vân Anh cười rồi đứng lùi xa như trốn tránh, như sợ tôi đến nắm bắt tay như ngày nhỏ chơi trò “ú tìm”.
Sau buổi ấy chúng tôi càng xích lại gần nhau hơn.
Vốn tôi đã yêu cuộc sống này, nhưng những ngày ấy tôi lại còn phát hiện ra nhiều điều để yêu hơn. Từ tiếng máy rền vang, ánh lửa hàn chấp chới, đến những khuôn mặt tôi chưa hề quen biết. Tôi muốn những giờ nghỉ tĩnh mịch qua đi; náo nức thấy ánh sáng; náo nức được đi lại trên con đường mòn nhỏ đến xưởng, và thấy lòng mở rộng khi bắt gặp một ngọn gió vô hình làm rung động những bông hoa dại nhiều màu sặc sỡ chưa hề có tên, trên con đường in vết chân đồng đội tôi đến xưởng, trong đó có vết chân Vân Anh.
Những ngày đó sớm qua đi vì một việc xảy đến.
Ngày đầu xây dựng nhà máy, vì chúng tôi là những người lính từ chiến trường trở về sản xuất, nên sản phẩm nhiều hay ít, kế hoạch đạt hay không thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến thành tích, đến thu nhập. Nhưng qua thời gian hoàn chỉnh tay nghề, đơn vị tôi đi vào sản xuất như một nhà máy thực sự. Từng đội, từng tổ phải có kế hoạch sản xuất, phải có hạch toán. Tất nhiên, tổ hàn của tôi và Hưng cũng đi vào làm ăn theo chiều hướng chung của đơn vị. Đối với tôi, cách làm việc như vậy không có gì mới mẻ, bởi trước khi vào bộ đội tôi đã là người thợ hưởng lương theo sản phẩm. Nhưng đối với anh em trong tổ thì có phần bỡ ngỡ, vì phần lớn trước khi vào bộ đội, họ là những học sinh nhiều nghề khác nhau của các nhà máy.
Bước vào sản xuất có hạch toán, tổ Hưng vượt tổ tôi, về sản phẩm, không những thế, kỹ thuật còn trội hơn rất nhiều. Cũng tới lúc này tôi mới thấy ghét Hưng. Mặc dù vẫn nể. Cậu ta không muốn nặng mình, đã thẳng tay gạt phắt những gì làm ảnh hưởng tới dây chuyền sản xuất sau này.
Bị đánh giá là tổ yếu, chi đoàn chúng tôi họp kiểm điểm rút kinh nghiệm. Phần lớn ý kiến cho rằng tổ tôi chưa biết hợp đồng chặt chẽ, chưa có kế hoạch làm việc. Anh em nể không nói thẳng là do tôi, mà nói là: “Tổ chúng ta” để tôi đỡ tủi thân.
Riêng tôi, vì những suy nghĩ ấm ức với Hưng cứ trỗi dậy, bùng lên và với chính cả việc anh em trong tổ đã đánh giá tôi thấp hơn Hưng nên tôi nói hết sức gay gắt:
- Sản phẩm của chúng ta không đạt kế hoạch và tiêu chuẩn kỹ thuật, điều chủ yếu vì tay nghề chúng ta còn non. Còn tổ đồng chí Hưng đạt kế hoạch là tất nhiên. Đáng lý còn phải vượt nữa kia.
Nghe tôi nói hầu hết anh em không hài lòng. Tôi nhìn khắp lượt, anh chị em tránh ánh mắt tôi.
Bỗng từ cuối phòng, Vân Anh đứng dậy không nhìn tôi mà nhìn ra ngoài cửa sổ tối thẫm, đôi lúc loáng vụt lên một ánh tia lửa hàn rất sắc.
- Theo tôi, đồng chí tổ trưởng nói thế chưa thật đầy đủ.
Những tiếng đầu tiên Vân Anh nói rất khó nhọc và nhỏ. Tôi hiểu cái giây khó nói đầu tiên ấy, đánh dấu một suy nghĩ có vết rạn nứt đầu tiên về tôi. Cái giây phút ấy hoặc để chúng tôi gần nhau, hoặc có thể xa nhau mãi mãi.
- Theo tôi - Vân Anh nói tiếp, rõ ràng mạch lạc hơn - đồng chí tổ trưởng không nên so sánh giữa tổ ta với tổ đồng chí Hưng, về phần so sánh này, tôi nói đến sau. Chủ yếu chúng ta họp để thảo luận tìm ra nguyên nhân vì sao chúng ta không đạt kế hoạch.
Cũng như các đồng chí trong tổ phát biểu, tôi rất nhất trí. Đành rằng tổ ta tay nghề còn non, nhưng nếu chúng ta biết cách bố trí công việc hợp lý trong từng giai đoạn cho từng người, biết cách khai triển và bổ sung bản vẽ kịp thời, không để anh em nghỉ, chờ đợi thì nhất định tổ ta sẽ đạt kế hoạch. Theo tôi, để làm được việc ấy thì chủ yếu phải do cách bố trí khoa học của đồng chí tổ trưởng. Còn so sánh với tổ đồng chí Hưng thì ta thua họ về tay nghề là tất nhiên, nhưng thực ra chỉ những ngày đầu thôi, còn hiện giờ chênh lệch tay nghề không đáng kể. Chủ yếu là thua xa về cách tổ chức lao động.
