“Thương em anh cũng muốn vô
Sợ truông Nhà Hồ sợ phá Tam Giang
Phá Tam Giang ngày nay đã cạn
Truông Nhà Hồ nội tán cấm nghiêm.“
Cho đến tận bây giờ, nhiều người dân ở miền Trung nắng gió vẫn còn thuộc lòng những câu thơ ấy. Nghe qua có vẻ đơn giản, nhưng chẳng mấy ai biết được rằng đằng sau những câu thơ đó lại ẩn chứa khoảng kí ức về một thời kì kinh hoàng.
Truông Nhà Hồ trước đây vốn nằm tiếp giáp với 2 châu Địa Lý và Minh Linh (nay thuộc Quảng Trị). Thuở trước nơi đây vốn là một vùng đất hoang vu hẻo lánh cây cối bạt ngàn, cỏ mọc cao quá đầu người. Nhắc đến truông Nhà Hồ, người dân quanh vùng đều run rẩy sợ hãi. Cái họ sợ không phải là bãi đất hoang sơ, cỏ mọc um tùm nhiều rắn rết. Thứ làm cho họ khiếp đảm thực sự chính bởi nơi đây là sào huyệt của một băng cướp nguy hiểm nằm ngay tại đây, dân gian quen gọi với danh từ thảo khấu.
Câu chuyện xảy ra vào thời nhà Nguyễn, khi ấy truông Nhà Hồ nổi lên như một địa danh khét tiếng. Hễ cứ ai đi qua đó thường bị bọn cướp bắt bớ, giết chóc, trấn lột của cải, đòi tiền mãi lộ. Một ngày nọ, có gia đình buôn tơ lụa người miền ngược đi ngang qua, nhân khẩu cũng phải lên đến hơn trăm người cũng bị bọn cướp giết sạch, rồi tẩu tán đống tơ lụa đi khắp nơi.
Người ta kể lại rằng, hơn trăm mạng người của gia đình buôn tơ lụa bị giết hại một cách dã man, người bị chém lìa đầu, người bị đâm thấu tim, lại có người bị đâm lòi bụng. Sau cơn giết người tàn bạo ấy, máu nhuộm đỏ cả đất, đứng cách xa mấy dặm đường vẫn còn ngửi thoang thoảng mùi máu tanh. Đám cướp cạn chém giết gần hết gia tộc nọ, nhưng nghe đâu còn sót lại người vợ đang mang bầu của ông chủ buôn tơ. Không ai có thể hiểu nổi làm thế nào mà một người đàn bà bụng mang dạ chửa lại có thể trốn thoát. Dân trong vùng suy đoán có thể thị đã lẩn trốn vào đám lau sậy um tùm, rồi ẩn nấp ở đó chờ đám cướp rút lui mới tìm đường đi trốn. Không rõ người đàn bà bụng chửa ấy đã đi đâu, cứ như thể thị đã tan biến khỏi mặt đất.
Từ sau vụ cướp đẫm máu ấy, danh tiếng của truông Nhà Hồ cứ thế lớn dần, không còn ai dám qua lại nơi đó nữa. Phần vì sợ cướp, phần vì lời đồn đại những bóng ma màu trắng toát bay phất phơ qua lại trên ngọn cây, mặt nước vào những đêm mưa gió. Dân trong vùng bảo là đó là oan hồn của đại gia đình buôn tơ lụa bị bọn cướp giết ngày nào.
Lúc bấy giờ có một vị quan Nội tán triều Nguyễn tên là Nguyễn Khoa Đăng, nổi tiếng thông minh, tài giỏi. Quan Nội tán biết được mối lo sợ của dân chúng, ông bèn tìm cách dẹp tan băng cướp lộng hành. Đêm hôm ấy trời tối như hũ nút, không có ánh trăng soi chiếu như mọi khi, quan cho xe chở lúa và hàng hóa chạy qua truông. Trong xe, ông bố trí một người lính ngồi trong thùng xe rải lúa ra dọc đường. Nhờ có dấu lúa rải này mà quan Nội tán tìm được sào huyệt của bọn cướp, quan quân triều đình tràn vào bắt gọn. Bọn cướp tháo chạy, nhưng đa phần bị quân triều đình bắt giữ giải về kinh chịu tội. Băng cướp tan rã, cái họa truông Nhà Hồ cũng chẳng còn, từ đó dân chúng qua lại truông được yên bình.
