(Kính tặng thầy Phạm Văn Phái)
Ngoài giờ lên lớp và đến nhà ăn, ông Phái rất ít ra khỏi phòng. Cánh cửa phòng thường khép kín. Nhưng cánh cửa sổ bằng nứa ken gọn ghẽ luôn mở toang, để lộ tấm rèm bằng vải mỏng mảnh, mà chỉ cần đi qua cũng có thể thấy ông đang ngồi chăm chú đọc sách. Ra khỏi phòng, ông đi bao giờ cũng vội. Đôi mắt ông hay nheo lại và ánh lên một thứ ánh sáng đặc biệt. Có người ngỡ ông đang cười với mình bằng đôi mắt. Trong cuộc họp rất ít khi thấy ông nói. Ông tìm một chỗ khuất, góc phòng, ngồi như pho tượng. Chỉ khi nào bàn về phương pháp giảng dạy, hoặc báo cáo chuyên đề mới thấy ông lên tiếng. Và, cũng lúc đó người ta không thể tưởng được, sao ông Phái ít lời lại có thể nói nhiều đến thế. Ông nói rất nhiệt tình, say mê, đôi lúc quên cả người ngồi nghe muốn gì. Tiếng ông the thé như tiếng phụ nữ.
Lúc nói, mắt ông lại mở găng, đôi mày khẽ nhíu lại, bàn tay khô, gân nổi như dây leo nắm chặt vào thành ghế của người ngồi trước. Cách vài ngày, lại thấy ông xuống khu nhà tập thể của sinh viên. Có lần ông mang theo sách. Lúc đi rất vội, lúc về lại tất bật.
Có người bảo:
- Ông ấy chưa vợ con gì, mà lúc nào cũng tất tưởi.
Khoảng ba bốn tuần lại thấy khuôn mặt ông rạng rỡ. Không hẳn là ông mới cắt tóc, hoặc khoác một chiếc áo tươm hơn, ngay ngắn hơn mà do đôi mắt ông luôn có cái nhìn hóm hỉnh, nếp nhăn bên mép giãn ra, vầng trán thanh thản. Ông luôn mỉm cười với người xung quanh. Ông bế đứa trẻ, con đồng chí cán bộ giảng dạy cùng bộ môn, ghì nó trong đôi tay đầy gân, hôn một hơi dài đến nghẹt thở lên đôi má bụ bẫm của đứa trẻ.
Lúc ấy, có người nhìn theo ông mỉm cười, nghĩ: “Ông ấy lại mới làm xong việc gì. Mà sao ông ấy không lấy vợ đi nhỉ. Nhiều tuổi rồi còn gì”.
Trường Đại học Xây dựng mới thành lập được năm năm. Cán bộ giảng dạy từ Trường Bách khoa sang, từ các nơi khác về. Ông giáo Phái cũng về dịp đó. Mọi người chỉ biết ông qua mấy năm cùng công tác và hiểu ông là một giáo viên giỏi. Còn thời gian trước kia, những suy nghĩ riêng tư hầu như không ai rõ. Chắc hẳn, có đồng chí bí thư chi bộ, ông Trưởng phòng Tổ chức mới hiểu rõ về ông. Riêng tôi cũng biết một phần nhỏ về ông, về người thầy đã dìu dắt tôi từ những ngày tôi còn là cậu học trò Trường Chu Văn An ngày xưa.
*
Ngày ấy đã gần mười năm. Kể cả một thời gian khá dài tôi không thấy thầy có gì thay đổi. Vẫn dáng đi vội vã, vẫn ánh mắt sáng và lời nói sôi nổi luôn thổi bùng những ngọn lửa mơ ước trong khối óc thơ trẻ... Cái khác, chỉ là người thầy có gầy, bàn tay khô đi, gân nổi lên chằng chịt và nhìn kỹ ở phía đuôi mắt có những nếp nhăn.
Tôi gặp thầy buổi đầu trong một giờ toán hình. Điều làm tôi chú ý là giọng thầy. Thoạt nghe chúng tôi cười rộ. Thầy đưa mắt nhìn chúng tôi chờ cho tiếng cười im bặt nhưng đôi lúc tiếng cười lại bật ra như cái nút chai từ cuối phòng. Tôi không thể nào quên được cảm giác đầu tiên khi bắt gặp đôi mắt của thầy, đôi mắt như chờ đợi một cách kiên nhẫn, như trách móc, như tha thứ. Cũng sau buổi ấy cả lớp tôi không bao giờ có tiếng cười vô ý khi nghe thầy giảng bài nữa. Chắc các bạn tôi thấy nể, thấy ngượng. Nhưng riêng tôi ngoài cái đó tôi đã nhận thấy trong giọng nói của thầy có một cái gì chân tình, một cái gì đó hoàn toàn vì tất cả những gì sắp đến của chúng tôi. Thầy giảng bài dễ hiểu. Những mô hình hình học làm rất khéo, chính xác đến nỗi chỉ cần nhìn vào mô hình là chúng tôi có thể nhận ra được rất rõ những vấn đề của lý thuyết. Những chàng học sinh rất lười làm bài tập nhưng lại chăm chỉ trên sân bóng cũng không bao giờ thầy nặng lời. Tiếng thầy chỉ nhỏ nhẹ: “Sao thế em? Em mệt phải không? Hay bài khó quá, cứ đến hỏi tôi nói lại, đừng sợ”. Chỉ vài lần như vậy những chàng lười chăm hẳn lên. Chả lẽ cứ mang mãi cái tính lười để đáp lại sự tận tụy của thầy?
Trong giờ giảng bài, thầy luôn nhen nhóm cho chúng tôi một ngọn lửa nhiệt tình, một sự chăm chỉ để chúng tôi làm một điều gì đó mới chỉ hình thành một cách mơ hồ. Lúc đó, tôi lắng nghe chăm chú, tôi thấy yêu tha thiết mọi vật xung quanh, tôi yêu gian phòng học có cánh cửa màu nâu, yêu những tán lá xanh luôn rì rào, yêu những hòn sỏi nhiều màu sắc rải ở vườn hoa sau trường... Tôi tha thiết với những điều thầy nói. Bao giờ sau những chuyện thầy cũng kết thúc bằng câu: “Điều chủ yếu là phải học. Phải học các em ạ”. Hàng bao người nói tới điều đó sao tôi thấy bình thường. Nhưng giờ, vẫn ý ấy do tiếng của thầy sao lại có một sức mạnh, một sự cổ vũ mãnh liệt đến thế. Tôi lao vào học tập. Chỉ một bài toán tôi đã nghĩ ra hàng chục cách giải. Hết bài dễ tôi tìm đến bài khó. Không có, tôi hỏi thầy. Thật sung sướng biết bao khi nhìn bàn tay thầy run run viết lên cuốn sổ nhỏ bé của tối những phương trình. Thú thật, lúc đó tôi chỉ muốn ôm ghì lấy cánh tay của thầy mà riết chặt vào người.