Nói dứt lời, Vân Anh mới quay nhìn tôi, đôi mắt sẫm lại trong ánh điện đã nhạt ở cuối phòng. Trong vòng mắt ấy, tôi thấy cô muốn nói với tôi một điều “Không thể nói khác được anh ạ”.
Tôi lạnh người khi nghe những tiếng cuối cùng và gặp ánh mắt cô. Thật không ngờ, đôi mắt cô bình thường nhìn hiền lành là thế, ngoan ngoãn là thế, giờ sao đáng sợ. Tôi biết rằng, chỉ một câu đáp trả xẵng thì ánh mắt ấy sẽ đáng sợ hơn.
Tôi ngồi xuống ghế, đầu cúi gằm, tay thọc vào mớ tóc cứng quèo, bóp mạnh, nghe láp ráp. Rồi trong phòng tiếng đẩy ghế lịch kịch, tiếng đóng cửa sổ, tiếng bước chân ra khỏi phòng xa dần. Tôi vẫn không ngẩng lên. Chắc chỉ còn mình tôi. Gian phòng như rộng ra. Im lặng quá! Tôi thấy khó chịu và hậm hực. Anh em trọng tổ, những người lính ấy, tất cả chúng tôi ở chiến trường ra. Những ngày ở trong ấy chưa bao giờ có một lời coi thường đồng đội, cũng chưa bao giờ thấy mình cô đơn như lúc này. Sản phẩm tổ tôi không đạt kế hoạch. Anh em và cả Vân Anh nữa, lập luận để bảo vệ cho tôi tay nghề kém cỏi của mình? Hay tôi lập luận bảo vệ cho tính sĩ diện của tôi.
Cũng lúc ấy tôi nghe có tiếng bước chân rất nhẹ vào phòng, đi lại gần. Tiếng bước chân rất êm. Tôi đã nhận ra tiếng bước chân ấy là của ai rồi và không ngẩng lên. Vân Anh, đúng, chỉ có em. Tiếng bước chân ấy, đã nhiều lần vào những đêm sao, tôi đã đứng dựa vào thân mỡ, lắng nghe và chờ đợi. Nhưng các buổi ấy, tôi chờ để được nghe tiếng nói ấm áp của em. Giờ em nói gì? Em chẳng đã nói cả khi nãy rồi hay sao?
- Anh ạ, - Vân Anh nói trong khi tôi vẫn không ngẩng lên - theo ý em, anh nên sang tổ anh Hưng tìm hiểu xem các anh ấy làm việc như thế nào. Em nghĩ, đấy không hẳn là học tập kinh nghiệm mà là bàn bạc để hiệp đồng làm việc giữa các tổ...
Mạch máu ở thái dương tôi giật mạnh, tôi đứng bật dậy. Chắc hẳn nét mặt tôi lúc đó phải gớm ghiếc lắm nên tôi mới thấy đôi vai cô co lại, tay đưa lên ôm lấy ngực, mắt mở tròn xoe, đôi môi hơi hé ra kinh ngạc.
- Tôi không phải sang đâu hết! Cô đi mà sang.
Tôi toan buột ra một câu khác bực bội: “Nhưng cô nên nhớ rằng, anh ta đã không nhận cô từ buổi đầu rồi đấy”. Nhưng may quá, tôi vẫn còn đủ tỉnh táo để hiểu được những gì ở phía sau câu nói.
Để chứng minh cho mọi người biết rằng không cần phải rút kinh nghiệm, tham khảo cách làm việc của tổ nào, tôi vẫn đưa được năng suất của tổ lên, hoàn thành vượt mức kế hoạch tháng tới, cho dù chỉ vượt một hoặc hai phần trăm theo định mức. Đó là tháng cuối năm. Tháng ấy, đem chiến thắng hay thất bại đến cho tôi? Tôi sắp xếp công việc một cách ráo riết trong suy nghĩ, nhưng bên ngoài vẫn không để ai biết. Nhiều lúc tôi đứng tì tay trên máy hàn tư lự quan sát bên tổ Hưng, tìm ra cách bố trí hợp lý. Chuyển thép bản, thép góc từ đống đưa vào lấy dấu vào máy cắt đột rời chuyển sang bộ phận hàn gá, cuối cùng ồ ạt đưa ra sân bãi hàn hoàn chỉnh, Tôi cũng lại tự rút ra thời gian thừa trong dây chuyền sản xuất, của tổ tôi. Qua mấy buổi, tôi đã lập ra được tiến trình sản xuất cho tổ.
Còn vài ngày nữa bắt đầu vào trận chiến đấu để hoàn thành 17 bộ vì kèo 12 mét trong tháng 12. Công việc đầu tiên, tôi lên phòng kỹ thuật thúc bản vẽ, chăm chú nghiên cứu, phát hiện, bổ sung cho hoàn chỉnh. Chỗ nào không giải quyết được, tôi hỏi Lễ giúp hộ. Sau đó tôi chú ý tới khâu vật tư: thép bản, thép góc, tôn làm dưỡng và những loại que hàn cho phép.
