Ba đêm nằm mộng liên tiếp khiến cho ông Thập cảm thấy uể oải ít nhiều. Thị Thập thấy chồng mệt mỏi, lại thường trầm ngâm suy nghĩ nên trong lòng cảm thấy lo lắng. Mấy lần bà gặng hỏi nhưng ông Thập chỉ lắc đầu không đáp. Bởi ông biết kể những giấc mơ của mình ra thì bà sẽ cho là ông đi buôn hàng dưới xuôi nên mệt mỏi mới sinh ra mộng mị. Mà ông thì đang muốn xuống dưới chợ để đi tìm thầy bói, hoặc nếu có thể đi một chuyến xa đến tận kinh thành thì càng tốt. Thành Thăng Long chắc là sẽ có người có thể giải được giấc mộng kì dị này.
Những chuyến hàng từ làng Địa Ngục đi xuống dưới xuôi được chia làm ba đợt mỗi tháng. Đợt hàng đầu tiên nhằm ngày mồng Mười, đợt hàng thứ hai nhằm ngày hai mươi và đợt cuối cùng sẽ là ngày cuối tháng. Những ngày lễ đặc biệt trong năm như dịp Tết, rằm tháng Giêng, rằm Trung thu, rằm tháng Bảy, nhu cầu buôn bán của dân trong làng nhiều hơn, ông Thập sẽ bố trí thêm một vài chuyến hàng nữa.
Thời ông còn trẻ, lần nào mang hàng đi bán cũng chỉ có một mình ông. Thế nhưng từ mấy năm trước, sức khỏe ông không những suy giảm mà lượng hàng hóa cũng tăng nhiều, ông Thập mới dẫn dắt vài người thanh niên trai tráng khỏe mạnh trong làng đi cùng để phụ một tay. Đám thanh niên được đi ra khỏi làng thì lấy làm thích thú lắm, ai cũng xung phong.
Có anh chàng ỷ vào sức vóc nên muốn tách đoàn đi riêng một mình. Người già trong làng khuyên thì anh chỉ cười cho rằng con đường xuống núi chẳng có gì đáng sợ, chẳng phải ông Thập vẫn một mình xuống núi hay sao? Ma quỷ chỉ dọa được những người yếu bóng vía, chứ trẻ khỏe như anh thì nào ai dám dọa? Nói là làm, rạng sáng ngày hôm ấy anh chàng chất đống thịt rừng săn được vào cái gùi mây đeo trên lưng, hăm hở cầm đuốc rẽ sương mù thẳng con đường làng mà xuống.
Không ai biết anh đã gặp chuyện gì, cũng không ai biết anh có đi được xuống núi hay không, chỉ biết rằng hai ngày sau anh mới thất thểu về làng với gương mặt ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Người trong làng thấy anh đi bộ từ đầu làng bèn hỏi thăm, thế nhưng anh chàng run run chỉ tay về phía đầu làng rồi thảng thốt nói:
“Nhiều… Nhiều lắm!! Nhiều vong lắm… Nó… nó ở ngoài kia kìa!!“
Người ta nhìn theo hướng tay anh chỉ, nhưng chẳng thấy gì ngoài những rặng cây um tùm lẩn khuất trong màn sương bàng bạc.
Từ một chàng thanh niên khỏe mạnh, cường tráng là thế. Vậy mà chỉ sau một chuyến đi rừng, lại trở nên sợ sệt, trời nhá nhem tối là không dám ra ngoài. Ngay cả việc tiểu tiện cũng không dám đi một mình. Ai nấy đều lắc đầu ngao ngán. Cái gương trước mắt sờ sờ ra đấy, thôi thì dân làng chỉ đành quanh quẩn ở nơi đây cho tới chết. Còn muốn đi xuống núi thì chỉ có thể nhờ cậy ông trưởng làng mà thôi.
Lại nói về ông Thập, nhiều lúc ông cũng không hiểu vì sao cả làng chỉ có một mình ông đi lại trót lọt đến vậy. Các cụ cao niên trong làng vẫn bảo rằng ông có vong hồn của bà nội đi theo, lại sinh vào ngày Hạ chí tức là thời điểm dương khí mạnh nhất nên tà ma không trêu chọc được. Trước cách lý giải có phần giản đơn đó, ông Thập tuy không hỏi thêm, song trong lòng ông vẫn thấy có điều gì đó mà bản thân mình chưa được biết tường tận. Thế nhưng việc đào sâu thôi lý do khiến ông có thể một thân một mình băng rừng để xuống dưới núi cũng chẳng giúp được gì nhiều, ít nhất là trong thời điểm này, khi mà ông còn đang băn khoăn về những giấc mộng kì lạ.
Gần đến ngày rằm tháng Chạp, phiên chợ cuối năm hẳn sẽ rất đông. Theo lẽ thường ông sẽ phải đưa thêm trai tráng trong làng đi, nhưng ông Thập đổi ý. Ông quyết định sẽ đi một mình để tìm thầy bói giải mộng giấc mơ của mình. Chuyện buôn bán có thể tạm gác lại, chứ chuyện mộng mị thì không. Nhất là khi ông nghe rõ mồn một giọng người đàn ông nói trong mơ:
“Làng này sắp gặp họa! Nhà ngươi sắp gặp họa.”
Nếu mơ một lần ông có thể cho rằng là do bản thân đi lại mệt nhọc nên sinh ra mộng mị, nhưng đằng này lại mơ tới mấy lần. Đó là còn chưa kể đến sự xuất hiện kì bí của những con rắn trong nhà bếp của gia đình ông. Làm sao có thể làm ngơ trước những điềm báo rõ ràng đến thế?
Đêm mười bốn tháng Chạp, ông Thập quẩy cái gùi trên vai rồi cầm ngọn đuốc rẽ sương mù mà đi thẳng. Con đường độc đạo này ông đã đi cả ngàn lần, cớ sao hôm nay ông cảm thấy nó dài hơn mọi khi.