Dần dần, tôi thấy không thể thiếu thầy được. Tôi lặng lẽ mang lòng yêu thầy như tình yêu của con đối với cha, như em đối với anh. Một tuần, thầy dạy tôi có ba buổi. Tôi mong ngóng chờ đợi cho mau đến ngày ấy. Chắc hẳn, thầy không sao biết được sự chờ đợi của đứa học trò nhút nhát. Vì tôi hiểu, còn bao học sinh khác cũng nghĩ như tôi, thầy làm sao biết đến tôi được.
Những giờ chuyển tiết học, tôi thường chạy ra ngoài hành lang nhìn về phía gian phòng ở cuối dãy. Gian phòng đóng im ỉm. Thầy Phái ở trong đó. Nhiều lúc tôi mong muốn được biết thầy đang làm gì, mong muốn được đẩy cánh cửa vào trong gian phòng ấy, để làm gì thì tôi cũng không biết nữa. Chỉ biết rằng tôi thích. Và điều nữa khiến tôi tò mò là trong những bức tranh hoặc phim ảnh tôi được xem, người ta minh họa căn phòng làm việc của những nhà bác học bao giờ cũng có một sự hấp dẫn kỳ lạ, kể cả cái ống cắm bút, đến cái mắc áo... Phải! Lúc đó tôi nghĩ thầy là một nhà bác học. Vì vậy, một lần vào giờ ra chơi tôi mon men đến gần gian phòng. Không hiểu sao hôm ấy cánh cửa khép hờ hững, bên trong vắng lặng. Chắc hẳn khi nãy thầy vội lên lớp nên quên đóng cửa. Tôi đánh bạo khẽ đẩy cánh cửa bước vào. Thật kỳ lạ! Một thế giới bao la hiện ra trong gian phòng nhỏ bé: Một quả cầu đường kính khá lớn đặt ở bàn bị gió lùa đến khẽ đung đưa; hai cái bàn học sinh được ghép lại kê giữa gian phòng, trên mặt bày những thước, com-pa, những mô hình bằng tre, bằng bìa cứng phết những màu sắc khác nhau... Cạnh đấy những mô hình đang làm dở, con dao, đĩa hồ, phoi tre, giấy vụn rắc lả tả trên sàn. Suốt ba mặt tường treo những bức tranh, tôi nhìn kỹ thì đấy là những bức tranh trình bày sự tiến hóa của động vật từ thủy tức, xoang tràng... cho đến loài động vật cao cấp. Thì ra tất cả những mô hình hàng ngày thầy đưa lên lớp cho chúng tôi nhận ra trong vài phút lại chính là cả một sự cần cù, tỉ mỉ hàng tuần lễ của thầy trong gian phòng này đây...
Chỉ riêng vậy cũng đủ để tôi dù có đi đâu xa thì hình ảnh thầy bao giờ cũng là những vạt cây xanh rượi bên dòng sông trong phủ lên thời thơ ấu. Chắc hẳn những người bạn của tôi cũng có một suy nghĩ như vậy. Nhưng riêng tôi còn một kỷ niệm khác, không biết có bạn nào gặp một kỷ niệm êm dịu và tha thiết như thế không.
Kỷ niệm ấy, ngày đó tôi thấy như một chuyện cổ tích, xảy ra giữa một buổi tối lạnh giá. Tối ấy, vào cuối học kỳ một khi lớp tập trung phụ đạo cho đợt thi. Tôi đến muộn, tới nơi cửa phòng đã đóng kín. Nhìn qua khe cửa, trong ánh điện thầy đang nói sôi nổi, các bạn tôi đang lắng nghe. Cả thầy trò không ai biết đến bên ngoài. Tôi toan đẩy cửa bước vào nhưng sợ thầy phải dừng lại và sự tập trung của các bạn tôi bị gián đoạn. Mặt khác, tôi lo bị mất bài nên rất nhẹ nhàng lật cuốn sổ, lấy bút nhìn qua khe cửa ghi bài chờ tới lúc nghỉ giữa giờ sẽ vào. Lạnh quá, tay tôi cứng đờ không sao ghi nổi, tôi phải miết mạnh tay vào quần cho ấm. Cứ vậy tôi đứng nghe rồi ghi, cả đến thở cũng rất nhẹ. Tôi hầu như không còn chú ý đến những ngọn gió khan thổi liên hồi vào cái ống máng vỡ kêu ro ro sát gờ tường, đến cái hành lang trống hốc như cửa gió, lạnh ngắt. Chỉ có tiếng thầy từ trong kia vọng ra.
Không rõ tôi lúi húi ghi như thế được bao lâu. Những con số vừa sinh ra trên trang giấy, có con nói rất nhiều, nó ca hát nữa; có con nói thì thầm, tôi lắng nghe, có con câm bặt lạnh lùng, tôi bất lực... Bỗng cánh cửa hé mở, tôi giật mình lùi lại. Một ô sáng từ trong phòng hắt ra ngoài hành lang. Thầy đã đứng giữa ô sáng nhìn tôi ngỡ ngàng, hấp tấp:
- Em đến từ khi nào? Trời, rét thế này...
Thầy đi đến rất nhanh, ôm lấy vai tôi. Hơi ấm từ người thầy quện lấy đôi má lạnh cứng của tôi:
- Lần sau đến muộn cứ vào em nhé. Tay em cóng lại cả đây này.
Tôi nép vào người thầy, mí mắt nong nóng, rưng rức, chắc vì một đợt gió lạnh vừa thổi dọc hành lang đã làm tôi như vậy. Phải, đến lúc này, lúc mà tôi nép vào người thầy, tôi mới thấy hết được cái giá lạnh của những ngọn gió quất liên hồi trên ngọn lim.
Tay thầy lần lần khắp người tôi. Những ngón tay cũng run lên y như khi thầy cầm bút viết những phương trình vào cuốn sổ của tôi. Giọng thầy trách móc, ấm áp:
- Mà sao em mặc thế này?