Chuẩn bị khá chu đáo, tôi họp tổ sản xuất và nhấn mạnh cách bố trí trong dây chuyền sản xuất với lý do tổ bước vào sản xuất mặt hàng mới. Vì có suy nghĩ trước, cách bố trí thợ đứng ở từng công việc, tôi diễn giải khá tỉ mỉ, hợp lý khiến anh em trong tổ rất tán thành và cũng có một suy nghĩ háo hức như tôi bước vào trận chiến đấu mới lấy lại uy tín đã bị mất. Vân Anh còn có vẻ giận tôi vì câu chuyện xảy ra trong buổi tối hôm nọ. Cô im lặng ngồi cuối phòng, đôi mắt chớp chớp nhìn xuống, nét mặt làm ra vẻ bình thản, nhưng tôi biết rằng cô cũng đang rất vui như anh em trong tổ đang nhìn tôi kia. Tôi hồ hởi thầm nghĩ khi nhìn ánh lửa hàn bên tổ Hưng chớp chớp ngoài cửa sổ: “Xem tháng tới ai chiến thắng”!
Bước vào sản xuất, chỉ mấy ngày đầu, tổ tôi đã hoàn thiện khâu chế thử và làm được hoàn chỉnh bộ đồ gá. Sang ngày thứ hai đã đi vào cắt thép, chuẩn bị cho hàn hàng loạt. Trong khi đó tổ Hưng vẫn loay hoay dỡ đi, làm lại mất bao nhiêu lần để chỉnh kích thước. Tôi nhìn sang tổ Hưng với ý nghĩ sung sướng ngầm.
Tôi luôn có mặt ở khâu cắt thép trong dây chuyền sản xuất. Bởi đấy là khâu quan trọng nhất, quyết định đúng sai của những kích thước cơ bản về khẩu độ. Còn như những sai lệch khác không ngại, có thể chỉnh lại được dễ dàng.
Thấy tôi chỉ lúi húi bên máy cắt đột, Vân Anh nhiều lần đến bên tôi, phân vân:
- Anh phải kiểm tra xem những bộ phận khác...
Tôi không ngẩng lên, ngắt lời:
- Cứ yên trí!
Mặt khác, tôi vận động anh em bằng lòng tự ái của tháng thất bại vừa qua để mau chóng hoàn thành kế hoạch trước thời hạn. Anh em lao vào làm việc khẩn trương. Ánh lửa hàn tạo thành những vồng sáng rực rỡ tiếp nhau làm thành một chuỗi dài liên tục. Nếu công việc cứ đều đặn tiến hành như vậy thì tổ tôi có thể hoàn thành vượt kế hoạch trước hàng tuần lễ. Nhưng sự chuyển động nhịp nhàng bỗng bị rối lên vì que hàn năm ly hết, trong kho chỉ còn loại ba ly. Nếu hàn que ba ly thì phải hàn ba lần mới bảo đảm được chiều dày mối hàn bình thường. Điều khác, nếu đưa que hàn ba ly nhiều lần lên một mối hàn mà không có tay nghề vững vàng, rất dễ làm cháy thép, gây ra biến dạng hình học giàn kèo. Chẳng lẽ dừng lại chờ que hàn năm ly? Bộ phận vật tư trả lời: phải chờ vài ngày. Nhưng vài ngày là bao nhiêu ngày? Sự chuyển động nhịp nhàng của tổ, tôi đã bố trí rất khớp với thời gian. Chậm que hàn chỉ hai, ba ngày là kế hoạch thực hiện có thể kéo dài hàng chục tuần lễ. Biết đâu, quá trình sản xuất đang đà tiến này phải dừng lại, rồi có thể không đạt kế hoạch! Thực ra không đạt kế hoạch đã ngán rồi, nhưng đối với tôi thì nó lại như một mũi kim đâm nhói vào vết thương chưa lành. Tôi đã nhiều lần thấy đau đớn bị sỉ nhục khi bắt gặp ánh mắt nheo nheo của Hưng nhìn khắp phân xưởng. Và bất chợt một lúc nào đó tôi nhìn ánh mắt thán phục của người thợ trong tổ tôi, cũng có khi là Vân Anh nhìn sang những bộ vì kèo bên tổ Hung xuất xưởng thì lòng tôi lại cộm lên... Không, tôi sẽ là người chiến thắng.
Tôi quyết định hàn que ba ly.
Biết ý định ấy. Vân Anh lo lắng hỏi:
- Anh đã bàn với anh Lễ chưa?
- Cứ làm. Hỏi kỹ thuật chỉ thêm rầy rà thôi.
Tôi đưa mắt nhìn cô với ngụ ý thêm: “Cô không được nói gì cho Lễ biết đấy”. Vì tôi biết có nói ra chưa chắc Lễ cho phép làm. Mặc dầu, tôi với Lễ thân nhau từ ngày đầu nhập ngũ. Cùng trong tổ ba người. Cùng huấn luyện bộ binh. Cùng chiến đấu bốn năm trong chiến trường. Ra đây cùng một đơn vị xây dựng. Tôi muốn khi Lễ biết thì mọi chuyện coi như đã rồi. Lễ phải quyết theo ý muốn của tôi.
- Theo em, như thế không nên - Vân Anh nhìn thẳng vào mắt tôi khuyên ngăn - Nên chờ một hai ngày nữa. Thà chậm nhưng chắc hơn. Em sợ sức bền của mối hàn...
Nhìn quanh quất không thấy ai, giọng tôi bực bội:
- Nhưng kế hoạch của tổ không chờ. Mà em biết gì về sức bền kia chứ.
Tôi bỏ đi. Được vài bước, nghe tiếng Vân Anh gọi giật:
- Anh Minh!
