Sau khi quan sát nhiều chỗ tắc nghẽn trong trường của mọi người, tôi bắt đầu phân loại chúng. Tôi nhận thấy có sáu loại tắc nghẽn năng lượng phổ biến. Tôi cũng bắt đầu để ý rằng mọi người sử dụng trường của họ theo những cách phòng thủ nhằm bảo vệ bản thân khỏi một trải nghiệm tưởng tượng khó chịu nào đó. Họ sắp đặt toàn bộ trường hào quang của bản thân thành một hệ thống mà tôi gọi là hệ thống phòng vệ bằng năng lượng.
Trước hết, hãy cùng tìm hiểu sáu loại tắc nghẽn năng lượng mà tôi đã quan sát được.
Sáu loại tắc nghẽn năng lượng
Hình 12‒1 và 12‒2 minh họa hình ảnh các dạng tắc nghẽn mà tôi quan sát được. Tắc nghẽn “lịm” (xem Hình 12‒1A) xuất hiện khi một người bị đình trệ cảm xúc và năng lượng đến mức chúng ứ đọng lại và tích tụ thành dịch cơ thể tại khu vực này. Cơ thể có xu hướng sưng phù lên ở đó. Dạng tắc nghẽn này thường không có năng lượng cao, nói đúng hơn là có cường độ thấp, vốn thường gắn với tình trạng tuyệt vọng. Nếu không được giải tỏa, dạng tắc nghẽn này có khả năng dẫn đến những chứng bệnh như viêm ruột kết hoặc đau thắt ngực. Nó thường có màu xanh da trời ngả xám. Nó tạo cảm giác nhớp nháp và đặc quánh, giống như chất nhầy. Cũng có cả sự giận dữ trong đó, thường là kiểu oán trách. Con người này đã bỏ cuộc và cảm thấy bất lực. Lấy ví dụ, dạng tắc nghẽn này xuất hiện ở một người phụ nữ nọ không hạnh phúc trong hôn nhân và đã từ bỏ sự nghiệp sau khi kết hôn xuất hiện. Giờ đây ở độ tuổi năm mươi, bà nhận ra rằng mình không còn cơ hội quay lại làm việc và gây dựng sự nghiệp. Thành thử, bà đổ lỗi cho người chồng vì đã gây ra bất hạnh này. Bà đòi hỏi các cô con gái mình phải hoàn thành những gì bà chưa từng có cơ hội thực hiện. Bà tìm cách sống cuộc đời mình qua những cô con gái, nhưng tất nhiên là chuyện đó không thành công.
Hình 12-1: Các loại tắc nghẽn năng lượng
Hình 12-2: Các loại tắc nghẽn năng lượng
Mặt khác, tắc nghẽn kết đặc (Hình 12‒1B) vốn kìm nén các cảm xúc lại chứa rất nhiều cơn thịnh nộ tích tụ, giống như núi lửa vậy. Nó có màu đỏ sẫm. Tôi khá ái ngại khi quan sát thấy kiểu tắc nghẽn này bởi lẽ, thường thì chẳng ai muốn là nạn nhân của một vụ phun trào núi lửa cả. Tắc nghẽn năng lượng dạng này dẫn đến quá trình tích tụ mỡ và cơ tại khu vực đó. Nếu tình trạng kết đặc này tiếp diễn đủ lâu, nó có thể gây ra những chứng bệnh như viêm khung xương chậu. Người bị tắc nghẽn kiểu này thường nhận thức được cảm giác thịnh nộ và cảm thấy bị mắc kẹt bởi nếu muốn giải phóng cơn thịnh nộ đó, nguy cơ cao là họ sẽ bị mất thể diện. Tôi từng gặp một người phụ nữ khi còn nhỏ đã kết luận rằng những cảm giác dục tính gắn liền với sự nhục nhã. Khi còn nhỏ, bố cô khiến cô cảm thấy xấu hổ về những vấn đề liên quan đến giới tính của mình, kết quả là cô chặn những cảm giác dục tính mãnh liệt lại và giữ chặt tại khung xương chậu. Tình trạng lưu giữ những cảm giác dục tính này dần biến chuyển thành sự thịnh nộ. Khi sự thịnh nộ không được giải phóng, do lo sợ bị mất mặt, năng lượng ứ đọng và tích tụ lại tại khung xương chậu sẽ gây ra viêm nhiễm. Sau nhiều năm bị viêm nhiễm mạn tính nhẹ, cô rốt cuộc được chẩn đoán là mắc chứng viêm khung xương chậu.
