Lão ăn mày đứng trước sân nhà Tam Quỷ, nhìn chòng chọc vào bên trong nhà. Lớp sương mù lảng bảng xung quanh, len lỏi cả vào căn nhà đơn sơ, từng cơn gió thổi qua khe cửa vun vút nghe như tiếng ma than quỷ khóc. Lão vẫn mặc một chiếc áo vá chằng vá đụp, làn da bủng beo xám xịt, đôi môi thâm sì tái nhợt đi vì cái rét buốt đến tận xương. Gương mặt lão không bộc lộ cảm xúc gì đặc biệt, chỉ im lặng đứng nhìn mà thôi.
Dường như sự xuất hiện bất ngờ của lão ăn mày què khiến cho ông Thập và Tam Quỷ ngây người ra nhìn. Đúng là lão chứ không sai. Lão què chống hai tay xuống đất, dồn trọng tâm vào tay, lấy hết sức mình lê tấm thân gầy guộc rồi chầm chậm tiến vào cửa. Tam Quỷ như bừng tỉnh khỏi nỗi ngạc nhiên, cơn giận trong người gã bùng nổ, gã quay sang bên hông vơ vội lấy con dao bầu chọc tiết lợn rồi đứng phắt dậy, phăm phăm tiến đến lão ăn mày què.
“Đừng! Bác Tam! Đừng có giết lão.” Ông Thập nhào theo.
Thế nhưng Tam Quỷ bỏ ngoài tai lời ông Thập, gã chạy ào tới trước mặt lão què, hai tay gã run run, đôi mắt gã đỏ hoe vằn lên những tia máu dữ tợn. Gã cầm cao dao bầu trong tay, khi gã toan vung xuống người lão què thì ông Thập từ đằng sau ôm chầm lấy Tam Quỷ, đẩy hắn sang một bên. Con dao chọc tiết lợn không đâm trúng người lão ăn mày mà chỉ sượt qua tay, khiến cho khuỷu tay trái của lão có một vết cắt dài chừng một đốt ngón tay người lớn. Tam Quỷ quay phắt người lại, ngón tay gã run run chỉ thẳng vào mặt ông Thập rồi hét lớn:
“Mẹ kiếp! Ông cản tôi làm gì? Tôi phải giết thằng chó này!”
Giọng Tam Quỷ lạc đi, hòa vào trong tiếng vù vù của cơn giông gió. Ông Thập gằn giọng:
“Giết người thì bác gái cũng không sống lại được. Anh không muốn biết tường tận mọi chuyện à?”
“Nó… Nó… Nó là đồ sát nhân. Chính nó đã giết vợ tao.”
Tam Quỷ rưng rưng như đang cố gắng nuốt nước mắt vào trong, gương mặt gã méo xệch hằn lên sự đau đớn.
Lão ăn mày để mặc vết thương đang rỉ máu, lão ngước mắt nhìn Tam Quỷ rồi quả quyết đáp lại:
“Tôi không giết vợ anh. Càng không giết cậu Tứ.”
“Mày… mày… mày nói láo. Nếu không phải mày thì ai?” Tam Quỷ trừng mắt nhìn lão ăn mày què quặt dưới chân mình.
Chưa kịp để lão ăn mày trả lời, ông Thập đã hỏi lại:
“Vậy thì ông tới đây làm gì?”
Lão ăn mày quay sang nhìn ông Thập với vẻ mặt bình thản.
“Tôi đến đây để nói cho các anh biết điều đó. Hay nói đúng hơn là…” Lão quay sang nhìn Tam Quỷ như muốn khẳng định với gã, “Tôi tới để giải oan cho chính mình.”
Ông Thập nhíu mày suy nghĩ, câu chuyện quái dị về cái chết của thằng Tứ Cháo Lòng mới được Tam Quỷ kể tối hôm qua, vợ gã cũng vừa chết. Vậy làm sao mà lão ăn mày biết được mọi nghi ngờ đang dồn về lão? Dù cho những người làng xúm đen xúm đỏ lại xem xác thị Tam rồi đồn đại khắp nơi, thì việc lão ăn mày biết được tin tức cũng không thể sớm như thế. Bởi lẽ làm gì có ai nói với lão? Người dân nơi đây tin rằng lão là kẻ sát nhân chắc chắn sẽ tránh lão như tránh tà, hà tất gì phải dính dáng đến lão? Nỗi nghi hoặc trong lòng ông Thập mỗi lúc một lớn, ông quay sang vỗ nhẹ vào vai Tam Quỷ như thể trấn an gã, rồi hạ giọng nói nhỏ:
“Cho lão vào bên trong để hỏi chuyện. Cứ để lão nói cũng không hại gì, có gì chúng ta tính tiếp.”
Không để Tam Quỷ từ chối, ông Thập gật đầu ra hiệu cho lão ăn mày đi vào bên trong, đoạn lại kéo Tam Quỷ đi cùng mình. Hai tay gã còn đang nắm chặt thành nắm đấm, gương mặt gã vẫn toát lên vẻ căm hận tột cùng.
Ngẫm ra cuộc đời cũng thật nhiều nỗi trái ngang. Vào giờ này hôm qua, ông Thập cùng đám lái buôn và mấy người trong khu chợ còn đang ngồi quây quần nghe vợ chồng Tam Quỷ kể chuyện về cái chết kì bí của thằng Tứ Cháo Lòng. Ấy vậy mà hôm nay mọi thứ đã khác hẳn, vẫn là bếp lửa ấy, vẫn là căn nhà có ánh đèn cầy sáng tù mù ấy, chỉ có điều người kể lại là lão ăn mày què còn thị Tam đã trở thành người thiên cổ nằm lạnh lẽo bên trong chiếc chiếu hoa vá chằng vá đụp.