Tôi quay lại nhìn cô. Đôi mắt nâu của cô mở to nhìn tôi giận dỗi, trách móc.
Tôi đã quyết định rồi. Ánh lửa hàn của que ba ly đã lóa trắng đan ngang dọc khắp phân xưởng của tổ tôi. Tiếng thuốc hàn nổ lách tách nghe như tiếng rạn nứt của những mảnh kính bị giẫm nát. Tôi bỏ đi mặc Vân Anh đứng giữa sân hàn xếp vì kèo trống trải, với chiếc mặt hàn buông thõng xuống ngang chân.
Hai ngày sau, tôi đang chuyển thép góc vào máy cắt thì Vân Anh đến tìm tôi, hớt hải:
- Anh Minh, lại kiểm tra xem. Những mối hàn thép bị cháy nhiều quá.
Tôi giật mình nhưng vẫn tỏ ra bình thản, đi vội đến những bộ vì kèo mới được hàn hoàn chỉnh. Anh em đang ngồi gõ xỉ ở các mối hàn, thép bị cháy sùi lên. Tôi nhăn mặt nhìn các mối hàn, có mối chưa đủ độ dày nhưng thép đã bị cháy gần thủng. Tôi vớ một miếng thép tròn đập nhẹ vào một mối, xỉ bong ra, có chỗ để lỗ thủng trắng nhỏ như đầu tăm xuyên qua miếng thép bản.
Mọi mắt nhìn tôi lo lắng. Tôi lạnh lùng kiểm tra lại những bộ vì kèo hàn bằng que hàn sai quy chuẩn, buông gọn:
- Không gõ xỉ nữa. Cứ để đấy xử lý sau.
Cũng đến lúc này tôi mới quyết định không dùng que ba ly như Vân Anh đã yêu cầu tôi cách đây hai hôm.
Tôi biết, do bệnh hiếu thắng của mình, tôi đã không lưu tâm đến những cái chuệch choạc về tay nghề trong tổ. Tôi lặng lẽ nhìn những bộ vì kèo ra đời trong hai ngày nay và tin rằng anh em trong tổ, cả Vân Anh nữa, sẽ không hiểu được vì sao tôi lại quyết định không gõ xỉ của những mối hàn bị hỏng. Chỉ có tôi hiểu, vì trong đầu tôi chợt lóe lên một ý nghĩ liều lĩnh.
Cũng ngày hôm sau, que hàn năm ly lại có. Chiếc vì kèo thứ 17 hoàn thành. Ngày cuối cùng trong tháng, tổ tôi ra thêm được một bán vì. Mà tôi cũng chỉ cần vượt có vậy. Tôi chỉ cần hơn tổ Hưng một bán vì cũng đã đủ để nỗi day dứt trong tôi dịu đi, để lấy uy tín cho tổ đã bị mất trong tháng trước.
Những bộ vì kèo đồ sộ, bằng bặn xếp nghiêng trên bãi cỏ phủ một lớp sơn chống gỉ màu hồng rực rỡ. Trong lớp sơn ấy, mọi mối hàn như nhau. Mối hàn ngấu, thành vân đẹp hay mối hàn chưa đủ chiều dài, bòn xỉ, thép bị cháy, đều như nhau. Ai có thể biết được những mối hàn bị hỏng mà tổ tôi đã che đậy trong lớp sơn đó?!
Nhưng việc ấy đã không qua khỏi con mắt kiểm nghiệm của Lễ. Lễ sục vào những khoảng trống, ngóc ngách của bộ vì kèo, tay nhăm nhăm cái búa, gõ vào mối hàn anh nghi ngờ. Tìm ra những mối hàn sai quy chuẩn, anh lạnh lùng:
- Mối hàn thế này mà cậu cũng để anh em sơn à?
Tôi kéo Lễ ra chỗ khuất, rỉ tai:
- Chỉ một vài mối thôi!
Lễ lắc đầu đưa tay gãi gãi cái cằm đầy râu!
- Mình không dám ký nhận bảo đảm cho những mối hàn ấy đâu.
- Kế hoạch của tổ. Mình có thể hy sinh tất cả cho kế hoạch của tháng này. Những mối hàn ấy dù có đắp thêm lên thì chỉ có làm cho thép cháy thêm thôi.
Lễ tần ngần, nể bạn:
- Nhưng cũng lo lắm...
- Chỉ mấy bộ của lô này thôi. Từ lô sau trở đi, mình đảm bảo với cậu không để xảy ra trường hợp như thế này.
Lễ ký vào tờ biên nhận một cách gượng gạo. Vì kèo được nhập kho.
Trong buổi tổng kết cuối tháng cũng là buổi tổng kết cho cả năm, đồng chí chính ủy đã biểu dương tổ tôi trước toàn đơn vị. Mọi ánh mắt đổ dồn vào chỗ tôi đang ngồi cúi xuống ở hàng ghế đầu. Đầu tôi nóng bừng vì hãnh diện và cũng vì ngượng ngập. Tôi sung sướng nhưng cũng xen lẫn lo lắng, rất sợ ngẩng lên, biết đâu chẳng gặp phải một ánh mắt nào đó nhìn tôi khinh bỉ. Nhưng tôi lại tự nhủ: “Mọi người làm gì có thể biết được!”, “Vinh quang” ấy chỉ có tôi và Lễ hiểu, mà Lễ cũng đang ngồi gần tôi, đầu cũng đang cúi xuống kia.
