— 1 —
Hãy chú tâm khi thiền
Để quên đi ham muốn tìm kiếm một sự an ổn trong tâm trí hoặc một trạng thái hài lòng thỏa mãn, đòi hỏi ta phải quan sát kỹ lưỡng và liên tục về quá trình hoạt động của tâm trí, đó là thiền, phải không bạn? Thiền không phải là thực hành một công thức nào đó hay tụng niệm một số từ ngữ nào đó, tất cả những điều đó đều ngớ ngẩn và thiếu chín chắn. Nếu bạn không hiểu biết về toàn bộ diễn trình của tâm trí, có ý thức cũng như vô thức, thì bất kỳ hình thức thiền định nào cũng chỉ là một trở ngại, một sự trốn chạy, một hoạt động ấu trĩ; nó không khác gì một sự tự thôi miên. Nhưng nếu bạn nhận biết về toàn bộ quá trình suy nghĩ, đi từng bước cẩn trọng với sự chú tâm tuyệt đối và nhờ đó tự mình khám phá ra những con đường của bản thân, thì đó chính là thiền định. Chỉ nhờ hiểu biết về chính mình, tâm trí bạn mới được tự do khám phá ra chân lý là gì, Thượng đế là gì, cái chết là gì, cái mà chúng ta gọi là cuộc sống, là gì?
- 2 -
Thiền trong đời sống thường ngày
Tại sao người ta lười biếng? Có lẽ là vì họ ăn uống sai cách, hoặc làm việc quá sức, đi bộ quá lâu, trò chuyện quá dông dài, họ làm quá nhiều thứ và tự nhiên cơ thể họ lười nhác khi ngày mới đến. Bởi vì bạn đã không trải qua ngày trước đó một cách khôn ngoan, hẳn nhiên bạn sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, uể oải vào hôm sau.
Cơ thể không giỏi chịu kỷ luật. Nhưng chỉ cần bạn chú tâm khi nói chuyện, khi ở văn phòng làm việc, dù chỉ trong năm phút cũng đã đủ. Khi bạn ăn, hãy chú ý vào hành động nhai và nuốt thức ăn một cách từ tốn, việc lựa chọn món ăn và quyết định lượng thức ăn cũng cần điều độ. Sau khi kết thúc bữa ăn, bạn sẽ thấy cơ thể mình tự khắc trở nên tráng kiện và đầy sáng suốt. Bạn không buộc mình thông minh, bạn tự khắc trở nên thông minh, sự minh mẫn giúp bạn biết được khi nào thì nên thức dậy hoặc tiếp tục nghỉ ngơi. Vì vậy, bạn bắt đầu khám phá ra rằng bạn có thể làm công việc văn phòng đến tận cuối đời mà không vấp phải bất kỳ khó khăn nào, đó là vì bạn không lãng phí năng lượng mà luôn sử dụng nó một cách trọn vẹn, đó chính là thiền định.
- 3 -
Chú tâm đến toàn bộ chuyển động của mối tương quan là sự khởi đầu của thiền định
Thiền không giống với những gì đang được thực hiện trên toàn thế giới – ngồi trong một tư thế nhất định, thở theo một cách thức nào đó, lặp đi lặp lại những thi kệ (sloka) hoặc câu chú niệm (mantra). Những điều đó làm cho tâm trí trở nên ngu ngốc, trì độn và do đó nó im lặng, trong khi đó bạn nghĩ rằng mình đã thật sự có được sự tĩnh lặng. Kiểu thiền này thực chất chỉ là sự tự thôi miên, nó chẳng phải là thiền gì cả mà là một dạng lệch lạc hạng nhất của việc thiền định.
