N
eal Wallace vừa nhăn nhó vừa mở khóa hòm thư và kéo cái cửa kim loại. Cái bản lề gỉ sét lại bị kẹt. Anh lấy thư thế nào được khi cánh cửa chết tiệt này không chịu mở đây? Có ai đó phải lôi Hennessy ra khỏi căn biệt thự bên bãi biển Malibu và ép ông ta vào ở trong khu chung cư xập xệ của chính ông ta mới được. Rồi mọi thứ sẽ được sửa chữa ngon nghẻ nhanh như chớp cho coi! Hai năm trước từng có vị thẩm phán nào đó xử một chủ cho thuê phải chuyển tới ở sáu tuần trong chính khu ổ chuột đó của ông ta. Neal đã đọc vụ đó trên báo. Nếu anh mà nhớ ra tên ông thẩm phán kia, anh sẽ trình đơn kiện Hennessy ngay.
Có rất nhiều điểm bất cập ở chung cư của Hennessy. Đường ống rò rỉ, toilet lúc xả được lúc không, còn tường thì tróc mất mấy mảng vữa. Nơi này rõ rành rành sắp sập đến nơi, ấy vậy mà Hennessy chẳng chịu trùng tu. Trừ khi ông ta thấy sắp bị luật pháp sờ đến, còn không thì đừng hòng nhé. Khi Neal phàn nàn về toilet nhà mình, Hennessy bảo một là anh tự mình sửa lấy, không thì chuyển đi. Có ối người xếp hàng đợi anh chuyển đi để họ chuyển vào kia kìa. Cánh họa sĩ sẵn sàng chấp nhận mọi bất tiện, chỉ miễn sao có được một căn hộ rộng rãi sáng sủa. Không dễ kiếm một chỗ làm việc có không gian tốt như thế..
Mặt Neal sầm sì như mây đen khi đánh vật với cửa hộc thư. Sáng nay bắt đầu rất tệ. Tối hôm trước anh tham gia một bữa tiệc tối muộn của một người bạn sắp rời thành phố và đã ăn no uống say. Khi anh bò ra khỏi giường vào sáng nay với cái đầu đau như búa bổ và cảm giác khát khô cổ họng vì đã chén quá nhiều lạc rang muối hồi tối, anh phát hiện ra nhà hết nước cam.
Thế là anh đành vác xác đi mua. Nước lọc có vị rất ghê nên anh không muốn uống. Nó có vị đã kinh mà nhìn trông cũng không thấy ngọt mắt, với những vẩn bùn từ ống cũ. Neal nghĩ nó có thể bị nhiễm độc. Có lẽ anh nên kiện Hennessy lên Ủy ban Chất thải độc hại.
Có một cửa hàng tiện lợi cách chung cư ba dãy nhà, và Neal mặc bừa cái quần bò cũ cùng áo nỉ đồng phục Học viện Nghệ thuật Cal Arts rồi ra ngoài. Và lúc anh đứng xếp hàng sau vài công nhân xây dựng đi mua cà phê, một thằng cà chớn còn định gạ gẫm anh chứ! Sao người ta hay mặc định họa sĩ là dân đồng tính vậy nhỉ?
Trên đường về nhà, Neal ngắm nghía mình qua mọi ô cửa sổ. Anh trông không hề đồng tính. Ờ thì anh buộc túm mái tóc nâu dài thành đuôi gà, nhưng tóc dài đang là mốt mà. Mà anh đi không hề õng ẹo, chẳng hề đánh mông ngoáy đít. Đúng là anh có đeo khuyên tai, nhưng thế đã sao? Đám cướp biển cũng đeo khuyên vàng đấy thôi.
Còn giờ đến lượt cái hòm thư chết tiệt này thi gan với anh. Neal chỉ muốn giật tung cái của nợ này ra khỏi tường. Thế là anh đang giúp các cư dân khác đấy chứ. Hennessy sẽ phải thay thế chúng cho hợp với quy định của bưu điện.
Anh phải giật và đấm thêm vài lần nữa nữa thì cánh cửa mới mở ra, nhưng tất nhiên cũng cót két vài tiếng phản đối. Neal trố mắt nhìn những thứ trong cái tủ nhỏ của mình. Có cả một đống thư, tất cả đều gửi cho anh. Không hề có giấy báo gửi khách hàng, không hóa đơn hay tờ rơi, mà là những lá thư thực sự, gửi cho anh. Các tác phẩm đèn neon của Neal cuối cùng cũng được công chúng để mắt tới. Và đó là bởi anh đã nhận được sự ủy thác của thành phố Los Angeles.