Lão ăn mày lết tới gần thi hài của thị Tam, lão khẽ thở dài rồi châm một cây nhang đốt cho người đã khuất. Ông Thập và Tam Quỷ im lặng nhìn lão viếng vong hồn thị Tam, dù chẳng nói ra nhưng trong lòng cả hai người đàn ông dạn dày sương gió đều ngổn ngang suy nghĩ. Bầu không khí yên lặng đến nỗi người ta có thể nghe rõ được hơi thở nhè nhẹ của ông Thập, tiếng nấc cụt của Tam Quỷ. Sự căng thẳng bao trùm lên tất cả.
Lão ăn mày què khó nhọc quay lại rồi ngồi đối diện với hai người đàn ông, lão nhìn ông Thập, rồi lại nhìn Tam Quỷ một hồi, sau cùng mới cất giọng đều đều:
“Hẳn là mọi người đều cho rằng tôi là kẻ giết người.”
Tam Quỷ toan nói, nhưng ông Thập kéo lại nhìn gã rồi lắc đầu, ngụ ý đừng cắt ngang lời lão nói. Lão ăn mày như không để ý đến hành động của Tam Quỷ, lão điềm đạm tiếp lời:
“Cũng khó trách được mọi người nghĩ như vậy. Bởi vì xung quanh tôi có quá nhiều chuyện quái dị, người bình thường không thể giải thích được. Đêm nay tôi sẽ dành để giải thích cho hai vị nghe, dù có tin hay không thì tôi cũng không dám oán trách nửa lời.”
Lão ăn mày thoáng cười buồn, lão hít một hơi dài rồi nói tiếp:
“Tôi lưu lạc đến khu chợ ở vùng núi hoang vu hẻo lánh này gần bốn năm rồi, chính xác là ba năm tám tháng. Lúc tôi mới đến, khu chợ vừa mới được quan tri huyện cho xây dựng, người buôn kẻ bán còn chưa tấp nập như bây giờ, thậm chí dân quanh vùng nhiều người còn chưa biết nơi này có chợ.
Đã là chợ thì phải có ăn mày, nhất là ở những vùng biên giới như thế này, ăn mày càng kiếm ăn được dễ dàng. Ban đầu chợ có 3 – 4 gã ăn mày như tôi, kẻ lớn nhất cũng đã trạc ngũ tuần tên là Đản, còn đứa nhỏ nhất thì mới 10 tuổi, nó không có tên tôi chỉ nghe bọn chúng gọi nó là thằng Câm.
Phàm đã làm nghề gì thì đều phải tuân theo luật của nghề đó. Ăn mày cũng có quy tắc của ăn mày, mỗi khu vực đều do một vài gã ăn mày nắm giữ, chuyện tranh chấp địa bàn rồi đánh nhau đổ máu vốn dĩ rất bình thường. Tôi vừa chân ướt chân ráo đến chợ thì vô tình gặp đúng vợ của quan tri huyện đi chợ cùng người hầu, thấy tôi què quặt vẫn phải đi xin ăn, quan bà thương tình cho tôi ít xu lẻ. Tôi chưa kịp mừng thì bọn lão Đản và thằng Câm đi đến, chúng dẫn theo sau hai thằng khác nhìn tôi cười cợt. Biết sự chẳng lành nhưng thân cô thế cô lại đang tàn tật nên tôi chẳng thể nào trốn được.
Chúng lôi tôi vào một nghĩa địa nhỏ bên dưới chân đồi rồi đánh đập. Chúng hoạnh họe hỏi tôi từ đâu đến, rồi lớn giọng nói đây là địa bàn của chúng, nếu tôi không ngoan ngoãn phục tùng thì phải biến đi chỗ khác, bằng không đừng trách chúng vô tình. Chúng cướp tiền xu lẻ của tôi, lại cướp đi cả cái bát mẻ mà tôi cầm để xin ăn.”
Lão ăn mày què thở dài sườn sượt rồi nói tiếp:
“Chúng ở đó hành hạ tôi cả ngày trời, nào đánh, nào đấm, rồi toan cắt thịt tôi để nướng ăn. May phước cho tôi, chúng chẳng có con dao nào, ví phỏng như lúc ấy có thứ gì để cắt thịt thì chắc giờ này tôi chẳng còn ngồi ở đây mà nói chuyện với hai vị. Chúng đang đánh đập tôi thì chợt nghe có tiếng người đi tới. Ngày hôm ấy trời cũng âm u, mây đen vần vũ như thế này, làm gì có ai đi đi lại lại giữa bãi tha ma hoang vắng vào lúc sẩm tối? Ấy vậy mà tôi và lũ thằng Đản đều nghe rõ mồn một có tiếng ai đó khấn rì rầm đâu đây vọng lại.
Tiếng rì rầm đó nghe rất lạ, không phải là tiếng cầu khấn dành cho người đã mất, nó giống như một bài khẩu quyết thì đúng hơn. Thằng Đản, thằng Câm buông tay khỏi cổ áo tôi, chúng im lặng nghe ngóng. Tiếng rì rầm cất lên từ sau một gò đất cao cao, trong hơi gió lành lạnh tôi ngửi thấy mùi nhang khói thoang thoảng. Lúc đó tôi đoán chắc chắn có ai làm chuyện mờ ám đâu đây.
Dường như bọn thằng Đản, thằng Câm cũng đoán có đám người nào đó đi tảo mộ. Các vị hiểu bọn ăn mày như lũ chúng tôi thích nhất là gì không? Đó là ăn trộm đồ cúng trên mộ người chết. Nhiều khi gặp phải nhà giàu cúng gà cúng heo quay, thì còn mừng hơn cả cha sống lại. Bọn nó thôi không hành hạ tôi nữa, chúng líu ríu chạy về hướng phát ra tiếng khấn rì rầm, mong tìm được thứ gì đó ngon lành. Tôi nhớ như in chúng chạy về cái gò đất trên cao, từ nơi đó có thể đứng nhìn bao quát cả khu chợ. Cái gò đất đó có rất nhiều người dân trong chợ này biết đến.”