Khi ông xuống tới chân núi thì trời vẫn nhá nhem tối, đám thương buôn gần đó vẫn còn đang say sưa ngủ trong chòi. Ông Thập đi tới chỗ ngồi quen thuộc, nhóm một đống củi nho nhỏ để chiếu sáng. Độ hai canh giờ sau thì trời bắt đầu sáng rõ mặt người, lác đác đó đây đã có người ôm thúng, bán mẹt. Phiên chợ ngày rằm tấp nập người mua kẻ bán. Người ta mang đủ thứ ra để mời chào khách, người thì bán thịt, người thì bán gạo, kẻ bán rau, bán cây trái. Lại có anh chàng bán cả những thứ đồ vàng mã để đốt cho người đã khuất.
Người Việt từ xưa đến nay quan niệm rằng trần sao thì âm vậy. Dịp Tết, người người nhà nhà nô nức sắm quần áo để chia tay năm cũ, chào đón năm mới với nhiều dự định còn đang ở phía trước. Người ta cũng không quên mua quần áo mới cho các vong linh ông bà tổ tiên đã khuất của gia đình mình. Người giàu thì mua hơn chục bộ áo quần vàng mã, lại sắm thêm vài xấp giấy màu đủ kiểu, chục khay vàng nén bạc, kẻ hầu người hạ để đốt xuống âm tào địa phủ. Kẻ nghèo cũng phải mua được chút ít cho gia tiên tiền tổ, nếu không thì sẽ bị coi là bất hiếu, mà bản thân cũng chẳng được yên lòng.
Ông Thập bày những sắp vải đầy đủ sắc màu trên manh chiếu cũ kĩ. Bỗng dưng ông ngậm ngùi nhớ lại chuyện cũ. Từ ngày mẹ con nhà thằng Đậu chết đi chẳng mấy ai có thể dệt được những tấm vải in hoa văn ẩn hiện nữa. Đáng thương ở chỗ, người làng Địa Ngục chẳng mấy ai nhớ đến tài năng dệt vải của nhà thằng Đậu, người ta chỉ rỉ tai nhau nghe những mẩu chuyện ma mị sau cái chết của mẹ con nó. Thỉnh thoảng vào những đêm trăng lặn, khí trời âm u, có mấy người trong làng đi bẫy thú rừng vô tình đi ngang qua đó nhìn thấy có người đàn bà cặm cụi ngồi dệt vải trước hiên.
Có lần nọ, người ta nghe rõ tiếng khung cửi lạch cạch vang lên từng chặp, rồi cả tiếng ho húng hắng. Thấy có tiếng động lạ, mấy người trong làng ra hiệu cho nhau trốn vào một góc nhỏ để nghe ngóng động tĩnh. Trên hiên có một người đàn bà vẫn chăm chú dệt vải, dường như chẳng để ý đến điều gì. Mấy người đàn ông đoán chắc là trộm, bèn cầm dao xông đạp cửa xông vào. Đúng lúc ấy một cơn gió thổi tới làm bụi cây rung rinh, người đàn bà ngẩng mặt lên từ cái khung cửi. Khuôn mặt vừa lộ ra, đám người lập tức rúng động, có kẻ thốt lên một tiếng kinh hoàng. Đó là mẹ thằng Đậu. Đúng là mẹ thằng Đậu đây mà. Dưới ánh đuốc bập bùng, gương mặt bà cụ già hiện lên rõ mồn một. Đôi mắt đờ đẫn, con ngươi long lên sòng sọc, đảo tứ tung. Bên gò má nơi con rắn độc cắn vẫn sạm đen vì hoại tử như ngày người ta phát hiện ra xác bà, chỉ có điều gò má đó giờ nhung nhúc toàn dòi là dòi. Bà cụ ngước mắt về phía đám người làng rồi cười khành khạch. Đám người ngây ra vì sợ hãi. Bất chợt có tiếng cười hô hố vang lên.
Trên mái nhà, thằng Đậu ngồi vắt vẻo, lúc lắc cái cổ đen ngòm, vỗ đùi đèn đẹt rồi cười khoái chí. Đám người tá hỏa, hét lên một tiếng hãi hùng rồi bỏ chạy tán loạn. Cả làng ai cũng biết chuyện, người ta càng sợ hãi ngôi nhà đìu hiu bị bỏ hoàng của mẹ con nó, chẳng ai dám qua lại. Việc đến tai ông Thập, ông vặn hỏi đám trai làng có ai đùa nghịch hay bỡn cợt gì tới vong linh người chết hay không? Cớ làm sao mà cả hai mẹ con nhà thằng Đậu lại hiện hồn về trêu chọc người sống như thế?
Trước vẻ mặt nghiêm khắc của ông trưởng làng, có một cánh tay run rẩy giơ lên. Ông Thập ngước mắt nhìn, thì ra là thằng Vẹt. Thằng Vẹt kém thằng Đậu mấy tuổi, ngày thường hai đứa nó hay đi vào rừng bẫy thú cùng nhau. Nay thằng Đậu chết đi, thằng Vẹt đi cùng bố và chú ruột nó. Thằng Vẹt lí nhí thú tội rằng sáng hôm đó nó có đi ngang qua cái nhà bỏ hoang của mẹ con thằng Đậu. Đúng lúc đó nó mắc tiểu, bèn tiểu tiện vào cạnh bờ tường rào của nhà bạn. Cứ tưởng chỉ tiểu tiện thôi thì cũng chẳng sao, nào ngờ đến tối thì gặp chuyện.
Bố thằng Vẹt giận lắm, toan đánh con trai thì dân làng ngăn lại. Ông Thập lắc đầu ngán ngẩm rồi sai mẹ thằng Vẹt sửa soạn lễ vật đến cáo lỗi trước ngôi mộ hai mẹ con nhà nọ. Từ đó mọi chuyện yên lành, không còn ai bị mẹ con thằng Đậu dọa nữa.
Thế nhưng cứ đến gần ngày giỗ của hai mẹ con là người làng lại thấy bóng dáng họ phất phơ đi qua đi lại trước mái hiên, có khi còn thấy thằng Đậu ngồi đánh đu trên mấy cây đào trước cổng làng. Người làng thương cảnh mẹ góa con côi đến ngày giỗ cũng không ai nhớ đến, bèn thổi xôi, giết gà cúng tế đàng hoàng. Riêng bố thằng Vẹt thi thoảng vẫn nhờ ông mua giúp cho ít tiền vàng để đốt cho mẹ con nhà thằng Đậu. Dù gì thì thằng Đậu cũng là bạn thân của con trai ông. Thằng con ông trót dại xúc phạm tới người đã khuất, ngộ nhỡ thằng Vẹt có mệnh hệ gì thì gia đình ông tuyệt tự.