Neal bỗng thấy một lá thư màu xanh lơ có con dấu của Avant Garde, thế là anh hăm hở xé bì thư. Có một bảng câu hỏi bên trong kèm theo thư viết tay của biên tập viên. Liệu anh có vui lòng điền bảng câu hỏi gửi kèm không? Avant Garde có hứng thú với việc học hành chính thống, công việc hiện tại và mục tiêu sau này của anh. Neal hiểu rõ bảng câu hỏi này nghĩa là gì. Avant Garde sắp “lăng xê” anh!
Neal nhét đám thư từ vào cái túi đựng chai nước cam. Sau đó, anh kẹp nó dưới nách trong khi mở cửa. Vừa vào nhà, anh liền ngồi phịch xuống cái ghế bành hoa xanh trắng xấu xí được mẹ cho sau khi bà bài trí lại phòng khách, và gác chân lên bàn uống nước. Ghế được đan bằng cành liễu gai trắng, một trong những vật liệu Neal kém ưa nhất, bên trên kê một tấm nệm mỏng. Cực kì không thoải mái. Và cái ghế đơn đi cùng bộ với nó trông cũng chẳng khá khẩm hơn.
Anh với chai nước cam và tu ừng ực, đó là thói quen đã theo anh từ hồi niên thiếu và từng khiến mẹ anh phát rồ. Anh nên gọi cho ai để báo tin tốt lành này đây? Anh nên đợi tới khi Avant Garde xác nhận chắc chắn rồi hẵng báo cho mẹ. Bà sẽ gọi điện khoe với tất cả bạn bè trong hội đánh bài brít, và nếu chẳng may báo bỏ không đăng bài về anh, bà sẽ gọi điện rầy la anh mất. Cơn giận của mẹ là điều nếu tránh được anh sẽ tránh.
Neal nhấc điện thoại gọi cho tổng đài Cal Arts. Người duy nhất anh muốn báo tin là Tom. Tom đã nhận được vị trí giảng dạy sau khi tốt nghiệp và cậu ấy còn làm thêm nghề tay trái nữa. Một trong các bức tranh của cậu ấy đã được treo trong bảo tàng nghệ thuật địa hạt. Đó không phải tác phẩm xuất sắc nhất. Phong cách của cậu ấy mang một chút phóng khoáng không hợp với gu của phần đông công chúng, nhưng vẫn là một thành tựu thực sự. Vì giờ là giờ hội thảo của Tom, nên cậu ấy hẳn đang ở văn phòng riêng tại trường.
Sau một hồi suy nghĩ, Neal cúp điện thoại trước khi thông đường dây. Tom hẳn sẽ phấn khởi lắm khi biết tin và sẽ chạy ngay sang cầm theo một chai sâm panh. Sau đó, họ sẽ ngồi kề cà nói chuyện suốt đêm, mà hai đêm liền thức trắng nằm ngoài sức chịu đựng của Neal. Anh cần tỉnh táo để bắt đầu lắp đặt tranh neon cho thành phố vào ngày mai. Đó là dự án tham vọng nhất anh từng cố thực hiện. Như anh biết, chưa ai từng làm một bức tranh neon trên cầu vượt bắc ngang xa lộ. Giàn giáo đã sẵn sàng và cáp điện cũng đã chuẩn bị đâu vào đấy. Anh đưa cho công nhân biểu đồ đường dây, và mọi thứ đều hợp với chuyên môn của anh. Ngày mai Neal sẽ tự tay kết nối các đường ống để thị trưởng có thể bật công tắc khánh thành vào cuối tuần này.
Neal hơi rùng mình khi nghĩ tới giàn giáo. Mỗi lần thiết kế biển báo, anh đều thuê người trèo lên mái để gắn chúng vào đúng chỗ. Anh vốn sợ độ cao. Đến trèo lên ghế đẩu để lấy đồ khỏi chạn bát cũng làm anh thấy chóng mặt. Ý nghĩ từ trên giàn giáo trèo xuống không đáng sợ, nhưng xa lộ bên dưới khiến anh chết khiếp. Anh định thuê một đội nối các ống theo chỉ thị của anh qua bộ đàm từ một chỗ an toàn dưới mặt đất. Nhưng rồi người dẫn chương trình On the Town, một chương trình truyền hình địa phương, đã gọi điện hỏi cô ấy có thể đưa tin từ hiện trường được không.
Đề nghị của On the Town đã thay đổi hoàn toàn ý định của Neal. Nếu được nổi tiếng thì nỗi sợ độ cao có là gì? Anh luôn mơ được lên trang bìa một cuốn tạp chí phát hành trên toàn quốc, và giờ anh sắp đạt được điều đó, đặc biệt nếu On the Town quay được một cảnh đắt giá về người nghệ sĩ can trường, là anh đây, đang làm việc miệt mài dưới nắng gió.