Lão ăn mày ngừng một lúc để nhìn Tam Quỷ như thể tìm kiếm sự đồng tình. Có vẻ như Tam Quỷ cũng biết đến gò đất giữa bãi tha ma dưới triều núi, hắn gật đầu xác nhận nhưng vẫn im lặng không nói gì mà chỉ nhìn chăm chăm vào lão ăn mày què. Lão hít một hơi dài rồi nói tiếp:
“Một mình tôi nào dám chạy theo bọn thằng Đản, thằng Câm để kiếm chác đồ cúng trên mộ nhà người ta. Tôi vốn dĩ không đồng hội đồng thuyền với bọn chúng, bản thân lại què quặt thế này, làm sao làm được tích sự gì. Thế là tôi im lặng nằm xuống bãi cỏ để cho mấy vết thương chúng đánh đập khi nãy bớt đau.
Lạ lùng ở chỗ, khi bọn thằng Đản tiến tới chỗ gò đất để hóng người ta cúng khấn thì tiếng rì rầm đột ngột ngưng bặt. Cả người tôi mình mẩy ê ẩm, không biết chính xác chuyện gì xảy ra, chỉ nghe thấy bọn chúng hét lên kinh hoàng rồi bỏ chạy tan tác. Tôi cố gắng ngồi dậy, nấp sau một ngôi mộ để xem xem chuyện gì xảy ra thì chỉ kịp thấy mỗi thằng trong bọn chúng chạy về một phía. Thằng Đản thì bưng mặt chạy, thằng Câm thì ú ớ không thành tiếng ngã lăn lông lốc. Hai thằng tay sai đi cùng với bọn chúng thì gào lên như bị ma đuổi. Tôi bàng hoàng cả người, không hiểu rõ chúng chứng kiến chuyện gì mà lại sợ hãi đến thế.
Bọn chúng bỏ chạy rồi, tiếng rì rầm lại tiếp tục vang lên, lại còn cả tiếng chuông rung leng keng nữa. Tôi nấp sau mộ chờ đợi xem có sự lạ gì tiếp thì chẳng thấy gì, chỉ thoáng thấy bóng một người đàn ông mặc áo the đen, hai tay chắp sau lưng, trên vai có một cái tay nải đi về phía con đường lớn. Đến khi trời tối hẳn thì tôi mới mò ra cái gò đất để xem xét.
Quả thật là kì lạ! Tôi chẳng thấy có gì ngoài một ít đồ cúng, bên trên có một con gà luộc, một ít gạo muối, một ít trái cây và bình rượu nhỏ xíu. Cơn đói làm người ta mụ mẫm hết cả đầu, tôi lết tới ăn thịt, uống rượu. Giả như giờ mà có ma quỷ hay ai đến đây giết chết thì tôi cũng nhất quyết không chịu làm con ma đói. Tôi vừa ăn vừa ngẫm nghĩ đến sự lạ lúc chiều, chẳng hiểu vì sao mà bọn thằng Đản, thằng Câm lại chạy trốn như thế? Tôi còn nghĩ nếu sau này có gặp lại, nhất định hỏi chúng cho rõ. Thế nhưng, tôi chẳng thể ngờ được ngày hôm sau gặp lại, bọn chúng đã trở thành kẻ ngơ ngơ, ngẩn ngẩn, lúc tỉnh lúc mê.” Lão ăn mày thở dài sượt.
Ông Thập rót một chén rượu ngô đặt trước cả ba người, lão què không khách khí cầm lấy chén dốc một hơi cạn sạch. Tam Quỷ quên cả tỏ vẻ hung dữ, hắn hỏi dồn dập:
“Rồi sau đó như thế nào? Ông có biết vì sao mà lũ thằng Đản lại phát điên không? Rốt cuộc chúng đã gặp phải chuyện gì?”
Lão ăn mày què không trả lời ngay mà trầm giọng hỏi lại:
“Các vị đã bao giờ nghe nói tới rượu sọ người chưa?”
Ông Thập ngây người nhìn lão ăn mày què, trong lòng nổi lên một cảm giác vừa tởm lợm, vừa kinh hãi. Người Việt, người phương Bắc bấy lâu nay có thói quen ngâm rượu trắng với các loại trái cây, động vật để chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe, gân cốt. Chỉ tính riêng rượu ngâm thôi cũng đã hàng chục loại. Kẻ giàu thì ngâm rượu với thuốc bắc, mãng xà, rượu tắc kè, nhân sâm. Quan lại vua chúa giàu sang quyền quý còn cất công tìm cả gân hươu, bàn tay gấu để ngâm chung với rượu những mong kéo dài tuổi thanh xuân. Người nghèo thì dùng trái cây để ngâm rượu, khi thì quả mơ, cũng có khi chỉ cần một ít chuối hột cũng đủ làm cho người ta lâng lâng.
Cách ngâm rượu ngày trước cũng vô số phép tắc cầu kì. Phàm là đàn bà đã có chồng, hoặc phụ nữ đã thất thân thì không được phép đến gần vò rượu, càng không được phép tự tay ngâm rượu. Người ta sợ vò rượu mất đi sự thanh bạch, trong trẻo vốn có của nó. Chẳng thế mà việc ngâm rượu, lấy rượu từ vò khi đã ngâm xong cánh đàn ông đích thân phải làm, âu cũng là để giữ cho rượu thanh bạch.
Chẳng nói đâu xa, ngay đến cả thứ rượu nữ nhi hồng nổi tiếng của phương Bắc cũng phải tuân theo phép tắc này. Dân gian xưa lưu truyền lại, để làm được rượu nữ nhi hồng người ta phải lựa chọn mười ba thiếu nữ xinh đẹp, tuổi chưa quá mười hai, quan trọng nhất là phải còn trong trắng.
Những cô gái đó sẽ tắm rửa sạch sẽ, chậm rãi nhai những quả nho được liệt vào hàng nhất phẩm, sau đó nhả ra nước nho rồi mới được hạ thổ, chưng cất mấy chục năm, cuối cùng mới cho ra thứ rượu nữ nhi hồng hảo hạng.
Ông Thập ngồi ngây người ngẫm nghĩ, rượu nữ nhi hồng hiếm có là thế mà còn lừng danh trên chốn giang hồ, không chỉ những anh hùng hảo hán biết đến mà kể cả những người lao động bình thường như ông cũng đã từng nghe nói tới. Chẳng lẽ loại rượu sọ người mà lão ăn mày què đang nhắc tới lại còn hiếm có khó tìm hơn nữa hay sao?