Mấy ngày sau, một số vì kèo chuyển ra Trường thợ, một công trường xây dựng cách đấy không xa để dựng lắp. Tổ tôi cử hai người thợ hàn đi theo để chỉnh lại lỗ bu-lông chân cột và hàn hoàn thiện. Và, cũng chỉ một ngày sau Lễ chạy đến tìm tôi, mặt xanh nhợt, hốt hoảng.
- Mối hàn gót vì kèo buột, vì kèo sập. Một công nhân bị thanh kèo hất ngã từ đầu cột xuống không rõ sống chết ra sao.
Tôi sững người, đánh rơi thanh thép đánh choang trên thân máy, lắp lại lập cập:
- Sao? Vì kèo bị sập!
Tôi bị đình chỉ công tác ngồi viết kiểm điểm. Vân Anh được đưa lên phụ trách tổ sản xuất thay tôi. Những ngày ấy, tôi thấy ngày trôi đi chậm chạp, nỗi buồn đến xâm chiếm tôi. Anh em trong tổ, tuy không nói gì, nhưng tôi hiểu anh em đang nghĩ về tôi. Một thằng liều. Một tên cá nhân chủ nghĩa. Tên hiếu thắng. Tất cả những thói xấu ấy đều có trong người tôi mỗi thứ một ít, nó len lỏi vào suy nghĩ của tôi tùy nơi tùy lúc rất tinh vi. Tôi hình dung mỗi câu nói của mỗi đồng chí quen biết khi nhắc đến tên tôi và thấy trái tim hẫng đi, nhói mạnh.
Trong lúc chờ đợi kỷ luật, tôi lặng lẽ làm việc như một cái bóng. Đôi mắt tôi luôn mở căng nhìn qua mặt kính hàn tím sẫm ra dòng thép đỏ sôi lên trong ánh hồ quang. Tôi muốn công việc cuốn hút để tôi không còn thời gian nghĩ ngợi, để những suy nghĩ ập đến giày vò. Đây là lần đầu tiên tôi vấp phải một lỗi nặng mà cần phải nhìn mình thật nghiêm khắc. Phải chăng tôi đã coi thường cả những suy nghĩ cần phải nghiêm túc.
Tôi đưa bản kiểm điểm lên tổ chức.
Đồng chí Chính ủy có mái tóc lấm chấm bạc, đôi mắt vui tươi dễ tha thứ; mấy lần xuống thăm phân xưởng, gặp tôi muốn nói một điều gì nhưng thấy ánh mắt buồn nản của tôi nhìn xuống, ông lại lặng yên quay đi, để mặc tôi với mũi hàn cháy bỏng.
Một lần, tôi vừa bỏ kính hàn ra thì đã thấy Vân Anh đứng ngay trước mặt, vẫn nụ cười rạng rỡ, chân thành, cô nói với tôi rất tự nhiên:
- Anh nghỉ tay một lát cho em hỏi cái này đã.
Tôi kéo dây, vòng cái mỏ hàn qua một thanh kèo, mắt nhìn đi nơi khác, chờ đợi.
Những ngày gần đây Vân Anh vẫn vậy. Cô đến hỏi tôi về cách bố trí công việc trong tổ, sau công việc, bao giờ Vân Anh cũng nhìn tôi, ánh mắt dịu xuống. Như lúc này đây, sau khi nói về công việc trong tổ, ánh mắt cô lướt nhẹ trên khuôn mặt nóng bừng của tôi. Tôi hiểu, nếu tôi quay lại nhìn vào đôi mắt ấy, đôi mắt màu nâu lần đầu tiên tôi gặp trong cánh rừng mỡ sẽ nhìn tôi đằm thắm. Tôi sẽ thấy mình đỡ cô đơn. Nhưng mặt khác, tôi lại sợ nhìn vào đấy thì sẽ thấy mình đầy đủ những nhược điểm, và lúc bấy giờ nét mặt tôi chắc thảm hại lắm. Tôi sẽ không chịu đựng nổi.
Vân Anh hiểu điều ấy, giọng trìu mến:
- Những ngày gần đây anh gầy lắm. Anh phải giữ sức đấy. Mà mồ hôi anh nhiều thế kia, đưa em lau cho.
Mặc cho anh em thợ đứng rải rác trên sân hàn, có anh tò mò nhìn lại, nhưng Vân Anh đã lật ngược bàn tay đưa phần sạch của chiếc găng thấm nhẹ những giọt mồ hôi trên trán tôi.
- Sao anh tránh em? Anh làm như thế là không đúng đâu - Giọng cô nhỏ và nhẹ.
- Tôi chán! - Tôi nói cụt lủn.
Vân Anh hơi sững người sau câu trả lời đó. Nếu những ngày đầu tôi nói câu ấy, chắc chắn cô đã bỏ đi, cho dù tôi có làm lành thế nào thì cũng khó để cô quay lại. Nhưng giờ, thì nỗi đau xót của tôi quá lớn nên đã không làm cô tự ái mà càng khơi dậy trong cô một tình cảm thương yêu.
