Cấu trúc tính cách là một thuật ngữ được nhiều nhà tâm lý trị liệu chú trọng vào cơ thể sử dụng để mô tả một số dạng tâm lý và thể chất của con người. Sau nhiều quan sát và nghiên cứu, Wilhelm Reich đã đúc kết rằng có thể chia hầu hết những người mà ông từng điều trị làm năm dạng chính. Ông nhận thấy những người có trải nghiệm tuổi thơ và mối quan hệ với bố mẹ tương tự nhau thì thường có cơ thể tương tự nhau. Ông cũng phát hiện ra rằng những người có cơ thể tương đồng thì cũng có những động lực tâm lý cơ bản tương đồng. Những động lực này không chỉ tùy thuộc vào kiểu mối quan hệ với bố mẹ mà còn vào độ tuổi mà đứa trẻ lần đầu tiên trong đời trải nghiệm nỗi đau buồn lớn đến nỗi nó bắt đầu ngăn chặn những cảm giác của bản thân, kéo theo đó là cản trở dòng chảy của năng lượng và phát triển hệ thống phòng vệ mà về sau trở thành thói quen. Tổn thương tinh thần mà một cá nhân trải nghiệm trong tử cung sẽ bị ngăn chặn hoặc phòng vệ về mặt năng lượng theo cách rất khác so với tổn thương tinh thần được trải nghiệm trong giai đoạn môi miệng, giai đoạn tập tự đi vệ sinh hay giai đoạn tiềm tàng. Điều đó là hết sức tự nhiên bởi bản thân cá nhân này và trường của người đó có rất nhiều khác biệt ở những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời (xem Chương 8).
Trong phần này, tôi sẽ mô tả cơ bản về từng cấu trúc tính cách, bao gồm căn nguyên, các hình thái cơ thể và các cấu trúc hào quang của chúng. Tôi cũng sẽ bàn về bản chất của bản thể bậc cao và sứ mệnh cuộc đời mang tính cá nhân của từng cấu trúc theo mức độ mà sứ mệnh đó có thể được thực hiện. Bản thể bậc cao và sứ mệnh cuộc đời của mỗi người đều là độc nhất, tuy nhiên chúng ta có thể khái quát hóa phần nào.
Bản thể bậc cao của một người được xem là tia lửa thiêng liêng bên trong, hoặc bản thể Thượng đế bên trong mỗi cá nhân, nơi chúng ta vốn đã là một với Thượng đế. Mỗi tế bào trong bản thể vật chất và tâm linh của chúng ta đều mang một tia lửa thiêng liêng và chứa đựng cái ý thức thần thánh bên trong ấy.
Sứ mệnh cuộc đời được nhìn nhận dưới hai dạng. Trước hết là ở bình diện cá nhân, có một sứ mệnh riêng với mục đích là học cách biểu lộ phần mới mẻ trong nhân dạng của một người. Những phần thuộc linh hồn mà không phải là một với Thượng đế giúp hình thành một hóa thân riêng biệt, mục đích là để học cách trở thành một với đấng tạo hóa mà vẫn giữ được tính cá nhân. Sứ mệnh thế giới là một món quà mà mỗi linh hồn đi vào đời sống vật lý này trao tặng cho thế giới. Nhiều khi, nó cũng chính là sự nghiệp cả đời vốn xuất hiện từ sớm một cách tự nhiên. Một nghệ sĩ đem tới những tác phẩm của mình, một bác sĩ đem tới món quà chữa lành, một nhạc sĩ đem tới âm nhạc, một người mẹ đem tới tình yêu thương, săn sóc, v.v.. Vào những thời điểm khác, người này lại phải cố gắng phấn đấu, trải qua nhiều thay đổi về công việc, để rồi bắt đầu thực hiện những gì mà sau cùng họ có thể nhận ra rằng đó chính là sự nghiệp cả đời của mình. Việc cá nhân đảm trách sứ mệnh cuộc đời với mức độ sức mạnh và thấu suốt thế nào tùy thuộc rất lớn vào việc hoàn thành nhiệm vụ học tập riêng.
Cơ thể con người là sự kết tinh trong thế giới vật chất của các trường năng lượng vốn bao quanh và là một phần của mỗi người. Những trường năng lượng này chứa đựng sứ mệnh của mỗi linh hồn. Do đó, cấu trúc tính cách có thể được xem như sự kết tinh của các vấn đề cơ bản hoặc sứ mệnh cá nhân mà một người đã chọn để hóa thân và giải quyết. Vấn đề (sứ mệnh) này được kết tinh và lưu giữ trong cơ thể để cá nhân đó có thể dễ dàng nhìn thấy và xử lý nó. Một khi hiểu hơn về cấu trúc tính cách vốn gắn kết với cơ thể, chúng ta có thể tìm ra giải pháp then chốt để chữa lành bản thân và khám phá sứ mệnh cá nhân và sứ mệnh thế giới của mình.
Chứng bệnh căn bản mà tôi nhận thấy ở tất cả những người mà tôi từng điều trị là tình trạng căm ghét bản thân. Theo tôi, căm ghét bản thân là chứng bệnh căn bản bên trong tất cả chúng ta, chỉ có điều tình trạng căm ghét và phủ nhận bản thân này biểu hiện ra như thế nào trong mỗi cấu trúc tính cách khác nhau mà thôi. Trong khi thực hành tìm hiểu các động lực của bản thân ở mức độ hằng ngày, chúng ta có thể học cách chấp nhận bản thân qua quá trình đó. Chúng ta có thể trải qua những năm tháng cuộc đời mình theo ý Thượng đế (Thượng đế bên trong), theo chân lý, và theo tình yêu – đây đều là những bước hướng đến tự nhận thức bản thân – thế nhưng, chừng nào còn chưa thể yêu thương vô điều kiện, chừng đó chúng ta còn chưa về nhà. Điều này có nghĩa là hãy bắt đầu với bản thân. Chúng ta có thể yêu thương chính mình một cách vô điều kiện cho dù thấy được những thiếu sót của bản thân không? Chúng ta có thể tha thứ cho bản thân khi chính ta làm hỏng bét mọi chuyện không? Sau sự cố đó, chúng ta có thể đứng thẳng dậy mà nói: “Được rồi, mình sẽ rút ra bài học từ chuyện này”, “Mình là con người của Thượng đế”, “Mình kết nối lại với ánh sáng và tiếp tục vượt qua bất kể điều gì cần thiết để tìm thấy đường quay về nhà và về với bản thể Thượng đế bên trong mình.” Với tâm niệm như vậy, chúng ta hãy cùng tìm hiểu các cấu trúc tính cách, nhưng cần biết rằng để xử lý các vấn đề sâu kín hơn vốn liên hệ với lý do tại sao mỗi chúng ta lại là một loại hoặc kết hợp nhiều loại cấu trúc tính cách ngay từ đầu, chắc chắn sẽ mất cả một đời người.
Các tiến sĩ Al Lowan và John Pierrakos đã cùng nhau lần đầu phân loại các khía cạnh chính của cấu trúc tính cách ở cấp độ vật lý và nhân cách. John Pierrakos bổ sung thêm các khía cạnh tâm linh và năng lượng vào các cấp độ này. Ông đã thay đổi định nghĩa về cấu trúc tính cách khi bổ sung thêm chiều kích tâm linh của con người vào các yếu tố bệnh lý và sinh học thuần túy mà Reich đã phát triển. Trong công trình nghiên cứu này, Pierrakos đã liên hệ chức năng của luân xa với các cấu trúc tính cách. Tôi đã mở rộng thêm công trình này và phát triển các khuôn mẫu hào quang chung của mỗi cấu trúc tính cách, như minh họa trong các hình từ 13‒5 đến 13‒8 và các hệ thống phòng vệ năng lượng được trình bày ở Chương 12.
Các bảng ở Bảng 13‒1, 13‒2 và 13‒3 thể hiện những đặc điểm chính của mỗi cấu trúc. Các bảng này được biên soạn từ hai khóa đào tạo mà tôi đã theo học là khóa về năng lượng sinh học của tiến sĩ Jim Cox năm 1972 và khóa về năng lượng bản thể của tiến sĩ John Pierrakos năm 1975. Tôi có bổ sung thêm các thông tin về trường năng lượng từ công trình nghiên cứu của riêng tôi.
Cấu trúc phân liệt
Cấu trúc tính cách đầu tiên (đầu tiên theo nghĩa là sự cố lớn cắt rời dòng chảy năng lượng sống xảy ra sớm nhất) được gọi là cấu trúc phân liệt. Trong trường hợp này, trải nghiệm sang chấn đầu tiên xảy ra trước hoặc ngay lúc sinh ra, hoặc trong vài ngày đầu đời. Cú sốc tinh thần này thường chủ yếu liên quan đến hành vi thù địch nào đó mà đứa trẻ tiếp nhận trực tiếp từ bố mẹ, chẳng hạn như thái độ giận dữ của người bố hoặc người mẹ, người không muốn có đứa trẻ này, hoặc từ một tổn thương tâm lý trong quá trình sinh nở – chẳng hạn như người mẹ mất kết nối về mặt cảm xúc với đứa trẻ và đứa trẻ cảm thấy bị bỏ rơi. Mức độ ảnh hưởng của những sự kiện như thế này cũng có độ khác biệt rất lớn; một sự mất kết nối không đáng kể giữa hai mẹ con có thể gây tổn thương tâm lý sâu sắc đối với đứa trẻ này, trong khi lại chẳng hề có tác động nào dù là nhỏ nhất đối với đứa trẻ khác. Điều này liên quan đến bản chất của linh hồn tiến nhập vào đứa trẻ và sứ mệnh mà nó đã chọn lựa cho chính bản thân trong kiếp sống này.