Nghĩ đến đó, ông Thập nhìn Tam quỷ với ánh mắt hoang mang, gã cũng ngạc nhiên không kém gì ông Thập. Tựa như đoán được sự bất ngờ trong ánh mắt của hai người đàn ông ngồi đối diện, lão ăn mày què mỉm cười:
“Rượu sọ người là có thật. Chỉ có điều xung quanh chúng còn quá nhiều chuyện rùng rợn đến nỗi người khác không tin rằng chúng có thật. Để làm được loại rượu này, người ta phải dùng chính sọ của người sống để ngâm rượu. Hoặc có thể dùng sọ của người vừa mới chết. Loại rượu dùng để ngâm phải được chưng cất bằng thứ gạo nếp thượng hạng, lại phải được nấu trong đêm tối tuyệt đối không để ánh sáng chiếu vào. Sọ người được đặt trong cái chum bằng gốm, loại gốm tốt nhất là lấy từ đất của vùng Phù Lãng cách Thăng Long Thành vài chục dặm.
Những chiếc sọ được xếp tầng tầng lớp lớp trong chum, sau đó người ta đổ rượu từ từ để cho từng ngóc ngách của sọ người đều thấm đẫm chất lỏng cay nồng ấy. Rượu được ủ trong bảy bảy bốn chín ngày mới được lấy ra. Người uống rượu này có thể dẫn dụ âm binh, lôi kéo âm binh đi hại người. Bầy ma xó, ma trành gặp phải người uống rượu này đều phải tránh xa. Chỉ có điều…” Lão ăn mày què bỏ lửng câu nói.
Tam quỷ sốt ruột hỏi nhanh:
“Chỉ có điều làm sao? Lão đã kể thì phải kể cho nhanh chứ.”
Lão ăn mày lắc đầu nhỏ giọng đáp lại:
“Chỉ có điều người ngâm rượu này không được lấy vợ, sinh con. Khi ngâm rượu phải hạ thổ, hàng ngày tưới máu tươi lên trên mặt đất, giống như người ta tưới cây bằng nước vậy.”
Ông Thập nghe mà bủn rủn cả người, bàn tay ông đang cầm chén rượu ngô run lên cầm cập. Ngoài trời gió vẫn thổi, sương mù đã tan biến từ lúc nào, thay vào đó là cơn mưa phùn lâm thâm, rả rích trong đêm. Tam Quỷ bấy lâu nay đem chuyện tà ma quỷ quái mua vui cho mọi người, nào ngờ đến hôm nay chính hắn lại sợ hãi vì câu chuyện rùng rợn của người khác. Ông Thập cất giọng:
“Vậy bình rượu sọ người đó có liên quan gì đến việc lũ thằng Đản, thằng Câm bị điên? Liệu có liên quan đến việc thằng Tứ Cháo Lòng và thị Tam chết bất đắc kỳ tử không? Chẳng hay cụ biết được điều gì?”
Từ đôi mắt của lão ăn mày què thấp thoáng tia cười đầy ẩn ý. Lão nhìn ông Thập một lúc rồi mới nói:
“Cái chết của cậu Tứ và thị Tam, cùng với mấy gã ăn mày điên loạn đích thị có liên quan đến bình rượu sọ người. Mà đâu phải chỉ có liên quan đơn thuần, chính bình rượu sọ người năm ấy mới là nguyên nhân gây ra cớ sự ngày hôm nay.”
Tam Quỷ giật thót người, toàn thân gã không lạnh mà run. Gã không ngờ rằng cái chết của vợ gã lại có gốc rễ từ thứ rượu quỷ dị như thế. Vợ gã còn đang may áo mới để mặc vào dịp Tết, thế mà cuối cùng lại chết tức tưởi vì một thứ rượu trộn lẫn với sọ người. Điều lạ lùng nhất là tại sao lão ăn mày què lại biết? Liệu lão đã từng nhìn thấy loại rượu ấy chưa? Chẳng lẽ vợ gã chết chỉ vì thị vô tình biết được trên đời này lại có thứ rượu kinh hoàng đến thế? Từng câu hỏi dồn dập trong trí óc của gã khiến cho gã cảm thấy rối bời. Gã nhìn sang ông Thập, ông ta cũng hoang mang sợ hãi không kém gã là bao, một cảm giác bất an kéo tới.
Sự việc xem chừng ngày càng phức tạp, ông Thập ngẫm nghĩ mãi cũng không thể tưởng tượng rằng đằng sau hai cái chết ở khu chợ nho nhỏ vùng sơn cước này lại chứa đựng nhiều bí mật kinh hoàng đến thế. Lão ăn mày què vẫn tiếp tục uống rượu, Tam Quỷ ngồi im lặng chăm chăm nhìn về thi thể của vợ mình bó trong chiếc chiếu. Một hồi lâu sau gã mới lên tiếng:
“Cụ nói cho tôi được biết. Rốt cuộc mọi chuyện là thế nào?”
Lão ăn mày què không trả lời ngay mà đột ngột hỏi lại:
“Cậu Tam này! Ở làng nhỏ này có ai không vợ, không con, sống một thân một mình, lại có nguồn máu tươi quanh năm để tưới lên bình rượu hay không?”
“Chẳng lẽ ý cụ là…?” Tam Quỷ ngước nhìn ra căn nhà bên cạnh, nơi có gốc cây hòe đang đứng ảm đạm một mình trong tiết trời lạnh lẽo.
“Chính phải!” Lão ăn mày què gật đầu xác nhận, “Chính Tứ Cháo Lòng là người ngâm rượu sọ người đấy.”