Giáp lưới (Hình 12‒1C) là một tắc nghẽn đắc dụng bởi lẽ nó giúp cá nhân bị tắc nghẽn né tránh các cảm giác, nhất là cảm giác sợ hãi, bằng cách nhanh chóng dịch chuyển các khối tắc nghẽn ra khu vực xung quanh mỗi khi cá nhân đó bị thách thức trong một tình huống đời sống hoặc trong trị liệu. Ví dụ, nếu nhà trị liệu tìm cách giải tỏa một khối tắc nghẽn thông qua thể dục hoặc massage sâu, khối tắc nghẽn này sẽ đơn giản là dịch chuyển sang một bộ phận khác của cơ thể. Mọi sự trong đời sống của bệnh nhân này sẽ dường như thật tốt đẹp. Cô ấy sẽ gặt hái được nhiều thành công trong xã hội, có một cuộc hôn nhân “hoàn hảo” và những đứa con mẫu mực, thế nhưng cô ấy sẽ vẫn ngờ ngợ cảm thấy rằng có gì đó không được trọn vẹn. Cá nhân này sẽ chỉ có thể chịu đựng những cảm giác sâu kín trong một khoảng thời gian ngắn trước khi thoát ra khỏi chúng. Đến cuối cùng, cô ấy có lẽ sẽ tạo ra một số khủng hoảng trong cuộc sống để bắt đầu xử lý những cảm giác sâu kín của mình. Khủng hoảng này có thể xuất hiện dưới mọi hình thái, chẳng hạn như một chứng bệnh đột ngột khởi phát, một tai nạn hoặc một mối quan hệ tình ái ngoài luồng.
Giáp tấm (được minh họa ở hình 12‒2A), giữ lại toàn bộ các loại cảm giác bằng cách đông cứng chúng lại. Chúng bị một trường áp lực toàn cục cao giữ cố định tại khắp cơ thể. Nó giúp đối tượng bị tắc nghẽn tạo dựng một cuộc sống có kết cấu rõ ràng ở bên ngoài. Cơ thể sẽ được cấu trúc vững vàng; các cơ sẽ có khuynh hướng bị căng cứng. Ở bình diện cá nhân, cuộc sống sẽ không quá trọn vẹn, bởi lẽ giáp tấm vô hiệu hóa triệt để mọi cảm giác. Điều này tạo ra áp lực cao tại khắp cơ thể, dẫn đến một số loại bệnh tật: ung nhọt do lao lực hoặc các vấn đề về tim mạch do những “thúc ép” vật lý trong đời sống, trong khi đó lại không hề có sự chăm sóc, bồi dưỡng. Bởi lẽ đối tượng bị tắc nghẽn không thể cảm nhận tốt cơ thể mình, chẳng hạn tình trạng căng cứng tại các cơ dài, họ chắc chắn sẽ khiến các cơ hoạt động quá tải, gây gẫy ống quyển hoặc viêm gân. Người này cũng sẽ có một cuộc sống tưởng như “hoàn hảo” nhưng lại đang thiếu hụt một mối kết nối cá nhân sâu sắc hơn. Nhiều khả năng, họ rốt cuộc cũng sẽ tạo ra một số kiểu khủng hoảng trong đời sống, như những khủng hoảng mà tôi đã nói đến bên trên, giúp họ kết nối với thực tại sâu sắc hơn của mình. Đối với một số người đàn ông, một cơn đau tim là đủ đem lại kết quả khả quan. Thí dụ, tôi có quen biết một doanh nhân vô cùng thành đạt, chủ sở hữu của một vài tạp chí có lượng phát hành rất lớn. Ông ấy mải mê làm ăn đến nỗi trở nên mất kết nối với gia đình mình. Sau lần ông ấy bị lên cơn đau tim, các con của ông đã đến gặp ông và thưa rằng: “Bố phải nghỉ ngơi nếu không bố sẽ chết đấy. Hãy chỉ dạy bọn con để bọn con hỗ trợ bố điều hành công việc.” Ông đã chỉ dạy các con của mình và gia đình ông được hàn gắn lại.