- Em chưa nói gì về ý kiến của tập thể, bởi vì điều đó sẽ có người chịu trách nhiệm nói với anh. Còn em, em chỉ nói về suy nghĩ của em với anh. Anh chán, em biết. Cũng có lúc em buồn chán vì thất bại, nhưng bao giờ thì cuộc sống và những người xung quanh cũng rất tươi vui, rất yêu đời, để em tin tưởng, em thích sống. Những người ấy cũng đã giúp em, nâng em đi lên, trong đó có cả anh. Còn anh, anh có lỗi, anh tránh em, tránh các đồng chí trong tổ. Như vậy là anh có lỗi với chính anh và với cả em nữa. Anh có hiểu rằng, em...
- Nhưng Vân Anh hiểu cho, tôi đang ở một chỗ đứng mà mọi người nhìn tôi để thương hại. Tôi không quen...
Em tin anh em trong tổ không có suy nghĩ như thế. Nhất là em, anh càng không được nghĩ về em như vậy. Em hiểu, từ trước đến giờ anh em trong tổ rất mến và tôn trọng anh. Chính anh cũng hiểu điều đó, sao giờ anh có thể thay đổi những suy nghĩ về anh em như thế được.
Tôi uể oải nhìn lơ đãng ra vạt rừng trước mặt, tay lần lần trên thanh “thép góc”, vô tình gạt phải dây que hàn chạm vào thanh thép làm vụt lên một ánh lửa chói lòa rồi tắt ngấm, chỉ để lại một sợi khói mỏng manh.
- Vân Anh cũng suy nghĩ như thế nếu ở địa vị tôi.
- Địa vị tôi? - Giọng Vân Anh chua xót, có chút ấm ức - Chỉ có anh mới có thay đổi đó thôi. Đầu tiên anh gọi em bằng chị, xưng tôi. Rồi gọi em là em, xưng anh. Nhưng giờ thì lại tôi. May mà anh còn gọi em là: Vân Anh chứ chưa phải là cô. Đối với em, anh còn có sự thay đổi như thế nói gì đến anh em trong tổ... Anh nghĩ đi câu cuối cùng cô nói: “Anh nghĩ đi”. Chứ không phải: “Anh tồi lắm”. Nhưng dù sao thì cũng đồng nghĩa.
Vân Anh bỏ đi. Tôi đứng lặng người và thấy lồng ngực bị hẫng. Cũng lúc này tôi mới thấy hối hận. Cho dù tôi có suy nghĩ thế nào về anh em trong tổ nhưng đối với Vân Anh, quả thực, tôi không có suy nghĩ nào khác đi. Hình ảnh Vân Anh vẫn nguyên vẹn trong tôi như ban đầu, nhưng tại sao tôi vẫn tỏ ra một cái gì đã khác?
Vài ngày sau, qua một buổi họp kiểm điểm, tôi bị cảnh cáo trước đội cơ điện, và đưa sang làm kế hoạch. Bị cảnh cáo trước đội, với tôi là nhẹ; đưa sang làm kế hoạch, chắc hẳn là để tôi có điều kiện nhìn lại những lỗi lầm của mình, rồi một thời gian lại đưa trả tôi về công việc cũ.
Nhiệm vụ kế hoạch, điều độ công việc của từng tổ đã cho tôi nhìn ra cái bất hợp lý của dây chuyền sản xuất và sự cần thiết về tay nghề của người thợ giỏi. Tôi thầm phục cách bố trí của Hưng ngày càng đi vào hoàn thiện, nhưng cũng có thêm chút ganh ghét. Nhưng suy nghĩ ấy vừa mới trỗi dậy thì dù sao, tôi vẫn là người lính - sự trung thực lại kéo tôi về với những suy nghĩ trong sạch.
Còn Vân Anh, sau buổi gặp ấy, tôi tưởng cô không muốn gặp tôi nữa. Những lời bạc bẽo của tôi vẫn không làm cô xa lánh tôi. Cô vẫn tìm hỏi tôi về cách bố trí công việc trong tổ hoặc về kỹ thuật hàn. Nhất là từ khi tôi sang làm kế hoạch thì cô lại tìm cách gặp tôi nhiều hơn. Vân Anh không vồ vập, không tỏ ra thương hại hoặc giận dỗi. Cô đến với tôi đằm thắm và có phần tha thiết hơn. Lời nói dịu dàng và bàn tay mềm mại xoa dịu nỗi buồn đôi lúc lại trỗi dậy trong tôi. Nhưng Vân Anh càng tìm cách gần tôi, thì tôi lại tìm cách xa lánh cô. Đến giờ thì tôi xa cô không phải vì lòng tự ái, mà tôi thấy rõ mình không còn xứng đáng nhận tình cảm cao quý của cô. Cô càng chân thành với tôi bao nhiêu thì tôi càng thấy cái lắt léo trong cái suy nghĩ của tôi. Cô càng tỏ ra cao thượng, khoan dung thì tôi càng thấy mình tầm thường. Nhìn cách bố trí công việc, sự say mê của Vân Anh đối với tổ, tôi càng mến cô và buồn về mình hơn. Năng suất của tổ, mới đầu còn chuệch choạc, sau nâng dần, chắc chắn. Rồi đuổi kịp tổ Hưng khiến tôi phải ngỡ ngàng. Còn Hưng, thì vừa ngạc nhiên vừa lo lắng. Đôi lúc tôi bắt gặp Hưng đứng tần ngần nhìn cách bố trí công việc và phương pháp gia công của tổ Vân Anh.