Ông Thập và Tam quỷ sững sờ, cả hai nhìn nhau đầy kinh ngạc. Thằng Tứ Cháo Lòng thì ông Thập không hề lạ lẫm gì. Nó bán tiết canh cháo lòng ở khu chợ nhỏ dưới chân núi này cũng đã vài năm. Ở làng quê nào cũng phải có ít nhất một vài kẻ đồ tể chọn nghiệp sát sinh làm kế sinh nhai. Chồng làm mổ lợn thì vợ sẽ chế biến nội tạng để bán kiếm lời, đó cũng là chuyện thường tình.
Nghe đâu trước đây thằng Tứ Cháo Lòng cũng có một cô vợ, thế nhưng chẳng may thị mất sớm. Mà nào có phải mất vì bệnh tật, thị chết vì chính chồng mình giết. Số là Tứ Cháo Lòng ưa uống rượu, đêm hôm ấy hắn cầm chai rượu và cái thủ lợn vào trong làng tìm bạn nhậu đánh chén, khi về đến nhà thì hắn đã say túy lúy, chân nam đá chân xiêu. Vợ hắn đang có bầu, bụng thị to vượt mặt, lúc đó thấy chồng về đến nhà say rượu mới bực mình cằn nhằn vài câu. Hắn đang cơn say bèn điên máu cầm con dao bầu chọc tiết lợn truy sát vợ. Vợ hắn trốn không kịp dưới nhát dao oan nghiệt của chồng nên chết thảm. Khi dân trong xóm chợ phát hiện ra thì thị đã nằm bất động bên vũng máu lênh láng đông đặc tự bao giờ. Người ta kể lại rằng con dao bầu chọc tiết lợn đâm giữa bụng thị, máu chảy xối xả lan ra cả nền đất.
Tứ Cháo Lòng tỉnh cơn say mới biết được là đã giết chết cả vợ lẫn con, hắn gào lên điên loạn rồi ôm xác vợ mà khóc. Vụ ấy quan trên cũng xuống tận nơi để điều tra, sau cùng hắn bị giam cầm mấy năm rồi được thả. Người ta đồn đại rằng vợ Tứ Cháo Lòng từng cất giấu không ít vàng bạc, thế nhưng chôn ở chỗ nào thì chỉ có một mình thị biết. Nay thị chết tức tưởi, một lời trăng trối cũng không kịp để lại, làm sao mà ai biết được thị chôn vàng ở đâu?
Lại nói về Tứ Cháo Lòng, từ sau khi hắn ra tù, hắn vẫn trở lại ngôi nhà cũ tiếp tục nuôi lợn, trồng rau, đêm giết lợn, ngày đi bán cháo. Có nhiều người thắc mắc vì sao hắn phải làm nhiều việc vất vả như thế làm gì, mỗi lần như vậy hắn chỉ cười hề hề không đáp. Người trong xóm chợ đoán già đoán non rằng hắn cần tiền để tìm thầy gọi hồn vợ hắn về dương gian, những mong vong hồn vợ hắn tha thứ mà chỉ nơi cất giấu vàng bạc cho hắn. Chính ông Thập cũng đã từng gặp hắn nhiều lần khi đi xem bói, chỉ có điều ông muốn cầu con cầu cái, còn hắn thì muốn tìm vàng.
Chuyện đồn đại trong làng ngoài xóm như thế, người không để ý cũng biết được vài phần, huống chi Tam Quỷ lại là kẻ ưa kể chuyện. Thế nhưng ngay chính gã cũng không thể ngờ được sự việc vợ mình chết lại liên quan đến Tứ Cháo Lòng, càng không thể tưởng tượng nổi gã bán cháo lòng ngày ngày gặp ở chợ lại rắp tâm ngâm rượu sọ người. Lão ăn mày què trầm ngâm hồi lâu rồi mới tiếp tục kể:
“Ban đầu tôi cũng không tin được cậu Tứ lại có thể làm trò phù thủy như thế. Nhưng phải đến khi tôi thấy chính mắt cậu ta quật mồ người mới chết cắt đầu để lấy sọ người ngâm rượu thì tôi mới bủn rủn chân tay.”
Lão rít điếu thuốc lào rồi thở dài:
“Tôi sống cả đời người, lưu lạc dọc nước Nam này chuyện gì cũng đã từng nghe. Ma trành, ma lai đều chỉ là những câu chuyện tầm phào. Dân gian đồn thổi rằng rượu sọ người tuy cách ngâm cầu kì, phải giết nhiều sinh linh vô tội, phạm lỗi với quỷ thần nhưng lại khiến cho kẻ uống có thể nhìn thấy ma, nói chuyện với ma và sai khiến chúng. Chỉ có điều thứ rượu sọ người này đâu phải ai cũng dám làm. Thầy mo sống trên rừng trên bản cũng không thể kiếm được đủ nguyên liệu để ngâm rượu, đám thầy pháp dưới miền xuôi lại càng khó thực hiện.
Tôi ngẫm nghĩ mãi mới hiểu ra, cái hôm mà bọn thằng Đản thằng Câm hành hạ tôi ở ngoài nghĩa địa, chính là lúc cậu Tứ kia đang đọc bài chú trước khi chặt đầu. Lũ thằng Đản nhìn thấy phép phù thủy liền bị mất một vong phách thành ra ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Đúng là số kiếp!”
Tam Quỷ đột ngột lên tiếng:
“Cụ vẫn chưa nói cho tôi biết vì sao vợ tôi lại chết? Vả lại vợ tôi quanh năm ở trong nhà thì làm sao biết được thứ rượu quỷ quái ấy?”
Lão ăn mày què xua tay đáp lại:
“Cậu Tam à! Cậu đừng nôn nóng quá.”
Lão ngừng lại một lúc rồi nhìn thẳng vào mắt Tam Quỷ mà nói:
“Chắc cậu không biết chứ Tứ Cháo Lòng tằng tịu với vợ cậu cả năm nay rồi.”
Ông Thập giật mình nhìn sang Tam Quỷ. Dường như những lời nói của lão đã thụi vào bụng gã vài cái đau điếng khiến cho gã sững người. Gương mặt gã từ đỏ bừng chuyển sang tím tái rồi trắng bệch như xác chết, gã nhìn sang xác vợ rồi gằn giọng trả lời:
“Làm sao mà ông biết chuyện đó? Ông… Ông… đừng có mà ăn nói lung tung. Ông có tin tôi bẻ cổ ông ngay tại đây không?”
