Tim ông Thập khẽ thót lên một cái, gương mặt ông trắng bệch vì sợ hãi. Ông chột dạ nghĩ thầm:
“Chẳng lẽ mình vừa nói chuyện với ma?”
Không một ai để ý đến vẻ mặt thất thần của ông Thập, bởi lẽ họ còn mải mê nghe Tam Quỷ thao thao bất tuyệt:
“Gia đình tôi sống ở đây hơn chục năm rồi. Ngày trước nơi đây không nhộn nhịp như thế này đâu, chẳng qua tri huyện cho dựng chợ ở đây nên đông vui, tấp nập hơn trước. Chợ dựng được hơn một năm thì lão ăn mày què từ đâu đến kiếm sống. Bà con biết đấy, cứ có chợ là có ăn mày, mà đâu phải là một người đâu. Có khi phải tới mấy người ấy chứ. Ấy vậy mà từ ngày lão ăn mày ấy tới đây, chẳng có ai dám tranh chấp địa bàn với lão. Nói đúng hơn thì… chẳng còn ai có thể tranh giành bởi mấy gã ăn mày trước đều bị ngơ ngơ ngẩn ngẩn.“
Trước vẻ mặt hoang mang của mọi người, gã Tam Quỷ lấy làm thỏa mãn lắm. Lúc này gã đưa mắt nhìn ra ngoài phía cửa sổ xem xem có ai nghe lén hay không, rồi hạ giọng thầm thì đầy kích động:
“Nếu mà như thế thì chuyện cũng chẳng có gì đáng nói. Thế nhưng cách đây vài năm có một vụ án mạng ngay giữa chợ liên quan đến lão ăn mày què. Tôi đây này, chính tôi là người chứng kiến từ đầu đến cuối.
Năm đó trời cũng lạnh cắt da cắt thịt như thế này. Hàng xóm nhà tôi khi ấy là thằng Tứ bán cháo lòng ở chợ. Hôm ấy nó vừa mới dọn gánh cháo lòng ra bán thì lão ăn mày què từ đâu tới xin ăn. Lão kêu lão đói lắm, mấy ngày nay chẳng có gì bỏ vào bụng. Thằng Tứ bực mình vì chưa kịp mở hàng đã có người xin xỏ, nó toan đuổi đi thì lão ăn mày ngỏ ý xem hậu vận cho nó.”
Tam Quỷ ngừng một lát như thể cố kích thích sự tò mò của mọi người, đoạn nói tiếp:
“Bà con còn lạ gì thằng Tứ Cháo Lòng đó nữa. Cái thói mê tín, ham cờ bạc của nó thì ở chợ này ai chẳng biết. Nghe thấy có thể tiên đoán hậu vận, thằng Tứ đồng ý ngay. Nó cho lão ăn mày què bát cháo lòng, lão ăn xong hẹn khi vãn chợ sẽ đến xem bói cho nó. Chiều hôm đó chợ đã về hết, thằng Tứ dọn hàng xong ngồi đợi lão què. Chính mắt tôi nhìn thấy chứ chẳng phải điêu toa. Lão đến thật, lão xem bói cho nó bằng mấy đồng xu.
Lão nói với nó điều gì ấy, tôi không đứng gần nên chẳng nghe rõ, chỉ nhớ rằng thằng Tứ đăm chiêu lắm. Nó ngồi ngây ra suy nghĩ điều gì đó, lão ăn mày thấy thế bèn bỏ đi rất nhanh. Tôi cũng chẳng hiểu sao lão lại có thể lết đi nhanh như thế, vụt một cái là lão đã biến mất sau lùm cây. Thằng Tứ ngồi đăm chiêu suy nghĩ đến khi ngẩng lên thì chẳng thấy lão già ăn mày đâu nữa. Nếu mà không phải tôi chứng kiến thì khéo tôi cũng cho là lão biết bốc hơi.”
“Nếu chỉ có thế thì đâu có gì lạ đâu?” Một người lên tiếng, mấy người khác phụ họa theo.
Gã Tam quỷ xua tay đáp lại:
“Mọi người chưa biết hết đấy thôi. Ngay đêm hôm đấy thì thằng Tứ chết.”
Đám người lại im phăng phắc.
“Nhà tôi cách nhà nó một cái hàng rào, đứng ở hiên nhà tôi cũng có thể nhìn thấy khoảng sân của nhà nó. Trong sân có trồng một cây hòe, ở dưới đặt một cái chõng tre, đằng sau hông nhà là một cái chuồng lợn. Cái đêm thằng Tứ xảy ra chuyện tôi bị tào tháo đuổi. Mẹ nhà nó! Cứ chốc chốc lại ôm bụng đi tìm cầu tiêu.
“Thằng Tứ chết vào giờ khắc nào thì tôi không rõ. Chỉ nhớ là lúc ấy là vào khoảng giờ Tý ba khắc, tôi vừa mới bước từ cầu tiêu đi ra thì thấy có bóng người treo trên cây hòe đung đưa. Tôi thầm nghĩ: ”Khỉ gió! Đứa nào điên mà trèo cây tầm này được?” Đi được vài bước trong lòng tôi cảm thấy có gì đó kì quặc. Trèo cây mà sao hai chân lại thõng xuống như thế. Tôi tiến đến bờ rào để nhìn cho rõ hơn. Dưới ánh trăng sáng vằng vặc của đêm rằm cuối năm, tôi nhìn thấy thằng Tứ treo cổ trên tán cây hòe, lưỡi dài ra cả tấc. “
Có người rú lên một tiếng kinh hoàng, ngay cả ông Thập cũng giật mình. Gã Tam Quỷ sờ tay lên cổ, đầu ngón tay chạm vào yết hầu, vừa giả vờ siết cổ mình vừa nói:
“Sợi dây thít chặt cổ nó như thế này này. Lưỡi nó thè ra, còn mắt nó thì mở tròn chỉ nhìn toàn thấy lòng trắng. Mà đâu phải chỉ có thế, ổ bụng thằng này bị rạch toang, lòi ra cả đống ruột dính đầy máu, hệt như ruột lợn. Đống ruột của nó bay phất phơ, ánh trăng rằm sáng đến nỗi soi tỏ cả những giọt máu nhỏ tong tong từ ruột nó xuống dưới đất. Tôi hoảng quá kêu toáng lên.