Cho đến lúc này, khi đứng ở một thế khá chắc chắn, Vân Anh mới đưa ra một đề nghị khá táo bạo mà từ trước đã có lần cô ngỏ ý với tôi: sáp nhập tổ của Hưng và Vân Anh làm một, với mục đích có thể chuyên môn hóa thợ trong tổ, bỏ thời gian chờ đợi và bố trí ngược chiều. Ý kiến của Vân Anh đưa ra giữa cuộc họp đội như một tiếng nổ đột ngột làm mọi người ngạc nhiên, nhưng sau thì nhất trí. Còn Hưng, vốn có con mắt nhìn việc, cũng không ngại gì không tán thành khi biết tổ mình sáp nhập với những tay thợ khá đang trỗi dậy, và có một tay lãnh đạo cứng, sôi nổi như Vân Anh.
Cũng phải đến lúc này tôi mới hiểu hết cái đáng quý của cô gái ấy. Tại sao tôi với Hưng là những người trực tiếp sản xuất, lãnh đạo tổ lại không nhìn thấy điều đó, lại cứ nghĩ đến chuyện ganh đua cá nhân, tới cái tổ nhỏ bé với những ý nghĩ hèn kém, để mong nhận được một chút kiêu hãnh ngầm nhỏ mọn? Không, không phải Hưng mà chỉ ở riêng tôi chăng?
Hai tổ được sáp nhập. Hưng làm tổ trưởng, Vân Anh tổ phó. Công việc đi vào hoàn chỉnh và sản xuất đều đặn: Cũng lúc này tôi được trả về tay thợ. Kể từ hôm bộ vì kèo bị sập tới nay đã năm tháng qua đi. Thời gian không là bao nhưng với tôi lại dài đằng đẵng. Năm tháng qua đi, tôi thấy mình nhiều thay đổi. Tôi tự nghĩ: “phải sống khác”, nhưng không im lặng như xưa nữa, kể cả với Hưng. Chỉ có Vân Anh, tôi vẫn luôn tìm cách tránh. Vì sao thế? Giờ thì tôi cũng không cắt nghĩa được một cách rõ ràng. Tôi sợ nhìn vào ánh mắt cô, sợ bắt gặp cái dáng người tôi đã yêu, sợ cái tiếng nói luôn xoa dịu nỗi đau cho tôi nhất là những lúc vô tình bắt gặp Vân Anh và Hưng trao đổi bàn cách đưa năng suất của tổ lên thì người tôi lại gai lạnh, trái tim tôi nhói mạnh. Và bây giờ, cứ mỗi lần như vậy, thì trước mắt tôi, hình ảnh Vân Anh hôm ngăn tôi dùng que hàn ba ly lại hiện lên. Tôi cúi gằm xuống tự nhiếc móc: “Một thằng tồi!”. Tôi muốn đi, muốn được chuyển công tác tới một nơi nào đó xa đây để những hình ảnh ấy đừng trở lại giày vò.
Và may thay, những ngày đó không kéo dài.
Khi những bộ vì kèo xuất xưởng, chuẩn bị đưa ra Trường thợ, tôi xin đi để hoàn thiện nốt công việc. Biết suy nghĩ của tôi, Hưng đồng ý. Cũng lúc chia tay này, cái bắt tay kéo dài, chúng tôi mới nhìn nhau một cách chân thành.
- Mình muốn một điều - Tôi nói - Từ giờ đến tới lúc mình đi, cậu đừng nói gì với Vân Anh là mình đã theo vì kèo ra Trường thợ.
- Cậu không muốn chia tay với Vân Anh?
Tôi nhìn đi nơi khác, giọng chua xót:
- Không!
- Tùy cậu... mà như vậy cũng được. Cậu chỉ ra ngoài ấy một thời gian. Những cái gì còn thì vẫn còn, những cái gì đáng mất thì vẫn mất. Thực ra cả hai chúng mình đều có cái dại, mỗi đứa sai một cách. Chúng mình có lúc đã sống tầm thường quá. Cách sống của Vân Anh đã để cho mình thấy vậy.
Tối hôm ấy, khi ánh lửa hàn ca hai vừa vụt sáng, tôi với chiếc ba lô, vẫn chiếc ba lô ngày nào hành quân vào chiến trường, ra ga, đi chuyến tàu tối tới Trường thợ. Tới bãi trồng đặt vì kèo, nơi tôi đã có quyết định liều lĩnh để dẫn tới buổi ra đi này, tôi đứng lại đó nhìn về khu Tổng đội. Tôi đã không chia tay với Vân Anh, không gặp Lễ. Tôi đi như lẩn trốn. Thực ra, buổi ra đi này cũng hợp với tôi hơn, hợp với những sai lầm tôi đã phạm phải và tự nhủ đến Trường thợ tôi sẽ sống nghiêm túc hơn, để buổi chia tay sau này không gặp phải tâm trạng như tối nay.
*
Ở Trường thợ, công việc còn dở dang thì một sự kiện đến. Tôi nhớ lắm, đó là ngày 16 tháng 4 năm 1972, giặc Mỹ lại điên cuồng cho máy bay bắn phá miền Bắc. Công việc đi vào gấp rút. Nơi chúng tôi làm việc, ngày đêm không ngớt tiếng máy bay và tiếng bom rung mặt đất. Vốn là người lính ở chiến trường nên bom đạn đối với tôi không có gì xa lạ. Đôi lúc lặng yên quá lại làm tôi ngỡ ngàng.