Thiền định đòi hỏi bạn phải chú tâm – vào những gì bạn đang truyền đạt cho gia đình, cho người giúp việc, cho ông chủ của bạn – hãy chú tâm vào thời điểm đó, đừng tập trung bởi hành động tập trung thật ra lợi bất cập hại. Rõ ràng là mỗi học sinh vì bị bắt buộc nên mới tập trung; những người ép mình tập trung với mong muốn nhận được một chút bình an, họ sẽ không có được cái mà họ gọi là sự “bình an”, họ sẽ có thứ gì đó thuộc về tâm trí chứ không phải là sự an tâm. Khi bạn tập trung vào một điều gì đó, bạn loại trừ, bạn kháng cự, bạn chối bỏ những điều không như mong muốn. Trong khi nếu bạn thật sự để tâm, nhờ đó bạn có thể nhìn vào mọi suy nghĩ và mọi khoảnh khắc một cách đồng điệu, khi đó quá trình thiền định sẽ diễn ra.
- 4 -
Thiền là sự sáng rõ
Thiền định như vậy quả là một điều kỳ diệu vì nó mang lại sự sáng rõ trong tâm hồn. Thiền là sự tĩnh tại, như một quá trình tự sắp xếp của cuộc sống chứ không phải là quá trình hành xác để được lặng yên.
Khi bạn chú ý đến từng từ ngữ, cử chỉ, lời nói, cảm giác, động cơ thúc đẩy của bạn; chỉ im lặng quan sát mà không nỗ lực thay đổi chúng thì từ đó cuộc sống trở nên rõ ràng, minh bạch và trật tự trong sự chuyển dịch không thuộc về thời gian. Một cuộc sống như vậy hẳn là luôn đầy ắp niềm vui, khi một người không gây thù hằn, anh ta tránh được bất hạnh.
- 5 -
Thiền để thấu hiểu cuộc sống – hãy là ngọn đèn soi sáng chính mình
Chân lý là một điều gì đó mà người khác không thể trao cho bạn được, bạn phải tự mình tìm lấy nó. Và để làm vậy, bạn phải kỷ luật bản thân, bạn phải là người hướng dẫn, lãnh đạo cho chính mình chứ không thể chờ một chính trị gia hay một nhà hoạt động xã hội nào làm thay bạn. Người có thể cứu rỗi thế giới không phải là một tu sĩ, không phải là sách vở, mà là chính bạn; bạn phải sống và nghiêm khắc với chính mình. Và do đó bạn không cần phủ phục trước uy quyền nào cả, bạn hoàn toàn có thể đứng riêng một mình, không chỉ ngoài mặt mà cả bên trong, tuy hoàn toàn đơn độc nhưng không hề sợ hãi.
Khi tâm trí thấu hiểu được bản chất của sự sợ hãi, bản chất của cái chết, và điều đặc biệt được gọi là tình yêu, nó đã hiểu mà không cần diễn tả hoặc suy nghĩ, nó thấu hiểu trong thực tại đời sống; sự thấu hiểu đó giúp tâm trí linh hoạt mà vẫn hoàn toàn tĩnh lặng. Toàn bộ quá trình hiểu biết cuộc sống hướng đến sự tự do khỏi tất cả các trận chiến ám ảnh, không phải trong một viễn cảnh tương lai nào đó, mà ngay lúc này. Toàn bộ sự chú tâm này là thiền định, bạn không ngồi ở một góc nào đó và tập giữ hơi thở, tụng niệm những lời ngớ ngẩn, bạn không tự thôi miên. Nhưng bạn hiểu về cuộc sống, từ bỏ được nỗi buồn phiền, thật sự thấu hiểu về đời sống trong thực tế chứ không chỉ trên bình diện ngôn từ hay lý thuyết; bạn cũng được giải thoát khỏi nỗi sợ hãi và cái chết. Tất cả chúng mang lại một tâm trí thinh lặng, tất cả chúng đều là thiền định.
- 6 -
Thiền là tự biết mình
Thiền là tự biết mình, và không có sự tự biết mình nào không phải là thiền định. Nếu bạn không nhận biết được tất cả các phản ứng của bạn vào mọi thời điểm, nếu bạn không hoàn toàn tỉnh thức trong các hoạt động hằng ngày của mình, thì việc giam mình trong một căn phòng và ngồi trước hình ảnh của một vị đạo sư hay bậc thầy tâm linh để thiền định, là một sự trốn chạy. Nếu không tự biết mình thì bạn không thể có tư duy đúng đắn, những gì bạn làm đều vô nghĩa bất kể động lực của bạn cao quý ra sao. Như vậy việc cầu nguyện không mang lại ý nghĩa gì nếu thiếu đi sự hiểu biết về bản thân; khi tự biết mình thì bạn sẽ tư duy đúng đắn và do đó hành động đúng đắn.
