— 1 —
Cái chết
Dù cuộc đời ra sao thì cái chết cũng sẽ đến với tất cả chúng ta. Bạn có thể là một quan chức cấp cao sở hữu danh tiếng, tài sản, địa vị, con đường bạn đi trải đầy hoa hồng; tất cả những điều đó không có nghĩa là cái chết không đứng ở đoạn đường bất kỳ, chờ đợi bạn. Vậy, thế nào là chết? Nó là một sự chấm dứt, đứt đoạn, đúng không nào? Chúng ta lo lắng về cái chết thể xác, nhưng sẽ không mảy may bận tâm nếu có thể luồn lách qua nó bằng cách tiếp tục sống dưới một hình thức khác. Vì vậy, khi hỏi về cái chết, chúng ta đang quan tâm đến việc liệu có sự sống tiếp diễn sau cái chết hay không. Vì mỗi ngày chúng ta đều thấy những xác người chết được hỏa thiêu hoặc chôn xuống lòng đất, nên nếu sự sống tiếp diễn, hẳn là nó không bao gồm cơ thể của chúng ta.
- 2 -
Điều gì sẽ tiếp diễn?
Vì lẽ đó, chúng ta cho rằng có một sự tiếp diễn mang tính siêu cảm giác, một sự tiếp nối về tâm lý, ý nghĩ và tính cách, được gọi là linh hồn, hay bất kỳ danh xưng nào bạn muốn. Chúng tôi muốn biết liệu dòng tư tưởng có được tiếp diễn hay không, sau khi tôi đã dành rất nhiều thời gian để thiền định và luyện tập. Nếu tôi chưa hoàn tất cuốn sách của mình, nếu tôi chưa hoàn thành công việc, nếu tôi yếu đuối và cần thời gian để trở nên mạnh mẽ, nếu tôi muốn tiếp tục niềm vui của mình, thì tôi rất sợ rằng cái chết sẽ chấm dứt tất cả những điều đó. Cái chết giờ đây là một hình thức của sự thất vọng, phải không nào? Tôi đang làm một điều gì đó dở dang, và tôi muốn hoàn thành nó, liệu sự sống tiếp diễn thì tôi có thể hoàn thành nó hay chăng? Vì tôi nào đâu muốn chết khi bản thảo sách chưa hoàn tất, tôi còn cần thời gian để phát triển một nhân vật nào đó nữa...
- 3 –
Vì vậy, nỗi sợ đối với cái chết chỉ tồn tại do ham muốn hoàn thiện bản thân, trong đó bạn cần phải có thời gian, tuổi thọ, sự sống tiếp diễn. Nhưng nếu bạn có thể hoàn thiện bản thân trong từng khoảnh khắc, hẳn là bạn sẽ thôi sợ hãi trước cái chết.
Bây giờ, vấn đề của chúng ta là làm thế nào để sự sống tiếp diễn bất chấp cái chết, phải không nào? Và bạn muốn có sự đảm bảo từ tôi, nếu không, bạn sẽ tìm đến những người khác, như là các chuyên gia của bạn, sách vở của bạn, hay các hình thức khác của sự xao nhãng và trốn chạy. Nếu giờ đây bạn lắng nghe tôi và tôi trò chuyện với bạn, chúng ta sẽ cùng tìm ra những điều thực sự giàu ý nghĩa. Sự tiếp tục của đời sống ấy rõ ràng là một mong ước, một mong muốn của bạn. Tôi còn yếu nhưng tôi muốn được mạnh mẽ; tôi chưa có nhà nhưng tôi muốn xây một căn; tôi vô danh nhưng tôi muốn nhận lấy tước vị đó; tôi đã túng thiếu nhưng tôi sẽ có một gia tài; tôi cũng muốn tìm thấy Thượng đế trong cõi đời này, v.v… Vì vậy, sự liên tục là một diễn trình của ham muốn và khi điều này chấm dứt, bạn gọi nó là cái chết, phải không nào? Rồi bạn sẽ còn tiếp tục sử dụng ham muốn như một phương tiện trong quá trình hoàn thiện bản thân.
- 4 -
Sự tiếp diễn của ý nghĩ
Ý nghĩ vẫn tiếp diễn bất chấp cái chết thể xác của bạn, điều này đã được chứng minh. Sau tất cả thì bạn là gì ngoài một ý nghĩ, không phải sao? Bạn là ý nghĩ về một cái tên, ý nghĩ về một vị trí, ý nghĩ về tiền bạc. Nếu loại bỏ đi ý tưởng và suy nghĩ thì bạn tồn tại ở đâu? Vì vậy, bạn là hiện thân của tư duy, như là cái tôi; nếu bây giờ bạn nói suy nghĩ phải tiếp tục vì suy nghĩ sẽ cho phép tôi hoàn thiện bản thân, vì ý nghĩ cuối cùng sẽ tìm ra chân lý. Đó là lý do mà bạn muốn suy nghĩ tiếp tục, vì bạn nghĩ nó sẽ giúp bạn tìm ra chân lý, cái mà bạn gọi là niềm hạnh phúc, Thượng đế, hay bất cứ điều gì mang lại hạnh phúc cho bạn.
