Tết năm ấy dường như đến sớm, mới đầu tháng chạp mà mấy cây hoa đào trước làng đã bắt đầu nở rộ. Ngôi làng kì thực không lớn lắm, từ con đường nhỏ đi vào là có thể nhìn thẳng đến cuối làng, nơi có những mái nhà tranh xiêu vẹo, làn khói nhà ai nấu nướng bốc lên nghi ngút.
Người dân trong làng vốn sống biệt lập với bên ngoài, mọi thứ đều do dân tự cung tự cấp. Đàn ông trong làng ngày ngày vào rừng đặt bẫy thú, đàn bà dệt vải, trồng trọt cây trái quanh nhà. Sương mù quanh năm giăng lối, khí trời lạnh lẽo lại vô tình biến nơi đây thuận lợi hơn trong việc trồng trái cây, rau củ. Đáng lẽ ra cuộc sống của người làng Địa Ngục cứ trôi qua trong yên bình như thế, nếu không có vụ án bí hiểm năm ấy.
Ông Thập làm trưởng làng tính ra cũng ngót nghét chục năm ròng. Triều đình vốn không biết đến sự tồn tại của làng Địa Ngục, thế nên bộ máy chính quyền quản lý của làng không phải là lý trưởng, cai lệ, trương tuần.
Người có uy quyền lớn nhất đó chính là trưởng làng, nói cụ thể hơn thì là ông Thập. Sở dĩ ông có được cái chức trưởng làng là bởi ông là người duy nhất có thể mang hàng hóa của dân trong làng, băng rừng, trèo đèo lội suối đi xuống dưới xuôi để bán. Đổi lại ông cũng mua thuốc men, gạo muối đem về cho dân. Việc ấy tưởng chừng như đơn giản, ấy thế mà nhiều người trong làng lại chẳng mấy ai thành công trót lọt. Người thì bị lạc đường, người thì bị rơi xuống hố mất hết hàng hóa, thậm chí có người bị rắn độc cắn chết ở dọc đường. Chỉ duy nhất có ông Thập làm giao thương trót lọt. Thời trước thì có cha ông và ông bà nội ông có thể vượt dốc băng rừng. Ấy thế nhưng việc trao đổi hàng hóa diễn ra cũng hết sức ít ỏi. Một tháng chỉ có vài ngày họp chợ, xem ra thì cũng giống như chợ phiên của đồng bào miền ngược, chỉ có điều phiên chợ mà làng Địa Ngục cử người tham gia lại toàn người Kinh mà thôi. Phải đến thời ông Thập thì việc giao thương mới trở lên đều đặn hơn. Ấy là vì ông Thập có sức vóc, lại thông thạo nhiều loại tiếng địa phương, ông còn được bà nội dạy cho ít tiếng Tàu cho nên buôn bán trót lọt, tiền bạc cũng nhiều hơn hẳn. Bản thân ông Thập cũng là người thật thà, uy tín. Nếu có thể giúp được ai cái gì, ông đều chẳng nề hà, thành ra dân trong làng ai nấy đều quý mến ông, họ đồng lòng tôn ông là trưởng làng, mọi việc trong làng từ ma chay, cưới hỏi đều do ông chủ trì.
Ông Thập có một người vợ tên là bà Lim, nhưng chẳng ai gọi tên thật của bà cả, người ta quen gọi tên vợ theo tên chồng thêm chữ thị đằng trước, tức là thị Thập. Hai ông bà ăn ở với nhau hơn chục năm, cả hai quen biết nhau từ nhỏ, cũng được gọi là bạn thanh mai trúc mã. Gia đình ông Thập tuy không bề thế như lý trưởng, cường hào ở dưới xuôi, nhưng cũng gọi là có của ăn của để. Chỉ duy có một điều khiến ông Thập băn khoăn đó là ông bà vẫn chưa có người nối dõi. Ông lo lắng lắm, dù gì thì ông cũng ngót nghét tứ tuần rồi, vợ ông cũng chẳng còn trẻ trung gì nữa. Chính vì thế mà lần nào mang hàng xuống dưới xuôi, ông cũng đều đi xem bói. Thăng Long có thầy bói nào nổi tiếng ông cũng tìm đến cho bằng được. Người thì kêu ông phải làm lễ thật to để thầy giải hạn, kẻ khác lại bảo ông phải mang thật nhiều tiền đi công đức cho thầy mới mong có mụn con, nếu mà là con trai thì càng tốt. Ai nói gì ông Thập đều làm theo, thế nhưng chẳng có tiến triển gì. Vợ chồng ông Thập lấy làm rầu rĩ lắm.