Chớp mắt một cái mà hai mẹ con thằng Đậu chết cũng phải mấy mùa hoa đào, hoa mận trôi qua rồi. Thời gian nào có đợi ai bao giờ? Nghĩ đến đó, ông Thập cất tiếng thở dài.
Chợ chưa vãn nhưng ông Thập đã bán hết vải từ lúc nào. Người ta khen vải của ông đẹp, màu sắc óng ả mượt mà, nhất là vải màu đỏ tươi dùng để may yếm đào nhìn đến là thích mắt. Các bà các cô ưng ý lắm, thành ra dịp nào cũng đi tìm ông Thập để mua. Có gã lái buôn người phương Bắc muốn đến tận làng để mua rồi đem về Tàu, nhưng ông Thập lắc đầu từ chối. Bởi lẽ từ thời cha ông thuở trước, người làng Địa Ngục đã có một quy định nghiêm ngặt đó là tuyệt đối không cho người lạ vào làng.
Sở dĩ người ta đặt ra quy định này là để bảo vệ sự bí mật của người nơi đây. Người làng biết rõ bản thân mình là tàn dư của băng cướp khét tiếng từng bị triều đình truy nã. Cho nên họ lựa chọn cuộc đời ẩn dật trong rừng sâu núi thẳm cũng là để cho con cháu đời sau được sống yên bình. Màn sương mù quanh năm không tan, ánh nắng mặt trời le lói chiếu sáng cùng với sự âm u đến rợn ngợp đã bảo vệ dân làng khỏi sự soi mói, xét nét của người đời. Lão lái buôn người Tàu không thuyết phục được ông Thập đành cau có bỏ đi, không quên lầm bầm chửi rủa.
Ông Thập chờ lão đi hẳn mới thu dọn đồ đạc rồi chuẩn bị về nhà. Gọi là ra về nhưng thực chất ông đi tìm thầy bói để giải mộng. Ở nước Việt, từ cổ chí kim hễ cứ có làng quê là thế nào cũng có ít nhất một vài thầy bói. Mỗi người thi triển một cách thức bói toán khác nhau. Có kẻ xem chỉ tay, có người lên đồng, lại có thể xem bằng trầu cau. Những thủ pháp để bói toán vận hạn tương lai thì ông Thập đều từng thử, chỉ có điều ông chưa từng gặp ai muốn giải mộng bao giờ. Người có thể giải mộng lại càng hiếm hoi, bởi dân gian có thói quen ước đoán ý nghĩa của những giấc mộng bằng kinh nghiệm của mình. Đàn bà nằm mộng thấy nuốt mặt trăng, mặt trời là điềm báo sinh con quý tử. Người nào mộng thấy rụng răng là điềm báo tai ương sắp kéo đến. Cứ như thế, những kinh nghiệm đoán mộng được dân gian truyền tụng lại như một kho tàng tri thức truyền miệng.
Trong thâm tâm ông Thập tin rằng, những giấc mộng về ba con rắn của ông phải báo hiệu điều gì đó ghê gớm lắm, không chỉ ảnh hưởng tới mình ông. Chẳng phải mấy con rắn đã nói tiếng người bảo với ông làng Địa Ngục sắp gặp đại họa hay sao? Ông Thập dành gần hết buổi sáng để đợi ở nhà bà thầy bói có tiếng trong vùng. Người ta kể rằng, bà hành nghề thầy bói từ năm mười tuổi, chẳng lấy chồng mà cứ sống một mình trong căn nhà cách chân núi không xa. Gần Tết nên bà bận lắm, hết chỗ này mời đi cúng bốc mộ lại đến chỗ kia mời đi cúng cầu siêu. Ông Thập chờ mãi, đến khi gặp được bà thì ông lại băn khoăn chẳng biết bắt đầu từ đâu. Ông kể cho bà nghe sự lạ mà mình gặp, nhưng khéo léo không nói tên ngôi làng mình đang ở. Bà thầy bói vừa nghe đến đoạn con rắn biết nói, bèn giật mình rồi đập mạnh tay xúi bàn:
“Chết chưa! Chết chưa! Cả làng bị hạn rồi! Phải giải hạn đi, không là chết hết đấy.”
“Bẩm cô..!” Ông Thập ngập ngừng.
“Về đi, về đi, gọi cả làng đến đây, sắm nhiều lễ vào. Nhanh lên.” Như vừa kịp nghĩ ra điều gì, bà lại nói tiếp:
“À không! Không thì để ta lặn lội đến làng cúng cũng được.” Nói xong bà bỏm bẻm nhai trầu, đôi mắt sáng lên xem chừng đắc ý lắm.
Ông Thập thở dài, ông biết chính bà cũng không biết rõ về giấc mơ hơn ông là bao. Thứ ông thắc mắc là tại sao mình lại nằm mơ thấy những điều kì lạ đến vậy? Bầy rắn bò vào nhà ông rốt cuộc là yêu ma hay quỷ quái? Chẳng lẽ tội lỗi giết người từ đời cha ông thuở trước đến giờ con cháu như ông cũng phải gánh hay sao?
Ông rời khỏi nhà bà thầy bói, trong lòng trĩu nặng. Ông đi ngược lại khu chợ vì đó là con đường dẫn đến lối lên dốc để tới con đường mòn về làng. Ông đang suy nghĩ thì bỗng nghe thấy tiếng gọi thì thào từ phía sau:
“Ông! Ông ơi.”
Ông Thập quay lại, phiên chợ đã vãn chỉ còn lác đác vài người, không thấy có ai gọi. Ông toan bước tiếp thì thấy bên đường lại có giọng nói cất lên:
“Ông Thập ơi! Ông Thập!”