Nói ra các bác đừng chê cười chứ lúc đấy tôi dường như són ra quần. Tôi ngã phịch xuống dưới sân, hai chân cứng như chì không sao đứng dậy được. Nghe tiếng hét của tôi bầy chó sủa inh ỏi. Trong nhà mụ vợ tôi chạy ra hốt hoảng gọi to “Cái gì đấy? Cái gì đấy?” Mụ thấy tôi ngã sõng soài bên cạnh bờ rào, mặt hướng về phía cây hòe, bèn chạy đến gần tôi để đỡ tôi dậy, mụ kể lại là lúc đó gương mặt tôi cắt không còn giọt máu. Thế nhưng vừa tới nơi thì chính mụ nhìn thấy xác thằng Tứ. Mụ gào lên một tiếng rồi lăn ra ngất lịm.”
Gã Tam Quỷ vừa dứt lời thì từ đằng sau nhà có tiếng guốc mộc đi loẹt quẹt. Thị Tam vợ gã tay bưng ấm trà xanh ra mời đám khách trọ. Hẳn là mụ cũng nghe được diễn biến của câu chuyện nên mụ gật đầu xác nhận:
“Nhà em nào có biết chuyện gì xảy ra sau đó. Chỉ biết là khi tỉnh dậy thì đã thấy mình nằm trong nhà. Em tò mò chạy ra xem thì thấy quan quân đang bê xác thằng Tứ đặt lên xe bò, lại còn phủ rơm lên trên. Lão Tam nhà em sợ liên lụy bèn ba chân bốn cẳng đánh xe bò đi báo quan ngay trong đêm. Thằng Tứ vốn sống một mình không vợ con, cũng chẳng họ hàng thân thích. Bởi thế cho nên nó chết cũng chẳng ai gào khóc. Chứ đổi lại người khác thì có khi khắp làng trên xóm dưới đã phát hiện ra nó chết rồi.”
Cả đám người im lặng, không ai nói với ai câu nào, chỉ đưa mắt nhìn nhau tỏ vẻ bàng hoàng. Ông Thập nhíu mày hỏi lại:
“Vậy từ khi thằng Tứ chết, hai vợ chồng bác sống ở đây có gặp sự lạ gì không?“
Thị Tam được hỏi đúng điều mà mụ muốn nói, mụ nhanh nhảu:
“Có chứ! Có chứ! Ngay cái đêm thằng Tứ chết chính mắt hai vợ chồng em nhìn thấy một con đò trôi lềnh bềnh trước cửa nhà nó trong lớp sương mù ban đêm. Lạ nhỉ! Sương mù vào đêm mùa đông ở vùng đồi núi thì thiếu gì. Nhưng mà… nhưng con đò trôi thì làm sao mà đi trên cạn được?”
Không ai tiếp lời mụ, đám người có già có trẻ căng tai như muốn nuốt từng lời mụ nói:
“Nhà chúng em còn nghe rõ ràng từ trên đò có tiếng gọi “Tứ ơi! Tứ ơi! Nhanh lên!”. Thế nhưng mà thằng Tứ làm sao trả lời được nữa, nó bị quan trên đưa xác đi ngay trong đêm rồi còn đâu. Nói ra sợ các bác không tin chứ… em nghe rõ mồn một tiếng gọi vang vọng như từ âm tào vọng lại ấy. Mà… mà đâu phải một mình em nghe thấy. Chồng em cũng nghe thấy nữa mà. Có đúng không thầy nó?” Thị Tam quay sang chồng như muốn tìm thêm sự khẳng định.
Lão Tam nhấp ngụm nước trà rồi nói tiếp:
“Đích thị là có tiếng gọi như vậy đấy các bác ạ. Tôi còn nhìn thấy có tiếng người gõ kẻng nghe trầm trầm, đục đục nữa cơ. Một lúc sau thì biến mất.”
“Thế… thế sau đó hai bác còn thấy gì nữa không?”
“Không!” Thị Tam khẳng định “Nhưng vợ chồng em có sang gốc cây hòe thắp hương khấn vái cho cậu Tứ. Dù gì cũng là hàng xóm.”
Lão Tam Quỷ quay sang nạt vợ:
“Thôi! Bà hôm nay nói hơi nhiều rồi đấy. Đi vào trong xem cơm nước thế nào đi!”
Thị Tam liếc nhìn chồng ra chiều hơn dỗi rồi lại loẹt quẹt đôi dép đi vào bên trong. Lão Tam chờ cho thị đi hẳn mới nói tiếp:
“Kể ra thì cũng thật lạ. Thằng Tứ đang yên đang lành cớ sao lại treo cổ tự vẫn? Lúc nó chết dưới cái chõng tre của nó còn con dao bầu chọc tiết lợn cơ mà? Nếu muốn tự sát thì cứa cổ một cái có phải nhanh hơn không? Làm sao phải tự treo cổ rồi lại rạch bụng mình cho rắc rối? Mà sao quan trên lại bưng bít vụ thằng Tứ treo cổ?”
Lão Tam Quỷ nhìn một vòng quanh mọi người đang co rúm người vì sợ hãi, lão thì thào:
“Thằng Tứ chết khi lão ăn mày què vừa xem bói cho nó. Tôi đoán… tôi đoán là chính lão ăn mày đã xúi thằng Tứ chết, hoặc dọa cho nó chết.”
“Nhưng… nhưng làm thế để làm gì?“ Một người khác thắc mắc.
Lão Tam trợn mắt:
”Ai mà biết được chứ? Thằng Tứ suốt ngày chòng ghẹo lão, có lần còn đánh đuổi lão đi. Cái ngày lão xem bói cho nó thì đúng là ngày nó chết chứ sao. Chắc chắn lão ăn mày có liên quan.”