Thực ra, tôi cũng chỉ có cái áo sợi duy nhất. Mẹ tôi đã trù tính mua cho một chiếc áo bông nhưng chưa kịp. Tôi im lặng.
Thầy ôm tôi vội vã đi về cuối hàng lang và cũng không rõ tôi đã vào căn phòng của thầy lúc nào. Chỉ biết, khi tôi vào ngồi xuống ghế thì thầy cũng đã choàng lên người tôi một chiếc áo ấm. Thầy nói khẽ bên tai tôi, hình như có cả nụ cười nữa:
- Hơi dài nhưng được cái ấm em ạ.
Chỉ tiếng ấy thôi cũng đủ làm người tôi ấm lại, cũng đủ để những đợt gió bên ngoài phải dịu bớt.
Hơn một năm sau, tôi thi hết lớp 10. Làm gì đây? Một ga xép xa xôi? Một đơn vị đang hành quân vào tuyến lửa? Một người làm công tác khí tượng ở đỉnh núi mù sương?... Làm gì cũng được! Chỉ biết giờ đây tôi phải xa trường, tạm biệt nhé, tạm biệt trường Chu Văn An thân yêu, tạm biệt những ô cửa sổ màu vuông vắn như những tổ chim câu nép dưới vòm lim già xanh rượi. Tạm biệt thầy...
Tôi được gọi vào Đại học Sư phạm. Hơn một năm sau, giữa lúc cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ xảy ra ác liệt, tôi nghe tin một người bạn nói lại thầy Phái được điều lên dạy đại học nhưng thầy không đi. Tôi rất ngạc nhiên. Tại sao không đi? Đấy là một điều kiện tốt để đi sâu vào nghiên cứu khoa học. Và, tôi cứ băn khoăn mãi về điều đó.
Ba năm tôi học trường Sư phạm qua đi vội vã và sôi nổi. Cả ba mùa đông sơ tán tôi vẫn mang theo chiếc áo của thầy. Chiếc áo gợi lại một kỷ niệm êm đẹp của ngày thơ và cho tôi sức mạnh trong lúc gặp khó khăn. Tôi luôn dõi theo bước đi của thầy nhưng hơn hai năm sau rời khỏi trường, tôi không được biết gì về thầy ngoài lời nói của một người bạn trong quân đội: “Thầy không dạy ở trường Chu Văn An nữa”.
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm, tôi được điều về Trường Xây dựng dạy khoa học cơ bản, bỗng nhiên gặp thầy ở đây. Nói sao hết được nỗi vui sướng của người học trò gặp lại thầy cũ. Mà người học trò ấy lại là tôi. Nhưng buổi đầu gặp, thầy không còn nhận ra tôi nữa. Mặc dầu đôi mắt thầy dừng lại trên nét mặt tôi khá lâu. Tôi buồn rầu toan nhắc chuyện chiếc áo nhưng lại im lặng, tự nhủ, buồn làm gì, thầy còn bao nhiêu việc phải làm. Mà nào có phải riêng tôi là học trò và chiếc áo biết đâu thầy cũng đã cho nhiều học sinh như tôi.
Buổi đầu lên lớp, mặc dầu tôi đã chuẩn bị rất kỹ nhưng diễn đạt lại không mạch lạc, đôi chỗ còn sai không rõ vì mới vào nghề hay vì có giáo viên dự giờ? Sau giờ học, thầy lại gần tôi:
- Gay quá. Anh giảng thế, sinh viên nắm bài chật vật lắm. Mà, đôi lúc còn tự tiện quá.
Rồi thầy nhìn thẳng vào mắt tôi. Tôi nhìn đi nơi khác, ngượng ngập. Chắc lúc đó mặt tôi phải đỏ dừ như gấc chín. May quá và cũng có thể vì chưa tiện góp ý nên thầy bỏ đi.
Tôi đứng sững nhìn theo cái dáng đi vội vã của thầy. Lần đầu tiên trong đời, tôi đã làm thầy mất lòng tin. Cái ngưỡng cửa đầu tiên của nghề sao khó vượt qua vậy! Tôi thấy người bải hoải, buồn chán, và kiểm lại kiến thức của mình, không, tôi nắm điều này khá vững. Tại sao tôi lại diễn đạt kiến thức của mình một cách ngu ngốc như vậy.
Đêm đó, khi tất cả khu sơ tán đã chìm trong tịch mịch, tôi vẫn trăn trở trên giường nghĩ lại buổi đầu thất bại và lời trách móc của thầy.
Một cán bộ giảng dạy ở cùng phòng an ủi tôi:
- Buổi đầu ai chẳng thế. Nghe ông ấy làm gì. Một lão gàn!
Anh ta giở mình, tay úp cuốn sách xuống bụng, nhìn sang phía tôi:
- Ông ấy gàn một trăm phần trăm. Lúc nào cũng tỏ ra mình uyên thâm lắm. Cậu không biết chứ, thế chưa ăn thua đâu, trong các buổi họp ông ấy mới lên “diễn đàn” kia.
Chắc hẳn lúc thầy nhận xét tôi, anh ta có nghe thấy. Tôi khó chịu. Anh ta không hiểu điều đó, vẫn tiếp:
- Chỉ một sai sót nhỏ ông ấy cũng bới ra to lắm.
Tôi kéo chăn trùm kín đầu. Anh ta khẽ gọi:
- Này, cậu biết không? Ông ấy đang nghiên cứu đấy. Nghiên cứu một vấn đề trong xây dựng mà những tiến sĩ, phó tiến sĩ Nga đang đau đầu đấy.
Tôi thò đầu ra khỏi chăn, bực dọc:
- Thế cậu cho như thế là thế nào?
Anh ta nhổm hẳn dậy, sôi nổi:
- Thế nào nữa. Nói ra chẳng lẽ bảo tự ti, chứ thực ra những cái “hóc” ấy mình không “chơi” được. Nước ngoài họ đã nghĩ đến từ lâu rồi mà cũng chưa đi đến đâu, huống hồ mình phương tiện, điều kiện... như chúng mình. Chỉ cần để hiểu hết sách của họ cũng đủ mệt!
Chắc anh ta cũng chẳng cần biết tôi nghe hay không, nên anh vẫn tiếp, mà còn có vẻ thú vị về cách nói của mình:
- Nghe đâu ông ấy còn hàm thụ đến ba bốn bằng nữa. Không rõ dạy môn toán, hình này ông ấy hàm thụ nhiều bằng thế làm gì kia chứ. Hừ, hàm mà không nhai thì có hàm làm quái gì.