Tắc nghẽn dạng tiêu kiệt năng lượng (Hình 12‒2B) thì đơn thuần là tình trạng suy giảm năng lượng chảy xuống tứ chi hướng tới các đầu ngón. Đối tượng bị tắc nghẽn cắt đứt tứ chi bằng cách không cho năng lượng chảy đến đó. Điều này gây suy yếu tứ chi và trong một số trường hợp, thậm chí làm khu vực này kém phát triển về mặt thể chất. Đối tượng sẽ hạn chế sử dụng tứ chi để né tránh cảm giác yếu đuối, rồi đến những cảm giác sâu kín hơn kèm theo, chẳng hạn như không thể sống tự lập, hoặc cảm giác thất bại trong cuộc sống.
Rò rỉ năng lượng (Hình 12‒2C) xuất hiện khi đối tượng bắn năng lượng của mình ra khỏi các khớp thay vì để nó chảy xuống tứ chi. Họ thực hiện điều này (một cách vô thức) nhằm giảm bớt năng lượng chảy qua tứ chi đến ngưỡng mà họ sẽ không còn sức lực hoặc cảm giác để phản ứng với một số trải nghiệm cụ thể trong môi trường sống của mình. Lý do họ không muốn phản ứng lại vốn dựa trên một kết luận từ hồi nhỏ rằng nếu phản ứng thì hoặc là không phải phép hoặc thậm chí là nguy hiểm. Thí dụ, khi còn bé, nếu người đó với lấy thứ mình muốn, họ có thể bị đánh vào tay. Như đã nêu, điều này gây suy yếu (và đồng thời làm giảm độ linh hoạt) ở tứ chi, đồng thời khiến họ hạn chế sử dụng tứ chi. Cả hai dạng tắc nghẽn rò rỉ năng lượng và tiêu kiệt năng lượng đều gây lạnh ở tứ chi. Đối tượng bị tắc nghẽn thường cảm thấy rất dễ bị tổn thương tại những khu vực xảy ra rò rỉ năng lượng. Loại tắc nghẽn này thường gây ra vấn đề về khớp.
Việc một người phát triển những loại tắc nghẽn nào tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có tính cách và môi trường sống hồi bé. Tất cả chúng ta đều sử dụng kết hợp một vài loại tắc nghẽn này. Bạn ưa dùng những loại nào nhất?
Hệ thống phòng vệ năng lượng
Tất cả chúng ta đều tạo ra những tắc nghẽn bởi lẽ chúng ta nhìn nhận thế giới này là không an toàn. Chúng ta bị tắc nghẽn theo những khuôn mẫu liên lụy đến toàn bộ hệ thống năng lượng của chúng ta. Mục đích của hệ thống phòng vệ năng lượng này là nhằm đẩy lùi, bảo vệ chúng ta một cách quyết liệt hoặc thụ động trước một lực tác động từ bên ngoài. Chúng được thiết kế nhằm phô trương sức mạnh và nhờ đó mà xua đuổi đối tượng gây hấn, hoặc chúng được thiết kế nhằm gián tiếp thu hút sự chú ý của chúng ta trong khi không thừa nhận rằng đó là thứ chúng ta muốn.
Các ví dụ về hệ thống phòng vệ năng lượng mà tôi từng quan sát được minh họa ở Hình 12‒3. Các hệ thống phòng vệ này được sử dụng khi cá nhân cảm thấy tình thế nguy hiểm.