Ông Thập vô thức nhìn ra hướng cây hòe trước cửa ngôi nhà bỏ hoang bên cạnh cái hàng rào của nhà thằng Tứ Cháo Lòng. Cây hòe đứng trơ trụi trong tiết trời mùa đông lạnh giá, thỉnh thoảng có cơn gió thổi đến làm mấy cái lá lơ thơ phất phơ trông đến là hiu quạnh.
Câu chuyện đã hết, nhưng đám người hiếu kì tụ tập tại nhà Tam Quỷ vẫn dùng dằng chưa chịu đi. Phần đông còn lại vẫn tiếp tục ngồi nán lại để bàn luận sôi nổi về cái quỷ sự giật gân mà họ vừa mới được nghe. Không ai biết vì sao thằng Tứ lại chết, cũng chẳng ai đoán được vì sao quan trên lại không điều tra rộng rãi vụ án này. Điều làm mọi người băn khoăn nhất là con đò trôi lềnh bềnh trong màn sương mờ ảo ghé qua trước cửa nhà thằng Tứ là thứ gì mà lạ lùng đến thế? Mỗi người một ý, không ai chịu nhường ai. Họ rôm rả nói chuyện đến nửa đêm mới dứt.
Trăng lên cao, ánh trăng đêm rằm cuối năm tỏa ra ánh sáng bàng bạc soi tỏ đường đi. Lúc này đám người nghe chuyện mới lũ lượt kéo nhau ra về, chỉ còn những người trọ thực sự như ông Thập ở lại nhà lão Tam. Ông Thập ngồi cạnh bếp lửa bập bùng, nhâm nhi ít thịt trâu gác bếp cùng chén rượu ngô thơm lừng, ngọt lịm. Lão Tam đứng ở ngoài hiên tiễn khách khứa ra về, không quên phần hứa hẹn lần sau sẽ kể thêm chuyện mới. Ông Thập không thể không nhận thấy mọi người cố ý đi vòng đường khác để tránh phải bước ngang qua nhà thằng Tứ Cháo Lòng. Ông lắc đầu, dốc thẳng chén rượu nồng vào cổ họng. Sống không ai đoái hoài, chết chẳng ai xót thương. Thật đúng là khổ!
Đêm hôm ấy nằm ngủ trong căn phòng trọ tồi tàn nhà lão Tam Quỷ mà ông Thập cứ thao thức nghĩ đến câu chuyện vừa nghe lúc chiều tối. Vốn là người thông minh, ông Thập cũng đoán ra được vài phần.
Đầu tiên ông nghĩ đến con đò ma quái bồng bềnh trong sương rồi có tiếng người gọi tên thằng Tứ Cháo Lòng. Khi vừa nghe thấy vợ chồng Tam Quỷ nhắc đến, ông Thập biết ngay đó là một con đò chở vong.
Nhiều vùng còn tồn tại những giai thoại về con đò đưa linh hồn người chết về cõi u minh. Người ta kể lại rằng trên con đò này có quan sai của Diêm Vương đến để dẫn người chết lên đò, lại có âm binh chèo đò với đôi mắt trống rỗng, đen sì không có một chút ánh sáng nào trong đó. Con đò trôi bồng bềnh trong không trung lúc ẩn lúc hiện.
Điều đặc biệt ở chỗ là đò không vào tận nơi tạ thế của người chết, mà chỉ đứng từ phía xa gọi tên người chết để cho vong hồn này lên đò cho kịp chuyến. Có nhiều người nói rằng đò chỉ đón người chết đúng một lần duy nhất, nếu không kịp thì người chết sẽ trở thành oan hồn vất vưởng chốn nhân gian. May mắn thì vong hồn tới được cửa chùa ăn mày, rồi nhờ công đức tụng niệm kinh Di Đà của các vị sư mà được siêu thoát. Còn không may thì sẽ bị quỷ dẫn dụ, hoặc các thầy pháp chiêu hồn làm âm binh dưới trướng, mãi mãi không được đầu thai.
Lúc nghe thấy Tam Quỷ nhắc đến con đò, toàn thân ông Thập ớn lạnh. Bởi vì chính ông đã từng nghe bà nội mình lẩm bẩm khi vong hồn của bà đi tìm đứa cháu trai duy nhất:
“Nhanh lên không thì không kịp.”
Bà nội ông cứ nắm tay ông mà lẩm bẩm mãi câu nói đó. Sau này ông mới hiểu, bà nội sợ không kịp chuyến đò. Ông cũng hiểu rằng bà nội còn sợ cháu mình bị ma quỷ giấu vào rừng sâu, chết đường chết chợ hơn. Nghĩ đến đó, bất giác ông thở dài một tiếng nặng nề.
Chuyện quan tri huyện giấu nhẻm vụ thằng Tứ tự tử ông cũng đoán được dăm ba phần. Ông nhẩm tính, năm thằng Tứ Cháo Lòng vong mạng, tri huyện cũng đã gần đến ngày cáo lão về hưu. Bao nhiêu năm đang chức, cả một vùng rộng lớn do quan quản lý chẳng hề xảy ra vụ trọng án nào. Nay thằng Tứ chết bất đắc kỳ tử, quan trên mà biết chuyện đòi điều tra cho ra nhẽ thì còn đâu cái vẻ vang mà mấy chục năm trời quan gây dựng? Mà thằng Tứ chết nào có ai kêu oan xin được tra cứu rõ ràng. Thôi thì nghiệp ai làm người ấy gánh, quan tri huyện sai mấy thằng lính quèn tìm một cái xe bò và một người khâm liệm đến hạ xác thằng Tứ xuống rồi chôn vội sau chân núi. Quan cho người làm một mâm cơm cúng người chết, một vò rượu và một ít tiền vàng, thế là xong, coi như uy danh cả đời của quan cũng được giữ trọn mà cũng không cần áy náy với vong hồn người đã khuất. Chân tướng sự việc thì có là gì?