Mấy câu trao đổi ban đầu có làm tôi bực, nhưng sau tôi chỉ mỉm cười nhìn anh ta nằm thẳng trên giường, miệng nói những gì nữa lảm nhảm như điên. Hình như, anh ta đã nói sang một vài người khác. Còn tay thì quờ quạng trên giường tìm cuốn sách.
Buổi thất bại thảm hại ấy còn ám ảnh và làm tôi bứt rứt mãi. Tôi tránh gặp thầy vì chỉ nghĩ lại những lời nhận xét của thầy cũng đã đủ để lưng tôi nổi gai lên. Nhưng từ đáy tôi đã rút ra được bài học, và tự hứa: “Đây là thất bại đầu tiên và cũng sẽ là lần thất bại cuối cùng”.
Một buổi tối tôi đang ngồi soạn bài ở hội trường thì thầy Phái đến, cầm một tập giấy đóng bìa cẩn thận. Tôi mới chỉ kịp chào và còn ngỡ ngàng thì thầy đã đến bên tôi. Tôi lúng túng đứng dậy. Thú thực, tuy là một cán bộ giảng dạy rồi nhưng sao đứng bên thầy, khi nào tôi cũng có cảm giác mình như đứa học trò nhỏ bé.
Thầy nắm vào cánh tay tôi dẫn đến dưới bóng điện cho sáng hơn, rồi lật tập giấy trong tay, đưa ra trước mặt tôi:
- Tôi đến chỗ em nhưng không gặp. Tôi cảm thấy em soạn bài có gặp khó khăn, - Lúc nào nói chuyện riêng tư thầy gọi tôi bằng em. - Nếu em không ngại, em có thể cầm tập giáo án gần đây nhất của tôi để tham khảo thêm.
Tôi đứng ngây nhìn thầy, tim bỗng đập chậm lại nhưng mạnh. Những cảm giác bứt rứt ngày qua tiêu tan. Không, thầy vẫn là người thầy của những năm xưa. Cánh tay khô chằng chịt đầy gân kia năm xưa ghi vào cuốn sổ của tôi bao phương trình, đã choàng chiếc áo ấm lên người tôi trong một đêm lạnh giá, đến giờ cánh tay ấy lại đang lật từng trang giáo án trước mặt tôi. Cánh tay ấy đã nâng tôi đi lên không bao giờ biết mỏi. Tay tôi run run đỡ tập giáo án, mí mắt cay cay, không, tôi muốn khóc.
Chỉ lát sau hai thầy trò tôi đã đi bên nhau trong đêm. Điện đã tắt. Khu trường sơ tán nằm im lìm như một con tàu thả neo trên biển nước đen mênh mông. Gió chỉ đủ làm mái lá khẽ rùng mình.
- Không hiểu em có nghĩ như tôi không, - thầy nói, - tôi quan niệm nghề dạy học rất quan trọng. Nếu như người thầy hiểu sai thì hàng trăm người khác sẽ hiểu sai, từ cái sai sẽ dẫn đến bao cái hỏng. Một số, cũng không ít đâu họ quan niệm dạy học chỉ là đọc lại giáo án, do đó họ ngại học thêm. Em thấy không, một cái máy cứ để thế chạy mãi nó cũng mòn đi. Óc người ta cũng vậy, nếu không chịu khó học thêm thì kiến thức cũng cùn đi chứ. Mặt khác, có người cho rằng dạy môn nào chỉ biết đến môn ấy. Riêng tôi, không được, nên biết nhiều, càng nhiều bài giảng càng phong phú. Có dạy mới thấy hết được cái khổ của anh kiến thức nghèo nàn. Còn điều nữa, nếu mình không lo từ giờ thì chỉ mười năm, không, không đến, chỉ vài năm thôi sinh viên của mình đọc sách nước ngoài cũng không hiểu nổi...
Đêm ấy thầy nói với tôi nhiều lắm. Tôi nghe tiếng thầy và hình dung lại mái trường Chu Văn An năm xưa. Tôi lẫn lộn tiếng thầy với tiếng thì thầm, to nhỏ của gió lùa trên những tán cây già cao chót vót, đội nắng giữa sân trường như đang kể chuyện mình cho những lớp người sau... cho tôi...
Trên bầu trời có tiếng chim tha thiết gọi nhau trong đêm, nhưng có tiếng nào tha thiết hơn tiếng thầy đêm nay không.
Sau buổi ấy tôi với thầy trở thành đôi bạn thân. Anh bạn ở cùng phòng đưa cặp mắt rất trơn tru nhìn tôi:
- Rồi cậu cũng giống tính ông ấy cho mà xem.
Tôi nhấn mạnh:
- Mình chỉ sợ giống tính cậu thôi.
Anh ta nhún vai. Tôi mỉm cười.
Tuy đã trở thành đôi bạn nhưng tôi rất tránh làm thầy mất thì giờ. Chỉ khi nào thật cần thiết trong bài vở tôi mới dám đẩy cái cánh cửa đóng im ỉm như cánh cửa viện bảo tàng vào hỏi thầy. Còn thường sau bữa cơm tôi mới sang trò chuyện. Nhớ lại chuyện cũ, tôi hỏi thầy:
- Sau khi em thi hết lớp mười được một năm, thầy được gọi lên dạy đại học sao thầy không đi?
Thầy gật gật đầu:
- Đúng! Đúng! Năm ấy tôi với một anh bạn ở cùng trường đang viết dở cuốn sách dùng cho khu giải phóng trong Nam. Nếu dạy đại học sớm một năm thì cuốn sách sẽ bị chậm lại một năm. Sau khi viết xong cuốn sách tôi có đề nghị Bộ cho đi theo cuốn sách vào trong ấy nhưng Bộ không đồng ý. Tôi muốn đi để thí nghiệm xem cuốn sách mình viết ra như thế nào. Anh bạn cùng viết chung với tôi được đi mấy năm rồi, vì quê anh ấy ở Cần Thơ.
Bỗng tiếng thầy chậm lại, đôi mắt đăm đăm nhìn vào một nơi nào như không biết tôi ngồi bên cạnh:
- Sau này, khi chiến tranh kết thúc, không rõ chúng ta có còn đủ trình độ để làm việc hay không? Chúng ta mới chỉ là người chuẩn bị cho lớp người sau nghiên cứu thôi em ạ.