Để chống lại tổn thương tinh thần trên tại giai đoạn này của cuộc đời, phản ứng phòng vệ năng lượng tự nhiên được sử dụng là đơn thuần rút ngược vào thế giới tâm linh, xuất phát điểm của linh hồn. Kiểu phòng vệ này được phát triển và sử dụng cho loại cấu trúc tính cách phân liệt, cho đến khi cá nhân đó có thể dễ dàng rút lui đến một chốn “xa xăm”, tức là tiến vào thế giới tâm linh (xem Hình 12‒3). Sự phòng vệ này trở thành thói quen, và cá nhân đó sử dụng nó trong mọi tình huống mà họ cảm thấy bị đe dọa. Để cân bằng cho tình trạng bay đi xa này của hệ thống phòng vệ, họ tìm cách bình ổn ở cấp độ phàm ngã. Khiếm khuyết căn bản của người đó là nỗi sợ hãi – nỗi sợ rằng họ không có quyền tồn tại. Trong khi tương tác với người khác, ví dụ như với nhà trị liệu hoặc bạn bè, họ sẽ nói bằng thứ ngôn ngữ khách quan, xác thực và thường không để cảm xúc chi phối. Điều này chỉ đem lại thêm nhiều trải nghiệm tách rời khỏi sự sống và không thực sự tồn tại.
Bảng 13-1
CÁC KHÍA CẠNH CHÍNH CỦA TỪNG CẤU TRÚC TÍNH CÁCH KẾT CẤU NHÂN CÁCH
1 Từ lúc sinh ra đến 18 tháng tuổi. (ND)
2 Từ 2 đến 3 tuổi. (ND)
3 Từ 18 tháng tuổi đến khoảng 2 hoặc 3 tuổi. (ND)
Bảng 13-2
CÁC KHÍA CẠNH CHÍNH CỦA TỪNG CẤU TRÚC TÍNH CÁCH HỆ THỐNG THỂ CHẤT VÀ NĂNG LƯỢNG
Bảng 13-3
CÁC KHÍA CẠNH CHÍNH CỦA MỖI CẤU TRÚC TÍNH CÁCH NHỮNG MỐI QUAN HỆ GIỮA CÁ NHÂN VỚI NHAU
Khi được trị liệu và bộc lộ bản thân, người đó sẽ cho thấy những vấn đề gây khó chịu cần được giải quyết của mình đều chủ yếu liên quan đến nỗi sợ hãi và lo âu. Trong quá trình trị liệu, vấn đề chính sẽ là để cảm nhận được bản thân đang tồn tại, họ phải cảm nhận được sự thống nhất, nhưng để sinh tồn, họ tin rằng mình phải tách rời. Do đó mà họ tách rời với chủ định tiêu cực. Điều này gây ra tình thế tiến thoái lưỡng nan: “Tồn tại tức là chết.” Để hóa giải vấn đề này trong trị liệu, họ cần phải củng cố những ranh giới định nghĩa con người mình và cảm nhận sức mạnh của bản thân trong thế giới vật chất.
Trong quá trình trị liệu tâm lý, sau khi bệnh nhân thôi cố gắng tỏ ra dễ mến với nhà trị liệu và bắt đầu vào việc, lớp đầu tiên gặp phải của phàm ngã sẽ là phần oán trách, đôi khi còn được gọi là lớp mặt nạ, thứ lên tiếng rằng: “Tôi sẽ chối bỏ các người trước khi các người chối bỏ tôi.” Sau khi tiến hành đào sâu hơn vào phàm ngã, những cảm xúc đen tối mà đôi khi còn được gọi là bản thể bậc thấp hoặc phần tối bên trong sẽ tuyên bố: “Các người cũng không tồn tại.” Sau đó, khi vấn đề bắt đầu được giải quyết, phần phát triển cao hơn của phàm ngã, đôi khi còn được gọi là nội lực bậc cao hoặc bản thể bậc cao của phàm ngã, xuất hiện và nói: “Tôi có thật.”
Những người có các đặc tính phân liệt có thể dễ dàng rời khỏi cơ thể họ và thường xuyên làm như vậy. Ở cấp độ cơ thể, hệ quả là cơ thể họ trở thành một tập hợp các bộ phận, không được hợp nhất hoặc gắn kết chặt chẽ với nhau. Những người này thường cao và mảnh khảnh, tuy nhiên một số trường hợp có thể đậm người. Tình trạng căng trong cơ thể có khuynh hướng lan khắp toàn thân. Khớp xương hay bị yếu và cơ thể thường không phối hợp tốt, cùng với đó là bàn tay và bàn chân lạnh. Người này thường hiếu động thái quá và không vững tinh thần. Có một khối tắc nghẽn năng lượng chính ở cổ, gần đáy sọ, thường có màu xanh xám sẫm. Thường có năng lượng vọt ra từ đáy sọ. Nhiều khi có tình trạng bện xoắn ở cột sống do thói quen xoắn giật khỏi thực tại vật chất mỗi khi người này trôi một phần khỏi cơ thể. Cơ thể có cổ tay, mắt cá chân, bắp chân yếu, mảnh và thường không được kết nối với đất. Một bên vai có thể rộng hơn bên còn lại (kể cả không chơi quần vợt). Nhiều khi, đầu ngả sang một bên và đôi mắt lộ vẻ mơ hồ, như thể là phần nào người đó đang ở nơi khác. Mà quả thực là như vậy. Đôi khi, họ có thể bị xem là “vô trách nhiệm”. Hồi nhỏ, rất nhiều người trong số này bắt đầu thủ dâm từ sớm, khám phá ra rằng đó là một cách để kết nối với lực sống thông qua bản năng giới tính của mình. Nó giúp họ cảm thấy mình “đang sống” khi không thể kết nối được với những người xung quanh.
Điều mà người có tính cách phân liệt né tránh thông qua việc sử dụng hệ thống phòng vệ của mình là nỗi khiếp sợ bên trong họ, nỗi khiếp sợ sự hoại diệt về linh hồn và thể xác. Tất nhiên, họ không thể đối phó với vấn đề này khi còn là một đứa trẻ sơ sinh bởi bị lệ thuộc hoàn toàn vào những người khiến họ cảm thấy khiếp sợ hoặc cảm thấy hoàn toàn bị bỏ rơi lúc được sinh ra, thời khắc mà họ cần được quan tâm đến nhất. Khi còn là một đứa trẻ sơ sinh, người có tính cách phân liệt cảm nhận trực tiếp thái độ thù địch từ ít nhất là một trong hai người sinh thành ra họ, những người mà họ phải dựa vào để sống sót. Trải nghiệm này là khởi nguồn cho nỗi khiếp sợ về sự tồn tại trong những người có tính cách này.
Người có tính cách phân liệt có thể được giải thoát khỏi nỗi khiếp sợ bên trong về sự hoại diệt khi trưởng thành và nhận ra rằng nỗi khiếp sợ của họ lúc này liên quan đến sự thịnh nộ bên trong hơn là bất cứ điều gì khác. Sự thịnh nộ này bắt nguồn từ việc tiếp tục trải nghiệm thế giới như một chốn vô cùng lạnh lẽo, thù địch, một chốn mà ai nấy đều buộc phải chấp nhận tình trạng bị cô lập nếu muốn sống sót. Người có tính cách phân liệt phần nào tin chắc rằng điều này là bản chất cốt lõi của thực tại vật chất. Ẩn dưới sự thịnh nộ này là nỗi đau khổ tột cùng khi nhận thức được rằng thứ họ mong muốn là mối quan hệ nồng ấm, yêu thương và sự quan tâm săn sóc từ người khác; nhưng trong nhiều trường hợp, họ không thể tạo ra được những thứ đó trong cuộc sống của mình.
Nỗi khiếp sợ của kiểu người này là sự thịnh nộ bên trong chính bản thân sẽ khiến họ nổ tung thành trăm ngàn mảnh rải rác khắp vũ trụ. Giải pháp cho họ là từng bước đối mặt với sự thịnh nộ của chính mình mà không trốn tránh đằng sau lớp rào phòng vệ. Nếu có thể trụ vững và cho phép sự khiếp sợ và thịnh nộ này bộc lộ, họ sẽ giải phóng được nỗi đau khổ nội tại cũng như niềm khao khát mãnh liệt được kết nối với người khác và dọn chỗ để sự tự yêu thương bản thân xuất hiện. Sự tự yêu thương bản thân đòi hòi quá trình rèn luyện. Tất cả chúng ta đều cần đến nó bất kể chúng ta là tổ hợp của những cấu trúc tính cách nào. Nó bắt nguồn từ việc sống sao cho không phản bội lại chính mình; từ việc sống thuận theo chân lý bên trong mỗi người, bất kể đó có thể là gì; từ việc không phản bội bản thân. Nó có thể được rèn luyện thông qua những bài thực hành tự yêu thương bản thân đơn giản được trình bày ở phần cuối.