Điều làm ông Thập băn khoăn nhất đó là việc lão ăn mày có liên can gì đến cái chết của thằng Tứ Cháo Lòng hay không. Đành rằng thằng Tứ thường hay xua đuổi lão ăn mày mỗi khi lão đến xin xỏ, nhưng điều đó cũng không đến nỗi phải giết một mạng người. Mà cứ cho là lão ăn mày muốn giết người để trả thù thì lão cũng chẳng thể làm được.
Lão què quặt ốm yếu, trong khi thằng Tứ thì to cao khỏe mạnh, làm sao mà lão có thể treo xác thằng Tứ lên trên cao rồi moi ruột nó ra như mổ bụng một con lợn. Dù biết lão ăn mày không thể giết thằng Tứ, nhưng chính ông Thập cũng lấy làm nghi ngờ về cách hành xử kì lạ của lão. Lão đang xem bói cho người ta, tại sao phải tranh thủ lúc người ta chìm trong suy nghĩ về hậu vận mà trốn mất. Lão làm như thế để nhằm mục đích gì cơ chứ? Ông Thập cau mày tỏ ra khó hiểu, trong đầu ông lúc này tầng tầng lớp lớp suy nghĩ đang ồ ạt kéo tới, hệt như những đợt sóng thủy triều.
Mải suy nghĩ, ông Thập không ngờ đã tới giờ Sửu, tiếng mõ văng vẳng từ đằng xa vọng lại hòa lẫn với tiếng gió thổi. Trời bắt đầu đổ cơn mưa. Đối với những người sống ở chốn đô thành náo nhiệt, một cơn mưa tựa như thứ tẩy uế hồng trần, nhưng với những người sống ở nơi hoang vu rừng thiêng nước độc thì lại khác. Mưa là thời điểm người ta cần đặc biệt chú ý, đường đi lối lại trong rừng sẽ khó khăn hơn, nào là sẽ xuất hiện nhiều rắn rết hơn, đó chưa kể đến việc đi lại trong mưa sẽ dễ bị lạc đường hơn bình thường.
Cơn mưa lớn dần, từng giọt mưa rơi tí tách trước bệ cửa sổ nơi ông Thập nằm ngủ, nước thổi vào lạnh buốt. Ông ngồi dậy, với tay ra ngoài để đóng cánh cửa sổ lại cho khỏi hắt nước mưa. Từ cửa sổ nơi ông nằm nhìn thẳng qua góc sân nho nhỏ của nhà Tam Quỷ, nếu nghiêng đầu sang bên trái một chút sẽ thấy hàng rào thấp lè tè và cây hòe nhà thằng Tứ Cháo Lòng.
Ông Thập vừa chạm tay vào cái cửa sổ tồi tàn, bất chợt một tia chớp lóe lên làm sáng bừng cả không gian. Trong một tích tắc, ông nhìn thấy trên phía cây hòe có bóng dáng ai đó đang treo lủng lẳng trên đó, đầu ngoẹo sang một bên. Ông Thập hoảng hồn, bụng ông như có ai đó thúc vào một cái đau điếng, ông rú lên:
“Ối giời ơi!”
Nghe tiếng hét của ông Thập, Tam Quỷ đang nằm ngủ ở gian phòng bên giật mình tỉnh giấc ú ớ hỏi lại:
“Cái gì vậy? Ai hét vậy?“
Cơn mưa đêm khiến cho không gian lạnh căm căm, gã không thấy vợ mình nằm cạnh, gã cũng chẳng kịp suy nghĩ nhiều chỉ choàng vội cái áo rồi cầm chiếc đèn cầy chạy sang phòng bên cạnh.
“Ai đấy? Sao đêm không ngủ còn hò hét cái gì?” Gã gắt nhẹ.
Chiếc đèn cầy tỏa ánh sáng tù mù nhưng cũng đủ khiến cho căn phòng trở nên ấm áp hơn ít nhiều, ông Thập ngồi bàng hoàng trên chiếc chõng tre phủ vài tấm vải tạm bợ. Ông quay ra nhìn thẳng vào mắt Tam Quỷ rồi nói với giọng run run:
“Trên cây hòe… có… có… người.”
Nghe ông Thập nói, Tam Quỷ giật mình hoảng hốt, gã suýt đánh rơi chiếc đèn cầy xuống đất.
“Ông… ông nói cái gì cơ?“
Ông Thập lúc này lòng dạ rối bời, ông vẫn ngồi trên giường, toàn thân run rẩy vì khiếp đảm. Ông hướng mặt về phía cửa sổ:
“Tôi vừa thấy trên cây hòe có người. Mà hình như… hình như là đang treo lơ lửng.”
Tam Quỷ thất kinh. Gã bạo gan treo lên giường, khom người nhìn qua cửa sổ. Gã chẳng thấy gì ngoài một màn đêm mịt mùng với những giọt nước mưa nặng hạt. Ông Thập sợ đến ngây người, cửa sổ còn chưa kịp đóng lại khiến nước mưa táp vào tạo làm chăn mền ướt một khoảng. Tam quỷ ngó nghiêng trước cửa sổ một lúc, nhưng không thấy gì bèn tiện tay đóng luôn hai cánh cửa lại. Gã đứng thẳng người rồi hỏi nhỏ ông Thập:
“Bác nhìn thấy người chết treo hay sao? Bác có chắc không?”
Dưới ánh đèn leo lét, ông Thập nhìn Tam Quỷ rồi nói với giọng quả quyết:
“Bác Tam! Tôi không hề chiêm bao, vì tôi đã ngủ đâu. Trời mưa to quá, tôi dậy để đóng cánh cửa sổ lại thì đúng lúc ấy có tia chớp nháy lên. Đúng lúc đó tôi nhìn thấy bóng ai đó trên cây hòe, tôi sợ quá kêu lên.”
Ông Thập nhìn gã Tam Quỷ đứng bần thần suy nghĩ. Ông hiểu rằng gã không hoàn toàn bị thuyết phục bởi câu chuyện của mình, nhưng cũng chẳng thể nào phản bác. Cây hòe vẫn còn đó chứ chẳng thể mọc ra chân mà chạy. Nếu muốn xác minh thì cùng lắm ông sẽ cùng gã đi đến đó để xem xét. Cùng lắm là hơn chục bước chân chứ đâu có xa xôi gì.