Neal xem những bức thư còn lại và phân loại chúng thành từng chồng. Một thư là từ một quý cô đã tới MONA, Museum of Neon Art1, và thấy tác phẩm của anh. Cô ta muốn mua bức Điệu Flamingo Xanh mà anh đã tặng viện bảo tàng. Mọi người đều thích cái của nợ đó. Anh sẽ kiếm được cả núi tiền nếu làm ra hàng loạt những bức như vậy, nhưng thế là không công bằng với MONA. Anh sẽ gọi điện và thử gạ cô ta mua bức khác.
1 Bảo tàng nghệ thuật neon.
Hai người muốn anh báo giá làm biển hiệu kinh doanh, một cho nhà hàng ở Pico và một cho văn phòng bất động sản ở thung lũng. Neal ghét làm biển hiệu, nhưng giờ chúng là cần câu cơm của anh. Công việc đó chán ốm, người ta không thích gì đó sáng tạo hay khác lạ, nhưng anh luôn được nhận tiền ứng trước và nhờ đó mà trang trải đủ tiền thuê nhà. Sau khi On the Town khiến anh nổi tiếng, có lẽ anh sẽ bỏ được việc làm biển hiệu.
Một lá thư khác, bằng giấy đặt riêng cho văn phòng màu kem, nghe có vẻ hứa hẹn. Một quý cô ở Beverly Hills muốn đặt làm một bức tượng neon lớn cho văn phòng đức lang quân. Vì người này sở hữu một hãng sản xuất phim, Neal biết sẽ có nhiều người ra vào chiêm ngưỡng tác phẩm của anh. Và công việc này sẽ mở đường cho anh tha hồ đào vàng từ những vị khách đặt hàng riêng khác.
Những lá thư còn lại thì anh trả lời sau cũng được. Có một học sinh muốn học việc ở chỗ anh trong mùa hè, và một thư mời anh dạy một lớp về nghệ thuật neon. Họ không trả được nhiều, chỉ một chút lương thôi. Anh sẽ gọi hỏi xem một chút lương là bao nhiêu.
Lá thư cuối cùng, viết bằng bút bi trên giấy kẻ dòng, thực sự là của quý. Đó là thư xin giúp đỡ từ một cặp vợ chồng ở Minnesota. Tên của họ là Deke và Sally Torgesen. Neal không biết sao họ kiếm được địa chỉ của anh. Nhà Torgesen được thừa kế trang trại của ông cô vợ và họ định biến nhà kho cũ thành một khu triển lãm neon. Họ sẽ làm hồi sinh hơn một trăm biển hiệu neon cổ. Nghe cũng được, nhưng chính mấy câu cuối mới khiến Neal hứng thú.
Deke và Sally định trang trí phía ngoài bảo tàng của mình, mặt hướng ra đường cái, bằng neon. Họ sử dụng hoa văn bút lông do chính bà cố nội của Sally thiết kế. Vì họa tiết đó được gọi là cầu vồng màu sắc, họ thực lòng muốn biết trộn các loại khí gì để tạo ra một màu tím đậm đẹp.
Neal đặt lá thư của Deke và Sally lên trên cùng. Anh sẽ trả lời thư này trước, ngay sau khi điền xong bảng câu hỏi của Avant Garde. Một nhà kho được cuốn trong tấm chăn neon. Ý tưởng đó khiến sức tưởng tượng của anh thăng hoa. Khi anh lấy được tiền từ dự án của thành phố, anh sẽ bay tới đó xem tình hình ra sao.
Michael nhìn qua mắt thần theo dõi người giao hàng đi mất. Vụ này hơi giống Giáng Sinh, và Stan lại vào vai Santa.
Lúc họ nói chuyện tối qua, Michael đã bảo mình cần máy vi tính. Anh có thể thuê lấy một cái không? Vì Stan đã bảo anh phải ở yên trong nhà, anh nên tận dụng thời gian học gì đó về công nghệ mới này. Rồi anh sẽ được trang bị tốt hơn để tìm một công việc bình thường sau khi Stan cãi trắng án cho anh.
Stan có vẻ hài lòng trước sở thích của Michael, nhất là khi anh thú nhận mình bắt đầu hơi phát điên và thật sự thèm được ra ngoài. Nhưng nếu có việc gì đó để làm cho khuây khỏa, chắc anh sẽ chẳng nghĩ tới việc rời căn hộ đâu. Stan đã bảo anh đừng làm gì, và anh ấy hứa sẽ xem xét. Và chưa đầy mười bốn tiếng sau, nhân viên giao hàng đã nhấn chuông cửa nhà anh.