Tháng Chạp năm ấy lạnh cắt da cắt thịt, mới đầu tháng ông Thập đã gánh hàng xuống dưới xuôi để đem bán. Gần Tết rồi, thứ gì cũng đắt đỏ cả. Ông không mang theo rau củ nông sản như mọi khi, mà lần này trong cái bao của ông toàn vải là vải. Ông Thập bày vải lên trên cái sạp nho nhỏ đan bằng mấy đọt tre còi cọc rồi ngồi ở đầu chợ, chẳng mấy chốc đã hết veo. Ông đang chuẩn bị đi về thì chợt thấy có một ông già bẩn thỉu lết lại gần xin ăn. Nhìn ông già ăn mày thật tội nghiệp, hai tay và gương mặt lở loét bốc mùi hôi thối, đôi chân cụt đến đầu gối, ông già lết lại đến gần ông Thập vừa thều thào vừa khóc:
“Con lạy ông! Ông làm ơn làm phúc bố thí cho con. Bốn ngày nay con chưa có gì vào bụng cả, con đói lắm ông ơi.”
Ông Thập động lòng thương, ông cúi xuống gần cụ già hỏi thăm:
“Cụ gọi tôi là ông như thế tôi tổn thọ mất. Trời rét thế này mà cụ vẫn đi xin ăn sao?”
“Đói thì đầu gối phải bò thôi ông ơi. Con đi đến đâu người ta cũng xua đuổi.” Ông già vừa nói, vừa kèm theo một tràng ho rũ rượi.
Ông Thập thở dài, ông lôi từ trong túi áo ra một ít tiền, lại lấy từ trong gùi ra cái bánh chưng đã lạnh ngắt. Ông dúi tất cả vào tay của ông cụ rồi nói:
“Tôi chỉ có từng này. Cụ cầm lấy, chắc cũng mua được vài bữa. Còn cái bánh chưng thì xin biếu cụ xơi.”
Ông cụ già run run cúi đầu cảm tạ ông Thập. Dường như ông cụ còn muốn nói thêm điều gì nữa, thế nhưng không thể cưỡng lại được sức hút của cái bánh trên tay, ông cụ bóc vội vàng lớp lá bọc bên ngoài rồi ăn lấy ăn để. Ông Thập lắc đầu, ông vác cái gùi lên lưng, rồi rảo bước về làng. Đi được mấy bước chân, ông Thập bất giác quay lại nhìn ông lão ăn mày nọ. Ông cụ ăn mày ngẩng đầu nhìn ông Thập, đôi mắt đục ngầu của ông cụ vằn lên những tia máu trông giống như mắt của loài thú dữ. Làn da xám ngoét của ông đầy những vết đồi mồi, cả người lão toát ra một mùi tanh khó tả. Ngửi thoáng qua thì thấy giống mùi tanh của cá, ngửi kỹ hơn thì đúng là mùi máu tanh nồng nặc. Trong một thoáng, ông Thập thấy ông lão ăn mày giống như một con quỷ. Thế nhưng ông tặc lưỡi cho rằng mình nghĩ như thế là có tội với người ta, ông khoát tay chào ông cụ rồi bước đi.
Trời sẩm tối thì ông Thập cũng về gần đến làng. Nhiều khi chính bản thân ông cũng không hiểu, vì sao tổ tiên của dân làng cũng chính là tàn dư của băng cướp năm nào lại chọn vùng núi hoang vu hẻo lánh, đầy tà ma này để làm chỗ dừng chân. Người dân xung quanh vùng ai cũng biết đến rặng núi heo hút, quanh năm sương phủ trắng như một lớp màn bằng bạc bao bọc. Mỗi khi trời tối, từng bầy đom đóm bay quanh làng càng khiến cho khung cảnh thêm phần rùng rợn. Đối với đám văn nhân nhã sĩ suốt ngày ngâm vịnh thơ ca, bầy đom đóm tựa như những ngôi sao trên mặt đất. Thế nhưng người làng Địa Ngục tin rằng, mỗi một con đom đóm đều chở trên lưng chúng những vong hồn chưa siêu thoát. Đom đóm càng nhiều chứng tỏ càng có nhiều vong hồn lảng vảng quanh đây. Người ta biết rõ tổ tiên của làng đã từng là một băng cướp khét tiếng, giết chóc vô số người vô tội. Nhất là vụ thảm án giết chết hơn trăm mạng người của gia đình tơ lụa năm nào.
Có đôi lúc người ta tự hỏi, liệu những vong hồn chết oan uổng của gia đình buôn tơ lụa ấy đã siêu thoát chưa? Hay là vẫn còn lẩn khuất ở đâu đó chờ đợi thời cơ giết hết con cháu của băng cướp năm nào để trả món nợ máu? Người làng Địa Ngục lớn lên với nỗi sợ lơ lửng trên đầu. Dù chẳng ai nói ra, nhưng cả làng đều cho rằng hàng trăm con đom đóm bay qua bay lại trong làng, bậu trên những bệ cửa xiêu vẹo, phát sáng lập lòe trong đêm tối chính là hàng trăm vong hồn đang chầu chực lấy mạng người làng Địa Ngục.
Thói đời thật lạ, thứ gì không giải thích được thì người ta trốn tránh. Trời vừa chập tối là người làng đóng chặt cửa, chỉ dám ở trong nhà, thậm chí còn không dám ló mặt trông ra ngoài cửa sổ, bởi họ sợ một con đom đóm nào sẽ đến và câu mất hồn vía của họ đi.