Nói thì nói vậy, nhưng chính ông Thập cũng mong là mình nhìn nhầm. Ông không hề muốn vong hồn của thằng Tứ Cháo Lòng lảng vảng về ngôi nhà cũ của hắn. Nếu mà quả đúng như thế thật thì sau này ai còn dám đến nhà Tam Quỷ để ở trọ nữa. Bấy lâu nay ông Thập tự hào bởi sự gan dạ của mình. Nếu không gan góc thì làm sao ông dám băng rừng vượt dốc để đi từ làng Địa Ngục xuống dưới chân núi mà buôn bán. Nhưng từ sâu trong tâm thức ông Thập không dám chắc ông có quay lại nhà Tam Quỷ đi trọ nữa không nếu như vong hồn của thằng Tứ cứ lảng vảng bên cạnh. Ai lại muốn cả ngày đi làm mệt nhọc, tối lại chịu đựng cảnh ma quỷ cứ bày ra trước mắt?
Gã Tam Quỷ nghĩ ngợi điều gì đó, gã châm cây đèn cầy trong phòng ông Thập lên rồi nói nhỏ:
“Thôi! Cứ đi ngủ đã. Có việc gì thì mai tính sau.”
Tam Quỷ quay gót trở về phòng ngủ của mình. Nhà gã tuy không rộng rãi bề thế nhưng cũng được xây theo lối kiến trúc ba gian thường thấy ở vùng Bắc bộ. Gian chính giữa là nơi gã đặt chiếc bàn thờ cùng cái sập gỗ đào thật lớn để đón tiếp những người muốn nghe gã kể chuyện.
Gian hướng nam là nơi gã xây hai phòng trọ để cho lái buôn nghỉ trọ. Chếch về phía sau một chút là gian phòng ngủ của vợ chồng gã được xây phân cách với phòng trọ bởi góc sân nho nhỏ, vừa để tạo không gian thoáng đãng cho khách, vừa riêng tư cho gia đình gã.
Gã men qua góc sân, trong lòng cảm giác mơ hồ. Bất chợt trong lòng Tam Quỷ dâng lên một dự cảm chẳng lành. Gã bước nhanh về phòng để tìm vợ.
Giường ngủ vẫn trống trơn như lúc gã rời đi. Gã quay ra cửa ngóng đầu về phía cầu tiêu:
“Mình ơi! Mình có ở đấy không?”
Không có ai trả lời.
Cảm giác bất an trong lòng gã càng tăng. Gã khoác áo tơi đi vội ra phía cầu tiêu, trên tay còn cầm một ngọn đuốc rất lớn. Cầu tiêu không có ai. Vậy thì vợ gã đi đâu?
Cơn mưa càng lúc càng nặng hạt, gió thổi vun vút khiến cho ngọn đuốc bập bùng như sắp tắt. Tam Quỷ lại đi ngược lên gian nhà trên tìm vợ. Cả gian nhà không có ai, chỉ có tiếng lép bép của mấy con thiêu thân lao vào chiếc đèn cầy đặt trên bàn thờ. Tam Quỷ lúc này mới cảm thấy rờn rợn xen lẫn với sự bất an tột độ.
Gã rảo bước thật nhanh về phía gian phòng nơi ông Thập đang nằm ngủ. Cây đèn cầy chính gã thắp cho ông vẫn đang sáng, gã mở cửa bước vào rồi khẽ gọi:
“Bác Thập! Bác Thập ơi!”
Ông Thập giật mình dậy ngay, ông ngơ ngác hỏi:
“Có chuyện gì thế?“
“Vợ tôi đi đâu mất rồi ấy. Tôi tìm suốt từ nãy đến giờ chẳng thấy.”
Ông Thập ngạc nhiên, ông ngồi hẳn dậy vừa với tay bối cái tóc thành củ hành ngược ra đằng sau, vừa hỏi nhỏ:
“Bác đã đi tìm chưa? Biết đâu bác gái lại đi cầu tiêu rồi bị trúng gió ngất xỉu thì sao?”
“Tìm rồi! Ra tận nơi rồi nhưng không thấy.” Tam Quỷ lắc đầu.
“Sao lại thế được nhỉ? Trời mưa to gió lớn thế này bác gái đi đâu được?”
Ông Thập vừa dứt câu, một tia chớp rạch ngang bầu trời, tiếp theo đó là tiếng sấm nổ đì đùng trên không trung như muốn xé toang bầu không khí tĩnh mịch nơi miền sơn cước.
Hai người đàn ông chết lặng như trời trồng, bốn mắt nhìn nhau. Cả hai đồng loạt quay đầu về cái cửa sổ vừa đóng chặt, dù không ai bảo ai nhưng cả hai đều có chung một suy nghĩ.
Tam Quỷ vội vã bước ra khỏi phòng không kịp nói một lời, gã run run cầm cây đánh lửa châm ngọn đuốc lớn. Ông Thập thấy vậy cũng vội vàng đi theo.
Cơn mưa rả rích trong đêm làm cho không gian tê buốt, gió thổi thốc vào ốc. Hai người đàn ông cầm theo hai chiếc đuốc lớn, những giọt nước mưa rơi xuống đuốc khiến cho ngọn đuốc lập lòe như những đốm lửa ma trơi ngoài nghĩa địa. Tam Quỷ đi phía trước, ông Thập bám sát phía sau.
Cả hai dừng lại bên cái hàng rào thấp lè tè ngăn cách giữa nhà Tam Quỷ và Tứ Cháo Lòng. Tam Quỷ giơ ngọn đuốc cao quá khỏi đầu, hướng về phía cây hòe ma quái. Ánh lửa bập bùng soi tỏ được thân cây hòe cổ thụ. Cả hai người đàn ông căng mắt nhìn, hơi thở dồn dập vì hồi hộp.
Trong màn đêm mù mịt, trên tán cây um tùm lộ ra một đôi chân buông thõng.