Ở hình thái phòng vệ “gai nhím” (thường có màu xám trắng), hào quang của đối tượng trở nên gai góc và gây đau nếu chạm vào. Nó sắc nhọn. Rất nhiều lần, khi tôi đặt tay lên người nào đó trong khi họ không muốn, tôi có thể cảm nhận được những cái gai chọc xuyên qua bàn tay mình. Hầu hết mọi người phản ứng với hệ thống phòng vệ này bằng cách lánh xa khỏi đối tượng.
Ở hình thái phòng vệ “thoái lui”, phần ý thức và hào quang của đối tượng đang bị đe dọa chỉ đơn giản là rời khỏi cơ thể dưới dạng một đám mây năng lượng màu xanh da trời nhạt. Đôi mắt họ trở nên đờ đẫn mặc dù họ giả bộ như đang chăm chú lắng nghe bạn.
Điều tương tự cũng đúng đối với người “lệch tâm”. Cấu trúc cụ thể này thường diễn ra lâu hơn cấu trúc thoái lui vốn có thể chỉ kéo dài khoảng vài giây cho đến vài tiếng. Biểu hiện “lệch tâm” thường kéo dài trong một khoảng thời gian lâu hơn, chừng vài ngày hoặc thậm chí hàng năm trời. Tôi từng thấy những người đã tách một phần khỏi cơ thể họ hàng năm trời do gặp phải cú sốc tinh thần nào đó hoặc được phẫu thuật hồi nhỏ. Tôi có một bệnh nhân là một cô gái hai mươi mốt tuổi đã được phẫu thuật tim hồi mới hai tuổi. Tôi đã tiến hành điều trị để hỗ trợ các trường năng lượng của cô yên vị vững chắc hơn trong cơ thể cô. Các cơ thể bậc cao của cô bị cắt rời ra một phần và lơ lửng bên ngoài, bên trên và đằng sau cô. Chính tình trạng cắt rời này khiến cô mất kết nối với các cảm giác của mình.
Dạng phủ định bằng lời nói gắn với rất nhiều năng lượng – thường có màu vàng – ở phần đầu, tình trạng tắc nghẽn trầm trọng ở cổ và một sự suy yếu năng lượng ở nửa thân dưới (thường nhợt nhạt và không chuyển động). Để giữ nguyên trạng thái, đối tượng tích cực sử dụng lời nói để duy trì đôi chút cảm giác mình đang sống. Sự trao đổi bằng lời này giữ cho năng lượng chảy ở phần đầu.
Dạng hút vào bằng miệng liên hệ chặt chẽ với dạng phủ định bằng lời nói ở chỗ nó có tác dụng hút năng lượng từ những người xung quanh hòng làm đầy trường của chính người này, vốn không thể được làm đầy từ môi trường tự nhiên quanh họ. Nói cách khác, khả năng chuyển hóa năng lượng orgone từ bầu khí quyển xung quanh của người này gặp trục trặc, thành ra anh ta cần năng lượng dễ hấp thụ từ người khác. Ta có thể cảm nhận dạng hút vào này khi ai đó nói luyên thuyên những mẩu chuyện vụn vặt nhàm chán và vắt kiệt sức người nghe, hoặc thấy nó trong đôi mắt trông như “máy hút bụi” của một số người. Những người này thích ở gần người khác dưới dạng giao lưu xã hội. Một số người lại có nhu cầu xả bớt năng lượng dư thừa (típ người khổ dâm) lại rất hợp kết thân với những người dạng hút vào bằng miệng. Cùng với nhau, họ thỏa mãn những nhu cầu của đôi bên một cách khá tốt đẹp. (xem Chương 13).