Tôi rụt rè:
- Em nghĩ thầy cũng đang nghiên cứu?
Thầy nhíu mày nhìn tôi, lắc đầu:
- Không, sao lại gọi là nghiên cứu. Tôi chỉ muốn giải quyết cái mắc míu trong toán xây dựng mà thôi.
Cái mắc míu ấy trong xây dựng rất cần. Người ta mới chỉ tìm ra trong không gian một cái tâm chiếu những mặt bậc hai phức tạp thành mặt cầu đơn giản. Việc sử dụng cái tâm duy nhất này bị ràng buộc vào rất nhiều yếu tố phức tạp khác nên thầy tôi đã khẳng định rằng: Trong không gian không phải chỉ một mà còn nhiều tâm khác cũng có tác dụng tương tự như trên. Nếu tìm được nhiều tâm khác thì những bài toán trong xây dựng như về giao của các mặt, về vòm cuốn, về mái... sẽ được giải quyết dễ dàng bằng dụng cụ đại số.
Có người bảo thầy tôi: “Anh nghĩ kỹ đi. Vấn đề ấy không phải chỉ riêng trong xây dựng ở nước ta cần đâu”.
Cũng có người châm chọc đại loại như anh ở cùng phòng với tôi. Còn tôi chỉ biết tin tưởng.
Mùa đông đã đến. Những đợt gió lạnh như những chiếc bàn chải tre cứng rậm sát vào da thịt. Cánh cửa phòng của thầy đã kín lại càng kín hơn. Người ở phòng bên hoặc ai vô tình đi qua luôn nghe thấy tiếng ho khan của thầy vọng ra. Người thầy gầy đi, cánh tay càng khô hơn. Trên bàn làm việc của thầy ngổn ngang những sách và những tờ nháp viết vội vã, còn điều muốn tìm vẫn bặt tăm. Sức mạnh của thầy, tôi thấy chỉ còn trong đôi mắt. Tôi lo lắng đến sức khỏe của thầy và nhiều lần ý chí của tôi bị nhụt hẳn. Tôi nói như một kẻ phạm tội:
- Thưa thầy, nếu...
Thầy nhìn tôi nghiêm nghị. Tôi không đủ can đảm nói hết câu, trước cái nhìn của thầy.
Cái nhìn y hệt cái nhìn buổi đầu tôi lên lớp. Tôi im lặng và chợt nghĩ tới, giá lúc này thầy có một người vợ. Một người vợ thật, hoàn hảo, chăm sóc thầy trong lúc công việc bề bộn này thì vầng trán kia sẽ được đôi lúc thanh thản, và cặp mắt kia đôi lúc sẽ dịu xuống. Tôi được mọi người cho là gần thầy nhất, nhưng chuyện gia đình riêng tư tôi không hiểu một chút gì. Không rõ, trước kia và bây giờ có người phụ nữ nào yêu thầy tôi không nhỉ? Sao không thấy thầy nhắc đến người phụ nữ nào.
Vào một ngày nắng hanh ấm áp tôi vừa sang đến cửa thì thầy nắm tay tôi kéo vào bàn, tay run run lần lần những trang giấy vứt bừa bộn trên bàn, giọng lạc đi:
- Thấy rồi, thấy rồi, em ạ, không phải một mà vô số, thành một dải tâm! Đây này, không hiểu sao...
Thầy lật lật mấy cuốn sách dày cộp nói như cướp lấy ý:
- Không hiểu sao một sự trùng lặp rất khớp, dải tâm tìm được “trong không gian lại được biểu diễn bằng phương trình đại số.
Tôi hiểu sao nổi thầy đã tìm bằng cách nào. Tôi chỉ biết sung sướng, chỉ biết ngây ngất trong kết quả ấy. Thầy tôi đã thắng, đôi mắt kia đã thắng, đôi mắt sau bao ngày mở căng giờ mới dịu đi. Tôi mỉm cười nhìn thầy đi đi lại lại, cái đầu khẽ gật gật, hai tay bóp mạnh vào nhau kêu răng rắc. Thầy cười, cười như một đứa trẻ:
- Em biết không, khi tìm ra chính tôi cũng bàng hoàng đến không ngờ.
Và, tất nhiên ngày hôm ấy mọi người trong trường lại thấy thầy mặc quần áo tinh tươm. Và, bất cứ người nào cũng nhận được nụ cười của thầy.
Anh bạn ở cùng phòng với tôi, khi biết tin kết quả công việc sau bao ngày thầy tôi vật lộn mới tìm ra thì lắc đầu:
- Có thể nhầm chỗ nào đấy.
Tôi lạnh lùng:
- Chỗ nhầm ấy chắc phải chờ đến cậu giải quyết nốt.
Các đồng chí trong bộ môn gặp thầy tôi mỉm cười. Có người đến phòng đề nghị nói lại. Thực ra cũng có người chưa hiểu và ngờ vực. Nhưng tất cả đều thống nhất nên viết lại và trình bày ở nơi cần thiết. Điều ấy có hai ý, một ý khuyến khích thật sự, một do tính tò mò muốn xem nó ra sao. Dù là ý gì chăng nữa, cũng không có ảnh hưởng đến việc thầy tôi sửa lại bản thảo cho hoàn hảo. Tôi là chân thư ký đắc lực.
Trong những ngày ấy lúc nào thầy cũng sẵn sàng có những câu đùa dí dỏm, nét mặt thầy ánh lên một thứ ánh sáng của ngày thanh xuân tưởng chừng đã qua đi. Lúc đó tôi đánh bạo hỏi:
- Sao thầy không lấy vợ đi. Em nghĩ thầy lấy vợ thì còn làm được nhiều việc nữa.
Thầy cười khùng khục trong cổ họng nghe rất lạ:
- Nhưng không ai lấy tôi cả, em ạ.
Tôi nhìn thẳng vào mắt thầy như muốn hiểu rõ điều bí mật:
- Em không tin.
Thầy mỉm cười, gật gật đầu:
- Ừ... Ừ, không tin.
Hình như thầy cũng thấy điều ấy là đúng nên lại gần giá sách rút ra một cuốn sổ được bọc cẩn thận, lật mấy trang lấy ra một tấm ảnh lại gần phía tôi. Đấy là tấm ảnh một cô gái có đôi mắt đen bình thản, tóc tết sam nặng trĩu óng lên như nắng, cặp môi mọng rất nét hơi mỉm cười... Không, không thể nhầm được, tôi thốt lên:
- Hình như em đã gặp ở đâu rồi.