Tam Quỷ đứng như ngây người ra, mắt nhìn chăm chăm về phía trước. Ông Thập dường như nín thở cố với tay cho cây đuốc của mình sát gần hơn. Không khí trong đêm mưa căng như dây đàn, một tia chớp khác lại lóe lên, cả không gian bừng sáng. Dù tia chớp chỉ chiếu rọi trong tích tắc, nhưng cũng đủ cho cả hai người đàn ông nhìn thấy trước mặt họ là người đàn bà bị treo cổ.
Nhận ra vợ mình, Tam Quỷ rống lên một tiếng hãi hùng, gã nhảy qua bờ tường rào, đạp lên cái chõng tre mà ngày trước thằng Tứ Cháo Lòng vẫn ngủ trưa. Gã ôm lấy vợ mình mà khóc không thành tiếng. Ông Thập đứng ngây người ra nhìn, ông bàng hoàng không thốt được tiếng nào, dù là tiếng hét hãi hùng.
Tam Quỷ khóc nức nở hòa lẫn với tiếng gió thổi vun vút, tiếng sấm nổ đì đùng từ xa. Mưa tạnh dần, chỉ thỉnh thoảng có vạt nước đọng trên tán cây hòe bị gió thổi tạt lại. Tam Quỷ run lẩy bẩy đứng trên cái chõng tre để ôm chặt lấy xác của vợ mình. Thị Tam treo lơ lửng trên cây, hai chân thõng xuống, đầu ngoẹo sang một bên. Người thị ướt sũng vì nước mưa, riêng phần cổ thì bị thít lại bởi sợi dây thừng to bằng ba ngón tay người lớn. Ông Thập im lặng, trên tay vẫn cầm chắc cây đuốc để soi sáng cho Tam Quỷ. Cây đuốc của gã bị quẳng sang một bên lúc gã nhảy lên chõng tre ôm lấy xác vợ, giả như trong lúc kinh hãi mà ông Thập cũng làm tắt đuốc thì hẳn sẽ nguy hiểm bội phần.
Giờ Dần đã điểm nhưng trời vẫn còn tối thui, Tam Quỷ đưa tay dò dẫm để cởi cái dây treo cổ. Ông Thập lúc ấy mới giật mình nói nhanh:
“Đừng! Đừng mở dây thắt cổ. Phải cắt đi mới được. Không cắt đi là lại có người treo cổ tiếp đấy.”
Tam Quỷ sững người, gã luống cuống nhìn quanh để tìm thứ gì đó có thể cắt được. Ông Thập chỉ tay xuống dưới cái chõng tre:
“Kia kìa! Dưới cái chõng tre hình như có con dao bầu.”
Tam Quỷ cúi xuống dùng đôi bàn tay để dò tìm vị trí con dao chọc tiết lợn mà Tứ Cháo Lòng để lại. Gã đứng thẳng người, kề dao vào sợi dây rồi bắt đầu cắt. Dao bầu vốn không xa lạ gì với người dân quê. Con dao không lớn lắm, chỉ dài gần bằng gang tay người lớn, đầu dao được vuốt nhọn, lưỡi dao mỏng dính. Khi giết lợn, đồ tể cắm phập vào cổ con lợn, dân gian quen gọi bằng thuật ngữ chọc tiết lợn là bởi vậy. Dao bầu tuy rất sắc, nhưng sợi dây treo cổ thị Tam vừa to vừa dai, Tam Quỷ không cắt phăng được đành phải cưa tới cưa lui.
Độ gần một tuần hương thì Tam Quỷ cũng cưa đứt sợi dây thừng. Cả người thị Tam đổ xuống, thân thể thị cứng đơ. Thị vừa ngã xuống, ông Thập chợt nhận thấy sương mù từ đâu bay phảng phất khắp nơi.
“Sao mà giống sương mù trong làng Địa Ngục thế?” Ông kinh ngạc nghĩ thầm.
Tam Quỷ đang sụt sùi ôm xác vợ trong tay, gã thấy có sương mù lảng bảng trôi bèn đưa mắt nhìn ông Thập. Cả hai nhìn nhau như ngây người chẳng hiểu điều gì. Bỗng từ đâu có tiếng kẻng gõ trầm trầm, đục đục vọng lại. Tiếng kẻng càng gần, màn sương mù càng dày thêm, cây đuốc trong tay ông Thập dường như sắp tắt. Tam Quỷ dường như cũng đoán có điều gì đó sắp xảy đến, gã đặt xác vợ xuống đất, ngẩng đầu ra ngoài cửa nghe ngóng.
Cuối giờ Sửu, cây đuốc của ông Thập chỉ còn le lói ánh sáng tù mù. Trong màn sương bàng bạc giăng khắp núi rừng, một con đò bỗng hiện ra. Con đò trôi lững lờ trên không trung, mũi đò rẽ ngang màn sương mà trôi cứ như thể đang trên mặt nước. Trước đò có bóng dáng một người nào đó đội nón xếp bằng, hai tay không ngừng vung những nhịp chèo khoan thai. Ông Thập và Tam Quỷ ngây người nhìn con đò dừng ở trước cửa khi ẩn khi hiện trong lớp sương trắng. Chợt cả hai nghe có tiếng nói âm u vang vọng:
“Thị Tam! Thị Tam ơi!”
Trên cành cây hòe âm u bỗng rung lên một tiếng, hai người đàn ông theo phản xạ ngẩng đầu nhìn lên tán cây. Tán cây rung rinh nhè nhẹ dù trời không có gió, cả ông Thập lẫn Tam Quỷ đứng ngây người, một cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng khiến cả hai run lên bần bật.
“Lên đò!” Tiếng nói rờn rợn vừa nãy lại cất lên.
Ông Thập nhìn thấy rõ ràng con đò lại tiếp tục trôi đi rất nhanh, chớp mắt sau đã không thấy bóng dáng đâu nữa, cứ như thể nó chưa từng xuất hiện. Con đò đã đi xa rồi mà hai người đàn ông vẫn chết lặng vì quá bàng hoàng.