Michael đã cởi áo và chỉ mở cửa he hé mà vẫn cài chốt dây xích. Anh bảo người giao hàng rằng mình vừa tắm xong, và cậu ta cứ để đồ ngoài hành lang được rồi. Michael sẽ tự bê vào sau. Phần thân thể duy nhất của Michael Hart mà người giao hàng thấy là cánh tay phải thò qua khe cửa để kí hóa đơn. Đến cả một kẻ mắc bệnh hoang tưởng về đường biên như Stan cũng không thèm lo lắng rằng người giao hàng có thể nhận ra cánh tay trần của anh!
Khi đã chắc chắn rằng ngoài hành lang không có ai, anh liền mở cửa và khệ nệ bê cái hộp nặng vào trong. Anh gọi cho Toni ngay. Chính cô đã bảo anh nên đặt mua loại nào cho tương thích với máy của cô. Giờ ngẫm lại, anh thấy mình thật sự đã bê đá tự đập chân mình khi nhận là nhà văn. Cái lần ăn tối cùng nhau đầu tiên, cô tỏ ra cực kì ngượng ngùng, thế nên anh đành hỏi thêm nhiều về máy tính của cô. Và sau khi cô kể ra hai việc máy tính có thể làm được, anh nhận xét rằng đấy có vẻ là một công cụ hữu dụng cho cánh nhà văn. Một lời nhận xét nhỏ đã mở cửa xả lũ.
Đêm sau, cô nói với anh về phần mềm. Có một phần mềm soát chính tả tuyệt vời tích hợp với Microsoft Word. Và bộ từ điển thân thiện với người dùng của nó chứa tới hơn một trăm ba mươi ngàn từ.
Tối muộn ngày hôm đó, sau món thịt lợn nướng nhồi mơ và táo ngon lành, cô giảng giải nhiệt tình như một nhà thuyết giáo cứu rỗi linh hồn tội lỗi. Họ đang nhấm nháp rượu Lafite Rothschild của Stan thì cô hỏi anh có nhớ phần mềm kiểm tra chính tả cô nhắc tới không. Michael gật đầu và Toni tiếp tục nói với anh về thứ đó. Cô đã bảo anh rằng đấy là phần mềm tương tác chưa? Vậy nghĩa là anh có thể chạy nó và sửa các từ sai chính tả ngay trong văn bản. Không phải lo lắng về lỗi chính tả trong lúc làm việc chẳng phải tiết kiệm cho anh ối thời gian sao?
Tối hôm sau họ khám phá về máy in. Toni nấu món ớt chưng thịt thái miếng lớn ngon tuyệt cú mèo. Sau bữa tối, cô lại tiếp tục nói về máy vi tính. Có vẻ máy in laser mới sẽ cho anh bản in sắc nét, và vì nó đọc được mọi loại phông chữ, nên anh có thể dùng bất kì kiểu chữ nào anh muốn. Và nếu Michael mua máy tính tương thích với máy tính của cô, anh có thể mang thẻ nhớ sang và dùng máy in của cô để in bản thảo.
Tối sau nữa là món gà tây nhồi hàu và khoai tây nghiền trộn kem. Ngay khi họ ăn xong và vào phòng khách, họ bàn về việc thực hành sử dụng máy tính. Vậy nếu anh không biết gì về máy tính thì sao? Việc sử dụng rất đơn giản, chỉ cần anh không cố tải mấy thứ trên mạng xuống và đọc tờ hướng dẫn sử dụng. Toni thề chúng được dịch sang tiếng Anh bởi một thằng cha đến từ một nước thứ ba. Và cô hứa sẽ dạy anh mọi điều anh cần biết để viết tiểu thuyết. Anh sẽ dùng máy tính thành thạo chỉ trong hai ngày.
Chiều hôm sau cô gọi anh sang xem modem của cô. Nó kết nối máy tính của Toni với ngân hàng dữ liệu toàn quốc và giúp cô tìm kiếm thông tin rất nhanh. Anh sẽ không cần phải mua một cuốn sách tham khảo đắt tiền hay tới thư viện. Nếu anh có máy tính và modem, mọi thứ sẽ ở ngay đầu ngón tay anh thôi.
Michael biết Toni đang khiến sức kháng cự của anh kém dần. Tới lúc đó anh mới tranh cãi với cô. Máy tính rất đắt.