Trường năng lượng của cấu trúc phân liệt
Đặc điểm chính của người có cấu trúc phân liệt là những điểm gián đoạn trong trường năng lượng như những điểm bị mất cân bằng hoặc đứt gãy. Năng lượng chính được giữ sâu bên trong cốt lõi của người này và thường bị đóng băng ở đó cho đến khi được giải phóng nhờ các biện pháp chữa lành và điều trị tâm lý. Hình 13‒4 minh họa đường ranh giới mỏng manh và rạn nứt của cơ thể dĩ thái trong cấu trúc này, cùng với đó là năng lượng rò rỉ tại các khớp. Nó thường có màu xanh da trời rất nhạt. Theo quan sát, vầng tiếp theo và các cơ thể tâm trí hoặc đôi khi bị giữ chặt và đóng băng hoặc có những lúc lại dịch chuyển một cách ngẫu nhiên mà không có sự cân bằng năng lượng giữa trước và sau, phải và trái. Trường này thường có nhiều năng lượng và sáng hơn ở một bên và ở phía sau đầu. Các cơ thể tâm linh của người có cấu trúc phân liệt thường mạnh và sáng với nhiều màu sắc rực rỡ ở vầng thứ sáu của hào quang, hay cơ thể thượng giới. Hình thái bầu dục, hay vầng mẫu ketheric, thường có vẻ ngoài rất sáng, với sắc độ nghiêng về bạc nhiều hơn là vàng óng. Đường ranh giới của nó thường bị khuếch tán và không được căng lên hoàn toàn với phần đầu nhọn hơn của quả trứng nằm ở bàn chân, nơi đôi lúc bị suy yếu.
Tình trạng mất cân bằng này của hào quang, vốn được nhận thấy chủ yếu ở ba cơ thể bậc thấp, ảnh hưởng đến luân xa của người có cấu trúc phân liệt mà chưa bắt đầu tìm cách giải quyết; nhiều luân xa quay ngược chiều kim đồng hồ. Điều này có nghĩa là năng lượng chúng truyền ra ngoài nhiều hơn năng lượng chúng thu vào. Các luân xa nhiễu loạn này tương ứng với các đặc tính cần được chuyển hóa trong cấu trúc tính cách. Các luân xa quay theo chiều kim đồng hồ (mở) thường không đối xứng, có nghĩa là các luân xa này cũng không hoạt động một cách cân bằng mặc dù chúng đang “mở”. Năng lượng sẽ chảy không đồng đều qua các phần của luân xa. Tình trạng mất cân bằng này thường liên quan đến các phần cạnh bên; tức là có thể có nhiều năng lượng chảy qua phía bên phải của luân xa hơn là phía bên trái. Bởi vậy, người này có khuynh hướng chủ động hơn hoặc thậm chí hung hăng hơn là tiếp nhận trong lĩnh vực cuộc sống chịu chi phối của luân xa đó. Tính bất đối xứng này đã được mô tả ở Chương 10 khi tôi nói đến sự phân hóa giữa tính chủ động và tính tiếp nhận. Một đường chéo hoặc một hình ê-líp đo được bằng con lắc biểu thị một luân xa bất đối xứng theo quan sát của nhà thấu thị như được minh họa ở Hình 13‒4.
Các luân xa thường mở là trung tâm giới tính phía sau (thứ hai), đám rối dương (thứ ba), trán (thứ sáu) và đỉnh đầu (thứ bảy). Các trung tâm thứ sáu và thứ bảy gắn kết với tính chất tâm linh tinh thần cũng như phi vật lý và thường có tính định hướng lớn đối với đời sống của người có cấu trúc phân liệt. Anh ta cũng hoạt động bằng ý chí (luân xa thứ hai). Cấu trúc của các luân xa này bất định và thay đổi trong quá trình chuyển hóa của một người. Khi người này mở hơn để hiện hữu trong chiều kích thứ ba và sống trong thế giới vật lý, các luân xa này sẽ mở thêm nữa. Nhiều trường hợp, trung tâm giới tính phía sau không mở khi mới bắt đầu tiến hành chuyển hóa.
Phần phía dưới của Hình 13‒4 cho thấy mức độ tương đối của năng lượng sáng hoạt động tại khu vực não bộ. Vùng sáng nhất, hoạt động tích cực nhất là vùng chẩm hoặc phía sau, còn vùng hoạt động ít nhất là vùng trán. Luân xa hoạt động tích cực thứ hai là con mắt thứ ba và vùng não thất thứ ba, cả hai được liên kết bằng một cầu nối sáng rực rỡ. Sau đó đến thùy bên, gắn kết với ngôn ngữ. Có nhiều vùng não chung dường như hoạt động yếu.
Người có cấu trúc phân liệt thường có cái nhìn trống rỗng, trông như “mất hồn”, điều này cho thấy năng lượng hoạt động yếu tại vùng trán. Họ thường xuyên điều hướng năng lượng dọc lên cột sống và ra khỏi phía sau đầu tại vùng chẩm, gây phồng năng lượng ra phía sau đầu. Đây là một cách để né tránh tương tác hiện tại trong cõi vật lý.
Người có cấu trúc phân liệt chủ yếu sử dụng các hệ thống phòng vệ năng lượng là gai nhím, thoái lui và trở nên lệch tâm như được mô tả ở Chương 12, Hình 12‒3. Tất nhiên, một người với bất kỳ cấu trúc nào cũng có thể sử dụng nhiều hệ thống phòng vệ tại nhiều thời điểm khác nhau.
Hình 13-4: Hào quang của tính cách phân liệt
Bản thể bậc cao và sứ mệnh cuộc đời của tính cách phân liệt
Trong quá trình phát triển cá nhân, điều quan trọng là phải luôn luôn tuyệt đối thành thật với bản thân hay những thiếu sót của bản thân để xử lý và chuyển hóa chúng. Nhưng nếu chăm chú quá lâu vào những mặt tiêu cực của bản thân thì cũng không lành mạnh. Chúng ta cần phải luôn luôn cân bằng sự chú ý dành cho những mặt vốn cần được chuyển hóa nhờ sự chú ý này để tìm ra bản chất của bản thể bậc cao, hỗ trợ nó, nâng cao nó và cho phép nó tiến tới. Xét cho cùng, chuyển hóa vốn dĩ là như vậy, có phải không?
Những người mang tính cách phân liệt hoặc có đôi chút tính cách phân liệt trong tổ hợp nhân cách thường là những người có tính tâm linh rất mạnh. Họ có ý thức sâu sắc về những mục đích thâm thúy của cuộc sống. Nhiều khi, họ cố gắng đem thực tại tâm linh đó vào đời sống thế tục của những người xung quanh mình. Họ là những người giàu trí tưởng tượng, đa tài và có nhiều ý tưởng sáng tạo. Có thể ví họ như một dinh thự lộng lẫy với rất nhiều căn phòng, mỗi căn phòng lại được bài trí trang nhã và mỹ miều với nhiều phong cách, văn hóa hoặc thời kỳ khác nhau. Mỗi căn phòng đều thanh lịch theo một cách riêng bởi người có tính cách phân liệt có rất nhiều kiếp sống mà ở đó họ đã phát triển vô số tài năng (những căn phòng được bài trí). Vấn đề là những căn phòng này không có cửa thông lẫn nhau. Để từ phòng này sang phòng khác, người có tính cách phân liệt phải trèo qua cửa sổ và leo xuống thang rồi lại leo lên một chiếc thang khác để đi vào phòng kế tiếp bằng đường cửa sổ. Người có tính cách phân liệt cần hợp nhất con người mình, xây cửa thông giữa các căn phòng tuyệt đẹp, nhờ đó mà họ có thể tiếp cận với mọi phần của con người mình dễ dàng hơn.
Nhìn chung, có thể nói rằng sứ mệnh cá nhân của người có tính cách phân liệt liên quan đến việc đối mặt với nỗi khiếp sợ và thịnh nộ bên trong, thứ cản trở họ hiện thực hóa trí sáng tạo vô biên của mình. Trên thực tế, nỗi khiếp sợ và thịnh nộ này duy trì trạng thái tách rời giữa các phần của con người họ bởi họ sợ sự hợp nhất mãnh liệt của toàn bộ những tài năng sáng tạo trong mình. Sứ mệnh của họ cũng liên quan đến việc cụ thể hóa, hay hiện thực hóa, tính tâm linh của mình trong thế giới vật chất. Điều này có thể được thực hiện bằng cách biểu lộ thực tại tâm linh thông qua trí sáng tạo của họ, thí dụ như viết lách, sáng chế, giúp đỡ người khác, v.v.. Những sứ mệnh này mang tính cá nhân rất cao và chúng ta không nên khái quát hóa chúng.
Cấu trúc môi miệng
Tính cách môi miệng được hình thành khi sự phát triển bình thường của một người bị hãm lại trong giai đoạn môi miệng. Nguyên nhân là do bị bỏ rơi. Khi còn nhỏ, người này đã trải nghiệm sự mất mát người mẹ, dù là do người mẹ qua đời, ốm đau bệnh tật hay thoái thác trách nhiệm. Người mẹ chăm lo cho đứa trẻ nhưng không đầy đủ. Nhiều khi, người mẹ “giả bộ” chăm lo – hoặc chăm lo mà không đếm xỉa tới bản thân. Đứa trẻ đã bù đắp mất mát này bằng cách trở nên “tự lập” quá sớm, trong nhiều trường hợp là biết nói và biết đi từ rất sớm. Do đó, họ trở nên nhầm lẫn về tính tiếp nhận và không dám đòi hỏi những gì họ thực sự muốn bởi trong thâm tâm, họ tin chắc là mình sẽ không nhận được. Những cảm giác cần được quan tâm, săn sóc của họ dẫn đến thái độ dựa dẫm, khuynh hướng bám víu, thói tham lam và làm giảm tính quyết liệt. Họ cân bằng lại bằng cách hành động độc lập, để rồi suy sụp dưới áp lực. Tính tiếp nhận của họ thành ra sự thụ động đầy hằn học, và tính quyết liệt trở thành sự tham lam.