Thầy lại gật đâu, mỉm cười:
- Ừ, ừ gặp ở đâu rồi. Tên cô ấy là Giang, Hương Giang em ạ. Học sinh cũ của tôi đấy. Em tốt nghiệp năm nào, à, năm 1966. Hương Giang tốt nghiệp trước em hai năm. Có nghĩa là khi em học lớp tám thì cô ấy đã học lớp mười rồi. Cô ấy rất giỏi khoa tự nhiên. Khi cô ấy vào Tổng hợp toán được hai năm thì cả tôi và Giang đều thống nhất là sau này sẽ sống với nhau. Mới chỉ nói được vậy thôi. Tôi hy vọng và chờ đợi đến ngày ấy - Tiếng thầy nhỏ dần và chậm lại. Một nụ cười gượng, đượm nét bình thản. - Ồ, sao ngày ấy một cô gái nào đến với mình thì y như họ mang cả mùa xuân đến ngay trước cửa nhà mình em nhỉ? Em đã yêu chưa? Đã nói nhiều với một cô gái nào chưa? Tôi với Giang mới chỉ nói được có vậy. Sau đấy một chuyến đi từ nơi sơ tán về Hà Nội lấy sách, em còn nhớ vụ máy bay Mỹ ném bom xuống khu nhà phố Huế không? Hôm ấy ngày 22 tháng 8 năm 1967. Giang ra đi trong ngày đó em ạ. Giang cũng có nhiều dự tính lắm. Những công việc tôi đang làm bây giờ có lần Giang đã đề cập đến.
Tấm ảnh bị rung mạnh. Thầy lại để tấm ảnh vào cuốn sách, đưa tay lên xoa cằm.
- Tôi vốn không bao giờ muốn để cho mình nghỉ ngơi, sau khi Giang đi rồi thì cái thói quen ấy lại càng nhiều em ạ. Cũng có lúc tôi nghĩ nên lấy vợ, nhưng hình như cũng bận quá nên khất lần. Thôi, xong lần này sẽ để hẳn ra một thời gian nhưng có được đâu. Vài anh bạn cũng chú ý giúp việc này nhưng hình như các cô ấy không thích tôi thì phải.
Thầy lại lắc đầu mỉm cười.
Nghe xong tôi bâng khuâng. Tôi không dám có một ý định sẽ đi tìm vợ cho thầy, bởi đấy là một điều rất khó. Tôi cảm thấy, không, tôi thấy thầy tôi không cô đơn. Cái đau khổ đã qua trở thành công việc hàng ngày bình thản. Suy nghĩ ấy càng thôi thúc tôi lao vào làm việc với thầy, làm việc không biết đến những đợt gió chà ràn rạt quanh nhà, đến những đám mây màu xám đang nặng nề qua đi.
*
Một buổi tối vừa lên lớp về tôi tạm ngồi vào bàn làm tiếp công việc thì anh bạn ở cùng phòng đưa cho tôi một cuốn sách bìa cứng in bằng tiếng nước ngoài:
- Cậu xem đi.
- Sách mới nhập à? Nói về vấn đề gì đấy?
- À, xem đi khắc biết.
Tôi lật mấy trang đầu ra xem, mắt bỗng bị giữ cứng lại trên một dòng chữ: “Quỹ tích tâm thấu xạ biến mặt bậc hai ra cầu”. Tôi không tin đấy là dòng chữ in bằng tiếng nước ngoài và hấp tấp đọc lướt. Những dòng chữ nói đến một vấn đề y như hai thầy trò tôi đang làm. Tôi lật lại trang đầu, dòng chữ còn óng ánh mực in đậm nét: “Nhà xuất bản khoa học... 1970”. Tôi cầm cuốn sách toan chạy sang chỗ thầy nhưng anh bạn đã vội giữ lấy cuốn sách, lắc đầu:
- Ông ấy biết rồi.
Tôi đứng sững lại, nhìn sang cánh cửa gian phòng thầy tôi đang đóng im ỉm rồi lại nhìn cuốn sách. Sao thế này? Chỉ có một cảm giác trĩu nặng đè xuống người tôi. Trong lúc thầy trò tôi đang ra công chép lại thì bên kia người ta đang in.
Anh bạn ở cùng phòng với tôi nói như một nhà tiên tri:
- Mình bảo mà, chưa kịp nghĩ ra thì người ta đã nghĩ ra rồi. Thật phí sức.
Phải như lúc khác tôi đã độp lại nhưng lúc này còn thời gian đâu nghĩ đến anh ta. Mà thực ra, nhiều lúc tôi chẳng còn nghĩ là có anh ta ở cùng phòng nữa.
Từ lúc đó, tôi không thấy thầy ra ngoài. Tôi nghĩ rằng tin này sẽ làm thầy đau đớn và thấy mình bất lực không sao an ủi nổi. Khi ánh đèn trong phòng thầy bật sáng, lúc đó tôi mới yên tâm rằng thầy còn đi lại được. Và, tôi thiếp đi trong buồn nản.
Sớm sau, những đợt gió lạnh buốt như những bàn tay vỗ mạnh vào cửa đánh thức tôi dậy. Điều trước tiên tôi nhìn sang gian phòng của thầy. Cửa phòng vẫn đóng im ỉm. Nỗi lo lắng đêm qua trở lại. Hình như sáng nay thầy còn có giờ lên lớp nữa. Tôi vùng chạy sang và đẩy cánh cửa quá mạnh làm thầy giật mình. Thầy đang ngồi như một pho tượng ở ghế, trên mặt bàn, ngọn đèn dầu che kín chỉ để một khoảng sáng đủ xuống trang sách. Thầy vội vã đứng dậy kéo tôi vào bàn đưa cho cuốn sách mới:
- Em đọc chưa? - Thầy mỉm cười: Vấn đề thầy trò mình đang làm đấy. Họ đã giải quyết được rồi, rất xuất sắc, em ạ. Tôi đọc rất kỹ, nhưng những điều họ nói ra lại có vài cái mắc míu cần giải quyết. Tôi ghi lại cả đây.
Thầy lật cuốn sổ tay cho tôi xem và nhìn đồng hồ hấp tấp:
- Trưa về ta nói chuyện nhé, đừng viết tiếp nữa. Tôi phải lên lớp đây.
Nói xong, thầy đưa tay lên miệng ho khúc khắc vài tiếng. Một đợt gió lạnh tràn vào, ngọn đèn dầu khẽ lay động. Thầy đưa tay riết lại áo cho ấm ngực. Tôi khẩn khoản:
- Để em lên lớp thay thầy mấy giờ.