- 7 -
Thiền là quên đi tâm trí của quá khứ
Thiền là làm rỗng tâm trí của quá khứ, không phải như một ý niệm hay một hệ tư tưởng, mà là thực hành từ ngày này qua ngày khác, vì chính người hoặc thực thể đang thực hiện việc đó cũng là một kết quả của quá khứ. Để hiểu được toàn bộ cấu trúc của tâm trí và rũ bỏ được những nặng nề của quá khứ trong tâm trí, vốn cũng là kết quả của quá khứ, đòi hỏi một nhận thức sâu sắc. Để ý thức được về những ràng buộc quanh bạn, cách nói chuyện, cử chỉ của bạn, sự chai cứng, nhẫn nại, tàn nhẫn, bạo lực của bạn, chỉ ý thức về điều đó mà không lên án nó thì từ nhận thức đó xuất hiện một trạng thái yên tĩnh hoàn toàn của tâm trí. Để hiểu được sự thinh lặng, bạn phải hiểu nỗi buồn mà hầu hết chúng ta sống trong đó, cho dù ta có ý thức được về điều đó hay không. Dù sao thì chúng ta cũng chưa bao giờ chấm dứt được nỗi buồn, nó giống như cái bóng luôn kề cận chúng ta cả ngày lẫn đêm.
- 8 -
Hạnh phúc trong tâm trí tĩnh lặng
Trong nỗi phiền muộn, bạn thương tiếc chính mình, bạn quan tâm đến sự cô đơn, trống rỗng của bản thân; và khi một người nhận biết được sự trống rỗng, cô đơn đó thì họ thương tiếc cho bản thân, và nỗi tiếc thương này chính là phiền muộn. Hễ có phiền muộn, dù có ý thức hay trong vô thức, thì tâm trí không thể được tĩnh lặng. Sự tĩnh lặng của tâm trí đến từ vẻ đẹp và tình yêu thương, bạn vốn cũng không thể chia tách vẻ đẹp khỏi tình yêu. Vẻ đẹp không phải là để trang trí, cũng không phải để thưởng thức; nó không nằm ở những đường chân đồi hay trong kiến trúc. Vẻ đẹp tồn tại khi bạn biết được tình yêu là gì, và bạn không thể nào biết được nếu không sở hữu sự hiểu biết, sự khổ hạnh và nề nếp trong đời sống.
Điều này không ai có thể trao cho bạn, không một thánh nhân nào, không một cơ quan thẩm quyền nào trên khắp thế giới có thể làm thế. Bạn là một con người có trách nhiệm hiểu được toàn bộ cấu trúc và bản chất của cuộc sống hằng ngày. Những điều bạn làm, những gì bạn nghĩ, những động cơ của bạn, những kết luận đang giam hãm bạn trong mấy điều luật của riêng bạn. Toàn bộ quá trình phải bắt đầu từ cuộc sống, nếu bạn không thể thay đổi hoàn toàn và mang lại một chuyển biến hoàn toàn trong mình, bạn sẽ không bao giờ biết đến sự tĩnh lặng của một tâm trí hiểu về chân lý – trong tâm trí đó không có trí tưởng tượng; nó không phóng chiếu những mong muốn trong nó, nó hoàn toàn lặng yên. Và chỉ khi đó bạn mới cảm nhận được niềm hạnh phúc không nói nên lời.
- 9 -
Sống trong tỉnh thức
“Tôi cảm thấy cuộc sống hằng ngày của tôi quá tầm thường, tôi nên làm cái gì đó.”
Điều bạn nên làm ở đây là hãy chú tâm ăn khi bạn ăn; khi bạn đi dạo, hãy chú tâm vào chuyện đi bộ; khi đọc, bạn hãy chú tâm hoàn toàn cho dù trên tay bạn là tiểu thuyết trinh thám, tạp chí, Kinh thánh, hay bất kỳ loại sách vở nào. Sự chú tâm hoàn toàn tự nó đã là một hành động hoàn chỉnh, bạn không cần phải làm gì đó khác đi.