Không hẳn, Toni phản đối. Michael phải nhận thấy anh sẽ không phải mua gì thêm. Cô có thể cung cấp mọi phần mềm anh cần. Toni chỉ cần cho anh đường link dẫn tới một phần mềm cô lưu trên điện toán đám mây và anh có thể sử dụng mọi thứ cô có.
Michael lưỡng lự rồi cuối cùng đồng ý rằng có vẻ mình nên dùng máy tính. Nhưng anh không chắc mình đã sẵn sàng chưa. Quả đúng là mua máy đời cũ và dùng phần mềm từ chỗ Toni sẽ giúp anh tiết kiệm được nhiều, nhất là vì anh sống nhờ chút tài sản thừa kế ít ỏi.
Toni tung lá bài chủ chốt. Nếu Michael đã chịu chi tiền mua mấy chai Lafite Rothschild đắt tiền, chắc chắn anh có thể mua được một cái máy giúp công việc được dễ dàng hơn. Hơn nữa, chi phí kinh doanh sẽ được khấu trừ vào thuế thu nhập. Và nói tới đó, cô có một chương trình rất hay để tính thuế. Anh cứ cùng cô vào phòng làm việc và cô sẽ chỉ cho anh. Sau khi nói xong, họ lại cùng ăn tối. Cô đang nướng thịt bò cùng món khoai tây nâu nho nhỏ anh đã nhắc tới hồi tối qua. Anh ở lại ăn tối nhé?
Michael cười khi nghĩ đến Toni. Cô tràn đầy năng lượng, hơn bất cứ ai anh từng gặp. Cô hăng hái làm việc đến độ khiến Michael thích thú quan sát. Anh chưa từng nhận ra mình đã trở nên trầm tư thế nào trong suốt thời gian ở Oakdale. Ở bên một con người tự nhiên như Toni sẽ giúp anh được nhiều, và chắc chắn sẽ chữa được chứng trầm cảm của anh.
Ngày đầu tiên hoàn toàn tự do của anh trôi qua không dễ dàng. Suốt khoảng thời gian trốn khỏi Oakdale và đi một chuyến hành trình dài tới Los Angeles, anh vượt qua được là bởi sự lo lắng tiếp thêm cho anh sức lực. Bác sĩ tâm thần bảo đó là phấn khích quá mức. Chạy bộ cùng Toni và Doris sáng hôm sau cùng việc gặp mặt đại úy Evans kéo dài thêm niềm hứng khởi của anh. Khi anh về căn hộ và bình tâm lại, ở một mình và không còn bị cái gì kích thích, anh xụi lơ. Và nỗi sợ về những cơn ác mộng đã đẩy anh vào hố sâu trầm cảm. Anh hoàn toàn không thể đưa ra một quyết định đơn giản như có nên hay không trả lời điện thoại. Những quyết định nhỏ như ăn gì hay mặc gì cũng khiến anh vắt óc cân nhắc. Anh không còn tin vào phán đoán của mình và anh bị nỗi sợ phạm sai lầm ám ảnh.
Nghĩ lại những lúc đó, Michael nhận ra mình đã mất hết khả năng phân định và anh đã hiểu mình bị làm sao. Tại Oakdale, anh luôn bị giám sát sít sao từng giây từng phút. Mọi lời anh nói đều bị ghi lại và đưa cho các bác sĩ tâm thần phân tích. Mọi cử động của anh đều bị ghi lại trong báo cáo thường nhật của y tá. Anh không hề bị ảo giác - ít ra anh không nghĩ mình mắc chứng đó - nhưng cả Oakdale chỉ mong anh được vậy. Và tệ nhất là anh không còn chút hài hước nào. Đã bao nhiêu lần anh hỏi mình rằng chuyện gì đó có vui thật không và liệu y tá có cho rằng vì bị điên mà anh cười phá lên thế không?
Giờ anh đã biết cười trở lại. Anh phải học cách ít phân tích và tự nhiên hơn. Michael nhấc điện thoại và gọi cho Toni để báo rằng máy tính vừa được chuyển tới. Khi anh mở hộp và nhìn thứ bên trong, anh nhận ra mình sẽ phải bắt đầu một công việc. Nếu anh không viết gì đó để cái máy in tuyệt vời của Toni in ra, cô ấy sẽ nghi ngờ. Vậy thì anh phải viết thôi. Nhưng viết gì bây giờ nhỉ?
Viết cái mình biết. Anh bỗng nhớ lại câu nói của một giáo sư dạy mình thời đại học. Vì Michael đã bảo Toni rằng anh đang viết tiểu thuyết, có lẽ anh nên viết lại những kí ức về Oakdale và ngụy trang chúng là một tác phẩm hư cấu. Anh chắc chắn có sẵn cốt truyện rồi!