Thực hư thế nào thì chẳng ai rõ, chỉ nhớ rằng ngay từ bé ông Thập đã được bà nội ông dặn đi dặn lại:
“Không được ra khỏi nhà vào nửa đêm, cũng không được để cho đom đóm đậu lên người. Coi chừng… coi chừng bị câu hồn đi mất!”
Nhắc đến bà nội ông Thập là nhắc đến một con người kì dị. Cụ bà vốn là con của cặp vợ chồng nấu bếp trong băng cướp, nói đúng hơn thì cha làm đầu bếp, mẹ làm thầy cúng. Người ta vẫn nói, phàm những kẻ càng làm việc ác lại càng mê tín. Bọn cướp giết chóc nhiều nên chúng có sẵn một bà đồng chuyên lo chuyện cúng giỗ, và nhất là trấn yểm cho những oan hồn đã bị chúng đoạt mạng. Người đó chính là mẹ của cụ bà. Ngày quan quân triều đình nhà Nguyễn quét sạch băng cướp trừ họa cho dân, cha mẹ cụ chỉ kịp cầm một con dao chọc tiết lợn phòng thân dẫn đứa con gái trốn dưới cái giếng cạn, sau đó phủ rơm rạ lên trên. Quan quân lục soát thấy không còn ai liền lục tục kéo nhau rời đi. Sau này gia đình họ tụ hợp cùng với chục người khác khác rồi mới tính đến chuyện di tản. Những ngày rời truông Nhà Hồ phiêu bạt tới kinh thành, không ai rõ đám người ấy đã trải qua những gì, chỉ biết cả đoàn khi về đến Thăng Long thì tóc ai nấy đều bạc trắng. Người già lo lắng nhiều lại thêm lao lực nên bị bạc tóc đã đành, thế nhưng ngay cả người trẻ tuổi và mấy đứa nhỏ cũng bị bạc trắng tóc thì quả thật là một chuyện lạ đời. Chẳng trách vì sao dân trong kinh thành lại xem họ như quỷ vừa mới chui từ dưới địa ngục lên dương gian.
Bà nội của ông Thập khi lớn lên trở thành thiếu nữ, lấy chồng, sinh con rồi đến khi về già mái tóc cũng bạc trắng như vậy. Năm ông Thập mười tuổi thì cụ bà mất sau một trận ốm đột ngột. Ngày hôm ấy cũng là lần đầu tiên ông Thập băng rừng, vượt dốc xuống ngôi làng dưới chân núi chơi. Cả ngày ông lang thang ở khu chợ, ngắm đủ thứ đồ chơi quà bánh đầy màu sắc, lại bị cuốn vào xem trận chọi gà. Khi ông Thập giật mình nhớ ra phải về làng thì trời đã về chiều, mặt trời dần xuống núi.
Trời tối, khu rừng càng trở nên đáng sợ. Ông Thập rùng mình trước viễn cảnh phải băng rừng một mình trong đêm hôm, thế nhưng với một đứa trẻ vừa tròn mười tuổi thì nỗi sợ ấy chẳng là gì so với trận đòn roi của cha mẹ.
Ông ba chân bốn cẳng chạy về ngọn núi, nhằm thẳng hướng con dốc ngoằn ngoèo. Trời mùa đông nên tối rất nhanh, ánh sáng leo lét của ánh nắng mặt trời không soi rọi được qua tầng tầng lớp lớp phiến lá âm u trong rừng. Ông cầm chặt chiếc lồng đèn nhỏ xíu trong tay, bước thấp bước cao đi trên con đường nhỏ trơn tuột.
Màn đêm buông xuống, tiếng chim lợn vang vọng khắp rừng, kèm theo đó là tiếng lá cây xào xạc càng khiến cho khung cảnh trở nên rùng rợn. Ông bước từng bước nhỏ, ngọn lửa trong chiếc lồng đèn chẳng thể nào soi rọi con đường dưới chân, nhưng ít nhất thứ ánh sáng leo lét đó cũng làm ông vững dạ thêm mấy phần.
Đi được nửa đường, ông Thập nhìn thấy lác đác trong khoảng tối trước mặt có ánh sáng lập lòe của mấy con đom đóm. Ông mừng lắm, bụng bảo dạ:
“Thế là sắp tới nhà mình rồi.”
Ông rảo bước nhanh hơn, bất chấp cái lạnh, cái đói, và cả khung cảnh rợn ngợp của khu rừng như muốn nuốt chửng lấy mình.
Đột nhiên, một cơn gió đem theo hơi nước lạnh buốt từ đâu thổi tới làm ngọn lửa trong lồng đèn tắt ngóm, xung quanh tối đen như mực, bầy đom đóm bay qua bay lại càng lúc càng nhiều hơn. Ông Thập run run sợ hãi, rón rén đi chầm chậm về phía trước. Tiếng chim lợn kêu dồn dập, tiếng gió thổi vù vù nghe như tiếng rít của con quái vật nào đó từ xa vọng lại.
Bỗng dưng, ông Thập nghe thấy tiếng ai đó gọi tên mình.