- Tôi cũng chỉ hơi mệt. Để tôi xem lớp nào đã nhé.
Thầy lật cuốn lịch bỏ túi, đôi mày khẽ nhíu lại, lắc đầu:
- Không được, tôi phải lên lớp. - Giọng thầy dịu đi. - Em đừng tự ái, vì hôm nay lớp này không thể vắng tôi được.
Thầy chuẩn bị mọi cái thật vội vã. Lúc ra, cánh cửa thầy quên không khép lại. Tôi nhìn theo, đầu thầy hơi cúi xuống, tay nắm chặt tập giáo án đưa lên ngực như chắn gió.
Chỉ một đêm qua thôi, tôi đã thấy sức khỏe của thầy sụp hẳn. Da đã khô càng khô hơn. Gân trên bàn tay càng hằn rõ, sù sì như những thứ dây leo bị bướu. Chỉ có đôi mắt thầy vẫn để tôi thấy được một sức mạnh kỳ lạ. Người ta bảo nhìn vào ánh mắt của người nào thì có thể thấy được sức mạnh tinh thần của người ấy. Trong đôi mắt ẩn náu những nhục dục, xấu xa, đê tiện nhút nhát, khiếp sợ, trong đôi mắt cũng ánh lên thứ ánh sáng của thông minh, can đảm lòng say mê lao vào công việc cho dù thể xác rã rời, giống như ánh mắt chim ưng chiến đấu cho tự do của bản thân dù thân thể mang đầy thương tích, cánh tả tơi nhưng mắt vẫn sáng rực lao vút lên, trước khi thân bị rơi nát vụn trên mỏm núi lô nhô vẫn tự hào được rằng: “Ta đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”. Ánh mắt của thầy tôi cũng nói lên điều đó. Sau chuyện công trình nghiên cứu bị trùng lặp thầy im lặng. Đôi mắt đăm chiêu hơn, và đêm đêm khi tôi nhìn qua cửa sổ vẫn thấy cái ô sáng vuông vắn của gian phòng thầy ở bền bỉ, dẻo dai thắp sáng qua những đêm mùa đông. Tôi nằm trằn trọc, phấp phỏng nhìn cái ô sáng ấy và lo sợ nghĩ đến cái kết thúc! Cái kết thúc ở đây không phải là sự thành công rực rỡ khi một tìm tòi ra đời, mà là, tới một đêm nào đó cũng ở gian nhà này tôi bất chợt tỉnh dậy vì một làn gió lạnh nhìn sang sẽ không thấy cái ô sáng vuông vức ở gian phòng thầy ở nữa. Không phải rằng tôi không tin, không phải rằng ý chí của tôi đã mất hẳn, nhưng sức khỏe của thầy yếu lắm rồi. Tôi có cảm giác rằng thầy sẽ không đứng vững nổi cho tới lúc một thành công mới ra đời. Thấy thầy im lặng và có nét như không muốn người khác quấy rầy mình, kể cả tôi nữa nên tôi sang mà chỉ lặng lẽ theo dõi thầy cũng như thầy đang lặng lẽ làm công việc của mình.
Không hiểu thầy bắt gặp một ý mới, một chỗ hổng nào trong cuốn sách của nước ngoài vừa rồi mà sau những giờ lên lớp thầy chỉ cặm cụi ngồi hí hoáy trên mặt bàn? Không hiểu thầy có biết rằng sức khỏe của thầy đã yếu lắm rồi không? Tôi biết trong lúc thầy say mê với công việc thì mọi lời can ngăn đều vô ích, chỉ có cái kết thúc mới là những lời can ngăn hiệu nghiệm nhất. Mỗi lần nghe tiếng ho khan từ gian phòng thầy ở đơn độc vọng ra lại làm tôi giật mình nhìn sang cái ô sáng gian phòng thầy ở. Lâu lâu tôi bỗng thấy sợ và không đủ can đảm nhìn sang cái ô sáng ấy nữa. Tôi rùng mình nghĩ rằng phải chứng kiến cái kết thúc của thầy như khi nghĩ đến cái kết thúc của chính mình.
Thấy thầy mỗi ngày một yếu, Khoa đã giảm giờ giảng dạy và đề nghị thầy nghỉ ngơi, nhưng thầy chỉ mỉm cười như biết ơn, rồi vẫn lao vào làm việc. Thầy bảo tôi:
- Không làm lúc này thì chẳng làm vào lúc nào được. Có thể vì thời gian, vì đòi hỏi của xây dựng, vì giới hạn của suy nghĩ khi tuổi tác mỗi lúc một cao nữa! Tôi thấy như gần nắm được nó rồi. Nắm được nó lần này rồi tôi sẽ nghỉ ngơi thật dài, thật dài em ạ. Mà như, buông trôi nó lúc này thì tôi có cảm giác sẽ không bao giờ đuổi theo để nắm nó lại nữa.
Ít lâu sau, tôi phải đi biệt phái dạy ở một khu sơ tán khác cách chỗ cũ không xa. Trước lúc đi tôi đến tạm biệt thầy nhưng thâm tâm lại nghĩ rằng đây là lần vĩnh biệt. Điều tôi nghĩ chưa đến nhưng rồi sẽ đến. Thấy tiếng đẩy cửa, thầy quay lại nhìn tôi mỉm cười, nụ cười rất vui nhưng cũng khô như bàn tay của thầy đặt trên chồng nháp dày cộp trên mặt bàn. Thầy kéo ghế cho tôi ngồi, rồi lật lật cuốn sách bìa cứng in bằng tiếng nước ngoài có công trình nghiên cứu trùng lặp với thầy, và chỉ vào những chỗ đã đánh dấu, nói cho tôi nghe về những chỗ tác giả viết còn bị hạn chế. Đôi lúc thầy phải dừng lại đưa tay lên giữ ngực cho dứt cơn ho. Tôi im lặng nghe thầy nhưng không hiểu những điều thầy nói. Trong lòng tôi chỉ có một tình thương yêu. Nhưng bỗng nhiên tôi thấy hoảng hốt nghĩ đến ngày nào đó tôi cũng lại như thầy kéo ghế mời một học trò cưng nào đó nói về những điều tôi đang làm và đôi lúc cũng phải dừng lại đưa tay lên giữ ngực chờ cho dứt cơn ho như thầy không? Chao ôi! Đỉnh cao và số phận. Để vươn tới thành công không những phải hy sinh cả tuổi trẻ mà có thể phải hy sinh cả cuộc đời. Mà có khi cả cuộc đời rồi cũng vẫn chỉ là một cuộc thí nghiệm cho lớp người sau đi tiếp.