Khi ngọn đuốc trong tay ông Thập tắt ngóm, cũng là lúc bầu trời nhá nhem sáng, mấy người ở trọ cạnh phòng ông đêm qua lục tục trở dậy. Họ khoác những chiếc gùi mây lên trên lưng, khoác thêm manh áo dầy bịch vá chằng vá đụp để tránh cái lạnh của mùa đông. Vừa bước ra khoảng sân, mấy người nọ đứng sững vì khung cảnh hiện ra trước mắt.
Ông Thập đứng dầm mưa bên cạnh hàng rào trông sang sân nhà thằng Tứ Cháo Lòng, miệng trắng bệch không còn một chút máu nào. Mấy người nọ cảm thấy có gì đó kì lạ đang diễn ra, họ dắt díu nhau đến gần hàng rào để tìm hiểu cho kỹ. Vừa nhìn thấy cảnh tượng trước mắt, mấy người đồng loạt gào lên sợ hãi. Bên cây hòe um tùm trồng trong góc sân nhà thằng Tứ, Tam Quỷ quỳ cạnh xác vợ, người gã run lên từng hồi giống như một kẻ động kinh. Trước cảnh tượng kinh hoàng bày ra trước mắt, đám người ở trọ nhà Tam Quỷ ai nấy đều kinh hồn bạt vía, có kẻ thì ngã lăn ra đất, kẻ khác thì bỏ chạy về phía khu chợ phía trước miệng rú lên sợ hãi.
Trời sáng rõ mặt người, lúc này ông Thập mới để ý kỹ gương mặt của vợ Tam Quỷ lúc chết. Khi còn sống, thị không phải là người xấu xí, làn da của thị trắng ngần, khuôn trăng đầy đặn, đôi mắt thị lúc nào cũng lúng liếng đưa tình, xem ra cũng có phần lẳng lơ.
Điều khiến cho thị không được đẹp hoàn toàn đó là đôi môi của thị thâm sì như người bị bệnh. Mấy mụ đàn bà ở chợ kể cho nhau nghe là mụ từ nhỏ bị bệnh tim, càng lớn môi càng thâm lại dẫu cho thị lúc nào cũng nhai trầu chóp chép.
Ông Thập đăm chiêu nhìn xuống xác chết của Thị mới nhận ra cơn mưa suốt đêm khiến cho làn da của thị càng thêm nhợt nhạt đến mức ma quái. Trên vai và vạt áo của thị dính đầy những hạt li ti từ hoa hòe, ngày thường người ta vẫn dùng thứ này để hãm trà uống chữa bệnh mất ngủ.
Tam Quỷ ôm xác vợ về nhà, ông Thập cầm cái chõng tre vất chỏng chơ bên hiên nhà để Tam Quỷ có thể đặt xác của vợ gã lên. Gã cũng không quên mang theo con dao bầu chọc tiết lợn của thằng Tứ và cả sợi dây thít chặt cổ vợ mình.
Chưa đầy nửa tuần hương sau, cả nhà Tam Quỷ chật kín người. Ông Thập nhìn quanh ước chừng như cả chợ đều đến đây để nghe ngóng. Đích thị là mấy kẻ ở trọ đêm qua đã ra đến chợ thông báo cho bà con. Người dân quê dù ở vùng nông thôn hay núi rừng đều thích ngóng chuyện thiên hạ, nhất là những câu chuyện máu me kinh dị. Vợ thằng Tam Quỷ chết bất đắc kỳ tử bên gốc cây hòe nhà hàng xóm là một sự kiện mà chẳng ai có thể bỏ qua.
Trong số những người đến xem xác của thị Tam, ông Thập biết rõ rằng người đến chia buồn giúp đỡ thì ít, mà kẻ đến nghe ngóng thì nhiều. Không biết bao nhiêu người xúm lại ông Thập để hỏi thăm, nhưng ông chỉ lắc đầu rồi bịa ra một lý do nhằm trốn tránh:
“Các bác đừng hỏi tôi! Đêm qua trời mưa to tôi nằm trong phòng ngủ say, đến khi ra ngoài thì đã thấy sự tình như thế. Nào tôi có biết gì đâu.”
Người ta không dám hỏi Tam Quỷ vì lúc này gã không còn khóc nữa mà ngồi bất động bên xác vợ, ánh mắt đục ngầu đỏ hoe đằng đằng sát khí. Để xác thị Tam cho thiên hạ nhìn ngó chỉ trỏ cũng không đành, ông Thập vào trong gian buồng nhỏ tìm lấy cái chăn lành lặn nhất rồi phủ lên xác thị.
Tam Quỷ run run nhìn vợ, rồi đùng đùng cầm lấy con dao chọc tiết lợn của thằng Tứ Cháo Lòng đi phăm phăm về phía chợ. Ông Thập đang cời cái bếp củi giữa nhà trông thấy cảnh tượng ấy bèn hét lớn:
“Bác Tam! Dừng lại! Bác Tam!“
Mấy người lái buôn vẫn đứng ở trước cửa nhà hóng chuyện, ông Thập hoảng hồn gọi với theo:
“Mau chặn bác ấy lại! Không là có án mạng bây giờ.”
Gương mặt Tam Quỷ đỏ phừng, ánh mắt gã vằn lên những tia máu. Ông Thập đuổi theo tóm chặt lấy Tam quỷ, đoạn giật tung con dao sắc lẻm từ tay gã, ông quát lớn:
“Bác định làm gì? Giờ có giết lão ăn mày què thì bác gái cũng sống lại được đâu.”
Tam Quỷ vùng vẫy trong tay ông Thập, gã nghiến răng nghiến lợi nhưng nước mắt rơi lã chã:
“Tao… tao… tao phải giết nó. Chỉ có nó… nó giết vợ tao!”
Mấy người đàn ông lái buôn hợp sức với ông Thập để kìm gã Tam Quỷ lại. Vật lộn một lúc, gã Tam Quỷ cũng đành phải ngồi im trên cái ghế tre trong nhà. Cả ngày gã không ăn uống gì, người trong làng đến phụ giúp gã khâm liệm thị Tam rồi quấn thị bằng manh chiếu nhỏ. Một cụ già thất thập cổ lai hy còn cắt thân cây chuối ở gần bờ rào, đoạn lại cắm lên trên đó mấy nén nhang, rồi ngồi tỉa tót que tre thành đôi đũa bông cắm trên bát cơm cúng người đã khuất. Mùi nhang khói nghi ngút bay khắp nhà khiến cho ông Thập liên tưởng đến con đò ma quái ẩn hiện trong màn sương mù đêm qua.