“Thập! Thập ơi!“
Ông quay ngoắt lại phía sau, thế nhưng không có ai ở đó.
Nghĩ là mình nghe lầm, ông Thập lại bước tiếp, tim đập thình thịch, mồ hôi túa ra như tắm, ướt đẫm vạt áo phía sau lưng. Vừa đi được vài bước, tiếng gọi lại vang lên.
“Thập ơi! Thập!”
Điều quái dị là lần này tiếng gọi không phải giọng của một người đàn ông trầm trầm, mà là giọng của một đứa con nít nào đó. Vừa gọi dứt lời, đứa nhỏ cười khành khạch.
Ông Thập hoảng lắm, ông lấy hết can đảm bước thật nhanh về phía trước, trong đầu khấn vái trời Phật. Cứ đi được vài bước chân, tiếng gọi tên ông lại liên hồi vang lên. Lúc thì là tiếng của một bà cụ già, có lúc lại là tiếng của một người phụ nữ, rồi nhiều khi tất cả tiếng gọi vang lên cùng một lúc, hòa lẫn với điệu cười khành khạch vang vọng giữa rừng đêm. Điều dị thường nhất là dù giọng nói là của đàn ông hay đàn bà thì đều văng vẳng như từ cõi âm ti vọng về.
Ông Thập thở dồn dập, chân bước đi như chạy. Trời tối, đường lại trơn, chỉ cần sơ sẩy một chút là ông ngã xuống vách núi bất cứ lúc nào. Ông một tay cầm chặt cái lồng đèn dù nó đã tắt ngóm, tay còn lại đặt trước ngực như thể tăng thêm phần can đảm cho chính mình. Giữa núi rừng hoang vắng, một đứa nhỏ mười tuổi mò mẫm đi trong đêm tối mịt mùng, xung quanh đầy rẫy những u hồn vất vưởng mà mắt thường chẳng thể nào nhìn thấy.
Trời đổ mưa lâm thâm, những hạt mưa xuân như bụi bay tràn ngập cả không gian, dù đã được tán cây rừng che phủ ít nhiều nhưng mưa cứ thế bay lất phất. Cái lạnh, cái đói, và nhất là cảm giác sợ thót tim khiến cho ông Thập ngã gục xuống phía trước, giọt nước mắt nóng hổi rơi xuống gò má. Đúng lúc ấy, ông nghe thấy một giọng nói quen thuộc.
“Thập ơi! Có phải Thập đấy không?”
Ông giật mình ngước lên, ngay lập tức ông nhận ra đó là giọng nói của bà nội. Ông ráng sức hét lớn:
“Bà! Bà ơi! Con ở đây.”
Bà nội ông lại gần, tay cầm một cái đèn lồng màu trắng toát bay bay trong làn mưa bụi. Cụ bà cúi xuống đỡ lấy ông rồi chẹp miệng:
“Giời ơi! Cháu tôi. Bà đã dặn mày không được đi ra ngoài kho trời tối cơ mà!”
Ông Thập không trả lời. Giây phút bà nội vừa chạm vào người, ông thấy lạnh buốt.
“Tại sao tay bà nội lại lạnh ngắt thế nhỉ?” Ông thầm nghĩ. Thế nhưng suy nghĩ đó chỉ thoáng qua đầu ông, có bà nội ở đây rồi ông chẳng còn sợ hãi nữa.
Bà nội kéo ông đi phăm phăm trên con đường nhỏ, vừa đi bà vừa lẩm bẩm:
“Phải về nhanh! Phải về nhanh! Nếu không là không còn kịp nữa.”
Ông Thập ngây thơ hỏi:
“Không còn kịp cái gì nữa hả bà? Hình như sắp về đến làng rồi mà.”
Cụ bà nói nhỏ, giọng thều thào như hụt hơi:
”Còn xa lắm, phải về kịp, phải về kịp.”
Ông Thập nghe bà nói nhưng rõ ràng không hiểu gì, nên đành im lặng, tay bám chặt lấy khuỷu tay gầy nhẳng của bà, vừa bước đi thật nhanh. Bà cụ đi nhanh đến nỗi một thằng bé mười tuổi như ông Thập lúc ấy cũng phải nhanh chân mới đuổi kịp. Vừa chạy theo bà, trong lòng ông Thập càng cảm thấy kì lạ. Bởi lẽ ngày thường cụ bà vốn bị bệnh xương khớp rất nặng, chẳng thể nào đi nhanh được. Vậy mà đêm nay, cụ bà như lướt bay trên mặt đất.
Mải suy nghĩ, hai bà cháu đã về đến trước cổng làng lúc nào không hay, từ đằng xa ông Thập đã nhìn thấy những ô cửa sổ sáng đèn, chứng tỏ người làng vẫn chưa đi ngủ. Càng lạ hơn nữa khi ông thấy bầy đom đóm đêm nay bay qua bay lại quanh làng đặc biệt nhiều, chẳng lẽ có chuyện gì đó bất thường xảy ra. Ông Thập buông bàn tay đang níu vạt áo bà nội, chạy òa vào để tìm mẹ. Ông chạy vụt qua hàng rào nơi có cây hoa đào đang nhú mầm non giữa đêm cuối đông đầu xuân rét mướt. Vừa chạy ông vừa la lớn:
“Mẹ! Mẹ ơi!”