Tới khu mới, tuy bận rộn với công việc giảng dạy nhưng hình ảnh thầy lúc nào cũng bám riết lấy tôi. Và, cứ mỗi lần nghĩ đến thầy không hiểu sao tôi lại hay nhìn ra cây bàng ngoài cửa, rồi để ý đến những chiếc lá khô quay tít bứt dần khỏi cành. Một lần tôi thấy rộn người khi thấy một chiếc lá khô cong nguyên vẹn lìa khỏi cành thì bị một đợt gió thổi thốc lên ném mạnh vào một cành khác, tôi nghe rõ tiếng rạn vỡ như tiếng của thủy tinh khẽ xô vào nhau rạn nứt và chiếc lá bị vò ra làm ba bốn mảnh trước khi đặt xuống mặt đất. Những chiếc lá kia và thầy tôi có gì liên quan đến nhau mà tôi lại hay để ý đến nó thế? Và, khi nào trên cây bàng những tay cành xương xẩu sẽ không còn một chiếc lá?
Một buổi sáng tôi đang giảng bài trên lớp thì nhận được mảnh giấy của thầy viết nguệch ngoạc mong gặp tôi ngay. Được tin ấy, tim tôi bỗng thắt lại, nhói mạnh. Những ngón tay tôi run run kẹp mảnh giấy như sợ bị rơi mất. Tôi thầm nghĩ: “Cái kết thúc đã đến rồi đây. Số phận trớ trêu của một người thầy bây giờ mới là lúc được định đoạt. Thật táo bạo nhưng cũng thật khủng khiếp! Chả lẽ một con người luôn có ý vươn lên để nắm lấy tất cả những gì cần biết giúp ích cho cuộc sống thì đều gặp phải những cảnh ngộ đó sao?”.
Hết giờ, tôi đạp xe về ngay gặp thầy. Tôi lo sợ rằng nếu chậm quá biết đâu lại không được nghe thầy nói những tiếng cuối cùng. Về đến nơi, gian phòng thầy vẫn đóng im ỉm như mọi ngày. Tôi đứng bên ngoài giây lát, do dự chưa dám đẩy cánh cửa ngay vì lo rằng phải chứng kiến một cảnh tượng ghê sợ mà bấy lâu nay luôn ám ảnh trong suy nghĩ tôi. Nhưng rồi! Tôi cũng đẩy cánh cửa và bước vào.
Thầy nằm trên giường, chăn kéo tới ngang ngực, hơi thở yếu ớt. Thấy tôi, khuôn mặt nhợt nhạt của thầy rạng lên chốc lát. Thầy không mỉm cười, cũng không nói. Thầy mệt lắm, đưa cánh tay đầy gân khỏi chăn vẫy tôi lại gần, kéo ghế ra ngồi. Thầy sẽ nói gì với tôi trước giờ phút nguy kịch này? Tôi lặng đi xót xa nhìn vào đôi mắt rất sáng của thầy đang mở găng nhìn tôi, rồi lại nhìn vào cốc sữa uống dở nguội lạnh, váng trắng đã chuyển sang màu vàng quánh sệt bám vào thành cốc đặt trên mặt bàn ngay đầu giường. Một miếng bánh mì cũng đã khô rắn lại đặt trên một tờ giấy viết dở. Thầy không nói gì mà lại đưa tay ra hiệu bảo tôi lấy ra một tập giấy viết tay ở giá đặt trên cuốn sách in bằng tiếng nước ngoài nói tới công trình nghiên cứu đã trùng với công trình của thầy. Tôi hấp tấp mở tập giấy ra đọc thì ngay dòng đầu tiên đã làm tôi choáng ngợp vì sức mạnh thu phục của nó. Tôi giở thêm ít trang. Những con số, những hình vẽ cuốn hút tôi. Thật không ngờ! Phần kết thúc của công trình thầy tôi tìm ra còn cao hơn công trình trong cuốn sách trình bày bằng tiếng nước ngoài kia. Trong cuốn sách ấy người ta mới chỉ tìm ra một dải tâm chiếu được biểu diễn bằng một phương trình đường bậc hai, nhưng giờ thầy tôi đã tìm thấy một phương trình mặt biểu diễn những điểm của tâm chiếu biến những mặt bậc hai bất kỳ thành mặt cầu đơn giản. Và, những trường hợp trước kia đã tìm thấy và công bố thành sách trên thế giới chỉ là những trường hợp đặc biệt có thể suy ra từ công trình nghiên cứu của thầy bằng những phép biến đổi toán học... Những dòng chữ, những con số.
Chao ôi! Cánh tay tôi cũng run bật lên cầm công trình hoàn hảo của thầy như khi tôi nhận được mảnh giấy thầy gọi khi sáng nhưng không phải run run vì ghê sợ mà run run vì cảm động vì khâm phục và lòng biết ơn tràn ngập. Tôi chăm chú nhìn thầy, im lặng, xấu hổ vì những suy nghĩ hèn yếu của mình. Thầy mỉm cười với tôi, nụ cười nhợt nhạt nhưng âu yếm. Trong nụ cười ấy tôi bỗng nghe thấy những lời khuyên và chiếc áo ấm của thầy choàng lên người tôi năm nào cũng trong ngày giá lạnh như hôm nay. Đây đâu phải là những lời khuyên, đâu phải chỉ là chiếc áo ấm. Tôi thấy những lời khuyên, chiếc áo ấm tưởng như vụn vặt với công trình đồ sộ đang nằm trên tay tôi như có gì liên quan đến nhau và không thể thiếu được. Hôm nay tôi nhìn gian phòng thầy ở một cách kỹ càng. Đôi mắt tôi dừng lại ở tập giấy viết tay trong đó nói đến một công trình hoàn hảo, một tập sách in bằng tiếng nước ngoài công trình chỉ là hệ quả của tập giấy viết tay. Tôi cố hình dung xem cuốn sách của tác giả nước ngoài kia ra đời trong trường hợp nào nhưng không sao hình dung ra nổi cũng như giờ đây, đứng trong gian phòng này tôi muốn minh họa lại thầy một cách thật đầy đủ rõ nét, nhưng sao tôi vẫn thấy thiếu...