Lão ăn mày què cười buồn:
“Làm sao mà tôi có thể đem danh dự của người đã khuất ra nói đùa được. Khi Tứ Cháo Lòng còn sống, chính tôi đã xem bói cho cậu ta. Nhìn trên cung số tử vi của cậu ta năm ấy, hỉ thần và đào hoa chiếu sáng, tôi đoán là cậu ta không có vợ con sống trong cùng mái nhà, nhưng vẫn đi tằng tịu với người khác. Trong những chòm sao chiếu sáng lại có cả sao điếu khách, hóa kị cùng xuất hiện. Từ đó suy ra cậu ta có mối lương duyên không minh bạch, khi bị phát hiện thì ảnh hưởng đến thanh danh, chưa biết chừng còn có thương tích đổ máu.
Thực ra mọi chuyện chỉ là ước đoán của tôi mà thôi, thế nhưng đêm hôm ấy tôi đang nằm trong sạp hàng bỏ hoang trong chợ, thì trông thấy vợ cậu và cậu Tứ dẫn nhau vào trong một sạp hàng…”
Lão ăn mày què bỏ dở câu nói, ông Thập lúng túng không biết phải làm gì, còn Tam Quỷ nghiến răng kèn kẹt. Lão ăn mày què buồn rầu:
“Vốn dĩ chuyện này không nên nói ra, thế nhưng nó lại liên quan đến mạng người nên tôi đành phải nói. Hai vị hẳn cũng biết, phàm đã làm trò phù thủy tà ma thì phải giữ cho thân trong sạch, nhất là phải chú ý đến việc nam nữ thụ thụ bất thân. Tôi không biết cậu Tứ đã nghe ai bày cho cách ngâm rượu sọ người. Nhưng tôi cho là cậu ta luyện nó để gọi vong hồn vợ mình về nói cho mình xem số vàng ấy giấu ở đâu.
Tôi đoán chừng kẻ đã dạy cậu ta ngâm rượu không nói cho cậu ta biết đến chuyện vụng trộm trong thời gian rượu chưa thành công sẽ dẫn đến họa sát thân như thế nào. Người ta kể rằng mỗi bình rượu sọ người đều có oán khí của những người bị chặt đầu lấy sọ kết thành. Bên cạnh mỗi bình rượu sẽ có hai con quỷ mắt đỏ ngầu, đuôi dài ngoằng như đuôi mèo canh giữ, hút lấy một phần oán khí từ bình rượu hàng ngày mà sống.
Người ta tưới máu nên trên vùng đất hạ thổ bình rượu là để cúng tế hai con quỷ mắt đỏ đuôi dài ấy. Nghe nói rằng mỗi khi tưới máu đều phải đọc một bài chú để mời hai con quỷ nhận máu tế. Nếu chẳng may không giữ được mình sẽ bị quỷ vật. Một con sẽ giết chết người ngâm rượu, con còn lại sẽ giết kẻ đã tằng tịu với chủ nhân của chúng.”
Tam Quỷ nghe đến đâu toàn thân run lên bần bật đến đó. Hai mắt gã đỏ ngầu, gã hết nhìn thi thể vợ mình rồi lại nhìn sang gốc cây hòe bên khoảng sân nhà bên cạnh. Lão ăn mày què nói với chất giọng trầm trầm, chậm rãi càng khiến cho ông Thập cảm thấy ớn lạnh. So với tấn bi kịch xảy ra trước mắt thì những giấc mộng về mấy con rắn biết nói của ông có vẻ như quá tầm thường.
Ông Thập suy nghĩ một hồi rồi mới nói tiếp:
“Cụ nói bác gái đây bị quỷ canh rượu trả thù. Vậy tại sao Tứ Cháo Lòng chết cách đây vài năm rồi mà bác gái đây mới chết? Tại sao không giết luôn cùng với cậu Tứ?”
Đôi mắt lão ăn mày què lấp lánh tia cười, lão vuốt râu rồi nhìn ông Thập gật gù:
“Ông Thập đây quả là một người thông minh. Từ lúc cậu Tứ Cháo Lòng chết tức tưởi bên gốc cây hòe, chính tôi cũng đã từng hỏi đi hỏi lại mình điều ấy. Nếu chính tôi không tận mắt chứng kiến thị Tam tằng tịu với cậu Tứ thì tôi cũng không nghĩ rằng hai cái chết có liên quan. Thế nhưng suy xét rất lâu tôi mới nhận thấy rằng việc thị Tam chết sau đó vài năm hẳn là do oán khí trong bình rượu sọ người chưa tan hết, bọn quỷ vẫn còn thức ăn để duy trì trong thời gian ngắn.
Thông thường, nếu người ngâm rượu dùng sọ người đã chết thì oán khí uất hận giữ lại cùng lắm được một năm. Đằng này bình rượu của cậu Tứ hẳn là đã lấy sọ người còn sống để ngâm cho nên oán khí mới lâu tan đến như vậy. Chính điều này khiến cho lũ quỷ điên cuồng giết cậu ta man dại, và cũng khiến cho bác thị Tam đây kéo dài sinh mạng thêm được vài năm.”
Lão ăn mày què nhìn về cái xác bó trong manh chiếu rồi thở dài cảm thán:
“Thương thay cho một kiếp người. Chỉ vì trót thất thân mà chết thảm.”
Tam Quỷ không nói gì nữa, cũng chẳng buồn đụng đến chén rượu ngô trước mặt. Gã chằm chằm nhìn vào xác vợ mình, đôi mắt vằn lên những tia máu đỏ lừ, toàn thân gã bất động. Không khí trong căn nhà nhỏ dường như còn căng thẳng hơn lúc lão ăn mày què bước vào.