Nói chung, người có cấu trúc môi miệng bị thiếu thốn, cảm thấy vô nghĩa, trống rỗng và không muốn nhận trách nhiệm. Cơ thể kém phát triển, cơ bắp dài, mảnh, mềm nhũn và yếu ớt. Người có cấu trúc này trông không trưởng thành và chín chắn, có phần ngực suy nhược, lạnh và hơi thở nông, và đôi mắt của họ có thể hút lấy năng lượng của bạn. Về mặt tâm động học, nhân cách này giữ chặt và níu lấy người khác để chống lại nỗi sợ bị bỏ rơi. Họ không có khả năng ở một mình và có nhu cầu được người khác hỗ trợ, bao bọc một cách thái quá. Họ cố gắng thỏa mãn nhu cầu này từ “bên ngoài” nhằm cân bằng lại cảm giác trống rỗng khủng khiếp ở bên trong. Họ đè nén những cảm xúc rất mạnh của lòng khát khao và tính quyết liệt. Sự thịnh nộ của họ đối với tình trạng bị bỏ rơi này bị nén lại bên trong. Họ sử dụng hoạt động tình dục để có được sự thân mật và tiếp xúc.
Người có cấu trúc môi miệng trải qua nhiều nỗi thất vọng trong cuộc sống, nhiều lần bị từ chối khi cố gắng đạt được thứ gì đó. Bởi vậy, họ trở nên chua xót hơn và cảm thấy bất kể thứ gì mình đạt được đều không bao giờ là đủ. Họ không thể cảm thấy thỏa mãn bởi đang cố gắng thỏa mãn ham muốn mãnh liệt bên trong vốn bị phủ nhận bằng cách bù đắp thứ khác vào. Ở cấp độ phàm ngã, người đó đòi hỏi được đáp ứng và quan tâm, săn sóc. Trong tương tác với người khác, họ sẽ đặt ra những câu hỏi gián tiếp nhằm khơi gợi thái độ chăm sóc như một người mẹ từ người khác. Nhưng điều này không thỏa mãn họ bởi họ là một người trưởng thành, chứ không còn là một đứa trẻ con nữa.
Những vấn đề gây khó chịu cần được giải quyết của người đó khi bắt đầu tiến hành điều trị là tính thụ động và tình trạng mệt mỏi. Trong quá trình điều trị, vấn đề cần chú tâm sẽ là tìm ra sự nuôi dưỡng trong cuộc sống của họ. Nhưng để đáp ứng nhu cầu của bản thân, họ tin rằng mình phải chịu rủi ro bị người khác bỏ rơi hoặc lường gạt. Theo đó, chủ định tiêu cực của họ sẽ là: “Tôi sẽ khiến các người phải trao nó cho tôi” hoặc “Tôi sẽ không cần đến nó”. Điều này thành ra lại tạo thế tiến thoái lưỡng nan: “Nếu tôi yêu cầu, đó không phải là tình yêu; nếu tôi không yêu cầu, tôi sẽ không có được nó.” Để giải quyết vấn đề này trong trị liệu, họ cần tìm ra và thừa nhận những nhu cầu của chính bản thân và học cách sống sao cho đáp ứng được những nhu cầu đó. Họ cần học cách tự đứng vững trên chính đôi chân của mình.
Trong quá trình điều trị, lớp đầu tiên gặp phải của phàm ngã sẽ là lớp mặt nạ. Nó nói rằng: “Tôi không cần các người” hoặc “Tôi sẽ không đòi hỏi”. Sau khi tiến hành đào sâu hơn vào phàm ngã, bản thể bậc thấp hoặc phần tối bên trong sẽ nói: “Hãy chăm sóc tôi”. Sau đó, khi vấn đề bắt đầu được giải quyết, bản thể bậc cao của phàm ngã xuất hiện và nói: “Tôi cảm thấy hài lòng và mãn nguyện”.
Trường năng lượng của cấu trúc môi miệng
Tính cách môi miệng (xem Hình 13‒5) thường có một trường ỉu xìu, bình lặng và yên ắng. Năng lượng chính nằm ở đầu. Cơ thể dĩ thái được giữ chặt gần bề mặt da và cũng có màu xanh da trời nhạt. Cơ thể cảm xúc cũng được nén lại, không có quá nhiều màu sắc và thường có đặc tính ỉu xìu, xẹp, lép. Cơ thể tâm trí sáng rực và thường hơi ngả vàng. Các vầng bậc cao của hào quang không được sáng cho lắm. Hình dạng quả trứng ở ngoài cùng (vầng thứ bảy) không được phồng hoàn toàn, không sáng rực mà có ánh sáng dịu nửa vàng óng nửa bạc nhưng thiên về màu bạc nhiều hơn và xẹp quanh khu vực bàn chân.
Hình 13-5: Hào quang của tính cách môi miệng
Ở người có tính cách môi miệng, các luân xa thường đóng hoặc bị rút cạn năng lượng nếu họ chưa trải qua đủ thời gian trị liệu. Nhiều khả năng, trung tâm trán và đỉnh đầu của họ sẽ ở trạng thái mở, điều này lý giải tại sao người đó rất thông suốt về mặt tinh thần và tâm linh. Nếu hoàn thành quá trình phát triển cá nhân, họ cũng có thể mở trung tâm giới tính phía trước. Theo đó, họ có hứng thú với tình dục và có một số cảm giác dục tính.
Hình 13‒5 minh họa cấu trúc hoạt động trong trường năng lượng của một người ở phần đầu. Có thể thấy phần lớn năng lượng nằm ở các thùy bên và thùy trước của não, trong khi ít tập trung nhất ở phía sau vùng chẩm. Do đó, người có dạng tính cách môi miệng tập trung vào hoạt động trí óc và sử dụng lời nói chứ không thiên về hoạt động thể chất.
Các cơ chế phòng vệ chủ yếu được người có tính cách môi miệng sử dụng là phủ định bằng lời nói, hút vào bằng miệng và có thể dùng những mũi tên bằng lời nói để gây chú ý chứ không phải để chọc tức – tức là, không giống với cách dùng như đã nêu ở Chương 12 của người có cấu trúc khổ dâm.
Sứ mệnh cuộc đời và bản thể bậc cao của cấu trúc môi miệng
Người có tính cách môi miệng cần phải học cách tin tưởng vào sự dư dả của vũ trụ và đảo ngược quá trình chiếm hữu. Họ cần phải cho đi; cần phải rũ bỏ vai trò nạn nhân và biết ơn những gì mình có được; cần phải đối mặt với nỗi sợ cô độc, nhìn thấu khoảng không trống rỗng bên trong mình, nhận ra nó vốn hiệp lực với sự sống. Khi thừa nhận những nhu cầu của chính bản thân và tự đứng trên đôi chân mình, người có tính cách môi miệng sẽ đủ khả năng để tuyên bố rằng: “Tôi có khả năng”, và cho phép năng lượng bản thể mở ra và luân chuyển.
Bối cảnh bên trong của một người dạng tính cách môi miệng giống như một nhạc cụ tinh vi, một chiếc đàn Stradivarius chẳng hạn. Họ cần phải lên dây đàn cho nhạc cụ của mình một cách tinh tế và soạn ra bản nhạc giao hưởng của riêng họ. Khi chơi giai điệu độc nhất này trong bản hòa ca của sự sống, họ sẽ được mãn nguyện.
Khi bản thể bậc cao được giải phóng, người có tính cách môi miệng có thể tận dụng tốt trí thông minh của họ trong các hoạt động sáng tạo thuộc lĩnh vực nghệ thuật hoặc khoa học. Họ sẽ có khiếu làm thầy bởi có mối quan tâm lớn đến rất nhiều thứ, và luôn luôn có thể kết nối những gì họ biết với tình yêu thương xuất phát trực tiếp từ trái tim.
Cấu trúc biến thái nhân cách hay cấu trúc chuyển dời
Trong thời thơ ấu, người có cấu trúc chuyển dời đã trải nghiệm một sức cám dỗ ngầm từ người phụ huynh khác giới. Người phụ huynh này đã muốn thứ gì đó từ đứa con. Người có cấu trúc biến thái nhân cách rơi vào một mối quan hệ ba bên với bố mẹ mình và cảm thấy khó nhận được hỗ trợ từ người phụ huynh cùng giới. Họ đứng về phe người phụ huynh khác giới, không thể có được những gì họ muốn, cảm thấy bị phản bội và rồi bù đắp lại bằng cách thao túng người phụ huynh này.
Phản ứng của họ đối với tình hình này là cố gắng kiểm soát người khác theo mọi cách có thể. Muốn vậy, họ phải kìm nén bản thân và thậm chí dối trá nếu cần thiết. Họ đòi hỏi được hỗ trợ và khuyến khích. Nhưng trong tương tác, họ sẽ thao túng và ra lệnh trực tiếp kiểu: “Anh/chị cần phải…” để gợi lên cảm giác quy phục từ người khác. Điều này không hề đem lại sự hỗ trợ.