Ông nhìn quanh thì chợt thấy bên lề đường có lão già lụ khụ đang ngồi bệt dưới đất hướng mắt về phía ông. Mặc dù trong lòng thấy lạ lùng nhưng ông Thập vẫn rảo bước tới. Khi đến gần ông nhận ra đó là lão ăn mày hôm trước. Chỉ mới mấy ngày không gặp mà trông lão ăn mày đã tiều tụy hơn lúc trước. Đôi mắt lão lồi ra, làn da bủng beo như da của người chết. Lão vẫn bốc mùi tanh hôi như hôm trước, thậm chí có phần nồng nặc hơn. Trời rét căm căm nhưng lão chỉ mặc một manh áo cộc, cái quần vá chằng vá đụp của lão thủng lỗ chỗ vì phải lê dưới đất từ ngày này qua ngày khác. Ông Thập khẽ nhăn mũi để tránh cái mùi tanh hôi từ người lão ăn mày bẩn thỉu, ông hỏi nhỏ:
“Cụ biết tên tôi sao?”
“Ở cái chợ này ai chẳng biết ông Thập. Thế nhưng mà… chẳng ai biết làng ông ở đâu cả.” Lão ăn mày nhìn ông Thập với ánh mắt bình thản có phần tò mò.
“Cụ gọi tôi có chuyện gì?”
“Trả ơn!” Lão ăn mày khẽ nói.
Lần này thì ông Thập bất ngờ thực sự, vốn dĩ ông với lão đâu có quan hệ gì, hà tất phải trả ơn? Chẳng lẽ lão muốn nhắc đến chuyện lần trước ông cho lão ít tiền lẻ và cái bánh chưng hay sao? Ông vốn coi đó là chuyện làm phước, đâu cần phải báo đáp. Vả lại lão ăn mày thì làm gì có thứ gì đáng giá để mà báo đáp ông.
Lão ăn mày nhìn ông mỉm cười, lão chống hai đôi tay gầy guộc xuống đất, nhìn ông Thập rồi nói:
“Chắc ông đang nghĩ một lão già sắp chết như tôi thì làm gì có thứ gì đáng giá để cho ông phải không? Khà khà khà.“ Lão vừa lắc đầu vừa cười, ung dung vuốt chòm râu bạc. Đoạn lại nói tiếp:
“Có đấy! Có đấy! Có thứ tôi có thể cho ông được đấy. Tôi tuy nghèo đói nhưng cốt cách của kẻ trượng phu sao có thể quên được. Hôm trước… hôm trước tôi thoi thóp sắp chết, ông cho tôi ăn, lại cho tôi tiền. Cái mạng già này sắp gõ cửa Diêm vương, thế mà lại được ông cứu giúp. Ơn nghĩa ấy tôi nào dám quên.” Nói rồi lão thở dài sườn sượt.
Ông Thập bắt đầu hứng thú với lão ăn mày. Xem cách lão ăn nói, cũng coi như là người đọc sách thánh hiền. Ông nảy sinh thiện cảm, bèn thong thả đi đến cái sạp hàng xiêu vẹo lớp bằng tre bỏ không. Đoạn lại vẫy tay gọi gã bán hàng thịt cuối chợ mang đến ít thịt nướng, sau cùng ông lôi từ trong chiếc gùi mây của mình ra bình rượu nhỏ. Lão ăn mày ì ạch đi theo sau, chẳng mấy chốc hai người, một già một trẻ ngồi trong sạp hàng trò chuyện.
Ông Thập kính lão một chén, rồi mới chậm rãi hỏi:
“Vậy chẳng hay cụ có thể giúp tôi điều gì?“
Lão ăn mày đón chén rượu từ tay ông Thập, lão tu một hơi rồi quẹt miệng bằng mu bàn tay bẩn thỉu.
“Tiền bạc thì tôi không có. Chỉ có thể giúp ông xem vận hạn vậy.”
“Cụ biết xem bói thật hay sao?” Ông Thập giật mình.
“Tôi biết xem bói khi mới còn nhỏ kia.” Lão ăn mày thoáng cười.
Lão hiểu cái nhìn ngạc nhiên của ông Thập, lão trầm ngâm nhìn chén rượu trên tay rồi từ tốn kể lại:
“Tôi năm nay cũng gần tám mươi tuổi rồi. Thuở nhỏ cha tôi làm chức quan trông coi kho lương ở phủ Quốc Oai, từ nhỏ tôi đã được dạy về sách thánh hiền, đạo nghĩa quân thần, phụ tử, bằng hữu tôi điều hiểu cả. Đến khi tôi tròn mười tuổi thì xảy ra biến cố. Năm ấy nước sông Hồng dâng cao, khắp nơi chết đói. Kho lương nơi cha tôi cai quản bị mất cắp. Quan trên cho rằng cha tôi cố ý thông đồng với lũ đạo tặc để cướp thóc gạo, bèn dâng biểu tấu cho triều đình. Nhà tôi bị chém không còn một ai. Cha tôi biết mình bị oan, thế nhưng kêu trời trời không tỏ, kêu đất đất chẳng hay. Ông cố ý đâm tôi một nhát vào mạng sườn, máu chảy ướt đẫm một bên vạt áo. Bọn lính thấy vậy tưởng cha tôi bị điên, lại tưởng tôi đã chết nên vất xác tôi ở lại.”
Ông Thập ngây người ra nhìn lão ăn mày trước mặt. Mái tóc bạc phơ của lão bay lơ thơ trong làn gió thổi. Lão ăn thịt, uống rượu rồi kể tiếp, cứ như thể lão chờ được dốc bầu tâm sự này đã lâu.
“Mãi sau này tôi mới hiểu ra, cha tôi muốn giữ lại huyết mạch duy nhất cho gia đình. Ông thỏa thuận với người đầy tớ trung thành của mình. Khi quan quân giải hết cả nhà tôi đi, tên đầy tớ sẽ đem tôi trốn đi chạy chữa. Khi nào tôi khỏe lại thì đưa tôi về phủ Long Hưng để tránh nạn.”
Lão ăn mày thở dài, trong đôi mắt đục ngầu của lão phảng phất nét đau thương. Giọng của lão càng lúc càng nhỏ dần:
“Biết tin cha mẹ đã không còn, tôi khóc đến sưng cả mắt. Người đày tớ đưa tôi đến phủ Long Hưng để tìm người thân. Thế nhưng, chẳng may trên đường gặp một toán cướp. Chúng cướp con ngựa mà chúng tôi đang đi, rồi giết chết người đày tớ trung thành của cha tôi. Lần cuối cùng tôi nhìn thấy người ấy là… là… là khi chúng moi tim người ấy ra rồi vất cho chó ăn.”