Trong gian nhà ông Thập khi ấy đang sáng đèn. Cha mẹ ông ngồi phủ phục trước giường của bà nội, tấm màn bằng vải mỏng giăng kín, khói hương bay nghi ngút, cả hai người mắt đỏ hoe. Vừa thấy con, mẹ ông vội ôm chầm lấy con nói với giọng hốt hoảng:
“Thập! Mày đi đâu mà mẹ tìm mãi không được. Mẹ cứ sợ là...“
Ông Thập quên cả đói cả lạnh, ông ngây thơ đáp:
“Con đi chơi! May mà bà nội tìm thấy con, bà đưa con về đây đấy.”
Lúc bấy giờ cha mẹ ông sững người, cả hai nhìn nhau với vẻ hoang mang đến cực độ. Cha ông run run lên tiếng:
“Mày… mày… mày nói gì vậy hả con? Ai… ai đưa mày về?”
“Bà nội đưa con về thật mà thầy. Con đang đi giữa đường thì gặp bà nội cầm lồng đèn đưa con về. Bà đi đằng sau ấy.“
Vừa nói, ông Thập vừa ngoái ra đằng sau để chỉ cho cha mẹ mình thấy.
Thế nhưng, cánh cửa trước sân vẫn mở he hé như lúc ông chạy vào. Ngoại trừ cây đào cổ thụ trước sân thì chẳng có lấy một bóng người. Ông Thập lấy làm ngạc nhiên quá, vì rõ ràng vừa nãy chính ông còn đang bám tay bà nội mình cơ mà. Ông quay qua nói mẹ:
”Thầy mẹ phải tin con! Rõ ràng con vừa đi với bà về mà!”
Cha ông Thập khẽ đưa vạt áo chùi nước mắt, ông nói nhỏ:
“Không phải thầy mẹ không tin con. Mà là… bà nội… bà nội con mất rồi… Mất vào giờ Thân.”
Ông Thập bàng hoàng cả người. Sống mũi ông bắt đầu cay cay, ông vùng khỏi vòng tay mẹ, chạy vào giường bà nội rồi vén tấm màn lên. Bà nội ông nằm đó, im lìm, nét mặt thanh thản, hai tay cụ bà đan vào nhau đặt ngang bụng như người đang nằm ngủ.
Đêm hôm ấy cả làng Địa Ngục mất ngủ vì tiếng một thằng nhóc mười tuổi khóc. Ban đầu nó gào khóc nức nở, một lúc sau dường như mệt quá nó khóc nỉ non, sụt sùi. Nó kêu trả bà nội về cho nó, rồi nó ngồi phục trước giường của bà nội nhìn đăm chiêu, thỉnh thoảng lại buông một tiếng thở dài hệt như một ông cụ non.
Sau cái đêm định mệnh, dường như ông Thập trở thành một người khác hẳn. Ông chẳng còn thích thú chơi với đám bạn bè đồng trang lứa nữa, mà ngày nào cũng đi bộ xuống dưới chân núi, rồi lại quay ngược trở về. Mùa hạ cũng như mùa đông, trời nắng cũng như trời mưa, ông Thập băng rừng, vượt suối, cha mẹ cản thế nào cũng không được. Người làng bảo ông bị điên, muốn đi lại cung đường hiểm trở ấy để tìm gặp lại vong hồn bà nội đã khuất. Cũng có người bảo ông Thập hối hận vì đã mải chơi, lạc đường để rồi không thể nào gặp bà lần cuối. Lý do cuối cùng là gì thì không ai rõ, chỉ biết rằng số lần xuống núi của cả làng cộng lại cũng chẳng bằng ông Thập. Hơn một năm sau ngày mất của bà thì ông Thập là người duy nhất trong làng biết tổng cộng sáu lối đi khác nhau để vượt dốc, băng rừng tiến vào làng Địa Ngục.
Mãi sau này ông mới được một bà thầy bói lừng danh ở đất Thăng Long nói cho hay, cái đêm hôm ấy bà nội ông cứ lẩm bẩm phải về kịp giờ ấy là cụ bà sợ lỡ mất con đò chở vong. Cho đến tận bây giờ, ở nhiều vùng đất Việt vẫn tồn tại quan niệm rằng người chết nếu không muốn làm ma đói, ma chết dọc đường thì phải lên kịp chuyến đò chở vong hồn về âm ti địa ngục. Vốn là người sống trên núi, quanh năm chỉ đọc đi đọc lại những cuốn sách hiếm hoi do bậc cha ông trong làng truyền lại, cho nên ông Thập dường như chẳng hiểu biết gì về những phong tục lạ đời ấy. Cũng có thể ngày ấy ông còn nhỏ dại quá, bà nội và cha mẹ ông cũng không tiện nói. Ngẫm ra cũng đúng, ai lại mang chuyện cô hồn bóng quế đi kể với trẻ con bao giờ.