Xét ở khía cạnh tiêu cực, người có cấu trúc này thèm khát quyền lực và có nhu cầu chi phối người khác. Có hai cách để họ đạt được sự kiểm soát này: ức hiếp và chế ngự hoặc ngấm ngầm phá hoại bằng sự cám dỗ. Nhiều khi, bản năng giới tính của họ có tính thù địch cùng với rất nhiều hình ảnh tưởng tượng. Họ đầu tư vào một hình ảnh lý tưởng về bản thân và có những cảm giảm mạnh mẽ về tính ưu việt của mình cũng như sự thấp kém của người khác nhằm che đậy cảm giác tự ti sâu bên trong.
Vấn đề gây khó chịu cần được giải quyết của họ khi bắt đầu tiến hành điều trị là cảm giác bị đánh bại. Họ muốn giành chiến thắng. Nhưng việc được hỗ trợ đồng nghĩa với đầu hàng, thành thử họ tin rằng việc đó đồng nghĩa với bị đánh bại. Bởi vậy, chủ định tiêu cực của họ là: “Ý muốn của tôi sẽ được toại thành”. Điều này tạo ra tình thế tiến thoái lưỡng nan rằng: “Tôi phải đúng hoặc tôi chết”. Để hóa giải vấn đề này trong trị liệu, họ cần học cách tin tưởng.
Trong quá trình điều trị, lớp đầu tiên gặp phải của phàm ngã sẽ là lớp mặt nạ, bản thể bậc thấp hoặc phần tối sẽ tuyên bố: “Tôi sẽ kiểm soát các người”. Khi vấn đề bắt đầu được giải quyết, bản thể bậc cao của phàm ngã xuất hiện và nói: “Tôi chịu thua”.
Nửa trên của cơ thể dường như căng phồng lên, và dòng chảy giữa nửa trên và nửa dưới của cơ thể bị gián đoạn. Khung xương chậu của họ được nạp không đầy đủ, lạnh và bị nén chặt. Vai, đáy sọ và mắt bị căng cứng nghiêm trọng, chân yếu và họ không thể giữ cân bằng.
Cấu trúc biến thái nhân cách chống đỡ lại nỗi sợ thất bại và bị đánh bại. Họ bị giằng xé giữa sự lệ thuộc và nhu cầu kiểm soát người khác. Họ sợ bị người khác kiểm soát, lợi dụng và lo rằng mình bị rơi vào vị thế nạn nhân, điều khiến họ cảm thấy vô cùng nhục nhã. Hoạt động tình dục được sử dụng như một nước đi quyền lực; khoái cảm chỉ là thứ yếu trong công cuộc chinh phục người khác. Họ cố gắng không bộc lộ nhu cầu của mình bằng cách khiến người khác cần đến họ.
Trường năng lượng của cấu trúc biến thái nhân cách
Năng lượng chính nằm ở nửa trên của cơ thể. Mức năng lượng của họ thoạt đầu hoạt động thái quá rồi sau đó sụt giảm. Nói chung, người có cấu trúc chuyển dời (xem Hình 13‒6) có một trường bị xẹp ở phần dưới cùng trong toàn bộ các vầng hào quang và nhiều năng lượng ở phần trên cùng; do đó, hình quả trứng cũng bị biến dạng. Theo hướng từ đỉnh đầu xuống đến bàn chân, cơ thể dĩ thái bị giảm mức độ đầy đặn và thường có màu xanh da trời sẫm hơn và sắc thái mạnh hơn so với cơ thể dĩ thái của người phân liệt và môi miệng. Cơ thể cảm xúc cũng đầy đặn hơn ở phía trên cùng. Cơ thể tâm trí nhô ra phía trước cơ thể vật lý nhiều hơn là nhô ra phía sau, trong khi cơ thể cảm xúc có thể phình to tại trung tâm ý chí nằm giữa xương bả vai, vốn thường nở ra rất rộng. Các vầng hào quang bậc cao cũng mạnh hơn và sáng hơn ở nửa trên.
Cấu hình luân xa trong cấu trúc biến thái nhân cách thường cho thấy các trung tâm ý chí mở tại vai và đáy cổ, trong đó các trung tâm ý chí nằm giữa xương bả vai đều rất rộng và bị quá tải, trung tâm trán và trung tâm đỉnh đầu mở, hầu hết các trung tâm còn lại đều đóng. Trung tâm giới tính phía sau có thể mở một phần. Do đó, họ chủ yếu hoạt động thông qua năng lượng tâm trí và ý chí.
Trong não bộ, năng lượng hoạt động mạnh tại các thùy trước. Càng về phía sau đầu, năng lượng dần suy giảm hoạt động, rất tĩnh và thường sẫm màu hơn ở vùng chẩm. Điều này biểu thị người có cấu trúc biến thái nhân cách quan tâm chủ yếu đến các hoạt động trí óc và không hứng thú với các hoạt động thể chất trừ phi chúng có lợi cho chủ định hiện thời. Trí năng cũng được sử dụng nhằm thỏa mãn chủ định này.
Chính từ các thùy trước mạnh mẽ này, người có cấu trúc biến thái nhân cách truyền các đường vòng cung năng lượng ra ngoài. Các cung này vươn tới đầu người khác để giữ chặt đối phương theo kiểu phòng vệ túm bắt tâm trí. Họ cũng sử dụng phần nào cơ chế phủ định bằng lời nói. Họ có thể bùng phát cơn thịnh nộ dữ dội tương tự như cơ chế được sử dụng trong hệ thống phòng vệ cuồng loạn, nhưng với một hình thái năng lượng vừa phải, cân bằng chứ không hỗn độn.
Sứ mệnh cuộc đời và bản thể bậc cao của tính cách biến thái nhân cách
Người có tính cách này cần tìm ra sự quy thuận đích thực bằng cách dần dần làm xẹp và thả lỏng nửa trên của mình, từ bỏ khuynh hướng kiểm soát người khác bằng cách nhượng bộ con người sâu kín hơn bên trong họ cũng như những cảm giác giới tính của mình. Từ đó, họ có thể thỏa mãn khao khát mãnh liệt của mình trong thực tại, tiếp xúc với bạn bè và cảm thấy bản thân là một con người.
Bối cảnh nội tại của người có tính cách biến thái nhân cách đầy ắp hình ảnh tưởng tượng và những cuộc phiêu lưu trọng danh dự. Ở đây, những người chiến thắng là những người thành thật và chính trực nhất. Thế giới này tập trung vào các giá trị cao quý, thứ được duy trì bằng đức nhẫn nại và can trường. Họ khao khát đem điều này vào môi trường vật lý của thế giới thực. Một ngày nào đó, họ sẽ làm được.
Hình 13-6: Hào quang của tính cách thái nhân cách
Khi các năng lượng bậc cao của họ được giải phóng, họ sẽ là con người rất mực đáng kính và chính trực. Trí năng phát triển ở mức cao của họ có thể được tận dụng để hóa giải những bất đồng bằng cách giúp đỡ người khác tìm ra chân lý. Họ rất giỏi quản lý những dự án phức tạp và có trái tim rộng lớn, giàu tình yêu thương.
Cấu trúc khổ dâm
Trong thời thơ ấu, người có tính cách khổ dâm được trao cho thứ tình yêu có điều kiện. Người mẹ lấn át và hy sinh vì họ ‒ thậm chí đến mức kiểm soát các chức năng ăn uống và bài tiết của họ. Người mẹ khiến đứa con cảm thấy tội lỗi nếu có bất kỳ hành vi nào tự khẳng định hoặc nỗ lực thể hiện quyền tự do của mình. Mọi cố gắng của người con nhằm kháng cự lại áp lực khủng khiếp đè nặng lên bản thân đều bị bóp vụn; lúc này họ cảm thấy bị sập bẫy, bị đánh bại và làm nhục. Phản ứng của họ với tình thế này là kìm nén cảm xúc và trí sáng tạo. Kỳ thực, họ cố gắng kìm nén mọi thứ. Điều này dẫn đến sự giận dữ và thù ghét. Họ mong cầu được độc lập, nhưng khi tương tác với người khác, sử dụng lối nói lịch thiệp song kèm theo thái độ chán ghét, than vãn nhằm gián tiếp thao túng người khác. Điều này khiến đối phương cảm thấy bị trêu tức. Và rồi nó tạo điều kiện để họ nổi giận. Họ vốn đã giận dữ, nhưng giờ thì có quyền bộc lộ nó. Vì vậy, họ bị mắc vào một vòng xoáy không cho bản thân được độc lập.
Về mặt tiêu cực, người có tính cách khổ dâm là người đau khổ, ủ dột và hay than vãn, bề ngoài tỏ ra quy phục nhưng sẽ không bao giờ thực sự ngừng phản kháng. Bên trong họ là những khối tắc nghẽn cấu thành từ cảm xúc mãnh liệt của sự oán hận, tiêu cực, thù địch, ưu việt và sợ hãi, thành thử họ sẽ bùng phát cơn thịnh nộ một cách hung bạo. Nam giới có thể liệt dương và có mối quan tâm lớn đến phim ảnh, sách báo khiêu dâm. Nữ giới thì có khả năng không đạt được cực khoái khi quan hệ tình dục và cảm thấy bản năng giới tính của mình đen tối, không trong sạch.