Lão ăn mày run bần bật, ông Thập cũng bàng hoàng cả người. Lão không còn khách sáo nữa, lão dốc bầu rượu tu ừng ực rồi kể tiếp:
“Bọn cướp trói tôi lại, định bụng đem tôi đi rồi đào tạo thành sai vặt cho chúng. Đêm hôm ấy chúng say rượu, tôi thừa lúc chúng không để ý cởi dây trói thoát được. Tôi trộm được một ít bạc vụn từ túi một tên cướp, rồi chạy trốn. May mắn cho tôi tìm được một nhà dân cho tá túc. Sáng hôm sau, người ta kháo nhau về chuyện bọn cướp moi tim một thằng bé rồi vất xác vào trong thôn. Tôi đoán rằng bọn cướp lùng sục tìm kiếm tôi, nhưng không tìm được bèn trút giận lên một thằng bé vô tình chúng bắt gặp.”
Ông Thập ngồi nghe lão ăn mày kể chuyện mà như bị thôi miên. Ông sốt ruột giục lão:
“Thế rồi sao nữa? Cụ kể tiếp đi! Làm sao mà cụ lại biết xem bói.”
Lão ăn mày lắc đầu cười buồn:
“Người ta bảo nghề chọn người chứ không phải người chọn nghề. Ngôi nhà mà tôi xin tá túc ở đó chính là ngôi nhà của một ông thầy lang. Vào cái đêm mà tôi gõ cửa xin ngủ nhờ, ông thầy lang ra mở cửa thì thấy sau lưng tôi thoắt ẩn thoắt hiện hai cái bóng màu trắng đục. Một người bị mổ phanh ngực moi mất tim, còn một người thì bị cụt đầu. Ông thầy lang đoán có chuyện chẳng lành nên đồng ý cho tôi vào, ông ấy dẫn tôi xuống kho chứa thuốc sau nhà rồi dặn tôi đừng lên tiếng. Tôi chờ ở đó cả đêm, đến khi trời sáng thì ông cụ đi vào khẽ nói:
“Ổn rồi! Con ra ngoài đi.”
“Người thầy lang ấy sau này chính là cha nuôi của tôi. Ông vốn sống một thân một mình không có vợ con. Sau này ông ấy thu nhận tôi, vừa dạy nghề thuốc cho tôi, lại dạy cả thuật xem bói. Ngày bé tính tôi vốn dĩ hiếu động, không thích thú với việc bốc thuốc cho nên tôi chẳng học được nhiều. Riêng có việc xem bói thì tôi có hứng thú hơn cả. Khi tôi thành thạo các ngón nghề xem bói cũng là lúc tôi vừa tròn mười hai tuổi. “ Kể đến đây lão ăn mày im lặng đưa ngón tay chai sần khẽ chùi nước mắt.
Chờ cho lão ăn mày qua cơn xúc động, ông Thập mới dè dặt hỏi:
“Vậy… vậy sao cụ lại đến bước đường này? Chẳng phải nghề thầy bói cũng có của ăn của để hay sao?”
“Tôi sống với cha nuôi được vài năm thì xảy ra biến cố. Cha tôi bốc thuốc cho một người thiếp của viên quan lớn. Không ngờ bị những người vợ khác của viên quan ghen ghét, đổ thuốc diệt chuột vào trong ấm sắc thuốc của người thai phụ. Cái thai… cái thai không những không còn, mà cả người mẹ cũng vong mạng. Một lúc chết hai mạng người nên quan phủ điều ra rất gắt gao.
Cha tôi trước đó đã đoán biết được ngày ông xảy ra họa sát thân. Ông thương tôi còn trẻ nên không đành lòng để tôi liên lụy. Cuối cùng để bảo tồn danh dự cho bản thân, ông lao đầu xuống vực rồi chết. Tận mắt nhìn cha nuôi chết đi, tôi trở nên ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Người ta kể lại rằng lúc quan quân bắt được tôi thì tôi vẫn cười như một thằng điên. Người ta tống tôi vào nhà lao, dùng hình tra khảo. Cho đến khi… đến khi hai chân tôi bị cụt.”
Ông Thập run rẩy cầm chén rượu kính lão ăn mày ngồi trước mặt. Không ngờ cuộc đời lão lại lắm nỗi oan khiên đến vậy. Ông thở dài não nề rồi lắc đầu buồn bã rồi hỏi tiếp:
“Vậy sao cụ lại ra được khỏi nhà lao rồi lưu lạc đến đây?”
Lão ăn mày nhìn thẳng vào mắt của ông Thập rồi trầm giọng:
“Chuyện đó sau này nếu còn duyên tôi sẽ kể cho ông nghe tường tận. Hôm nay là ngày tôi báo đáp ơn cứu mạng của ông.”
“Cụ quá lời rồi. Có đáng gì đâu!”
“Tôi đây già cả rồi! Thứ gì cũng không có, chỉ có xem bói là thành thạo. Chi bằng để cho tôi xin cho ông một quẻ vậy.”
“Vậy cụ muốn xem bói như thế nào?” Ông Thập khẽ hỏi
“Chuyện đó còn phải hỏi ông muốn xem bằng cách nào. Nhân tướng, chỉ tay, kinh dịch tôi đều xem được cả. Chỉ có điều không phải chuyện gì cũng có thể nói ra.” Lão ăn mày điềm nhiên đáp.
“Ý cụ là…?”
“Thiên cơ bất khả lộ. Ông đưa bàn tay trái ra đây!”
Lão ăn mày khẽ đỡ bàn tay trái của ông Thập. Đôi mắt lão nhíu lại, trong miệng lẩm bẩm điều gì đó nghe không rõ. Trời đã ngả về chiều, bầu trời cuối năm xám xịt như thể sắp mưa, trong cái sạp hàng xiêu vẹo bỏ hoang có hai người đàn ông thì thầm to nhỏ. Khung cảnh ấy không đến nỗi rùng rợn, nhưng cũng nhuốm màu ảm đạm. Lão ăn mày cúi sát xuống lòng bàn tay ông Thập, rồi khẽ nói:
“Ông từng chết hụt khi còn nhỏ.”