Câu chuyện xảy ra đã lâu lắm rồi, ấy vậy mà nhiều khi nghĩ lại cứ ngỡ như vừa mới hôm qua. Ông Thập khẽ xốc lại cái gùi mây trên vai, đoạn lấy mu bàn tay dụi dụi vào đôi mắt. Hôm nay trời cũng nhiều sương mù hệt như cái đêm bà nội ông mất, cũng là đêm mà ông lần đầu tiên ông cảm nhận rõ vong hồn của những người đã chết. Mà đâu chỉ là vong của bà nội ông, còn có vong hồn của những người không kịp lên chuyến đò nên đành vảng vất nơi rừng thiêng nước độc. Những giọng nói gọi tên ông năm nào chẳng phải là của những vong hồn không nơi nương tựa đó hay sao?
Khi ông Thập về đến làng thì mặt trời đã nhá nhem tối. Bầy đom đóm có vài con bay lượn lờ quanh mấy bụi cây. Nhà ông nằm giữa làng, chẳng có cửa lim cũng không có sập gụ, thế nhưng trước cửa nhà lại có hai cây đào cổ thụ cao vút. Cứ mỗi độ xuân về, hai cây đào lại bung nở những đóa hoa màu hồng phơn phớt. Nhiều gia đình trong làng cũng trồng đào trước cổng, nhưng luận về cây lớn nhất, đẹp nhất thì vẫn phải kể đến hai cây đào trước cửa nhà ông Thập. Nhiều người làng vẫn bảo nhau rằng nếu không có hoa đào trước sân thì ngôi làng này chẳng giống nơi có người sống, mà giống y như cái tên gọi của làng vậy.
Sau bữa cơm, ông Thập đi nằm. Thường ngày ông sẽ đi ngủ ngay, vì quãng đường dài đằng đẵng khiến ông thấm mệt. Thế nhưng đêm nay, không hiểu sao nằm trên giường mà ông thao thức trằn trọc. Đôi mắt đỏ ngầu, làn da nhợt nhạt như người chết của ông già ăn mày khiến ông ám ảnh. Từ hồi nào đến giờ, ông vẫn tự hào là bản thân sở hữu thần kinh thép, thế mà sao hôm nay ông lại có một nỗi lo lắng bồn chồn bất an đến thế?
Canh Tý vừa điểm thì cũng là lúc ông thiếp đi. Trong giấc mơ ông thấy mình cặm cụi nấu một ấm nước trong gian bếp phía sau nhà. Ông đang cúi xuống để thổi vào đống tro tàn chờ ngọn lửa bùng lên, thì bất chợt ông nhìn thấy một đôi hài thêu hoa màu đỏ rất lộng lẫy. Ông chưa kịp định thần thì nghe có tiếng văng vẳng bên tai:
“Thương cho nhà ông hiền lành, ta báo cho biết làng này sắp gặp họa.”
Ông giật mình nhìn lên thì chẳng thấy gì cả, chỉ thấy màn sương mù bay lãng đãng. Ông lại cúi xuống nhìn dưới chân thì chỉ kịp thấy một cái đuôi rắn màu đỏ chóe trườn ra hướng vườn sau rồi biến mất.
Sáng sớm hôm sau ông Thập đứng trước cửa vươn vai, hít hà bầu không khí lành lạnh rồi vào trong nhà uống ngụm nước trà nóng. Thị Thập vợ ông vừa bưng nồi ngô luộc vào nhà, vừa chẹp miệng kể:
“Thầy nó ạ! Sáng nay tôi vào bếp đun nước thì thấy có vết rắn bò đấy. Nó bò vào gần đống ngô tôi mới phơi lúc sáng.”
Ông Thập đang uống nước trà bỗng giật nảy mình, ông cả kinh rồi hỏi vợ:
“Cái gì? Có rắn bò vào trong bếp à?”
“Thì thầy nó ra bếp mà xem. Vết nó bò vẫn còn đấy.” Thị Thập chỉ tay về gian sau.
Đứng trong căn bếp nhỏ xíu lớp bằng mái rạ, ông Thập thở hắt ra. Ông chợt nghĩ đến giấc mơ đêm qua, tay ông lăm lăm cái gậy phòng khi có rắn thật. Thế nhưng ngoài vết rắn trườn ra sau nhà thì chẳng có thứ gì đặc biệt hết.
“Quái lạ! Sao lại trùng hợp đến thế nhỉ?” Ông nghĩ thầm trong bụng, rồi tặc lưỡi lắc đầu cho rằng chỉ là do mình quá mệt mỏi sinh ra mộng mị mà thôi.
Đêm hôm sau, ông có một giấc mơ y hệt đêm qua. Lại là đôi hài gấm thêu hoa màu đỏ và cái đuôi rắn đỏ quạch như đêm trước. Điều khác biệt là lần này ông lại thấy thêm một đôi hài màu xanh, và giọng nói trầm trầm của một người đàn ông:
“Làng này sắp gặp họa, nhà ngươi sắp gặp họa. Nhanh còn kịp.”