Khi bắt đầu tiến hành điều trị, vấn đề gây khó chịu cần được giải quyết của người có cấu trúc này là tình trạng căng thẳng. Họ muốn thoát khỏi tình trạng này, nhưng lại vô thức tin rằng việc giải phóng cảm giác căng thẳng và thừa nhận những gì ở bên trong sẽ khiến họ phải chịu khuất phục và nhục nhã. Do đó, chủ định tiêu cực vô thức của họ là duy trì trạng thái tắc nghẽn và “yêu lấy cái tiêu cực”. Điều này dẫn đến tình thế tiến thoái lưỡng nan là “Nếu nổi giận, tôi sẽ thấy nhục nhã; nếu không nổi giận, tôi cũng sẽ thấy nhục nhã”. Để hóa giải vấn đề này trong điều trị, họ cần phải biết tự khẳng định bản thân, sống tự do và mở lòng mình với những mối kết nối tâm linh.
Trong quá trình điều trị, lớp đầu tiên gặp phải của phàm ngã sẽ là lớp mặt nạ, nó nói rằng: “Tôi sẽ giết chết (làm hại) bản thân trước khi các người giết chết (làm hại) tôi.” Sau khi hoàn thành một số công đoạn điều trị nhằm khám phá bối cảnh bên trong, bản thể bậc thấp sẽ trở nên có ý thức. Nó nói rằng: “Tôi sẽ khiêu khích và chọc tức các người.” Sau cùng, điều này sẽ giải thoát bản thể bậc cao, thứ giải quyết tình huống này bằng câu: “Tôi tự do”.
Về vẻ bề ngoài, người có dạng tính cách này thường nặng cân và rắn chắc, có cơ bắp phát triển quá mức, cổ và phần eo thu ngắn lại. Tình trạng căng thẳng xuất hiện nhiều ở cổ, hàm, họng và khung xương chậu, mông lạnh. Năng lượng của họ bị bóp nghẹt tại khu vực cổ họng, và đầu họ bị đẩy về phía trước.
Về mặt tâm động học, họ kiềm chế và mắc kẹt trong một bãi lầy. Ở đó, họ than vãn, oán trách, nén giữ cảm xúc và khiêu khích. Nếu khiêu khích thành công, họ sẽ có cớ để bộc phát. Họ không ý thức được sự khiêu khích của mình và tưởng rằng họ đang cố gắng làm vui lòng người khác.
Trường năng lượng của cấu trúc khổ dâm
Năng lượng chính của người có cấu trúc này được nén vào trong. Họ hoạt động dưới mức thông thường thế nhưng lại sục sôi bên trong. Trường của cấu trúc khổ dâm (xem Hình 13‒7) được thổi phồng hoàn toàn. Cơ thể dĩ thái dày đặc, không mịn và ngả dần sang các sắc xám thay vì xanh da trời. Cơ thể cảm xúc đầy đặn, nhiều màu và được phân bổ khá đồng đều, giống như cơ thể dĩ thái. Cơ thể tâm trí rộng và sáng kể cả ở phần dưới của cơ thể vật lý. Trí năng và cảm xúc gắn kết với nhau hơn. Cơ thể thượng giới sáng trùm khắp cơ thể vật lý, có màu hoa cà, nâu sẫm và xanh da trời. Quả trứng phồng hết cỡ và có màu óng vàng sẫm. Quả trứng có phần hơi nặng ở đáy và tạo thành hình bầu dục hơn là hình quả trứng. Đường bao ngoài cùng của nó được định rõ ranh giới, thậm chí có phần quá căng và dày.
Thường thì trước khi bắt đầu quá trình chữa lành bản thể, các luân xa ở trạng thái mở của người có cấu trúc khổ dâm là luân xa trán, luân xa đám rối dương, và trung tâm giới tính phía sau có thể mở một phần. Do đó, anh ta hoạt động theo các khía cạnh tinh thần, cảm xúc và ý chí của nhân cách. Dạng thức hoạt động năng lượng của não bộ cho thấy hoạt động tại các vùng trán, đỉnh và não thất, hoạt động này lan rộng phần nào tới một vùng trung tâm nhỏ ở chỏm, vốn được bao quanh trong một khu vực ít hoạt động. Thường thì người có cấu trúc khổ dâm sử dụng các hệ thống phòng vệ là xúc tu, thái độ trầm ngâm thinh lặng rõ rệt và mũi tên bằng lời nói.
Hình 13-7: Hào quang của tính cách khổ dâm
Sứ mệnh cuộc đời và bản thể bậc cao của tính cách khổ dâm
Người có tính cách khổ dâm cần phải giải phóng bản thân khỏi cảm giác ô nhục bằng cách giải phóng tính quyết liệt của mình. Họ cần phải tích cực bộc lộ bản thân theo bất cứ cách thức nào phù hợp với trí tưởng tượng của mình bất cứ lúc nào họ muốn.
Bối cảnh bên trong của người có cấu trúc khổ dâm giống như đồ vàng bạc chạm khắc. Lực sáng tạo của họ tự biểu lộ trong những mẫu mã kỳ công, tinh tế, thể hiện những nét độc đáo và gu thẩm mỹ riêng. Mỗi sắc thái đều quan trọng. Khi họ đưa được tính sáng tạo phát triển ở mức độ cao này ra bên ngoài, thế giới sẽ ngỡ ngàng.
Các năng lượng bản thể bậc cao của người có tính cách khổ dâm tràn đầy tình cảm yêu thương chăm sóc dành cho người khác. Họ là một nhà đàm phán thiên bẩm; có trái tim rộng lượng và cao thượng. Họ rất biết cách hỗ trợ người khác và có nhiều thứ để cho đi, cả về mặt năng lượng và hiểu biết. Họ giàu lòng trắc ẩn và đồng thời cũng rất giỏi tạo ra niềm vui. Họ ung dung tự tại và có tính hài hước, sáng tạo. Họ sẽ bộc lộ toàn bộ những thiên khiếu này và trội hơn người khác ở bất kể điều gì họ muốn làm.
Cấu trúc cứng nhắc
Trong thời thơ ấu, người có cấu trúc tính cách cứng nhắc trải nghiệm sự chối bỏ từ người phụ huynh khác giới. Đứa trẻ cảm thấy tình yêu trong nó bị phản bội bởi đối với nó, khoái lạc tình ái, bản năng giới tính và tình yêu đều như nhau. Để bù đắp lại sự chối bỏ này, đứa trẻ quyết định kiểm soát mọi cảm giác liên quan – đau khổ, giận dữ và những cảm giác tốt lành – bằng cách kìm nén chúng. Đối với người có cấu trúc này, quy phục là một chuyện đáng sợ, bởi điều đó đồng nghĩa với việc lần nữa phóng thích toàn bộ những cảm giác kể trên. Do đó, họ sẽ không trực tiếp cậy nhờ người khác giúp đỡ mình, mà sẽ thao túng họ để có được những gì mình muốn. Lòng kiêu hãnh gắn liền với những cảm giác tình ái. Sự cự tuyệt tình yêu thể xác làm tổn thương lòng kiêu hãnh của họ.
Về mặt tâm động học, người có cấu trúc cứng nhắc kìm nén các cảm giác và hành xử sao cho không tỏ ra ngu ngốc. Họ có khuynh hướng theo đuổi lạc thú và vật chất, là người giàu tham vọng và có tính ganh đua mạnh mẽ. Họ nói rằng: “Tôi giỏi hơn, và tôi biết hết”. Sâu kín bên trong họ là nỗi khiếp sợ bị phản bội; họ tránh trở nên yếu đuối bằng mọi giá. Họ sợ bị tổn thương.
Người có cấu trúc cứng nhắc ngẩng cao đầu và ưỡn thẳng lưng đầy kiêu hãnh. Họ có mức độ kiểm soát bên ngoài cao và gắn bó chặt chẽ với thực tại vật lý. Cái tôi mạnh mẽ này được lấy làm cớ để né tránh phải buông bỏ. Con người này sợ những quá trình vô tình diễn ra bên trong con người họ mà không do cái tôi quyết định. Họ sẽ quan hệ tình dục với thái độ khinh miệt chứ không phải là tình yêu.
Khi kìm nén cảm xúc như vậy, họ chỉ thêm ngạo mạn. Họ đòi hỏi người khác yêu thương và cảm thấy mình hấp dẫn về mặt thể xác, thế nhưng khi tương tác, họ lại ngon ngọt khéo léo sử dụng các từ ngữ an toàn để không phải chịu ràng buộc. Điều này dẫn đến sự ganh đua, chứ không phải là tình yêu. Niềm kiêu hãnh khi đó sẽ bị tổn thương, và họ càng trở nên ganh đua hơn. Người đó sẽ rơi vào một vòng xoáy độc hại khiến họ không có được những gì mình muốn.