Dạng người mà tôi quan sát thấy có móc câu ở trên đầu thường có cấu trúc rối loạn nhân cách (biến thái nhân cách) và đang trong quá trình bị, chẳng hạn, một nhóm người nào đó cật vấn. Trong tình thế như vậy, họ cảm thấy vô cùng bất an và hình thành một “móc câu” ở trên đỉnh đầu. Nếu tình hình thực sự trở nên nguy hiểm, họ sẽ quăng “móc câu” vào bất cứ người nào mà họ xem là đối tượng gây hấn. “Móc câu” này thường kèm theo một tuyên bố bằng lời. Mặt khác, nếu típ người này muốn chất vấn người khác, họ rất có thể sẽ tìm cách túm chặt lấy đầu đối phương bằng năng lượng tâm trí. Đối phương có thể bị giữ trong trường năng lượng của họ cho đến chừng nào yên trí rằng luận điểm của mình đã được lắng nghe và chấp nhận đúng như mong muốn. Kiểu phòng vệ/tấn công này mang tính hăm dọa rất lớn đối với người nghe bởi lẽ, nhìn từ bên ngoài, người đó đang đặt vấn đề một cách logic, tiến từng bước vô cùng hợp lý để đi đến kết luận “đúng đắn”, thế nhưng thông điệp ngầm được truyền tải lại là người nghe liệu chừng mà đồng ý với họ. Kiểu trao đổi này thường kèm theo những hàm ý rằng người bị chất vấn là “xấu” và sai, còn người chất vấn là “tốt” và đúng.
Hình 12-3: Các hệ thống phòng vệ năng lượng
Dạng “xúc tu” thường rỉ ra chầm chậm, trơn láng, yên ắng và nặng nề. Chúng vươn tới đám rối dương của bạn hòng chiếm đoạt và lôi tinh chất ra ngoài, để những kẻ truy tìm sự an toàn vồ lấy ăn ngấu nghiến. Người này có đầy tinh chất của riêng mình nhưng lại không biết làm gì với nó, bởi lẽ họ cảm thấy cho phép nó chuyển động đồng nghĩa với nhục nhã. Do đó, họ rơi vào tuyệt vọng và thậm chí đánh mất mối tiếp xúc với tinh chất của chính mình. Người đó có thể tỏ thái độ thinh lặng, trầm ngâm được một lúc. Thế rồi các “xúc tu” hoạt động tại tinh chất của chính họ làm họ cảm thấy chán nản. Tuy nhiên ở bình diện năng lượng, sự trầm ngâm thinh lặng lại rất huyên náo. Người đó nổi bật lên trong một căn phòng đông đúc những người đang ra sức vui đùa. Chẳng mấy chốc, họ sẽ bị vây giữa những người mong muốn giúp đỡ họ, và theo một cách vô thức nhưng khéo léo và hòa nhã, họ sẽ cảm ơn từng người vì đã đề nghị giúp đỡ, nêu lý do tại sao sự giúp đỡ đó sẽ không hiệu quả và yêu cầu những đề xuất khác. Và trò chơi cứ thế tiếp diễn. Người dạng “xúc tu” cho rằng họ cần điều gì đó từ bên ngoài, nhưng điều họ cần là biết cho đi. Lúc này, họ có thể tìm cách dùng những mũi tên bằng lời nói để chọc tức người khác. Những mũi tên này không chỉ gây đau đớn bằng lời nói mà còn gây đau đớn bằng năng lượng, bay xuyên qua không khí và đâm trúng người nghe một cách hết sức chính xác và hiệu quả. Trong vô thức, người bắn cung hy vọng rằng điều này sẽ gây ra đủ đau đớn để kích động cơn giận, thứ rồi sẽ cho họ cái cớ để giải phóng cơn giận của chính bản thân mà vẫn tránh được bị bẽ mặt. Trong diễn biến tâm trí ngang bướng, chính xác này, họ tìm cách làm bẽ mặt người khác, đồng thời tránh cảm nhận những cảm giác ở nửa dưới cơ thể mình.
Người sử dụng dạng “hệ thống phòng vệ cuồng loạn” sẽ sung sướng phản hồi lại các “mũi tên” bằng sự bùng nổ dữ dội. Típ người cuồng loạn sẽ bùng nổ theo cách sẽ ném vào trường của tất cả mọi người những tia chớp và những quả bom màu sắc trong cơn điên tiết nhằm hăm dọa và răn đe bằng sức mạnh tuyệt đối của quyền lực và hỗn loạn. Mục đích của họ là dẹp yên cả căn phòng.