Lời người đàn ông vừa dứt, ông Thập giật mình tỉnh dậy. Ngoài trời vẫn tối om, tiếng leng keng của anh mõ làng vọng lại từ xa xa. Đâu đó có tiếng chó sủa ma vang lên từng hồi.
Một ngày trôi qua rất nhanh, chẳng mấy chốc đã đến lúc nửa đêm, ông Thập lên giường ngủ sớm, ông hy vọng không gặp phải những giấc mơ lạ lùng như trước nữa. Tiếng mưa rơi lộp bộp, tiếng con chim cú mèo rúc lên ở đâu đó tạo nên khung cảnh quen thuộc nơi núi rừng. Nằm chợp mắt được một lúc thì ông Thập giật mình tỉnh giấc, thấy vợ vẫn ngủ ngon, hơi thở đều đều, ông thở dài rồi bước xuống giường đi đun nước pha trà. Cơn mưa cuối đông đầu xuân tí tách rơi, trời tối đen như mực, chả trách dân gian gọi tháng chạp là tháng củ mật.
Ông chong cây đèn cầy tỏa ánh sáng leo lét rồi chầm chậm đi ra phía sau nhà bếp. Gian bếp nhỏ đến nỗi một ánh sáng toát ra từ cây đèn trên tay ông cũng có thể soi tỏ. Vừa đưa mắt nhìn sang đống hạt ngô, ông Thập chợt sững sờ, hồn vía như bay lên mây, tim ông đánh thót một cái. Ấy là vì trên đống hạt ngô đã phơi khô có một con rắn lớn màu vàng đang nằm chễm chệ, làn da vàng nhạt lấp lánh của nó nổi bật trên đống hạt ngô màu cam khô quắt khô queo. Điều kì quái ở chỗ, con rắn vàng không ngủ mà mắt mở to thao láo nhìn ra bậc cửa bếp nơi ông Thập đang đứng như trời trồng. Ánh mắt nó nhìn ông như thể nó đã đợi ông đến từ lâu.
Vốn là người lớn lên ở vùng rừng núi hoang vu, ông Thập đâu ngại gì mấy con rắn, con rết. Vậy mà chẳng hiểu sao lần này nhìn thấy con rắn vàng ươm, ông lại đờ người ra sợ hãi. Con rắn vàng thè cái lưỡi liên hồi, nó ngúc ngoắc cái đầu như muốn chỉ về hướng gian nhà trên nơi vợ chồng ông đang sống ở đó. Ông nhìn theo hướng con rắn chỉ, trong lòng mơ hồ không hiểu gì cả. Con rắn trườn qua chân ông, mình mẩy nó ướt át, những cái vẩy lấp lánh trên thân khẽ cọ vào đôi bàn chân trần của ông Thập. Vừa bò ra khỏi bếp, con rắn quay đầu lại nhìn, ông Thập nghe rõ mồn một giọng nói từ đâu đó vang lên:
“Làng Địa Ngục sẽ có người chết!”
Giọng nói vừa dứt, con rắn vàng ươm trườn thẳng ra sân vườn phía sau rồi biến mất. Ông Thập cả kinh, đời ông chưa bao giờ gặp con vật nào biết nói, mà lại nói toàn những chuyện lạ lùng như vậy. Ông hoảng quá, vội chạy theo con rắn, loạng choạng thế nào mà ông vấp phải mô đất lớn trong vườn, ông Thập hét lên:
“Ối giời ơi!“
Ông choàng mở mắt, ông vẫn nằm trên giường, mồ hôi ướt đẫm cả lưng áo, lấm tấm cả trên trán. Vợ ông giật mình ngồi dậy hỏi:
“Cái… cái gì vậy? Làm sao mà ông hét lên giữa đêm hôm khuya khoắt thế?“
Thì ra chỉ là một giấc mơ, ông Thập đưa đôi bàn tay chai sần khẽ lau vầng trán ướt mồ hôi rồi khẽ nói với bà vợ:
“Không… không có gì đâu! Ngủ tiếp đi.“
Thị Thập nhìn ông một lúc rồi lại trở mình ngủ tiếp. Ông Thập nằm im lặng, dán mắt lên trần nhà suy nghĩ. Ba đêm liên tiếp ông đều mơ thấy ba con rắn khác nhau. Lần đầu thì là con rắn màu đỏ khé, đêm thứ hai là con rắn màu xanh lục, còn đêm nay là con rắn màu vàng. Ông ngẫm nghĩ không hiểu sao lần nào cũng thấy chúng trong bếp. Tại sao luôn luôn là nhà bếp mà không phải nơi nào khác? Ông thở dài rồi khẽ với tay gãi gãi cái cổ chân. Vừa sờ vào bàn chân, ông giật thót mình vì tay ông chạm phải cái gì ươn ướt. Dưới ánh trăng lờ mờ đầu tháng, ông nhìn thấy trên mu bàn chân mình lấm tấm vài cái vảy rắn, đúng chỗ con rắn vàng bò qua. Lẽ nào giấc mơ là thật? Hay là ông mộng du mà không hề biết? Một cơn gió lạnh buốt thổi ùa vào khung cửa sổ, ông Thập run run nằm xuống giường thao thức.