Khi bắt đầu tiến hành điều trị, vấn đề gây khó chịu cần được giải quyết của người có cấu trúc này là tình trạng vô cảm. Họ muốn đầu hàng những cảm xúc, nhưng lại tin rằng chúng sẽ chỉ làm họ tổn thương, thế nên chủ định tiêu cực của họ là: “Tôi sẽ không đầu hàng”. Họ chọn tình dục thay vì tình yêu nhưng điều đó không làm họ thỏa mãn. Điều này dẫn đến tình thế tiến thoái lưỡng nan là “Lựa chọn nào cũng sai”. Đầu hàng sẽ gây tổn thương; giữ lấy niềm kiêu hãnh sẽ triệt tiêu cảm xúc. Để hóa giải vấn đề này trong điều trị, họ cần phải kết nối trái tim với cơ quan sinh dục của mình.
Trong quá trình điều trị, lớp mặt nạ sẽ nói: “Đúng vậy, nhưng…” Sau một thời gian, bản thể bậc thấp và phần tối sẽ xuất hiện trong tâm thức. Nó sẽ nói: “Tôi sẽ không yêu thương các người”. Sau đó, khi cảm xúc bắt đầu tuôn chảy nhờ thao tác trên cơ thể, bản thể bậc cao sẽ giải quyết tình thế này bằng cách tuyên bố: “Tôi cam kết, tôi yêu thương”.
Cơ thể trở nên cân đối, hài hòa, giàu năng lượng và được hợp nhất đầy đủ. Có thể có hai loại tắc nghẽn – giáp tấm, giống như những tấm giáp thép trên cơ thể, hoặc giáp lưới, giống như một bộ xích lưới trùm khắp cơ thể. Khung xương chậu bị lạnh và nghiêng ra sau.
Trường năng lượng của cấu trúc cứng nhắc
Năng lượng chính được giữ tại phạm vi ngoại biên và xa khỏi trung tâm cốt lõi. Người này hiếu động thái quá. Đặc trưng của người có cấu trúc cứng nhắc (xem Hình 13‒8) là tính cân bằng và hợp nhất. Điều này được thể hiện bằng một hào quang sáng mạnh, trong đó hầu hết mọi thành phần đều được phân bổ đồng đều trên khắp và xuyên suốt cơ thể. Trường dĩ thái đặc, rộng và cân đối, có màu xám xanh và độ thô ở mức trung bình. Cơ thể cảm xúc cho thấy trạng thái cân bằng bình ổn và được phân bổ đồng đều. Nó có thể không có nhiều màu sắc như một số cấu trúc khác nếu người này chưa nỗ lực cởi mở về mặt cảm xúc. Nó có thể rộng hơn ở phía sau, do toàn bộ các trung tâm tại đây đều ở trạng thái mở. Cơ thể tâm trí phát triển và sáng. Cơ thể thượng giới có thể không quá sáng nếu người này chưa mở lòng nhiều đối với tình yêu vô điều kiện hoặc tính tâm linh của mình. Quả trứng quan hệ nhân quả hay quả trứng mẫu ketheric vững chắc, dẻo dai, đầy đặn và có màu sáng – màu bạc óng vàng, thiên nhiều hơn về sắc óng vàng.
Các luân xa của người có tính cách cứng nhắc hầu như ở trạng thái mở trước khi bắt đầu quá trình điều trị là trung tâm ý chí phía sau, các luân xa giới tính và các luân xa tâm trí. Bởi vậy, anh ta sống chủ yếu bằng tâm trí và ý chí. Luân xa đỉnh đầu và luân xa đám rối dương có thể mở hoặc không mở. Khi người này bắt đầu quá trình điều trị và cởi mở về mặt cảm xúc, các trung tâm cảm xúc ở phía trước bắt đầu mở ra.
Mô hình hoạt động não bộ cho thấy nhiều hoạt động ở hai bên và trung tâm phía sau của não bộ. Trong một số trường hợp, các thùy trước hoạt động không kém gì, tùy thuộc vào lĩnh vực cuộc sống mà người này quyết định tập trung vào. Nếu đó là những hoạt động trí óc thì khu vực này cũng sẽ sáng và hoạt động tích cực; nếu không thì nó sẽ thường là khu vực hoạt động tích cực thứ hai. Nếu người này theo đuổi sự phát triển trong nghệ thuật, chẳng hạn như hội họa, âm nhạc hoặc các hình thức sáng tạo khác, các thùy bên sẽ sáng hơn. Trong quá trình mọi người điều trị, phát triển và trở nên sáng tỏ hơn, tôi nhận thấy mô hình hoạt động của não bộ trở nên cân bằng hơn; vùng chẩm, vùng bên và vùng trước đều hoạt động tích cực. Các cầu nối bắt đầu được hình thành trực tiếp xuyên qua não bộ, tạo nên hình chữ thập khi quan sát từ trên xuống. Khi một người bắt đầu phát triển tính tâm linh và có những trải nghiệm tâm linh, chẳng hạn như thiền, tôi nhận thấy hoạt động tăng lên ở khu vực trung tâm não bộ.
Các hệ thống phòng vệ năng lượng được người có cấu trúc cứng nhắc sử dụng nhiều nhất là phô bày sức mạnh – ý chí, ngăn ranh giới và đôi khi là cuồng loạn (xem Hình 12‒3).
Sứ mệnh cuộc đời và bản thể bậc cao của tính cách cứng nhắc
Người có tính cách cứng nhắc cần phải mở các trung tâm cảm xúc, cho phép cảm xúc của mình được tuôn trào và thể hiện ra trước mắt người khác. Họ cần chia sẻ những cảm xúc của mình, bất kể cảm xúc đó là gì. Điều này sẽ cho phép năng lượng luân chuyển ra vào bản thể cốt lõi của họ và giải phóng tính độc nhất vô nhị của bản thể bậc cao.
Bối cảnh bên trong của người có tính cách cứng nhắc chứa đựng sự phiêu lưu mạo hiểm, đam mê và tình yêu. Có những dãy núi để chinh phục, những đại nghĩa để đấu tranh và những tình yêu để sống lãng mạn. Giống như Icarus, anh ta sẽ bay lên mặt trời. Giống như Moses, anh ta sẽ dẫn dắt dân tộc mình đến miền đất hứa. Họ sẽ truyền cảm hứng cho người khác bằng tình yêu và đam mê mà họ dành cho cuộc sống. Và rồi họ sẽ trở thành một nhà lãnh đạo thiên bẩm trong hầu như mọi ngành nghề mà họ theo đuổi. Họ sẽ có khả năng tương tác mật thiết với người khác và vũ trụ. Họ có thể vui đùa trong vũ trụ này và tận hưởng trọn vẹn cuộc sống.
Hình 13-8: Hào quang của tính cách cứng nhắc
Sẽ rất hữu ích nếu bạn luôn ghi nhớ cấu trúc tính cách chung của bệnh nhân khi tiến hành chữa lành. Trong vai trò người chữa lành, điều này giúp bạn đưa ra được giải pháp điều trị cụ thể cho từng người và đạt được hiệu quả chữa lành tối ưu. Việc đưa ra giải pháp chữa lành phù hợp với mối quan hệ của mỗi bệnh nhân đối với những ranh giới của họ là hết sức hữu ích. Người có cấu trúc tính cách cứng nhắc cần phải xác định và tăng cường những ranh giới của bản thân. Họ cũng cần phải củng cố thực tại tâm linh của mình. Tri giác Cao cấp giúp ích rất nhiều cho chuyện này. Hào quang của người có cấu trúc tính cách cứng nhắc cũng cần được nạp, và cần được chỉ dẫn cách duy trì trạng thái nạp này. Cần chấm dứt tình trạng rò rỉ năng lượng. Hào quang của người có cấu trúc tính cách môi miệng cần được nạp và các luân xa cần được mở. Ranh giới cần được củng cố. Người này cần được chỉ dẫn cách cảm nhận trạng thái mở, từ đó họ có thể học cách giữ cho các luân xa mở thông qua thiền và các bài thực hành. Họ cần được tiếp xúc nhiều với người khác. Người có cấu trúc tính cách chuyển dời cần phải nạp cho nửa dưới trường, mở các luân xa bên dưới và học cách sống bằng trái tim nhiều hơn là ý chí. Đối với người có cấu trúc tính cách chuyển dời, điểm rất quan trọng cần ghi nhớ là phải hết sức tế nhị đối với các vấn đề giới tính của họ. Việc xử lý luân xa thứ hai đòi hỏi phải có sự quan tâm, thấu hiểu và chấp nhận. Người chữa lành phải hết sức nhạy cảm và cẩn trọng khi can thiệp vào phần dưới của cơ thể. Người có trường năng lượng khổ dâm cần phải học cách chuyển dịch và giải phóng toàn bộ năng lượng mà họ đã chặn đứng. Tuyệt đối không được can thiệp khi chưa có sự đồng ý của bệnh nhân. Càng có thể tự chữa lành cho bản thân, họ sẽ càng được chữa lành nhanh hơn và hiệu quả hơn. Sự chữa lành của họ sẽ luôn gắn liền với tính sáng tạo đang bị che giấu bên trong, cần được đưa ra ngoài và bộc lộ. Hào quang của người có cấu trúc tính cách cứng nhắc cần được làm mềm lại. Người này cần mở luân xa trái tim và kết nối với tình yêu và các cảm xúc khác. Vầng thứ hai của hào quang cần được kích hoạt và hoạt động của nó dẫn đến trạng thái có ý thức. Người chữa lành cần phải tiến hành điều này một cách chậm rãi, giúp bệnh nhân mỗi lần được trải nghiệm cảm xúc trong một khoảng thời gian ngắn. Các năng lượng bản thể sâu hơn của người có tính cách này cần được tiếp cận bằng phương pháp đặt bàn tay. Điều quan trọng đối với người chữa lành là ân cần chấp nhận người có tính cách này khi đặt tay lên cơ thể họ.