Ông Thập mỉm cười không đáp. Trẻ con vốn đã nghịch ngợm phá phách lại ở chốn núi đồi hoang vu rợn ngợp, đứa nào mà chẳng có lần suýt bị chết hụt cơ chứ. Đoán biết được ông Thập nghĩ gì trong đầu, lão ăn mày lại nói tiếp:
“Không phải chết hụt thông thường, từ bàn tay này tôi có thể thấy ông bị chết hụt liên quan đến tà ma. Nếu tôi không nhầm thì…” Lão cúi xuống sát hơn, vầng trán nhíu chặt càng khiến cho gương mặt thêm phần già nua, khắc khổ. “Nếu tôi không nhầm thì thuở nhỏ ông từng suýt bị lạc đường, quỷ ma câu hồn giấu thể. May mà được cứu.”
Một cảm giác lạnh toát chạy dọc sống lưng ông Thập. Ông bàng hoàng cả người. Chuyện ông đi lạc đường rồi được vong hồn bà nội đưa về làng Địa Ngục làm gì có người ngoài biết. Từ xưa đến nay dân làng Địa Ngục đâu có giao du với người ở ngoài. Ngoại trừ ông là người hay xuống núi, thì đâu có ai có thể đem chuyện này đi kể cho người lạ nghe, nhất lại là một lão ăn mày bẩn thỉu như thế này nữa. Bấy giờ ông Thập đã có phần sợ hãi, ông run run hỏi lại lão ăn mày:
“Quỷ ma câu hồn giấu thể có nghĩa là sao hả cụ?”
“Phàm là người còn sống sẽ có ba hồn bảy vía. Quỷ ma câu hồn tức là người sống bị câu ít nhất một hồn đi mất khiến cho thần trí ngây ngô, nếu câu mất đủ ba hồn thì vong mạng. Còn giấu thể tức là quỷ ma đem thân thể người đang sống giấu đi. Nhiều khi người ta bị giấu ngay trong sân nhà mà không ai tìm thấy.
Bản thân người bị giấu dù có nhìn thấy người thân đang đi tìm mình cũng không thể nào lên tiếng trả lời được. Thường thì trẻ con bị quỷ ma câu hồn giấu thể nhiều hơn, vì vía còn yếu. Cũng có rất nhiều khi đến bản thân người lớn cũng vẫn bị giấu.”
Ông Thập nghe mà càng lúc càng cảm thấy rùng rợn. Rõ ràng lão ăn mày trước mặt ông đây không phải là một người bình thường. Ông Thập còn đang nhìn lão ăn mày cầm bàn tay mình thì bất chợt ông nghe thấy lão nói.
“Năm đó không có vong linh của tổ tiên thì hẳn là ông đã chết dọc đường rồi. Ông càng lớn tuổi thì vía càng nặng, giờ thì chẳng lo bị yêu ma làm cho lạc đường nữa đâu. Chỉ có điều… đường con cái của ông…”
Lão ăn mày bỏ lửng câu nói rồi khẽ lắc đầu thở dài. Lão đã chạm đúng vào điều canh cánh trong lòng ông Thập bấy lâu nay. Ông hỏi dồn:
“Đường con cái của tôi làm sao hả cụ?”
“Tử tức mờ nhạt. Con cái hiếm hoi lắm mới có được. Mà không cẩn thận thì hài nhi chết yểu.”
Ông Thập hoảng hồn, trái tim ông khẽ thót lên một cái như có ai đó bóp chặt. Bấy lâu nay ông đi tìm đông tìm tây, lặn lội đến tận Thăng Long nhưng chẳng có ai nói những điều lạ lùng đến mức rợn người như lão ăn mày cả. Ông Thập run rẩy, ông nghĩ đến cảnh hai vợ chồng ông già cả rồi chết trong cô độc mà bất giác rơi nước mắt. Lão ăn mày vẫn đăm chiêu nhìn bàn tay chai sần của ông:
“Họa sát thân của ông kéo đến năm ba mươi chín tuổi. Họa lớn lắm, không tránh được. Số kiếp đã định vậy rồi.”
Lão ăn mày buông bàn tay của ông Thập ra, đoạn hỏi:
“Chẳng hay năm nay ông bao nhiêu tuổi rồi?”
Ông Thập lắp bắp: “Ba… ba… ba mươi tám tuổi.”
Lão ăn mày cúi đầu ngậm ngùi im lặng. Gương mặt ông Thập trắng bạch, người ông run run sợ hãi. Giọng nói ông không còn như bình thường được nữa. Trái tim trong lồng ngực ông đập nhanh thùm thụp. Bất chợ một ý nghĩa chợt lóe sáng trong đầu, ông Thập hỏi lão ăn mày:
“Cụ… cụ… cụ biết giải mộng hay không?”
Lão ăn mày thoáng ngạc nhiên, thế nhưng lão nhìn ông Thập rồi nhẹ nhàng đáp:
“Tôi cũng biết ít nhiều. Có điều ít có người nào xin giải mộng. Người đời thường thích tiên đoán hậu vận, muốn biết khi nào mình sẽ phát tài hơn là hỏi về điềm báo gặp trong mơ. Ít ai biết được rằng, thời vận của con người, thậm chí là cả một triều đại lại có thể được tiết lộ từ một giấc mơ.”
Ông Thập nghe mà cảm thấy lạ lùng quá. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ, nào có ai nói với ông những điều kì quái đến thế. Sự ngạc nhiên lấn át phần nào nỗi sợ hãi về đường hậu vận của mình, ông gặng hỏi:
“Cụ nói thế có nghĩa là sao?”
Lão ăn mày ung dung vuốt chòm râu bạc khoan thai giải thích:
“Để tôi kể cho ông nghe chuyện nhé. Năm Canh Tuất, vua Lý Thái Tổ rời đô từ Hoa Lư ra tới thành Đại La, đặt tên cho nơi đây là Thăng Long thành. Một đêm nọ vua nằm mộng, thấy Phật Bà Quan Âm dẫn vua lên trên đài sen, lại hái tám bông hoa sen trắng muốt ban thưởng cho vua. Tỉnh mộng nhà vua đem chuyện ấy kể với các quan trong triều. Các quan kể rằng ở hồ Tảo Liên mạn phía Cửa Nam thành đúng là có một loài sen trắng nở sớm. Vua sai người đi hái thử, quả đúng là hệt như trong giấc mơ, bèn sai người xây dựng một ngôi chùa thờ Phật Quan Âm, đặt tên là Đắc Quốc. Giấc mộng ấy, sau này người đời mới biết rằng nhà vua đã được báo mộng triều Lý chỉ tồn tại đúng tám đời vua.”