Thế thì với sự liên tục của suy nghĩ, bạn có thể tìm thấy chân lý hay không? Nói cách khác, quá trình tư duy có giúp bạn khám phá ra chân lý không? Tôi muốn hạnh phúc, và tôi tìm kiếm nó thông qua nhiều phương tiện – tài sản, địa vị, sự xa hoa, phụ nữ, đàn ông, hoặc bất cứ điều gì. Tất cả chúng đều là nhu cầu của một tư tưởng tìm kiếm hạnh phúc, vậy ý nghĩ có thể tìm thấy hạnh phúc hay không?
- 5 -
Trong sự đổi mới, cái chết không tồn tại
Có hay không một sự đổi mới và tái sinh thông qua quá trình suy nghĩ liên tục? Xét cho cùng, nếu có sự đổi mới thì chúng ta không cần sợ hãi cái chết. Nếu cuộc đời bạn luôn tươi mới từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác, thì cái chết không tồn tại. Nhưng nếu bạn đòi hỏi tính liên tục của quá trình tư duy thì cái chết cùng với nỗi sợ chết sẽ luôn còn đó.
- 6 -
Sự đổi mới diễn ra khi tiến trình tư duy chấm dứt
Chỉ khi tôi nhận thấy sự thật là không có sự đổi mới nào đến từ quá trình liên tục, thì khi đó mới có hy vọng. Kể từ đó, tôi chỉ quan tâm đến sự chấm dứt của tiến trình tư duy từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác, một điều không bình thường cho lắm nhưng không hề điên rồ.
- 7 -
Tình yêu bất diệt
Khi có tình yêu thì không có cái chết, bởi khi đó không còn sự sợ hãi và tình yêu cũng không phải là một quá trình tư duy. Tình yêu đơn thuần diễn ra từng giây từng phút và vì thế nó vĩnh hằng.
- 8 -
Cái chết và sự bất diệt
Trong cái chết, chúng ta tìm sự bất diệt; trong dòng chuyển dịch sinh tử, chúng ta tìm sự vĩnh viễn; trong dòng chảy thời gian, chúng ta tìm sự bất tận; trong bóng tối, chúng ta tìm ánh sáng. Ở trong đời sống mà cái chết không tồn tại, có sự bất diệt. Ở trong đời sống mà chúng ta bám víu lấy sự sống, chúng ta tụ tập và cái chết xuất hiện, vì biết đến cái chết nên chúng ta liền bám víu vào sự sống.
Niềm hy vọng và lòng tin vào sự bất diệt không tương đồng với trải nghiệm sự bất diệt. Chính bạn, người tin tưởng và ham muốn chúng, phải chấm dứt niềm tin và hy vọng để có thể cảm nhận và trải nghiệm sự bất diệt. Niềm tin và hy vọng của bạn chỉ tăng cường sức mạnh cho cái tôi mà thôi.
- 9 -
Hiện tại là vĩnh hằng
Chúng ta không hiểu gì về cuộc sống hiện tại, vì vậy chúng ta nhìn về tương lai, nhìn về viễn cảnh chết chóc,...
Hiện tại là sự vĩnh hằng. Qua thời gian, cái phi thời gian không được trải nghiệm, còn hiện tại thì luôn hiện hữu; ngay cả khi bạn trốn chạy vào tương lai, hiện tại vẫn luôn hiện hữu.
- 10 -
Liệu có tồn tại niềm vui bất tận, dài lâu?
Có thể có một niềm vui bất tận, dài lâu, nhưng bạn cần có sự tự do để trải nghiệm nó. Tự do giúp bạn khám phá ra sự thật và tích lũy kinh nghiệm thực tế. Tự do là điều cần được tìm kiếm – tự do khỏi những người cứu giúp, giáo viên, các nhà lãnh đạo; tự do khỏi những bức tường định kiến về điều gì đó tốt hay xấu; tự do khỏi thẩm quyền và sự bắt chước; tự do khỏi cái tôi, vốn là nguyên nhân của tình trạng xung đột, đau đớn,...
Trong niềm hạnh phúc của thực tại, không còn người trải nghiệm cũng như trải nghiệm. Nếu tâm trí và trái tim bị đè nặng bởi ký ức về ngày hôm qua, chúng không thể tồn tại trong hiện tại vĩnh hằng. Tâm trí và trái tim phải chết mỗi ngày vì sự sống vĩnh cửu.