Sống gần nửa đời người, ông Thập chẳng lạ gì những câu chuyện dân gian về sự linh thiêng của loài rắn. Nhiều người vẫn thường truyền tai nhau nghe về hiện tượng rắn quấn bát hương trên bàn thờ báo hiệu tai ương sắp giáng xuống. Nói đâu xa, chính cái làng Địa Ngục này cũng từng có câu chuyện như vậy.
Năm ấy mấy vùng quê dưới chân núi bị lũ lụt, lương thực hết sạch. Làng Địa Ngục nằm trên lưng chừng núi lại vô tình sở hữu một địa thế thuận lợi, không những tránh được lũ lụt mà còn thu được nhiều cá tôm từ con suối vắt ngang qua làng. Trong làng khi ấy có nhà thằng Đậu chuyên nghề dệt vải. Thằng Đậu sống với mẹ già, hai mẹ con cất tạm cái nhà cuối làng. Thằng Đậu khỏe mạnh, khéo tay có tiếng, nó chọn những cây gỗ khẳng khiu đem đóng thành khung cửi cho mẹ nó dệt vải. Lần ấy vào rừng, thằng Đậu vô tình thấy một cái hang rắn. Nó cúi xuống xem thì thấy rắn mẹ đang nằm ấp mấy quả trứng. Sẵn tính gan dạ, nó lấy cây gậy chọc vào hang rắn. Trứng rắn vỡ gần hết, con rắn mẹ thủ thế bên trong, khè cái răng sắc lẻm đe dọa. Thằng Đậu lấy một đống vỏ cây lá cây khô đem đốt rồi xông vào hang rắn, giống như người ta hun chuột. Khói mù mịt con rắn chớp mắt liên hồi, thằng Đậu buộc con dao vào đầu cái cây rồi chọc vào bên trong lia lịa.
Dân bắt rắn chẳng đời nào làm như thằng Đậu vì con rắn sẽ bị nhiều vết thương. Nhưng thằng Đậu không màng, khi nó lôi được con rắn ra thì chỉ còn là cái xác tả tơi. Thằng Đậu đem về nấu cháo. Nó có đem sang mời ông Thập nhưng ông bà kiên quyết từ chối. Ông Thập lắc đầu nói với thằng Đậu rằng đừng làm gì thất đức. Thằng Đậu cười hề hề rồi bưng bát cháo nóng hổi đi về nhà.
Vừa về đến nhà, nó thấy trên bàn thờ có một con rắn lớn màu đen quấn chặt vào bát hương. Thằng Đậu đờ cả người vì sợ sệt, nó chạy ra sân kiếm con dao cán dài. Ngờ đâu, phía bên hông nhà nơi có cái khung cửi, mẹ nó nằm chết gục ở đó, miệng há hốc cứng đơ, phần thịt bên gò má trái còn nguyên vết răng cắn, làn da chuyển thành màu sạm đen, đôi mắt bà cụ trợn tròn chỉ toàn lòng trắng.
Thằng Đậu gào lên một tiếng rồi cầm dao xông thẳng vào nhà. Con rắn không còn quấn trên bát hương nữa. Thằng Đậu điên cuồng quay đầu tìm kiếm. Bỗng từ đâu trên mái nhà tranh, con rắn liệng người táp một cái vào cổ nó. Nó kêu “hự“ một tiếng rồi cầm tay quăng con rắn ra sân. Cơn đau nhói ở cổ khiến cho nó bủn rủn tay chân. Nó loạng choạng chạy ra ngoài tri hô:
“Bớ làng nước! Có rắn! Rắn cắn chết người!”
Nghe tiếng động, dân làng chạy lại nhà thằng Đậu thì chỉ thấy mẹ con nó nằm chết. Hai bát cháo thịt rắn còn vương vãi trong nhà, bốc khói nghi ngút.
Căn nhà thằng Đậu từ đó bỏ hoang. Dân trong làng cùng nhau chôn cất cho mẹ con nó, coi như giữ trọn tình làng nghĩa xóm. Cơn lũ qua đi, người ta mới rủ nhau đi thăm mộ. Vừa ra đến nơi thì cả làng lặng người đi bởi cảnh tượng trước mắt. Xác thằng Đậu đã bị ai đó moi lên, trên thi thể đang phân hủy của nó có một cái xác rắn vừa lột.
Chuyện thằng Đậu bị rắn trả thù làm cho dân làng Địa Ngục sợ hãi. Họ không dám bắt rắn, cũng chẳng dám ăn thịt loài động vật này, dù cho có thấy xác rắn chết giữa đường. Ông Thập thở dài, ông cứ suy nghĩ mãi về những giấc mơ kì lạ của mình. Linh tính cho ông biết, sắp có điều gì ghê gớm lắm xảy ra ở ngôi làng Địa Ngục.