Tôi lao vào làm việc trong tiếng kẻng báo động liên hồi. Công việc rảnh, mệt quá, tôi thiếp đi nên không còn thời gian nghĩ đến chuyện riêng tư. Mới hơn một tháng trở lại thời chiến, tôi tưởng đã lâu lắm. Mọi sinh hoạt ở đơn vị cũ dường như quên đi, chỉ còn lại đậm nét hình ảnh những bộ vì kèo sai quy cách nằm chỏng chơ trên bãi cỏ với đôi mắt màu nâu, hàng mi cong của Vân Anh lần đầu tiên bắt gặp trong cánh rừng mỡ trắng. Cả hai hình ảnh ấy hiện lên làm tôi bứt rứt. Giá như ngày tôi sống ở Tổng đội là tôi bây giờ nhỉ? Tôi sẽ sống tận tình, chân thành, tất cả cho cuộc sống tươi đẹp này thì chắc chắn Vân Anh vẫn còn ở bên tôi. Giá như trong cuộc sống ngắn ngủi của mỗi người đừng có tiếng. Giá như ấy thì sẽ rút ngắn được bao thời gian vô ích! Và, cuộc sống của mỗi người sẽ giàu kỷ niệm đẹp đẽ hơn biết bao. Ngày đi ra Trường thợ tôi không một lời từ biệt Vân Anh. Ở Trường thợ, không một lá thư về, chắc gì Vân Anh còn nhớ đến tôi? Biết đâu Vân Anh và Hưng chẳng đã yêu nhau. Mấy lần Lễ ra đây đã chẳng nói quan hệ của Hưng và Vân Anh ngày thêm chặt chẽ đó sao?
Sắp đến ngày thất bại, giặc Mỹ càng bắn phá miền Bắc dữ dội, khu vực chúng tôi làm việc bị bom của chúng cày lên, dập xuống bao lần. Tôi từ thợ hàn chuyển sang giữ kho, chạy vật liệu, rồi chuyển sang lái xe. Thời chiến mà! Tôi nhận xe và chạy khắp các ngả đường. Tình hình đơn vị cũ, tôi không hề biết.
Một lần đang chạy trên đường. Vô tình tôi gặp Lễ đi xe đạp ngược chiều. Tôi tạt xe vào vệ đường gọi. Vẫn dáng người béo lùn như xưa, Lễ nhảy lên ôm chầm lấy vai tôi:
- Trời ơi! Minh, cậu già đi nhiều thế?
Tôi cười, chà cằm râu của mình lên cái cằm đầy râu của Lễ.
- Tớ cạo râu thì lại trẻ ngay thôi.
Chúng tôi ngồi ngay trên bãi cỏ bên đường kể chuyện cho nhau nghe. Chủ yếu là Lễ kể lại. Tôi được biết đơn vị cũ hầu hết đã trở lại chiến trường. Vì đơn vị tôi toàn lính già kinh nghiệm mà.
Không cần tôi hỏi, Lễ cũng tự nói:
- Cả Vân Anh cũng đi rồi. Nghe đâu cô ấy hiện giờ chỉ huy một đại đội Thanh niên xung phong bên trong ngầm Tà Lê, nơi quen thuộc của cô ấy.
Tôi gãi cằm lơ đãng:
- Còn Hưng?
- Cậu ấy lại trở về lính pháo. Hiện đang bảo vệ Hà Nội.
- Thế mà cứ tưởng...
- Chưa để nói hết câu, Lễ cười có vẻ ngượng nghịu:
- Mình cũng tưởng thế, nhưng thực ra Vân Anh chỉ quan hệ trong công tác chứ không có gì cả. Mà hình như Hưng cũng chỉ nghĩ thế thôi.
Rồi Lễ nhìn tôi bằng ánh mắt rất ý nhị muốn thăm dò điều gì trên khuôn mặt tôi:
- Trước lúc Vân Anh đi, mình tò mò cũng muốn rõ hư thực. Mình làm như vô tình nhắc đến cậu thì Vân Anh quay đi nơi khác hấp tấp lấy khăn ra dụi mắt. Như biết mình hiểu, Vân Anh vội thanh minh là một hạt bụi cộm ở mắt.
Lễ chép miệng một cái rõ kêu, rút bao thuốc vỗ vào lòng bàn tay cho mấy điếu trồi ra rồi chĩa về phía tôi:
- Chẳng hiểu có phải bụi cộm ở mắt thật không. Còn cậu thì cũng tệ lắm kia.
Những ngày sau tôi thường có dịp lái xe qua rừng mỡ. Cánh rừng mỡ lần đầu tiên tôi gặp Vân Anh ở đó. Tôi cho xe đi chậm lại để được nhìn cánh rừng mỡ lâu hơn. Cánh rừng mỡ ngày xưa vẫn vậy, vẫn là cánh rừng mỡ của hôm nay, của ngày mai. Thân mỡ vẫn trắng và thẳng tắp, gió rừng mỡ vẫn rì rầm kể lại chuyện cũ. Lúc cánh tay tôi vung dao chặt vào cây mỡ non, lúc tiếng em xô đến ngăn tôi lại... Không, tôi sẽ sống xứng đáng, chúng ta sẽ sống xứng đáng cho ngày hôm nay. Và, cho dù sau này, khi ngừng tiếng súng, tôi trở về xây dựng, không được may mắn gặp lại em tình cờ, như đã tình cờ gặp em trong rừng, bên cây mỡ trắng...