Đám cướp tan rã, chỉ còn hơn chục người còn lại kịp chạy thoát thân. Những người ấy không phải là kẻ đầu sỏ, mà chỉ là những tên sai vặt. Đám người ấy có già, có trẻ, có trai, có gái, họ chạy thoát nhờ chui vào giếng, trốn vào bụi cây um tùm nhằm trốn khỏi sự truy bắt của quan quân triều đình.
Sào huyệt để ẩn náu không còn, mọi thứ vũ khí, của cải cướp được đều bị thu giữ, hơn mười người còn sót lại quyết định di chuyển về Thăng Long thành. Người ta không thể lý giải vì sao mà tàn tích của băng cướp có thể vượt quãng đường dài đằng đẵng từ Quảng Trị đến tận Thăng Long. Chỉ biết rằng khi đám người đi đến kinh thành thì gần như kiệt sức. Dân trong thành thấy diện mạo của họ có phần lạ kỳ, mái tóc bạc phơ, quần áo rách rưới, cả người toát ra vẻ lạnh lẽo u ám như vừa từ dưới âm ty địa ngục chui lên bèn ra sức xua đuổi.
Sống giữa chốn phố thị không được, họ đành di chuyển về một vùng đất hoang vu, quanh năm mây mù giăng phủ, cách Thăng Long gần trăm dặm.
Rặng núi nơi họ dừng chân gần như chẳng có bóng người, quanh năm thời tiết lạnh lẽo, sương mù giăng khắp nơi, thú dữ thường xuyên qua lại. Đám cướp quyết định dừng lại nơi đây làm nơi an cư lạc nghiệp, họ dựng nhà dựng cửa, dùng dao phạt bớt cây cối um tùm, lại đào một cái hố để hứng nước mưa để tìm kế sống qua ngày. Họ thành lập một ngôi làng nho nhỏ dù chỉ vỏn vẹn hơn chục nhân khẩu, sống quây quần với nhau để xa lánh người đời.
Bất cứ ngôi làng nào ở nước Việt cũng đều có tên, thế nhưng ngôi làng nhỏ đìu hiu nằm sâu trong rừng thì đến cái cổng làng cũng chẳng có, huống chi là đặt một cái tên đúng nghĩa. Để đến được ngôi làng này, người ta phải đi năm vạn bước chân và trèo hàng chục dốc núi. Con đường mòn từ cửa rừng đi đến gần ngôi làng dài heo hút, càng vào sâu lối đi càng chật hẹp. Đi sâu vào rừng là đường lên núi, dốc núi dựng đứng, cứ khoảng vài chục bước chân là đến một con dốc.
Ven đường đầy rẫy những cái cây cao vút, thân cây to đến nỗi người lớn ôm không xuể. Ai vô tình lạc vào đây mà không đánh dấu trên những thân cây thì cầm chắc bị lạc, rồi sẽ chết vì đói khát, thú rừng xơi tái, hoặc nguy hiểm hơn là chết bất đắc kì tử bởi những u linh nơi rừng thiêng nước độc.
Nơi đó tưởng chừng như chẳng có ai có thể sống được, ấy vậy mà hơn chục người của băng cướp vẫn sống, họ sinh con đẻ cái, dần dần thành một ngôi làng nhỏ sâu bên vực núi thăm thẳm. Người ta tự mặc định cho ngôi làng mình đang sống là chốn địa ngục giữa trần gian.
Làng Địa Ngục hiện lên bồng bềnh trong sương mù che phủ, tựa hồ như một ngôi làng bị bỏ hoang từ lâu lắm. Dân làng sống trên núi, ấy thế mà phong tục của làng lại tuân theo bản sắc của làng quê phong kiến Bắc Bộ. Người ta cũng đón tết cổ truyền vào ngày đầu năm, cũng dựng cây nêu vào ngày Tết, cũng ngồi quây quần bên nồi bánh chưng, và nhâm nhi chén rượu nồng.
Có người giải thích rằng, băng cướp khi xưa vốn có gốc gác từ làng An Biên cho nên những người còn sót lại sinh hoạt theo dân xứ bắc cũng không có gì lạ.
Cái Tết đối với người dân nước Việt từ cổ chí kim đã quan trọng, thế nhưng với người làng Địa Ngục lại càng ý nghĩa hơn bội phần. Bởi lẽ dịp giáp Tết là thời điểm người trong làng ngồi quây quần với nhau, được tận hưởng bầu không khí hân hoan trong tiết trời lạnh lẽo. Chuỗi ngày quỷ dị kinh hoàng ở làng Địa Ngục cũng bắt đầu vào một ngày giáp Tết lạnh đến cắt da cắt thịt như thế.