Ông Thập cúi đầu thở dài. Sự thật luôn luôn khiến người ta cảm thấy đau khổ, chẳng trách có những người thà sống trong sự dối trá cả đời còn hơn là đối mặt với chúng. Lão ăn mày què lặng lẽ lết đến cạnh cái xác, lật manh chiếu bó chặt thị Tam. Đoạn lão lại vén mí mắt của người đã khuất lên rồi lắc đầu:
“Tròng mắt đỏ quạch rồi. Hệt như mắt của mấy con quỷ mà người ta hay nhắc tới đây mà. Thật đáng tiếc.”
Ông Thập không nén nổi nỗi tò mò, ông lom khom tiến lại gần xác chết cứng đờ của thị Tam. Con ngươi trong mắt thị gần như biến mất, toàn bộ tròng mắt đều biến thành màu đỏ. Người ta thường ví mắt của người phụ nữ như nước hồ thu, thế nhưng đôi mắt thị Tam khiến cho người ta nghĩ đến một biển máu. Con mắt ấy đã từng thấy những gì? Liệu thị có biết được cái gì làm cho thị chết? Thị có ân hận hay không?
Khi nghe lão ăn mày què kể lại tường tận câu chuyện, ông Thập vốn dĩ không tin hoàn toàn. Thế nhưng ngẫm ra mọi thứ lại rất khớp với nhau. Đúng là Tứ Cháo Lòng từng giết vợ, đúng là hắn từng đi xem bói nhiều lần, người trong xóm chợ nhỏ này cũng từng thấy gã gánh từng thùng máu lợn đi trong đêm, thị Tam quả là người có phần lẳng lơ. Ông Thập tin vào câu chuyện của lão ăn mày què, giờ lại tận mắt nhìn thấy đôi mắt đỏ lòm đầy máu của thị Tam khiến ông chắc chắn rằng câu chuyện về bình rượu sọ người đang diễn ra ở đây, ngay giữa cái xóm chợ nhỏ xíu và ồn ào này.
Câu chuyện dừng lại khi gà bắt đầu gáy. Trời lờ mờ tảng sáng, màn sương mù lại giăng khắp lối, chen lẫn vào đó là cơn mưa bụi nhạt nhòa. Tam Quỷ ngồi im lặng bất động, ông Thập tựa lưng vào bức tường tranh đắp đất loang lổ, còn lão ăn mày què đăm chiêu nhìn ra cổng. Dường như mỗi người đang theo đuổi một dòng suy nghĩ riêng.
Sáng hôm sau người trong xóm chợ đến để đưa tiễn thị Tam về bãi tha ma để an nghỉ. Đám người đến kì thực không quá nhiều, chỉ có vài người sống thân quen với gia đình Tam Quỷ, phần còn lại là mấy người lái buôn thường xuyên ghé nhà gã đến nghỉ ngơi, nghe những câu chuyện kinh dị qua lời kể thì thào của gã.
Tam Quỷ không khóc lóc như hôm qua nữa. Gã im lặng đi bên chiếc võng bên trong bọc cái xác không hồn của vợ. Ông Thập đi phía trước, tay cầm một khúc thân cây chuối hột cắm nhang chi chít. Bầu trời âm u tối sầm lại như đang chứng kiến một con người vong mạng vì trót phạm luật của loài quỷ dữ. Lão mày què im lặng lết tấm thân già nua phía sau.
Đoàn đưa tang của thị ra đi lặng lẽ.
Không kèn. Không trống. Càng không có người khóc than.
Người trong xóm chợ không khỏi thắc mắc vì sao Tam Quỷ lại thay đổi thái độ với lão ăn mày nhanh như thế. Mới đêm qua gã còn đang đòi giết chết lão ăn mày, mà hôm nay lại coi như thể chẳng có chuyện gì xảy ra. Băn khoăn như vậy, nhưng người ta cũng không tiện hỏi han nhiều. Dù sao cũng đang lúc tang gia còn bối rối, ai lại hỏi những câu chuyện tầm phào.
Vừa đi đến gần bãi tha ma thì trời đổ mưa to, đoàn người hối hả rảo bước nhanh hơn. Cơn mưa tầm tã khiến cho lớp đất dưới chân núi như mềm hơn. Một vài người đàn ông nhanh tay hạ chiếc võng cói xuống dưới đất, sau cùng họ lấp đất lại, cắm vài nén nhang lên mộ. Thế là xong.
Tam Quỷ đứng lặng trước ngôi mộ sơ sài của vợ mình. Người ta nán lại một chút để nói vài câu chia buồn với gã, Tam Quỷ không trả lời, chỉ ậm ừ đáp lại.
Giờ tỵ hôm ấy, đoàn đưa tang mới về đến nhà Tam Quỷ. Trong nhà vẫn còn nghi ngút khói hương, người trong xóm chợ nán lại ăn trầu, uống nước, chia buồn với chủ nhà. Nghĩ cũng tội, Tam Quỷ vốn không có con nay lại mất vợ. Người ta đồn đại rằng khu đất chỗ gã ở không mấy tốt lành. Mấy năm trước thì thằng Tứ Cháo Lòng chết tức tưởi, nay lại là thị Tam. Trong đám đông đang xì xào bàn tán đó, duy chỉ có ông Thập vẫn không nói gì.
Ông ngồi xuống cạnh lão ăn mày què. Gương mặt lão trông vẫn thế, vẫn xám ngoét như ngày nào. Thế nhưng ông Thập tin một điều, đằng sau vẻ mày què quặt ốm yếu này còn ẩn chứa nhiều điều bí mật. Ông chắc chắn là một thầy bói thực sự chứ không phải kẻ lừa gạt như nhiều loại thầy bói rởm trong thiên hạ. Phân vân một hồi, ông Thập mới lên tiếng:
“Con... con định hỏi cụ chuyện này từ đêm hôm qua, nhưng ngặt nỗi bác Tam Quỷ đang ngồi ở đó. Cụ cho con hỏi giấc mơ của con liệu… liệu có chết người hay không?”
Lão ăn mày què thở hắt ra xem chừng mệt mỏi. Lão trầm giọng trả lời:
“Giấc mơ của cậu là mơ thấy rắn báo mộng. Cậu Thập à! Tôi vẫn cho rằng đó là Táo quân báo cho cậu biết tai họa sắp giáng xuống.”