Điều thật sự quan trọng không phải là chúng ta đang làm gì mà là liệu ta có thể dành cho nó sự chú tâm hay không.
- 10 -
Trong thinh lặng, các vấn đề được giải quyết
“Ông đang khuyến khích chúng tôi dọn dẹp môi trường nội tại của mình. Tại sao ông lại đề nghị như vậy?”
Tôi không đề nghị bất cứ điều gì, nhưng bạn biết đấy, chiếc cốc chỉ hữu ích khi nó trống rỗng. Hầu hết chúng ta để cho tâm trí mình bị che khuất, bị chất chồng với rất nhiều thứ – từ những trải nghiệm thú vị hoặc khó chịu đến kiến thức, khuôn mẫu hoặc mô thức hành động... Tâm trí không thực sự tạo ra sản phẩm nào của chính nó vì nó không khi nào trống rỗng cả, còn sự sáng tạo thì chỉ có thể diễn ra trong tâm trí hoàn toàn trống rỗng mà thôi.
Tôi không biết bạn đã bao giờ để ý đến chuyện thi thoảng xảy ra khi bạn bắt gặp vấn đề nào đó, chẳng hạn như về toán học hoặc về tâm lý. Bạn ưu tư suy nghĩ về nó rất nhiều, bạn lo lắng về nó dai dẳng như một chú chó nhai xương, nhưng bạn không tìm thấy câu trả lời nào. Rốt cuộc bạn đành để nó lại và đi xa khỏi nó, rồi đột nhiên trong sự rỗng không ấy hiện lên câu trả lời cho bạn, tại sao thế? Tâm trí bạn đã rất tích cực tìm tòi về vấn đề đó, nhưng bạn chưa tìm được câu trả lời nên phải tạm thời gạt vấn đề sang một bên. Rồi bỗng tâm trí của bạn được im lặng và trống rỗng; và rất sớm thôi vấn đề được giải quyết. Tương tự như vậy, khi một người để cuộc sống của mình được kết thúc, được chết theo mỗi giây phút, chết cùng những cam kết, những kỷ niệm, những giây phút hoài nghi và đau đớn, thì tâm trí sẽ được trống rỗng và những điều mới mẻ có thể xuất hiện.
- 11 -
Tâm trí tĩnh lặng
Chỉ riêng tâm trí tĩnh lặng, không phải là một tâm trí được đưa vào khuôn khổ, mới có thể hiểu biết và do đó được tự do; chỉ riêng tâm trí tĩnh lặng mới biết sáng tạo là gì, nhất là khi người ta đã quá lạm dụng cụm từ “Đấng sáng tạo”.
Để thấy được một thứ vượt trên cả thời gian, bạn phải để tâm trí mình được tĩnh lặng, đó không phải là một tâm trí chết lặng, mà trái lại nó hoạt động rất mạnh mẽ; bất cứ thứ gì di chuyển và hoạt động ở tốc độ cao đều luôn im lặng. Tâm trí trì độn thì mới luôn lo lắng, sợ hãi và không bao giờ có thể được yên tĩnh. Chỉ tâm trí tĩnh lặng mới có ý thức, mới tìm ra được và ở được trong trạng thái minh mẫn, sáng tạo. Bình an là trách nhiệm của bạn, của từng người, chứ không phải của các chính trị gia, người lính, luật sư, doanh nhân. Bạn sống mỗi ngày như thế nào? Nếu bạn muốn thế giới hòa bình, bạn phải có một lối sống hiền hòa, bình an, không ghen ghét, đố kỵ, không ham mê quyền lực, không sa vào cạnh tranh. Nhờ tự do khỏi tất cả những điều đó, bạn tìm được tình yêu cho mình. Chỉ khi tâm trí có khả năng yêu thương chân thành, nó, cũng như ta mới biết cách đạt đến một cuộc sống hòa bình.