Vượt ngoài cấu trúc tính cách
Khi mỗi người cải thiện bản thân về mặt tâm động học, thể chất và tâm linh, hào quang của họ thay đổi. Nó trở nên cân bằng, các luân xa ngày càng mở hơn. Các hình ảnh và nhận thức sai về thực tại trong hệ thống niềm tin tiêu cực của chúng ta được giũ sạch. Trường năng lượng bớt dồn ứ, có nhiều ánh sáng và rung động cao hơn. Nó trở nên dẻo dai và liền mạch hơn. Tính sáng tạo tăng lên đồng nghĩa với việc hệ thống chuyển hóa năng lượng gia tăng hiệu suất. Trường mở rộng và những thay đổi sâu hơn bắt đầu xảy ra.
Nhiều người bắt đầu có một chấm sáng tuyệt đẹp màu bạc óng vàng ở giữa đầu, to dần thành một quả cầu ánh sáng rực rỡ. Khi người này phát triển, quả cầu ngày càng to hơn và vượt ra khỏi cơ thể. Nó dường như là phần hạt giống cốt lõi đem đến ánh sáng và phát triển cơ thể thượng giới thành một bộ phận tân tiến và sáng chói hơn, thứ bắt đầu nhận thức và do đó tương tác với thực tại nằm ngoài thế giới vật lý. Vị trí của ánh sáng này dường như nằm ở phần gốc của các luân xa đỉnh đầu và con mắt thứ ba, nơi có tuyến yên và tuyến tùng. Khi cơ thể tâm trí tăng độ sáng, tính nhạy với thực tại nằm ngoài thế giới vật lý cũng được phát triển. Đường lối sống của một người thay đổi thành một dòng chảy tự nhiên của sự trao đổi và chuyển hóa năng lượng với vũ trụ. Chúng ta bắt đầu xem bản thân là một khía cạnh độc nhất của vũ trụ nhưng hoàn toàn không tách rời khỏi cái toàn thể. Hệ thống năng lượng của chúng ta là một hệ thống chuyển hóa năng lượng. Hệ thống này thu nhận năng lượng từ môi trường, phân nhỏ nó, chuyển hóa nó để rồi tái tổng hợp nó và truyền ra ngoài vũ trụ ở một trạng thái tâm linh cao hơn. Theo đó, mỗi chúng ta đang sống trong những hệ thống chuyển hóa. Bởi lẽ năng lượng mà chúng ta chuyển hóa có mang ý thức, thế nên chúng ta đang chuyển hóa ý thức. Chúng ta thực sự là vật chất có tính tâm linh hóa.
Cấu trúc tính cách và sứ mệnh cuộc đời
Mỗi cấu trúc tính cách là một mô hình hoạt động bất thường của hệ thống chuyển hóa. Trước hết, chúng ta cản trở dòng năng lượng. Nó bị tắc và chảy chậm lại trong hệ thống năng lượng. Điều này xảy ra là do chúng ta sống theo những niềm tin tiêu cực của mình. Rất nhiều khi, chúng ta không thực sự ở trong thực tại bởi lẽ chúng ta sống và phản ứng với vũ trụ theo cách nghĩ của chúng ta về nó, chứ không theo đúng bản chất của nó. Thế nhưng, điều này sẽ không hiệu quả được lâu dài. Chúng ta tạo ra khổ đau trong cuộc sống của mình khi làm như vậy. Sớm muộn chúng ta sẽ nghe thấy thông điệp rằng chúng ta đang làm sai. Chúng ta thay đổi bản thân và hệ thống năng lượng để giảm bớt đau khổ. Chúng ta khai thông hệ thống của mình và chuyển hóa năng lượng. Khi làm như vậy, chúng ta không chỉ rũ sạch những niềm tin tiêu cực của riêng bản thân, mà còn tác động tích cực đến những người xung quanh. Theo đó, chúng ta chuyển hóa năng lượng.
Khi bắt đầu giải phóng các tắc nghẽn, chúng ta thực hiện sứ mệnh cá nhân của mình. Năng lượng được thông thoát nhờ đó chúng ta có thể thực hiện những gì mình hằng mong muốn thực hiện trong cuộc sống: khao khát sâu kín mà chúng ta có từ thuở thơ ấu, giấc mơ bí mật này chính là sứ mệnh cuộc đời của mỗi người. Điều bạn muốn thực hiện hơn mọi điều khác trong cuộc sống chính là sứ mệnh cuộc đời bạn. Đó là mục đích bạn đến với thế giới này. Bằng cách loại bỏ những tắc nghẽn cá nhân, bạn mở đường cho quá trình hiện thực hóa khao khát sâu thẳm nhất bên trong mình. Hãy để khao khát của bạn dẫn lối. Đi theo nó. Nó sẽ đưa bạn đến bến bờ hạnh phúc.
Bạn đã thiết kế cơ thể và hệ thống năng lượng của bạn như một công cụ để thực hiện sứ mệnh cuộc đời mình. Nó được tạo thành từ một tổ hợp ý thức – năng lượng phù hợp nhất với những gì bạn đã hóa thân để thực hiện. Không ai khác có tổ hợp này, và không ai khác muốn thực hiện chính xác những gì bạn muốn thực hiện. Bạn là độc nhất vô nhị. Khi bạn cản trở dòng chảy năng lượng trong hệ thống năng lượng mà bạn đã tạo ra cho sứ mệnh của mình, bạn cũng cản trở sứ mệnh đó. Mô hình chung của sự cản trở mà mọi người thực hiện được gọi là cấu trúc tính cách và hệ thống phòng vệ. Đó là tất cả những cách thức mà dựa vào đó, bạn thường xuyên tách mình khỏi mục đích hóa thân của bạn ở cấp độ sứ mệnh thế giới. Chúng cũng là biểu hiện trực tiếp cho những gì bạn không biết về sự sống mà bạn đến thế giới này để học hỏi. Do đó, bạn đã kết tinh bài học này trong cơ thể và hệ thống năng lượng của mình. Bạn đã xây dựng và tạo ra lớp học của mình theo đặc điểm riêng của bản thân. Bạn sống bên trong nó.
Như bạn sẽ được biết, các tắc nghẽn năng lượng rốt cuộc sẽ gây ra rối loạn thể chất. Ngược lại, những rối loạn này có thể được truy nguyên từ cấu trúc tính cách hoặc phương thức cản trở năng lượng sáng tạo của bạn. Do đó, bất kể bạn gặp phải bệnh tật gì, nó cũng đều liên quan trực tiếp đến sứ mệnh cuộc đời bạn. Thông qua hệ thống năng lượng, bệnh tật có liên quan trực tiếp đến khao khát sâu kín nhất của bạn. Bạn đau ốm là bởi bạn đang không theo đuổi khao khát sâu kín nhất của mình. Thế nên, xin được hỏi lại, điều bạn khao khát thực hiện nhất trong đời mình là gì – hơn mọi điều khác trên thế gian này? Hãy xem thử bạn đang cản trở bản thân như thế nào. Loại bỏ những tắc nghẽn đó. Thực hiện những gì bạn mong muốn, và bạn sẽ khỏe mạnh trở lại.
Thực hành nhận biết cấu trúc tính cách của bản thân
Quan sát bản thân trong gương. Cơ thể bạn thuộc típ nào? Đọc qua từng bảng và từng cấu trúc tính cách. Sau đó trả lời các câu hỏi từ 7 đến 10.
Điểm lại Chương 13
1. Mô tả cấu hình trường năng lượng con người phổ biển của năm loại cấu trúc tính cách chính.
2. Mô tả những phẩm chất đáng quý nhất của mỗi cấu trúc tính cách chính.
3. Theo quan sát hào quang, vùng nào của não bộ hoạt động tích cực nhất ở mỗi cấu trúc tính cách?
Suy ngẫm
4. Sứ mệnh cuộc đời của mỗi cấu trúc tính cách là gì?
5. Cấu trúc tính cách có liên quan gì đến sứ mệnh cuộc đời?
6. Bệnh tật có liên quan gì đến sứ mệnh cuộc đời của một cá nhân?
7. Liệt kê mức độ phân bổ của mỗi cấu trúc tính cách tạo thành nhân cách của bạn.
Ví dụ:
50% | Phân liệt |
20% | Môi miệng |
15% | Chuyển dời |
5% | Khổ dâm |
10% | Cứng nhắc |
8. Xem Hình 13‒1. Tìm ra những đặc điểm tính cách của bạn đối với mỗi mục được liệt kê.
9. Xem Hình 13‒2. Tìm ra những đặc điểm thể chất và năng lượng của bạn đối với mỗi mục được liệt kê.
10. Xem Hình 13‒3. Tìm ra cách bạn liên kết với người khác theo cấu trúc tính cách của bạn đối với mỗi mục được liệt kê.
11. Chiểu theo câu trả lời ở ba mục trên, sứ mệnh cá nhân của bạn có thể là gì? Sứ mệnh thế giới của bạn là gì?
12. Nếu bạn có bất kỳ rối loạn thể chất nào, hãy liên hệ chúng với câu hỏi 11 ở trên.
13. Thực hiện kiểm tra các mục từ 7 đến 12 đối với mỗi bệnh nhân của bạn.