Khi thị Tam đã yên lành trong manh chiếu bó chặt chờ đem chôn thì cũng là lúc trời ngả bóng về chiều. Đáng lẽ ông Thập có thể bỏ đi ngay vì dù sao ông cũng chẳng có quan hệ họ hàng gì với Tam Quỷ, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì chỉ có ông và gã chứng kiến toàn bộ câu chuyện quái dị về con đò chở vong đêm qua, cả hai lại cùng nghi hoặc về lão ăn mày què bí hiểm. Bởi thế cho nên ông Thập quyết định ở lại cùng Tam Quỷ. Ông không biết mình có giúp được gì cho gã hay không, nhưng bỏ mặc gã một mình với cái xác chết tức tưởi của vợ gã thì cũng thật tội nghiệp.
Vốn dĩ ông xuống núi là để tìm người có thể giải đáp giấc mơ về mấy con rắn trong nhà bếp của ông, thế nhưng mọi thứ còn đang mông lung kì bí thì hàng loạt sự kiện kì bí khác lại dồn dập kéo tới. Thế nhưng điều khiến ông nghi hoặc hơn hết đó chính là lão ăn mày què dị hợm. Dù ông dám chắc là lão không thể nào hại chết hai mạng người, nhưng chắc chắn lão ăn mày què phải biết một điều gì đó.
Lại còn gã Tam Quỷ nữa. Gã cứ khẳng định chắc chắn rằng lão ăn mày giết vợ mình chỉ vì đã chứng kiến cái chết đáng ngờ của Tứ Cháo Lòng. Mọi sự kiện đều quy về lão ăn mày, nếu ông Thập mà không canh chừng để cho Tam Quỷ giết lão thì há chẳng phải mọi chuyện đi vào ngõ cụt rồi hay sao?
“Không được! Lão ăn mày què không được chết, vì nếu muốn biết rốt ráo mọi chuyện chỉ có thể bắt đầu từ lão mà thôi.” Ông Thập tuyên bố chắc nịch với chính lòng mình như vậy.
Những ai từng sống qua mùa đông ở miền sơn cước mới biết, trời ở nơi đây vào mùa đông tối nhanh và lạnh lẽo đến mức như thế nào. Tối hôm đó không mưa tầm tã như đêm hôm trước, chỉ có hạt mưa phùn bị gió thổi bay bay như một lớp màn mỏng phủ khắp núi rừng. Gã Tam Quỷ cùng ông Thập ngồi uống rượu ngô bên cạnh bếp lửa cháy bập bùng, phía sau họ là cái xác của thị Tam được gói ghém trong manh chiếu mỏng.
Vừa mới uống được hai tuần rượu thì gã Tam Quỷ đột ngột hỏi ông Thập:
“Bác có nghĩ là lão ăn mày què giết vợ tôi không?”
Ông Thập không hề ngạc nhiên khi thấy gã hỏi điều này, ông đáp:
“Không! Tôi tin là lão không giết bác gái nhà ta. Nhưng… quả đúng lão là người kì lạ.”
Tam Quỷ im lặng không nói gì, ông Thập lại nói tiếp:
“Tôi đoán chắc bác cũng nhận ra điều này. Lão là một người tàn tật, lão chỉ còn hai cái đầu gối để lê lết khắp nơi xin ăn. Dù có muốn thì lão giết bác gái nhà ta bằng cách nào. Còn một điều nữa quan trọng hơn đó là vì sao lão lại phải giết người? Những người trêu chọc lão hàng ngày ở cái chợ này nhiều vô số kể. Tại sao lão phải giết đúng bác gái nhà ta cơ chứ?”
Tam Quỷ uống rượu ừng ực, gã dốc cả vò rượu vào cổ họng, đoạn lại chùi mép bằng mu bàn tay. Ông Thập nhìn gã hồi lâu, rồi thở dài kể cho gã nghe chuyện gặp gỡ của mình với lão ăn mày què. Ông khéo léo giấu đi chi tiết lão giải mộng, ông chỉ kể lại cái cảnh lão què tiên đoán hậu vận cho mình. Vừa nghe tới đoạn lão ăn mày què biến mất khi ông Thập còn đang ngồi thừ người suy nghĩ, Tam Quỷ thốt lên một tiếng kinh hoàng rồi hỏi dồn dập:
“Lão… lão biến mất giống như lúc lão xem bói cho thằng Tứ Cháo Lòng à?“
“Ừ!“ Ông Thập gật đầu khẳng định.
“Ôi… bác Thập ơi…” Giọng Tam Quỷ run run. “Bác phải cẩn thận đấy, không khéo… không khéo… bác lại là người vong mạng tiếp theo cũng nên.”
Không phải ông Thập chưa từng nghĩ tới vấn đề này. Con cháu của băng cướp khát máu như ông thì làm sao dám mong một cuộc đời bình an, tử tế? Chỉ có điều, ông không nghĩ rằng việc xem bói lại khiến lão ăn mày giết ông, điều đó chẳng mang lại lợi ích gì cho lão cả.
Tam Quỷ có vẻ hoang mang trước câu chuyện mà ông Thập vừa kể, gã không uống rượu nữa mà đăm chiêu suy nghĩ. Bầu không khí giữa hai người dường như căng thẳng hơn. Đúng lúc đó, một cơn gió mạnh thổi tung cánh cửa ọp ẹp của nhà Tam Quỷ. Lớp sương mù bay là là trên mặt đất, hơi lạnh tràn vào khiến cho cả hai nổi hết da gà.
Cả hai vô thức nhìn ra cửa. Đúng lúc ấy, trước khoảng sân nhỏ xíu của nhà Tam Quỷ, lão ăn mày què đang đứng ở đó từ bao giờ.