Ông Thập tròn mắt lắng nghe lão ăn mày kể lại, lão cúi xuống rót chén rượu rồi gật gù:
“Giấc mộng báo phúc họa cho con người, nhưng không mấy ai biết đến. Chẳng trách có người tới số chết vẫn không biết mình sắp gặp họa.”
Ông Thập cả kinh, ông lập cập quỳ xuống dập đầu trước mặt lão ăn mày hôi thối.
“Bẩm cụ! Cụ giúp tôi. Cụ giúp tôi!”
Lão ăn mày giật mình, lão luống cuống nhoài người qua mâm rượu thịt, đoạn đỡ lấy tay ông Thập rồi nói:
“Kìa! Ông Thập! Ông làm gì thế?”
“Cụ giúp tôi! Cụ giải cho tôi giấc mộng. Nếu không thì tôi xin quỳ mãi ở đây.”
Lão ăn mày giật mình:
“Giấc mơ như thế nào mà ông có vẻ sợ hãi đến vậy?“
Ông Thập ngồi phịch xuống, ông thì thầm kể lại cho lão ăn mày những giấc mộng liên tiếp mà ông gặp phải. Mà nào có phải là giấc mộng bình thường, bởi lẽ chính ông đã tận mắt nhìn thấy vết rắn bò vào gian nhà bếp, cũng chính ông là người đã sờ thấy mu bàn chân mình vương mấy cái vảy lấp lánh của con rắn vàng. Đâu là hư ảo, đâu là sự thật ngay đến bản thân ông cũng không biết được nữa.
Đó là còn chưa kể thêm cái họa sát thân mà ông sẽ vướng phải vào năm ba mươi chín tuổi do chính lão ăn mày vừa nói nữa. Một cảm giác ớn lạnh bao trùm lấy ông Thập, ông sợ rằng làng Địa Ngục có khi chết sạch không còn một ai.
Lão ăn mày nghe xong liền trầm ngâm hồi lâu. Trời đã bắt đầu tắt nắng nhưng ông Thập không vội về như mọi khi. Bất quá thì ông sẽ ngủ lại như những lần mang hàng đi xa. Độ nửa tuần hương sau, lão ăn mày mới nhỏ giọng hỏi:
“Ông Thập này! Ông có biết ba con rắn đó là gì không?“
“Bẩm cụ! Không ạ.“
“Rắn vốn dĩ là thần. Cha nuôi của tôi khi còn sống hay dặn rằng nằm mơ thấy rắn bò vào trong bếp là điềm báo liên quan đến Táo quân. Ba con rắn với ba màu khác nhau là hiện thân của ba vị táo quân trong nhà ông đấy. Thiên cơ bất khả lộ mà họ vẫn báo cho ông được biết. Chỉ e là…”
“Cụ đừng làm con sợ.”
“Chỉ e là… sắp có nhiều người chết.”
Đúng như ông Thập dự đoán, giấc mơ liên tiếp về ba con rắn khác nhau không hề tốt lành gì. Giọng nói trầm trầm khi mấy con rắn cất tiếng nói như vọng lại trong đầu ông. Ông ngạc nhiên quá đỗi, thì ra bầy rắn là hiện thân của Táo quân. Thảo nào mà trong giấc mơ của ông mấy con rắn chỉ xuất hiện trong bếp, lại mang những màu sắc khác nhau.
Loài rắn đối với người làng Địa Ngục vốn dĩ đã quá đáng sợ, nhất là khi mẹ con nhà thằng Đậu bị con rắn trả thù đến chết. Thế nhưng nói đi cũng phải nói lại, vốn dĩ thằng Đậu đập vỡ trứng rắn, giết hại con rắn mẹ còn đang ấp trứng, vậy nên bị con rắn đực trả thù âu cũng hợp với lẽ thường ở đời. Chính bản thân ông Thập mơ thấy rắn, mà lại là vị Táo quân hiện về báo mộng, nhắc nhở ông về cái nạn mà làng Địa Ngục phải chịu. Điều mà ông Thập băn khoăn không hiểu đó là băng cướp năm xưa đã không còn, cớ sao đến bây giờ dân làng vẫn còn phải gánh nghiệt oán lớn đến vậy.
Đoán chừng được tâm tư của ông Thập, lão ăn mày nghiêm giọng hỏi:
“Thứ lỗi cho tôi hỏi thẳng. Người làng ông đã từng gây ra tội lỗi trời tru đất diệt hay chưa?”
Vừa nghe câu hỏi, ông Thập đánh rơi luôn bầu rượu trên tay xuống đất vỡ toang.
“Chưa… chưa từng. Người làng con quanh năm chỉ biết ruộng vườn. Săn thú thì có chứ… chứ giết người thì chưa.” Ông Thập ấp úng.
Lão ăn mày nhìn ông Thập như đang dò xét. Cảm giác đè nén trong lòng khiến ông Thập đổ mồ hôi dù đang ở giữa trời mùa đông. Ông không lạ gì câu chuyện từ đời tổ tiên của cả làng đã từng là một băng cướp gây họa ở Truông Nhà Hồ, sau bị một viên quan nội tán triệt hạ. Ông cũng rõ như lòng bàn tay vụ thảm sát cả gia tộc người mạn ngược buôn tơ lụa năm nào. Mặc dù không được tận mắt chứng kiến, song ngay từ lúc còn nhỏ, ông đã được bà nội mình kể đi kể lại về cái đêm máu chảy thành sông, thây chất đầy đường như thế. Bà nội ông, cũng như những người trong đám tàn dư của băng cướp đã phải bỏ trốn khỏi vùng đất rợn ngợp ấy. Khó mà có thể so sánh giữa Truông Nhà Hồ và làng Địa Ngục nơi nào âm u, rợn ngợp hơn. Nhưng dù vùng đồi núi bao quanh làng có hoang vu đến mấy thì dân làng vẫn thà sống ở đây hơn là về nơi cũ.