“Nhưng có khi nào giấc mơ ấy lại có ý nghĩa khác? Con… con nghe nói… Nằm mơ thấy rắn là biểu hiện cho điềm báo sắp có con cái kia mà?”
“Chính phải. Nhưng chỉ khi cậu bỗng dưng nằm mơ thấy rắn ấp trứng trong tổ mà thôi.”
Lão ăn mày nhíu mày nghĩ ngợi:
“Trong giấc mơ của cậu bầy rắn nói rõ ràng là tai họa, có thể thấy đây là giấc mơ chẳng lành. Rắn thường biểu hiện cho thần thánh, từ xưa đến nay vẫn vậy rồi.”
“Ý cụ là sao?“ Ông Thập ngơ ngác hỏi lại.
“Người nước Nam, và người Tàu quan niệm rắn là biểu hiện của thần, có linh tính như người. Khi xưa thân phụ của cụ Ức Trai Nguyễn Trãi từng nằm mơ thấy có người đàn bà bụng chửa vượt mặt đến xin phép cụ ngưng sửa chữa lớp học vài ngày để sửa nhà. Sáng hôm sau học trò bẩm lại với cụ trong lúc sửa nhà tình cờ thấy một ổ rắn, con rắn mẹ chạy thoát thân nhưng trứng trong tổ bị dập nát hết. Chẳng phải là rắn đã báo mộng hay sao?”
Thấy ông Thập im lặng không nói gì, lão ăn mày què tiếp tục:
“Chuyện này vốn dĩ đã khó tin. Ngày còn trẻ tôi cũng chẳng tin có chuyện kì lạ trên đời như thế. Ấy vậy mà khi tôi đi xin ăn ở động Hương Tích vẫn thường nghe các vị sư trong đó kể lại cho nghe chuyện lạ. Người ta nói rằng nhiều khi vào trước lễ hội, vùng núi nơi chùa Hương tọa lạc thường có mưa to xối xả. Dân gian quen gọi là “mưa rửa đền” nhằm gột sạch những bụi bặm trước khi vào lễ tế.
Lại có sư cụ kể lại, cứ vào lễ thượng nguyên người ta thấy hàng chục con rắn lớn nhỏ từ trong rừng bò tới chùa. Các sư thầy biết được đó là thần thánh khắp phương ngụ trong lốt rắn về hành lễ cho nên không dám đánh đập đuổi đi, chỉ cung kính vái chào rồi lui vào trong. Thỉnh thoảng các vị sư thầy vẫn đem bánh trái dân chúng cúng dường ra đặt trong rừng cạnh chùa để thỉnh mời các vị rắn.“
Lão ăn mày què vỗ vỗ bàn tay chai sần lên vai ông Thập:
“Giấc mơ thấy rắn biết nói của cậu, chín phần là họa, một phần là phúc. Thôi thì cậu phải cẩn thận là hơn.”
Nói rồi lão lết tấm thân tàn đi ra khỏi cửa nhà Tam Quỷ, đoạn dừng lại nhìn chăm chú vào cây hòe âm u một lúc rồi lắc đầu đi thẳng. Ông Thập ngồi ngẩn ngơ cả người vì những lời nói của lão què khi nãy. Ông thở dài rồi lấy chiếc gùi mây quàng lên lưng mà hướng thẳng về ngọn núi quê ông.
Cơn mưa tầm sáng khiến cho không khí trong rừng như thêm phần âm u, rợn ngợp. Mùi hoa thơm thoang thoảng từ đâu bay tới, tiếng chim hót líu lo trên cao, rồi tiếng một con vượn hú từ đâu vọng lại.
Ông Thập rảo bước nhanh, vừa đi vừa ngẫm nghĩ. Ông rời làng đã mấy hôm nay, ví như ngày thường không đi buôn tận Thăng Long thì chỉ nội nhật là ông đã về đến làng. Câu chuyện gặp gỡ lão ăn mày què, rồi chuyện thị Tam bị chết bất đắc kì tử đã khiến cho ông chậm trễ thêm vài ngày.
Dân làng Địa Ngục từ lâu đã chịu sống kiếp chui lủi cũng chỉ vì mang cái danh con cháu của toán cướp táo tợn. Sống đã khổ cực, không ngờ giờ lại có một mối họa lơ lửng treo trên đầu. Khốn nỗi rằng lão ăn mày què chẳng đoán được khi nào giấc chiêm bao của ông Thập mới ứng nghiệm. Bất giác ông Thập thở dài một tiếng.
Khi ông về đến làng thì trời đã ngả về chiều. Trước cổng làng mấy cây hoa đào đã nở hồng rực một góc trời, như điểm thêm vào đám cây rừng rậm rạp quanh năm xanh tốt. Bếp nhà ai bốc khói nghi ngút thơm lừng, cảnh vật yên bình vẫn như thuở trước. Ông Thập lòng tự nhủ rằng chuyện mơ mộng của ông nên giữ chặt trong lòng, không hé nửa lời cho ai biết. Ví như nói ra bây giờ chưa chắc đã khiến ông yên lòng, mà ngược lại càng làm cho mọi chuyện rối ren thêm. Nhất là vợ ông, bà đã có quá nhiều nỗi lo lắng buồn tủi rồi.
Đêm hôm ấy, rồi đêm hôm sau, sau nữa, ông Thập ngủ ngon không hề mộng mị. Nào ngờ, sáng ngày hai ba tháng Chạp năm ấy, nhằm lễ tiễn Táo quân về chầu trời thì làng Địa Ngục xảy ra vụ án mạng đầu tiên.
(Còn tiếp)
***
Đây là bản đọc thử Tết ở làng Địa Ngục, bản đầy đủ hoàn toàn mới có chỉnh sửa phần kết và kèm ngoại truyện đặc sắc sẽ được Waka và nhà văn Thảo Trang hé lộ trong thời gian tới, kính mong quý độc giả theo dõi.
Trân trọng!