Người sử dụng kiểu phòng vệ “ngăn ranh giới” sẽ đơn thuần tách bản thân khỏi tình huống, trong khi củng cố và làm dày ranh giới của họ để không bị tác động. Do đó, thông điệp được truyền tải là thông điệp về sự ưu việt! Một người khác có thể chỉ đơn giản tuyên bố uy thế của họ bằng một sự phô trương sức mạnh/ý chí được kiểm soát tốt và xếp đặt vững chắc, điều này làm hào quang của họ căng phồng và sáng bừng lên, sao cho không cần phải thắc mắc ai là người nắm quyền ở đây và ai là người không nên bị quấy nhiễu!
Thực hành tìm hiểu kiểu phòng vệ chính của bạn
Hãy thử từng kiểu phòng vệ kể trên; bạn sử dụng kiểu phòng vệ nào? Hãy thử với một nhóm người. Mọi người dạo quanh phòng với mỗi kiểu hệ thống phòng vệ. Xem xét mức độ quen thuộc của mỗi kiểu. Trong những dịp khác nhau bạn sử dụng những kiểu nào?
Chắc chắn là có rất nhiều hệ thống phòng ngự khác được sử dụng. Ắt hẳn là bạn có thể tự mình suy ra một số hệ thống khác – những hệ thống bạn sử dụng và những hệ thống bạn bè bạn sử dụng. Điều quan trọng cần ghi nhớ ở đây là tất cả chúng ta đều sử dụng chúng, và chúng ta đều nhất trí, bất kể là có ý thức hay vô thức, tương tác với nhau theo những phương thức đó. Không ai bị ép buộc tham gia những tương tác này; chúng ta đều tự nguyện. Ở một chừng mực nào đó trong nhân cách của mình, chúng ta đôi khi còn cảm thấy thích thú. Chúng ta không cần phải hoảng sợ khi nhận ra những hệ thống đó ở nhau. Chúng ta luôn luôn có quyền lựa chọn phản hồi theo cách bao dung thay vì phòng bị. Chúng ta phải nhớ rằng luôn có lý do cho sự phòng bị của một người – đó là để bảo vệ phần dễ bị tổn thương nào đó của bản thân mà họ muốn kiểm soát và che giấu, bất kể là khỏi chúng ta hay chính họ, hoặc là cả hai. Chúng ta phát triển hầu hết những hệ thống này từ nhỏ. Như minh họa ở Chương 8, hào quang của một đứa trẻ không phát triển đầy đủ hơn gì so với cơ thể của nó. Hào quang này cũng phát triển và trải qua các giai đoạn khi cá nhân đó trưởng thành, và trong quá trình này, các khuôn mẫu tính cách cơ bản, thể hiện cả điểm mạnh lẫn điểm yếu, trở nên rõ ràng.
Điểm lại Chương 12
1. Kể tên và mô tả sáu loại tắc nghẽn chính.
2. Liệt kê các hệ thống phòng vệ chính và cơ chế hoạt động của chúng. Bạn sử dụng những hệ thống nào? Những hệ thống mà bạn sử dụng có hiệu quả không? Cách tốt hơn để bạn đối phó với những trải nghiệm sống của mình là gì?
Suy ngẫm
3. Hệ thống phòng vệ chính của bạn dựa trên hệ thống niềm tin cá nhân nào?
4. Cuộc đời bạn có thể đã tốt đẹp/tồi tệ hơn như thế nào nếu bạn không sử dụng hệ thống phòng vệ của mình?
5. Liệt kê các loại và vị trí của các tắc nghẽn mà bạn đã tạo ra trong cơ thể/hệ thống năng lượng của mình. Mỗi chỗ tắc nghẽn liên hệ với những trải nghiệm nào hồi bé?