Dù không nói ra nhưng ai cũng hiểu rằng đám con cháu của băng cướp sợ cái nơi đã đoạt mạng cả gia tộc vô tội. Ngẫm ra cũng phải, ai mà chẳng rùng mình trước một khu đất rộng lớn hoang vắng, hằng đêm lại có những cái bóng trắng toát bay phất phơ trên từng nhánh cây, bãi cỏ? Ai mà lại muốn ở nơi mà đêm đêm chợp mắt lại nghe thấy tiếng dao kiếm va vào nhau loảng xoảng, tiếng kêu cứu thảm thiết của đám người, rồi mùi máu tanh nồng nặc bay tới? Ông Thập giật mình nhớ đến khung cảnh bầy đom đóm hàng đêm vẫn bay qua bay lại trong làng ông. Chẳng lẽ vong hồn của gia tộc buôn tơ lụa ấy vẫn kề cận người dân làng ông để chờ cơ hội đoạt mạng trả thù?
Ông Thập ngồi thừ người, gương mặt ông càng lúc càng trắng bệch. Bất chợt có một cơn gió lạnh buốt ùa đến, xộc thẳng vào mặt ông làm cho ông quay về với thực tại. Ông ngẩng lên thì không thấy lão ăn mày đâu nữa. Chỉ có tiếng quạ réo hòa lẫn với tiếng chim lợn vang lên từ đâu đó vọng lại.
“Quái lạ! Rõ ràng là lão ăn mày vừa mới ngồi đây. Sao thoắt một cái lão đã biến đâu mất rồi?”
Ông Thập lấy làm lạ. Quanh khu chợ rộng lớn giờ chỉ còn mình ông. Cơn gió lớn ùa về cho đám lá cây trong rừng xào xạc, những mảnh màn che ở sạp hàng bỏ hoang bay phất phơ trong gió. Tiếng sấm đì đùng trên không trung như muốn làm tăng thêm cái rợn ngợp, âm u của ngày rằm cuối tháng. Trời chuyển cơn mưa rào, ông Thập vội vã xách cái gùi mây đi tìm nhà dân tá túc.
Dưới chân núi gần khu chợ mà ông Thập hay lui tới có một ngôi làng nhỏ. Gọi là làng nhưng thực chất nhân khẩu ở nơi này không nhiều, thậm chí còn ít hơn số dân ở làng Địa Ngục lúc bấy giờ. Nói đúng hơn ngôi làng là nơi tập trung những tiểu thương từ những nơi khác đến để buôn bán. Ngày thường ngôi làng vốn không có nhiều người qua lại, nhưng mỗi ngày chợ phiên họp thì kẻ qua người người lại khiến cho nơi đây thêm phần náo nhiệt.
Ông Thập thường xuyên nghỉ chân lại căn nhà trọ trong làng, cũng coi như có mối quan hệ. Chủ nhà trọ là lão Tam, người ta thường gọi lão là Tam Thọt hay Tam Quỷ. Sở dĩ có cái biệt danh Tam Thọt ấy là vì lão có cái tật ở chân ngay từ khi còn nhỏ, còn Tam Quỷ là do lão có biệt tài kể chuyện liên quan đến yêu ma quỷ quái.
Mỗi khi trời tối, đám lái buôn chẳng có việc gì làm bèn ngồi quây quần trò chuyện bên đống củi cháy tí tách. Kể chuyện đông chuyện tây mãi cũng chán, lão Tam mới đem chuyện ma ra kể. Lão kể về yêu quái Xương ở huyện Phong Châu thuở trước. Đêm đêm vong phách của yêu quái xương thường bay lảng vảng khắp nơi để nhập vào những người đàn bà yếu bóng vía. Khi thì nó nhập vào ả đàn bà bán rượu, lúc thì nhập vào cô bán tương. Về sau người trong làng biết được yêu quái xương là hồn của người phụ nữ họ Hồ, bèn rủ nhau quật mồ của ả lấy xương tán xuống sông, từ đó chuyện yêu quái nhập người bớt hẳn.
Những truyện truyền tụng về ma quái trong dân gian vốn rất nhiều, thế nhưng qua lời kể của lão Tam Thọt, sự ma mị và rùng rợn của câu chuyện như tăng thêm mấy phần. Người ta bảo lão được trời phú cho biệt tài kể chuyện, ai nghe một lần là nhớ mãi. Chính ông Thập cũng thường xuyên lui tới quán trọ tồi tàn của lão chỉ để nghe truyện ma. Hôm nay ông ngồi nói chuyện với lão già ăn mày tới xế chiều, trời lại sắp mưa to gió lớn, ông Thập quyết định dừng chân tại nhà trọ của lão để ngả lưng, mai về làng sớm.
Ông vừa chạm chân đến cửa nhà trọ thì thấy bên trong nhà trọ rất đông người. Họ ngồi tụ tập quanh cái bếp lửa đặt giữa nhà cho ấm cúng, lão Tam đang say sưa kể chuyện. Ông Thập khẽ hạ cái gùi xuống, bước khẽ khàng rồi ngồi xuống manh chiếu đã bạc màu. Lão Tam Quỷ hắng giọng:
“Mọi lần tôi kể cho bà con nghe toàn chuyện ma được người khác kể lại. Hôm nay thì khác, Tam Quỷ tôi xin hầu bà con một chuyện có thật. Ấy là chuyện lão ăn mày yêu quái ở cái làng này.”
Một người khác chợt xen vào:
“Có phải lão ăn mày cụt chân, cả người bốc mùi hôi thối hay đi xin ăn hay không?”
“Chính phải! Chính phải. Lão ta là ma đấy. Chuyên rình để bắt hồn người. Ai đang nói chuyện với lão mà thấy lão biến mất thì đích thị sắp bị lão mò đến bắt hồn đi rồi!” Lão Tam hạ giọng thầm thì.
Cái điếu cầy trên tay ông Thập rơi xuống tạo thành một tiếng động lớn. Hết thảy mọi người đều giật mình quay lại. Cả người ông Thập nổi da gà, một suy nghĩ thoáng nhanh qua đầu ông:
“Lẽ nào… chính là lão thầy bói què đội lốt ăn mày vừa nãy?“