Hãy chết với trải nghiệm và trí nhớ của bạn, chết với những thành kiến của bạn, dù vừa ý hay không. Có một điều vô cùng khó hủy hoại xuất hiện cùng lúc với cái chết của bạn, không phải trạng thái hư vô mà là trạng thái sáng tạo. Chính sự đổi mới này sẽ hóa giải mọi vấn đề và nỗi phiền muộn của chúng ta, dù phức tạp và đau đớn đến đâu. Chỉ trong cái chết của cái tôi, ta mới tìm ra sự sống.
- 11 -
Nỗi sợ cái chết là nỗi sợ đánh mất điều đã biết
Cái tôi là tập hợp của những ký ức không hơn không kém; không tồn tại một thực thể tâm linh nào như cái tôi hay ở ngoài cái tôi; vì khi bạn nói rằng có một thực thể tâm linh khác bên cạnh cái tôi, nó vẫn là sản phẩm của tư tưởng, do đó vẫn nằm trong phạm vi tư duy cùng với ý nghĩ và ký ức. Vì vậy, dù là “bạn” hay “tôi”, cái tôi hơn hay kém, tại bất cứ thời điểm nào, nó cũng được neo lại bằng ký ức.
Chúng ta có hàm ý gì khi nói đến cái chết? Bất kỳ cỗ máy nào được đưa vào sử dụng liên tục đều tới hồi hỏng hóc. Tương tự như vậy, cơ thể con người nếu được sử dụng liên tục khó tránh khỏi việc kết thúc trên giường bệnh, vì tai nạn, hoặc vì tuổi tác. Bạn có thể sử dụng nó trong trăm năm, thậm chí hơn thế, dù sao thì nó cũng sẽ đến hồi kết thúc. Ta nhận thấy và chấp nhận điều này vì ta đã chứng kiến nó xảy ra liên tục.
- 12 -
Điều ta biết
Bạn không liên hệ trực tiếp đến điều mình không biết, vì thế bạn mới sợ cái chết. Thật ra hiểu biết của bạn về cuộc sống mới ít ỏi làm sao. Bạn không biết gì về mối tương quan giữa mình với tài sản, với người hàng xóm, với vợ hoặc chồng bạn, với cả những ý tưởng. Bạn chỉ biết những điều bề nổi, và bạn chỉ muốn tiếp tục làm những điều hời hợt. Để cho một cuộc đời đau khổ đến vậy tiếp diễn chẳng phải là một điều ngu ngốc lắm hay sao?
- 13 -
Cái chết và cuộc sống là một
Chỉ người ngu ngốc mới mong cầu sự tiếp diễn, không một ai hiểu được về những cảm xúc phong phú của cuộc sống lại muốn có được sự sống liên tục. Khi bạn hiểu về cuộc sống, bạn sẽ thấy được cái chưa biết – cuộc sống là cái ta chưa biết, vậy cái chết và cuộc sống cũng là một. Không hề có sự phân chia giữa sự sống và cái chết: sự chia rẽ ấy là do người dại dột và ngu dốt tạo nên trong sự gắn kết thân thể họ với sự sống tiếp diễn tầm thường. Những con người ấy xem thuyết luân hồi như là phương tiện che giấu nỗi sợ hãi của họ, như một sự bảo đảm cho việc tiếp diễn sự sống nhỏ nhoi ngu ngốc của họ.
Rõ ràng là tư duy của ta vẫn tiếp tục, nhưng một người đang tìm kiếm chân lý sẽ không quan tâm đến tư tưởng, vì tư tưởng không dẫn đến sự thật. Lý thuyết về “tôi” được tiếp diễn nhờ luân hồi là một ý niệm sai lầm đối với chân lý, vì nó không chân thật. “Tôi” bao gồm những kỷ niệm, đó là thời gian, và việc tiếp nối thời gian không dẫn bạn đến sự vĩnh cửu vượt trên thời gian. Sự sợ hãi về cái chết chỉ dừng lại khi bạn tiếp xúc với những điều chưa biết. Cuộc sống gồm những điều ta chưa biết, cái chết là cái chưa biết, sự thật cũng là cái chưa biết.
- 14 –
Từ bỏ cái tôi
Cuộc sống bao hàm những điều ta không biết, thưa bạn; cái biểu hiện nho nhỏ của cuộc sống mà chúng ta bám víu vào chỉ đơn thuần là ký ức, đó là một tư tưởng không đầy đủ, do đó nó không thực tế và không có giá trị. Tâm trí cứ bám vào cái thứ trống rỗng gọi là ký ức, mà trí nhớ là tâm trí, là cái tôi, dù ở mức độ nào. Vì vậy, tâm trí nằm trong những điều đã biết không bao giờ mời gọi được cái không biết. Chỉ khi nào có điều ta không biết hiện diện cùng trạng thái hoàn toàn bất định, chắc hẳn sự sợ hãi sẽ biến mất trong nhận thức của thực tế.
- 15 -
Thượng đế
Bạn tìm Thượng đế như thế nào?
Bạn sẽ dựa vào thông tin từ ai đó? Hay bạn sẽ tự mình khám phá về Thượng đế?